Thương yêu hiếu hạnh
trong
tinh thần cầu học BÁT NHÃ.
- Yếu nghĩa Bát Nhã
Định nghĩa về Bát Nhã chỉ là
gắng gượng tạm thời, và có lẽ sự gượng ép tạm thời định nghĩa như vậy
cho đến khi ngộ nhập chứng đạo mới thôi. Thật ra chúng sinh hễ còn đang
trên đường học Phật thì chưa hiểu gì về Bát Nhã! Phải chứng đạo đắc quả,
chừng ấy mới gọi là hiểu Bát Nhã, liễu ngộ Bát Nhã; và rồi sẽ không còn
gì để gọi Bát Nhã hay không Bát Nhã, bởi vì hiểu biết thế gian trong dục
giới chẳng thể luận bàn, chẳng thể nói được thế nào là trí Bát Nhã.
Tuy nhiên pháp Phật vi diệu,
tâm Phật từ bi, trí Phật siêu việt, nên các pháp bất khả tư nghì hóa
thành mọi thứ bình thường dung dị, khiến hàng phàm phu vô minh như chúng
ta còn có cơ hội nhân duyên học hiểu; dù sự học hiểu chỉ sánh bằng một
giọt nước trong biển pháp Như Lai.
Vậy chúng ta hiểu Bát Nhã
như thế nào? Chúng ta hiểu Bát Nhã là trí huệ, một trí huệ không tìm
được ở thế gian. Trí huệ đó không đưa đến khổ, cũng chẳng dao động khi
vui mừng an lạc, trí huệ đó tự tại hết thảy trong đời sống; và trí huệ
đó không bị bất cứ việc gì có thể làm trở ngại - nghĩa là trí huệ sẽ
hiểu hết tất cả thế gian và xuất thế gian. Tóm lại nói thế nào cũng
không nói hết được trí huệ của bậc chứng đạo!
Nhưng thật buồn thay, phàm
phu chúng ta chỉ hiểu như vậy chứ tuyệt đối chưa bao giờ kinh nghiệm!
Cũng không phải đời này chưa kinh nghiệm, cả vô lượng kiếp đến nay cũng
chưa từng có. Chắc chắn như vậy, nếu không chúng ta đã chẳng bàn luận gì
ở đây!
Chư Bồ Tát, Thánh Tăng có
kinh nghiệm Bát Nhã, cho nên chẳng nói nhiều, chẳng cần giải thích, vì
làm như thế không lợi gì cho các Ngài, hơn nữa có nói chúng ta cũng
chẳng hiểu. Nếu phương tiện mà nói thì các Ngài cũng phải tùy duyên tùy
cảnh mà thôi.
Vậy thì những gì phàm phu
hiểu về Bát Nhã, chỉ qua văn từ nghĩa lý nơi kinh điển, luận giải của
Phật và chư Thánh Tăng. Chẳng hạn Kinh luận dạy có ba loại Bát Nhã: Một
là Thật tướng Bát Nhã, hai Quán chiếu Bát Nhã và ba là Phương tiện Bát
Nhã, hoặc Văn Tự Bát Nhã.
Thật tướng chỉ bản thể sáng
suốt, là trí giác, là Phật tánh bên trong chúng sanh. Quán Chiếu Bát Nhã
là do vốn sẵn có tánh giác, nên quán chiếu được đối tượng vạn pháp đạt
đến trí Bát Nhã. Và Phương tiện Bát Nhã là với trí lực tương đối của
phàm nhân phán đoán các pháp sai biệt để tìm học Bát Nhã. Riêng Văn Tự
Bát Nhã là kinh văn giải thích Thật tướng và Quán Chiếu Bát Nhã nên
chúng sinh có thể hành trì tu tập.
Thiết nghĩ phần thứ ba, Văn
Tự Bát Nhã phải là phần quan trọng trong thời mạt pháp ngày nay, vì
không có kinh văn làm sao con người có nhân duyên tìm học để biết Phật
tánh nơi mỗi chúng sinh mà quán chiếu! Cho nên dù hiểu thế nào muốn nhập
đạo giải thoát phải qua Kinh Văn.
Như vậy hiểu biết Bát Nhã là
phải nhờ Kinh Văn, phương tiện, quán chiếu; và đạt được Bát Nhã nghĩa là
thành tựu quán chiếu, thành tựu phương tiện liễu giải kinh điển. Nếu một
người thành tựu quán chiếu Bát Nhã và phương tiện Bát Nhã, thì có nghĩa
người này đã có trí Bát Nhã mà không cần phải giải thích thế này thế
kia. Hay nói đúng hơn người này đã đi vào dòng Thánh ngay tại thế gian
này.
Vậy thì ai có thể làm được?
Ai có thể có được trí Bát Nhã? Câu trả lời tự mỗi người biết rõ hơn ai.
Bao giờ một người còn tự thấy mình sống trong phiền não, sống trong hạnh
phúc, người đó chẳng bao giờ có được Bát Nhã! Nói như vậy cũng khó hiểu,
vì các vị Thánh Tăng chứng quả vẫn có một đời sống bình thường như bao
nhiêu người; và nếu sống bình thường như chúng sanh, thì các Ngài phải
biết khổ, biết vui. Như thế chứng Bát Nhã có khác gì, có lạ chi đâu?
Vâng, Bát Nhã chỉ có lạ chỉ
có khác đối với phàm phu cầu học như chúng ta, chứ đối với chư vị Bồ
Tát, chư Phật, tuyệt đối không phải. Chúng ta phiền não vô minh nên cầu
Bát Nhã để được giải thoát, còn chư Bồ Tát, chư Phật mọi hành động ngôn
từ đều giác tỉnh, an định rọi sáng hết thảy vạn pháp thế gian, thì còn
gì để biết Bát Nhã hay không Bát Nhã. Sự xuất hiện của các Ngài là xuất
hiện Bát Nhã. Nhưng vì không thể không phương tiện độ sanh, nên phải tác
tạo bao hình ảnh ngôn ngữ thuyết minh cho chúng sinh hiểu, và Bát Nhã đã
được bàn đến, cũng như miễn cưỡng so sánh đối chiếu với pháp thế gian,
gọi là thế gian trí tương đối, và Bát Nhã là trí huệ tuyệt đối. Cho nên
nếu muốn được Bát Nhã, không phải dứt hết tham sân si là được, mà dứt cả
cái dứt hết tham sân si luôn mới được.
Hẳn chúng ta thường nghe
kinh Kim Cang Phật dạy rõ vấn đề này, nếu vị Bồ Tát còn thấy mình chứng
đắc, thì xem như chẳng có chứng đắc gì; và nếu chứng đắc mà không xem
mình chứng đắc, đó mới thật là chứng đắc! Rõ ràng là như vậy, vì sao? Vì
những gì chứng đắc đó vốn đã thanh tịnh vốn đã tự tại siêu việt trong
thể tánh; còn hiện tượng các pháp, các duyên đối tượng nhận thức, cũng
vốn là nhân duyên sinh không thật có, thế thì chứng đắc là chứng đắc cái
chi? Không lẽ chứng cái hư không vắng lặng? Cho nên trong Tâm Kinh Bát
Nhã có
đoạn: …không có trí huệ, cũng không có chứng
đắc…(…vô
trí diệc vô
đắc...).
Đó
là một sự thật, nói theo yếu nghĩa Bát Nhã mà chư vị Bồ Tát đã tu
đã
kinh nghiệm qua, hoàn toàn khác với phàm phu sống chìm trong sinh tử,
chỉ hiểu biết trên mặt lý thuyết, nên thường sinh phiền não, dù biết
phiền não vốn rỗng không chẳng thật có! Như thế rõ ràng ta chưa từng đạt
một tí gì kinh nghiệm Bát Nhã.
Tạm hiểu Bát Nhã như thế,
đến
đây thử nhìn vào thế gian qua đời sống thương yêu chưa đạt nghĩa Bát
Nhã.
- Yếu nghĩa thế gian trong
thương yêu.
Thử nói về tình thương yêu
của chúng sinh chưa đạt Bát Nhã; ta sẽ thấy chỉ là đau khổ, vì yêu
thương bằng phân biệt tham chấp. Phân biệt người trong gia đình, phân
biệt người thân kẻ sơ, cho đến quốc gia chủng tộc. Vì phân biệt nên sinh
tham chấp, vì tham chấp chiến tranh bùng nổ.
Căn bản đạo đức của người
thế gian, cao quý nhất là tình thương yêu Cha Mẹ Ông Bà; và theo truyền
thống Á Đông, người con có hiếu Cha Mẹ thường được ca ngợi kính trọng,
xem là một người gương mẫu, đáng học theo. Người con hiếu thảo này sẽ
được ca tụng hơn, khen ngợi hơn, nếu cung cách hiền hòa yêu mến đối với
anh chị em trong nhà. Rồi người cao quý này sẽ được bà con cô bác láng
giềng ca tụng, nếu cứ một phong thái cư xử dung hòa hiền lương với mọi
người chung quanh lối xóm. Cuối cùng người cao quý này thể hiện được
nghĩa vụ lương thiện cao quý với xã hội quốc gia, để trở thành một danh
nhân đức độ, một người nhân đức lưu danh hậu thế.
Như thế, đó là yếu nghĩa yêu
thương hoàn hảo của một cá nhân đại diện cho nhân loại trong thế gian
pháp. Yếu nghĩa này trọn vẹn mang tính đạo đức nhân thiện luôn được đề
cao; và thời đại không gian nào nhân loại cũng ao ước có được con người
như vậy.
Tuy nhiên dù sao người học
Phật cũng không quên chân lý duyên sinh Thành Trụ Hoại Không; do đó tình
thương của một con người còn trong tương đối thế gian vẫn thường hạn
cuộc, và bậc gọi là vĩ nhân của thế gian vẫn có kẻ thù; và nhất định
không một ai ở thế gian này có thể hài lòng với một thời gian thật hạn
hữu của một đời người. Thế thì phải cần học hiểu giáo lý duyên sinh giải
thoát của bậc Toàn Giác, để tánh lương thiện càng được thăng hoa hơn
nữa, và không chỉ giải khổ cho mọi người bằng tình thương thế gian, mà
bằng giáo pháp giải thoát, cuối cùng đạt được chân hạnh phúc trong mọi
hoàn cảnh không phân biệt.
Chúng ta chỉ suy diễn đề cập
đến một cá nhân cao thượng khó tìm trong thế gian, chứ nhìn chung đa số
nhân loại sống trên địa cầu, chỉ toàn lo cho mình cho bản ngã, hay nhiều
lắm là đất nước quốc gia của mình. Nhưng dù đa số có muốn lo cho nhân
loại được hòa bình toàn diện, thì cũng không ngoài cơ bản phải lo chính
mình trước; thấy được tính tham chấp sân giận nơi tâm, chừng đó mới có
thể biết được thế giới làm sao dứt được chiến tranh, làm sao có được hòa
bình yên ổn.
Chúng ta thử nói thêm về
niềm thương yêu quý kính nhất của một con người khi được sinh ra; tất
nhiên tình yêu thương đó sẽ là hình ảnh cha mẹ chúng ta; thế mà niềm
thương kính quý nhất
đó
chỉ được thể hiện một cách tương đối!
Và dù ta có muốn thương yêu
tuyệt đối cũng không được! Vậy nghĩa là sao? Bởi vì cha mẹ, hai người
đều có thân thể tâm thức riêng biệt, ta không thể nào thay thế gánh bớt
trao đổi được. Cha mẹ đến ngày già yếu bịnh hoạn sắp lìa đời, bấy giờ ta
mới thấy thương yêu trở thành bất lực. Rõ ràng như vậy, vì chính ta vẫn
còn bất lực khi
đau
yếu không khác gì cha mẹ.
Thương yêu người thân nhứt,
mà chẳng cứu được, suy ra bà con, láng giềng, rồi cứ thế mà nghĩ đến cả
nhân loại làm sao cứu đây? Nhưng giả dụ ta có thể cứu được cha mẹ đi
nữa, thì bấy giờ làm sao có đủ thời gian cứu hết mọi người. Đó là ta tự
cho mình là người hiếu thảo; và mong ước rằng trên thế gian này ai cũng
hiếu thảo như ta thì họ sẽ cứu hết được cha mẹ họ. Nhưng đó là giả
thuyết không tưởng, vì làm gì có ai sống hoài không chết, chân lý Sinh
Trụ Dị Diệt không cho phép chuyện đó xảy ra.
Ta lại bất lực nhìn cha mẹ
qua đời mà không cách nào khác hơn.
Yếu nghĩa thương yêu đền đáp
của thế gian, qua hình ảnh cao quý của hai đấng sinh thành đủ để chứng
minh là không chắc thật, không có gì bền vững kiên cố; như thế mà từ xưa
đến nay đời sống thương yêu phải chịu mãi trong vòng lẫn quẩn vọng giả
này. Đó chỉ lấy mặt thiện, tích cực luận bàn, không dám nói đến tiêu cực
khổ đau, chứ thật sự thế gian có bao nhiêu người hiếu thảo cha mẹ,
thương yêu anh chị em, trọn vẹn nghĩa vợ chồng… Hầu như tình thương chỉ
trao đổi lợi hại mà thôi; hãy nhìn vào mỗi gia đình sẽ biết, tiếng khóc
tiếng cười, tiếng nào nhiều hơn? Tuyệt đối tiếng khóc thật nhiều, nhiều
như nước biển mà Phật đã từng dạy.
Cho nên chúng sinh lấy trí
thế gian, trí phân biệt để sống, kết quả tất nhiên là nước mắt phải
nhiều, vì từ ban đầu không biết bao nhiêu kiếp, do trí phân biệt tham
chấp thế gian mới được hình thành, hình thành trong đau khổ.
Sau đây ta thử tìm hiểu
thương yêu theo tinh thần Bát Nhã của người học Phật.
- Ý nghĩa Bát Nhã trong
thương yêu thế gian.
Tất nhiên như đã thưa, chúng
ta chưa từng kinh nghiệm Bát Nhã, thì làm sao hiểu để thương yêu thế nào
là thương yêu trong tinh thần Bát Nhã.
Xin thưa căn cứ lời Phật
dạy, dựa theo luận giải chư Thánh Tăng, phàm phu chúng ta có thể hiểu
biết phần nào phiền não, và ngược lại phần nào dứt trừ phiền nào; dứt
phiền não là an lạc định tâm, có thể so sánh tạm thấy nghĩa lý Bát Nhã.
Thật ra ngay cả phiền não
chúng ta cũng chưa lãnh hội, chưa thấm nhuần nghĩa lý, nếu thấm nhuần
hiểu biết phiền não, ta đã sợ, đã lo tu tập từ lâu; vì không sợ nên chỉ
sợ quả không sợ nhân, ngược với chư Bồ Tát sợ nhân không sợ quả. Phiền
não còn không hiểu thấu, lại đi nói Bát Nhã có phải là hý luận hay
không?
Chúng ta phải sám hối, phải
thường tàm quý khi tự xưng là người Phật tử mà khó hành theo lời Phật
dạy; cho nên phải dè dặt chẳng vội bàn luận cao xa, huống chi Bát Nhã là
kết quả của hành đạo giải thoát, không phải lý thuyết luận bàn, nếu để
bàn luận, thì tuyệt đối không biết gì là Bát Nhã.
Tuy nhiên cũng hiểu, sự bàn
luận về Bát Nhã dù không đi đến đâu, vẫn là phương tiện thúc đẩy việc
thực hành tu niệm, còn hơn là bàn luận vấn đề ngược lại Chánh Pháp.
Nhưng lại biết người cầu Bát Nhã không chấp vào đâu cả, và hết thảy hình
ảnh việc làm thế gian, dù có ngược chiều Chánh Pháp cũng là pháp học cho
sự quan sát, quán chiếu các pháp là nhân duyên, nhân quả giúp ta nỗ lực
tu hành.
Đạo Phật vì từ bi, dùng
nhiều phương tiện hóa độ chúng sinh; vậy ta thử phương tiện hiểu đời
sống tinh thần tình thương qua Bát Nhã.
Lấy lại hình ảnh Cha Mẹ để
suy diễn qua cách hiếu thảo của người con. Người hiểu Bát Nhã, là người
thấy được vạn pháp do duyên sinh, có sinh tất có diệt. Thấy tình thương
cha mẹ không phải chỉ đơn thuần có công sinh dưỡng nuôi nấng; mà tình
thương cha mẹ đã có từ quá khứ trước khi sinh ra ta. Trong quá khứ đó ta
đã cùng đi với cha mẹ không biết bao nhiêu lần, và không biết bao nhiêu
vai tuồng cùng đóng chung với cha mẹ - có khi làm anh em, chị em, vợ
chồng, con cháu… Mỗi lần đóng vai như vậy, cha mẹ và ta đã khóc và cười
không biết bao nhiêu kể được, nhưng tuyệt đối khóc vẫn nhiều hơn. Khóc
nhiều vì tham sân si, vì chưa hiểu luân hồi, cho nên tạo thành ân oán cứ
tìm nhau mãi.
Nói riêng với cha mẹ là vậy,
còn anh chị em, bà con cũng chẳng khác gì; bởi vì như đã nói, nếu ta
đóng đủ vai trò trong vô vàn kiếp sống, thì những người bà con lại có
khác gì cha mẹ ta? Thế là ta không chỉ có liên hệ với cha mẹ trong đời
sống này, mà ta đã liên hệ tất cả người thân trong gia đình thân tộc. Cứ
như vậy hiểu thêm cả làng ấp phố phường, và hết thảy người trong
đất
nước, ta cũng từng qua lại với nhau; và cuối cùng tất cả mọi người trên
thế gian, ta vẫn có nhân duyên cùng nhau chung sống, cụ thể là sống
chung nơi qua
địa
cầu này.
Vậy thì tình thương cha mẹ
cũng là tình thương đất nước nhân loại, vì một sự nhân duyên liên hệ
ràng buộc với nhau; nếu không có liên hệ che chở ta sẽ không thể được
sinh ra, hay không thể sống được khi chào đời. Thử nghĩ nếu cha mẹ sống
trong một xã hội đất nước đang chịu chiến tranh tàn khốc, hay bị bịnh
dịch nguy hiểm hoành hành, thì ta có chịu ảnh hưởng không? Cho nên ta
phải mang ơn tất cả, và hễ hiếu thảo cha mẹ bao nhiêu, ta cũng tư duy
suy niệm hiếu sinh, hiếu dưỡng đến tất cả mọi người không phân biệt. Đó
là tinh thần hiếu hạnh Bát Nhã của chư Bồ Tát; và nếu áp dụng thực hành
theo, thì không những hòa bình thế giới được thực hiện, mà giải thoát
luân hồi chắc chắn sẽ đến trong kiếp tương lai.
Tóm lại thương yêu trong
tinh thần Bát Nhã là không phân biệt, không có dục lạc vị kỷ cá nhân,
không tham, sân, si ái, mà thấy rõ tất cả là một dòng nhân duyên nhân
quả trong định luật Thành Trụ Hoại Không. Như thế tình thương trí huệ
(Bát Nhã) sẽ đem lại giải thoát chứ không chấp thủ khổ đau.
Qua việc tìm hiểu quan sát
tình thương yêu hiếu thảo thế gian, và thương yêu của người học cầu Bát
Nhã, chúng ta thấy rằng, chỉ có tình thương Bát Nhã chỉ có nhận ra tánh
giác Phật tánh ở mỗi con người, thì mọi tình thương sẽ trở thành bất tử,
không sinh cũng không diệt.
Cầu nguyện ánh sáng giải
thoát tình thương Bát Nhã sẽ được chan hòa khắp cõi nhân gian, xóa đi
bóng tối vô minh, hóa thành tịnh cảnh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thích Phổ Huân
11/08/2009
(cùng một tác giả)
----o0o----
Cập nhật: 01-06-2012