---o0o---
Tổ Ðình Linh Sơn Pháp Bảo tọa lạc tại thôn Phú
Nông, xã Vĩnh Ngọc, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 3km, trong
phong quang tươi nhuận, tĩnh mịch giữa vườn cây ăn quả xanh mát cùng một
hàng tre che nắng bốn mùa, âu cũng là bức bình phong che chắn ngọn gió
dung tục đời thường, tạo dáng cảnh thiền môn thanh tịnh.
Sự thể vốn, Thầy Bổn sư của tôi là Hòa thượng Thích Như Ý, người
quê Phú AÂn Bắc – Diên Phú, xuất gia từ nhỏ với Hòa thượng Hòa Sơn, pháp
danh Trừng Huệ. Năm hai mươi tuổi Thầy thọ đại giới theo cầu pháp với
Hòa thượng Hưng Từ, đạo hiệu Thầy là Thích Như Ý. Nhưng quê hương không
thể buộc cánh chim Hồng, Thầy chí quyết vân du tu học với Chư Tôn đức
danh Tăng. Sau nhiều năm vân du tu học và hoằng hóa độ sinh, Thầy trở
lại Khánh Hòa tìm nơi dừng chân tu tập. Ðức hạnh Thầy được đồng bào Phật
tử khắp tỉnh kính ngưỡng như ngôi sao tỏa sáng ở chân trời, và nhiều nơi
mời Thầy về trụ trì, nhưng Thầy chỉ hoằng hóa mà không tiếp nhận như đợi
cơ duyên tìm nơi trụ xứ.

HT Thích Như Ý |
Người thì tìm đất và đất chờ Người; lành thay, thật là duyên lành lại
tìm đến, vị chủ đất tìm Thầy cúng lô đất, nhưng Thầy không nhận mà
thương lượng mua một nửa lô đất theo khả năng, đồng thời Ngôi Chánh điện
ban sơ được xây dựng khoảng 25m2. Như một huyền thoại, từ một
lô đất thổ cư hoang liêu cứng cỏi, người thường không thể ở được, để rồi
sau đó trở thành một thánh địa tòng lâm vun bồi hiền nhân giới đức cho
vạn tấm lòng mười phương hướng đến.
Lúc bấy giờ, Tổ Ðình Linh Sơn Pháp Bảo chỉ là một ngôi chùa nhỏ gồm một
chánh điện, một nhà tổ, và một nhà tăng lợp lá dừa trong đó có phần bếp
núc. Nhưng với đạo hạnh và đức độ của Thầy, Phật tử các nơi về Linh Sơn
càng ngày càng đông, hàng đệ tử xuất gia theo Thầy càng lúc càng nhiều
nên cơ sở cũng theo đó mà nới rộng.
Ðầu những năm bảy mươi, Giáo Hội cho phép Tổ Ðình Linh Sơn mở lớp sơ cấp
Phật Học, học tăng các nơi về tu học đông đảo. Thầy lại làm nhà quản lý
– cơ sở phải cơi nới, dù chắp vá – để có nơi ăn chốn ở thích nghi. Thầy
lúc nào cũng canh cánh trong lòng là ươm hạt giống Bồ Ðề, đào tạo tăng
tài cho Phật Giáo. Hình ảnh Thầy chẳng khác nào bà mẹ hiền tần tảo chắt
chiu lo cho đàn con khôn lớn, vừa từ mẫu vừa nghiêm khắc, chăm chút từ
giấc ngủ đến bữa ăn, từ quần áo đến sách vở, từng ly từng tí trên đường
tu tập, nhất là vun bồi giới đức tự độ, độ tha.
Thời gian cứ trôi đi, lần lượt lớp sơ cấp này mãn lại tiếp sơ cấp mới,
lớp này thành đạt, ra đi, Thầy lại tiếp tục chăm sóc những chú tiểu mới
đến, sự thành đạt của chư tăng từng thế hệ đã được người ta ví von rằng
: “Ðó là khí tài của lò luyện thép Linh Sơn”.
Sau năm 1975, xứ sở đổi thay, trong buổi giao thời, tình hình kinh tế
khó khăn, Thầy trò cùng đi vào lao động sản xuất, trồng hoa màu và làm
ruộng, những xe ba gác chở mướp chở rau ra chợ bán. Mọi người đều phải
chải bờ, cuốc ruộng, gieo giống... đúng với tinh thần “một ngày không
làm, một ngày không ăn” của Tổ Bách Trượng.
Ðến năm 1990, Tổ Ðình Linh Sơn Pháp Bảo lại là cơ sở nội trú cho học
tăng của trường cơ bản Phật học tỉnh Khánh Hòa. Thế là một lần nữa, Thầy
phải lao nhọc chỉnh trang phòng ốc cho đủ thích nghi tu học của học
tăng. Ðiều này khẳng định lời ví von : “Linh Sơn Pháp Bảo là lò luyện
thép” thật không ngoa. Và càng chứng minh rõ hơn là sự thành công
của các huynh trưởng Tổ Ðình như Thượng Tọa Thông Niệm, Tâm Hòa, Tâm
Tường, Thông Trí, và Tâm Phương ở Mỹ, Canada, Hòa Lan và Úc quốc.

Cổng Tam Quan Chùa Linh Sơn Pháp Bảo |