Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .


 

"Vu Lan, Mùa Báo Hiếu"
hay là "Tháng Bẩy Ngày Rằm Xá Tội Vong Nhân"

Tâm Viên Ý Mã

---o0o---

 

Lời Giới Thiệu Của Hoa Sen: Có một số người thắc mắc ngày lễ Vu Lan là dịp để con cái cúng dường trai tăng hầu nhờ đó mà cha mẹ quá vãng được siêu thăng.   Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, Hoa Sen xin giới thiệu một vài quan điểm về Vu Lan Bồn:"Vu Lan, MùaBáoHiếu"

hay là "Tháng Bẩy Ngày Rằm Xá Tội Vong Nhân"

Hằng năm, cứ đến rằm tháng bẩy, là nhiều gia đình Việt Nam và Trung Hoa lại bận rộn thiết lễ, nào là Vu Lan, nào là cúng cô hồn lang thang vô thừa nhận.  Chùa chiền thì nấu cháo đổ vào lá đa bầy la liệt ngoài cổng với vài xấp áo giấy, vài tờ giấy vàng và lập lòe một bó nhang để những cô hồn vô thừa nhận nương theo làn khói mà về hưởng chút cháo thí !  Những nhà làm ăn buôn bán thì lễ vật linh đình hơn, nào là gà, vịt, heo quay, hay ít lắm thì cũng cái đầu heo, cho nó "nặng lễ dễ kêu", mấy chú cô hồn lỡ hưởng của lễ rồi thì mai mốt hẳn là phải cong cổ ra mà phù hộ gia chủ cho nó đáng đồng tiền bát gạo chứ !  Thậm chí ngay đến tài xế lái xe công xa, mà cũng nhiều ông mè nheo được nhà nước trích quỹ đặc biệt chi tiền cho các ông thiết lễ vì bị các ông dọa "không cúng cô hồn, rủi xe lật ai chịu trách nhiệm".   Thế là cấp trên hết vía, thôi thì "trước lễ sau ăn", chi cho ông tài thiết lễ, mình cũng được nhậụ ké, được tiếng rộng rãi, lại khỏi chịu trách nhiệm.

Riêng đối với Phật tử, ngày rằm tháng bảy lễ Vu Lan Bồn, điển tích thì hầu hết Phật tử đều thuộc lòng vì năm nào cũng nghe nhắc đi nhắc lại trên đủ loại chương trình phát thanh, phát hình và báo chí, cho nên kẻ viết bài này chỉ xin tóm tắt rằng có một đệ tử của Đức Phật tên là Mục Kiền Liên, tu hành đắc đạo đã chứng A La Hán, có thần thông.  Mẹ chết, ngài dùng thần thông xuống địa ngục tìm thấy mẹ đang chịu hình phạt đói khát, ngài dâng lên chén cơm.  Nhưng bà mẹ vừa nuốt vào cổ thì miếng cơm đã hóa thành than hồng đốt cháy cổ bà.  Quá thương xót mẹ, Ngài về cầu cứu với Phật.  Đức Phật dạy rằng tới ngày rằm tháng bảy, hãy thiết lễ trai tăng, thỉnh cầu chư tăng đến để thọ trai, nhờ sức tâm thanh tịnh sau ba tháng tịnh tu mùa hạ, bà sẽ được giải cứu.

 Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật, và quả nhiên, mẹ ngài thoát khỏi địa ngục.

 Đức Phật đã giác ngộ được bản thể, thoát khỏi vòng luân hồi trong sáu nẻo, ngài biết lý do chính đã nhận chìm con người trong sinh tử là vì cái tật gom góp, tích lũy từ vật chất tới tình cảm, chỉ muốn mọi thứ là của riêng mình, của thân nhân mình, của bè đảng mình, của đất nước mình, vân vân, một cái tật đã có từ niệm vô minh đầu tiên, từ thời vô thủy, mà thuốc chữa thì chỉ có một bài thôi, là bài xả bỏ, còn gọi là bố thí.  Cho nên đệ tử của Phật đi trên con đường của Ngài đã xả bỏ hết, từ tình cảm tinh thần cho đến của cải vật chất, vì chỉ có xả bỏ thì tâm mới không bị ràng buộc, hạn hẹp vào thói quen thu thập, cất giữ làm cho mọi người nghi k? xa lánh nhau.  Chỉ có xả bỏ thì tâm hồn mới tự giải thoát khỏi sự kìm kẹp của sở hữu, tham sân si, bước được bước đầu trên con đường giải thoát khỏi luân hồi, sinh tử.

Cho nên, nhân đây, ngài mở cửa phương tiện để trải phước điền cho đời sau, mọi người vì lòng hiếu thảo với cha mẹ, thân nhân, mà dâng lễ cúng dường trai tăng, tạo một duyên lành với nhà Phật mở lòng ra thực hiện hạnh xả bỏ, tức là hạnh bố thí, đứng đầu trong lục độ vạn hạnh.  Mặt khác nhờ người Phật tử cư sĩ cúng dường những nhu cầu cần thiết mà chư tăng ni có thể an tâm tu hành cho tới đạt được bản thể, tự do, tự tại, giữ cho con đường giải thoát được ánh sáng của đèn tuệ thường chiếu.  Người Phật tử cúng dường cũng là bước vào đường tu, với hạnh xả bỏ, có đà rồi, sẽ tiếp tục đi thêm những bước trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, vân vân và vân vân.

Có người hỏi rằng:

- Nếu nhờ lễ Vu lan cúng dường trai tăng mà thân nhân thoát khỏi địa ngục, thì đó có phải là một hình thức hối lộ không?

Nghe hỏi như thế, có người đã trợn mắt lên dọa dẫm:

- Chết, hỏi bậy, coi chừng bị đẩy xuống địa ngục!

Xin đừng sợ những lời dọa dẫm vô căn cứ của những vị bảo hoàng hơn vua chỉ muốn trùm vào đạo Phật một tấm màn thần bí, huyền hoặc, tưởng rằng thế là tôn trọng đạo Phật mà hóa ra đang làm ngược lại.  Đức Phật dậy rằng: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta vậy".   Cho nên, nếu còn thắc mắc thì cứ hỏi.  Xin trả lời:

- Đạo Phật quan niệm rằng tất cả pháp giới đều chỉ do tâm tạo.  Thế thì địa ngục cũng do tâm tạo.  Tâm tham lam, bủn xỉn, độc ác thì tạo thành địa ngục.   Tâm chuyển thì địa ngục tan rã.  Cho nên, chính trong lúc chư tăng ni thọ thực mà theo đúng giới luật thì không được "tán tâm tạp thoại" (nghĩ vẩn vơ, nói chuyện lăng nhăng) bởi vì nếu phạm giới này thì "tín thí nan tiêu", nghĩa là phẩm vật dâng cúng mà mình thụ hưởng sẽ khó mà tiêu hóa được (còn có nghĩa là nếu nhận phẩm vật dâng cúng mà không tích cực tu hành thì trong tương lai sẽ phải trả nợ thí chủ).   Cho nên, chính là lúc thụ trai đó, chư vị tăng ni lặng lẽ không nghĩ thiện, ác, một hình thức thiền định, đó là lúc tâm   lực mạnh nhất.  Tất cả chư vị đều lặng lẽ tâm không suy nghĩ, (cuồng tâm ngưng nghỉ tức là bồ đề), thì chính thời gian đó, sức tâm của chư vị tỏa ra, ảnh hưởng vào pháp giới, chuyển hóa được những tâm tham lam, keo kiệt, bủn xỉn đang trong địa ngục kia.  Ngay khi tâm chuyển thì chính sát na đó, địa ngục tự tan rã, chứ không phải là do chư tăng ni "ăn hối lộ rồi xin xỏ" cho gia chủ được ra khỏi địa ngục.  Xin xỏ là tâm niệm ô nhiễm, làm sao mà sánh được với tâm niệm thanh tịnh, không chút vướng mắc của vọng tâm sinh diệt tranh đua, tham lam danh lợi.  Tâm thanh tịnh không vướng mắc suy nghĩ có sức mênh mông ngang tầm pháp giới.  Cho nên mới có câu: "Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu".

Vậy thì, là Phật tử, nhân lễ Vu Lan, rất nên cúng dường trai tăng để giúp chư vị khỏi lo lắng về phần vật chất, an tâm tu hành đến giải thoát.  Phẩm vật cúng dường ít nhiều không khác gì nhau.  Chỉ có cái niệm tâm lúc cúng dường, kính trọng người tu hành, mong cho chư vị đạt đạo để Phật pháp trường tồn là quan trọng.  Nếu không có tiền để cúng dường mà chỉ có lòng vui mừng khi thấy có người cúng dường thì phước đức cũng bằng nhau, đó là lời Phật dậy.   Câu này rất có ý nghĩa, vì người dẹp được tâm ganh tị thì đã là phước quá rồi !

Ngoài sự cúng dường trai tăng hoặc tùy hỷ với người cúng dường, xin đừng giết súc sinh để cúng cô hồn.  Niệm tâm thanh tịnh của chư tăng ni tỏa trong không gian đó không chỉ hạn hẹp chuyển hóa thân nhân mình, mà chuyển hóa tất cả pháp giới.  Nếu mình lại giết súc sinh để cúng, thì mình lại làm cho pháp giới ô nhiễm vì tăng thêm sự đau khổ, lòng thù hận.  Nếu tin lời Phật nói: "Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ đời quá khứ, và sẽ là Phật trong tương lai", mà mình còn giết súc vật thì hóa ra mình giết cha mẹ đời quá khứ để cúng cô hồn đời này.  Cho nên, có nhiều người đã sáng suốt nhận định ra việc này, họ ăn chay tháng bảy để từ từ tăng thêm đến ăn chay trường, đó là hình thức báo hiếu rộng lớn nhất, không chỉ đối với cha mẹ đời này, mà với cả cha mẹ đời quá khứ nữa.

 

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả |

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com