ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI
CHẾT?
Từ Quán
Sự
chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận
sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não;
cuối cùng cơ thể phân hủy. Từ lúc tim ngừng đập đến lời thông báo chính
thức rằng một người đã chết, các bác sĩ chờ đợi 2,3,5 hoặc 10 phút, nhưng
"thời gian chuẩn" mà ngành y gọi là asystolic là bao nhiêu vẫn còn có sự
khác biệt giữa hai quan điểm của "y học cổ truyền Tây Tạng" và y học hiện
đại. Theo "Tạng thư sống chết" và "Tử thư Tây Tạng", phải mất 8 giờ sau
khi tim ngừng đập và tắt hơi, con người mới chết hẳn và các nghi thức tẩn
liệm chỉ được phép thực hiện sau 8 giờ. Theo y học hiện đại thì bệnh nhân
chỉ thực sự chết sau khi tim ngừng đập nửa giờ. Bốn giờ sau khi tim ngừng
đập thì não mới chết hẳn và không còn "hoạt động điện não"... Sau đó, cơ
thể người chết trở nên lạnh cứng, lộ rõ âm khí và hoại tướng của một tử
thi. Thiền sư Hakuin có nói: "Kẻ nào thấu triệt được lẽ sống chết, kẻ ấy
mới thực sự là một con người vĩ đại".
* Những thời điểm quan trọng
của sự chết
- Khi hơi thở ra chấm dứt thì
sinh lực bị rơi vào trung khu thần kinh của "sự biết" (sushuma nadi) và
"người biết" sẽ kinh nghiệm được "ánh sáng trong suốt" trong điều kiện tự
nhiên của nó. Lúc đó, sinh lực bị phóng xuất chạy xuống dọc theo các dây
thần kinh sinh lý bên phải và bên trái cột xương sống (ida nadi và pingala
nadi). Sau khi sinh lực đã đi qua trung khu thần kinh ở rún, nó lan ra
trong đường gân bên trái và bên phải. Thời gian cần thiết cho sự vận
chuyển này của sinh lực khi hơi thở còn thoi thóp vào khoảng thời gian một
bữa ăn. Thời gian của sự hấp hối là thời gian mà sinh lực còn ở trong
đường thần kinh chính giữa - đó là lúc tri thức ngất lịm. Thời gian này
bất định, nó tùy thuộc vào thể chất tốt hay xấu, tùy thuộc vào tình trạng
các dây thần kinh và sinh lực của mỗi người. Những người có kinh nghiệm
thiền định vững vàng và yên tĩnh hay những người có cá tính trầm tĩnh thì
thời gian đó có thể kéo dài từ 4 cho đến 7 ngày. Những người có đời sống
bê bối, trụy lạc hay những người tâm thần không bình hòa thì tình trạng
trên không kéo dài lâu hơn một cái búng ngón tay. Nơi những người khác thì
có thể kéo dài trong thời gian một bữa ăn. Đây là giai đoạn đầu của chi
khai bardo: ánh sáng trong suốt ban đầu được thấy vào lúc chết.
* Ánh sáng trong suốt ban đầu,
nếu được nhận ra thì có thể giúp người chết đạt đến giải thoát; bằng
không, sau cái hắt hơi cuối cùng của một bữa ăn, người chết sẽ có khả năng
thấy được sự loé sáng của ánh sáng trong suốt bậc nhì. Tùy theo nghiệp tốt
hay xấu, sinh lực chạy xuống trong đường thần kinh bên phải hay bên trái
và thoát ra một trong chín cửa của thân thể (còn gọi là cửu khiếu: 2 mắt,
hai tai, hai lổ mũi, miệng, hậu môn và đường sinh dục). Lúc đó, một tình
trạng khác của tinh thần sáng suốt khác lại hiện ra. Suốt trong giai đoạn
hai của thân trung ấm, người chết (linh hồn) ở trong tình trạng gọi là
"thân thể sáng chói của ảo tưởng". Người chết trong tình trạng này vẫn
không biết là mình đã chết hay chưa, nếu họ được một pháp sư rành pháp
"chuyển duy tư tưởng" giúp họ hội nhập vào "nguồn sáng" này thì nghiệp lực
sẽ không ngăn cản, họ sẽ hội nhập vào "thực tại tối thượng" và đạt được
giải thoát.
* Nếu sự giải thoát không thực
hiện được trong giai đoạn hai, thì người chết sẽ bước vào giai đoạn gọi là
thân trung ấm thứ ba hay chonyid bardo. Trong giai đoạn
ba này, các ảo tưởng theo nghiệp thức sẽ nổi dậy, kéo dài cho đến hết ngày
49 sau khi chết, và được phân thành 6 tình trạng:
- Tình trạng ảo giác tự nhiên
theo tạp niệm, vọng tưởng hay quan niệm kiến chấp.
- Tình trạng ảo giác như các
giấc chiêm bao.
- Tình trạng ảo giác cực kỳ hỷ
lạc của trạng thái nhập thiền sâu.
- Tình trạng ảo giác chuyển
tiếp lúc chết.
- Tình trạng trải qua kinh
nghiệm thực tại.
- Tình trạng trải qua tiến
trình ngược lại của kiếp sống luân hồi (nhớ lại các sự việc từ bé đến lớn
hay các tiền kiếp quá khứ).
Sau 49 ngày hay hết giai đoạn
3, người chết sẽ đầu thai theo một trong sáu cõi của lục đạo luân hồi.
* Tiến trình của sự chết
Theo các kinh sách Tây Tạng nói
về sự chết, tiến trình chết là quá trình tan rã gồm hai giai đoạn: một sự
tan rã bên ngoài, khi các căn và tứ đại phân tán; và một sự tan rã bên
trong, thuộc về các ý tưởng và cảm xúc thô và tế.
* Sự tan rã bên ngoài:
- Lục căn phân tán và ngưng
hoạt động: nếu có người đứng xung quanh giường người đang chết mà nói
chuyện, sẽ đến một lúc y có thể nghe âm thanh tiếng nói của họ, mà không
thể nghe ra một lời nào. Đây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Khi
y nhìn một vật trước mặt mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi
tiết và dấu hiệu nhãn thức đã suy. Tương tự, các dấu hiệu suy kiệt cũng
xảy ra đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn cảm
nhận được một cách trọn vẹn thì đó là giai đoạn đầu tiên của tiến trình
tan rã.
- Địa đại tan rã: Thân xác
chúng ta khởi sự mất hết sức mạnh, kiệt quệ, không còn chút năng lực nào:
không thể ngồi thẳng, đứng lên hay cầm bất cứ vật gì; thậm chí không giữ
được cái đầu của mình. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang bị nhận
chìm xuống đất hay đang bị một sức nặng ghê gớm như trái núi đè bẹp và
nghiền nát. Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào. Màu da
ta phai nhạt dần và một màu tái xanh hiện ra. Má hóp lại, những vết đen
xuất hiện trên răng, càng lúc ta càng thấy khó mở mắt, nhắm mắt. Khi sắc
uẩn phân tán, ta bất động, tâm thần dao động, miệng có thể nói nhảm, sau
đó đi vào trạng thái hôn trầm.
- Thủy đại tan rã: Ta
khởi sự mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi ta bắt đầu chảy
nước và miệng rỏ nước miếng. Có thể nước mắt chảy ra và ta có thể mất tự
chủ. Lưỡi không còn di động, lỗ mắt khô cạn, môi tái lại và thụt vào. Ta
run rẩy, co giật và rất khát nước. Mùi tử khí bắt đầu tỏa ra chung quanh.
Khi thọ uẩn phân tán, những cảm giác của thân yếu dần, khi khổ khi vui,
lúc nóng lúc lạnh. Tâm thức ta trở nên mờ mịt, bất mãn, bực tức và nóng
nảy. Kinh điển nói chúng ta cảm thấy như bị dìm trong đại dương hay bị
cuốn trôi trong dòng nước lớn.
- Hỏa đại tan rã: Miệng
và mũi ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần,
từ dưới chân lạnh ngược lên đến tim. Một luồng khói có thể thoát ra từ
đỉnh đầu. Hơi thở trở nên lạnh khi qua miệng và mũi. Ta không còn ăn uống
gì được nữa. Tưởng uẩn đang phân tán. Tâm trí bắt đầu lộn xộn: không thể
nhớ được tên bà con, bè bạn hay nhận ra họ. Ta càng lúc càng khó nhận ra
những gì ở bên ngoài, vì âm thanh và hình ảnh luôn trộn lẫn. Kalu Rinpoche
cho biết: "Đối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị
nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực, hay
toàn thế giới đang bị thiêu đốt".
- Phong đại tan rã: Ta
càng lúc càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chúng ta.
Hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài
(thở hào hển). Ta nằm bất động với đôi mắt trợn trừng lên. Khi hành uẩn
phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi
sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với
tình trạng xác thân đang tan mất. Ta khởi sự có ảo giác và thấy các cảnh
tượng: nếu trong đời, ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy
những hình thù ghê rợn. Rồi những ám ảnh và những giây phúc kinh hãi của
đời ta bây giờ quay lại, có khi chúng ta hét lên vì kinh hoàng. Nếu ta
sống đời với tấm lòng từ bi, bác ái, xót thương và độ lượng, chúng ta có
thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, gặp các bạn bè thân yêu
hoặc những bậc giác ngộ. Những người sống đời lương thiện, khi chết cảm
thấy bình an thay vì sợ hãi. Kalu Rinpoche viết: "Kinh nghiệm nội tâm đối
với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả
chính mình, một trận gió xoáy cuốn hút toàn vũ trụ".
Vào thời điểm này, máu tụ lại
đi vào trong "kinh mạch của sự sống" nằm chính giữa tim ta. Ba khối máu
lần lượt tụ lại gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lình hơi thở ta
chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn lại trong tim ta. Một dấu hiệu của sự
sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là: "chết".
Tuy nhiên, các bậc thầy Tây Tạng cho rằng vẫn còn tiếp diễn một tiến trình
bên trong.
* Sự tan rã bên trong:
Trong quá trình tan rã nội tâm,
ở đấy những tâm trạng và cảm xúc từ thô đến tế tan rã, có bốn tầng lớp tâm
thức vi tế được gặp gỡ. Ở đây, tiến trình chết phản ảnh ngược lại với tiến
trình đầu thai. Khi tinh huyết cha mẹ gặp gỡ, tâm thức ta do nghiệp thúc
đẩy, bị kéo vào. Trong thời kỳ phát triển bào thai, tinh chất của cha, một
hạt nhân "trắng và phúc lạc" an trú trong luân xa ở đỉnh đầu, trên cùng
của huyệt đạo trung ương. Tinh chất của người mẹ, một hạt nhân "đỏ và
nóng" an trú trong luân xa nằm dưới rốn chừng bốn ngón tay. Chính từ nơi
hai tinh chất này mà những giai đoạn kế tiếp của sự tan rã xảy ra. Với sự
biến mất của ngọn gió giữ nó lại đấy, tinh chất màu trắng đi đến huyệt đạo
về phía trái tim. Bên ngoài có tướng màu "trắng" hiện ra như "một bầu trời
trong sáng dưới ánh trăng". Bên trong, ý thức chúng ta trở nên vô cùng
sáng suốt, và tất cả những tâm trạng do sân giận, gồm 33 thứ, đều dứt.
Giai đoạn này gọi là "xuất hiện". Rồi tinh chất của mẹ bắt đầu đi lên qua
huyệt đạo trung ương, khi ngọn gió giữ nó nguyên chỗ đã biến mất. Tướng
bên ngoài là một màu "đỏ" như mặt trời chiếu trên nền trời trong. Bên
trong, có một cảm giác phúc lạc phát sinh, và những tâm trạng do tham dục,
gồm 40 thứ tất cả, ngưng hoạt động. Giai đoạn này gọi là "tăng trưởng".
Khi hai tính chất đỏ, trắng gặp
gỡ ở tim, tâm thức được kèm theo trong ấy. Tulku Urgyen Rinpoche, một bậc
thầy lỗi lạc ở Nepal, nói: "Kinh nghiệm ấy giống như bầu trời và trái đất
gặp nhau". Bên ngoài, chúng ta thấy xuất hiện một màu "đen", giống như một
bầu trời trống rỗng chìm trong màn đêm dày đặc. Tướng bên trong là một
trạng thái tâm thức không có tư tưởng. Bảy trạng thái tâm do ngu si và
vọng tưởng đi đến chấm dứt. Điều này được gọi là "thành tựu". Khi chúng ta
hơi tỉnh giác trở lại, ánh sáng căn bản lóe lên như một bầu trời vô nhiễm
không mây mù. Đôi khi đấy gọi là "tâm với ánh sáng trong của sự chết". Đức
Đạt lai Lạt ma nói: "Tâm thức này là tâm thức
sâu xa nhất. Chúng ta gọi nó là Phật tính, suối nguồn thực sự của mọi
thức. Dòng tương tục của tâm thức này kéo dài ngay cả đến khi thành Phật
quả;.
* Đặc tính phổ quát của tiến
trình chết đối với mọi loài chúng sinh
Tiến trình chết là một tiến
trình phổ quát mà tất cả chúng sinh từ lớn nhất cho đến nhỏ nhất như côn
trùng cũng đều trải qua như nhau. Tuy nhiên, tiến trình này có thể đổi
khác tùy từng cá nhân và những thay đổi này có thể xảy ra do hậu quả của
những chứng bệnh đặc biệt và tùy thuộc vào tình trạng các huyệt đạo, khí
lực hay tinh thần của người sắp chết. Trong trường hợp chết bất ngờ hay
chết vì tai nạn, tiến trình này cũng vẫn xảy ra, nhưng cực kì nhanh chóng.
Tóm lại, để hiểu một cách rốt
ráo điều gì xảy ra khi chết là xem sự tan rã bên trong và bên ngoài như
một sự sinh khởi và phát triển tuần tự những tầng lớp tâm thức càng lúc
càng vi tế. Khi tiến trình chết tuần tự diễn ra, mỗi tầng lớp tâm thức nổi
lên trên sự tan rã liên tục của hợp thể thân tâm để đi dần đến sự hiển lộ
hoặc là thanh tịnh giải thoát, hoặc là tùy theo nghiệp báo chiêu cảm vào
trong lục đạo.
Từ Quán