Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Bồ Tát Hạnh


 

 

 

 

 

Hình tượng Bồ tát Quan Âm và vấn đề nữ giới

 

Thích Hạnh Bình

  

Trong một lần đứng đợi người thân, có anh thanh niên đã hỏi tôi: “Có người nói Bồ tát Quan Âm không có thật, là tín ngưỡng của Bà La Môn phải không thưa thầy? ”. Tôi cười đáp: “Bồ tát Quan Âm có thật hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: 1. Niềm tin, 2. Sự nghiên cứu. Ở đây, tôi không đủ thời gian dài dòng giải thích, chỉ xin lưu ý một vài điểm: Bồ tát Quan Âm không xuất hiện trong các kinh điển của Phật giáo Nam truyền, chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa, cụ thể là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa’’ - ‘Phẩm Phổ Môn’ thứ 25. Như vậy, Bồ tát Quan Âm có thật hay không có thật phải ngay bản thân anh nghiêm túc tìm hiểu, nếu không làm được như thế thì chỉ dựa vào niềm tin (linh tại ngã bất linh tại ngã), tôi nhường câu trả lời này cho anh. Ở đây, tôi nhấn mạnh vấn đề, đứng từ góc độ khác, có thể Bồ tát Quan Âm là không có thật, nhưng hạnh Bồ tát làm lợi ích cho mọi người, cho tất cả chúng sinh là điều có thật. Ý nghĩa này không phải do tôi hay ai tự đặt ra mà là xuất phát từ các kinh điển của Phật giáo Nam truyền, cụ thể là “Jātaka” (Câu chuyện tiền thân) trong “Khuddaka” (Tiểu Bộ), là một trong 5 bộ Nikāya. Tư tưởng Bồ tát là có thật, hạnh nguyện cứu độ chúng sinh giúp đỡ mọi người của Bồ tát là có thật, nếu Bồ tát không có danh xưng Quan Âm thì cũng có danh xưng khác. Phật giáo Đại thừa không quan trọng cái danh xưng, mà chú trọng ở nội dung tư tưởng và giá trị thực tế - hạnh nguyện tốt đẹp, ích mình lợi người. (Hoa hồng hương ấy sá gì tên chi). Chiếc áo hai ba mươi năm về trước là chiếc áo chính mẹ may cho, nhưng trải qua hai ba mươi năm sau, người đã lớn, thời đại cũng đổi khác, chiếc áo đó không còn ích lợi gì cho ta, nếu có đi chăng nữa chỉ là vật kỷ niệm về tình cảm, không nên vì tình cảm đó mà ta không may không mặc chiếc áo khác. Cũng vậy, tinh thần từ bi và trí tuệ hay giác ngộ và giải thoát của đức Phật là tinh thần bất biến, không bị thay đổi theo thời gian và không gian, tuy nhiên ngoài tinh thần này tất cả những hình thức được đức Phật trình bày giảng giải qua 45 năm chỉ là phương tiện độ sinh, mô tả ám chỉ cái tinh thần ấy, không phải là cái chân thật. Đây chính là quan điểm của đức Thế Tôn được trình bày qua câu: “Chánh pháp còn phải bỏ đi huống nữa là phi pháp” (Trung Bộ 1- Kinh Ví Dụ Con Rắn. Trang 307).

Kế thừa tinh thần đó, tư tưởng Bồ tát của Phật giáo đại thừa xuất hiện trong nhiều bộ kinh. Tùy theo hạnh nguyện, Bồ tát xuất hiện dưới nhiều thân tướng khác nhau và hóa độ nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt Bồ tát Quan Âm lại xuất hiện dưới hình tướng người nữ, hiện vô lượng thân tướng khác nhau để hóa độ chúng sanh. Để tìm hiểu ý nghĩa của Bồ tát Quan Âm trong hình tướng người nữ chúng ta không thể không nhắc đến bối cảnh “trọng nam khinh nữ” của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai lục địa lớn nhất ở Châu Á, cũng là hai cái nôi văn hoá không riêng Châu Á mà của cả thế giới. Hai quốc gia này đều có chung truyền thống ‘trọng nam khinh nữ’, từ đó lan rộng ảnh hưởng đến các nước phụ cận thuộc Châu Á, trong đó cả Việt Nam. Ở những xã hội có truyền thống văn hóa này, hầu như trong ý thức của mọi người đều cho rằng, người nữ như là điều xui xẻo, tai họa, bất hạnh. Họ bị hành hạ, chà đạp nhân phẩm, bị đem bán, thậm chí bị tước quyền được sống,[1] như những nước Hồi giáo ở Trung Đông. Ở xã hội ngày nay còn có tiếng nói của nhân quyền, và có các tổ chức xã hội lên tiếng can thiệp, còn cái thời xa xưa cách đây 2500 năm, người ta xem việc hành hạ nhục mạ nhân phẩm người nữ là chuyện bình thường, không ai lại can thiệp điều đó. Dưới cái truyền thống đó, ai là người lên tiếng bênh vực cho giới nữ? Chính đức Thế Tôn là người đầu tiên đả phá truyền thống xấu xa này, Ngài không những chỉ phản đối chế độ giai cấp của Bà La Môn, mà còn phản đối tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội Ấn Độ. Lời khuyên của Ngài đối với vua Pasenadi nước Kosala trong “Kinh Tương Ưng” là một minh chứng cụ thể. Câu chuyện ghi rằng, trong lúc nhà vua cùng đức Phật trò chuyện thì có tin truyền đến Hoàng hậu đã sinh một người con gái. Nhà vua không giấu được nỗi buồn trên mặt, do đó đức Phật đã nói bài kệ khuyên vua rằng:

Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Ðạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc.[2]

Nội dung và ý nghĩa của bài kệ này có hai ý chính: 1. Xác định Ấn Độ là xã hội có truyền thống tư tưởng, trọng nam khinh nữ; 2. Đức Phật thì không đồng tình quan điểm ấy, Ngài khẳng định rằng có những người nữ có trí tuệ đức hạnh hơn cả người nam, chớ có khinh thường người nữ. Xét trong bối cảnh xã hội Tây phương ngày nay thì quan điểm bênh vực cho nữ giới này rất bình thường, nhưng trong bối cảnh của nước Ấn Độ thuộc Châu Á, cách đây hơn 2.500 năm, dưới thời đại quân chủ chuyên chế, và nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ, thế mà đức Phật ngang nhiên trình bày quan điểm của mình trước nhà vua, đó mới là chuyện bất bình thường hy hữu; có thể nói đó là tiếng nói đầu tiên bênh vực, bảo vệ giới nữ, đưa vị trí người nữ ngang bằng với nam giới. Không những chỉ có nói, Ngài thể hiện quan điểm này bằng hành động cụ thể cho giới nữ xuất gia; khẳng định người nữ cũng có thể chứng quả vị tối cao là A la hán (Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy chỉ có 4 quả, A la hán là quả vị cao nhất), cụ thể cũng đã có nhiều vị Tỷ kheo ni đã thành tựu quả vị này.

Việc cho người nữ xuất gia là ngược lại quan điểm truyền thống Ấn Độ, nên quá trình hợp thức hóa Ni giới trong Tăng đoàn không dễ dàng, không những bị sức ép từ xã hội, mà ngay trong Tăng già cũng kịch liệt phản đối, điển hình là ngài Ca Diếp. Có nhiều ý kiến khác nhau về lý do vì sao ngài Ca Diếp không đồng tình với đức Phật và tôn giả A Nan, nhưng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, vấn đề này cũng cần được nghiên cứu. Trước tình hình đó, dĩ nhiên đức Thế Tôn phải cân nhắc, và phải chuẩn bị những điều kiện sống cần thiết (cư trú) trước khi cho người nữ xuất gia. Cuối cùng, người nữ cũng được xuất gia trong Tăng đoàn, hình thành Ni giới. Điều đó chứng tỏ quan điểm và sự quyết tâm của đức Phật và A Nan cho người nữ xuất gia là hợp lý, không những tạo điều kiện cho giới nữ có cơ hội học Phật pháp, tu tập để thành tựu giác ngộ và giải thoát mà còn mang ý nghĩa kêu gọi xã hội bình đẳng về giới tính, xóa bỏ thái độ “trọng nam khinh nữ”, giải phóng biết bao nỗi đau khổ tủi nhục do quan niệm sai lầm này gây ra.

Phật giáo Đại thừa đã kế thừa tư tưởng này và có công rất lớn trong sự nghiệp cải cách, xóa bỏ sự bất bình đẳng về giới tính. Hình tượng Bồ Tát Quán Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, bằng tình thương vô biên, được mô tả như là người có ngàn tay ngàn mắt, thần thông quảng đại, xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, mọi lúc mọi nơi, thực thi tinh thần cứu độ chúng sinh, với lời nguyện: “Nơi đâu có tiếng than khổ, cần Ngài cứu giúp thì nơi ấy có Ngài” (Kinh Pháp Hoa- Phẩm Phổ Môn). Đó là tình thương và bản chất của người mẹ, chỉ có người mẹ mới làm được việc ấy. Trong thế gian không có tình thương nào bằng tình thương của mẹ, không có lòng bao dung, chịu đựng nào bằng lòng bao dung chịu đựng của người mẹ, nếu con có ngỗ nghịch, bất hiếu như thế nào đi nữa, khi gặp nạn cần sự giúp đỡ của mẹ thì mẹ sẵn lòng tha thứ và chìa tay nâng đỡ con ngay. Bồ tát Quan Âm cũng thế, Ngài xuất hiện như người mẹ, vỗ về an ủi xoa dịu nỗi đau cho những người con bất hạnh bất kỳ là ai, dù nỗi đau ưu phiền đó xuất phát từ đâu, nguyên nhân gì….

Vì Bồ tát Quan Âm có hạnh nguyện như thế nên bất cứ ai dù là nam hay nữ, dân hay quan, kẻ ác hay người thiện...đều có thể đến với Ngài, cầu Ngài cứu độ. Có lẽ chính vì lòng hiền từ và bao dung ấy, mà người dân Việt Nam gọi Ngài bằng cái tên thân mật là “Mẹ Hiền Quan Ấm” hay “Phật Bà Quan Âm”, ví vị Bồ tát này hiền từ và dễ thương như người mẹ. Từ đó hình tượng của Ngài được dựng ở khắp mọi nơi, từ thị thành đến thôn quê, từ non cao đến biển cả, nhất là những nơi thường xuất hiện bất trắc hiểm nguy.

Hình ảnh Bồ tát Quan Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, có tình thương bao la, dễ thương gần gũi như người mẹ và hạnh nguyện của Ngài là liều thuốc hữu hiệu nhất để phá vỡ quan niệm phi đạo lý: “trọng nam khinh nữ” của truyền thống dân tộc Ấn Độ nói riêng và loài người nói chung, trong đó có cả Việt Nam.

Hình ảnh Ni giới được tu được học và được thành tựu đạo quả trong đạo Phật cho thấy Phật giáo là một tôn giáo đi đầu trong việc đề xướng bình đẳng giới, đả phá quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Đức Thế Tôn là người đầu tiên đòi quyền lợi cho giới nữ, đưa vị trí giới nữ ngang bằng nam giới.

Hy vọng rằng qua bài viết này chúng ta thấy được quan điểm tiến bộ và thực tế của đạo Phật, lời đức Phật luôn luôn đi cùng với con người, với sự thật và lẽ phải, đạo Phật không vì lý do gì đi ngược lại con người và lẽ phải. Chúng ta có thể không tin tưởng Bồ tát Quan Âm là có thật, nhưng hạnh nguyện – tinh thần từ bi cứu độ chúng sinh, và giá trị xóa bỏ truyền thống tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội thì không thể nào phủ nhận.

 

Vạn Hạnh, rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu

 


 

[1] Nhiều phụ nữ theo đạo Hindu ở một số vùng tại Ấn Độ sẽ tự thiêu sống mình nếu như chồng họ không may bị chết vì bất cứ lý do gì. 

[2] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1993, trang 194.

 

----o0o---

Cập nhật: 4-2009


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Mục Lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544