Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Phật Học Cơ Bản


...... ... .

 

 


NHẬP BỒ TÁT HẠNH

Nguyên tác Phạn ngữ  Bodhisattvacharyavatara

 

 

Nguyên tác:  Tịch Thiên (Shantideva)

 Hoa dịch:  Trần Ngọc Giao

Việt dịch:  Thích Nữ Trí Hải

 

Thành kính dâng lên Giác linh

Ni Trưởng (thượng) DIỆU (hạ) KHÔNG,

người trọn đời thể hiện tâm BỒ ĐỀ tôn quý.

--- o0o ---
 

 

 

 

 

Lời Giới Thiệu 

Bộ luận Nhập Bồ Tát Hạnh là một kiệt tác của Phật giáo Ấn Ðộ, không những trên phương diện tư tưởng, tu chứng, mà còn cả trên phương diện văn học. Nó đã đem lại niềm vui cho biết bao nhiêu thế hệ. Tương truyền ở Ấn Ðộ đã có hơn một trăm bộ chú thích cho bộ luận này, và ở Tây Tạng nó đã trở thành một trong sáu bộ luận "gối đầu" cho những kẻ học Phật.

Bộ luận này được truyền đến Trung Hoa vào đời Triệu Tống, lúc ấy Phật giáo vừa trải qua cơn pháp nạn khốc liệt thời Ðường Vũ Tông, kế tiếp lại bị nhiều nạn đao binh phá hoại trong thời Ngũ Ðại, cho nên sinh khí của Phật giáo lúc bấy giờ gần như bị kiệt quệ, ngoài Thiền Tông và Tịnh Ðộ Tông ra, các tông phái khác gần như tuyệt tích. Hơn nữa, vào thời đó, các vị tăng sĩ ít còn "hứng thú" trong việc khảo cứu các tác phẩm mới được phiên dịch từ Ấn Ðộ, và vì lý do này, hầu hết các dịch phẩm mới dưới thời Triệu Tống ít được các nhà học Phật để ý đến, mà một "nạn nhân chính" trong đó là bộ Nhập Bồ Tát Hạnh này. Một điều tệ hại nữa là bản dịch của ngài Thiên Tức Tai, một vị cao tăng Ấn Ðộ, không những thiếu sót nhiều chỗ, mà văn chương lại tối tăm khó hiểu, thành thử số phận của nó lại càng hẩm hiu. Kết quả là bộ luận này đã bị bỏ quên trong bộ Ðại Tạng Kinh của Trung Hoa hơn một ngàn năm mà không ai biết đến. Trái lại, ở Tây Tạng sự lưu truyền rất được thịnh hành, và gần đây ở Âu Tây phong trào nghiên cứu bộ luận này càng lúc càng trở nên rầm rộ. Theo như sự hiểu biết của tôi, đã có hơn mười bộ: nào phiên dịch, nào chú giải, nào luận án nghiên cứu bằng tiếng Anh đã được xuất bản, chưa kể đến các ngôn ngữ khác như Nhật, Ðức, Pháp, Ý, v.v... Ðiều này chứng tỏ nó phải có một giá trị nào đó mới có thể thu hút được sự chú ý của nhiều người như thế. Sự đặc sắc của bộ luận này có thể được nhìn từ hai phương diện:

(Một) Phương diện tư tưởng: Ngài Tịch Thiên trên phương diện trước tác chỉ để lại vỏn vẹn có hai (có chỗ nói ba)Õ tác phẩm chính, tức là bộ luận này cùng bộ Học Xứ Tập Yếu. Tuy số lượng ít oi như thế, chỉ cần nhìn vào hai tác phẩm này, chúng ta có thể quả quyết rằng không những ngài là một học giả uyên bác mà còn là một nhà tư tưởng cao siêu. Trong chiếc áo nhà tu, Tịch Thiên đã biểu hiện cho chúng ta biết rằng ngài không những là một bậc trí tuệ siêu phàm, mà còn là một kẻ rạt rào tình cảm. Lý trí và tình cảm không bắt buộc phải bị tách đôi như các nhà triết học Tây phương quan niệm, mà lý có thể hợp nhất với tình. Vì lý do này, Phật giáo Ðại thừa chú trọng nhiều đến phương diện tình cảm, vì nếu tình cảm được đặt đúng vị trí, nó sẽ trở thành một động lực căn nguyên của tâm Ðại Từ Bi. Mà muốn thành Phật thì phải có đủ cả hai đức tính, tức là từ bi và trí tuệ. Thiếu một không thể được!

Phát Bồ Ðề Tâm! Tu Bồ Tát Hạnh! Nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng chắc chắn không phải là công việc của một kẻ tầm thường. Ðây là khung trời của những kẻ mà ý chí cao vượt đến những dãy ngân hà xa tít, của những kẻ mà tâm nguyện kiên cường vững chãi hơn trăm ngàn thành lũy, của những kẻ mà trăm ngàn lưỡi đao bén nhọn không làm cho họ nao núng, và trăm ngàn sự vui cõi trời không làm họ xao động! Ai là kẻ có thể nắm giữ được gia nghiệp của Ðức Như Lai? Ai là kẻ có thể làm xán lạn cho gia tộc Phật? Những kẻ mà chí nguyện cứng chắc hơn trăm ngàn kim cương đó, lại có thể là những kẻ vì chúng sinh mà chảy dòng lệ nhạt nhòa như người mẹ hiền nức nỡ trước nỗi khổ của đứa con mình. Từ những dòng tư tưởng của bộ luận này chúng ta có thể thấy được, một cách mông lung, tầm kích vĩ đại của con người Tịch Thiên!

(Hai) Phương diện thực tiễn tu hành: Ðiều trọng đại nhất cho hành giả bắt đầu dấn bước trên con đường tu hạnh Bồ Tát là sự phát tâm Bồ Ðề. Phát tâm Bồ Ðề là sự chuyển mình của hành giả từ thân phận tầm thường của một phàm phu vào đến tầm kích của vũ trụ. Ðây là sự biểu hiện của một nhân cách vĩ đại nhất, mà không có một hệ thống triết học hay tôn giáo nào có thể tự hào. Khi mà hành giả đã lột bỏ được bộ quần áo tâm linh cũ nát của mình, thay vào đó bằng bộ quần áo lộng lẫy Bồ Ðề Tâm, trên phương diện "người", hành giả đã trở nên cao quí hơn tất cả phàm phu:

Kẻ tù ngục sinh tử

Nếu phát Bồ Ðề tâm

Tức khắc tên Phật tử

Trời người nên cung kính! 

Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc đã mô tả cho Thiện Tài một cách tỉ mỉ hành trạng của tâm Bồ Ðề như sau: "Bồ đề tâm như hạt giống vì từ đó sinh ra hết thảy Phật pháp. Bồ đề tâm như ruộng tốt vì nơi đây sản xuất các thứ thuần tịnh cho thế gian. Bồ đề tâm như cõi đất vì gìn giữ tất cả thế gian. Bồ đề tâm như dòng nước vì rửa sạch tất cả cáu bẩn của tham dục. Bồ đề tâm như ngọn gió vì thổi khắp thế gian không có gì làm trở ngại. Bồ đề tâm như ngọn lửa vì đốt cháy tất cả củi hý luận. ......... Bồ đề tâm như cha lành vì bảo hộ hết thảy các Bồ tát. Bồ đề tâm như mẹ hiền vì dưỡng dục hết thảy Bồ tát. Bồ đề tâm như nhũ mẫu vì chăm sóc hết thảy Bồ tát. ......... Bồ đề tâm như người tỉnh thức vì đẩy lui tất cả cái xấu xa. Bồ đề tâm như lưới trời Ðế thích vì nó khuất phục những quỷ phiền não a tu la. Bồ đề tâm như lửa trời Ðế thích vì nó đốt cháy tất cả công năng tập quán, tham dục và phiền não bất tịnh. Bồ đề tâm như tháp thờ xá lợi vì hết thảy thế gian, loài người và loài a tu la kính ngưỡng." Rồi Bồ tát Di Lặc kết luận: "Này thiện nam tử, Bồ đề tâm thành tựu vô lượng công đức tuyệt diệu như vậy. Tóm lại Bồ đề tâm cũng đồng như Phật pháp và các công đức của quả Phật. Tại sao thế? Bởi vì, chính từ Bồ đề tâm mà hạnh của Bồ tát bắt đầu khởi hành, và cũng chính từ đó mà hết thảy Như Lai trong quá khứ, hiện tại và vị lai xuất hiện ở thế gian. Vì vậy, này thiện nam tử. Một khi ước vọng giác ngộ tối thượng được phát khởi, thì vô số công đức cũng được phát sinh, và cả đến ý thức ẩn áo nhất của Nhất thiết trí cũng phát sinh từ đó." (Trích từ Thiền Luận của Suzuki, bản dịch của Tuệ Sỹ)

Thế nhưng, trong quá trình trui luyện chí nguyện Bồ tát, các công hạnh tuy có đa dạng, nhiều đến vô lượng, song mục đích không ngoài sự việc cốt yếu là buông bỏ "tự ngã". Suzuki trong quyển "Khai Ngộ Ðệ Nhất" có nói: "Lúc mà chúng ta buông bỏ tự ngã cũng chính là lúc tha lực hiển hiện." Khi mà hành giả tìm đến bờ vực của tâm linh, trong sự thành khẩn tha thiết đến cực độ của mình, trong phút giây bàng hoàng đó, hành giả có thể tạm thời quên mất tự ngã. Và chính trong giây phút huyền diệu đó, lạ lùng thay, tha lực hiển hiện như một luồng ánh sáng chan hòa! Trong giây phút tuyệt vời đó, không còn sự phân biệt giữa tự và tha, mình và đối tượng của mình là một! Và ngay chính trong sự tha thiết đến cùng độ đó, lại chính là giây phút hành giả thể nghiệm được chân lý, và đây cũng chính là một sự thể ngộ về Tính Không!

Dịch bản tiếng Việt này của bộ Nhập Bồ Tát Hạnh là một công trình kiệt xuất của Ni sư Trí Hải. Ni sư không những dịch thành văn xuôi mà lại còn dịch cả thành văn vần, cả hai đều có thể gọi là những dịch phẩm quan yếu cho Phật giáo Việt Nam. Ðây là một sự đóng góp lớn lao, không những cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, mà cho cả nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Tôi cũng đã may mắn được nghiên cứu qua tác phẩm vĩ đại của ngài Tịch Thiên và đã phiên dịch bộ luận này theo thể tài kệ tụng bốn câu năm chữ, đồng thời cũng đã viết xong một quyển chú giải, song nhận thấy rằng chúng chỉ là những viên sỏi vụn hoàn toàn không giá trị; nay có nhân duyên gặp được "trân châu bảo ngọc" này, bèn không ngần ngại, vội vàng vứt đi những viên sỏi vụn "sần sùi" đó, chắp tay kính cẩn dâng lên hai dịch phẩm quý giá này đến quý vị độc giả, đồng thời phát tâm "hợp đính" để tiện lợi cho người đọc, nếu không thể lãnh hội phần văn vần, có thể tham khảo thêm phần văn xuôi để lãnh hội thêm ý chỉ uyên thâm của bộ luận.

Hai phần văn xuôi và văn vần có được là nhờ sư huynh của tôi, thầy Thích Pháp Quang, trụ trì chùa Tịnh Luật ở Texas, liên lạc với Ni sư Trí Hải ở Việt Nam, gửi qua cho thầy bằng "email". Khi nhận được hai phần này từ thầy Pháp Quang, tôi cảm thấy vui mừng như "kẻ khát được cam lộ, kẻ nghèo gặp ngọc quý" bèn không quản tài học thô thiển của mình viết lên vài hàng giới thiệu hầu kết duyên với tất cả những hành giả "đã, đang, hoặc sẽ phát tâm học tập Bồ tát hạnh", và cũng nhân đây "phát lộ" với tất cả đại chúng rằng mình đã được "diễm phúc" tắm gội trong hào quang của Tam Bảo cùng ánh sáng chói ngời của con người vĩ đại Tịch Thiên!

Nguyện đem công đức truyền bá "áo nghĩa" của Ðại thừa này hồi hướng đến thân mẫu, Sư cô Thích Nữ Chúc Phước, đàn na tín chủ, cùng tất cả chúng sinh. Nguyện tất cả những ai thấy nghe, hoặc tin không tin, hoặc hiểu không hiểu, hoặc khen hoặc chê, hoặc kính hoặc hủy, đều đời đời trở thành Pháp quyến của nhau, dìu dắt nâng đở nhau, cho đến ngày tất cả đều thành Chánh Giác. Xin tất cả hãy cùng nhau phát lên lời thệ nguyện vĩ đại của Tịch Thiên:

Cho đến tận hư không,

Nơi nào có chúng sinh,

Nguyện sẽ đến nơi đó,

Diệt khổ đau cho họ!

 

Mùa Phật Ðản 2547, tháng 5-2003

Tường Quang Tự,

Tỳ kheo Thích Pháp Chánh cẩn thức


 

 

Lời nói đầu của người dịch Việt Ngữ

 

Cách đây vài năm, tôi đã được đọc dịch phẩm Bồ tát hạnh của thầy Trí Siêu và sau đó, bản dịch tiếng Pháp Vivre en héros pour l'éveil. Sách này đã gây cho tôi một chấn động sâu xa, nhất là thấy đa số các học giả và hành giả Phật giáo hiện nay trên thế giới đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của nó trong hầu hết các bài giảng, tác phẩm, dịch phẩm của họ; đủ biết ảnh hưởng nó sâu rộng chừng nào. Được biết luận này mang tên Nhập bồ tát hạnh của bồ tát Tịch thiên sống tại miền Nam Ấn vào thế kỷ thứ bảy (xem tiểu sử do thầy Trí Siêu biên soạn). Đây là một trong ba tác phẩm của ngài để lại, nguyên văn Phạn ngữ theo thể kệ tụng, là sách gối đầu giường của tăng ni phật tử tại các nước theo đại thừa ở Ấn độ vào thế kỷ thứ tám, thời gian đại thừa cực thịnh, và sau đó, tại các nước tây vức như Mông cổ, Tây tạng suốt ngàn năm, và hiện rất thịnh hành ở các nước tây phương, đã có nhiều bản dịch đủ các thứ tiếng. Riêng Pháp ngữ đã có hai ba bản dịch, Anh ngữ cũng vậy, so ra không sai biệt bao nhiêu, đủ biết các dịch giả tây phương làm việc rất nghiêm túc, nhờ sự hướng dẫn của chính các vị thượng sư đang thực hành các pháp đề cập trong sách này. Các ngài là những bài Pháp sống động đã vừa hướng dẫn, vừa đem lại nguồn hứng khởi cho những dịch giả.Các pháp được đề cập không ngoài mười hạnh Phổ hiền, sáu ba la mật, tịnh chỉ và tuệ quán, lý Tánh không theo lập trường Trung quán mà tác giả, bồ tát Tịch thiên, là đại biểu. Có thể nói đây là một bổ túc và giải rộng giới bản Bồ tát đặc biệt dành cho giới xuất gia, nhưng cũng có thể phổ cập cho tất cả mọi người, nhất là tám chương đầu của sách đã được chuyển dịch thành thơ lục bát và song thất.

Vì sự gò bó của vần điệu, chắc chắn dịch thơ không thể nào lột hết thánh ý trong nguyên bản, nên song song với bản dịch thơ, còn có bản dịch văn xuôi. Bởi vậy, gặp những chỗ khó hiểu trong bản dịch thơ, xin độc giả tham khảo câu, phần tương đương trong bản dịch văn xuôi ở một tập khác. Ngoài ra, trong khi dịch văn xuôi, để giúp người chưa rành những từ ngữ Phật giáo và pháp số, tôi có chú thêm giải thích trong ngoặc đơn kèm theo ngay sau mỗi từ khó hiểu.

Bản dịch này căn cứ trên bản gốc bằng Hán ngữ của Trần Ngọc Giao dịch từ Tạng ngữ kèm chú giải bằng tiếng Phổ thông, do Tạng hải xã Đài Bắc xuất bản (Trung hoa dân quốc năm 81); đồng thời tham khảo bản tiếng Pháp nói trên của Georges Driessens, Editions du Seuil xuất bản 1993, và bản Anh dịch của Stephen Batchelor,A Guide to the Bodhisattva's Way of Life, Library of Tibetan Works and Archives xuất bản 1979. Xin chư Bồ tát gia hộ cho bản dịch này không quá xa Thánh ý.

Bản dịch này có ra là nhờ thầy Pháp Quang ở Texas đã khuyến khích dịch văn vần, và gửi tài liệu để tham khảo. Xin nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn đối với quý thầy Pháp Quang, Hạnh Nguyện cùng nhiều vị khác ở hải ngoại từ bao năm nay đã gửi cho rất nhiều tư liệu quý báu và cập nhật.

Nguyện đời đời kiếp kiếp được gặp Bồ đề quyến thuộc, chỉ ra đời và sống vì an lạc cho nhiều người, vì hạnh phúc cho nhân loại và chư thiên.

Tháng 3, 1998
Tỳ kheo ni Trí hải


 

TIỂU SỬ TÔN GIẢ TỊCH THIÊN
(SHÀNTIDEVA)

- Thích Trí Siêu -

Theo truyền thuyết tôn giả Sàntideva sinh ở miền Nam Ấn, vùng Sri Nagara vào khoảng thế kỷ thứ 7. Ngài là thái tử con vua Surastra. Từ những kiếp quá khứ, ngài đã cúng dường phụng thờ nhiều đức Phật và đã tích tụ nhiều căn lành đưa đến giải thoát. Nhờ phước đức ấy nên ngay từ lúc ấu thơ, ngài đã nhiều lần chiêm bao thấy Văn Thù Bồ Tát. Lớn lên, đến tuổi sắp được vua cha truyền ngôi, một hôm ngài nằm mộng thấy hai vị Bồ tát: Văn thù và Tara[1][1]. Bồ tát Văn Thù ngồi trên ngai vàng, bảo ngài rằng: "Ở đây không có chỗ cho hai người." Bồ tát Tara tưới nước nóng trên đầu ngài và nói rằng: "Vương quyền chính là nước sôi bỏng của địa ngục. Ta đang tấn phong cho ngươi với nước này đây."

Tỉnh dậy, ngài hiểu rằng đó là sự khuyến cáo của hai vị Bồ tát, nên đêm hôm trước ngày lên ngôi, ngài rời bỏ cung thành trốn vào rừng sâu. Sau 21 ngày lang thang trong rừng, vừa khát vừa đói, ngài gặp được một con suối, sắp sửa định uống thì có một thiếu nữ xuất hiện bảo ngài đừng uống vì đó là nước độc, sau đó thiếu nữ dâng cho ngài một thứ nước thơm ngọt như cam lồ. Giải khát xong, ngài hỏi thiếu nữ: "Cô ở đâu đến?"- Thiếu nữ trả lời: "Ở giữa khu rừng mênh mông này là nơi thầy tôi ở, ngài rất đạo đức, từ bi và đã thành tựu phép tam muội của Văn Thù Kim Cang Sư Lợi (Sri Manjuvajra). Tôi từ đó đến đây." Vừa nghe như thế, tôn giả Sàntideva mừng rỡ như kẻ nghèo bắt được vàng, yêu cầu thiếu nữ dẫn Ngài đến gặp vị thầy kia. Đến nơi ngài thấy đó là một hành giả (Yogi) sống trong một chòi lá, ngài liền đảnh lễ, xưng tán cúng dường và cầu xin được truyền phép tam muội của Văn thù Bồ tát. Sau 12 năm ở đó tu tập, ngài chứng được phép tam muội trên, thấy được vị thầy kia chính là Văn Thù và thiếu nữ kia chính là Tara. Kể từ đó ngài luôn luôn được thấy Văn Thù Bồ tát. Sau đó ngài đi về phương đông, xin vào làm việc trong triều của vua Pancamasimha. Nhờ tài giỏi và thông minh nên ngài được vua trọng vọng cho làm Thừa tướng. Để tỏ lòng thành kính nhớ ơn vị thần linh chủ hộ của mình, tức Văn Thù Bồ tát, ngài luôn đeo trên mình một thanh kiếm gỗ[2][2]. Ngài giúp vua trị vì đúng theo Phật pháp và truyền dạy nhiều kỹ nghệ mới lạ. Điều đó khiến các vị đại thần khác ganh tức, tìm cách dèm pha và hãm hại ngài. Họ bảo vua rằng: "Thừa tướng là một người gian xảo, luôn đeo trên mình một thanh kiếm mà không bao giờ rút ra cho ai xem cả. Chúng tôi biết thanh kiếm ấy làm bằng gỗ. Gặp lúc nguy biến làm sao Thừa tướng có thể cứu nguy cho Bệ hạ được? Xin Bệ hạ hãy khám nghiệm lại." Vua tin lời, cho triệu Thừa tướng vào bắt phải rút kiếm ra khỏi vỏ cho vua xem. Thừa tướng nói: "Kiếm của tôi, Bệ hạ không thể nhìn được, nếu không Bệ hạ sẽ hối hận." Nghe vậy, vua càng nghi ngờ nhất quyết đòi xem. Cuối cùng, Thừa tướng nói với vua: Nếu Bệ hạ nhất quyết muốn xem thì hãy theo tôi đến chỗ vắng, lấy tay che mắt phải lại, chỉ nhìn bằng mắt trái thôi." Vua chấp thuận và thừa tướng rút kiếm ra, hào quang lóe lên quá mạnh khiến con mắt trái của vua rơi xuống đất. Vua liền ăn năn hối hận, biết ngài là một người đắc đạo, một Đại thành tựu giả [3][3]nên cầu xin sám hối. Biết vua đã ăn năn, Thừa tướng nhặt mắt trái của vua bỏ vào tròng lại khiến vua khỏi mù. Sau đó tôn giả từ bỏ chức Thừa tướng, tìm đến Tu viện Nalanda, xuất gia thọ giới, được đặt tên là Sàntideva. Sau khi nghe hết 3 tạng kinh điển, tôn giả thầm biên soạn 3 bộ luận: Siksàsamuccaya, Sùtrasamuccaya và Bodhi-caryàvatàra. Ngài tu mật hạnh, học trực tiếp với Văn Thù Bồ tát trong thiền định. Tất cả thời ăn, ngủ, đi, đứng, ngài đều thiền quán về Thanh Quang. Tuy vậy chúng tăng bên ngoài thấy ngài chỉ ăn với ngủ không chịu văn, tư, tu gì cả. Thấy thế một số Thượng tọa học giả họp nhau lại định tống khứ Ngài ra khỏi tu viện. Có người cho ý kiến: "Nếu chúng ta họp lại, bắt mỗi người phải tuần tự trùng tuyên lại Kinh Luận, chắc chắn y phải tự động rút lui, rời bỏ tu viện vì y chỉ ăn và ngủ đâu có bao giờ tu học gì." Thế rồi đến phiên tôn giả Sàntideva phải trùng tuyên lại Kinh Luận, ban đầu ngài từ chối, nói rằng không biết gì. Chúng tăng muốn làm nhục ngài nên làm bộ nài nỉ, cuối cùng ngài nói: "Nếu vậy, phải làm cho tôi một tòa sư tử[4][4]tôi mới trùng tuyên." Nghe vậy có vài người đâm ra nghi ngờ, nhưng đa số chấp thuận vì tin rằng ngài không thể trùng tuyên Kinh Luận gì được. Sau khi lên ngồi tòa sư tử, ngài hỏi: "Các vị muốn tôi tụng lại Kinh Luận đã có từ trước hay những sáng tác mới sau này?" Vì muốn chế giễu ngài nên đại chúng nói: "Những sáng tác mới sau này." Thế là ngài bắt đầu tụng lên Bồ Tát Hạnh (Bodhisattava-caryavatara). Khi tụng đến câu: Khi Có và Không không còn khởi lên trong tâm..., thì ngài bay lên hư không rồi từ từ biến mất, nhưng tiếng của ngài còn vọng lại cho đến câu kệ cuối cùng của Bồ Tát Hạnh. Không thấy ngài nữa, tăng chúng hối hận trở về phòng ngài tìm kiếm, thấy trên bàn để lại 3 quyển: Sùtrasamuccaya[5][5], Siksacamuccaya và Bodhi-caryàvatàra (Nhập bồ tát hạnh).


 

 

Dẫn Nhập 

Thích Như Thạch

(Trần Ngọc Giao)

Nhập Bồ Tát Hạnh Đạo Luận

 

Nói một cách tổng quát, nội dung bộ Nhập Bồ Tát Hạnh là muốn chỉ rõ thứ lớp tu tập pháp môn Ðại thừa: Thế nào phát khởi Bồ Ðề tâm và tu tập Bồ Tát hạnh. Toàn bộ luận phân làm mười chương. Chương thứ nhất Những lợi lạc của tâm Bồ Ðề, khuyến khích chúng sinh phát tâm Bồ Ðề chân thực. Chương thứ hai Sám hối tội nghiệp, kế đó tu tùy hỉ, khuyến thỉnh, và hồi hướng phúc đức rộng lớn. Chương thứ ba Gìn giữ tâm Bồ Ðề, phát khởi tâm Bồ Ðề nguyện cùng thọ giới Bồ Tát. Chương thứ tư Không buông lung, tu tập hạnh không buông lung, hầu tránh vi phạm Bồ Tát học xứ. Chương thứ năm Giữ gìn chánh tri, cho biết làm thế nào để giữ gìn Bồ Tát học xứ. Chương thứ sáu Nhẫn nhục, dạy tu nhẫn nhục để trừ khử tâm lý chướng ngại trong sự tu tập Bồ Tát hạnh. Chương thứ bảy Tinh tấn, vì muốn được tăng trưởng Bồ Tát hạnh, phải tinh cần tu tập. Chương thứ tám Thiền định, trước tiên tu tĩnh lự để đối trị hôn trầm, tán loạn (đặc biệt quở trách sự tham dục). Sau đó tiến thêm một bước tu tập pháp môn tự tha hoán (trao đổi mình và người), để tăng trưởng tâm Bồ Ðề thế tục. Chương thứ chín Trí tuệ, vì muốn thông đạt thực tướng của chư pháp, dẫn đến tâm Bồ Ðề thắng nghĩa, hầu có thể đoạn trừ phiền não, nên phải có trí tuệ. Chương thứ mười Hồi hướng, đem tất cả công đức của nghiệp lành hồi hướng đến tất cả chúng sinh.

Phần trên là đại ý nội dung của bộ luận này. Nếu qui nạp lại, có thể chia làm bốn phần:

(1)  Ba chương đầu là tông chỉ chủ yếu, đối với chúng sinh chưa phát tâm, dẫn phát thế tục tâm nguyện Bồ Ðề và tâm hạnh Bồ Ðề.

(2)  Ba chương Không buông lung, Giữ gìn chánh tri, Nhẫn nhục, chỉ dẫn, khuyến khích thế nào giữ gìn tâm Bồ Ðề cùng nghiêm trì giới luật Bồ Tát, không để cho ngoại duyên làm ô nhiễm, thoái thất.

(3)  Ba chương Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ, một mặt giúp hành giả tăng tiến tâm Bồ Ðề thế tục, một mặt đem hành giả đến sự phát sinh tâm Bồ Ðề thắng nghĩa, thuần tịnh không nhiễm. Cùng y vào đây thực hành xuất thế gian Ba la mật, tăng trưởng phúc tuệ tư lương, tăng tiến cho đến lúc thành Phật.

(4)  Cuối cùng là chương Hồi hướng, hồi hướng phát nguyện, và đây cũng là một phương cách tăng trưởng vô tận phúc đức.

 

Nếu từ một khía cạnh khác, theo quan điểm của chính ngài Tịch Thiên trong quyển Học Xứ Tập Yếu, có thể giải thích như sau:

(1) Tông chỉ chủ yếu của ba chương đầu là muốn dẫn phát một loại ý nguyện tối thù thắng. Nguyện đem thân thể, tài sản, thiện căn của mình, hoàn toàn bố thí cho tất cả chúng sinh. Hơn nữa, lại bắt đầu chân thành tu tập hạnh Bồ Tát.

(2) Ba chương Không buông lung, v.v..., chủ yếu muốn nói đến trong quá trình tu học, làm thế nào để giữ gìn thân thể, tài sản, thiện căn của mình để thuận tiện cho việc lợi ích chúng sinh.

(3) Bốn chương cuối là muốn chỉ đạo hành giả, sau khi giữ gìn thân thể, tài sản v.v... , làm thế nào tiến thêm một bước nữa trong công việc tịnh hóa cùng tăng trưởng.

Nói một cách tổng quát, nội dung chủ yếu của bộ Nhập Bồ Tát Hạnh này là chỉ dẫn hành giả trong quá trình tu học hạnh Bồ Tát, làm thế nào tu tập lục độ vạn hạnh, để thuận tiện dùng những phương thức bố thí, giữ gìn, tịnh hóa cùng tăng trưởng thân thể, tài sản, thiện căn v.v..., trong việc lợi tế quần sinh. Tịch Thiên trong quyển Học Xứ Tập Yếu, chương Học tập bố thí, có nói: "Ðem thân thể, tài vật cùng thiện căn của mình hoàn toàn bố thí cho tất cả hữu tình. Hơn nữa, phải giữ gìn, tịnh hoá cùng tăng trưởng chúng. Ðây là yếu lĩnh của Bồ Tát học xứ". Tại cuối chương đó, Tịch Thiên dẫn kinh Bảo Vân mà kết luận như sau: "Thí xả là Bồ Ðề của Bồ Tát". Nhập Bồ Tát Hạnh, chương thứ ba, bài kệ 10, 11 cũng nói: "Vì muốn thành tựu sự lợi ích của tất cả hữu tình, con bố thí thân mệnh mình không chút luyến tiếc. Bố thí tất cả tài sản cùng thiện căn phúc đức. Nếu có thể từ đáy lòng thí xả tất cả thân thể, tài sản, thiện căn, con sẽ vượt qua tất cả khổ, thành tựu Niết Bàn".

Do đây, có thể thấy được Tịch Thiên rất chú trọng đến sự tu tập bố thí. Từ cái nhìn của ngài, chữ Xả là tổng trì trong sự hành trì của cả Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Hành giả Tiểu thừa, do vì xả ly tất cả sự tham luyến đối với tam giới mà chứng được sự diệu lạc của Niết Bàn. Hành giả Ðại thừa, lại tiến thêm một bước, xả bỏ luôn sự diệu lạc của Niết Bàn, đạt tới cái gọi là "Trí không trụ ba cõi, Bi không trụ Niết Bàn", chính là cảnh giới vô trụ của vô thượng Bồ Ðề.

Chính do Tịch Thiên nghĩ rằng tu tập bố thí là trọng yếu nhất trong quá trình tu học Bồ Tát hạnh, vì thế ngài không lập riêng một chương Bố thí, mà đem quan niệm "thí xả tất cả" vào trong tất cả các chương khác. Nhân đây, trong mỗi chương của quyển Nhập Bồ Tát Hạnh, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của sự "thí xả tất cả" này.


 

[1]Tara là một hóa thân nữ của Quán Thế Âm, trong Phật giáo Ấn độvà Tây tạng được nói đến rất nhiều. Quán Thế Âm, khi nhìn thấy chúng sinh đau khổ, ngài nhỏ lệ từ bi và giọt lệ này rơi xuống hóa thành Tara.

[2]Văn Thù Bồ tát, thường hiện thân, tay phải cầm kiềm trí huệ, tay trái cầm kinh Bát Nhã.

[3]Mahasiddha: người tu hành đắc đạo có thần thông.

[4]Simhasana: Tòa ngồi chỉ dành cho những hàngTỳ kheo Trưởng lão Pháp sư.

[5]Hai tập Siksàsamuccaya (Giáo Tập Yếu) và Bodhicaryàvatàra (Bồ TátHạnh) chắc chắn tác giả là ngài Sàntideva, riêng tập Sùtrasamuccaya, đa số các học giả đều công nhận tác giả là ngài Long Thọ (Nàgàrjuna). Tiểu sử này tôi rút tỉa từ 2 tài liệu History of Buddhism in India của Taranatha và La Légende de Sàntideva trong Indo-Iranian Journal Volume XVI. Trong tạng Luận của Tây tạng có nói đến bộ Mdo.sde.sna.tshogs.kyi.mdo.btus.pa mà học giả Marcelle Lalou đã chuyển sang lại Sanskrit là Visvasùtrasamuccaya, tập này ngày nay đã bị mất tích. Theo học giả J.W.De Jong thì có lẽ 2 tập này tương tự nhau nên các sử gia Tây tạng và luận gia Ấn độ cùng cho tác giả của Kinh Tập Yếu (Sùtrasamuccaya) là ngài Sàntideva. Kinh Tập Yếu đã được Hòa thượng Linh Sơn thượng Huyền hạ Vi dịch từ Hán văn ra Việt văn năm 1985 với tựa đề là Yếu Nghĩa Phật Pháp.

 

--- o0o ---
 

Mục Lục

Phần văn vần  | Chương 1-5 | Chương 6-10

Phần văn xuôi | Chương 1-5 | Chương 6-10

--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Thích Pháp Chánh
đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
 

---o0o---

Vi tính: Diệu Mỹ; Trình bày:  Nhị Tường

 

Cập nhật:  01-12-2004

 

Webmaster: quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Phật Học Cơ Bản

Đầu trang

 

Biên tập nội dung:  Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:  
quangduc@quangduc.com