Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Thơ Văn Phật Giáo


...... ... .

 
 

Lời quê niệm Phật!

 

Niệm Phật là tu sửa mình, để rồi có thể giúp người thuận theo con đường chánh pháp. Sau khi có ít lời gởi đến Ông Tịnh Hải về việc chia sẽ hiểu biết về Niệm Phật, tôi có đọc được bài của Ông Bảo Quốc Kiếm. Bài Ông, nội dung nêu lên việc tôi chẳng thấy những sự kiện đi qua của Phật Giáo trong vấn đề dấn thân vào đời để hòa mình cùng khổ, cùng chia sẻ những biến cố đã xãy ra trong quá khứ và đến ngày nay, nên tôi đã nhận xét bài phân tích của Ông Bảo Quốc Kiếm phê bình Ông Tịnh Hải liên hệ về chính trị là không đúng. Ông BQK viết không sai, tuy nhiên tôi đã nói đây là chủ quan cái nhìn của tôi – có lẽ tôi đã không nhận rõ sự thể một cách rõ ràng trong những tác phẩm của Ông Tịnh Hải (về chính trị). Ông BQK vẫn đúng.

Trước khi vào lời, xin chân thành cảm tạ Ông đã cho tôi là trí thức và bao dung. Tôi thật sự chỉ biết niệm Phật, kiến thức bên ngoài thật sự yếu kém không tới đâu, nên trong việc đưa ý kiến (niệm Phật) với Ông Tịnh Hải mà khẳng định chủ quan, cho rằng điều Ông (Bảo Quốc Kiếm) không đúng lắm, thành ra phiền Ông phải góp ý với tôi, thật cám ơn Ông.

Sau đây là những lời thô thiển của tôi nghĩ về Phật Pháp, và cũng tâm sự một ít đến Ông Bảo Quốc Kiếm, qua cái nhìn của người niệm Phật như tôi. Trong thư viết về Ông Tịnh Hải, mở đầu tôi nói: “Phật pháp không có kẻ thù…” Đúng như vậy, bởi vì, nếu có kẻ thù thì sao gọi là Phật pháp - một giáo pháp nhìn tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Và người không hiểu hay chưa hiểu Phật pháp thì có quyền chống phá đàn áp (như những pháp nạn trong quá khứ và hiện nay) trở thành kẻ thù (theo thế gian), chớ nào Phật pháp thấy là kẻ thù! Cho nên Phật pháp không thấy có.

Nếu bảo Phật pháp phải nhận định đâu là kẻ phá rối Phật pháp thì, việc lại hóa ra đó là ngịch cảnh phương tiện luyện tâm, hành khổ đi đến dứt nghiệp chứng chơn.

Tuy nhiên nói như vậy, đó là hiểu theo tư tưởng đại thừa của bậc liễu đạo sâu, riêng hàng căn cơ trung, hạ như chúng ta khó thể hành xử được như đại Bồ Tát, thành ra nếu không nhẫn được với kẻ thù, thì nên tránh đừng chơi với kẻ thù, cách đừng chơi đã là nhận định được người nào là thù là bạn rồi.

Nhưng Bồ Tát lớn có khi lại thị hiện phương tiện chống trả, đánh giết kẻ thù để cảnh tỉnh kẻ thù, mà cuối cùng rốt ráo kẻ thù phải giác ngộ đi theo Bồ Tát. Như thế Bồ Tát đã dùng phương tiện từ bi thật thiện xảo, mà người không hiểu Phật pháp chẳng thể chấp nhận. Nếu nói ‘kẻ thù’ chết rồi sao lại độ được! Vẫn độ được, vì chết dưới tay Bồ Tát để ngừng hành nghiệp, thay vì phải chất chồng nghiệp sát tiếp theo. Tiền thân Đức Phật đã có kiếp phải ra tay sát sanh, đổi lại cứu cả trăm người. Lại trong kinh Niết Bàn phẩm Kim Cang Thân, có đoạn kể về công đức của người hộ pháp không kém gì một vị chân tu. Vị hộ pháp đó đã cầm khí giới ngăn chặn đánh giết kẻ thù để hộ trì Tăng Bảo. Như thế người cư sĩ trong tinh thần Bồ Tát đạo xưa nay, đã từng có mặt trên mọi nẻo đường thời đại để cứu nguy Phật pháp, các vị đó đã là hộ pháp rồi. Cho nên nhà Phật thường nói Từ Bi phải có Trí Huệ, nếu chỉ có Từ Bi thì đó là người ngu tốt bụng không hơn không kém, vậy thì Trí Huệ là sự ứng xử qua vô số hình thức, hành hoạt của mỗi người, như có thể làm thinh, có thể lên tiếng, có thể chống trả, có thể nhẫn nhục, có thể phản kháng v.v…Do đó căn cứ vào nền tảng từ bi và trí tuệ của nhà Phật thì danh từ kẻ thù không giống như thế gian.

Nói về chính trị, thì Phật pháp là nền chính trị tuyệt vời; nếu diễn theo nghĩa của chính trị : gọi chung những việc sắp đặt và thi hành để sửa trị một nước. (Hán Việt Từ Điển – Đào Duy Anh). Dĩ nhiên phải hiểu trị nước trong chánh nghĩa, chánh đạo đưa dân đến ấm no lành mạnh. Thế thì có một phương pháp an dân, an quốc nào bằng cách tu sửa chính mình để xây dựng gia đình, xã hội, quốc gia đất nước, lan rộng đến toàn cầu (chân lý phổ quát). Vậy có thể nói Đức Phật là nhà chính trị tuyệt vời, và nếu con người trên thế giới mà biết học theo lời Ngài dạy thì thật quá tuyệt cho hành tinh chúng ta (học Bát Chánh Đạo). Còn nếu chính trị lập ra theo dục vọng tham cầu đảng phái mị dân hại nước, thì đây không đúng nghĩa chính trị – Chính: đối lại tà phái, và thuận với ánh sáng công lý (chân lý); Trị: việc đương làm , như . Sửa sang công việc,…(Từ điển Hán Việt ĐDA).

Cho nên nếu biết lấy giáo pháp của Phật mà làm chính trị thì khỏi phải chê đâu cả, ngược lại dùng tham vọng cá nhân, cũng được gọi làm chính trị nhưng sẽ thế nào? Tất nhiên hậu quả thật ghê gớm từng xãy ra trong quá khứ và hiện nay, điều này ai cũng biết (Đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến).Và tất nhiên lịch sử cũng không ít chính trị gia đã hành đúng chính trị mà chẳng phải là Phật tử, tuy nhiên các vị này đã mặc nhiên hành đúng điều thiện Phật pháp (chân lý), vì người hơn là tự ngã.

Trong bài viết tôi lại có nói “…xót xa cho thời Phật pháp bây giờ” đó là nhắm ngay vào Ông Tịnh Hải, vì một pháp môn Niệm Phật tuyệt vời như vậy, mà Ông xem như là món hàng quảng cáo chẳng khác thế gian. Tuy nhiên tôi không thể phủ nhận, Ông vẫn có công đức ban đầu đã tạo được một số người niệm Phật cầu vãng sanh (không phải cầu xá lợi). Đó là ý của tôi nói về công đức, nhưng đó là lúc đầu tay của tác phẩm “những chuyện vãng sanh lưu xá lợi”, chứ bây giờ thì khác, vì ông đã đi quá đà rồi.

Thôi bấy nhiêu lời chia sẻ đến tất cả, và đây là lời thành thật theo thiển cận của tôi, qua cái nhìn của người niệm Phật, theo giáo lý từ bi, trí tuệ chứ không phải bao dung mà tôi quên đi chánh pháp (chính trị theo chân lý phổ quát).

Có thể từ lá thư này hôm nay, tôi xin nghỉ đối thoại tâm sự, nếu không có gì ngoài việc góp ý niệm Phật. Và như tôi không tìm ra ý mới, xin miễn bàn thêm và tự nhận rằng mình hiểu biết nông cạn, trí thức mê mờ nên xin an lòng niệm Phật cầu nguyện cho mọi người đều hạnh phúc an vui.

Trân trọng và kính mến.

 Sydney, 14/02/2004

Quảng Trí

 

 --o0o--

Cập nhật : 01-03-04


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Diễn Đàn

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com