Tiếng
Chuông Triêu Mộ
Võ Hồng
Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc :
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng
Nhìn hoa nở mới hay xuân.
Các bạn trẻ hôm nay có thể nghĩ rằng đó chỉ là
văn chương, là nói quá, thậm chí là nói không thật. Không phải
vậy đâu. Thời nay của các bạn, gần như nhà nào cũng có tờ
lịch treo tường, có xấp lịch gở từng ngày một. Hồi xưa thì
không. Năm mươi năm trước, ở mỗi làng chỉ có chừng hai nhà mua
được cuốn lịch Tàu, ghi ngày tháng âm lịch. Cuốn lịch phổ biến
trong dân gian là phiên chợ. Như ở vùng tôi, chợ Hôm họp mồng 1,
mồng 6, 11, 16, 21, 26. Tiếp tới chợ Giã : mồng 2, mồng 7, 12, 17, 22, 27.
Rồi chợ Đèo : mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28. Chợ Thành : mồng 4,
mồng 9, 14, 19, 24, 29. Chợ Sen : mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25, 30 hay tháng
thiếu thì 29.
Với nhà Chùa thì ngày rằm được báo hiệu bằng
mặt trăng. Tăng Ni nhìn trăng mà biết tháng, nhìn hoa mà biết mùa,
vì các Chùa chiền đều nằm xa xóm làng, nằm ở chân núi hay lưng
chừng núi, nằm ở cánh đồng heo hút xa xôi : Chùa Đồng Mạ, chùa
Đồng Tròn, chùa Đồng Tranh, chùa Bảo Sơn, chùa Đá Trắng. Có cây
xanh bao phủ xung quanh, có hồ sen, có chậu hoa, luống hoa trong sân, trong
vườn. Hoa quí phải nở theo mùa như cúc, như mai..., hoa bình dân nở
quanh năm như cây bông điệp, thân mạnh như cây keo, cây táo, mỗi
khi có cúng kî bà con trong xóm lên chùa xin vài nhánh. Nhà quê
không có lệ mua hoa cắm bình. Không dư tiền. Không ai dám nghĩ đến
việc mua hoa, nên không có người bán hoa. Nhà chùa càng thêm gần
gũi thân thiết với người nghèo.
Chùa nằm ở chân núi thì người đi đường ghé
chân nghỉ mệt, người lỡ bộ đường có thể ghé nghỉ qua đêm.
Nhà chùa nằm ở cánh đồng thì anh đi cày, chị đi cấy, trẻ chăn
bò ghé xin nước uống, mượn chỗ nằm nghỉ lưng ở hiên sau, ở
chái liêu. Cửa tam quan suốt ngày không đóng.
Thánh đường nhiều tôn giáo thường đi theo sát tập
thể quần chúng, nhằm hoàn thành công tác mục vụ. Chùa chiền Phật
giáo thì không. Như cố ý lánh xa, như gắng tìm một thâm sơn, xích
gần lại với thiên nhiên, núi rừng, nên khi người tìm đến thì
đồng thời cũng là dịp người gắn với thiên nhiên. Cùng với
tiếng chuông và tiếng tụng niệm, màu xanh của cây lá, sự tĩnh
mịch của đá của đất, sự bao dung của khoảng rộng trời cao cùng
góp phần giải khổ, cùng nhẹ thổi niềm an vui, niềm hy vọng, niềm
tin.
Bà con nông thôn gần gũi với chùa, thương kính ông
Phật, không phải vì hiểu biết giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam
quy, ngũ giới, Thập nhị nhân duyên... đa số không biết, không hiểu,
mà chỉ biết nhìn theo các Thầy mà làm lành lánh dữ, cố gắng theo
gương các Thầy mà bớt phạm sát sinh. Triết lý vốn sáng mà lạnh.
Rất hay để nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì thường ít
làm. Thì hãy cứ vui hồn nhiên như người đàn bà kia, tin rằng lễ
Phật xong, đem tiền phát cho những người nghèo ngồi đợi xin ở
bậc thềm trước chùa là lúc chết sẽ được Phật dắt về Tây
phương Cực lạc.
Trong thời gian làm nghề dạy học, tôi có dạy ở
một trường trung học Bồ đề, được dạy cho các Tăng Ni. Lúc vãn
niên, mỗi khi có vị Tăng Ni nào đến thăm là tôi dạy đứa cháu
ngoại vốn rất cứng đầu nghịch phá phải đứng nghiêm thủ lễ,
chắp tay cúi đầu mà "A Di Đà Phật". Nó tuân lời, không
miễn cưỡng. Tôi đã hiểu đúng tâm lý màu áo lam áo nâu, trang
nghiêm thanh đạm, giọng nói khoan hòa, cử chỉ từ tốn... đã chinh
phục nó.
Phần tôi, mỗi lần có Đại đức hay Ni cô tới
thăm, khi ra về tôi xin phép được đưa tiễn đến tận cổng, ra lề
đường rồi chắp tay cúi đầu xá nhiều cái. Vì Đại đức, Ni cô
thường là học trò cũ, tôi phải giải thích :
Tôi muốn biểu lộ sự tôn kính đối với một vị tu
hành khổ hạnh. Cho dầu vị ấy trẻ. Tôi biết nhiều người đang nhìn
chúng ta, và xã hội chung quanh thì đang ùn ùn nhiều tệ nạn, thói
hư tật xấu.
Đạo Phật hiện diện trầm lặng trong ta. Câu chuyện
năm người mù sờ voi, tôi đọc hồi học tiểu học, trong cuốn sách
tập đọc viết bằng tiếng Pháp, sau này mới biết đó là truyện
cổ Phật giáo. Truyện người đàn bà có con chết, khóc lóc van lạy
xin Đức Phật cứu sống con. Phật dạy : "Hãy lấy tro bếp nơi
nhà nào không có người chết, đem về đây ta sẽ cứu cho".
Truyện Mục Kiền Liên, ở một kiếp nào đó là một người mê
vợ đẹp. Vợ thuê người dắt mẹ Mục Kiền Liên đem bỏ trên núi
cho chết đói, nhưng bà cụ dẫu mù mắt cũng lần về được. Lần
này vợ sai chính Mục Kiền Liên dẫn mẹ lên núi và bắt phải
đánh cho chết. Nào ngờ Mục Kiền Liên vừa đập một gậy thì mẹ
kêu lên : "Con ơi, chạy lẹ đi ! Kẻo cướp nó đánh chết !".
Đạo Phật hiện diện êm đềm quanh ta. Trong một thời
gian dài, cứ chặng năm giờ sáng là nằm trong giường tôi nghe
tiếng gõ mõ tụng kinh của ông láng giềng phía sau nhà. Bốn giờ
sáng, bà con khu Hồng Bàng - Xóm Mới nghe tiếng chuông của chùa Linh
Thứu. Bà con xóm Mã Vòng - Phường Củi nghe tiếng chuông chùa Long
Sơn. Bà con Đồng Nai nghe tiếng chuông Phật Học Viện. Những bà con
phải sống xa quê hương, ngoài nỗi nhớ cô bác họ hàng, ngôi nhà
tổ tiên, khu vườn cây lá, ắt có lúc chợt nhớ những hương
thơm của hoa bưởi hoa cau, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, tiếng
mái chèo khua nước trên sông, tiếng gà gáy vang lại từ thôn xóm
xa..., và tiếng chuông chùa.
Những năm sau này tôi có nhận dạy ở lớp chuyên
khoa của Viện cao đẳng Phật Học miền trung. Đi từ nhà đến Phật
Học Viện, tôi thẩn thờ đếm bước một mình trên con đường đất
đỏ uốn lượn ở đầu núi. Những bụi cây mọc theo ven lối đi,
không hàng lối, mạnh ai nấy mọc.. Những bụi cây âm thầm. Những
doi đá nằm lấn ra, những khe suối khoét lõm vào. Tiếng chim nói
chuyện với nhau chi chích trong các bụi rậm, ở trước mặt, ở bên
phải, bên trái. Mùi thơm của lá, của hoa thoang thoảng. Vừa giã
từ thành phố trong năm phút, mắt tôi, tai tôi đã được nghỉ ngơi
trong khung cảnh hoang sơ này.
Mỗi tuần một lần như vậy, tôi được gần gũi với
thiên nhiên, và tâm hồn tôi bỗng được buông xả, nhẹ nhàng.
Lắm lúc tôi quên mất hiện tại mà trở về hồi nào không hay,
cái tâm trạng của một đứa nhỏ mười tuổi, mười hai tuổi, say
mê màu xanh của lá, màu trắng màu vàng của hoa và mùi thơm ngai
ngái của nhựa cây.
Con đường càng gần đến Phật Học Viện càng thêm
âm u râm mát. Những cây cao lặng yên tỏa bóng hiền lành. Tôi leo
lên con dốc nhỏ, bước qua cái cổng gỗ. Nơi đây bắt đầu giang sơn
của các bụi hoa và những thân cây có danh tính. Những cây quỳnh
lá xanh óng ả. Những giò phong lan đong đưa trên cành cao. Bụi trúc
lá nhảy lăn tăn theo cơn gió dưới đồng thổi lên. Những chậu hoa
tỉ muội, hoa đơm đỏ thắm từng chùm.
Tôi không phải là người văn cảnh, không phải là
khách nhàn du, dưới tay tôi là một cặp sách. Tôi sắp có hai giờ
dạy, buổi học bắt đầu bằng ba hồi niệm Phật, và chấm dứt bằng
bốn câu kệ :
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Mỗi lần chắp tay lắng nghe các Tăng Ni niệm bốn câu
kệ, lòng tôi xúc động rộn ràng. Có hôm cơ hồ muốn rơi nước
mắt khi nghe tụng tới câu PHIỀN NÃO VÔ TẬN THỆ NGUYỆN ĐOẠN. Tôi
muốn cất tiếng kêu lên : "Đức Phật ơi, hãy giúp giùm cắt
đứt mọi phiền não bủa vây tâm hồn con. con đang cô đơn biết
bao".
Tôi không là Phật tử. Không biết tụng kinh. Nhưng
tôi lại dễ xao xuyến dạt dào mỗi lần nghe tiếng kinh tiếng mõ.
Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà
cuối nhìn xuống thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình. Chỉ một hơi
thở thôi, cuộc đời chỉ có nghĩa là một hơi thở mà thôi, rất
nhẹ và rất mong manh. Chỉ cần hơi thở ngừng lại nửa phút là giũ
bỏ tất cả.
Như vậy, những buổi chiều thứ sáu đối với tôi
có một giá trị tinh thần không nhỏ. Và con đường sỏi đá lượn
quanh co trên đầu núi là một loại con đường hành hương dẫn tôi
đi vào cái khung cảnh thanh khiết, nơi đó tôi gạn lọc các ô nhiễm
kết tập trong suốt một tuần lễ, từ cái thành phố sống đầy bụi
bặm dưới kia.
- o0o -
| Mục lục Võ Hồng | Mục
lục Tác giả |
Vi tính : Hải Hạnh Ngọc
Dung
Cập nhật ngày:01-07-2001