Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Cư Sĩ Huỳnh Trung Chánh


...... ... .

 

  

Tuyển tập truyện ngắn của Cư sĩ Huỳnh Trung Chánh
ICONFLASH.jpg (769 bytes) Cảm niệm về Mẹ. Hư Thân Huỳnh Trung Chánh
 

 

______________

 

Cư sĩ Huỳnh trung Chánh, pháp danh Thiện Tâm, pháp hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh

 

-         Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa, Viện Ðại Học Saigon (1961), và làm việc liên quan đến ngành lập pháp và tư pháp tại Việt Nam trước năm 1975.

-         Tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học, Viện Ðại Học Vạn Hạnh (1967) và đã đóng góp vào việc hoằng pháp tại các Tỉnh Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt tại An Giang và Kiên Giang trước năm 1975.

 (Về bước đầu học Phật của tác giả xin xem lời giới thiệu của thầy Nhất Hạnh và phần tự truyện nối tiếp)

 Tác phẩm đã xuất bản : 

  1. Trở Về, truyện ngắn, xuất bản năm 1988 (hết)
  2. Vết Nhạn Lưng Trời, tập truyện, xuất bản năm 1990
  3. Cửa Thiền Dính Bụi, tập truyện, xuất bản năm 1991
  4. Như Thế Mà Trôi, tập truyện, xuất bản năm 1994
  5. Con Ðường Vô Tận, tập truyện, xuất bản năm 1998
  6. Mẹ Quan Âm Cửu Long, tập truyện, xuất bản năm 2001

Năm tác phẩm sau do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản và phát hành, đọc giả có thể liên lạc với Phật Học Viện Quốc Tế, địa chỉ : 9250 Columbus Ave., North Hills, CA 91343 (USA); điện thoại :  (818) 893-5317, để đặt mua.

---o0o---

 

Tự thuật về bước đầu học Phật

(Trích lời nói đầu trong tập truyện Con Ðường Vô Tận)

 

            Trên bước đường lánh nạn cơn chiến chinh khốc liệt năm 1945, từ Trà Vinh về Cao Lãnh bằng xuồng chèo trên giòng sông Cửu Long, hằng ngày tôi đã phải ngắm nhìn vài mươi xác người sình chương trôi lềnh bềnh trên giòng nước. Hình ảnh ghê rợn đó đã ám ảnh tôi suốt quãng đời thơ ấu. Tôi hằng khoắc khoải về thân phận bé bỏng của con người, và ước mong tìm ra giải đáp về lẽ sống chết qua tôn giáo. Do đó, tôi đã không ngần ngại viếng các ngôi thánh đường công giáo, Tin Lành và Cơ Ðốc Phục Lâm để tìm hiểu. Thánh đường nào cũng đồ sộ nguy nga, quý vị linh mục và mục sư hùng biện, chương trình nghi lễ tươm tất, tổ chức thanh thiếu niên vui tươi, hợp với ban ca thánh điêu luyện..., nên đúng ra phải có sức lôi cuốn tuổi trẻ rất mạnh. Thế nhưng, dẫu cố gắng hết sức, tôi vẫn thấy mình xa lạ ngàn trùng với tôn giáo nầy. Nỗi niềm xa lạ đó, không phát sinh từ lý luận đúng sai, mà thật ra chỉ dựa vào một thứ trực giác mơ hồ khó giải thích. Tôi có cảm giác rằng, vĩnh viễn mình chỉ là người khách đứng bên ngoài chớ không thể nhập cuộc thành một con chiên ngoan ngoản được.

             Mãi đến năm mười tám tuổi tôi mới đặt chân đến cổng chùa. Lần đó, tôi theo người bạn thân tên Trịnh hưng Vận đến chùa Linh Sơn, chợ Cầu Muối, Saigon do hòa thượng Thích Tắc Thuận trụ trì, để dự lễ sám hối. So với thánh đường, ngôi chùa tiều tụy nghèo nàn, tổ chức lượm thượm, không có ban ca nhạc, không phần thuyết giảng, không có ban “làm chứng đạo” nồng nhiệt chiêu dụ. Có lẽ nhờ vậy mà tôi dễ cảm thấy tự nhiên thoải mái. Tôi chiêm ngưỡng tượng Phật từ bi, tôi lặng nhìn thầy trụ trì hiền hòa từ ái, tôi lắng nghe tiếng chuông thanh thoát, tôi hòa hợp với niềm vui mộc mạc của những cụ bà Phật tử quê mùa... Và tôi bỗng khám phá rằng dường như tất cả những gì ở chốn nầy đều thân thương đều quen thuộc với tôi tự kiếp nào. Tôi lễ Phật trong niềm vui lạ lùng của một đứa con hoang đàng lạc lõng bất ngờ được quay về ngôi nhà xưa ấm êm. Dù chưa hiểu chút giáo lý, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi xin thọ tam quy ngũ giới và được thầy ban pháp danh Thiện Tâm, về sau, tôi chọn cho mình pháp hiệu Hư Thân. Hư thân vừa mang nghĩa là thân hư huyễn, vừa ngầm gợi lại hình ảnh đứa con hoang đàng hư hỏng về nhà, tâm trạng của tôi khi vừa “trở về” chùa.

             Tôi bắt đầu tự tìm hiểu Phật giáo qua bộ Phật Học Phổ Thông của thầy Thiện Hoa. Khi nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn Ðức Phật dạy vua Ba Tư Nặc : “Nầy Ðại Vương! Thân thể mặt mày ông tuy già, mà cái thấy vẫn không già. Cái nào già thì cái ấy sẽ bị biến đổi sanh diệt; còn cái nào không già, thì không biến đổi sanh diệt! Nó đã không sanh diệt, thì làm sao bị luân hồi sanh tử được...”bất chợt lòng tôi rung động, một niềm vui mênh mang tràn ngập thân tâm tôi và đã kéo dài hàng tháng. Từ đó tôi vững tin rằng tôi vốn đã không sanh và cũng sẽ không bao giờ diệt. Tôi thường tìm đến chùa Aán Quang xin gặp thầy Thiện Hoa thỉnh thầy chỉ dạy những điều chưa thông suốt. Pháp nhủ thầy giản dị, dễ hiểu và có lẽ đã đi thẳng vào tâm tôi, nên bao năm tháng trôi qua, mà lời dạy của người vẫn hiển hiện sáng ngời trong tâm khảm. Tôi luôn luôn kính thầy là bậc ân sư đã khai mở cho tôi phát tâm bồ đề. Ðiểm tâm đắc mà tôi đón nhận nơi ân sư là tinh thần hài hòa dung hợp tông phái : thầy tu tịnh độ, nhưng trong tịnh lại tràn ngập thiền, giáo, mật. Về sau, có lúc tôi dành rất nhiều thời giờ để học hỏi và thực tập thiền. Thế nhưng, càng nghiên cứu thiền, thì niềm tin của tôi đối với pháp môn tịnh độ càng tăng thêm phần kiên cố.

                        Sau năm 1963, tôi lại có duyên học Phật tại Viện Cao Ðẳng Phật Học (tiền thân của Phân Khoa Phật Học, Viện Ðại Học Vạn Hạnh). Tôi được quý thầy Nhất Hạnh, Thanh Từ, Minh Châu, Thiên Ân, Thanh Kiểm... cùng các vị cư sĩ như cụ Mai thọ Truyền, Nguyễn đăng Thục, Phan Khoang... giảng dạy. Ðối với tôi, vị thầy đặc sắc nhất mà tôi học hỏi và chịu ảnh hưởng sâu đậm là thầy Nhất Hạnh. Tôi mang ứng dụng những điều thầy dạy vào cuộc sống hàng ngày  và nhận thấy đã gặt hái rất nhiều lợi lạc. 

            Tôi ghi lại vài giòng vắn tắt về bước đầu học Phật, để nhân dịp nầy nói lên lòng thành kính và biết ơn sâu xa của tôi đối với bổn sư, ân sư Thiện Hoa, quý thầy, quý bạn đã dạy dỗ và hướng dẫn tôi tìm về suối nguồn Phật Pháp.

             Phật Giáo đã là niềm tin, lẽ sống của tôi bao năm qua. Nhờ chỗ dựa tinh thần nầy mà khi giòng đời trắc trở, tôi không đến nỗi bị cái thắng thua, vinh nhục... làm xao xuyến, và vẫn có thể tìm được những giây phút thanh thản nhẹ nhàng. Từ khi lưu lạc xứ người, nghĩ đến thâm ân Tam Bảo, tôi hằng ước nguyện sẽ làm điều gì để góp phần nào vào công cuộc hoằng dương đạo pháp. Nhân duyên tình cờ đưa đến khi quý thầy kêu gọi tôi viết bài cho một tập san Phật giáo. Tôi đắn đo định viết bài khảo cứu, nhưng cuối cùng tôi thử chọn thể truyện ngắn phảng phất chút hương vị đạo, và cứ thế mà tiếp tục sản xuất cho đến ngày nay. Với tôi, viết truyện đạo là một phương cách biểu lộ niềm tin sâu xa vào Phật Pháp, vừa có cơ hội nhìn lại chính mình để tu dưỡng thân tâm. Khuyết diểm của truyện ngắn là, do nhu cầu câu chuyện, phần giáo lý không thể trình bày đầy đủ, rõ ràng và có thứ lớp, do đó, bạn đọc nên thận trọng, tránh tiếp thu một cách dễ dãi. Qua những mẩu chuyện đạo, tác giả chỉ ước mong gởi đến người đọc chút hương đạo nhẹ nhàng và nếu may mắn, có vị nào nhân đọc truyện mà hứng thú tìm hiểu sâu rộng Phật Pháp, thì hân hạnh cho tác giả biết bao. Ngoài ra, tác giả cũng xin lưu ý bạn đọc là một truyện ngắn, dù đã được dựa vào sử liệu và nhân vật có thật, thì tình tiết cũng bị thêm bớt và nhồi nắn lại nên phải được coi là một sản phẩm tưởng tượng.

             Nhân đây, tác giả xin có lời cảm tạ quý thầy, quý thân hữu và bạn đọc đã hướng dẫn, khuyến khích, cung cấp tài liệu và giúp đỡ tác giả hoàn thành các tập truyện.

             Tác giả đặc biệt xin chân thành tri ân hòa thượng Ðức Niệm, vị thầy đã hết lòng khuyến khích nâng đỡ tác giả sáng tác. Không có sự yểm trợ của hòa thượng, chắc chắn tác giả đã ngưng viết từ lâu. 

Trân trọng.

Tháng 7.1998

Hư Thân Huỳnh trung Chánh

---o0o---

 

Lời giới thiệu của Hòa Thượng T. Nhất Hạnh

(Trích phần lời Tựa trong tập truyện Vết Nhạn Lưng Trời)

             

Huỳnh Quân viết truyện để nuôi dưỡng chân tính và tình cảm của mình như người xưa nuôi hoa lan gầy hoa cúc để nuôi dưỡng tính tình của họ. Tôi nghĩ trước khi đặt bút xuống viết một chuyện, Huỳnh Quân thường để tâm mình chìm xuống trong suối nguồn lịch sử  để được nuôi dưỡng bằng trí tuệ và tình tự của đất nước của giống nòi. Trong khi viết truyện, ông cảm thấy khỏe mạnh, hăng hái, yêu đời và cảm thấy thương yêu tràn ngập trong lòng. Và sau khi viết xong một truyện, ông cảm thấy khoan khoái và nhẹ nhàng. Người đọc thế nào cũng cảm nhận được tính chất lành mạnh, tin tưởng và yêu thương đó của ông. Ðọc truyện của Huỳnh Quân viết cũng là để nuôi dưỡng tính tình. 

Tôi có hân hạnh đã từng là thầy học của Huỳnh Quân cách đây một phần tư thế kỹ. Hồi đó, Viện Cao Ðẳng Phật Học Saigon mới được thành lập. Ngày ấy, người thanh niên họ Huỳnh đã rất mến mộ đạo Phật và nền văn hóa dân tộc. Tôi rất mến mộ ông, vì biết ông là người có chí khí. Thời thế loạn lạc, thầy trò không mấy khi có dịp đàm đạo. Sau đó, đi vào đời, làm chánh án, làm dân biểu, đem tài sức ra để làm việc cho dân cho đời, ông vẫn giữ niềm tin nơi đạo đức và khả năng của cha ông, của giống nòi.

 Gần đây được gặp ông, được đọc truyện ông viết, tôi lại thấy rằng nhận xét ngày xưa của tôi không đến nỗi sai lạc. Mùa Xuân năm nay, Huỳnh Quân có gởi cho tôi một tập truyện mang tựa đề là Vết Nhạn Lưng Trời, dặn rằng sau khi đọc, nếu có hứng khởi thì viết cho vài hàng giới thiệu. Tuy nhiên, suốt mùa xuân lẫn mùa hè, tôi bận đi hướng dẫn các khóa tu học cho đồng bào và cho người ngoại quốc, tôi đã không có thì giờ đọc. Tiết Trung Thu năm nay, nhờ có thì giờ rỗi rãnh, tôi mới đem tập bản thảo ra, pha trà và ngồi đọc. Ðầu thu, cây cối xanh tươi rực rỡ quá. Vết Nhạn Lưng Trời viết rất dễ thương; không khí trong truyện nhiều khi cổ kính, thuần hậu mà không bao giờ kiêu kỳ. Lòng từ bi của tác giả có thể sờ mó được.

 Ðọc xong tập truyện, tôi rất cảm động, liền vào lấy giấy, viết lên mấy giòng chữ nầy, gọi là để cảm tạ Huỳnh Quân. Kính chúc các bạn đọc giả sống được những giờ phút đẹp đẽ trong khi đọc sách.

 Viết tại xóm Thượng, làng Hồng
            Ðầu thu năm 1989
            Nhất Hạnh

 ---o0o---

 
Tuyển tập truyện ngắn của Cư sĩ Huỳnh Trung Chánh
(online)
Tuyển tập truyện ngắn của Cư sĩ Huỳnh Trung Chánh
(CD-Rom)



---o0o---

Khởi đăng : 01-05-2003;

Cập nhật : 01-08-2007


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Thư Mục Tác Giả

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544


home.gif (2141 bytes)