Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Nếp Sống Đạo


...... ... .

 

Tam Bộ Nhất Bái
Nguyên Bản: Three Steps One Bow
Tập hồi ký của
Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do

Heng Ju & Heng Yo
Buddhist Text Translation Society

 

 

Lời Tựa 

Ngày xưa những bậc Tiền Bối Thánh Hiền tại các nướcĐông Phương thường biểu hiện sự nguyện cầu thành kính của mình qua những nghi thức gian khổ như "Tam bộ nhất bái" (đi ba bước lạy một lạy). Ngày nay chúng ta đang ở vào thế kỷ hiện đại, đầy dẫy vật chất dục lạc, thế mà lại xuất hiện những tâm hồn cao thượng hiếm hoi, đã quan tâm đến vận mạng chúng sanh, không quản ngại khó nhọc, học theo hạnh người xưa thực hiện theo nghi lễ ba bước một lạy hầu cầu nguyện cho thế giới hòa bình.

Vào những năm chiến tranh bùng nổ, nhiều dân tộc trên thế giới đã phải chịu nhiều cảnh ly tan tử biệt. Việt Nam mt quốc gia nhỏ bé cũng không tránh khỏi cảnh loạn lạc lầm than, khiến dư luận xôn xao một thời. Trong những lúc khổ đau cùng đường tuyệt vọng, tinh thần sa sút, người ta chỉ còn một cách duy nhất là cầu nguyện. Đây cũng là lúc lòng tín ngưỡng tôn giáo của mọi người được phát triển một cách mạnh mẽ .

Qua tập truyện hồi ký sinh động nầy, độc giả sẽ cùng hai vị Sư người Mỹ, đệ tử của một Hòa Thượng Trung Hoa là Ngài Tuyên Hóa, thực hành một chuyến bái hương 10 tháng từ San Francisco đến Seattle. Một Thầy phát nguyện đi ba bước một lạy, để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, một Thầy phát tâm đi theo hộ trì. Trên khoảng đường hơn một ngàn dặm, quý vị cùng chia sẻ với hai Thầy những đêm đen gió rét, những mưa bão hiểm nguy, hay những trưa hè oi bức, những lời chọc phá, và cũng sẽ thông cảm với những lúc tâm tư phiền não khởi lên từ những tập khí phàm tình. Cho thấy rằng dù phải đối diện với bao thử thách khó khăn, nhưng hai Thầy cũng vẫn dũng mãnh quyết tâm hoàn thành ý nguyện. Hai Thầy đã không quản ngại bao cực khổ, biết nhận khuyết điểm bản thân, và không hề lung lạc bởi những lời chỉ trích phản đối, hay những thuyết phục chuyển đạo. Chuyến bái hương nầy đã nói lên lập trường cứng rắn, và tinh thần tu tập sửa đổi theo chánh đạo của hai Thầy. Ôi! Cả hai nghĩa cử thật đáng quý, thật cao thượng biết bao! Những việc mà chúng ta còn không dám nghĩ đến huống chi là ra công thực hiện.

Chúng ta còn cảm nhận được lòng từ kính, giáo dưỡng chân chánh tu hành của một bậc làm Thầy đã tận tụy tâm sức, khuyến khích, dẫn dắt đám đệ tử cho đến khi viên thành ước nguyện. Ngoài ra chúng ta cũng khó quên những kỷ niệm răn nhắc thâm trầm đượm đầy tình nghĩa thầy trò. Nhờ ảnh hưởng đức hạnh của Ngài mà tánh tình các đệ tử Mỹ cũng thay đổi trong sự kính phục sâu xa. 

Tam Bộ Nhất Bái được diễn tả qua lối thiền quán, phương pháp dụng công của hành giả, hầu dẹp tan mọi vọng tưởng, để nhất tâm chí thành cầu nguyện cho thế giới bình an. Thật lý thú để biết các phản ứng của mọi người khi chứng kiến việc cầu nguyện - ba bước một lạy - một hành động rất đổi xa lạ đối với dân Tây phương trên xứ Mỹ nầy. 

Ban Phiên Dịch Việt Ngữ

 

          

Lời Giới Thiệu Của Hằng Cụ  
 

Cuối năm 1973, do nhiều nhân duyên đưa đến khiến tôi quyết định thực hiện một chuyến bái hương. Phần vì trước đây tôi được nghe câu chuyện của một lão Thiền sư Trung Hoa, Hòa Thượng Hư Vân, người đã trải qua chuyến bái hương bằng đường bộ xuyên ngang lục địa Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ 20. Trong khi đi, cứ mỗi ba bước Ngài cúi đầu sát đất lạy một lạy và cứ thế kéo dài trong suốt sáu năm trời. Kết quả là Ngài đã Tam Bộ Nhất Bái tổng cộng được ba ngàn dặm đường (tức là hơn bốn ngàn tám trăm kí-lô-mét). Nếu so ra thì bằng khoảng chiều ngang của Trung Quốc. Trong suốt cuộc hành trình nầy, Ngài đã phải đương đầu với bao thử thách khó khăn, cũng như phải cam chịu những cảnh khổ sở vì đói khát và lạnh lẽo, nhưng Ngài không bao giờ thối chí. Cuối cùng Ngài đạt đến cảnh giới "nhất tâm." Nghĩa là Ngài có thể làm dừng lại tất cả những vọng tưởng lăng xăng, và cảm được tâm tĩnh lặng sáng suốt mà trước đây Ngài chưa bao giờ chiêm nghiệm được. Chuyến bái hương nầy cũng đã ảnh hưởng thật sâu sắc đối với những người Ngài đã gặp.

Câu chuyện về cuộc hành trình của lão Hòa Thượng Hư Vân là mối duyên khởi tiếp tục nẩy nở trong tôi. Tôi lại sẵn có bản tánh ưa thích mạo hiểm, cho nên sau nhiều năm làm cư sĩ rồi xuất gia ở một tu viện Phật Giáo, tôi cảm thấy đã đến lúc sẵn sàng để làm một chuyện thay đổi nho nhỏ. Cho nên kể từ đó, tôi bắt đầu có ý nghĩ thực hiện một chuyến bái hương ngay nơi nước Mỹ.

Lịch sử thế giới có ghi lại rất nhiều chuyến hành hương về tôn giáo. Hầu hết sự phát khởi của những chuyến đi nầy là vì đương thời đang có nhiều cuộc đấu tranh và tình trạng đạo đức đang bị suy đồi, nên con người tìm cách để biểu lộ tư tưởng, để diễn tả lòng tín ngưỡng của họ. Rồi có những vị dần dần đạt đến sự an lạc và tỉnh giác, họ tìm cách chia sẻ những kinh nghiệm đó với nhân loại. Vì vậy, khắp trên thế giới đã có vô số chuyến hành hương: bằng ngựa, đường bộ, hay bằng xe buýt, gồm từng nhóm đông hoặc từng cá nhân. Tôi cảm thấy hoàn cảnh đã đến lúc chín muồi, và đây là dịp để tôi góp phần vào một đại nhân duyên: Cầu cho thế giới hòa bình.

Đây cũng là cơ hội thật tốt khiến tôi tăng tiến trên đường tu tập Phật Pháp. Vì trong lúc thân quỳ lạy trên đường cầu nguyện cho thế giới hòa bình, tâm tôi cũng nguyện luôn cố gắng giữ vững hạnh Lục Độ của Bồ Tát: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Càng nghĩ, tôi càng quyết tâm hơn.

Tôi không nói cho ai biết về quyết định chuyến lễ bái nầy, vì nghĩ việc nầy chẳng có dính líu với ai hết thì cần gì phải nói chứ? Cho đến ngay cả Sư Phụ tôi cũng không thưa qua.

Rồi khoảng đầu tháng mười, vào một đêm khi mọi người đã yên giấc, tôi chuẩn bị túi hành trang gồm vài cuốn sách, thức ăn, quần áo và bắt đầu lạy từ cửa chùa ra ngoài, dọc theo con đường 15, cách lề đường khoảng một tấc. Tôi bước ba bước dài rồi cúi quỳ đặt hai tay và đầu sát đất. Lúc bấy giờ trời thật tối, nền đường xi măng thật lạnh, đường phố lại vắng tanh, khiến tôi cảm thấy hơi kỳ hoặc.

Túi hành trang nặng khoảng ba chục pound (hơn 13 ký rưỡi) lại là vấn đề trở ngại, vì cứ đến mỗi bước thứ ba là tôi phải liệng nó ra phía trước thì mới có thể cúi lạy xuống được. Tuy nhiên với cách lạy nầy khiến tôi hăng hái vô cùng, vì đây là một cuộc luyện tập quá sức tưởng tượng. Tôi lạy đều đặn để tiến nhanh trên quảng đường và cũng để có thêm kinh nghiệm càng nhiều càng tốt trước khi trời sáng.

Lạy được một lúc, các động tác hình như đã thuần thục, nhưng trong thâm tâm thì còn đầy những ý nghĩ lảng vảng như:

"Trời ơi! Trong đời mình đã từng làm những chuyện lạ đời khó giải thích, nhưng lần nầy mới thật là gay go nhất."

Tôi tiếp tục lạy, quẹo mặt trên đường Dolores, băng qua đường Market, xuyên ngang bãi đậu xe của siêu thị Safeway rồi tiến về phía cầu Golden Gate. Trời vừa sáng thì tôi đã vào đến trung tâm khu Do Thái vùng Tenderloin. Thành phố như đang bừng sống dậy. Tôi cũng nhận ra sự hiện diện của cảnh sát vùng San Francisco, hình như họ đã theo dõi tôi qua nhiều con đường. Tôi cũng tưởng tượng được họ đang nghĩ gì về mình.

Đến trưa thì lên tới đỉnh đồi Russian. Tuy lúc bấy giờ có rất nhiều người đã nhìn thấy, nhưng chưa có ai nói gì đến tôi cả. Đa số là họ chỉ biết há miệng, nhướng mắt nhìn tôi châm bẳm. Có một bà đang lái chiếc Chrysler màu trắng, vừa chạy ngang qua tôi ở giữa ngã tư đường, bỗng thắng gấp và la lên:

"Ối, Chúa tôi!"

Tôi cố hết sức để tập trung tinh thần, đồng thời gạt bỏ những cơn xấu hổ và tiếp tục tiến lên lề đường. Lúc nầy trong tận cõi lòng tôi ẩn chứa những cảm xúc hỗn độn, những tư tưởng rời rạt, rồi chợt lóe lên một tiếng cười bẽn lẽn.

Sau bữa trưa qua loa với cơm nguội và rau dại mọc bên lề, tôi tiếp tục lạy xuống đồi Russian. Đến chiều tối thì tới công viên nhỏ gần phía vào cổng cầu Golden Gate. Vậy là tôi đã lạy được năm miles (khoảng 8 km).

Cảm thấy mệt quá nên tôi tìm một gốc cây để dựa lưng, nhưng lại ngủ liền tức khắc. Được khoảng vài giờ, sau khi thức dậy, tôi cảm như không phải là mình trước đây nữa, vì toàn thân như đã kiệt quệ không còn sức lực. Lúc nầy lòng tôi tràn đầy mối kinh hãi. Trước đây tôi cũng đã từng có những cảm giác lo sợ, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy quá căng thẳng như bây giờ. Thật không thể nào tiếp tục được như vầy nữa. Tôi ngước nhìn về cái hồ nhỏ phía trước, có những con ngỗng đang bơi lội, chung quanh là những bụi cây xinh xắn, xa xa có những cặp tình nhân tay trong tay dạo quanh bờ hồ. Ôi! đã ba mươi tuổi đầu mà tôi đã xa rời thực tại như thế nầy! Sao tôi lại có thể đi ngược lại với nếp sống bình thường? Quỳ lạy cho hòa bình thế giới! Một kẻ mất hồn như tôi làm sao có thể giúp cho thế giới hòa bình được chớ?

Ngồi đây với tâm trạng chán nản, trong bộ y phục theo kiểu triều đại đời Đường, với cái đầu mới cạo láng bóng, tôi bắt đầu hồi tưởng lại cuộc đời mình.

Tôi được sinh trưởng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Mặc dầu được sanh ra trong một gia đình rất đàng hoàng, nhưng tôi luôn luôn là đứa bé hoang tàng nhất xóm. Nếu không thấy tôi ra ngoài gây lộn xộn phá phách, thì các vị có thể bắt gặp tôi đang bận đắm chìm trong thế giới mộng mơ. Nơi đó, trong những chuyến ảo tưởng, tôi thủ toàn những vai anh hùng nổi tiếng. Tôi đã thắng nhiều trận đua xe quốc tế. Có vô số lần tôi hạ ngã tên du côn ở trường trung học để giải cứu cô bạn gái của hắn, một người múa cổ võ (cheerleader) cho đội banh ở trường. Đã thế, tâm tôi lại cứ mơ mơ mộng mộng vẩn vơ, vậy mà tôi vẫn được tốt nghiệp trung học một cách thành công không khó nhọc chi cả.

Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đánh liều đăng ký sáu năm vào ngành phục vụ cho tàu ngầm (Tiềm Thủy Đĩnh) Hải Quân Hoa Kỳ ở vùng Thái Bình Dương. Tàu tôi với biệt danh là U.S.S. Rock (Khối Đá), đã từng qua lại những hải cảng ngoại quốc dọc theo vịnh Thái Bình Dương, nhờ vậy tôi có dịp thực hiện được một số kế hoạch cuồng dại nhất. Tôi làm việc trong phòng máy rất chật hẹp và nóng bức, với trách nhiệm duy trì ba mươi tấn dầu GMC Diesels và hai bình lọc Badger cũ rít để máy chạy điều hòa. Đôi lúc tôi đóng vai thợ lặn dưới gầm tàu bọc sắt nặng khoảng hai ngàn tấn để làm những cuộc sửa chữa lý thú. Tôi thật thích cuộc sống trong chiếc tầu ngầm nầy, nhưng những ngày cuối tuần lên bờ lại là những ngày suy đồi của tôi. Trong bản báo cáo của các sĩ quan trong ban chấp hành đã viết:

"Anh Tim Testu thật là một nhân viên rất hữu ích cho cả đoàn tầu, nhưng bù vào những phục vụ xuất sắc đó lại là những hạnh kiểm đáng sợ của anh ta lúc lên bờ."

Có lần tôi cùng anh Frank Messerli, sau một đêm dài nhậu toàn rượu mạnh, chúng tôi rủ nhau ăn cắp chiếc ca-nô của hạm đội hải quân thuộc hoàng gia Phi Luật Tân. Khi đang trên đường ra khỏi hải cảng, chúng tôi mới thấy có hai chiếc tàu thủy lôi đang rược đuổi theo sau. Cũng hên là chúng tôi đánh lạc hướng họ bằng cách lái thẳng ra vùng nước cạn. Lúc chúng tôi đem chiếc ca-nô nhỏ đó về đến bến thì thấy có khoảng năm chục ông cùng nhiều vị sĩ quan mặt mày hầm hầm, chờ sẵn chúng tôi từ lúc nào. Tôi không nhớ là mình đã lèo lái ra sao, nhưng chiếc ca-nô đã vọt hết tốc lực vô gần sát bờ rồi lại cấp tốc vụt quầy trở ra. Lúc đó chiếc ca-nô nhỏ bé rúng động, kêu vang ỏm tỏi, phun ra luồng khói đen lớn lan trùm cả một vùng nước xanh trong vắt. Cuối cùng nó dừng lại thật tuyệt hảo, chỉ cách hải cảng vài phân. Mấy anh trên bờ khoái chí hoan hô ầm ĩ, trong khi mấy ông sĩ quan không có vẻ gì là hoan hỉ. Rốt cuộc ngay hôm đó, chúng tôi bị kêu án hai tháng tù giam. Đó là một kiểu trốn đi chơi thôi. Nhưng bù vào, tôi lại nổi bậc trong trách nhiệm phận sự, nên có hồ sơ rất tốt về vấn đề phục vụ và được giải ngũ trong danh dự vẻ vang.

Sau khi trở về Mỹ, tôi hòa vào cuộc sống ồn ào, hỗn độn của cuối thời đại sáu mươi. Tôi học thêm chút ít ở đại học, sau đó thì làm đủ nghề như: thợ mộc, thợ máy đường rầy, thợ lặn, và ngay cả làm đầu bếp nấu ăn cho một nhà hàng topless "hở hang" (từ trong nhà bếp tôi chẳng thấy gì cả). Tôi làm việc cũng khá lắm, nhưng trong lòng lúc nào cũng nặng quằng một nỗi cô đơn, chán nản. Rồi tôi buông mình vào hút sách, bị thất nghiệp và kết bạn với những kẻ không ra gì. Cũng may, không bao lâu tôi thoát ra được lối sống đó, rồi gia nhập vào một cộng đồng có lối sống vô trật tự gần chân núi Rainier ở Washington. Sáu tháng trời sống tại đó, tôi đã không màng gì đến thế giới bên ngoài, cho đến khi cả cộng đồng bị cơn hỏa hoạn cháy rụi.

Khi tôi hai mươi lăm tuổi, nỗi u uẩn trong lòng dâng đến cao điểm, may thay tôi tìm được một ngôi chùa nhỏ ở San Francisco, nơi Phật Giáo đang được truyền vào nước Mỹ. Tôi như đang đi vào một hang động chứa toàn bảo vật, mà hang động đó chính là tâm thức tôi, còn bảo vật kia chính là giáo pháp đa dạng. Điều quan trọng nhất là tôi đã tìm được một vị Thầy tài đức thật sự. Đó là một lão Thiền sư Trung Hoa, cũng là vị Tổ kế thừa Tông Thiền Quy Ngưỡng. Ngài đã truyền vào xứ Mỹ tất cả những thuần túy của Phật Giáo Đại Thừa gồm: Giáo Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Luật Tông và Thiền Tông. Tôi thấy được Ngài là vị gương mẫu sống động, với đầy đủ những phẩm hạnh cao quý, không những chỉ ở Phật Giáo mà còn gồm cả Lão và Khổng giáo nữa.

Trong buổi đầu tiên diện kiến Sư Phụ, lòng tôi dồn dập dâng trào những tình cảm vô cùng hỗn tạp. Theo giáo pháp của Ngài, là dù ở bất cứ trong trường hợp nào cũng đừng để tâm bị chi phối hay lay chuyển. Nhưng qua thái độ của Sư Phụ, Ngài như đã hiểu thấu tận tường những nỗi suy tư trong lòng tôi, khiến tâm tôi được dịp bộc phát tuôn trào như vòi nước. Lúc đầu, sự xúc động tuôn ra thật hừng hực, nóng bỏng, rồi mới từ từ nguội lạnh dần. Lòng tôi cảm thấy yêu thương chan chứa và kính phục Sư Phụ vô cùng. Trí huệ của Sư Phụ cùng lòng từ bi, tánh vui vẻ, khéo léo, đúng giờ giấc, sự am tường về bản tánh của con người, cộng thêm cái nhìn thấu triệt sự vật và những khả năng diệu dụng không thể nghĩ bàn khác, đã khiến Ngài nổi bậc hơn so với những vị thầy khác ở nước Mỹ. Điều đó không có gì thắc mắc cả.

Theo truyền thống, vào mỗi buổi tối Sư Phụ đều thuyết pháp, những gì chúng tôi được nghe thật là tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Nơi đó, trong căn phòng thoang thoảng mùi hương, với khoảng trên dưới ba mươi người, tôi đã nhiều lần cảm nhận được mùi vị pháp hỷ đến rơi nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã gặp được một người hiểu rõ tận tường, thật sự quan tâm đến nỗi lòng u uẩn của tôi, lại là người có thể dẫn dắt tôi đến nơi cứu cánh rốt ráo.

Không bao lâu, rõ ràng là dù chuyện quá khứ, hiện tại hay tương lai gì đi nữa, Sư Phụ hầu như đọc được tất cả những tư tưởng lớn nhỏ của chúng tôi. Ngài rất ít khi rời khỏi hậu liêu, nhưng luôn luôn biết những chuyện đang xảy ra, để rồi đến giờ thuyết pháp Ngài lại đề cập đến. Phương pháp giảng dạy của Sư Phụ thật sâu sắc, như có thể xé tan bức màng đen tối, và giải quyết trực thẳng những vấn đề mà chúng tôi thường tự mình tạo nên. Đôi khi Sư Phụ cũng quở trách thật gắt gao.

Có lần Ngài bảo: "Ta không la rầy các con, ta chỉ quở mắng những bọn ma quỷ trong tâm các con mà thôi."

Phần lớn, Ngài dành rất nhiều thì giờ giảng dạy cặn kẽ về những căn bệnh của tham chấp, tính toán, rồi chỉ cách để chúng tôi đối trị.

Trong năm đầu tu học Phật Pháp, tôi đi làm nửa buổi với công việc phụ quét dọn cho một bệnh viện dưỡng lão Do Thái ở San Francisco. Vì mục kích những cảnh đau khổ, bịnh hoạn và chết chóc, tôi có ấn tượng thật mạnh mẽ về sự hư ảo của lối sống chỉ biết có mình. Thấy rất rõ người Tây Phương chúng tôi, mặc dầu rất am tường về cuộc sống, nhưng lại không biết gì về việc chuẩn bị cho sự ra đi, rời bỏ thế gian nầy. Chúng ta mãi lo ôm giữ hàng ngàn bảo vật huyễn hóa và đến phút cuối cùng, trong tuyệt vọng, cũng vẫn cố bám chặt vào chúng. Tôi cảm thấy đạo Phật có thể giúp chúng ta dự bị đúng đắn cho sự chuyển tiếp quan trọng nầy. Sau một năm làm cư sĩ, tôi phát nguyện xuống tóc thành chú Sa Di. Năm sau, 1972, tôi chánh thức thọ Cụ Túc Giới và trở thành một Tỳ Kheo Phật Giáo.

Nhờ sống ở chùa nên tôi dần dần thay đổi rất nhiều. Tôi bắt đầu ngủ ngồi và mỗi ngày chỉ ăn một bữa ngọ. Điều làm tôi ngạc nhiên là thực hành theo cách tu "khổ hạnh" nầy không đến nổi khó khăn như tôi tưởng, vì sau một thời gian thực tập đều đặn, nó tự nhiên trở thành thói quen. Tôi nghĩ chắc đó là lý do mà thiền tông nói: Khổ tận, cam lai - hết khổ đến vui. Trong chùa có nhiều vị còn tu khổ hạnh hơn tôi nhiều. Có vị chỉ ăn rau cải sống, có vị không đụng đến tiền bạc và có những vị hành trì theo những phương pháp khó khăn khác. Nhưng tất cả chúng tôi đều được học giáo lý của đức Phật từ những Tạng Kinh. Ngoài ra, hằng ngày chúng tôi cũng có thời khóa để hành thiền và chấp tác. Cuối năm 1970, chúng tôi dọn về một công xưởng làm nệm rất cũ kỹ thuộc vùng Mission, sau đó được sửa chữa lại thành Kim Sơn Thánh Tự như ngày nay .

 

Và bây giờ, sau ba năm ở chùa, tôi đã rời bỏ gia đình, nghề nghiệp và luôn cả giấc mộng tương lai lúc trước. Hôm nay tôi lại rời bỏ tu viện, bỏ cả Thầy, để thực hiện chuyến bái hương kỳ lạ nầy, hầu mong tìm đến một mục đích khó thành. Ngồi đây trong công viên nhỏ gần cầu Golden Gate với tâm trạng ngấm ngầm lo sợ, tôi không thể tưởng tượng nổi rằng, ngay từ lúc đầu sao mình lại có thể khởi sự được. Tôi cúi lượm túi hành trang, lủi thủi lê gót trở về chùa.

Tôi trở lại ngay với những hoạt động bình thường. Không một ai hay biết gì đến việc tôi đã vắng mặt. Tuy cố tìm vui vào các sinh hoạt ở chùa, nhưng tâm tư như cứ ở tận đâu đâu, cứ nghĩ mãi đến hình ảnh của ngày lễ lạy vừa qua. Mặc dù với bao vọng tưởng và những mối nghi ngờ, tôi cũng đã thực sự lạy được năm dặm đường. VớI chút kinh nghiệm đó đã cho tôi một ấn tượng sâu đậm tận cõi lòng, không sao diễn tả được. Sau đó chẳng bao lâu, tôi quyết tâm thực hiện một chuyến như vậy nữa.

Tuy nhiên, lần nầy tôi dự tính khôn ngoan hơn một tí và cũng bớt đi phần nào bí mật. Tôi tiết lộ nguyện vọng của mình với Sư Phụ, đồng thời cầu xin Ngài chỉ dạy và giúp đỡ. Mới nghe qua, Sư Phụ tỏ vẻ thích thú và hoan hỉ về ý nguyện nầy, rồi Ngài còn ban cho những lời khuyến khích, khiến lòng tôi tràn ngập niềm rung cảm với cái mà Thiên Chúa Giáo gọi là Thánh Linh ỐHoly Spirit. Sư Phụ dạy: Con đường tốt nhất để am tường các pháp là chịu đựng được những hạnh khó hành, "Làm những việc mà người khác không chịu làm, nhẫn những chuyện mà không ai nhẫn nổi, tất cả chỉ có vậy thôi!" Sư Phụ đề nghị tôi nên chờ hai tuần nữa để khởi sự vào ngày 16 tháng 10. Rồi một buổi tối vào giờ giảng pháp, Sư Phụ thông báo nguyện vọng của tôi, trong bầu không khí im lặng, sự nghiêm trọng như phủ xuống cả căn phòng. Khi Sư Phụ nói:

"Hằng Cụ sẽ thực hiện chuyến bái hương một ngàn dặm để cầu cho hòa bình."

Nghe vậy tôi cảm thấy hớn hở làm sao. Lời Ngài tuyên bố như một ủy quyền mạnh mẽ, ra vẻ như bảo đảm một sự thành công. Kể từ đó, tâm hồn tôi như rơi vào cảnh giới thật thư thái và mọi người cũng có vẻ thích thú về ý kiến nầy. Tôi đón nhận những lời khích lệ và nhiều tặng phẩm như: thức ăn, quần áo, dụng cụ cắm trại v.v... Sư đệ Hằng Do với tên đời là David Bernstein, trước cư ngụ ở Providence thuộc vùng Rhode Island, đã tự phát tâm ủng hộ theo tôi để phụ mang hành lý.

Cuốn nhật ký nầy ghi lại những cảm nghĩ và sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi trong chuyến lễ bái cầu cho hòa bình thế giới. Những lời nầy đã được nhuận sắc và viết lại từ bản chánh mà sư Hằng Do đã hết sức cẩn thận cất giữ trong suốt chuyến đi. Tất cả những gì xảy ra đều có thật và tên họ không hề bị thay đổi. Chỉ riêng về cái nhìn tổng quát hơi khác khi chúng tôi kiểm lại chuyến đi vừa qua.

Xin đại diện luôn cho sư Hằng Do, chúng tôi nguyện đem công đức của chuyến bái hương nầy, hồi hướng cho chúng sanh trong khắp vũ trụ, mong cho tất cả cùng nhanh chóng đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

Lời Giới Thiệu Của Hằng Do

Tôi lớn lên với hai người anh trong hoàn cảnh khá tốt nhờ cha mẹ làm việc vất vả cấp dưỡng. Lúc nhỏ, tôi thích hoạt động, nhưng tánh tình khó chịu hay chống đối, nói chung đó cũng là chứng tánh của lứa trẻ đương thờị Cuộc đời tôi đôi lúc cũng bị hạn chế bởi những chuyện phiền phức nho nhỏ do tự tôi gây rÕ

Nhớ có lần trong buổi tụ họp ở trường tiểu học, tôi cố ý đánh vần ngược tên ông hiệu trưởng. Vừa đúng lúc ông đi ngang qua, thấy tôi đang cười to ngắc nghẻo với cái tên đánh vần ngược, nghe dị hợm đó. Rốt cuộc chuyện nầy không còn mắc cười nữa, khi tôi bị nhốt vào văn phòng hiệu trưởng.

Nhưng cũng có lúc vui vẻ, như vào mùa đông cả gia đình tôi đi trượt tuyết ở New Hampshire, hạ đến thì anh em bọn trẻ chúng tôi được nghĩ hè ở vùng Main xinh đẹp. Tôi sống vô tư qua mười tám mùa thay đổi ở New England, cho đến khi rời nhà để vào nội trú trường đại học thực nghiệm nhỏ, vùng ngoại ô Michigan. Nơi đó tôi đã bị ru ngủ bởi những ảo tưởng thú vị của tự do như: Tự ý muốn ngủ trể chừng nào cũng được, hay bất cứ lúc nào muốn ăn gì cũng được và không bị ai sai bảo chị Nhưng đến năm học thứ nhất gần mãn thì sự hưởng lạc của tôi hốt nhiên dừng hẳn. Chẳng ai ngạc nhiên gì cả, chỉ riêng tôi sửng sờ khi thấy mình thi rớt.

Quá buồn bã, tôi bỏ đi đến vùng Cape Cod, cố tìm câu giải đáp về sự hiện hữu của mình và cố gắng trả lời câu hỏi mà chính tôi không thể hỏị Để rồi nhận thấy rằng tôi cũng không thể nào chạy trốn với chính mình được nữa, vì càng chạy xa tâm thức chừng nào, tôi càng bị dồn kéo trở về chỗ cũ chừng ấỵ Sau mấy tháng sống đơn độc như kẻ bụi đời, tôi tự kết luận rằng đời tôi chẳng có giá trị gì. Tôi thật chưa bao giờ có cái thắc mắc rằng tôi phải nên làm gì cho cuộc đời mình ngoài chuyện ăn mặc và ngủ nghỉ. Đối với tôi thế giới nầy thật là vô nghĩa, nó khiến tôi trở thành xa lạ, và tách biệt cuộc sống thực tạị Như danh ca Bob Dylan đã diễn tả tâm trạng đó như sau: "Những thất bại nặng nề và quá bi quan của bạn sẽ không kéo bạn lên nổi đâụ" Tôi cố tìm lối thoát ra khỏi sự dính mắc nầỵ

Có người cho tôi một cuốn sách về đạo Lão, trong lúc đọc đến một đoạn, tôi như muốn vung tay đập bàn và hét lên:

"Đúng đó! Đấy mới chính là những ý nghĩ trong tâm tôi." Rồi tôi thức cả đêm để đọc. Cuốn sách đó còn có ý nghĩa hơn cả cuộc đời tôi. Và như được làn sóng thủy triều cuốn đưa, tôi trở lại trường học. Lúc đầu tôi tự ghi danh học tiếng Hoa, triết lý Á Đông, nhưng rồi dần dần tôi thích đạo Phật và bắt đầu tọa thiền với một người bạn. Tuy vậy, tận cõi lòng tôi lúc nào cũng có cái ray rức nhè nhẹ. Là cái gì chớ?

Vào một đêm, tôi ngồi thiền một mình trong phòng, khi ngoài trời lớp tuyết trắng khoảng hai feet (hơn nửa thước) đang bao phủ tất cả, kể cả âm thanh. Gặp lúc cả trường đang nghỉ lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), nên cảnh vật trở nên vắng lặng vô cùng. Tôi chợt có cảm giác là lạ, trong thân và bên ngoài dường như là một, không có sự tách rời, không có sự kết hợp, không phân biệt khoảng cách giữa "của tôi" hay "là tôi" và ánh sáng tỏa chiếu khắp nơị Tâm trạng đó biến mất thật nhanh, đồng lúc với những vọng tưởng đang nổi dậy trong tâm thức. Không biết trạng thái đó kéo dài được bao lâu, nhưng nó để lại trong tôi một ý niệm rất rõ ràng là tôi cần phải tìm một vị Thầy để giảng giải về những kinh nghiệm cũng như hướng dẫn đường lối cho tôị Kể từ đó cái cảm giác âm thầm ray rức trong lòng không còn nữa và tôi nỗ lực học hành gấp đôi lúc trước.

Nghe nói có một vị Thiền sư đã giác ngộ ở San Francisco, nên nhân dịp nghĩ hè năm 1968, tôi tìm đến đó để xem tận tường hư thực. Sau khi đi ngang qua vùng kỳ bí, xa lạ của phố Tàu San Francisco, tôi từ từ bước lên bốn dãy cầu thang để đến một giảng đường Phật Giáo cũ kĩ, tức là Chùa Kim Sơn lúc trước, xưa kia lại là chùa của Lão Giáo. Là một căn phòng nhỏ hẹp, đầy ấp những người đang chăm chú đọc chữ Tàu, tọa thiền và làm việc. Lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt ngôi trường vỏn vẹn chỉ một lớp học đang hiện hành. Tôi cảm thấy khó chịu hơn khi biết rằng những người ở đó mỗi ngày chỉ dùng một bữa trưa và ngủ trong tư thế ngồi thiền trên sân thượng. Rồi sự ray rức ngấm ngầm bắt đầu trở lại. Nhưng tôi không dám thú nhận với chính mình mà trở về miền Tây Trung Phần với chút nỗi niềm bâng khuâng. Tôi cố gạt bỏ những mục kích của chuyến thăm viếng đó, xem như chẳng có gì đáng quan tâm cả.

Nhưng hai năm sau, cuối năm 1970, vừa mãn khóa học, cảm giác khó chịu khi xưa lại dẫn tôi trở lại San Francisco. Và không bao lâu tôi vào phụ giúp ban xây cất Chùa Kim Sơn, tức là trung tâm mới của Tổng Hội Trung Mỹ Phật Giáo (tiền thân của Pháp Giới Phật Giáo Tổng Hội). Động lực thúc đẩy và tính trọng đại của nỗi ray rức trong tôi khi trước thật khó bày tỏ được. Trên căn bản, trạng thái nầy có thể diễn tả như: Nghiệp quả của nhân gieo trồng ngày trước nay đã chín muồi. Chúng ta thường có khuynh hướng quên đi những gì mình đã làm bởi tâm trạng vô minh bị hạn cuộc, nhưng đôi khi do đối chạm sự vật, hoặc nghe một lời nói, rồi chúng như nút bấm tác động vào trí ức vốn đã bị che đậy trước kia, khiến cho chúng ta nhớ lại và thúc đẩy chúng ta hành động.

Tôi trở thành đệ tử của Hòa Thượng Tuyên Hóa, vị trụ trì chùa Kim Sơn. Cuối năm đó tôi được cạo tóc làm Sa Di. Năm 1972, tôi cùng sư huynh Hằng Cụ thọ giới Cụ Túc, trở thành Tỳ Kheo với pháp hiệu Hằng Do. Năm sau, tôi nghe sư Hằng Cụ sắp dấn thân vào chuyến bái hương một ngàn dặm, và dự định sẽ khởi đầu mỗi ba bước lạy một lạy từ San Francisco đến Seattle để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tôi vô cùng bàng hoàng, cái cảm giác ray rức lúc trong phòng trường nội trú năm 1970, một lần nữa lại kéo về, nhưng cảm giác lần nầy mạnh hơn trước gấp mười lần. Tôi đi vòng vòng trong ngây dại, cố quên đi chuyến bái hương sắp tới, nhưng không cách gì loại bỏ nó ra khỏi tâm tư. Cuối cùng sau ba ngày khổ sở chất chứa nỗi ưu tư, tôi liền bày tỏ ý mình với Sư Hằng Cụ và tự nguyện đi theo để đóng góp bất cứ những gì mà tôi có thể giúp được cho chuyến đi. Đó cũng là lúc tôi quyết định lưu giữ cuốn sổ để ghi chép lại những kinh nghiệm của chúng tôi.

Trước khi rời San Francisco để khởi sự cuộc du hành, vấn đề mà mọi người đều nghi ngại là chúng tôi sẽ tìm đâu ra những nhu cầu thiết yếu cho sự sống còn, như thức ăn, quần áo và nơi ẩn trú.

Nhưng Sư Phụ đã nói: "Người nào thực sự thành tâm và ngay thật trong những chuyện mình làm thì sự sinh tồn sẽ không bao giờ có vấn đề."

Điều nầy Sư Phụ đã chứng minh đầy đủ qua chính cuộc đời Ngài và sau đó không lâu trong chuyến hành trình, chúng tôi cũng đã thấy được, thật quả không sai.

Quyển sách nầy tường thuật lại những nơi chốn sự việc đã xảy ra, cùng cảm tưởng và những quan sát dọc đường của chúng tôi trong mười tháng bái hương. Thật không thể nào kể hết những vị hảo tâm đã từng giúp đỡ chúng tôi về mọi phương diện. Vì vậy cuốn sách nầy cũng là cách bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với: Tất cả những ân nhân, mười phương chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, Sư Phụ là Hòa Thượng Tuyên Hóa và với cha mẹ cùng các bạn đồng tu của chúng tôi. Hy vọng quyển sách nầy sẽ gợi lại trong lòng đọc giả những sự hồi đáp giống như tôi đã cảm thọ lần đầu trong chuyến viếng thăm giảng đường Phật học cũ kĩ và nên nhớ rằng, sự khởi đầu cho con đường tu tập đó đang rộng mở cho những ai muốn chọn theo nó.

---o0o---

Mục Lục >> Chương 1 >> Chương 2>> Chương 3 >> Hình ảnh

 

---o0o---
Source:http://www.dharmasite.net/
Trình bày: Tịnh Tuệ - Nhị Tường

Cập nhật: 01-11-2005


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Nếp Sống Đạo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544