Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Giáo và Thời Đại


...... ... .

 

SỐNG THỜI ÐẠI VÀ TINH THẦN ÐỨC PHẬT

Bùi Mộng Hùng

---o0o---

 

Nam nhi tự hữu xung thiên khí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

(Làm trai chí khí xông trời thẳm

Thôi đi, bỏ lối học đòi Như Lai)

              Thiền sư Việt Nam Quảng Nghiêm (1121-1190)

 

Chính vào những giai đoạn xáo trộn như hiện nay, con  người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu. Phật giáo làmột trong số không nhiều lắm truyền thống đã làm gốc rễ văn hóa cho nảy nở nhiều nền văn minh của một bộ phận rộng lớn nhân loại. Trong chính lúc dân tộc Việt Nam ta bước vào một giai đoạn quyết định cho vận mạng của mình, xét lại một yếu tố căn bản của truyền thống dân tộc như Phật giáo trước thách thức của thời đại là một việc không tránh né được.

Bài này (I) phác hoạ nét trội của cuộc khủng hoảng văn hóa thời đại, (II) xét vài điểm đặc trưng của giáo lý nhà Phật đặc biệt thích nghi với những xu hướng đòi hỏi của thời đại. Và cuối cùng (III) nêu lên vài điểm căn bản cho Phật giáo khai triển trí tuệ và tri thức tính lũy suốt hai nghìn năm, góp phần vào công cuộc xây dựng một nền văn hóa cho hiện đại.

I. Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người.

Các hệ tri thức, xưa nay vững tin rằng mình nắm chân lý, truyền bá niềm tin của mình tự bao đời. Và cũng tự bao đời đã là những ngọn đuốc soi đường cho con người hết thế hệ này đến thế hệ khác trông theo mà an tâm sống với mình, với người, với thiên nhiên.

Những niềm tin ấy bấy lâu nay tưởng đâu là chân lý vĩnh hằng, đến khi vấp vào hiện đại bỗng nhiên lung lay đến tận gốc rễ, nếu không hoàn toàn sụp đổ.

Khởi điểm không phải mới gần đây. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ thời đại Phục hưng, thế kỷ thứ XV, XVI, đưa dần tới sự hình thành của khoa học, của tư duy ngày nay.

Có người cho rằng là phát minh này hay phát minh nọ làm cho khoa học mâu thuẫn với các hệ tôn giáo, với tư tưởng cổ truyền. Không hẳn như vậy. Vì lẽ rằng không một phát minh khoa học nào có khả năng giải đáp các câu hỏi căn bản của tôn giáo nêu lên, mà ngược lại tín ngưỡng có thể tiếp thu chẳng mấy  gì khó khăn bất cứ phát minh khoa học nào vào trong hệ tư tưởng của mình.

Sự xung khắc cơ bản thật ra nằm trong tinh thần nghi ngờ có hệ thống, không tin theo một thuyết nào nếu nó chưa trải qua thẩm định của thực nghiệm. Theo tinh thầnthực nghiệm này thì không có giáo lý nào, hệ tư tưởng nào nắm chân lý vĩnh hằng. Chúng chỉ có giá trị của những giả thuyết, nghĩa là giá trị còn khi chúng còn vận hành còn biểu thị được các hiện tượng, các dữ kiện theo tiến trình mà giả thuyết đề ra. Gặp trường hợp ngược lại, một khi đã không phù hợp nổi với dự kiện đã được quan sát nghiêm túc và có phương pháp thì chính giả thuyết phải tự đặt lại vấn đề và chuyển đổi sao cho phù hợp được với dự kiện.

Quan điểm đổi thay vì suốt nhiều thế kỷ vừa qua, các xã hội loài người không ngừng chuyển biến mạnh. Ðến gốc rễ. Ðảo lộn cả nhận thức. Các vấn đề thời đại không ngớt nổi lên, vấn nạn tri thức con người. Riêng cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ thứ 19 cũng đã đủ thay đổi hoàn toàn bộ mặt hoàn cầu. Truyền thống bao lâu tin rằng chính là tri thức, đạo lý soi sáng và điều khiển hoạt động của con người. Nhưng hiện thực đã chẳng giản đơn một chiều theo lối nhìn đó, vì thế mà làm lung lay cơ sở các niềm tin truyền thống : Tư duy và đạo lý hướng dẫn hoạt động của con người thật, nhưng ngược lại hoạt động sản xuất chính là một nhân tố quy định tư duy, đạo lý trong xã hội loài người.

Từ địa vị đứng trên cao siêu mà hướng dẫn, đạo lý rơi xuống ngang tầm với con người, giữa xã hội. Các giá trị “chân”, “thiện”, “mỹ” không còn được quy định do uy tín của một Chân lý bên ngoài, một cá nhân vĩ đại nào, mà thực ra bởi xã hội, như một tổng thể trong vận động không ngừng chuyển biến của nó.

Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không đâu ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội.

Trong chiều hướng đó, nhà tư tưởng lớn thế kỷ thứ 19 Hegel quay lại nhìn lịch sử như một giòng tiến hóa. Ý nghĩa của sự tiến triển, của vận động lịch sử chỉ sẽ biểu lộ tại nơi điểm tận cùng của lịch sử.

Marx tiếp nối theo, tin rằng đấu tranh giai cấp là động cơ của dòng lịch sử ấy và cho đó là một phát hiện căn bản của mình tìm ra. Con người làm ra lịch sử, và có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ. Cách nhìn của Marx là một yếu tố gây niềm hy vọng lớn cho một phần nhân loại : Lịch sử có ý nghĩa và sẽ tất nhiên đi đến điểm tận cùng của nó. Hành động trong hướng đi của lịch sử là hành động vô cùng ý nghĩa của những con người ý thức được sự thật lịch sử.

  Rồi, trong vòng mấy tha765p kỷ của thế kỷ 20 này, con người bừng mắt phát hiện ra rằng những tiến trình dó chính mình phát động gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên, vào thế giới con người : Làm chủ được nguyên tử lực, con người có thừa năng lực làm nổ tung quả địa cầu. Ðồng thời khi nhận ra chân diện mạo của các chế độ toàn trị kiểu nazi, loài người kinh  sợ mà ý thức rằng dù có tiền đề có giả tạo giối trá vô nhân đến đâu đi nữa, khi mà có những thế lực quyết tâm áp đặt các tiền đề đó thì khả năng thể hiện ý đồ thành công là có thực. Miễn là cái thế lực ấy biết chủ trương hành động có hệ thống một cách liên tục. Thế kỷ 20 này đã được chứng kiến về các tiến trình đi vào hiện thực của những mẫu xã hội toàn trị nazi và những mô hình ít nhiều nhiều toàn trị khác.

Uy lực tác động của con người vào thế giới loài người, vào thế giơi thiên nhiên chưa bao giờ đạt mức độ khủng khiếp như hiện nay.

Trong khi đó, khoa học càng hiểu thiên nhiên thêm sâu sắc bao nhiêu thì con người lại càng ý thức rõ rệt rằng giải pháp khoa học chỉ là đáp từ  cho những câu hỏi của chính mình đặt ra và những giải đáp đó lệ thuộc vào cách đặt câu hỏi. Ði tìm hiểu thiên nhiên- không phải là mình mà cũng chẳng phải do mình tạo ra- rốt cuộc con người gặp lại những cấu trúc, những mô hình do mình tạo nên, nghĩa là gặp lại chính mình. Và cũng bắt đầu nhận ra rằng không thể giáo điều tin vào tính bất định của khoa học mà không xét kỹ độ chính xác trong mỗi trường hợp cá biệt. Khoa học dự đoán khí tượng đã nghiêm túc chứng minh rằng bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh hôm nay có thể gây giông tố ở Nữu Ước tháng sau. Các sự kiện gần đây lại càng cho thấm thía tất định lịch sử thật ra chẳng nghiêm ngặt gì hơn chuyện nắng mưa.

Tất định lịch sử không còn, tự do của cá nhân bỗng nới rộng ra thêm. Mỗi người có thể tự nhủ rằng cánh bướm mình vỗ lên có khả năng lái lịch sử chệch qua hướng khác. Nhưng khi ấy chợt nổi lên, không giải đáp,câu hỏi ý nghĩa hướng đi lịch sử là gì ?

Dù muốn dù không, một lúc nào đó trong đời sống, con người thời đại cũng bị thực tại xô đẩy, buộc quay về đối diện với thân phận làm người của mình. Và lúc ấy rùng mình nhận ra rằng, về căn bản, cung cách ứng xử của mìng chẳng mấy khác người thời trung cổ. Bạo tàn man rợ khác nào khi xưa.

  Chỉ có điều khác là con người thời đại nắm trong tay những phương tiện sinh sát tày Thượng đế. Ðem các phương tiện ấy ra sử dụng lại có phương pháp tổ chức theo kiểu đại công nghiệp- máy móc lạnh lùng-nhưng vô cùng hữu hiệu.

Trong khắc khoải tự vấn trước mênh mang cuộc sống, con người thời đại thấy mình nhỏ bé, chẳng khác gì con người thời trung cổ. Nhưng, quay đi quay lại với chính mình. Không nơi nương tựa, thiếu ngọn đuốc soi đường mà người trung cổ sẵn có, chỉ việc tuân theo.

I. Con đường Như Lai.

1.  Một giáo lý nhân bản, một quan điểm “động” trong nhận định

Ðối tượng của lời Phật dạy không ai khác là con người, trần trụi với thân phận làm người. Câu hỏi trung tâm của giáo lý nhà Phật là một vấn nạn thẳng thừng không chút nhân nhượng : “Con người kia anh là gì ?”

Ðối với câu hỏi ấy, con người không khỏi cũng có lúc trầm ngâm trước dòng sông, nước luân lưu chảy để ngậm ngùi rằng ta đứng đấy mà mọi việc trước mắt biến chuyển không ngừng. Ðiều mà ai ai cũng nhận ra dễ dàng. Nhưng thường không suy xét xa hơn, và, nếu có thì cũng ngừng ở nhận định : ta nhìn, ta tư duy vậy ta hiện hữu (je pense, donc je suis).

 Cách nhìn theo đức Phật không phủ nhận tính hiện hữu của “cái ta”, trong phút giây quan sát giòng sông. Chỉ nhắc nhở rằng, nếu không ngừng nước chảy qua cầu thì chẳng khác chi dòng nước, người đứng trên cầu ngắm dòng sông cũng bao ý niệm nổi lên, trôi đi, dư âm vang vọng, tâm tư không ngừng chuyển đổi...

Nhà Phật quan niệm dòng sông, người đứng ngắm là những nhân tố ứng tác qua lại với nhau trong một quan hệ động. Một tiến trình trong đó các ứng tác không ngừng miên man chuyển biến. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là “vô ngã”, “vạn pháp vô ngã” mọi sự việc đều vô ngã. Và dùng thuật ngữ “không” để chỉ bản tính không ngừng biến chuyển của sự vật, “vạn pháp giai không”. Ðem cái nghĩa thông thường của từ  “không” gán cho thuật ngữ đồng âm làm sai lạc ý nghĩa quan điểm nhà Phật. Hiện thực luôn luôn biến động, nhưng nào phải vì vậy mà hư không !

Cảm nhận trung thực từng giây từng phút tiến trình của các quan hệ không ngừng chuyển đổi, tiếp theo đó mà liên tục đáp ứng, hồn nhiên, hài hòa, không bị lăng kính ảo tưởng làm cho méo mó lệch lạc, đó là một đặc tính của Phật. Và vì thế Phật còn có danh hiệu là Như Lai.

Tiến trình biến chuyển của sự việc, Phật giáo quan niệm là không do ngẫu nhiên. Nó có nguyên nhân và điều kiện. Nguyên nhân như hạt giống, nảy nở ra được hay bị thui chột đi còn tùy ảnh hưởng điều biến của những điều kiện kèm theo. Thuật ngữ gọi đó là “nhân duyên”.

2.  Một giáo lý cho hành động, nơi đây và ngay bây giờ.

Là một nhân tố ứng tác có ý thức, con người trong giây phút hiện thực là một điểm động cuốn theo dòng thác tiến trình mà khởi điểm bắt đầu khi nào chẳng rõ, bao giờ tới điểm tận cùng cũng chẳng hay. Lặn hụp trong giòng đời, dù cho thu mình với thái độ thụ động hay tích cực xông xáo, con người bề gì cũng ý thức tiếp thu ảnh hưởng cùng tác động vào tiến trình cuộc sống, nghĩa là hành động, là gieo nhân, tạo nên duyên.

Nói cho đúng, ý thức của con người có ban cho hắn được chút phần tự do. Trong chọn lựa hành động và khởi điểm của nó. Nhưng trong một tiến trình, khi đã phát động rồi, hành động tác động vào mội trường như thế nào, phản hồi lại ra sao phần lớn vượt ngoài ý chí của con người cá nhân. Con người ấy, trong giây phút hiện thực là một điểm động, là hệ quả của hành động bản thân, của tác động môi trường bao quanh, của các thế hệ sanh trước. Ngược lại, với hành động do mình khởi xướng, cá nhân ấy cũng tác động vào thế giới này, vào thế hệ mai sau...

Thuật ngữ “nghiệp” của nhà Phật dùng để chỉ tác động và hệ quả của hành động ý thức của con người. Con người cá nhân tạo ra “biệt nghiệp”  riêng của chính mình, nhưng cũng tác động vào và chịu ảnh hưởng “cộng nghiệp” chung của xã hội loài người. Khái niệm “nghiệp” đặt vai trò và vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ trong giòng tiến hóa của sinh vật, trong nhân loại hôm qua, ngày nay và mai sau. Qua hành động- mà không ai tránh né được-cái “nghiệp” ràng buộc theo quy luật nhân duyên mỗi cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật. Từ mối liên đới đó, hệ giáo lý Bắc tông khai triển ra khái niệm”bồ tát nguyện” : còn sinh vật trôi nổi trong vòng khổ đau thì bồ tát nguyện theo nâng đỡ. Vì nghĩ cho cùng, liên đới nhân duyên ràng buộc với nhau, làm sao có thể quan niệm một mình một chốn niết bàn thảnh thơi được.

Con người là ứng tác có ý thức trong tiến trình không ngừng chuyển biến, hành động của hắn nếu mà liên tục hài hòa được với cuộc sống chỉ có thể là hành động thích ứng nơi đây và ngay bây giờ, nghĩa là một sáng tạo không ngừng.

Chính vì vậy mà giáo lý Phật giáo không thể không là lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật cho hành động và hành động trong cuộc sống nơi đây, ngay bây giờ.

Căn cứ vào hành động, vào “nghiệp”, đạo Phật đưa con người từ tối tăm trật vuột nắm bắt ảo ảnh- thuật ngữ gọi là “vô minh”- đến trí tuệ hòa hợp hồn nhiên con người vào tiến trình cuộc sống, vào vũ trụ. Chính vì vậy mà cho rằng đạo Phật yếm thế, trốn đời là lầm to.

3.  Một con đường giải phóng trí tuệ soi sáng hành động.

Chính vì có ý thức mà con người khó hồn nhiên ứng tác hòa hợp theo nhịp biến đổi của tiến trình cuộc sống. Lúc thì phản ứng bất cập, khi thì lại thái quá. Hoặc để cho sức trì kéo của cái khối kinh nghiệm đã qua giết chết cái sáng tạo cần thiết cho sự thích nghi với hiện tại, bản thân là một trạng thái luôn luôn mới lạ. Hoặc đưa tất cả tâm trí phóng ảo tưởng đến tương lai nghĩa là vào một cái chưa có, để rồi dập mặt dập mũi vào cái hiện tại không sao tránh né được.

Nhà thơ than:

Yêu là chết trong lòng một ít

Cho thì nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu...

Yêu nhau thắm thiết, niềm vui lớn. Nhưng chính vì yêu mà kẻ cho, người nhận, cả hai người yêu nhau không bao giờ được hoàn toàn vừa lòng. Nhà Phật không phủ nhận những niềm vui trong cuộc sống, chỉ nhắc nhở đến cái vui, quan hệ trong tiến trình cuộc sống của các ứng tác có ý thức luôn luôn vấp vào những điều làm cho họ chẳng bao giờ được hoàn toàn mãn nguyện. Thuật ngữ nhàPhật gọi những khổ đau, những tiềm lực làm cho con người bất mãn trong cuộc sống là “khổ”. Ðó là một nhận định duy thực.

Nhận định thế, để khẳng định ngay rằng có con đường vượt “khổ”, đem lại an lành. Con đường bỏ rơi ảo tưởng, hài hòa quan hệ ứng tác của con người trong tiến trình không ngừng biến động của cuộc sống. Ðó là “đạo”mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bản thân thể nghiệm. Và cũng khẳng định rằng đã là người. Thì không phân biệt trai gái, sang hèn màu da, sắc tộc bất cứ ai ai cũng đều tiềm tàng đầy đủ khả năng của đức Phật, con người đã trọn vẹn thể hiện “đạo ấy”.

Phật chỉ nhắn nhủ mỗi người chúng ta chính mình thể nghiệm. Không một ai có thể làm thay mình được, đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường.

Mỗi cá nhân là một trường hợp duy nhất, con đường cũng phải thích nghi với tính duy nhất của mỗi người. Nhà Phật hằng hà phương tiện.

 Nguyên tắc chung, chúng ta gặp ngay trong câu Phật tử thường chúc nhau “thân tâm an lạc”. Phương pháp nhà Phật chú trọng cả thể xác lẫn tâm thần, đến tác động qua lại vòng tròn của chúng. Thân an lặng thì lòng cũng yên, tâm yên tĩnh thì thân thêm thư dãn thoải mái. Cứ thế mà thân tâm liên tục ảnh hưởng lẫn nhau đưa đến trạng thái tĩnh lặng, thuận lợi để quán xét, ý thức tinh tường những gì đã xảy ra trong mình, xung quanh mình. Chính sự ý thức rõ rệt những gò bó trong thân xác, những thể thức dục vọng nổi lên rồi tan đi trong thâm tâm là cơ sở để chủ động thư dãn toàn thân, để dục vọng không bị đè nến mà nhạt thưa dần. Lửa lụi tàn vì củi không còn. Cứ thế mà các nhân tố tạo thiên kiến, thành kiến rơi rụng. Mâu thuẫn tan dần, tự do nội tâm phát triển. Thân và tâm ung dung tự tại sẵn sàng tập trung vào hiện tượng bên trong, bên ngoài, để tiếp nhận và phản ứng hồn nhiên, thích nghi, không lệch lạc, thái quá hay bất cập.

Khi ảo tưởng hoàn toàn rơi rụng hết, sự thích ứng lúc ấy hài hòa với tiến trình cuộc sống. Một trạng thái siêu việt các cặp đối lập ta-người, chủ-khách, tri thức- hành động ,thiện, ác, luân hồi-niết bàn...thời gian trong đó là hiện tại vĩnh hằng.

Ðó là ý nghĩa lời Long Thọ bồ tát (150 ?-250 ?) khẳng định “Niết bàn là luân hồi, luân hồi là niết bàn” (Nagarjuna, Madhyamika-Karika, XXV<19). Ðó là lý do nhà Nho thấm nhuần tinh thần Thiền tông Vương Dương Minh (1472-1529) xướng thuyết “tri hành hợp nhất”.

Chỉ có bậc hoàn toàn giác ngộ mới hợp nhất được tri và hành, siêu việt được đối lập biết và làm. Nhưng, cuộc sống luôn luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa để hành động. Thế nào cho phải, đó là vấn đề. Giáo lý nhà Phật đề nghị các phương thức giúp mỗi người chúng ta sáng suốt nhận thức và hành động.Mấy câu kinh Pháp Cú tất nhiều người thuộc nằm lòng nhắc nhở điều ấy :

Chư ác mạng tác

Chư thiện phụng hành

Thanh tịnh kỳ ý

Thị chư Phật ngôn

(Không làm điều ác, Làm mọi việc lành, Thanh tịnh tâm ý, Ấy lời chư Phật)

Phân biệt phải quấy, đạo Phật không đặt nơi một uy quyền ngoài con người. Lúc chọn lựa hành động bao giờ chẳng chỉ có mình với mình. Cái “lương tri” do tâm ý thanh tịnh trong sáng là bảo đảm duy nhất cho tính đúng đắn của chọn lựa ấy.Tất cả giáo lý nhà Phật, lý thuyết, và thực hành chỉ nhằm cho tâm ý người hành đạo tĩnh lặng trong sáng trong sóng gió bão lửa của cuộc sống.

Con người thời đại đã đạt tri thức vô cùng cao xa, nhưng lương tri không tương xứng. Tạo một “lương tri khác” là tiềm năng quý báu mà giáo lý nhà Phật có khả năng đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. Với vốn liếng Phật giáo tích lũy trên hai mươi thế kỷ tri  thức lý thuyết và thực hành.

II. Chí khí ngất trời xanh.

1.  Xác định chức năng.

Sức sống của một giáo lý tùy thuộc những người đang sống và thể hiện nó. Phật giáo phát huy được tiềm năng của mình khi nào những người đang sống lời Phật dạy xác định được chức năng xã hội của giáo lý mình thể hiện.

Trên căn bản giáo lý nhà Phật không có gì đối chọi với tinh thần khoa học. Nhưng Phật giáo không phải là khoa học. Chức năng khác, cách chứng thực cũng khác. Sự thực khoa học chứng qua thực nghiệm. Hoàn toàn khác nhau từ tinh thần, lý thuyết, đến thực hiện với thể nghiệm “đạo”.

Sự thực thể nghiệm là một sự thực chủ quan, bản chất khác với sự thựckhoa học.

Khoa học thay đổi bộ mặt toàn cầu. Tuy nhiên, trong hiện trạng ngày nay khoa học không thể và cũng không có tham vọng đề nghị một cái nhìn tổng hợp toàn diện cuộc sống.

Giáo lý nhà Phật đề nhị một nhận thức tổng thể cuộc sống, là một triết học. Chính vì không phải là khoa học : đem lại ý nghĩa cho hoạt động thường ngày, cho cuộc sống mỗi con người .

  Có triết lý của mình, nhưng khác với các hệ triết học nhà Phật còn một kho kinh nghiệm phong phú về phương thức, kỹ thuật sử dụng những động tác thân xác đơn giản, hô hấp, đi, đứng, nằm, ngồi... Ðể thể hiện triết lý của mình trong thân xác, trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi người. Ðề nghị một hành trình thể hiện chứ không thể duy nhất là một hệ tư tưởng thuần lý, một bộ phận giáo lý nhà Phật có những nét hấp dẫn với tinh thần thời đại.

Là một tôn giáo, có đầy đủ nghi lễ, nhưng người Phật tử không phải đặt lòng tin vào một uy lực cao siêu nào ngoài con người, ngoài bản thân mình.

Có biết mình, biết người, cộng đồng Phật tử mới bỏ rơi được mặc cảm tự ti và tự tôn, không hao tổn tâm thần năng lực vào những cuộc tranh biệt sân si, xácđịnh vị trí và chức năng của giáo lý nhà Phật so với khoa học, các tôn giáo khác. Khi ấy mới an nhiên đem tinh thần Như Lai thể hiện ra nếp sống hằng ngày, trong muôn mặt của cuộc sống. Và góp phần vào công cuộc chuyển hóa nền văn hóa thời đại.

2.  Sống thời đại.

Muốn được vậy phải đau cái đau thời đại, khổ cái khổ thời đại, dằn vặt với các vấn đề thời đại. Tóm lại phải sống thời đại.

  Truyền thống hai mươi lăm thế kỷ của đạo Phật là một ốc đảo để ẩn náu, an tâm cho những ai mệt mỏi, khiếp sợ trước các chấn động của thời đại đang oằn oại chuyển tiếp. Cái nguy lớn của Phật giáo chính là ở đó mặt quay về quá khứ, day lưng với thời đại, mãn nguyện với việc làm ẩn náu cho những người trốn sống thời đại. Và chỉ có thế thôi, ngoài ra không còn chi khác.

Nay chính là lúc cần chí khí ngất trời xanh của những người đem đạo vào trong đời trong những thời điểm khác thường. Khi tinh thần Phật thấm nhuần vào Trung Quốc, nở ra Thiền tông, các tổ như ngài Lâm Tế (?-867?) nói đạo bằng những câu chữ hàng ngày của người nông dân cho người thời đại bừng mắt nhận ra đâu là tinh thần Như Lai. Khi văn hóa đất Việt hưng lên với một dân tộc độc lập, đời Lý thiền sư Quảng Nghiêm (1121-1190) nhắn nghủ “Nam nhi tự hữu xung thiên khí, Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai chí khí xông trời thẳm, Thôi đi, bỏ lối học đòi Như Lai). Ðời Trần, ta gặp thần thái thanh thoát ấy nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230-1291), thầy của tổ sáng lập ra phái thiền Việt Nam Trúc Lâm, Ðiều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Trong một bữa tiệc của thái hậu mà cũng là em ruột thượng sĩ tiếp đãi, Tuệ Trung gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi : “anh tu thiền mà ăn thịt thành Phật sao được ? “ Thượng sĩ cười đáp : “Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh”.

Thời Phật, thời tổ, thời Lý-Trần đã qua, và không bao giờ trở lại, thời đại là của bây giờ. Tinh thần đức Phật chỉ có giá trị qua cọ sát với thực tại. Có lăn vào giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho con người, mới nảy ra cái nhìn “Như lai” sự việc hôm nay. Mới bật ra lời lẽ đi  vào con tim người đang mò mẫn tìm đường. Phải thông giáo lý nhà Phật, đã đành. Công trình xuất bản kinh tạng Pali dịch qua tiếng Việt của hoà thượng Minh Châu, dự án dịch và xuất bản hệ tam tạng Sanskrit của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bước tiến cho ai ai cũng có thể tiếp cận những tư liệu gốc một cách trực tiếp. Nhưng, có soi qua gương mặt người mới nhận rõ ra mặt mình, có đem tư tưởng nhiều ít sáo mòn đọ với các luồng tư tưởng hiện hành mới sáng lên sức sống của tư tưởng Phật, nơi đây và ngay bây giờ.

-Công cuộc bỏ ngỏ.

Thời nào cũng phải thích nghi phương pháp tu dưỡng cho thời đại mình. Không biết tự bao giờ Phật tử Việt Nam chào nhau bằng câu “A Di Ðà Phật”. Chỉ biết chắc chắn rằng chẳng phải do ngẫu nhiên. Có gì khắc khoải cho con người bằng khi phải đối mặt với thân phận làm người. Cái ý phải tin vào sức mình, không ai, kể cả đức Phật có thể làm thay cho được tiềm tàng trong lời Phật dạy. Nhưng cũng ý đó bắt con người phải đối diện với chính mình. Tịnh độ tông khéo léo tránh né điểm khó này bằng thuyết “tha lực”, nhờ sức của người khác, nhờ Phật A Di Ðà dẫn vào đất an lành.

Phương tiện phần nào dễ dãi ấy có còn thích nghi với tinh thần nghi ngờ thành hệ thống của con người ngày nay chăng ? Dù muốn dù không, vấn đề phương cách “hành đạo” cho con người hiện đại cũng đặt ra.

Những phương tiện hay nhất thường tìm thấy được ngay trong đời sống hàng ngày, trong nghề nghiệp. Người võ sĩ Nhật Samourai, kè kè lưỡi kiếm, theo nghề chém giết. Phật giáo nhập sâu vào văn hóa thì người Samuorai học và thể hiện Thiền không đâu ngoài đường kiếm. Khi đó người ấy đi vào giữa lằn đao, mưa đạn với cái an nhiên của kẻ siêu việt cái sống và cái chết, lưỡi kiếm uy lực như sấm sét...

Phương pháp hành đạo ngày nay là những gì ? Ðể cho con người tất bật của thời đại thể hiện được tinh thần Như Lai, hồn nhiên mà thích nghi vào tiến trình cuộc sống ?

Những tầm nhìn thanh thoát về các vấn đề thời đại đang đặt ra, một nghệ thuật sống an lành đi vào muôn mặt của cuộc sống thường này, những phương pháp tu dưỡng thích nghi với mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đó là cách thức mà thực tại đặt ra cho trí tuệ cộng đồng Phật tử. Giả đáp chính là phần Phật giáo góp vào nền văn hóa thời đại.

Bùi Mộng Hùng (9.1995)


---o0o---

Vi tính : Nguyệt Cung Diệu Thanh
Cập nhật ngày: 01-10-2002
Trình bày: Nhị Tường


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Phật Giáo và Thời Đại

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544