NGÒI BÚT & SỰ THẬT

 

(LĐ) - Một giám đốc DN nói thẳng với tôi: "Xin lỗi, tôi không thích nhà báo". Ban đầu, tôi tưởng ông  nói đến hiện tượng một số nhà báo hoạnh hoẹ doanh nghiệp. Nhưng không...

Ông đưa ra nhiều dẫn chứng rất thuyết phục để chứng minh cái sự không thích ấy và những điều ông nêu ra, tôi tin là có thật mà không cần phải kiểm chứng. Trong tất cả những điều ông phê phán, có một điều căn bản nhất về nghề cầm bút, đó là có nhiều thông tin không trung thực, còn những nhà báo viết không tôn trọng sự thật.

Cầm chiếc thẻ nhà báo được Nhà nước cấp, viết đôi ba bài, có phải mình đã là nhà báo thực thụ, làm việc đúng với sứ mệnh thiêng liêng nhất, đó là nói lên sự thật? Càng viết nhiều, va đập với thực tế, tôi càng thấy làm được điều đó rất khó khăn. Nhiều vụ việc, công dân bị khởi tố vì có hành vi vi phạm pháp luật, người đó bị  báo chí lên án với nhiều thông tin không khách quan, thiếu chính xác.

Một doanh nhân bị bắt, ảnh nhà riêng của ông ta xuất hiện trên mặt báo, chuyện vợ con của ông ta cũng bị khai thác triệt để với nhiều sự thêm thắt, bịa đặt. Ông ta đã vào trại tạm giam, còn biết kêu ai? Người cầm bút chân chính luôn phải suy nghĩ, công dân bị khởi tố vì có hành vi vi phạm pháp luật, kết luận điều tra của Cơ quan điều tra cũng có thể không chính xác.

Công dân còn hy vọng vào cánh cửa "thoát hiểm", đó là báo chí, nhưng người cầm bút lại quay lưng với họ bằng một bài báo như bản luận tội. Báo chí lấy kết luận của cơ quan tố tụng để lên án, phê phán công dân khi họ không còn cách tự vệ hay cơ hội giải thích.

Lại có rất nhiều thông tin báo chí nói như nhau hoặc cùng im lặng. Cùng một sự kiện, đúng ra phải có nhiều thông tin đa chiều, ủng hộ, phản biện, tranh luận để dư luận soi xét ở nhiều góc nhìn. Chính sự đa chiều về thông tin và đa dạng về góc bình luận thì sự thật khách quan mới được phơi bày, người dân mới tiếp cận gần nhất hoặc trọn vẹn sự thật. Đồng thanh lên tiếng hay đồng loạt im lặng trước một sự kiện thì chính thái độ đó không thuyết phục được dân chúng.

Người dân, doanh nghiệp  hằng ngày đối diện với biết bao điều trái tai, gai mắt; lại tiếp nhận thông tin tụng ca từ báo chí. Những bức xúc trong xã hội đang cần báo chí lên tiếng chia sẻ, phản biện, nhưng báo chí không dám chạm đến thì dân "không thích" là phải.

Báo chí đôi lúc chỉ đăng quan điểm của mình với lời lẽ áp đặt và cho mình là độc quyền chân lý. Nếu văn minh hơn, thì khi tranh luận với quan điểm của ai đó, báo chí cũng nên đưa đầy đủ ý kiến, bài viết của tác giả lên trên mặt báo để dư luận khách quan phán xét ai đúng, ai sai.

Nếu chỉ một mình báo chí vừa phê bình, vừa làm quan toà, trong khi người bị phê bình không được "mở miệng ra" thì báo chí đã làm ngược lại chức năng nghề nghiệp của mình. 

Nhà văn, triết gia Voltare nói rằng: "Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền được nói điều đó của anh". Đó là điều mà người cầm bút thời đại hôm nay cần phải suy nghĩ...

Lê Thanh Phong


 

---o0o---
Vi tính: Tịnh Tuệ
Cập nhật: 01-08-2009


Webmaster:quangduchomepage@gmail.com

Trở về Trang Mục Lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ:
quangduchomepage@gmail.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544