Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Nhân Vật Phật Giáo Việt Nam


...... ... .

 

 

 


Thành Kính Tưởng Niệm
Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác
 

 

 

          

TƯỞNG NIỆM CỐ HÒA THƯỢNG
Thượng MÃN Hạ GIÁC

Viên tịch ngày 22-8 năm Bính Tuất

 

Vầng Đông đã lặn về Tây
Trần gian mãi một khôn khuây cõi lòng.

 

Hôm nay chúng con được tin Hòa Thượng vừa thâu thần thị tịch, xã báo thân để trở về nơi bổn quốc. Nơi đi về của những bậc đại lão tiền bối khi hạnh nguyện đã mãn, trách nhiệm độ sanh đã tròn.

Chúng con chỉ là hàng hậu học bé nhỏ sau này chỉ “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, không được cái duyên may diễm phúc để diện kiến đảnh lễ dung nghi đạo hạnh của ngài. Tuy nhiên khi còn ngồi ghế nhà trường con cũng nghe các vị Thầy, các vị Giáo Thọ đã từng ca ngợi, tán than công hạnh cũng như kiến thức uyên thâm của Ngài

Giờ đây, thuận thế vô thường Ngài đã quy Tây, chúng con bàng hoàng xúc động không khỏi bùi ngùi kính tiếc.

Hỡi ơi còn đâu nữa !

 

“Thân tứ đại trả  về cho tứ đại

Luật vô thường đâu ngại cõi nhân thiên

Thuận thế gian Ngài giáo hóa tùy duyên

Giờ giã biệt về miền Chơn Lạc Cảnh “

 

Kính lạy Giác Linh Ngài !

Cội tùng đà ngã bóng, Bậc Long Tượng xuất trần đã ra đi, áng mây trôi và trôi đi mãi nào ai biết bao giờ trở lại, cánh hạc vỗ cánh tung trời không in dấu.

Giờ này nơi Mỹ Quốc mây mù giăng phủ, biển đượm màu tang. Bao người đều ngậm ngùi rơi lệ kính thương tiếc nuối cho một vị Cao Tăng tài đức; một bậc anh tài xuất chúng suốt đời tận tụy hy sinh cho đạo pháp; Một ngòi bút lão luyện siêu phàm; Một rừng kiến thức Đông Tây; Một biển văn chương tuyệt tác.

Bao nhiêu tác phẩm thi ca, bao nhiêu trước tác dịch thuật, Ngài đã dâng tặng cho đời, cho nhiều thế hệ.

Hàng Tăng Ni trẻ chúng con nương nhờ ân đức, được thấy nghe thấm nhuần những dòng  pháp lạc vô biên, những vần thi ca vô giá.

Trong đó nỗi bậc bài thơ “ Nhớ Chùa “ do Ngài sáng tác vào năm 1949. Là một tác phẩm hiện thực, sống động đã đi vào nền thi ca văn hóa dân tộc.

Không phải riêng con mà hầu hết Tăng Ni, sinh viên đều ưa thích ngưỡng mộ.

Lời văn tuy đơn sơ bình dị, không cầu kỳ, không bóng bẩy trau chuốt, chỉ miêu tả một cách tự nhiên về sự vật, về thiên nhiên cảnh vật. Thế nhưng trong đó có những nét thuần túy độc đáo và cũng là một ấn tượng sâu sắc khắc vào tâm trí của chúng con mỗi khi đọc đến.

Hơn nữa, những Tăng sĩ du phương học đạo thì ai ai cũng đều mang một tâm trạng như nhau là “ Nhớ Chùa”.

Cho nên tác giả đã đánh vào tâm lý đó qua câu:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng “

Ở đây Ngài chỉ dùng có một từ “ Nhớ” thế mà nó đã hàm chứa tất cả, nhớ da diết, nhớ nao nao tất dạ. Tiếng chuông Chùa từ xa vọng lại khơi dậy tâm tư của người xa quê hương, xa xứ sở một nỗi nhớ lạ lùng.

Tuy tựa đề tác giả dùng hai từ “ Nhớ Chùa” rất ngắn gọn, rất đơn độc, nhưng tùy ở mỗi người suy diễn, có thể không hẳn là chỉ  nhớ có ngôi Chùa cổ kính nơi làng quê yêu dấu, mà trong đó phải có Thầy Tổ, có huynh đệ có tất cả và tất cả …

Vì phải có những vị Thầy đi trước mới nuôi nấng ta, hướng dẫn ta, phải có những bàn tay hiền dịu mới vỗ về ta.

Tất cả những kỹ niệm buồn vui đều gói trọn trong đó

Cho nên giờ này:

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung  “

Ngôi Chùa là chùa chung cho tất cả. Nơi đào tạo rèn luyện những con người xuất tục, nó được truyền thừa từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, chứ Chùa không dành riêng cho một ai, là mái ấm của cả đại gia đình .

Ngôi Chùa còn là xứ sở của giống nòi, là bóng mát thiêng liêng của nhân loại. Nơi che chở reo rắc niềm tin, nơi anh linh nương tựa.

Dù cho trãi qua bao giông tố, bao tang thương biến đổi, thì ngôi Chùa vẫn uy nghiêm, vẫn còn mãi trong lòng người.

Do đó Ngài đã kết đúc bằng hai câu cuối :

“ Mái Chùa che chở hồn dân tộc
                Nếp sống muôn đời của Tổ Tông “

 

 

Thích Nữ Như Tuyết
(Victoria, Úc Châu)

 

 

 

 


Trở về Trang Tưởng Niệm
Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác

 

---o0o---

Vi tính: Thanh Phi - Thanh Hạnh

Cập nhật: 15-10-2006

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com Trở về Trang Tưởng Niệm

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544