TAM
TỒ HUYỀN QUANG
(1254 - 1334)
Thích Phước Sơn
Sư người làng Vạn Tải, lộ Bắc
Giang. Thỉ Tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành khiển dưới
triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trải nhiều đời, đến Tổ phụ là
Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không không chịu ra
làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ, và vui thú ruộng
vườn. Mẹ Sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân
từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch
hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ
tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên. Trong khi chợp mắt, bỗng mơ thấy
một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào,
ôm mặt trời hồng, ném vào lòng bà. Lê Thị kinh hãi thức giấc,
thấy lòng rung động, trở về thuật chuyện lại với một thầy đoán
mộng. Thầy ấy đoán rằng Lê Thị sẽ hoài thai và sinh ra quý tử.
Sau đó không lâu, Thiền sư Tuệ Nghĩa trụ trì chùa Ngọc Hoàng -
thuộc làng Vạn Tải - sau giờ tụng kinh, trở về liêu phòng, tựa
án Thiền định, bỗng mơ thấy các tòa trong chùa đèn chong sáng
rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim cương, Long thần đông đúc la liệt.
Đức Phật chỉ Tôn giả A-Nan bảo: "Ngươi hãy tái sinh xuống
Đông độ xiển dương Chánh pháp". Bỗng chú tiểu gõ cửa, Tuệ
Nghĩa chợt tỉnh, trong lòng lâng lâng hoan hỷ.
Năm ấy Sư ra đời (1254). Khi sanh có
ánh sáng mờ ảo, mùi hương thơm nức nhà. Trước đó Lê Thị
hoài thai Sư đến 12 tháng mà bụng không chuyển động, bà nghi bị
bịnh, nên tìm thuốc uống phá thai, uống đến bốn lần mà thai vẫn
không hư. Lúc mới sinh ra, Sư đã là một đứa bé bụ bẫm, rắn
chắc, cha mẹ rất yêu quý. Đến tuổi đồng ấu, dung mạo dị thường,
có chí khí của bậc siêu phàm trác việt, nghe một biết mười, lại
có tài như Nhan Hồi Á thánh, nên được đặt tên là Tải Đạo.
Năm 20 tuổi (1273), Sư trúng tuyển khoa
thi Hương, đến năm sau lại đậu thủ khoa tại khoa thi Hội. Vua định
gả công chú Liễu Nữ (cháu của An Sinh vương), nhưng Sư từ chối.
Khi làm quan, Sư phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc; trong các văn
thư trao đổi, Sư trích dẫn kinh nghĩa rất tinh tường và ứng đối
lưu loát như nước chảy. Văn chương và ngôn ngữ hơn cả Trung Quốc
và các lân bang. Chính tay Điều Ngự từng phê vào tác phẩm Thích
Khoa Giáo của Sư; "Phàm kinh sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn
và hiệu đính thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa".
Năm 1305, nhân đi theo Anh Tông (1293 -
1314) đến chùa Vĩnh Nghiêm, thấy Quốc sư Pháp Loa (1284 - 1330) đang
hành đạo, lòng sinh ngưỡng mộ, nhớ lại duyên xưa, liền cảm
thán: "Làm quan lên Bồng Đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên
cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh
hoa nào khác mây trắng mùa hạ, lá vàng mùa thu, có lâu dài chi
mà lưu luyến mãi !". Nhân đó, dâng biểu từ quan, đến chùa
Vũ Ninh xuất gia, thọ giới với Bảo Phác (*). Sau đó,
Sư phụng mệnh đến trụ trì chùa Vân Yên núi Yên Tử, mở
trường dạy học. Tăng, Ni theo học đông đến số nghìn Điều Ngự
lại sai Sư biên soạn Chư Phẩm Kinh và các sách khác.
Nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng
dục sâu dày của cha mẹ mà chưa có dịp báo đáp, Sư trở về làng
lập một ngôi chùa đặt tên là Đại Bi, rước cha mẹ về nghỉ ở
đây để an dưỡng tuổi già. Xong việc, Sư trở về chùa ngay tiếp
tục công việc hành đạo.
NỖI OAN THỊ BÍCH
Tương truyền một hôm vua nói với
các quan: "Người ta sinh ra trong khoảng trời đất này, chịu sự
chi phối của âm dương, thích ăn ngon, ưa mặc đẹp, lòng ham muốn ấy
bọn chúng ta đều đủ cả. Có lẽ chỉ một mình thầy Huyền Quang là
không như thế chăng ? Từ khi sinh đến giờ vẫn sắc sắc không
không, như nước không sóng, như gương không bụi, phải chăng do
thầy đè nén lòng dục hay là không có dục vọng ?". Bỗng nhiên
quan văn nhất sinh học sĩ, lưỡng quốc Trạng nguyên là Mạc Đỉnh Chi
ứng tiếng:
- "Vẽ cọp, vẽ da, xương khó
vẽ,
Biết người, biết mặt, biết đâu
lòng".
(Họa hổ, họa bì, nan họa cốt,
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm),
xin hãy thí nghiệm rồi sẽ rõ.
Vua cho là phải, liền ngầm sai người
cung nữ tên Điểm Bích, hiệu Tam Nương, tuổi dưới hai mươi có nhan
sắc kiều diễm lại có tài ứng đối lanh lợi, đến chùa Vân Yên
thử thách Thiền sư.
Trước lúc ra đi, vua căn dặn Điểm
Bích: "Vị Tăng ấy vốn không ưa sắc dục, tính tình lại cương
trực, giới hạnh rất cao nghiêm. Ngươi vừa có nhan sắc, vừa có
tài ăn nói, lại thông hiểu sử kinh, vậy hãy đến thử vị ấy.
Nếu thấy Thầy còn quyến luyến tình dục hãy dụ lấy cho được Kim
tử mang về làm bằng chứng, sẽ được trọng thưởng. Nếu man trá
thì bị tội, người phải cẩn thận".
Thị Bích vâng lệnh, đem theo một tỳ
nữ, đến thẳng chùa Vân Yên, gặp một Ni sư già, nhờ bà tiến
dẫn tới Quốc sư, để xin xuất gia học đạo. Ni sư già sai Thị Bích
hằng ngày dâng trà nước lên Sư. Sư thấy Thị Bích có cử chỉ
nguyệt hoa, không phải là người Phật tử chân chính cầu đạo, bèn
gọi Ni sư lên quở. Thị Bích thấy Thiền sư giới hạnh uy nghiêm, khó
dùng sắc đẹp chinh phục, liền nảy sinh một kế: Đêm ấy Bích nói
với vị Ni sư rằng mình là con nhà thi lễ khoa bảng, vì cha thâu thuế
xong bị kẻ cướp cướp mất, không lấy gì để nạp cho triều đình.
Đến kỳ hạn mà không chạy đủ số tiền thì không những ông bị
tội mà cả vợ con cũng sẽ liên lụy. Ni sư già đem câu chuyện ấy
thuật lại với đại chúng, ai cũng thương tình. Quốc sư định về
triều điều trần xin tội cho cha Thị Bích. Nhưng có một chú tiểu nói:
"Pháp luật là việc công của thiên hạ, để mất của công thì
phải chịu tội, chúng ta không vì tình riêng mà can thiệp. Như vậy thì
Pháp luật còn cò nghĩa gì, tốt hơn là nên quyên tiền giúp họ mà
thôi". Huyền Quang cho là phải, liền lấy Kim tử vua ban, đưa cho
Thị Bích. Tăng, Ni ai có tiền cũng đều đem cho.
Bích được Kim tử, trở về cung
bàn bịa chuyện như sau cho vua nghe:
- Thiếp đến chùa Vân Yên, giả làm
người xuất gia, vị Ni sư già cho thiếp bưng trà nước hầu Sư. Trải
hơn một tháng mà Sư chưa từng nhìn hỏi đến thiếp. Một hôm kia Sư
lên chánh điện tụng kinh, rồi cùng đại chúng lui về phòng an nghỉ.
Đến canh ba, thiếp lẻn tới Thiền thất để nghe động tĩnh, bỗng nghe
Sư ngâm kệ như sau:
"Vằng vặc trăng mai ánh
nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,
Mâu Thích-ca nào thử hữu tình".
Sư ngâm đi ngâm lại tới ba lần.
Thiếp mới vào phòng từ biệt Sư, hẹn năm tới sẽ trở lên xin
học đạo. Sư lưu thiếp lại một đêm tặng thiếp Kim tử.
Vua nghe nói, lòng bồi hồi không vua,
than rằng: "Việc này nếu quả có thực thì chính ta là người
giăng lưới bắt chim; còn nếu như không, thì cũng khó tránh khỏi
mối ngờ (ngồi xỏ giày nơi đám ruộng dưa)". Vua liền mở đại
hội Vô Già, trên bàn cúng bày biện đủ loại, cà-sa, pháp y, ngũ
phẩm, lẫn lộn với đồi mồi, vàng bạc, châu ngọc v.v
rồi sai
người thỉnh Huyền Quang đến chủ lễ. Chứng kiến cảnh tượng ấy,
Huyền Quang biết mình bị nghi oan, liền ngửa mặt lên trời thở một
hơi dài, rồi lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái
Thánh Hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm
nhánh dương xanh, mặc niệm thần chú, tẩy tịnh khắp trên dưới pháp
điện. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên, bụi bay đầy trời mù
mịt. Một lát bầu trời quang tạnh, mọi thứ tạp vật trên pháp
điện đều bị cuốn bay đi hết, chỉ còn hương hoa và lục cúng.
Những người xem hội ai nấy đều thất sắc kinh hoàng. Vua thấy pháp
hạnh của Sư thấu cả trời đất, liền rời chỗ ngồi lạy xuống
để tạ lỗi. Rồi phạt Thị Bích bắt quét tước một ngôi chùa trong
cung Cảnh Hưng. Từ đó vua càng thêm tôn kính, gọi Sư là Tự Pháp.
Sau đó Sư đến ở Thanh Mai sáu năm,
rồi về trụ trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, lập ra đài Cửu Phẩm
Liên Hoa, và soạn lại Chư Phẩm Kinh để lưu truyền hậu thế.
Sư viên tịch ngày 23 tháng giêng năm
Giáp tuất (1334) tại Côn Sơn, đến ngày 24 tin tức mới về làng
Vạn Tải, nên dân làng lấy ngày này làm ngày giỗ Sư. Vua Minh Tông
cúng dường vật liệu, bảo môn đồ xây tháp cho Sư ở phía sau
chùa, và ban thụy hiệu là Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Huyền
Quang Tôn Giả.
Tác phẩm của Huyền Quang gồm có:
1. Chư Phẩm Kinh: Tuyển tập
những phẩm kinh thiết yếu.
2. Công Văn Tập: Tuyển
tập những văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo.
3. Thích Khoa Giáo: Tập
sách giáo khoa về Phật học.
4. Ngọc Tiên Tập: Tập thơ
tuyển.
Những tác phẩm trên hiện nay đều
đã thất lạc, chỉ còn lại 24 bài thơ và một bài phú Nôm là Vịnh
Vân Yên tự phú.
_____________________
(*) Bản Hạnh Ngữ Lục nói Sư
thọ giáo với Pháp Loa là nhầm.
-- o0o --
| Mục lục tác giaû|
Vi tính : Hải Hạnh
Cập nhật ngày: 01-12-2001