I) Thân Thế:
Thượng Tọa thế danh Ngô Đình Thung, pháp danh Trừng Lộc, pháp tự Chơn
Kiến, pháp hiệu Ấn Minh. Sinh ngày 20 tháng 06 năm 1948 (Mậu Tý) ) tại
làng Đại Điền Đông, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Thân
phụ, ông Ngô Ký, pháp danh Trừng Phong, thân mẫu, bà Huỳnh Thị Khằng,
pháp danh Trừng Tằng, song thân của Ngài đều đã mãn phần. Ngài là người
con thứ mười trong gia đình có 11 người con, 8 gái và 3 trai. Em trai
út của Ngài cũng xuất gia tu Phật, đó là TT Nguyên Phước, hiện trú trì
Chùa Phước Long, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh và hai người cháu gọi
Thượng Tọa bằng cậu ruột là ĐĐ Thích Tịnh Hạnh, hiện đang tu học tại
miền Bắc, sư cô Thích nữ Nguyên Nhựt, hiện đang tu học tại miền nam.
II)
Thời Gian Xuất Gia Học Ðạo:
Ðược sinh ra trong một gia đình nhân hậu, đời đời kính tin Tam Bảo và
sẳn túc duyên từ nhiều đời, nên năm lên 10 tuổi, Thượng Tọa được song
thân cho phép thế phát xuất gia học đạo với cố Hòa Thượng thượng Minh hạ
Quang, trú trì Chùa Vạn Đức, tại làng Võ Dõng, Xã Vĩnh Trung, TP Nha
Trang. Kể từ đó, hôm sớm kệ kinh siêng năng tu học, Thượng Tọa cùng với
các huynh đệ gần gũi hầu cận bên Thầy Bổn Sư và thân cận học hỏi chư vị
Tôn đức trong tỉnh Khánh Hòa, nên chủng trí vô sư nhiều đời huân tập
nhân đây mà tăng trưởng.
Năm
1961, Ngài thọ Sa Di tại giới Đàn chùa Hoa Quang, thôn Vĩnh Điềm Trung,
xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang 19-6 năm Tân Sửu, do HT. Thích Hưng Từ Đàn
Đầu. Đến ngày 19-6- Mậu Thân (14-7-1968), Thượng toạ đã xin thọ lại Sa
Di tại Đại giới Đàn chùa Hải Đức, Nha Trang. Do HT. Thích Tịnh Khiết làm
Đàn Đầu.
Năm
1969, với hạnh nguyện sâu dầy, oai nghi đĩnh đạc, đáng làm pháp khí Ðại
thừa, Thượng Tọa được Hòa Thượng Bổn Sư cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ Tát
tại Giới Đàn chùa Hoa Nghiêm, Sài Gòn, thuộc Giáo Hội Hoa Tông, do Hòa
Thượng Thọ Giả Thích Thánh Nhất làm Đàn Đầu.
Năm
1973, Thượng tọa thọ lại Tỳ kheo giới ngày 14-10-1973 tại Đại giới Đàn
Hải Đức Nha Trang, do Hòa Thượng Thích Phúc Hộ Đàn Đầu.
Ngày
15/7 Tân Dậu (1981) Ngài đã cầu pháp với Hòa Thượng Thích Hưng Từ tại
chùa Pháp Hội Bình Tuy, tỉnh Ninh Thuận và được Hòa Thượng ban cho Pháp
hiệu Ấn Minh với bài kệ đắc pháp sau:
Đình Trung Ngô Thế Tánh,
Trừng Lộc Pháp danh cao.
Chơn Kiến bình Tâm địa
Ấn Minh tức đạo giao.
Thượng tọa đã tốt nghiệp tú tài vào năm 1970 tại trường Võ Tánh, Nha
Trang, sau đó theo tu học và an cư nhiều nơi như Phật Học Viện Hải Đức
Nha Trang; chùa Minh Sơn Tuy Hòa, Chi Hội Phật giáo Diên Khánh, chùa Sắc
Tứ Kim Sơn Nha Trang, đặc biệt, Thượng Tọa từng thọ giáo khóa Du Già
Chẩn Tế đàn ngoại với Cố Hòa Thượng Thích Chánh Kỷ tại Chùa Thái Bình,
huyện Diên Khánh vào đầu những năm 80.
III)
Thời Kỳ Hành Ðạo:
Năm 1972, Thượng Tọa được Ban Hộ Tự Chùa Thiên Phú cung thỉnh về trụ trì
ngôi tự viên này. Chùa Thiên Phú vốn là một ngôi Chùa “cải gia vi tự”,
khởi đầu vào năm 1945 (Ất Dậu), do đạo hữu Nguyễn Bạn cùng với vợ là bà
Nguyễn thị Đố và một ít người trong gia tộc đã xây dựng trên khu đất từ
đường rộng 2000m2 , đây là một ngôi nhà để thờ Phật và tổ tiên ông
bà. Một thời gian sau, nhân nằm mộng thấy Bồ Tát Quan Âm mà ông Nguyễn
Bạn đã xin ơn trên cho cải gia vi tự và đặt tên là chùa Thiên Phú. Ngôi
chánh điện và hậu tổ lúc bấy giờ chỉ với diện tích khiêm tốn là 50m2 .
Về sau ông Nguyễn Bạn có xin chính quyền để mở rộng thêm ngôi chánh
điện, nhưng không được chấp thuận, vì trong dòng họ của ông có nhiều
người tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1966, cơ may
tái tạo ngôi chùa không còn nữa, vì đạo hữu Nguyễn Bạn đã qua đời. Năm
1969, Ban Hộ Tự thỉnh thầy Huệ Minh về trụ trì. Thời điểm này chiến
tranh vẫn còn sôi động, nên TT Huệ Minh chỉ duy trì việc hương khói và
tu niệm. Đến năm 1972 Thầy Huệ Minh viên tịch. Không thể làm ngơ trước
sự hoang vắng và ngày càng suy tàn của chốn Già Lam, Ban Hộ Tự và Phật
tử địa phương cung thỉnh TT. Thích Chơn Kiến đang hành đạo tại
chùa Vạn Đức thôn Võ Dõng về nối nghiệp trụ trì.
Năm
1974, được sự nhiệt thành ủng hộ của Phật tử địa phương, với tư cách là
tân trụ trì, Thượng Tọa đã lên kế hoạch xây dựng lại ngôi Chánh điện nay
là Hậu Tổ và lần lượt tu bổ thêm một vài tiện nghi cần thiết cho ngôi
chùa thêm phần khang trang. Kết quả Chùa Thiên Phú đã thật sự trở thành
nơi chiêm bái và tu học của đồng bào Phật tử gần xa.
Năm
1991, nhìn thấy nhu cầu tu học Phật của hàng đệ tử ngày càng đông, trong
khi phạm vi nhỏ hẹp của Chùa Thiên Phú lúc bấy giờ không thể đáp ứng
được mọi nhu cầu cần thiết ấy, nên Thượng Tọa đã xin phép Giáo hội và
các cấp chính quyền để chính thức kiến tạo ngôi Đại Hùng Bảo Điện với
diện tích mở rộng là 400m2 . Thượng Tọa còn xây dựng thêm một số công
trình phụ như nhà Tăng, giảng đường vv… Chùa được khởi công xây dựng vào
ngày 24 tháng giêng năm Tân Mùi (1991) và hoàn thành vào ngày 24 tháng
chạp năm Nhâm Thân (1993) do kỹ sư Bùi Văn Minh thiết kế và chính Thượng
Tọa trụ trì đích thân chỉ đạo công trình. Ngôi Chùa làm theo mô hình
kiến trúc cổ truyền kiểu chữ “I” (Công) hai lớp mái chồng diêm, mang
dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông, với lưỡng long triều nguyệt, tạo nên
một dáng vẻ uy nghiêm giữa rặng dừa của làng Phú Vinh.
Chánh điện thoáng rộng, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Nổi bật ở
trung tâm là tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định trên tòa sen
cao 2m50; hai bên trái và phải là phù điêu Bồ Tát Văn Thù, biểu trưng
cho trí tuệ và Bồ Tát Phổ Hiền, biểu trưng cho đạo hạnh. Phía trước là
hai tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Sau điện Phật là nhà thờ tổ sư Đạt Ma và
bàn thờ Linh. Chùa còn có nhiều câu đối, hoành phi, phù điêu được chạm
trổ một cách rất tinh xảo bởi bàn tay của nghệ nhân Khánh Hòa Ngô Đình
Lục, vốn là người anh ruột thứ bảy của Thượng Tọa.
Năm
1993, Thượng Tọa thành lập Đạo Tràng Pháp Hoa và biên soạn quyển Nghi
Thức Tụng Niệm, để hướng dẫn Phật tử gần xa tụng niệm và thọ trì Kinh
Diệu Pháp Liên Hoa, Đạo Tràng đến nay đã có trên 500 thành viên tu học.
Năm
1994, Thượng Tọa cho thành lập Tuệ Tỉnh Đường ngay trong khuôn viên của
Chùa Thiên Phú, để khám bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người dân nghèo
trong và ngoài Xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang.
Năm
1995, Thượng Tọa cho thành lập Gia Đình Phật Tử Thiên Phú, để hướng dẩn
các em, thanh thiếu niên tại địa phương, nhằm góp phần giữ gìn giềng mối
đạo đức cho xã hội.
Năm
1998 (Đinh Sửu), nhân dịp lễ vía Đức Phật Thành Đạo, Thượng Tọa đã cho
khởi công đúc quả Đại Hồng Chung và lễ rót đồng cử hành trong khuôn viên
chùa vào ngày 16 tháng 3 năm Mậu Dần (1998), quả chuông cao 2m80; nặng
2500kg với đường kính 1m45 do nghệ nhân xưởng đúc Đại Hạnh Đạo Hữu
Nguyên Lượng Nguyễn Thanh Thảo thực hiện, dưới sự chứng minh của: Hòa
thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đổng Minh, Hòa thượng Thích
Chí Tín, Hòa thượng Thích Thiện Bình, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa
thượng Thích Minh Quang,Thượng tọa Thích Tịnh Nghiêm.
Năm
2000, Thượng Tọa đã tạo mãi một khu đất rẫy tại thôn Phước Thượng, xã
Phước Đồng, TP. Nha Trang. và đã thành lập ngôi Thiên Phú Phước Sơn tu
viện tại nơi này để hướng dẫn đồng bào Phật tử trong khu vực quy hướng
Tam Bảo.
Từ
năm 2001-2006 Thượng tọa đảm nhiệm chức vụ ủy Viên tăng Sự BTS Tỉnh
Khánh hòa trong nhiệm kỳ IV.
Năm
2003, Thượng Tọa cùng chư Tôn Hòa Thượng Thích Phước Thành, HT Thích
Thiện Nhơn đến Úc Đại Lợi để tham dự chứng minh Đại Lễ Khánh Thành Tu
Viện Quảng Đức tại thành phố Melbourne từ ngày 10 đến 12 tháng 10 năm
2003, sau đó, Thượng Tọa đã cùng phái đoàn sang Ấn Độ để chiêm bái các
thánh tích Phật giáo trước khi trở về VN.
Năm
2005, Thượng Tọa xây dựng hoàn tất Đoàn Quán Gia Đình Phật tử Thiên Phú
để giúp cho các em có nơi sinh hoạt hằng tuần và xây dựng hoàn tất Vãng
Sanh Đường để thờ linh cốt quá vãng ký tự tại bổn tự.
Năm
2006, Thượng Tọa khởi công và xây dựng hoàn thành Cổng Tam Quan Chùa
Thiên Phú và góp phần rất lớn để hình thành con đường bê tông từ cổng
Tam Quan dẫn vào khu xóm xung quanh Chùa. Đây được xem là công trình
cuối cùng của Thượng Tọa để lại cho đời.
Qua
phúc đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, năng lực phi thường, Thượng
Tọa là Bổn Sư, là Y Chỉ Sư của nhiều Tăng Ni và Phật tử theo tu học. Qua
sự giáo dưỡng của Thượng Tọa, đã có nhiều đệ tử xuất gia đã theo học các
trường Cao Cấp Phật Học, Cao Đẳng Chuyên Khoa, Khóa Giảng Sư, Trung Cấp
Phật Học.
Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn tòng lâm biểu tượng
nơi quy hướng cho Tăng Ni và Phật tử, Thượng Tọa đã được cung thỉnh làm
Tôn Chứng Sư cho các Giới Đàn Trí Thủ I : chùa Long Sơn Nha Trang:tháng
9 Quý Dậu (1993)
Đại
giới Đàn Trí Thủ II :Đinh Sửu (1997)
Tiểu giới Đàn Trí Thủ, Kỷ Mão (1999)
Đại giới Đàn Trí Thủ, Tân Tỵ (2001)
IV)
Thuận thế vô thường:
Cuối năm 2002, Thượng Tọa đã lâm trọng bệnh, tuy được y bác sĩ bệnh
viện Bình Dân TP. HCM tận tình chữa trị, nhưng sức khỏe của Ngài vẫn dần
dần giảm sút. Trong lúc thân đang mang trọng bệnh, mà Thượng Tọa vẫn nỗ
lực kiên trì cố gắng xây dựng cho hoàn thành các công trình kiến trúc
còn lại của Bổn Tự như Cổng Tam Quan và con đường Làng. Thế rồi ngày qua
tháng lại, sức khỏe Thượng Tọa kém dần theo cơn bệnh, Thượng Tọa vẫn
tỉnh giác chánh niệm an nhiên tự tại với các Phật sự, sinh hoạt thường
nhật trong ý niệm “sinh tử nhàn nhi dĩ”. Rồi đến đầu tháng 8 năm 2006,
cơn bệnh nan y tái phát, Thượng Tọa đã được các đệ tử đưa vào Sàigòn để
điều trị, nhưng bệnh đã ở giai đoạn cuối, không thể chữa trị được nữa,
như biết trước huyễn thân sắp rời xa cõi trần thế, Thượng Tọa dạy các đệ
tử đưa ngài trở về tĩnh dưỡng tại Chùa Thiên Phú, nơi mà ngài sống và tu
học trên 30 năm. Trong khi các hàng đệ tử lo âu sợ hãi cho cơn vô thường
sẽ đến cướp đi người Thầy khả kính, ngược lại Thượng Tọa đã tự tại dặn
dò các việc cần thiết qua thư di chúc, cũng như khuyến tấn các hàng đệ
tử xuất gia, tại gia nên tinh tấn tu học để ngỏ hầu mang lại niềm phúc
lạc cho mình và cho người. Trước ngưỡng cửa sanh tử ngài nhẹ nhàng nói:
“Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.”
Chùa xưa còn đó, pháp lữ còn đây mà Ngài đã thuận thế vô thường,
an tường xả báo thân vào lúc 6 giờ
tối ngày Chủ nhật, 3-9-2006, nhằm ngày 11 tháng 7 nhuận năm Bính Tuất
tại Chùa Thiên Phú, Thôn Phú Vinh, Xã Vĩnh Thạnh, Thành Phố Nha Trang,
Việt Nam.
Nhập đạo 49 năm, trãi qua 37 mùa an cư kiết hạ. Trụ thế 59 năm.
Thế
là Thượng Tọa đã ra đi vĩnh viễn, để lại phía sau hàng đệ tử trẻ dại, bơ
vơ. Tiếc thay, hạnh nguyện chưa tròn, đường phụng sự đạo pháp còn
quá dài và chúng sanh còn nhiều người mong đợi. Cõi trần thế từ đây đã
khuất một vì sao, miền Lạc cảnh lại thêm một trang Thượng Sĩ. Cố nhiên
công đức cống hiến phụng sự đạo pháp, Dân Tộc và lợi lạc
chúng sanh của Thượng Tọa sẽ còn sống mãi trong tâm tư những người con
Phật.
Những tưởng, duyên hoá độ còn lâu hơn nữa,
Nào ngờ đâu, sớm cỡi hạc quy Tây.
Trong vô thường, vẫn điềm nhiên tự tại,
Sống chết dường gió thoảng mây bay.
Nguyện giác linh sớm hồi nhập Ta-bà
Cùng pháp lữ xiễn dương chánh pháp.
Nam-mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập nhị thế, Khai SơnThiên Phú Tự, trụ
trì, huý thượng Trừng hạ Lộc, tự Chơn Kiến, hiệu Ấn Minh Thượng
Tọa Giác Linh, thuỳ từ chứng giám.
Melbourne,
Úc Châu, 3-9-2006
Đệ tử Tỳ Kheo Tịnh Tuệ kính soạn
(pháp danh Nguyên Tạng)
|