Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Truyện Tích Phật Giáo


...... ... .

 

 



TRUYỆN THƠ TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT

( Tập 4 )

***

 

ẨN SĨ KHỔ HẠNH

Người kể truyện: 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO 

* DIỆU PHƯƠNG XUẤT BẢN 2007 *

 


MỤC LỤC

 

*  LỜI NÓI ĐẦU 

1) Người bắn cung nhỏ bé.

2) Ẩn sĩ trong vườn vua.

3) Anh hùng tên “Xui”.

4) Thắc mắc trẻ thơ.

5) Học theo loài rắn.

6) Thầy tu thờ vận may.

7) Giả dạng thầy tu.

8) Tử tế một chiều.

9) Súc sắc tẩm độc.

10) Bí mật dây chuyền mất trộm.

      Ch.1: Từ tội này tới tội khác.

11) Bí mật dây chuyền mất trộm.

      Ch.2: Khám phá bí mật.

12) Sư tử bất cẩn.

13) Ẩn sĩ khổ hạnh.

14) Vua Đại Thiện Kiến.

15) Hoàng tử và các nữ quỷ.

      Ch.1: Năm bữa ăn trong rừng.

16) Hoàng tử và các nữ quỷ.

      Ch.2: Bữa tiệc trong hoàng cung.

17) Một người tên “Xấu”.

18) Một người tên “Khôn”.

19) Đạt được chữ “Không”.

20) Lời mẹ khuyên.

21) Chúa voi sáu ngà.

      Ch.1: Bồ Tát tái sinh.

22) Chúa voi sáu ngà.

       Ch.2: Nơi ở và gia đình.

23) Chúa voi sáu ngà.

      Ch.3: Hoàng hậu đầy hận thù.

24) Chúa voi sáu ngà.

      Ch.4: Cuộc săn.

25) Chúa voi sáu ngà.

      Ch.5: Hoàng hậu đắc thắng.

26) Ngỗng vàng.

27) Voi trắng.

28) Khỉ từ bi.

29) Bài học của nhà vua.

30) Vua hung ác.

31) Diều hâu hiếu thảo.

32) Chàng con khôn ngoan.

33) Người đẹp tuyệt trần.

 * NHẬN DIỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT.

 * NHẬN XÉT VỀ TIỀN THÂN.

 

  

LỜI NÓI ĐẦU

 

     TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT được ghi chép trong Kinh Bổn Sanh (Jàtaka). Đây là tập thứ 10 trong Tiểu Bộ Kinh. “Tiền thân” là những đời sống trước, những kiếp quá khứ. Mỗi truyện thường gồm: phần truyện hiện tại, phần truyện quá khứ, phần kết hợp và một bài kệ.

     Phần “TRUYỆN HIỆN TẠI” kể một câu truyện được xem là đang xảy ra trong thời Đức Phật còn tại thế. Nhân dịp này Đức Phật nhắc lại một câu truyện trong quá khứ có liên quan.

     Phần “TRUYỆN QUÁ KHỨ” kể một câu truyện từ thời xa xưa có liên hệ đến những nhân vật trong câu truyện hiện tại. Trong truyện quá khứ luôn luôn có sự hiện diện của một vị Bồ Tát, vị này là tiền thân của Đức Phật.

     Phong cách đạo đức của các vị Bồ Tát thật toàn hảo từ sự suy tư cho đến lời ăn tiếng nói và việc làm. Ngài là nhân vật chính cao cả, phi thường với nếp sống chân thiện, hướng thượng. Ngài thường giáo hóa người chung quanh bằng tấm gương đạo đức của chính mình. Ngài có đầy đủ các đức tính như trì giới thanh tịnh, bố thí rộng rãi, Thiền định tinh tấn liên tục và hành trì hạnh nhẫn nhục cao độ đến mức xả thân. Các vị Bồ Tát này khi thì làm thú vật, khi thì làm người, đôi khi làm chư thiên, có lúc làm thần cây v.v…

     Phần “KẾT HỢP” là phần liên kết truyện hiện tại với truyện quá khứ. Chỉ rõ sự liên hệ giữa những nhân vật chính trong hai câu truyện, để rồi “nhận diện tiền thân” tức là nói rõ ra rằng “người này”, “sinh vật này” trong truyện quá khứ “là ai” trong truyện hiện tại.

     Mỗi truyện tiền thân có một bài “KỆ”. Kệ đó thường dựa vào câu truyện để đưa ra lời phê bình.

     Tập TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT được coi là do các đệ tử của Đức Phật trước tác và mượn tiếng là Phật dạy để phổ biến những lời giáo huấn của Đức Phật. Người ta suy ra rằng các vị này sống trong thời Đức Phật hoặc chỉ sau đó khoảng vài chục năm. Đầu tiên truyện được truyền khẩu, về sau người ta sưu tập lại và ghi chép thành kinh sách.

     Các truyện tiền thân thật sự là những tài liệu có giá trị cả về mặt văn học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học và giáo dục Phât giáo... Truyện có mục đích tạo niềm tin vào đạo pháp trong mọi tầng lớp xã hội. Truyện mở ra một kỷ nguyên mới trong cung cách truyền bá đạo Phật. Các truyện tiền thân này, nhất là các truyện về súc vật, nhiều khi vượt qua biên giới tôn giáo và trở thành cổ tích dân gian, nửa thần thoại, nửa thực tế, không lệ thuộc một tôn giáo nào hay xứ sở nào cả. Đây là gia tài chung của nền văn hóa dân gian. Chính vì vậy mà các truyện tiền thân này rất được phổ biến, không những trong giới Phật tử mà còn lan ra khắp cả mọi địa phương và mọi dân tộc nữa. Truyện tồn tại với giá trị độc đáo trong nền văn chương thánh thiện của thế giới. Mặc dù đã hơn hai ngàn năm trăm năm qua kể từ khi những truyện này được kể, ngày nay truyện vẫn chứa đựng sự hấp dẫn và còn có khả năng lôi cuốn làm say mê tâm hồn các độc giả trẻ em cũng như người lớn.

     Các truyện tiền thân Đức Phật đã được nhiều người kể lại, thường là bằng văn xuôi, đôi khi bằng tranh ảnh. Trong cuốn sách này, và có lẽ đây là lần đầu tiên, truyện được kể lại bằng một ngôn ngữ bình dị dưới hình thức thơ, những vần thơ “lục bát” có tính cách thuần túy dân tộc, để người đọc và người nghe dễ hiểu và dễ nhớ:   

 

     1) 25 truyện đầu tiên đã dựa vào tài liệu là hai cuốn: “BUDDHIST TALES FOR YOUNG AND OLD” của Ven. Kurunegoda Piyatissa Maha Thera và Todd Anderson. Phần tranh phụ họa trong cuốn thứ nhất (1995) là do Sally Bienemann, Millie Byrum và Mark Gilson. Phần tranh phụ họa trong cuốn thứ nhì (1996) là do John Patterson. Vì truyện kể nhắm cho các độc giả phương Tây nên các tranh vẽ hầu như thiếu sắc thái Á Đông.

     2) 8 truyện sau dựa vào “THE STORIES OF BUDDHA’S FORMER BIRTHS” của Anjali Pal và “STORIES OF THE BUDDHA” của Caroline A.F. Rhys Davids.

     Các tài liệu trên đây không đề cập tới phần “Truyện Hiện Tại” mà chỉ đơn giản đề cập đến phần “Truyện Quá Khứ” của các truyện tiền thân mà thôi.

     Cuối sách là phần “Nhận Diện Tiền Thân Đức Phật” giới thiệu cho mọi người được biết người nào, sinh vật nào, thần nào là vị Bồ Tát (tức tiền thân Đức Phật) trong câu truyện quá khứ đã kể ở trên.

     Tác giả khi kể truyện lại bằng thơ cũng đã tham khảo thêm các truyện về tiền thân Đức Phật của Hòa thượng Thích Minh Châu và cư sĩ Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch từ nguyên bản tiếng Pali và tiếng Anh, do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

     Bộ “TRUYỆN THƠ TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT” của cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao gồm nhiều tập. Tập số 4 này gồm 33 truyện thơ và có nhan đề là: “ẨN SĨ KHỔ HẠNH.”

     Ước mong rằng người đọc cũng như người nghe truyện sẽ ghi nhớ mãi trong tâm cái nếp sống đạo đức chân chính cùng những lời khuyên dạy quý báu của vị Bồ Tát trong truyện để cùng nhau cố gắng noi theo hầu đạt được cái Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống hàng ngày.

 

DIỆU PHƯƠNG

______________

 

* 1 *

NGƯỜI BẮN CUNG

NHỎ BÉ

 

Ngày xưa, ngày xửa, ngày xưa

Có gia đình nọ rất ư sang giàu

Chàng con lại lạ lùng sao

Người còng như có bướu sau lưng mình

Tướng trông xấu xí thật tình

Gầy còm, lùn thấp dáng hình khó coi,

Muốn theo học để nên người

Chàng tìm thầy giỏi đương thời trứ danh

Học về tôn giáo cho rành

Cùng môn khoa học, thêm ngành bắn cung

Ai ngờ bắn giỏi lạ lùng

Trở nên vô địch tiếng lừng khắp nơi.

Rời khỏi trường bước vào đời

Chàng thầm nghĩ ngợi: “Mọi người thường ưa

Xét người theo tiêu chuẩn xưa

Bề ngoài là chuộng, còn như thực tài

Dễ gì hấp dẫn được ai.”

Chàng cho rằng đến lâu đài hoàng cung

Muốn xin việc, khó vô cùng

Chắc vua sẽ hỏi: “Người lùn như mi

Thời làm được trò trống chi?”

Thế là hỏng việc, khó bề êm xuôi.

Chàng mong dựa dẫm một người

Bề ngoài bộ mã trông thời dễ coi

Để làm cái gốc mà thôi

Đứng ra lo liệu việc đời chung quanh

Còn chàng thời sẽ ẩn danh

Giữ phần đầu óc, nép mình phía sau

Cả hai kết hợp cùng nhau

Cách này kiếm sống dài lâu dễ dàng.

*

Một hôm dạo bước lang thang

Trong khu thợ dệt thời chàng gặp ngay

Một người cao lớn tại đây

To con, khoẻ mạnh, đẹp thay mã ngoài

Chàng làm quen rồi thốt lời

Hỏi thăm mới biết là người địa phương

Chuyên nghề thợ dệt tầm thường

Chàng bèn thắc mắc: “Đường đường tấm thân

Oai phong lẫm liệt vô ngần

Sao làm thợ dệt chôn chân xóm nghèo?”

Anh cao nói vẻ tiêu điều:

“Bản thân tôi có biết nhiều nghề đâu.”

Thật là thuận tiện biết bao

Chàng bèn đề nghị anh cao bỏ nghề

Hoàng cung chốn đó tìm về

Đúng theo kế hoạch trước kia của mình,

Chàng lên tiếng, giọng tâm tình:

“Gặp vua nói chuyện xin dành bạn thôi

Cho vua biết bạn là người

Bắn cung giỏi nhất ít ai sánh cùng

Vua nhìn bạn sẽ tin dùng

Sẽ thuê ngay đó bạn đừng ngại chi,

Phần tôi sẽ chỉ theo đi

Giúp ngầm cho bạn mỗi khi thấy cần

Việc cung tên đừng ngại ngần

Chính tôi ngầm bắn, đích thân trổ tài

Đôi ta sẽ có tiền hoài

Lại thêm địa vị bao người cầu mong

Chỉ cần bạn biết phục tùng

Làm theo tôi nói, nhớ đừng cãi tôi.”

Anh cao thợ dệt nghe rồi

Nghĩ mình chẳng bị thiệt thòi mất chi

Cho nên đồng ý tức thì

Nhắm Ba La Nại cùng đi vào chầu

Gặp vua kính cẩn cúi chào

Vua nhìn bộ mã anh cao đẹp người

Nên lên tiếng hỏi: “Các ngươi

Cần chi mà lại tới nơi triều đình?”

Anh cao thay mặt thưa trình:

“Muôn tâu bệ hạ tôi rành bắn cung

Nghề riêng thông thạo vô cùng

Mong vào phục vụ hoàng cung giúp ngài.”

Vua nhìn hình dáng bên ngoài

Thấy anh tốt mã, chắc tài cũng hay

Cho nên tin tưởng anh ngay

Cho anh chức vụ tại đây dễ dàng,

Sau khi ấn định tiền lương

Nhà vua mới hỏi tới chàng lùn kia

Đứng yên lặng, không nói chi

Phía sau khuất dạng, người thì nhỏ con,

Anh cao kính cẩn thưa luôn

Đó là phụ tá chuyên môn của mình.

Kể từ đó trong triều đình

Anh cao thợ dệt được dành chức cao

Được vua trọng dụng biết bao

Hoàn thành công việc vua trao mọi đường,

Thật ra mọi việc đảm đương

Là do tài nghệ của chàng lùn thôi!

*

Ít lâu xảy chuyện nguy tai

Có con cọp dữ sống nơi ven rừng

Luôn rình rập khách qua đường

Để rồi giết hại thảm thương vô vàn

Người dân sợ hãi kêu than

Vua bèn ra lệnh phải ngăn chặn liền.

Anh cao được hỏi trước tiên

Vì là người giỏi cung tên hàng đầu

Anh thưa: “Nào khó gì đâu

Tài tôi dư sức hạ mau cọp này.”

Vua tin lời sai đi ngay

Thưởng thêm tiền bạc. Vận may tốt lành!

Anh cao về kể ngọn ngành

Chàng lùn bèn vạch chương trình đi săn:

“Chuyện này bạn hãy đích thân

Một mình thực hiện chẳng cần đến tôi,

Gom dân làng khoảng ngàn người

Mang cung tên đến tận nơi cọp rừng

Tuy rằng bạn có đi chung

Nhưng vào bụi rậm bên đường núp đi

Để dân gặp cọp dữ kia

Dân làng vì cọp lâm nguy nhiều rồi

Cho nên vây giết cọp thôi

Cung tên giáo mác mọi người phóng qua

Cọp tuy dữ, sẽ tiêu ma

Bạn đừng vội vã bước ra phía ngoài

Hãy tìm một sợi dây dài

Dây leo trong bụi rậm thời thiếu chi

Cầm dây chạy tới cọp kia

Giơ dây nói lớn: ‘Ta đi kiếm tìm

Tìm dây trói cọp cuồng điên

Lệnh vua bắt sống cọp liền hôm nay

Sao ai giết cọp tại đây

Vua mà nổi giận làng này khó yên!’

Thế là dân hốt hoảng lên

Sợ vua bắt tội cho nên tìm đường

Bạc tiền hối lộ vội vàng

Để nhờ bạn cứu cả làng thoát nguy,

Riêng phần bạn khi trở về

Được vua trọng thưởng nể vì thêm lên

Tưởng rằng bạn với cung tên

Là người giết cọp dữ bên rừng già.”

Đúng theo kế hoạch vạch ra

Anh cao thực hiện quả là thành công

Khi anh trở lại hoàng cung

Được vua trọng thưởng tưng bừng, vẻ vang.

*

Ít lâu sau tại xóm làng

Có tin loan báo mùa màng ruộng nương

Bị trâu hung dữ điên cuồng

Kéo về phá hoại tang thương não nề,

Anh cao lại được cử đi

Chàng lùn cố vấn cứu nguy bạn mình

Đưa kế hoạch, thảo chương trình

Giống như kỳ trước lại thành công thêm

Vua thời thưởng, quan thời khen

Anh cao thợ dệt trở nên giàu rồi

Quyền hành, uy tín hơn người

Say mê danh tiếng anh thời u mê

Tưởng mình tài giỏi mọi bề

Khinh thường và ngỏ ý chê chàng lùn

Không thèm hỏi ý kiến luôn

Nói rằng: “Bạn tưởng bạn hơn tôi à

Bạc tiền danh vọng tạo ra

Xét cho thực sự chính là do tôi

Không ai cần bạn nữa rồi.”

Anh cao thô lỗ tuôn lời ra thêm.

*

Ít lâu sau nước kế bên

Sẵn lòng thù nghịch nên liền tấn công

Vây kinh đô, thật nguy vong

Gửi thư tuyên chiến vào trong nội thành

Nhà vua sai kẻ nổi danh

Anh cao thợ dệt từng giành chức cao

Hãy tiên phong ra đối đầu

Phá quân xâm lược, đánh nhau diệt thù,

Anh cao tuân thủ lệnh vua

Cân đai, áo giáp rất ư oai hùng

Cưỡi voi ra thẳng chiến trường

Chàng lùn sợ bạn tử thương chuyến này

Nên mang áo giáp vào ngay

Ngồi sau lưng bạn ra tay giúp ngầm

Theo sau là đám quan quân

Hò reo tiến bước vô ngần hăng say.

Khi nghe trống trận quanh đây

Ầm ầm nổi dậy, hồn bay mất rồi

Anh cao suýt ngã xuống voi

Chàng lùn vội giữ chặt người bạn kia

Lấy dây buộc lại cứu nguy

Anh cao run sợ trông thì thảm sao

Khiến phân, nước tiểu tuôn trào

Ướt lưng voi trận! Ai nào ngờ đây!

Chàng lùn chê: “Từ lâu nay

Bạn từng khoác lác là tay anh hùng

Hôm nay làm chuyện điên khùng

Hoảng kinh phóng uế trên lưng voi rồi

Tuy nhiên tôi nói vậy thôi

Có tôi bảo vệ bạn thời sợ chi

Giờ quay về tắm ngay đi

Khi người sạch sẽ bạn thì dễ coi.”

Chàng lùn đỡ bạn xuống voi

Sau khi chỉ trích chê cười anh cao.

*

Một mình còn lại tự hào

Xông ra lâm trận đối đầu địch quân

Chàng lùn vui sướng nghĩ thầm:

“Lúc này tài nghệ ta cần biểu dương

Để vua đừng có coi thường

Xét người cẩn thận, tránh đường lầm sai

Đừng xét đoán theo bề ngoài.”

Nghĩ xong chàng phóng qua nơi quân thù

Nhắm nơi đầu não có vua

Phóng vào hét lớn rất ư hào hùng

Phô tài nghệ giỏi vô song

Bất ngờ bắt sống vua không khó gì

Đội quân xâm lược tan đi

Không cần chém giết thêm chi nhọc lòng

Chàng lùn hoàn tất chiến công

Giải vua thù địch vào trong hoàng thành.

Vua Ba La Nại hoan nghênh

Khen chàng tài giỏi, xứng danh người hiền

Ban chức tước, thưởng bạc tiền

Chàng từ khi đó khắp miền vang danh

“Tiểu xạ thủ” của triều đình

Một bậc “hiền triết” rất rành kiếm cung.

Còn anh thợ dệt tầm thường

Nhà vua gửi trả về làng dệt thôi.

“Tiểu xạ thủ” sống trọn đời

Gieo bao công đức cho người chung quanh,

Khi qua đời được tái sinh

Vào nơi xứng đáng nghiệp mình sẵn gây.

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi
FEAR MAKER AND LITTLE ARCHER
của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)
 

* 2 *

ẨN SĨ
TRONG VƯỜN VUA

 

Thuở xa xưa có một người

Trong gia đình nọ sống đời giàu sang

Nhưng mà ông lại chẳng màng

Chẳng ưa cuộc sống tầm thường thế nhân

Ông vào Hy Mã Lạp Sơn

Sống đời ẩn sĩ ở luôn trong rừng

Hàng ngày thiền định tập trung

Chân tâm phát triển vô cùng an vui

Hưởng thiền lạc thật tuyệt vời

Ung dung, tự tại, xa nơi thị thành

Khi ông thâu nhận môn sinh

Năm trăm người đã nhiệt tình ghi danh.

*

Mùa mưa giăng phủ rừng xanh

Quỳ bên sư trưởng môn sinh thưa thầy:

“Chúng con xin rời khỏi đây

Trở về thành thị ít ngày tạm nương

Để chờ bá tánh thập phương

Sẽ đem muối, giấm cúng dường thành tâm

Nhận xong về chốn sơn lâm

Thầy trò lại sẽ quây quần một nơi.”

Thầy đồng ý khẽ thốt lời:

“Các con trở lại khi trời hết mưa

Riêng ta vẫn cứ ẩn tu

Một mình trong chốn rừng thưa an lành.”

Tuân lời cả đám môn sinh

Cùng quỳ tạm biệt, về kinh đô liền

Ở vườn vua chốn công viên

Thành Ba La Nại giữa miền hoàng cung.

Hôm sau họ mới thong dong

Ra đi khất thực quanh trong xóm làng

Bà con hoan hỉ cúng dường

Muôn phần hậu hĩnh, trăm đường thành tâm

Vài ngày sau khắp xa gần

Thầy tu khất thực tiếng đồn loan nhanh

Nhà vua nghe được ngọn ngành:

“Các thầy khắc khổ tu hành nêu gương

Các căn nhiếp phục đàng hoàng

Luôn luôn giữ giới nghiêm trang vô ngần

Thật là công đức bội phần.”

Vua nghe vội tới ân cần thăm ngay

Sau khi đảnh lễ các thầy

Vua mời họ ở lại đây suốt mùa

Trong công viên bốn tháng mưa,

Các thầy vui nhận lời vua thỉnh mời.

Kể từ khi đó thảnh thơi

Ăn trong cung điện khỏi dời chân đi.

*

Thế rồi tới một ngày kia

Là ngày “Lễ Rượu” dân thì vui chơi

Người ta uống rượu khắp nơi

Lệ xưa: “Uống rượu cuộc đời gặp may.”

Nhà vua nghĩ đến các thầy

Làm chi có rượu, ai đây cúng dường

Hôm nay nhân lễ bất thường

Rượu ngon vua vội truyền mang biếu thầy,

Thầy đâu quen uống rượu này

Cho nên tất cả cùng say sưa liền

Trở về lại chốn công viên

Các thầy múa hát cuồng điên lạ lùng

Bao đồ đạc vứt lung tung

Rồi nằm thiếp ngủ say không biết gì.

Hôm sau tỉnh, thấy ê chề

Hối vì làm những hành vi đêm rồi

Nghĩ sao bất chính quá thôi

Trong lòng hổ thẹn mọi người khóc than:

“Chúng ta tội lỗi vô vàn

Chỉ vì không được ở gần minh sư!”

Thế là tất cả giã từ

Rời công viên nhắm rừng xưa trở về.

Về xong sắp đặt mọi bề

Rất là ngăn nắp, rất chi gọn gàng

Theo như nếp sống thông thường

Rồi tìm sư trưởng nghiêm trang kính chào.

Thầy mừng, thăm hỏi: “Thế nào

Các con ăn ở ra sao trong thành?

Có hoà hợp, có tịnh thanh?

Có luôn giữ giới tu hành hay chăng?”

Năm trăm đệ tử thưa rằng:

“Chúng con uống rượu cúng dường của vua

Cho nên đều lỡ say sưa

Mất đi chánh niệm từ xưa giữ gìn

Múa ca ăn nói huyên thuyên

Ngu đần như lũ vượn miền rừng hoang

Để rồi hổ thẹn khóc than

May không thành vượn kéo đoàn về đây.”

Thầy từ bi dạy: “Chuyện này

Thời nào cũng có, lâu nay vậy rồi

Các môn sinh ở khắp nơi

Không thầy hướng dẫn, bao người lầm sai.

Rút kinh nghiệm cho tương lai

Đây là bài học nhớ hoài nghe con

Tu hành cần giữ giới luôn

Lánh xa ác hạnh, tiến gần minh sư.”

Môn sinh tiếp tục đường tu

Kể từ ngày đó rất ư trưởng thành

Luôn tịnh lạc, mãi an lành

Bên thầy kề cận tu hành nghiêm trang.

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi

FOREST MONKS IN

A KING’S PLEASURE GARDEN

của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

* 3 *

ANH HÙNG TÊN “XUI”

 

Có ông triệu phú thời xưa

Tuy giàu nhưng rất nhân từ đáng khen

Ông thường có một bạn quen

Bạn ông thật tốt nhưng tên lạ lùng

Tên “Xui” nghe xấu vô cùng

Cả hai trước học một trường, ganh đua

Thân tình từ thuở ấu thơ

Đã từng nô giỡn, chơi đùa bên nhau

Giúp nhau mọi việc trước sau

Tuổi xanh tình bạn dài lâu vững vàng.

Sau khi rời mái học đường

Ông Xui quả thật mãi vương muộn phiền

Hết hạn xui, đến vận đen

Việc làm chẳng có, bạc tiền thời không,

Ông Xui thăm bạn thành công

Tiền rừng bạc bể vô cùng giàu sang

Ông nhà giàu thương bạn vàng

Hết lời an ủi, sẵn sàng giúp ngay

Mượn làm quản lý nhà này

Trông coi tài sản hoặc thay mặt mình

Điều hành công việc kinh doanh,

Đẹp thay tình bạn chân thành hiếm hoi.

*

Từ khi có mặt ông Xui

Tên ông được nhắc khắp nơi vang lừng

Tên nghe tuy rất lạ lùng

Mọi người vẫn réo gọi trong khắp nhà:

“Ông Xui có khách phương xa!”

“Ông Xui hãy lẹ chúng ta đi liền!”

“Ông Xui hãy đợi chớ quên!”

Người ta ơi ới kêu tên ông hoài

Các người hàng xóm nghe rồi

Tìm ông triệu phú thốt lời gièm pha:

“Này ông chớ có lơ là

Cái người quản lý cửa nhà của ông

Có tên nghe thật lạ lùng

Tên Xui chắc chắn là không hên rồi

Gây xui xẻo vô phước thôi

Chỉ mang tai họa đến nơi cửa nhà

Thần tiên hay quỷ dạ xoa

Nghe tên Xui cũng chạy xa hoảng hồn

Ông mau đuổi hắn đi luôn

Nếu còn gần hắn không còn vận hên

Hắn nghèo đói, hắn thấp hèn

Đừng nên liên hệ, chẳng nên cận kề.”

Ông nhà giàu: “Đừng có chê!

Ông Xui là bạn cùng quê lâu đời

Thân quen từ thuở thiếu thời

Một người bạn quý, tuyệt vời, đáng tin

Nào đâu vì một cái tên

Mà tôi xua đuổi bạn hiền của tôi,

Tên dùng phân biệt con người

Chứ đâu mang lại hên xui bao giờ,

Kẻ điên dại, kẻ khù khờ

Mới suy nghĩ xấu, mê mờ mà thôi

Quẩn quanh mê tín cả đời

Nghĩ tên tốt xấu buông lời dị đoan,

Ai tinh tấn, ai khôn ngoan

Nào đâu phân biệt như hàng hạ căn.”

Thế là ông chẳng băn khoăn

Vẫn dùng người bạn lâu năm của mình.

Một hôm ông phải khởi hành

Đi xa giao dịch kinh doanh ít ngày

Trong khi vắng mặt nơi đây

Ông nhờ bạn quý đứng thay mặt mình

Trông coi tài sản cơ dinh

Biết rằng bạn sẽ chí tình, tận tâm.

*

Cướp kia một bọn ở gần

Nghe tin triệu phú bất thần đi xa

Nghĩ là thuận tiện thời cơ

Để mà đột nhập vào nhà của ông

Cướp tài sản chẳng nhọc công

Cho nên bọn chúng nấp vòng chung quanh

Ẩn mình bóng tối đêm thanh

Mang theo dao, gậy ngồi rình ra tay.

Ông Xui quản lý nhà này

Đã nhiều kinh nghiệm lại đầy nhiệt tâm

Đoán quân gian sẽ viếng thăm

Nên ông không chịu đi nằm ngủ ngay

Thức khuya canh gác trong đây

Khi nhìn thấy cướp bao vây phía ngoài

Ông liền đánh thức mọi người

Cùng làm ầm ĩ khắp nơi trong nhà

Đánh chiêng trống, thổi tù và

Khiến cho kẻ lạ rất là ngạc nhiên

Nghĩ mình lầm lẫn cũng nên

Chủ nhà còn đó, lại thêm nhiều người

Rủ nhau cướp bỏ chạy thôi

Vứt dao, vứt gậy khắp nơi quanh nhà.

Hôm sau mọi người bước ra

Thấy bao vũ khí trông mà hãi kinh

Họ bàn nhau: “Quả thật tình

Quản gia sáng suốt, trung thành quý thay

Nếu không có ông Xui này

Gia tài của chủ giờ đây tiêu tùng!”

Ông Xui nay là anh hùng

Chẳng mang xui xẻo, dữ hung chút gì.

Đến khi triệu phú trở về

Các người hàng xóm tức thì kể ra

Chuyện ông Xui bảo vệ nhà

Chủ nhân nghe được quả là mừng vui

Ông bèn nói với mọi người:

“Đừng nên đánh giá theo nơi tên mình

Cái tâm mới quý thật tình,

Cùng đi bảy bước trở thành bạn thôi,

Đi mười hai bước chung đôi

Mới mong hy vọng thành người bạn thân,

Chung đường cả tháng trời luôn

Mới coi như thể bà con một nhà,

Kề nhau lâu chẳng lìa xa

Bạn thời tương tự thân ta khác gì

Mới là quý hóa kể chi.

Bạn Xui tôi đó ngẫm thì rõ ngay

Chỉ mang hên lại nhà này

Bạn đâu xui xẻo! Đời hay mê mờ!”

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi
A HERO NAMED JINX
của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

* 4 *

THẮC MẮC TRẺ THƠ

 

Ở Ba La Nại thời xưa

Có ông triệu phú rất ư là giàu

Con trai ông đã từ lâu

Học ham nổi tiếng ai đâu sánh cùng

Tuy nhiều điều cậu tinh thông

Vẫn luôn tìm hiểu có ngừng lại đâu

Mặc dù mới bảy tuổi đầu

Suy tư muốn biết trước sau cội nguồn:

“Đâu là giá trị thật chân?

Đường nào hạnh phúc thế nhân đạt thành?”

Một hôm cậu hỏi cha mình

Những điều thắc mắc chân tình nêu trên

Cha bèn dạy những lời hiền:

“Con ơi muốn tới được miền thanh cao

Sáu đường cao quý tìm vào

Nơi chân hạnh phúc dạt dào thăng hoa:

- Giữ cho khoẻ mạnh thân ta

Bao nhiêu bệnh tật tránh xa được liền

- Nhủ lòng giữ giới cho bền

Đem hương thanh tịnh ướp lên tâm mình

- Nghe lời những vị cao minh

Bề trên, trưởng thượng có kinh nghiệm đời

- Quyết lòng học hỏi những người

Thông câu học vấn, rành lời kinh thơm

- Giữ cho đẹp cõi tâm hồn

Sống theo chánh pháp luôn luôn tốt lành

- Hãy hành động với lòng thành

Chứ không chỉ với nhiệt tình mà thôi.

Đây là sáu nẻo tuyệt vời

Dẫn vào hạnh phúc cuộc đời thế nhân

Khu vườn hạnh phúc tinh thần

Trăm bề hoan lạc, muôn phần thắm tươi.”

Cậu con chăm chú nghe lời

Kể từ khi đó cậu thời nhập tâm

Sáu đường hạnh phúc dấn thân

Bước vào cửa ngõ vô ngần tịnh thanh

Sau này khi đã trưởng thành

Những lời cha dạy an lành mãi theo.

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi

A QUESTION FROM A SEVEN YEAR OLD

của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

* 5 *

HỌC THEO LOÀI RẮN

 

Ba La Nại thuở xa xưa

Nhà vua có một tế sư giúp mình

Đóng vai cố vấn triều đình

Giỏi giang tột bực, thông minh vô cùng

Gia đình danh giá trong vùng

Tính ông rộng lượng, hay thương mọi người

Thường xuyên bố thí giúp đời

Cho nên ông được khắp nơi nể vì

“Năm điều giới cấm” uy nghi

Ông theo tu tập rất chi chuyên cần

“Sát sinh, trộm cắp, tà dâm

Say sưa, dối trá” ông luôn giữ gìn

Không dám phạm, chẳng hề quên

Đời ông là bậc thánh hiền nêu gương

Nhà vua do đó tán dương

Ông là người tốt trăm đường đáng khen.

*

Lòng tò mò chợt nổi lên

Tế sư bỗng muốn biết thêm một điều:

“Nhà vua kính trọng mình nhiều

Là vì vua đã dựa theo tài mình

Hay mình dòng dõi nổi danh

Hay mình tài sản gia đình giàu sang

Hay do giới đức vẻ vang

Khi mình theo ánh đạo vàng tu thân?”

Suy tư, thắc mắc, phân vân

Nên ông muốn thử một lần xem sao.

Rời hoàng cung ngày hôm sau

Tế sư đâu chịu lẽ nào về ngay

Cố tình ông ghé vào đây

Là nơi tiền bạc hàng ngày đúc ra

Ông bèn làm bộ gian tà

Thò tay lấy trộm thật là lặng yên

Một đồng vàng, cất giấu liền

Nhân viên xưởng đúc lặng im nể vì

Không hề dám nói năng chi

Mọi người kính trọng ông thì đã lâu.

Thế rồi lại tới hôm sau

Diễn ra đúng vậy thấy sao lạ lùng

Lần này ông lấy hai đồng

Nhân viên xưởng đúc cũng không than phiền.

Hôm sau nữa lại lấy tiền

Lần này lấy một nắm liền đầy tay

Ba lần gian xảo kiểu này

Chẳng coi luật pháp tại đây ra gì

Nhân viên họ hết nể vì

Bắt ông tại chỗ, miệng thì la lên:

“Đây là kẻ ba lần liền

Gian manh trộm cắp bạc tiền của vua.”

Và rồi cả đám reo hò:

“Kẻ này đạo đức giả đò mà thôi

Làm như lành tốt hơn người.”

Họ bèn đánh, trói ông rồi giải đi

Không còn kính trọng chút chi

Giải vào vua xử mọi bề công minh.

Trên đường đi tới triều đình

Thấy nhiều người đứng vây quanh chốn này

Người nuôi rắn đứng trong đây

Đang lo biểu diễn trò hay kiếm tiền

Những trò nguy hiểm vô biên

Để cho rắn độc quấn trên cổ mình

Hổ mang ngóc dậy vờn quanh

Lắc lư theo những âm thanh của kèn

Người nuôi rắn muốn khách xem

Tỏ lòng thán phục và khen can trường.

Tế sư khuyên họ: “Coi chừng!

Chớ nên nắm cổ, cũng đừng nắm đuôi

Không nên quấn rắn quanh người

Hổ mang cực độc, cắn thời chết ngay.”

Người nuôi rắn mắng: “Ngu thay!

Ông nào có biết rắn đây lành hiền

Từ lâu huấn luyện đã quen

Nào đâu có xấu, có hèn như ông

Ông là kẻ trộm trong cung

Vô cùng xảo trá, vô cùng gian manh

Chi nên bị trói thân mình

Còn như rắn nọ tốt lành từ lâu

Đâu cần trói buộc lại đâu.”

Tế sư nghe nói cúi đầu nghĩ suy:

“Ngay như rắn độc hại kia

Nếu không cắn bậy còn chi quý bằng

Được coi tốt đẹp hiền lương

Mới hay giới đức người thường cầu mong

Coi như tối thượng vô song

Người ta quý trọng nhất trong cõi trần.”

*

Khi mọi người giải tội nhân

Tới vua phán xét xử phân tội tình

Mọi người thuật chuyện ngọn ngành

Tế sư trộm cắp gian manh tiền vàng

Vua nghe xong thoạt ngỡ ngàng

Rồi truyền lệnh phạt kẻ gian tức thì

Phạt theo luật để thị uy.

Tế sư lúc đó còn gì giấu đâu

Ông bèn lên tiếng trình tâu

Ý mình muốn thử từ đầu tới nay

Để xem giới đức tại đây

Có còn được trọng vọng hay suy đồi:

“Bây giờ mọi chuyện rõ rồi

Chỉ vì giả bộ trộm nơi cung vàng

Mà tôi không được nể nang

Bị coi là kẻ thuộc hàng xấu xa

Mới hay giới đức suy ra

Quả là tuyệt diệu, quả là tối cao.

Hổ mang rắn độc biết bao

Khi không gây hại ai nào trách chê

Được người yêu mến mọi bề

Quả là giới đức còn chi quý bằng.”

Vua nghe tâu thật rõ ràng

Bèn truyền tha tội trộm vàng của vua

Truyền tha cho vị tế sư,

Nhưng ông sau đó chẳng ưa quyền hành

Thỉnh cầu vua cho phép mình

Giã từ chức vụ triều đình từ lâu

Trở thành tu sĩ rừng sâu

Nhà vua từ chối có đâu thuận lòng

Tế sư cứ mãi cầu mong

Nhà vua thấy vậy cuối cùng chuẩn y.

Tế sư hoan hỉ ra đi

Giã từ cõi tục, tìm về nẻo thơm

Lánh vào Hy Mã Lạp Sơn

Chuyên tâm thiền định bình an tuyệt vời

Đến khi mãn kiếp lìa đời

Tái sinh thiên giới, cõi trời tối cao.

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi

A LESSON FROM A SNAKE

của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

 (còn tiếp)

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-01-2007

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Mục Lục Truyện Tích 2

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544