THIÊN TRÚC TIỂU DU
KÝ
Thiện Phúc
California, USA, 2006
---o0o---
Lời Đầu Sách
▲
Kính thưa quý vị,
Gần hai mươi sáu thế
kỷ về trước, trong lúc chúng sanh đang lăn trôi trong biển đời sanh tử thì
một ánh sáng kỳ diệu lóe lên nơi miền Bắc Ấn báo hiệu cho sự thị hiện kỳ
diệu của một đấng Giác Ngộ. Đức Phật đã thị hiện chỉ nhằm một mục đích duy
nhất là “khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật.” Sau những
năm tháng tu hành tầm cầu chơn lý, Đức Phật đã giác ngộ và giải thoát.
Ngài đã mang hết những gì mình liễu ngộ ra mà trao truyền lại cho chúng
ta, chỉ với một mục đích là những mong cho chúng sanh mọi loài đều có được
cuộc sống an lạc và tự tại. Vì lòng bi mẫn tới muôn loài mà dấu chân của
Ngài đã giẫm lên toàn khắp cả một vùng rộng lớn giữa Népal và Bắc Ấn. Với
những tiến bộ khoa học kỹ thuật cân đại thì việc giao thông qua lại giữa
các vùng đất ấy cũng không lấy gì làm khó khăn cho lắm, nhưng với phương
tiện của gần 26 thế kỷ về trước, thì quả là những bước chân Phật đã giẫm
đạp lên không biết bao nhiêu chông gai của cả vùng núi đồi Hy Mã. Ngoài
những khó khăn vật chất này, Đức Phật thời đó còn phải giẫm đạp lên không
biết bao nhiêu là khó khăn khác về mặt xã hội nhân sinh. Riêng đối với
người Phật tử Việt Nam, đã từng được nuôi lớn bằng bầu sữa tinh thần Phật
pháp, đã tự chọn cho tinh thần mình một hướng đi hướng thượng theo con
đường mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi và đã đến, dĩ nhiên ai trong chúng ta
cũng luôn ao ước là một ngày nào đó chúng ta được đặt chân lên những vùng
đất có liên hệ hay những vùng đất đã một thời là trụ xứ của Đấng Cha Lành
mà chúng ta thường thân thương gọi là Đấng Từ Phụ. Những vùng đất ấy chẳng
những thiêng liêng đối với chúng ta, mà còn là những chứng tích thực của
cái nôi văn hóa Phật giáo mà bao nhiêu thế hệ cha anh chúng ta đã từng ôm
ấp.
Phật tử
chúng ta, bất kỳ là từ vùng đất nào của địa cầu này, có lẽ đều hướng mắt
nhìn về khung trời Hy Mã tuyết trắng, vì ngay dưới chân rặng núi ấy, những
dấu tích của một thời hoàng kim, dưới chân rặng núi ấy là quê hương của
Đấng Cha Lành, mà giáo pháp của Ngài đã từ gần 26 thế kỷ nay đã dìu dắt
chúng ta cùng nhau hướng thượng. Chắc ai trong chúng ta cũng đều ao ước,
sẽ có một ngày chúng ta về lại quê cha, dò dẫm lại từng bước chân xưa của
Ngài. Về lại Vườn Lâm Tỳ Ni để nghe lòng mình lâng lâng niềm xúc cảm về
luật vô thường mà chính cha mình đã dạy năm xưa. Về đó để thấy cảnh hoang
tàn đổ nát của một Ca Tỳ La Vệ trù phú phồn thịnh năm xưa. Về để thấy một
Bồ Đề Đạo Tràng với tấp nập người đến kẻ đi chỉ với một mục đích duy nhất
là thấy lại nơi Đức Thế Tôn đã thành đạo năm xưa. Về để nghe lại tiếng
Pháp Âm vẫn còn vang vọng đâu đó bên trong khu Vườn Nai, và để thấy hình
như năm anh em ông A Nhã Kiều Trần Như vẫn còn lảng vảng đâu đây. Về Thánh
địa để thấy sông Hằng vẫn còn sức quyến rũ như ngày nào. Ngày ngày, trước
khi bình minh ló dạng là từng đoàn, từng đoàn người lũ lượt kéo nhau về bờ
Tây sông Hằng, con số lên đến hằng trăm ngàn hay hàng triệu người. Chủ
đích của họ thật đơn giản mà thật thiêng liêng: một lần được tới tắm giặt
trên sông Hằng là đủ mãn nguyện cho cả một đời người. Và về để nghe nơi
chính lòng mình nỗi niềm đau xót tràn dâng khi đặt chân tới thành Câu Thi
Na. Đến đó để thấy dù đến phút sắp nhập diệt, Đấng Cha Lành vẫn an nhiên
nằm đó với nụ cười bi mẫn vượt không gian và thời gian.
Vào thế
kỷ thứ 5 và thứ 7, hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đã bất kể an nguy,
phải vượt qua vạn dặm, trải qua bao núi rừng, biển cả nguy hiểm, cũng như
khí hậu khắc nghiệt để tìm đến những Thánh tích Phật giáo để thỉnh kinh
hay tòng học với những bộ phái Phật giáo thời đó, thế mà họ vẫn làm được.
Bây giờ với phương tiện giao thông tương đối dễ dàng hơn, vào những ngày
cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 năm 2005, chúng tôi có duyên may được về
thăm lại Thiên Trúc năm xưa. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã
đi lại hầu hết những nơi mà ngày xưa Đức Từ Phụ đã đi qua, hoặc giả đến
những nơi mà các vị đại đệ tử của Ngài đã từng đến và làm rạng danh dòng
họ Thích. Trong suốt thời gian chỉ hơn nửa tháng, chúng tôi đi liên tục,
hầu như không ngừng nghỉ để được đến và được thấy càng nhiều càng tốt bất
cứ nơi nào có dính dáng đến Đấng Cha Lành của mình. Đến để thấy tận mắt,
để nghe lòng mình thổn thức, đến để nhớ và để tìm về cội nguồn đã nuôi lớn
tinh thần bao nhiêu thế hệ nhân sinh. Và hơn hết chúng tôi đến tận nơi để
tìm cho chính mình một chất liệu dinh dưỡng kỳ diệu mà không có ngôn ngữ
nào của loài người có thể diễn đạt được. Thật vậy, sau chuyến đi hành
hương chiêm bái Phật tích, chúng tôi cảm thấy như mình lớn thêm lên vì đây
không phải là một chuyến du lịch, đây cũng không phải là một chuyến ngao
du sơn thủy, mà là một cuộc hành trình hướng về tâm linh cho riêng từng cá
nhân, không thể chia sẻ được bằng ngôn ngữ loài người. Tuy nhiên, nói như
vậy không có nghĩa là không đem những gì chính mình đã mắt thấy tai nghe
tại những Thánh tích này san sẻ với mọi người, để chúng ta, dù có duyên
may hay không có duyên may, đều có được chút kiến thức và cảm giác tối
thiểu về những nơi thân thương của Đức Từ Phụ. Với tâm nguyện đó, chúng
tôi xin ghi chép lại đây tất cả những gì chúng tôi có thể ghi chép được ở
từng nơi, từ những người hướng dẫn, từ những lời thuyết minh của chư Tăng
Ni, cũng như từ những tài liệu lịch sử được ghi lại từ những nơi ấy trong
một quyển nhật ký nhỏ mà tôi xin mạo muội đặt tên cho nó là “Thiên Trúc
Tiểu Du Ký.” Vì chúng tôi không phải là những nhà biên khảo hay khảo cổ
nên những ghi chép của một người không thể nào tránh khỏi những thiếu sót.
Mong những bậc cao minh, những bậc Thầy vui lòng góp ý nếu có những sai
sót, để cho ai nấy đều được lợi lạc.
Chúng
tôi cũng nhân đây xin chân thành tri ân thầy bổn sư là Hòa Thượng Thích
Giác Nhiên, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, người
đã tận tình chỉ dạy chúng tôi từng li từng tí trên bước đường hướng
thượng. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ những lời thuyết minh vô cùng
quý giá của sư Minh Thành, sư Giác Hành, sư Minh Huệ, sư Minh Hoa, sư Minh
Thường, sư Minh Sang, sư Giác Phổ, sư cô Liên Phụng, sư cô Liên Mẫn, Liên
Hiệp, Liên Quí, Liên Trân... Chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ các anh
Thiện Tài, Thiện Minh, Thiện Trí, Thiện Phước, Viên Giác... đã giúp đỡ
chúng tôi rất nhiều trong suốt cuộc hành hương. Cuối cùng, chúng tôi xin
hồi hướng công đức đến tất cả quý đạo hữu đã tham dự cuộc hành hương đi về
xứ Phật trong phái đoàn của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên từ ngày 29 tháng
11 năm 2005 đến ngày 13 tháng 12 năm 2005. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia
hộ cho thân tâm quý vị luôn an lạc trên bước đường hướng thượng. Mong một
ngày không xa nào đó pháp giới chúng sanh đều sớm quy ngưỡng dưới ánh Từ
Quang của Đấng Từ Phụ, để cùng nối theo chân Ngài bước theo con đường giải
thoát, hạnh phúc và an lạc miên viễn.
Viết tại California ngày 20 tháng 1 năm 2006
Thiện Phúc
---o0o---
Mục Lục >> 1
>> 2 >> 3 >>
4 >>
5 >>
6
Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Thiện Phúc đã gởi cho
phiên bản điện tử tập sách này
(Thích Nguyên Tạng, 7/2006)
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày: 01-07-2006