





Cảm Niệm Ân Sư
Kính dâng Giác linh cố Thượng Tọa
Thích Chơn Kiến,
Húy thượng
Trừng hạ
Lộc, hiệu Ấn Minh Tôn Sư
Kính lạy Giác Linh Thầy,
Từ Úc Quốc, phương trời xa xôi ở Nam Bán Cầu, con thành
kính vọng hướng về Thiên Phú Đường Thượng, thành phố Nha
Trang, miền trung nước Việt, đê đầu đảnh lễ Giác Linh
Thầy với lòng đau đớn vô biên, vì lẽ ra giờ phút thiêng
liêng này, con phải có mặt phủ phục để hầu bên cạnh Kim
Quan của Thầy! Thầy ơi, kính mong Thầy từ bi tha thứ
cho đứa đệ tử này. Trong giờ phút tử biệt sinh ly đau
lòng này, con xin ghi lại nơi đây một đôi dòng cảm niệm
về ân đức của Thầy đã một đời tu tập hành đạo, đem pháp
lành cứu thế độ sinh, mà con là một trong những người
có duyên may được gặp Thầy trong kiếp sống ngắn ngủi này.
1. Thầy như một người cha hiền:
Đầu năm 1983, con gặp chướng duyên sau ba năm hành điệu
tại Chùa An Dưỡng, nên Mẹ con xin phép Sư Phụ Tâm Trí
cho con được đến tu học với Thầy, ân đức này phải kể đến
sự giới thiệu của Sư Thúc Trừng Thi, lúc đó cũng đang
lưu trú tại Thiên Phú Tự. Lúc đầu, Thầy có vẻ ái ngại,
nhưng với tấm lòng từ bi bao dung, cuối cùng Thầy đã
tiếp nhận và yêu thương con như một đệ tử thế phát xuất
gia của Thầy. Mặc dù lúc ấy con đã thuộc lòng bốn quyển
luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách và hai thời công
phu sáng chiều, nhưng Thầy bắt con phải học thêm Phát Bồ
Đề Tâm Văn của Tổ Sư Tỉnh Am và một khóa Giáo Lý Căn Bản,
Thầy đã gởi con và Sư Huynh Tịnh Hạnh xuống Linh Sơn
Pháp Bảo ở Cầu Dứa để cầu học với TT Tâm Hải và Sư Ông
Như Ý, sau khóa học này, đầu năm 1985, Thầy gởi con vào
Chùa núi ở Châu Đốc xin được thọ giới Sa Di.
Sau khi thọ giới về, nơi gian nhà Tổ con được đảnh lễ
tạ ơn Thầy; chính lúc này Thầy ban cho con pháp tự là
Tịnh Tuệ, rồi dạy con rằng “sau khi thọ giới xong mỗi
khi công phu và tụng kinh con phải nhớ đắp y, một điều
quan trọng khác con phải nhớ khi đi tắm rửa, con không
được vắt áo quần lên trên vai, vì hai vai của người tu
chỉ để mang chiếc y màu vàng giải thoát mà thôi”.
Lời dạy của Thầy tuy đơn giản nhưng con vẫn khắc ghi mãi
trong lòng con cho đến ngày hôm nay.
Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đến.
Ân đức của Thầy đã dành cho con và các sư đệ của con,
làm sao có thể diễn tả cho hết lời được? Cha mẹ sanh
cho con tấm thân tứ đại có sanh có diệt này, còn Thầy
trao cho con giới thân tuệ mạng, Thầy như một người cha
hiền, dìu dắt dạy bảo từng bước một từ lúc con còn để
chỏm, Thầy vui mừng khi thấy đệ tử mình siêng năng tinh
tấn tu học. Thầy lo lắng mỗi khi đệ tử mỏi gối chùn chân,
để làm sao, thế nào dẫn dắt cho chúng con vững bước
đường tu, mà không bị hoa thơm cỏ lạ làm bận lòng vướng
chân trên lộ trình hướng về giác ngộ, giải thoát.
Kính bạch giác linh Thầy,
Con nhớ lúc đó chùa mình
còn chỉ có Thầy, sư huynh Tịnh Hạnh, chú Dũng nhỏ và Sư
Thúc Trừng Tri, nhưng Sư Thúc chỉ đi đi về về chứ không
ở luôn cho đến khi Ngài về trụ trì Chùa Tân Long ở Phú
Ân Bắc từ năm 1984. Chùa Thiên Phú trong thời điểm từ
năm 1983 đến năm 1987 không có Ưu Bà Di công quả ẩm thực,
nên ba đứa con thay phiên nhau vào bếp, do vậy, cơm khê,
canh mặn… là chuyện thường ngày xảy ra, nhưng Thầy vẫn
thương yêu chúng đệ tử còn nhỏ dại vụng về, mà vẫn vui
vẻ ăn cho qua bữa,
chứ không hề la rầy chúng con. Thầy nghiêm mà từ, khắt
khe dạy dỗ khi chúng con phạm những lầm lỗi nhưng luôn
ẩn chứa một tình thương vô bờ của Thầy. Có sống bên cạnh
Thầy mới nhìn thấy được tính cách giản dị nhưng thanh
cao của Thầy. Tánh của Thầy ít nói nhưng khi nói thì
phát ngôn cẩn trọng. Thầy luôn nhắc nhở rằng “Con người
được sinh ra, với chiếc búa trong miệng, người ngu nói
điều xấu, là tự chém vào mình, ai khen người đáng chê,
ai chê người đáng khen, đều chất chứa bất hạnh”, nên
phải “nói như Chánh pháp và im lặng như Chánh Pháp”. Cả
một đời tu tập và làm việc đạo, Thầy cho nhiều hơn là
nhận, đó là mật hạnh của Thầy, cho đến lúc Thầy ra đi,
nhìn lại trong phòng riêng của Thầy, chúng con thật giật
mình, vì Thầy không có được những tiện nghi vật chất tối
thiểu của đời sống, không có một cái gì ngoài tủ kinh
sách và cái đi-văng gỗ để nằm nghỉ qua đêm. Tất cả những
gì tốt đẹp và cao quý nhất Thầy đều đổ vào công trình
xây dựng ngôi Tam Bảo này.
Sau năm 1975 đến đầu những năm tám mươi, tình hình kinh
tế cả nước khó khăn, mọi người khổ cực, cuộc sống không
ổn định, người dân bên ngoài đã vất vả, nên đời sống của
chư tăng trong chùa lại càng khổ cực hơn, cơm ăn không
đủ no, áo mặc không đủ ấm, Chùa Thiên Phú của chúng con
cũng không nằm ngoài khúc quanh lịch sử này. Con nhớ
nguồn thu nhập duy nhất của chùa lúc ấy là làm nhang bán
kiếm tiền, để thầy trò sống qua ngày và mua dầu mua hoa
cúng Phật. Thầy đã lặn lội lên Thanh Minh, vào Suối Dầu…để
tìm mua trầm về làm nhang, Thầy trò phải thức khuya để
chẻ nhỏ miếng trầm ra, xây nhuyễn, rồi ngào với ít mùn
cưa và keo, để lăn thành cây nhang, phơi khô, gói thành
lọn rồi đem ra chợ bán. Con và sư huynh Tịnh Hạnh thay
phiên nhau chở trầm đi xây, đây là công việc rất nặng
nhọc, khó khăn, vì đường xa lầy lội cách trở, nhất là
con đường đất từ Chùa Tân Chánh đi vào trong Đại Điền.
Con nhớ có một buổi chiều tối con chở một bao trầm lên
Đại Điền để xây, nhưng đến nơi nhà máy xây trầm của ông
Trận (gần Chùa Đại Phước) đã đóng cửa vì cúp điện, sau
đó con phải đạp xe chở bao trầm thẳng lên Trường Lạc để
xây cho có bột trầm làm nhang vào sáng hôm sau. Trên
đường về đến dưới ngã ba Thành, xe của con bị bể bánh
trong khi trời tối đen như mực, mà ngay khúc đường đó
không có trạm vá xe, con phải dắt bộ đi về, con đi đến
gần Bình Cang thì gặp được Thầy, con như muốn bật khóc
khi thấy hình bóng Thầy xuất hiện để chia sẻ khổ nạn cho
con, lúc ấy Thầy ở nhà nóng ruột vì thấy sao lâu quá mà
con chưa về, Thầy phải đạp xe và rọi đèn pin đi tìm con,
vì lúc ấy đã gần nửa đêm rồi. Kể đến đây con cảm thấy
như những chuyện này chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, tất cả
mọi thứ đều còn ở trong ký ức, lưu nguyên kỷ niệm.
Thời gian tiếp theo sau đó, không có tiền để mua trầm
nữa, nên Thầy đã hỏi thăm và tìm các loại hương liệu
khác có thể làm nhang. Thầy trò đã lên tận Chùa Thiên
Quang, xin phép Hòa Thượng Minh Mỹ hái lá khuynh diệp về
làm nhang, sau đó hết lá khuynh diệp, có người mách bảo
trong Sông Lô, Đồng Bò có một rừng tràm, có thể lấy về,
phơi khô, xây thành bột để làm nhang… thế là Thầy trò đã
đạp xe đạp vào tận Đồng Bò xa xôi tìm hái lá tràm. Con
không biết bây giờ Sông Lô ra sao, nhưng 20 năm trước
cảnh trí nơi này rất đẹp và thơ mộng, sơn thủy hữu tình,
phía trước là biển, sau lưng là núi, nói đúng hơn nơi
đây là một rừng tràm bát ngát mùi thơm. Cảnh vật đó tạo
nên một không khí thanh bình tuyệt đối giữa con người và
thiên nhiên hòa lẫn vào nhau, tuy hai mà một; không có
một yếu tố ngoại duyên nào có thể khuấy động được tâm tư
con người ở trong cảnh vật như thế, một nơi giúp cho con
người dễ nhiếp niệm, dễ ngộ, dễ chứng. Quả thật Sông Lô
thân thương là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ đã khắc
ghi vào tâm cảm, kỷ niệm hình ảnh Thầy trò, qua không
gian vô biên và thời gian vô tận, ai chưa một lần đến
viếng thăm cảnh ấy ắt hẳn sẽ nuối tiếc đến mãi ngàn sau
như cụ Tô Đông Pha từng nói: “Vị đáo sinh bình hận
bất tiêu”, và cũng chính cảnh trí này đã ươm mầm cho
ngôi Phước Sơn Tu Viện sau này của Thầy hiện hữu tại
Đồng Bò.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng con lớn dần theo
năm tháng, Thầy nhận thêm các đệ tử mới, chúng con có
thêm các sư đệ như Tâm Phước, Nguyên Xuân, Tâm Từ, Tâm
Tịnh, Tâm Như, Như Mỹ, Tâm Hiền, Quảng Long, Tâm
Phong, Tâm Thiện, Tâm Tri, Tâm Pháp, Tâm Nghĩa, Tâm Châu,
Tâm Hạnh, Tâm Thông, Tâm Hoàng, Nguyên Nhựt… …. Cuối
năm 1987, dù Phật sự ở chùa bề bộn, cần có các đệ tử
xung quanh để phụ giúp công việc, nhưng Thầy ý thức được
chí nguyện của người đệ tử qua lời dạy của Tổ Quy Sơn
Linh Hựu, rằng “Phù xuất gia giả, phát túc siêu
phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn
nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”, nên
Thầy đã gởi con vào Chùa Pháp Vân, Gia Định, Sàigòn để
tu học. Lần đầu tiên con xa Thầy nên trong lòng rất khổ
sở vấn vương tình nghĩa thầy trò Linh Sơn cốt nhục,
nhưng với sự khuyến khích của Thầy nên con gạt nước mắt
để lên đường du học. Con đã theo học các khóa Phật học ở
Chùa Kim Cương của HT Tuệ Đăng, rồi tiếp theo đó là
Trường Cơ Bản Phật Học Vĩnh Nghiêm, Trường Đại Học Sư
Phạm và Cao Cấp Phật Học. Hoàn tất các khóa học này, con
được bào huynh Tâm Phương bảo lãnh sang Úc để phụ công
việc Phật sự tại Tu Viện Quảng Đức, nên đầu năm 1998,
lại một lần nữa con lại rời xa Thầy, lòng con quặn đau
khi về đảnh lễ Thầy trước khi ra đi. Trong ánh mắt của
Thầy cũng thoáng buồn nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ khi
con thưa trình. Thầy và con chấp nhận thực tại của đời
sống này là mỗi người, mỗi nghiệp, mỗi hạnh nguyện khi
sinh ra trên cõi đời này, không có ai giống ai hết,
nhưng có một điều an ủi là Thầy biết các đệ tử của mình
đang đi vào cuộc đời bụi bặm khổ lụy chông gai này với
tâm nguyện và chí hướng cao cả “ thượng báo tứ trọng ân,
hạ tế tam đồ khổ”, nên Thầy và con đã tạm biệt nhau
trong niềm lạc quan như vậy.
Đến năm 2003, Tu Viện Quảng Đức tổ chức Lễ Khánh Thành,
dù thân đang có bệnh, nhưng Thầy vẫn cố gắng sang Úc để
dự lễ và thăm con, con nhớ lúc con ra phi trường đón
Thầy, Thầy trò đoàn viên trong vui vẻ sum vầy vui mừng
khôn xiết. Phần con, con rất vui sướng trong lòng khi
gặp lại bậc ân sư khả kính, nhưng tụ hội để rồi phân ly,
vì sau lễ Khánh Thành 3 ngày là Thầy lại tháp tùng phái
đoàn của HT Phước Thành, HT Thiện Nhơn, TT Quảng Ba… bay
sang Ấn Độ để chiêm bái Thánh tích, con tiễn chân Thầy
ra phi trường mà trong lòng quyến luyến không muốn rời
Thầy. Trước lúc chia tay Thầy không quên nhắc nhở con
tinh tấn tu học làm việc đạo để khỏi phụ lòng giáo dưỡng
và hoài mong của Thầy Tổ. Con không ngờ đó là lần cuối
cùng con gặp Thầy. Thật đúng là “Thân tứ đại hữu sinh
hữu diệt, cõi ta bà không có có không “.
2. Công đức xây dựng
Dù phải
chịu muôn ngàn gian khổ
Con dốc lòng vì đạo hy sinh
Dù gian lao khổ nhọc với đời sống, nhưng Thầy vẫn hun
đúc ước nguyện để xây dựng nên một già lam Thiên Phú để
có nơi tu học cho chúng đệ tử ngày càng đông theo thời
gian. Có thể nói cả một đời hành đạo của Thầy, phần lớn
thời gian là dồn hết công sức để kiến tạo nên ngôi già
lam Thiên Phú, ngôi phạm vũ huy hoàng mà chúng con được
thừa hưởng ngày hôm nay. Con biết rất rõ đây không phải
là một công việc đơn giản mà Thầy đã phải gắng sức và
vượt qua nhiều cam go thử thách, Thầy đã đổ biết bao
nhiêu mồ hôi, nhọc nhằn, chí nguyện và hoài bão vào công
trình kiến thiết này, từ hai bàn tay trắng, vận động
từng đồng từng cắc, có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc,
nhưng với ý chí sắt đá và đức tính kham nhẫn, Thầy đã đi
đến nấc thang cuối cùng là xây dựng hoàn thành ngôi chùa
này. “Quả thật là một việc phi thường ở đời” như
lời tán dương công đức dành cho Thầy trong một lần viếng
thăm Thiên Phú của Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm
(1911-2003), một nhà phiên dịch kinh điển PG nổi tiếng ở
Nha Trang. Đúng như vậy đó, ai có duyên viếng thăm Thiên
Phú Tự cũng đều trầm trồ ngợi khen và thầm thán phục tâm
lực của Thầy đã cống hiến cho xứ sở VN một trung tâm
Phật Giáo mang đậm nét văn hóa và mỹ thuật như thế này.
Đây là một món quà vô giá mà Thầy đã để lại cho đời. Đây
cũng là một niềm hãnh diện và vinh dự lớn lao cho hàng
đệ tử chúng con. Bước đầu Thầy xây nhà Tổ, rồi ngôi Đại
Hùng Bảo Điện, nhà Đông bao gồm Tăng phòng và Tuệ Tĩnh
Đường, rồi Đúc Đại Hồng Chung, rồi xây dựng nhà Tây và
cuối cùng là xây dựng cổng Tam Quan và con đường làng.
Thầy dự tính tổ chức lễ khánh thành Cổng Tam Quan vào
mùa Vu lan báo hiếu năm nay, nhưng nghiệt ngã thay,
chứng bệnh nan y của Thầy tái phát, Thầy phải nhập viện
giải phẫu, để rồi cuối cùng thuận theo dòng pháp sinh
diệt của thế gian vô thường mà từ giã trần gian này để
đi vào cõi giới
vô tung bất diệt. Thầy đã ra đi trong lúc Phật sự
còn bề bộn, nhưng nhẹ nhàng và dứt khoát bỏ lại phía sau
mình pháp hữu vi huyễn mộng:
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.
Tấm lòng của Thầy thể hiện rõ trong Chúc Thư mà Thầy gởi
lại cho hàng đệ tử chúng con, rằng các con phải tinh tấn
tu tập, nỗ lực làm việc phụng sự Chánh Pháp, tục diệm
truyền đăng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Thầy
mong chúng con là những đệ tử xứng đáng là người thừa tự
Chánh Pháp, Thầy đã trao truyền mấy mươi năm qua chứ
không phải thừa tự tài vật. Chúng con xin khắc cốt ghi
tâm lời di chúc của Thầy để hầu viên thành các Phật sự
dở dang mà Thầy đã để lại.
3. Pháp tu Mật Tông
Thầy là một hành giả Mật Tông Kim Cang Thừa, Thầy từng
gặp Thượng Tọa Viên Đức tại Thủ Thiêm, Sài Gòn thọ học
cốt tủy của Mật Giáo và sau đó Thầy hành trì theo bộ
sách Hiển Mật Viên Thông. Trong tịnh thất của Thầy có
thờ hình Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương, Thầy đã áp dụng thực
hành Tam mật tương ưng, phương pháp trọng yếu của Mật
Tông mong đạt đến diệu dụng của pháp tu này. Con có
phước duyên làm thị giả Thầy trong các kỳ Thầy nhập thất
tịnh tu, nên dần dần được ảnh hưởng và chú ý đến pháp tu
Mật Tông này. Đó chính là nhân duyên thù thắng mà Thầy
đã trực tiếp gieo mầm hạt giống cho con làm quen với
pháp tu này, đặc biệt là Thầy đã khai thị cho con về
hành trạng tái sinh của các vị Lạt Ma Tây Tạng như ngài
Padmasambhava, ngài Govinda, ngài Milarepa….Thầy đã bắt
một chiếc cầu nối giữa con với Phật giáo thế giới bên
ngoài, làm khơi dậy một thiện duyên cho con sau này tìm
hiểu nghiên cứu dịch thuật các tài liệu về “Chết &
Tái Sinh”, về “Phật Giáo thế giới”,v.v… con
nhớ năm 2000 khi tập sách “ Chết và tái sinh” của con
được xuất bản lần đầu tiên tại Úc, con gởi về kính dâng
tặng Thầy, Thầy vui sướng đọc từ đầu đến cuối, vì đây là
thành quả tu học của người học trò của mình và sau đó
Thầy mang xuống tặng lại cho Ôn Chí Tín (Hòa Thượng Trụ
Trì Chùa Long Sơn), rồi Ôn Trụ Trì đi photocopy ra nhiều
bản để tặng lại cho Ôn Đỗng Minh và quý Thầy ở Nha Trang,
đặc biệt là tặng cho đồng bào Phật tử trong bệnh viện
tỉnh. Con cảm động và vui sướng khi nghe Ôn Đỗng Minh kể
lại chuyện này. Thầy vẫn âm thầm, lặng lẽ theo dõi và hỗ
trợ tinh thần trong công việc hoằng pháp của con ở hải
ngoại này. Có thể nói, hầu hết các đệ tử của Thầy đều
thuộc lòng các bài thần chú căn bản của Mật Giáo là Chú
Chuẩn Ðề, chú Ðại Luân Nhứt Tự, Chú Đại Bảo Quảng Bát
Lầu Cát, Chú Tỳ Lô Giá Na, đáng chú ý nhất là
Phật Đảnh
Tôn Thắng Đà La Ni chú, một bài chú mà các thời khóa
tụng tại Chùa Thiên Phú đều được thọ trì. Thầy dạy rằng
đây là bài thần chú có nhiều công năng thần diệu có thể
bạt trừ nghiệp chướng và tịnh hóa tâm hồn một cách nhanh
chóng.
Kính lạy Giác Linh Thầy,
Dù thân tứ đại Thầy giờ đây không còn
nữa
Nhưng giác tánh Thầy vẫn bất diệt vô sanh.
Sự hiện thân 59 năm trên cõi trần gian, ròng rã
suốt 49 năm nhập đạo tu tập và tận tụy quên mình phụng
sự đạo pháp. Dẫu biết rằng sự hiện diện của con người
trên cõi đời này không phải đánh giá bằng thời gian mình
sống mà phải xem là mình sống và cống hiến như thế nào,
gần 60 năm của Thầy trong cõi giới này quả thật ngắn
ngủi, nhưng đó là hạnh nguyện tùy duyên của Thầy như
Thầy đã nói trước khi ra đi:
“Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.”
Quả thật vậy, việc tự lợi, lợi
tha của Thầy đã viên mãn. Dù các pháp hữu vi cuối cùng
rồi sẽ biến hoại theo cát bụi thời gian, nhưng hành
trạng tu tập của Thầy là tấm gương sáng ngời và trở
thành một bài học vô cùng quý giá, sinh động, khiến hàng
đệ tử chúng con và những người có duyên với Thầy sẽ lấy
đó làm mãi một thứ gia tài bất diệt theo thời gian.
Kính lạy Giác Linh Thầy,
Theo cái nhìn của nhà Phật thì con người
ta đã chết đi từ thuở mới lọt lòng, chết là một phần tự
nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải
đối đầu không sớm thì muộn. Lúc cái chết thực sự đến với
ta cũng là lúc những kinh nghiệm nội tâm lợi lạc sâu xa
nhất có thể xảy ra, do đó một hành giả có thể sử dụng
cái chết của mình để đạt những chứng ngộ tâm linh lớn
lao nhất. Dù liễu đạt như vậy, nhưng trong lòng con vẫn
cảm thấy xót xa, kính thương và chạnh lòng đau đớn khi
vắng hình bóng của Thầy. Không còn Thầy trên trần gian
này nữa chúng con cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, mất đi một
chỗ tựa nương, một tàng che mát, làm vơi đi bao nỗi
phiền lụy, nhọc nhằn của chúng con trên bước đường trở
về cội nguồn tâm linh.
Ngôn bất tận ý, con không thể dùng ngôn ngữ của thế gian
để bày tỏ tận cùng lòng kính nhớ tiếc thương của con đối
với Thầy, con chỉ biết tự nhắc nhở mình tinh chuyên sống
theo chánh pháp, giới luật và những lời Thầy khuyên dạy
để tu tập và làm việc, để ngõ hầu đền được phần nào
thâm ân sâu nặng của Thầy đã nhọc lòng giáo dưỡng tâm
linh và trí tuệ cho con.
Ngưỡng nguyện Giác Linh Thầy gia ân, phù hộ cho các sư
đệ của con, những người đang kế thừa Thầy trong nom ngôi
Già Lam Thiên Phú và Phước Sơn Tu Viện.
Ngưỡng nguyện Giác Linh Thầy tiếp sức cho con luôn có
niềm tin trong tiến trình tu tập tâm linh và công cuộc
hoằng dương chánh pháp.
Ngưỡng nguyện Giác Linh Thầy cao đăng Phật quốc và sớm
tái sinh trở lại thế giới Ta Bà để tiếp tục sứ mạng
“thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh”
Nam-mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập
nhị thế, Khai Sơn Thiên Phú Tự, Phước Sơn Tu Viện,
trụ trì, huý thượng Trừng hạ Lộc, tự
Chơn Kiến, hiệu Ấn Minh Thượng Tọa Giác Linh, thuỳ từ
chứng giám.
Đệ tử của Thầy,
Tỳ Kheo Thích Tịnh Tuệ
(Pháp danh Nguyên Tạng)
(English
Version)
|