Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh


 

 

 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL – TTL

TRƯỜNG HẠ QUẢNG ĐỨC
 PHẬT LỊCH  2555

( Từ ngày
05/07/2011 đến ngày 15/07/2011 )
----------------------------------------------------------------------------------------

 

Học Phật là học hiểu sinh tử

Trước khi đấng Toàn Giác xuất hiện thế gian, con người đã mù mờ ngây dại, không biết sinh tử thật sự là gì! Tất cả chỉ sống theo tình cảm cùng sợ hãi xuôi theo hoàn cảnh môi trường thiên nhiên. Bất cứ điều gì đe dọa đời sống con người, thì con người cho đó là vượt ngoài khả năng tri thức, nên tự hạ mình im lặng, hoặc lên tiếng nguyện cầu, mong đợi một thế lực siêu hình chở che giúp đỡ. Con người của ngày xưa trước thời đấng Toàn Giác thường là như vậy.

Và hôm nay con người vô cùng may mắn, kịp thời thức tỉnh hiểu biết được đấng Toàn Giác đã một thời xuất hiện thế gian; đã trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm, mà lời Ngài dạy vẫn còn hiện hữu. Nếu lỡ bỏ qua cơ hội nhân duyên này, một khi chết đi ai lại biết được tái sanh nhằm thời không còn giáo lý giải thoát; chừng ấy trở thành mù mờ ngu ngơ không biết sinh tử thế nào, chẳng khác gì người của ngày xưa trước thời đức Thế Tôn xuất hiện.

Nhưng ngay trong thời đấng Toàn Giác, vẫn có nhiều người không biết đến Ngài, không biết giáo lý giải thoát, vậy những người này ra sao?  Cho đến đời nay tính đã hơn hai ngàn năm trăm năm, họ đã sinh tử về đâu? Thưa rằng, họ vẫn đau khổ và hạnh phúc trong sáu con đường như lời Phật dạy: Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Trong sáu đường này chỉ có hai con đường tạm gọi hạnh phúc, là Trời và Người, các cảnh còn lại chỉ là đau khổ. Dù vậy hai cõi Trời, Người vẫn là sinh tử khổ đau. Điều đó là thực tế, vì được nhắc nhở trong kinh. Nhưng xét cho cùng cõi người vẫn hơn, vì có khổ có vui, nhất là may mắn có thể gặp được giáo lý giải thoát.

Như vậy những người sinh ngay thời Phật, dù không hay không biết, họ vẫn là những con người như tất cả người thời nay. Vì thời nay đâu phải ai cũng biết đạo Phật, và thực hành đúng theo lời Phật dạy! Cho nên những người ngày xưa, có thể đã trở lại làm người sau nhiều lần tái sanh trong khoảng thời gian cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm; hoặc có thể họ được sanh thiên, và cũng khó biết được họ đã sanh vào cảnh giới thấp nào! Nhưng dù phước báo của họ cao thượng ra sao, thì họ vẫn không vượt hơn hai cảnh giới Nhân, Thiên. Và cho dù họ có giữ được phước báo bao lâu đi nữa, trải qua hàng tỉ kiếp sống, thì vẫn có một ngày phước cạn mất đi. Cuối cùng cũng loay quay trong sáu nẻo luân hồi.

Chúng ta hiện nay, là người đang sống thế kỷ 21, có khác với người của ngày xưa, ngày trước Phật ra đời? Thưa, có khác và cũng không khác!

Khác vì ta có nhân duyên thấy được tranh ảnh tượng hình của đấng Toàn Giác, do người xưa truyền tụng miêu tả. Ảnh tượng họa vẽ Ngài giống hay không, nhưng vẫn nói lên sự thật Ngài là con người lịch sử, một hành giả đã trải nghiệm tư duy quán chiếu, tu hành thành đạo chứng quả giải thoát.

Cái khác tiếp theo, là thấy được kinh sách, lời dạy của Ngài được ghi chép lại đến ngày nay; đây là cái thấy cái hiểu quan trọng nhất; vì đó giúp ta tu hành giải thoát một cách cụ thể, hơn là chỉ biết ca tụng lễ lạy hình dáng Ngài. Tuy nhiên tốt hơn ta nên kết hợp cả hai nhân duyên hiểu biết này: lễ lạy kính ân, đọc tụng kinh điển làm theo lời Ngài dạy. Đó là cái khác của chúng ta, là những người may mắn nhân duyên sống xa thời Phật, nhưng còn hiểu biết Phật pháp.

Riêng cái không khác của chúng ta đối với người xưa, là sống trong sinh tử mà chưa hề hiểu biết kinh sợ sinh tử. Nếu ta nói, hiểu Phật đạo là con đường giác ngộ, giải thoát khổ đau, thế ta phải làm sao? Câu trả lời ai cũng biết! Phải thực hành, phải làm theo lời Phật dạy! Câu trả lời thật đơn giản, nhưng chẳng đơn giản chút nào!.

Ta thử tìm hiểu ý nghĩa sinh tử ra sao!

Sinh tử là sự sống chết của một chúng sanh; sinh tử là cặp từ ngữ đi đôi với nhau, như lửa với khói. Sinh tử nói chung hết thảy cho mọi loài vạn vật, từ vô tình đến hữu tình, vô thức đến hữu thức. Nói theo giáo lý giải thoát, sinh tử phải trải qua bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không; và nói đúng hơn nữa đó là pháp sinh diệt vậy.

Vì sinh tử là tuyệt nhiên, là chân lý của dòng sống luân hồi, nên điều này ta thấy không lạ; và việc không xa lạ đó, làm ta thờ ơ xem thường, khó thể tư duy quán xét kinh sợ. Bởi ngày nào mà không có sinh tử xảy ra. Hôm nay ta nghe một em bé mới sinh, rồi ngày mai vài bửa ta nghe có một người vừa mất. Sự sinh ra và chết đi, diễn tiến không ngừng, không ầm ĩ rền vang, mà lặng lẽ êm đềm lập đi lập lại từ hồi nào không biết! Tuy nhiên sự sinh ra ta có thể đoán biết định liệu; nhưng sự tử thì không, nếu có chỉ là vài trường hợp bịnh đau chờ chết.

Trường hợp khác, khi sự chết đến bất ngờ do thiên tai, hay chiến tranh tàn phá; số người chết đến trăm người, ngàn người, hoặc cả triệu. Chết như vậy xem thật kinh khủng; nhưng xem chừng ta cho đó là vì hoạn họa thiên tai, nhân tai mà ra... do đó ta lại tưởng mình đang may mắn, may mắn nên không chết! Ta đâu ngờ rằng, không cần phải đợi thiên tai, nhân tai chiến tranh khủng bố, tất cả mọi người, mọi chúng sinh cứ mỗi ngày là mỗi bước tiến gần sự chết; và hình thức nào, trước sau cũng không tránh được.

Việc nữa đang khi còn sống, làm sao biết được sự chết xảy ra thế nào? Chết rồi còn có gì bên kia?

Đương nhiên ta không có thần lực nhãn thông, nhìn xem cảnh giới vô hình của thân trung ấm. Nhưng ta không đợi thấy mới tin, vì thế gian đã cho mọi người chứng kiến bao nhiêu việc sinh tử nhân quả; việc tạo nghiệp gì thì đón nhận nghiệp quả báo đó. Hãy xem những lúc lâm chung, có người hiện tướng đau khổ không ngăn giấu được nghiệp báo của đời sau; cũng như những hành giả tu sĩ liễu đạo, an nhiên thị tịch là điềm báo trước cảnh giới giải thoát, hoặc tiên triệu tái sanh trở lại. Sinh tử đã rõ ràng bằng quả báo hiện tượng hiện lên ở đời này; nếu không có sinh tử đã từng xảy ra vô lượng kiếp trong quá khứ, thì sẽ không có sự chênh lệch nhân quả đang tiếp diễn xảy ra đời nay. Đời nay chỉ là kết quả bắt nguồn từ nhân đời trước, và đời trước có nhân như vậy là do vố số nghiệp nhân từ quá khứ kiếp xa hơn; rồi đời tương lai thì tùy thuộc vào nhân hiện tại. Như vậy quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng sống chết tạo nhân nhận quả.

Vậy thì nhìn lại tất cả đời sống từ vật vô tình đến hữu tình, vô thức đến hữu thức, đều có cùng một dòng sống sinh tử như nhau. Thực vật cũng chẳng khác, sinh ra là do vô số nhân duyên có trước, hoặc từ một trận địa chấn xê dịch làm thay đổi đất đai hoa màu, hoặc bão gió thổi đi những hạt mầm, những hoa quả, hoặc con người hay thú vật di chuyển mang theo... Từ đó chúng mới có nhân, và từ đó chúng lại chết đi là quả. Sự sống chết cứ xảy ra như vậy, cho đến bao giờ con người giác ngộ mới thôi; chứ không thể gọi là hiểu sống chết mà không bao giờ kinh sợ luân hồi sinh tử!

Đó là vài điều cơ bản nói lên dòng sinh tử thế gian; và bây giờ quan trọng hơn, ta cần hiểu biết sinh tử ngay bản thân mình, đó là cụ thể việc học Phật của người Phật tử thời nay.

Nhìn lại bản thân mỗi người, ta sẽ thấy sinh tử đang hiện lên rõ rệt; vì ta hôm nay khác hơn nhiều với mười năm qua. Xin lấy con số mười năm để quan sát, vì thời gian không xa lắm cũng không gần lắm. Nếu một thanh niên hai mươi tuổi, mười năm trước chỉ là một chú bé chẳng biết suy nghĩ gì cho đáng; nếu một vị trung niên bốn mươi tuổi, mười năm trước cũng mới vừa ngoài tuổi thanh niên; và nếu một người sắp đến lúc gọi già, thì chỉ có mười năm cách đây, lại là anh trung niên còn khoẻ mạnh. Mười năm trôi qua thật nhanh, nhưng có sự thay đổi quan trọng ở con người. Và nếu đã gọi mười năm trôi nhanh mà khi ý thức quên đi, thì mười năm sau tiếp tục đi tới; bấy giờ chúng ta đã đến gần cái chết. Nhưng cái chết đó là cái chết tuổi cao, chứ chưa tính cái chết vô thường do bệnh tật hoạn hoạ tai nạn gây nên.  

Nếu ta còn không ý thức thời gian trôi đi mỗi lần mười năm như vậy, ta sẽ không bao giờ học hiểu được sinh tử là gì; vì sinh tử không tùy thuộc thời gian. Ta cho thời gian mười năm, là tự an ủi cảnh báo trước tuổi già chết sắp đến, để lo tư duy thực hành quán tưởng học đạo, chứ chết làm gì báo trước thời gian! Nói cho cùng ta khó mà chấp nhận ta đã sinh tử từ vô lượng kiếp, và tiếp tục sinh tử trong tương lai. Vì mãi cho đến bây giờ ta vẫn còn chưa chuẩn bị tư duy quán chiếu kinh sợ sinh tử; điều đó có phải ta không chấp nhận ta đã sinh tử từ vô lượng kiếp tới nay!

Hơn hai ngàn năm trăm năm qua từ khi đấng Toàn Giác thị tịch, thời gian quả thật dài, nhưng xét ra trong vô lượng kiếp sinh tử, thời gian đó chỉ là chớp mắt; nhưng trong thời gian chớp mắt, lại có một sát na xuất hiện đấng Toàn Giác ở thế gian này, và ta cũng sinh tử nhanh như thời gian sát na vậy. Như thế rõ ràng ta đã sinh tử không biết bao lần trong vô lượng kiếp. Nhưng lại thật nhiệm mầu, nhân duyên trong khoảng sát na thời gian của vô lượng kiếp không tính được, ta lại tỉnh thức ngay bây giờ khi hiểu biết lời dạy của đấng Thế Tôn. Vậy có phải là chuyện hy hữu không bao giờ nghĩ bàn được! Ta sẽ không đợi và không còn phân biệt tuổi tác, một khi thức tỉnh được mình đã sinh tử bao lâu nay mới gặp giáo lý siêu việt này. Ta nhất định phải tư duy, phải chiêm nghiệm lời Phật dạy: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán.

Tấc cả các pháp hữu vi, như mộng huyễn, bọt, bóng, như sương cũng như điện, nên khởi quán như thế.

Các pháp hữu vi chính là sinh diệt, và sinh diệt là sinh tử luân hồi, trôi nhanh như mộng huyễn, như sương, như điện; ta hãy tinh tấn tư duy quán sát lời dạy này. Chỉ cần quan sát sự sinh ra là nhân duyên khó được, và sự chết đi là sự đánh mất nhân duyên đời sống hy hữu; như vậy ta sẽ sống với tâm niệm luôn luôn nghĩ chết, và chết sẽ phải rời xa sự sống trong luân hồi đau khổ.

Cuối cùng, người học Phật chúng ta mới có thể hiểu được lý vô thường cụ thể qua việc quán sát sinh tử lâu nay; và nguyện hồi hướng phước thiện đang khi còn sống, sẽ được sanh về nơi đất Thánh, nơi chư Phật đang thị hiện độ sanh, để chứng pháp vô sanh, rồi quay về Ta Bà cứu độ chúng sanh.

Cầu nguyện tất cả chúng sanh thành tựu tư duy, quán chiếu sinh tử ra khỏi luân hồi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trường Hạ Quảng Đức ngày 7/7/2011
Thích Phổ Huân

 

 

---o0o---
Vi tính: Chúc Khâm
Trình bày: Tịnh Tuệ
Cập nhật: 08-07-2011


Webmaster:quangduchomepage@gmail.com

                          Trở về Trang Mục Lục

Đầu trang

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduchomepage@gmail.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544