Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Học Cơ Bản


...... ... .

 

 

Chuyển biến nội tâm

 

Minh Chi
(Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam)

 

Nếu nội tâm không có chuyển biến tích cực thì tất cả những lời hay ý đẹp chúng ta nghe được, đọc được chỉ là ngọn gió thoảng qua hay là nước đổ lá môn mà thôi. Vậy, muốn có chuyển biến nội tâm tích cực, chúng ta phải làm gì?

Đưa tâm về nhà

Các Thiền sư Tây Tạng sang thuyết giảng ở các nước phương Tây thường nói câu: Bring the mind home (đưa tâm về nhà). Câu nói này hàm ý rằng  con người bình thường sống rất đãng trí, tâm cứ để dâu đâu, khi thì nghĩ chuyện quá khứ,  khi thì mơ chuyện tương lai, còn giây phút hiện tại mình đang sống thì tâm chúng ta không chú ý gì đến cả. Mọi sự cố, mọi bất hạnh đều xuất phát từ đây, từ cái chuyện đơn giản là chúng ta không biết đưa tâm của chúng ta về nhà. Khổng Tử - nhà minh triết Trung Hoa cổ đại, nói: "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị", nghĩa là tâm mà không có mặt thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị.

Khổng Tử nói tâm bất tại yên, cũng như ngày nay, các thiền sư Tây Tạng nói vì tâm chúng ta  không có ở nhà mà chạy đâu đâu cho nên phải đưa tâm về nhà. Chúng ta cứ suy nghĩ xem, lái xe trong một thành phố đông đúc như thành phố Hồ Chí Minh mà tâm cứ để đâu đâu, nếu có xảy ra tai nạn  chết người cũng là hậu quả đương nhiên vậy, nhưng vấn đề  không phải chỉ ở chuyện lái xe, vấn đề là trong toàn bộ giá trị và ý nghĩa cuộc sống, chúng ta có hàng giờ, hàng phút biết sống tỉnh giác hay không, biết đưa tâm về nhà hay không, biết sống  trọn vẹn với cái tâm của mình mỗi giờ phút hiện tại hay không? Kinh Pháp Cú gọi không tỉnh giác là sống phóng dật, và khẳng định:

Không phóng dật, đường sống

Phóng dật là đường chết

Không phóng dật, không chết

Phóng dật như chết rồi.

(Kinh Pháp Cú-phẩm Không phóng dật, kệ 21)                

Nếu biết sống tỉnh giác và có tâm cởi mở (sách Phật thường dùng từ hư tâm) thì  mỗi cuốn sách đọc, thậm chí cả đến  những cuốn không phải sách Phật hay một cuộc gặp gỡ  cho đến một thông tin đều biến thành một cơ hội học tập, một cơ hội chuyển biến nội tâm tích cực. Thí dụ, báo  U.S.A Today, số ra ngày 15 tháng 12 năm 2003 mà tôi vừa nhận được, đăng trên trang đầu bức ảnh lớn của Saddam Hussein bị bắt. Bài báo cho biết Saddam bị bắt trong một cái hầm, gần bờ sông Tigris, cách dinh thự của ông không xa. Thật là oái ăm, đường đường một Tổng thống, có tới 91 dinh thự và lâu đài trong cả nước, thế mà phải sống chui lủi như  "con chuột" (từ "con chuột" là của tướng Odierno, tư lệnh sư đoàn bộ binh 4, phụ trách cuộc vây ráp, dùng và viết trên báo). Phải chăng đây là một minh chứng sinh động của luật vô thường và nhân quả nghiệp báo?

Đây là nhân quả hiện tiền, diễn ra ngay trong đời sống hiện tại của Saddam Hussein chứ không đợi đến kiếp sau, chỉ khoảng vài chục ngày, truớc và sau khi Baghdad thất thủ! Ôi, Chỉ có vài chục ngày  mà một vị Tổng thống hét ra lửa, ai ai cũng sợ, có bao nhiêu dinh thự lâu đài, phải sống chui lủi như con chuột! Quý vị có biết ai chỉ điểm cho liên quân  Mỹ - Anh bắt  Hussein hay không? Tư lệnh sư đoàn bộ binh số 4 cho biết có hai nguồn tin tình báo. Một là một người thân cận trong gia đình Hussein, hai là của một vệ sĩ cũ của Hussein. Nhân tình thế thái cũng thay đổi mau chóng thật. Tất cả đều vô thuờng, tình cảm của người thân cũng là vô thường.

Cách đây không lâu, xảy ra sự cố giao thông bi thảm, khiến cho Ni trưởng Trí Hải vĩnh viễn xa lìa chúng ta! Trong nội tâm chúng ta một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc: tất cả mọi người đều phải chết, nhưng chết lúc nào và chết như thế nào thì không ai biết được. Nhân dịp này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại ảnh dụ Đức Phật hay dùng: Một lực sĩ bắt liền một lúc bốn mũi tên bắn vào anh ta từ bốn phương hướng khác nhau, nhưng Phật nói là thời gian trôi qua và cái chết đến với chúng ta còn nhanh hơn mũi tên bắn nữa!

Trong kinh 42 chương, bài 23,  Phật hỏi một thầy Sa môn:

- Đời người được bao lâu?                                             

 Trả lời:

- Một vài ngày.

Phật nói:

- Ông không hiểu đạo.  

Lại hỏi một Sa môn khác:

- Đời người được bao lâu?

Vị ấy trả lời:

- Thời gian một bữa ăn.

Phật nói:

- Ông không hiểu đạo.

Lại hỏi một Sa môn khác:

- Đời người được bao lâu?

Trả lời:

- Bằng một hơi thở.

Phật nói:

- Hay thay! Ông là người hiểu đạo!

Đức Phật ca ngợi thầy Sa môn thứ ba, bởi lẽ, từ nhận thức đời người chỉ bằng hơi thở, thầy Sa môn này có chuyển biến nội tâm tích cực, hàng giờ hàng phút trong cuộc sống của mình, luôn luôn tranh thủ và không để lãng phí thời gian:

Tránh mọi điều ác

Làm mọi điều lành

Tự  làm trong sạch tâm ý mình.

(Kinh Pháp Cú)

Nhưng làm thế nào để cho tâm ý mình được trong sạch?

Qua câu kệ trên của kinh Pháp Cú, chúng ta biết Phật dạy chúng ta là muốn cho tâm ý được trong sạch thì trong cuộc sống phải tinh tấn, tránh mọi điều ác, làm mọi điều thiện.  Nhưng muốn tránh  làm điều ác thì truớc hết đừng có nghĩ ác. Cũng như để làm mọi điều lành, điều thiện thì trước hết phải luôn nghĩ thiện, nghĩ lành. Phải theo gương sáng các sư Nam tông, hàng ngày tâm niệm và học thuộc lòng hai câu kệ mở đầu kinh Pháp Cú:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với  ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau,

 Như bóng không rời hình.

 (Kinh Pháp Cú-. ản Việt dịch  Thích Minh Châu - Kệ 1 và 2, trg. 11 và 12)

Tư  tưởng hai bài kệ trên  của kinh Pháp Cú cũng là  tư tưởng chủ đạo của kinh "Đại Niệm Xứ" thuộc Trường Bộ kinh: "Các ý  ô nhiễm làm mê hoặc chúng sinh; các ý thanh tịnh làm cho chúng sinh được thanh tịnh. Tâm ý thanh tịnh được là nhờ có sự tỉnh giác". Nhờ tỉnh giác mà trong nội tâm xuất hiện niệm gì, chúng ta biết ngay, và nếu là niệm ác, bất thiện  thì chúng tự nhiên biến mất! Trong kinh Niệm Xứ (Trung Bộ I) có những câu, thoạt đọc lên thấy rất bình thường, nhưng đối với những người thiết thực tu tập thì lại rất có ý nghĩa: "Này các Tỷ kheo! Ở đây, Tỷ kheo với tâm có tham biết rằng tâm có tham..với tâm có sân biết rằng tâm có sân, với tâm có si biết rằng  tâm có si ...". Hình như  những ý nghĩ ác, bất thiện rất sợ chúng ta kêu tên chúng, lôi chúng ra ánh sáng của tâm thức. Chúng hình như chỉ có thể tồn tại trong những ngõ ngách tối tăm hay chỗ nửa tối nửa sáng của tâm thức. Đưa chúng ra ánh sáng thì chúng mất biến. Bất cứ người nào có cuộc sống nội tâm phong phú đều có cảm nhận như vậy. Đó là lý do vì sao các thiền sư Tây Tạng khi sang thuyết giảng ở các nước phương Tây nhấn mạnh: Hãy đưa tâm về nhà!

Đó cũng là lý do mà Trần Thái Tông, nhà vua - thiền sư đời nhà Trần, trong cuốn Khóa hư lục, bài "Khuyến phát tâm văn" khẩn thiết khuyến cáo chúng ta biện tâm, chứ không nên mất thời giờ băn khoăn thắc mắc mình là xuất gia hay tại gia, Tăng hay tục, đang sống giữa thị thành hay là đang tu ở trên núi, hoặc mình là nam hay nữ... Nếu không biết biện tâm thì dù có suốt ngày bận áo cà sa đỏ, vàng hay màu lam nhạt, dù có ăn chay trường và sống giữa núi rừng cũng chỉ mất công mà thôi. Có thể là để cảnh tỉnh chúng ta mà trong bài phú "Cư trần lạc đạo" nổi tiếng, Trần Nhân Tông, Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm đã viết:

"Trần tục mà nên phúc ấy càng yêu hết tấc,

Sơn lâm chẳng cốc họa kia thật đã đồ công".

(Hội 3)

Bài phú chữ Nôm cách chúng ta hàng nghìn năm, tất nhiên có khó hiểu, thế nhưng tư tưởng của tác giả thật là dứt khoát rõ ràng. "Trần tục mà nên" nghĩa là người tại gia mà vẫn đạt được giác ngộ  và giải thoát, thì hạnh phúc đó thật là đáng yêu quý hết sức (phúc ấy càng yêu hết tấc). "Sơn lâm chẳng cốc": Sơn lâm là núi rừng, tức là ở núi rừng, chẳng cốc tức là chẳng được giác ngộ. Cốc là tiếng Nôm đọc từ giác theo kiểu tiếng Việt mà thành. Tu giữa núi rừng nhưng lại không được giác ngộ". "Họa kia thật đã đồ công": Đồ công nghĩa là uổng công.

Nói tóm lại, giác ngộ hay không giác ngộ, chỉ là do có biện tâm hay không, có hướng nội mà tu hành hay không?

Trong Kinh tạng Pàli có bốn chữ thường xuyên được nhắc lại là: Chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là luôn luôn nghĩ điều phải, điều thiện, giữ nội tâm trong sáng.  Tỉnh giác là luôn luôn tỉnh táo, không để cho nội tâm khởi lên  dù là một vọng niệm hay một ác niệm nào. Nếu có khởi lên vọng niệm hay ác niệm thì lập tức biết ngay, khiến cho vọng niệm hay ác niệm đó phải biến mất.
 

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 11-2006

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Phật Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544