Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Giới Luật


...... ... .

 

NGŨ GIỚI

Tỳ-kheo-ni Đồng Nam
 

--- o0o ---

 

Đạo Phật có 5 trình độ tu hành gọi là ngũ thừa :

I/- Nhân thừa : Giữ 5 giới :

1) Không giết hại.

2) Không trộm cướp.

3) Không tà dâm.

4) Không nói càn.

5) Không uống rượu.

Giữ được 5 điểm này thì hiện đời thân người mà tâm cũng thật phẩm chất người. Nếu không giữ đủ 5 giới thì kiếp sau sẽ đọa lạc về ba đường khổ là địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh.

II/- Thiên thừa : Tu 10 thiện :

a) Thân không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm.

b) Miệng không nói dối, không hai lưỡi, không thêu dệt, không độc ác.

c) Tâm không tham, sân, tà kiến.

Sau được sanh lên cõi trời.

III/- Tiểu thừa : Tu 4 trí tuệ quyết định :

a) Biết thế gian luân hồi là biển khổ.

b) Biết gốc khổ là do các phiền não tham sân si.

c) Trừ sạch gốc khổ sẽ hết quả khổ, hưởng vui Niết-bàn.

d) 8 chánh đạo là phương pháp diệt khổ luân hồi, chứng A-la-hán.

IV/- Trung thừa : Quan sát 12 nhân duyên là đường sanh tử. Ngược chiều sẽ chứng Bích Chi Phật.

V/- Đại thừa : Minh tâm kiến tánh thành Phật. 

Thân chúng ta là một bao máu mủ tanh hôi. Hàng ngày 2 mắt ra ghèn, 2 tai ra ráy, 2 lỗ chảy mũi, miệng ra đờm dãi, chân lông ra cáu ghét mồ hôi, 2 đường dưới ra phân tiểu. Thân đã nhơ nhớp lại vô thường. Sanh già bệnh chết đau khổ. Sáu căn lãnh thọ cảnh trần, vinh nhục buồn vui nhọc nhằn cay đắng. Nhưng tương đối với địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh thì thân người là cõi thiện, là quý báu vô ngần. Nương thân người, chúng ta có thể tiến tu quả Thánh, vĩnh viễn thoát khổ.

Đọa lạc rồi cầu trở lên khó vô cùng. Phật ví như rùa mù trong biển cả mong gặp bọng cây. Thân người khó được như thế mà lại không bền. Bất chợt một cơn gió độc, một bệnh hoạn, một sẩy chân vấp ngã… thế là vong mạng. Vậy nay đang được thân người, biết dùng nó làm bàn đạp tiến lên quả vị Thánh Hiền là có trí tuệ sáng suốt. Ngược lại thì khác gì kẻ đang ôm cái phao nổi ở giữa biển mà không cố gắng bơi vào bờ. Hẳn chỉ có nguy hiểm đợi chờ. Phật dạy đây là việc cần gấp như cứu đầu mình đang bị cháy. Không thể đội lửa mà đi, đợi có thời giờ thong thả sẽ dập tắt.

Không giết hại, đời sau được quả báo sống lâu khỏe mạnh ; không trộm cắp, đời sau giàu có, của cải không bị xâm hại ; không tà dâm, đời sau thân tướng đoan chính ; không nói càn, mọi người kính tin; không uống rượu, trí tuệ thông minh. Tròn 5 giới, chẳng những lai sinh được thân người mà còn đủ 5 điều kiện hạnh phúc an vui. Nếu có khả năng tu lên, càng tiến càng hay. Ngũ giới là căn bản, là thềm bực thiết yếu của tất cả an ninh thế gian và xuất thế gian. Các Phật tử cần tự kiểm điểm. Nếu còn khiếm khuyết phần nào hãy lập tức tu sửa kịp thời. Mất thân người rồi, bao giờ lại có dịp tu hành. Liệt vị Tăng Ni có trách nhiệm chỉ bảo, nhắc nhở, khuyến tiến, để các Phật tử sống đúng chánh pháp.

Tạo nghiệp ác, rơi xuống 3 đường dưới là điều đáng tiếc vô cùng, đáng thương lắm lắm. Phật Bồ-tát đành không phương cứu vớt. 

Hòa-thượng Thanh Từ dạy : “Đạo Phật cứu người ngay từ lúc gieo nhân khổ chớ không phải chỉ cứu quả khổ. Song khi cứu quả khổ ta được mang ơn còn khi cứu nhân khổ ta thường bị người đời oán ghét”. 

Hòa-thượng Quảng Bá dạy : “Phật đặt ra giới luật vì thương các con. Như đứa trẻ mù lại hay nghịch dại, ra đường chơi sẽ bị xe chẹt. Mẹ đặt chấn song ngăn cửa, khiến con an ổn trong nhà, đợi có thuốc hiệu nghiệm sẽ giải bệnh cho con, khiến được vĩnh viễn an vui.

Tất cả sáu đạo chúng sanh đều được thọ tam quy. Các Bồ-tát lăn lộn kết duyên với các nẻo luân hồi, đưa kẻ lạc hướng trở về chánh đạo. Địa ngục khổ suốt đêm ngày, đau đớn bức bách liên miên, khó khăn có được một tưởng niệm Thánh đức. Nếu có thể quy y Phật liền được hào quang tiếp dẫn. Súc sanh cũng như quỷ thần, tình nhiều tưởng ít, hoàn toàn chịu nghiệp thức kích thích, đắm đuối ăn ngủ, chơi giỡn, dâm dục, sân nộ, không thể lóe một ánh sáng thiện từ, huống còn nói đến năng lực tự biết tự trị. Ngưỡng cửa sa đọa dễ vào bao nhiêu thì đi ra cũng khó bấy nhiêu.

Duy chỉ loài người trở lên mới có trí tuệ thọ trì giới luật. Những ai đã thọ 5 giới nên vui mừng, tự biết mình có ngọc báu trong tâm. Cẩn thận, cẩn thận lắm mới được ! Sơ ý một chút, một lời nói lỗi lầm cũng đủ vĩnh kiếp khốn khổ.

Luật Sadi kể chuyện : Một Tam tạng Pháp sư, nhân nghe một Tỳ-kheo già lão tụng kinh, giọng ồ ề, liền diễu cợt : “Ông tụng kinh như chó sủa”. Chỉ vì ngứa lưỡi một lời không đâu như thế mà phải làm chó 500 đời liên tiếp. Thân cuối cùng vì ăn vụng bị chủ chặt cả bốn chân, ném vào hố rác. Ngài Xá Lợi Phất đi qua, cho chó ăn cơm, thuyết pháp thức tỉnh. Chó chết, đầu thai vào nhà trưởng giả. Lên 7 tuổi, thấy ngài Xá Lợi Phất đi khất thực, mời vào nhà, xin cha mẹ cho xuất gia theo ngài. Sau chứng quả A-la-hán. Nếu không phải là bậc thiện căn phúc đức sâu dầy thì biết bao giờ mới có ngày ngóc đầu lên được.

Phật đặt ra lệ bố tát vì con người bạc phước hay quên, khó khăn giữ được thiện nguyện. Mỗi tháng 2 kỳ, ngày rằm trăng sáng và 30 trăng tối, các đệ tử đã thọ 5 giới phải đến chùa cầu nghe giới. Bố tát, Tàu dịch là Trưởng Tịnh (trưởng dưỡng công đức, tịnh trừ phiền não), là ngày ta xem lại giới phẩm của ta. Nếu lỡ có khiếm khuyết phải sám hối ngay. Chớ có lười biếng buông lung coi thường. Tánh đức tuy ai cũng ngang bằng Như Lai song vọng thức đã sanh vọng tình, biến đủ 84.000 trần lao phiền não. Chỉ trừ Bồ-tát giáng thế còn ai cũng mê cả. Tâm mê dễ phát nghiệp. Cũng mang tai mắt con người đấy nhưng khác nhau xa lắm. Có cái thân thấm nhuần đạo đức. Mỗi lời nói mỗi cử chỉ là một Thánh sự. Có cái thân trần phàm ma quỷ. Lồng ngực chứa toàn tham sân tà kiến. Nếu không có giới luật của Phật thì hầu hết chúng ta đều thuộc loại số 2. Kinh dạy : Đại thừa Bồ-tát mới thật sự là Phật tử. Xuất gia mới hướng về Thánh quả chỉ là danh tự Phật tử.

Chăm sám hối, chăm nghe giới như trồng cây chăm làm cỏ, chăm vun tưới. Hàng ngày không thấy cây lớn nhưng ngày qua tháng lại sẽ có hoa thắm đầy cây, quả ngọt trĩu cành. Cứ thủ thường mà đều đều bước. Không tham lam vội vàng cầu nhiều giới. Quá lực không giữ nổi sanh chán nản dễ sa đọa. Chưa từng thấy trời đất có 5 – 6 tháng xuân một lúc, để lại cho cây nghỉ khai hoa vài mùa. Thiếu nhịp nhàng điều hòa, đời sống không thể vững lập. Giới đức cũng vậy. An nhàn thư thái mà tu hành. Còn ở tại gia, chớ tưởng mình xa Thánh đạo. Cốt yếu giữ vững đường chính. Sĩ nông công thương đều là Bồ-tát nghiệp. Tài thí, pháp thí, bao nhiêu cơ hội hành đạo. Đã có giới lại phát tâm quảng đại từ bi thì có thể tiếp dẫn cho cả chư thiên bách thần. Biết vậy để mà cố gắng. Chẳng nên cậy mình, khinh người chưa thọ giới.

Giới có 5 khoa :

1) Giới pháp của đức Tỳ Lư Giá Na.

2) Giới thể do Thầy truyền trao. Hoạn nạn nguy hiểm dù mất thân cũng không bỏ. Lấy giới làm thể chất mạng sống nên gọi là giới thể.

3) Giới tướng : Hành động nói năng, oai nghi đúng pháp.

4) Giới hạnh : Ông quan không làm phận sự thì bị cách chức. Thọ giới không thật hành thì mất giới.

5) Giới phẩm : Chức sắc, phẩm tước xuất thế gian”. 

Kinh Quán Đỉnh và Luận Pháp Uyển Châu Lâm chép danh hiệu 25 giới thần :

I- 5 thần hộ giới không giết hại.

1) Sái Sô Tỳ Dũ Xa Ni trừ tà ác yêu tinh.

2) Du Da Lợi Du Đà Ni ủng hộ sáu căn mạnh đủ.

3) Tỳ Lâu Già Na Ba điều khiển bình hòa năm tạng (tim, gan, phổi, thận, lá lách).

4) A Đa Long Ma giúp huyết mạch lưu thông.

5) Ba Na Hoàn Ni Hòa Ba bảo hộ tay chân và các móng.

II- 5 thần hộ giới không trộm cắp.

1) Đề Ma A Tỳ Bà Đà khiến ra vào đi lại được an ninh.

2) A Tu Luân Bà La Đà ủng hộ cho ăn uống ngon miệng.

3) Bà La Ma Đàn Hùng Thư hộ vệ giấc ngủ an ổn.

4) Bà La Môn Địa Bệ Đa trừ các thứ sâu độc, khiến các loài có nọc độc tránh xa.

5) Na Ma Hu Đá Da Sa trừ các thứ độc sương gió nắng mưa.

III- 5 thần hộ giới không tà dâm.

1) Phật Đà Tiên Đà Lầu Đá trừ khẩu thiệt.

2) Bế Xà Na Tấu Đa Xa trừ quỷ ôn dịch.

3) Đát Mễ Hê Đà Đa Da giúp các việc quan lại được hanh thông.

4) A La Đa Lại Đô Da hộ trì nhà cửa.

5) Ba La Na Phật Đà bình định 8 thần trong nhà.

IV- 5 thần hộ giới không nói càn.

1) A Đề Phạm Dã Xan Da trừ ác quỷ ở mồ mả.

2) Nhân Đài La.

3) A Dà Lam Thi Bà Đa trừ thần ngoại khí.

4) Phật Đàm An Na Đa Đá trừ hỏa tai.

5) Đa Lại Xoa Tam Hát Đà trừ trộm cướp.

V- 5 thần hộ giới không uống rượu.

1) A Ma La Tứ Đâu Hy trừ hổ lang.

2) Na La Môn Là Đầu Đế giúp tránh thần chết.

3) Tát Bê Ni Càn Na Ba khiến các tiếng kêu của cú cáo v.v… không làm tổn hại.

4) Đồ Bệ Xà Tỳ Xá La trừ những biến quái của chó chuột.

5) Dà Ma Tỳ Na Xà Ni Khư đề phòng các quan âm ghi chép.

(Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ 5 giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biếu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tai vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Lang thang đi mãi, tới mé rừng nọ, trời sụp tối. Cây cối như thêm rậm rạp trong bóng đêm chập trùng.

May sao, xa xa le lói ánh đèn. Mừng quá, Lam Xoa vội tới gõ cửa xin ngủ đỡ. Có tiếng trong nhà vọng ra : “Đây là nhà yêu tinh. Nó mà thấy thì ông mất mạng”. Giật mình, Lam Xoa vội lùi bước. Rừng sâu thăm thẳm mịt mù. Biết chỗ nào không có hùm beo rắn rết. Lam Xoa trở lại, liều gõ cửa. Chủ nhân là một công chúa bị yêu tinh bắt về làm vợ đã mấy năm. Cô cho Lam Xoa ăn no. Gần tới giờ yêu tinh về, cô bảo Lam Xoa ngồi vào trong một cái cóng lớn. Cô đậy nắp những lo yêu tinh đánh hơi biết được thì nguy cả. Dong đèn chờ yêu tinh mãi tới sáng, chẳng thấy yêu tinh về. Công chúa mở nắp cóng cho anh chàng tốt số trèo ra.

Tiễn khách nắm cơm ít muối xong, cô quay vào lo việc nội trợ. Đến tối yêu tinh về. Hỏi : Sao bữa qua không về ? Đáp : Hôm qua trong nhà có đệ tử Phật. Người này đã thọ giới. Mấy chục ông thần theo hộ nên tôi không dám vào. Từ nay chớ cho đệ tử Phật vào nhà, kẻo tôi mất về đấy !

Đi mãi vẫn chẳng ra khỏi rừng, Lam Xoa nghĩ : “Ta nên trở lại rủ công chúa đi tìm cha mẹ”. Gặp lại Lam Xoa, công chúa kể chuyện yêu tinh sợ anh vì anh là đệ tử Phật. Lam Xoa mừng lắm , mang ngay điệp phái ngũ giới có dấu son đỏ chói lóe mắt, dán ở ngoài cửa. Yêu tinh biết điều thì chớ có bén mảng ! Anh khuyên công chúa cùng anh kết nghĩa vợ chồng rồi cùng nhau đi tìm cha mẹ. Anh chọn con gà to nhất của yêu tinh, làm thịt để tế tơ hồng, cầu trời đất chứng minh. Công chúa lấy vàng bạc của yêu tinh ra, cùng nhau bàn tính phần nào tậu ruộng, phần nào làm nhà.

Vô tình, hữu tình ở cõi Ta Bà lặng lẽ chuyển biến, sát na sát na sanh, sát na sát na diệt, bóng tối nhẹ nhàng phủ kín non sông. Yêu tinh gọi cửa. Tiếng the thé như gió thét trong rừng khuya. Hốt hoảng, Lam Xoa chạy tọt vào cóng. Công chúa vội đậy nắp. Định lê ra mở ngõ nhưng sợ quá, ngã lăn xuống đất, chết ngất. Yêu tinh nóng ruột, đấm cửa tưởng vỡ nhà.

Trong chum, Lam Xoa suy nghĩ không biết làm sao yêu tinh lại dám về. Lá điệp ngũ giới rõ ràng anh đã dán kỹ ở cửa. Giới thần đâu mà để cho yêu quái hoành hành như vậy ?

Nghĩ tới giới thần, anh sực tỉnh. Anh đã phạm những gì ? Dỗ vợ người làm vợ mình, dù là vợ yêu tinh, cũng là bất chính (tà dâm). Rủ nhau chiếm đoạt của yêu tinh (ăn trộm). Bàn tay anh đã nhuốm máu gà (giết hại). Miệng anh đã nhiều lời không đúng sự thật khi tự thuật về thân thế với công chúa (nói dối). Còn giới cấm uống rượu thì anh đã phạm từ ở nhà. Vậy còn giữ được giới nào mà mong thần ủng hộ ? Anh toát mồ hôi. Cái chết cầm chắc trong tay, cái chết đê hèn xấu xa, dưới bàn tay yêu quái, vì sát đạo dâm vọng.

Năm điều trong trắng anh vẫn giữ từ tấm bé. Mà nay, phút chốc mê si, anh đành để ma tà cắt đứt đời sống đang tuổi xanh tươi khỏe mạnh. Hình ảnh mẹ anh hiền hậu ngồi niệm Phật. Khói nhang nhẹ cuốn trên bàn thờ. Đêm nay, giờ khắc này, mẹ đang cầu nguyện cho con…

Anh hối hận vô cùng. Kiếp này đành lỡ. Chết là đáng ! Anh không khóc, chủng tử cường tráng vụt nở bùng. Anh thề thế thế sinh sinh sẽ giữ tròn giới luật, thế thế sinh sinh tu Bồ-tát nghiệp. Quyết mang hết tâm lực cứu giúp thức tỉnh những ai còn lạc hướng. Nguyện rồi, thư thái, anh nhắm mắt niệm Phật, đợi giờ trả nghiệp. Anh niệm Phật thật lâu, lâu lắm, tha thiết niệm, không bận lòng gì đến thời khắc hoàn cảnh.

Ngoài rừng chim ríu rít gọi đàn. Muôn vật tưng bừng đón ánh bình minh, quên hẳn những lo âu của đêm tối. Anh lấy làm lạ. Sao yêu tinh chưa vào ? Anh nâng nắp cóng đứng dậy.

Trên bàn, mâm lễ tơ hồng vẫn còn nguyên. Công chúa nằm xoài dưới đất. Cửa ngõ vẫn đóng. Lam Xoa chợt hiểu. Đồng thời, lúc anh tỉnh ngộ sám hối, giới thần đã trở về. Ma tà phải tránh. Nhờ đã nghĩ tới giới hạnh, anh thoát nạn yêu tinh. Anh lại được nối tiếp đời sống trong trẻo sáng tươi cường dũng. Anh lấy nước gừng đổ cho công chúa tỉnh, nói cho công chúa biết chí nguyện của mình. Công chúa xin anh đưa đến nơi có Tam-bảo để được quy y ánh sáng trí tuệ thanh tịnh và từ bi.

Đổi niệm phu thê thành tình huynh muội, hai anh em mở cửa phóng sanh cho dê heo về rừng. Vòm trời xanh thăm thẳm, lấp lánh những tia nắng kim cương. Tay không, lòng vui vẻ, hai người con Phật nhanh chân trên bước đường về. Dưới khí ấm của mặt trời, trên hơi mát của nước trong, vài chiếc lá non nho nhỏ màu ngọc thạch báo trước một mùa sen mới sẽ khai hoa. 

 

Một thuở nọ, đức Thế Tôn an cư 3 tháng tại tinh xá Kỳ Hoàn ở thành Xá Vệ cùng với các đại Tỳ-kheo. Một đêm, 2 thiên tử hào quang sáng rực tới đỉnh lễ Như Lai, nghe pháp, ngộ lý vô sanh, chứng Tu-đà-hoàn, lễ tạ rồi bay về thiên cung. Ngài Anan thỉnh Phật cho đại chúng biết 2 thiên tử đã tu hạnh gì mà được thân tướng trang nghiêm như thế.

– Thời Phật Ca Diếp, Phật Pháp đã diệt, có 2 Bà-la-môn thọ bát quan trai giới. Một người nguyện sanh lên trời nhưng vì giới phẩm không tròn nên đọa làm rồng, ở ngay tại quốc độ ấy. Ông kia cầu làm nhân vương. Vì giới phẩm tinh nghiêm nên mệnh chung như nguyện sanh vào cung vua làm thái tử. Lớn lên kế nghiệp vua cha, quốc gia thịnh trị thái bình. Một hôm, trong ngự uyển, một trái cây lạ, mùi thơm ngào ngạt, nổi lên trên mặt giếng. Quan coi vườn vội dâng vua. Vua ăn thấy ngon ngọt kỳ diệu, đòi nữa. Quan coi vườn thưa : “Đây không phải trái trong vườn mà từ nước giếng nổi lên. Chỉ có 1 trái”. Vua cho là nói láo, nổi giận, dọa chém đầu. Quan về bờ giếng tủi thân ngồi khóc. Bỗng một con rồng ngóc đầu lên khỏi mặt giếng, nói tiếng người : “Thôi đừng khóc nữa. Ta dâng cho vua nhà ngươi một mâm trái cây. Vua phải cho ta bản kinh Bát Quan Trai. Hẹn 70 ngày mà không có, ta sẽ dâng nước ngập lụt khắp nơi cho vua quan nhà ngươi chết sạch”.

Vua hết sức lo rầu vì không tìm đâu ra kinh Bát Quan Trai để nộp cho rồng. Loan báo toàn dân biết quốc nạn. Một lão ông từ miền cao nguyên về triều đình, trình rằng : “Chùa làng có cây đa cổ thụ, lâu lâu hiển ánh sáng. Dân chúng lớn lên đã thấy việc này nên chẳng cho là lạ. Nay vua cầu báu hiếm, xin cho các quan về tìm ở đó xem sao”. Quả nhiên sau 3 ngày cả nước khấn cầu, người ta tìm thấy trên cây đa, trong một cái hốc sâu, một hộp đá trong có cuốn Nghi Thức Thọ Giới Bát Quan Trai.

Vua thiết hương án đón kinh, sai đại thần sao lại một bản. Rồng được kinh, như pháp tu hành, chuyển sanh được về cõi trời. Vua cũng được kinh, bắt tất cả nhân dân cùng tu trai pháp. Mệnh chung đồng về cõi trời, 2 thiên tử ngày nay chính là 2 Bà-la-môn thời Phật Ca Diếp.

 

Kể từ khi Kondadhana thọ giới Tỳ-kheo, mỗi khi ra đường, liền có một cô gái theo bén gót. Ai ai cũng thấy. Đến nỗi thí chủ để bát cho Thầy, muỗng thứ nhất nói : Đây là phần ngài. Muỗng thứ hai nói : Đây là phần cô bạn ngài.

Đại chúng rất công phẫn, đã bạch Phật nhiều lần. Phật chỉ gật đầu rồi bỏ qua. Không thể chịu nổi, người ta yêu cầu trưởng giả Cấp Cô Độc can thiệp. Trưởng giả không dám. Không còn cách nào hơn, vua Ba Tư Nặc cho lính đột xuất bao vây tinh xá. Vua cho thỉnh Thầy ra nói chuyện. Rõ ràng cô gái đi theo sau. Vua không đỉnh lễ, mời Thầy trở vào phòng để được nói chuyện riêng với một mình Thầy. Nhưng cô gái cứ theo sau Thầy. Thầy vào trong phòng thì cô gái biến mất. Vua sai quân lính lục soát khắp trong ngoài phòng không thấy cô gái. Vua hỏi : “Bạch ngài, cô gái vừa đi sau ngài nay đâu rồi ?”

– Bần đạo chẳng thấy ai.

– Chính mắt trẫm thấy một phụ nữ đứng sau ngài mà !

– Bần đạo không biết.

Thầy bực mình trả lời rồi bỏ đi ra. Lập tức cô gái theo sau lưng Thầy. Vua mời cả 2 trở vào. Thầy vào phòng. Cô gái biến mất. Ba lần thử đều như vậy. Vua hiểu vì sao Phật không quở trách Kondadhana. Biết Thầy phải chịu lắm khó khăn vì rắc rối này, vua thỉnh Thầy từ nay vào cung để vua cúng dường khỏi đi khất thực.

Các Tỳ-kheo tức lắm, có người lớn tiếng quở trách. Từ xưa Thầy vẫn nhẫn nhịn đủ thứ sỉ nhục. Nay vì đã được vua Ba Tư Nặc thông cảm, Thầy liền đáp : “Chính các ngươi phá giới”. Được dịp, các Tỳ-kheo liền cử tội hiềm mắng chúng Tăng. Phật nhóm chúng, kể rằng :

Thời Phật Ca Diếp, có 2 Tỳ-kheo rất thân nhau. Ngày tự tứ, 2 Thầy cùng về chúng. Một thiên tử cõi Đao Lợi khởi tâm trêu chọc. Chợt một Thầy đau bụng, bảo bạn đứng đợi rồi đi về bụi cây ở xa để đi sông. Công việc xong xuôi, Thầy từ bụi cây đi ra. Cũng từ bụi cây ấy đi ra, liền sau gót Thầy, một cô gái, một tay vén tóc, một tay nắm quần, tựa hồ mới làm việc ân ái. Đợi vị Tỳ-kheo ở xa kia trông thấy đủ rồi, cô gái mới ẩn vào đám cây mà biến đi. Khi Thầy đi sông về đến nơi, Tỳ-kheo kia liền nói : Anh phá giới, anh vào bụi cây với gái, chính mắt tôi trông thấy.

– Thưa, tôi đau bụng đi sông. Bụi cây giữa đường làm gì có gái.

Rốt cuộc đôi bên không thể nhìn mặt nhau. Thiên tử vội hiện thân người đến nói sự thật. Hai Tỳ-kheo mới chịu cùng nhau tiếp tục đi dự lễ.

Tinh nghịch chơi đùa một chút như thế, thiên tử đã phải vào địa ngục 1 kiếp. Cô phụ nữ ngày nay chỉ là dư báo. Kondadhana hãy cẩn thận ! Chớ tạo thêm khẩu nghiệp nữa. Mạ nhục chúng Tăng tội báo nặng lắm. Khổ mãi đến bao giờ mới xong. Phật nói kệ rằng :

Lời nói bất nhã sẽ có bất nhã đáp lại.

Đánh đập người sẽ bị đánh đập lại.

Giữ tâm bất động, im lặng như câm.

Mới hy vọng Niết-bàn !

Kondadhana sau chứng A-la-hán.

CÔNG ĐỨC TRÌ 5 GIỚI

– 5 giới là nền tảng của tất cả pháp lành.

– Giàu sang, trường thọ, danh dự, lợi dưỡng, sanh thiên, thành Phật… chỉ việc trì 5 giới ước nguyện gì cũng thành.

– Người trì 5 giới, lâm chung, dao gió chẻ xương, cắt đứt gân mạch, vẫn không sợ hãi vì tự biết thanh tịnh.

– Đại ác bệnh, 5 giới là thuốc.

Sợ hãi nguy hiểm, 5 giới che chở.

Chết tối tăm, 5 giới soi đường.

Biển khổ ác đạo, 5 giới là cầu thuyền.

Già bệnh chết, chỉ nương giới định tuệ mà giải thoát.

– Không thân mạng, của báu dùng làm gì ? Nên thân mạng quý hơn của báu. Nhưng bốn đại vô thường sẽ tan rã sau khi chết. Chỉ giới thể không mất.

 

Khách hỏi : Thế nào là ý Tổ từ Ấn Độ sang ? Thiền sư Tánh Không đáp : Có người bị té xuống giếng sâu 1000 trượng, không một tấc giây cứu tế. Đợi người ấy lên, tôi sẽ trả lời.

Khách đem việc này thưa ngài Đàm Nguyên, được một lời quở : “Kẻ si, ai ở dưới giếng ?”

Sau đến Quy Sơn. Quy Sơn liền gọi : Huệ Tịch !

– Dạ !

– Ra rồi ! Ra rồi !

Khách tỉnh ngộ : Tôi ở Đàm Nguyên được danh, ở Quy Sơn được thể.

Bình luận : Huệ Tịch đinh ninh có người ở dưới giếng. Ngờ đâu bị gạt. Đàm Nguyên gỡ cho bảo : Kẻ si ! Ai ở dưới giếng ? Huệ Tịch nhận được lý không người dưới giếng mà chưa thật thấy mình. Đến câu “ra rồi” mới vỡ lẽ.

(Trích Lá Bồ Đề của Hòa-thượng Thanh Từ)

Lời phuï : Chúng ta đã biết độc ác vào địa ngục. Bỏn sẻn tham lam phải làm quỷ đói. Ngu si tà kiến chịu thân bàng sanh. Phật dạy trì 5 giới để được thân người, tu 10 thiện được sanh lên trời.

Vào địa ngục là đi đường hỏa đồ, chịu nướng trong lò lửa, ninh trong vạc dầu. Thân quỷ là đi đường đao đồ, đối xử với nhau quanh năm bằng dao gươm dùi gậy. Bàng sanh đi đường huyết đồ, ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Lại còn bị loài người phanh thây xé xác, chặt đầu mổ bụng.

Được thân người tương đối đỡ khổ nhưng vẫn già bệnh chết, sinh sống nhọc nhằn, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ v.v… Được thân trời gọi là nơi sung sướng nghĩa là sáu căn suốt đời bị gây mê, đợi chờ 5 tướng suy xuất hiện để lại trở về luân hồi các nẻo.

Cứ mê muội nhận sắc thân báo chướng là mình. Nhận sáu trần do sáu căn chiếu ra là cảnh có thật ở bên ngoài. Nhận thức tình khổ vui (thọ), yêu ghét (tưởng), thiện ác (hành), phân biệt (thức) là tâm ta. Ngài Tánh Không gọi cái vô minh mê muội ấy là giếng sâu ngàn trượng. Không một sợi giây cứu tế vì chúng ta vẫn ở trong hầm vực sanh tử đó từ vô thủy. Nào có nghĩ đến giải thoát ! Cho nên Tổ Sư mới phải từ Ấn Độ qua Trung Hoa thòng giây cứu vớt.

Đợi người ấy lên, tôi sẽ trả lời : Đợi khi nào ông tỉnh ra, ông sẽ tự biết. Hầm hố vô minh thật sâu nhưng không thật có. Đức Quán Tự Tại chiếu soi 5 uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách. Người té : Ngã chấp. Xuống giếng : Pháp chấp. Tu chứng rồi mới biết vô biên sanh tử từ vô thủy chỉ là giấc mộng đêm qua. Còn ở trong vô minh, chúng ta cứ đinh ninh thân 4 đại là mình. Mừng giận yêu ghét là tâm ta. Nắng mưa vinh nhục là cảnh thật hiện tại của ta. Được ngài Đàm Nguyên đánh thức, Huệ Tịch ngộ được thân và giếng đều không. Nhưng phải đến Tổ Quy Sơn mới vỡ lẽ tánh Phật của mình bản lai vẫn viên thông tự tại.

Vì thế Tịnh-độ tông dạy niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Niệm : nhớ đến không quên.

Nam mô : quy y : quay về nương tựa.

A Di Đà : vô lượng quang, vô lượng thọ, vô biên công đức.

Phật : người đã hoàn mãn sự nghiệp giác tỉnh, không còn ở trong giấc mộng vô minh sanh tử. Cũng như đức Thích Ca, Phật A Di Đà đã thấy rõ bản lai chúng sanh nào cũng đủ đức tướng trí tuệ Như Lai. Nghĩa là ai cũng có tánh Phật (vô lượng quang), không sanh không diệt (vô lượng thọ), đều có khả năng thành Phật (vô biên công đức). Ngài phát 48 nguyện, đưa người niệm danh hiệu A Di Đà về cảnh giới bảo đảm quả vị Phật. Bởi vì nhận được tự tánh A Di Đà tức là Ra rồi ! Ra rồi !

Kinh A Di Đà chỉ đòi ở người tu một điều kiện là nhất tâm bất loạn, một lòng sống với tánh A Di Đà. Không còn loạn tưởng là không còn tơ vương đến 5 uẩn (căn trần thức sanh tử). Nhà Thiền gọi là đả tâm thành một phiến. Phải quyết định buông hẳn những mơ mộng sanh tử, chiếu soi 5 uẩn thật sự là không, trở về hoàn toàn với căn bản trí. Lăng Nghiêm gọi là thấy nghe bằng căn bản Bồ-đề. Kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri kiến.

Niệm Phật A Di Đà, cầm xâu chuỗi 108 hạt là tuyệt đối sống với thật tướng diệu minh vô sanh bất diệt, không còn ở trong 108 thọ cảnh của căn trần thức.

6 căn + 6 trần = 12 ;

12 x 3 thọ (khổ vui si) = 36 ;

36 x 3 thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) = 108.

VĂN KẾT

Dịch dịch châu chuyển, lãnh lãnh ngọc chân.

Dịch dịch : Theo duyên chuyển động thì hạt châu chân tánh biến đủ 4 Thánh 6 phàm.

Lãnh lãnh : Lặng lẽ thanh nhàn. Não phiền cùng từ lành đồng thể. Địa ngục rừng kiếm sánh sắc với bạch hào tướng quang. Quán Bát Nhã xét giả không thì tự an ổn. Tín ngưỡng chân không thì thấy được then chốt huyền vi của pháp giới.

Đức Địa Tạng nắm được ngọc chân rồi lại dịch dịch châu chuyển, đem diệu hữu độ quần mê :

Địa ngục chưa không, thề chẳng thành Phật.

Chúng sanh độ tận, mới chứng Bồ-đề.

Ai đọc kinh Địa Tạng cũng thấy rõ ràng Bồ-tát chỉ dùng 2 pháp môn ngũ giới và niệm Phật để dạy chúng sanh phá địa ngục chứng Bồ-đề.

LỄ VU LAN

Thế gian đặt ra ngày Thầy thuốc, ngày Thầy giáo v.v… để nhắc con người nhớ đến bổn phận. Đức Phật đặt ra lễ Vu Lan để 4 chúng đệ tử nhớ đến cha mẹ ông bà, thân quyến âm dương, hiện đang còn ở trong vòng luân hồi sanh tử.

Vu Lan nói đủ là Vu Lan Bồn. Phiên âm từ chữ Ấn Độ Ullambana. Tàu dịch là Cứu-đảo- huyền, cứu cái khổ bị treo ngược để tra tấn ở trong địa ngục. Địa ngục có muôn ngàn hình phạt. Nay chỉ lấy một tướng khổ để nêu biểu.

Ngài Mục Kiền Liên hỏi cách nào thoát khổ? Phật đáp : “Chờ giờ tự tứ của chúng Tăng mà cúng dường”.

Như thế là chỉ liệt vị Tăng Ni, hiện hình của giới luật, mới có chìa khóa mở cửa địa ngục. Mà cũng chỉ những vị có an cư có tự tứ nghĩa là như pháp, như lời Phật dạy, mới sử dụng được chìa khóa này.

Trong kinh Vu Lan, đức Phật đã đích xác gọi ngày chúng Tăng tự tứ là ngày mở cửa địa ngục. Việt Nam vâng Phật, gọi ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân. Tội địa ngục còn cứu được huống chi các tội khác.

Đức Thế Tôn đã giao cho tu sĩ chúng ta trách nhiệm nương pháp môn tự tứ để cứu khổ đảo huyền. Vậy chúng ta phải chân thành làm lễ tự tứ. Bản thân ba nghiệp cần cầu sám hối, thiết tha đỉnh lễ đại chúng cầu được chỉ lỗi. Được quở trách là được vàng ngọc. Vì cha mẹ thí chủ do đây thoát địa ngục, ông bà cha mẹ mình do đây hưởng vạn sự bình an.

Ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân. Mười phương cõi âm chờ đợi. Còn cõi dương, ngày này có xá tội không ? – Chẳng biết ai đâu, chính tu sĩ chúng ta, nhân sám hối và tự tứ, chắc chắn được giải nghiệp báo. Cha mẹ chúng ta cùng các thí chủ là những người trồng cây và vun bón hẳn được hưởng quả lành.

Nhưng muốn đạt mục đích này 3 nghiệp chúng ta phải đúng pháp. Ngày đêm giới định tuệ phải trang nghiêm. Trên thực tế, vừa đãng tâm liền mất định. Mắt tai vừa tạp cảnh trần liền mất tuệ. Không định tuệ thì giới phẩm dễ sơ sót hàng ngày mà nào có hay.

Đầy chùa lễ vật cúng dường. Hàng Phật tử tại gia sốt sắng vâng lời Phật, mở hội Vu Lan. Liệu thí chủ có được như ý không ? Nếu không thì chúng ta mắc nợ. Ai trả nổi nợ này cho chúng ta ? Chúng ta phải biết kính trọng ngày lễ Vu Lan. Tất cả 4 ân 3 cõi pháp giới hữu tình đều trông mong một ngày này.

Lễ Vu Lan là ngày các tu sĩ đền ơn Phật Tổ, mãn nguyện Bồ-đề. Nhưng hạ căn chúng ta làm thế nào để có thể tát cạn biển trầm luân mông mênh bát ngát ? Đức Phật đại trí tuệ lẽ nào lại đặt lên vai chúng ta một gánh nặng đến nỗi chúng ta phải ngã quỵ ? – Xin thưa, gáo để tát biển khổ Ta Bà là 3 học Giới Định Tuệ. Nhận được tự tánh A Di Đà (vô lượng quang, vô lượng thọ) là Tuệ. Nhất tâm niệm Phật không loạn là định tuệ cân phân. Như thế, sống với căn bản Bồ-đề, hàng phục ý thức phan duyên là đủ cả thiền giới, vô lậu giới. Huống chi Ba-la-đề-mộc-xoa đức Phật đã để lại cả kho. Lịch đại Tổ Sư trải 2500 năm đã nối tiếp truyền trao đầy đủ. Các bậc Thầy hiện nay đang cặn kẽ tỉ mỉ giảng rõ từng sự tướng phải giữ gìn. Nội quy xuất thế hàng năm cho chúng ta 3 tháng an cư để chuyên ròng ôn tập giới luật. Lại đặt ra lễ tự tứ để nhờ cậy những con mắt sáng chỉ cho bao thiếu sót. Bổn phận làm đạo sư, Phật Tổ đã quả tình chu đáo. Nay chỉ còn phận sự của chúng ta. Hãy cố gắng ! Cố gắng dâng Phật một tấc lòng thành ! Việc này ai cũng làm được vì ai cũng có Tâm. 

Lại nữa ngài Mục Liên đã được lục thông

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân.

Dùng tuệ nhãn dưới trên tìm kiếm,

Thấy vong mẫu sanh làm quỷ đói.

Vội đem cơm lòng hiếu kính dâng.

Ai ngờ đến miệng hóa than hồng.

Phật mới bảo :

Dầu ông thần lực nhiệm mầu,

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn,

Tiếng vang đồn thấu đến cửu thiên.

Dù rằng các bậc thần kỳ,

Quỷ ma ngoại đạo, bốn vì thiên vương.

Cả ba cõi mười phương tụ tập

Cũng không sao cứu được mẹ ngươi.

Muốn cho giải thoát tội này,

Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng.

Tăng có 3 ngôi :

1) Tánh tướng bất nhị, minh hợp vô vi là ngôi tối thượng như đức Thích Ca, đức Địa Tạng đã thành Phật mà vẫn hiện tướng tu sĩ đắp cà sa cầm tích trượng.

2) Thập địa, tam hiền, ngũ quả, tứ hướng là ngôi xuất thế như các Bồ-tát, liệt vị Tổ sư v.v…

3) Tỳ-kheo 5 chúng hòa hợp vô tranh là ngôi trụ trì như các nam nữ tu sĩ đệ tử Phật.

Chữ Tăng nghĩa là một chúng từ 4 người trở lên. Bởi vì là một chúng nên lấy chữ Hòa làm căn bản. Ai phá sự hòa hợp của Tăng tội rất nặng.

Vậy hàng Phật tử khi dâng lễ Vu Lan, tâm nên tưởng đến mười phương Tăng mà vị trụ trì là đại diện. Sách nói : Cung kính phàm Tăng liền được Thánh Tăng chứng minh.

Cộng đồng đệ tử Phật dù Thánh dù phàm chỉ có một hoài bão tự giác giác tha. Đồng chí, đồng nguyện, đồng hạnh, các ngài là những đám mây Từ đi rải mưa pháp khắp các địa cầu, chuyển trăm họ tội lỗi thành thanh sạch. Rưới tắt lửa thiêu hỏa trạch, cùng nhau khỏa tan sông mê biển ái. Dùng tịnh duyên đưa vạn loài đi lên.

 

Cây quế sanh ở non cao, sương phủ như mưa không ướt nổi cánh hoa. Sen mọc trên nước, bụi bay không thể làm nhơ ngọn lá. Đây là nhờ trợ duyên cao thượng nên chẳng bị vật hèn ô lụy. Nhưng cũng bởi tánh quế vốn kiên trinh, tánh sen vốn khiết sạch nên mới duyên phước khánh mà thêm phước khánh. Tam-bảo sở dĩ có thể rộng cứu vớt hàm linh, ân thấu tận xương khô, đức thấm tận côn trùng, oai linh ngửa lên không thể ai hơn, thần lực cúi xuống không bỏ con sâu cái kiến. Chỉ vì đã khám phá ra thể chất bình đẳng, không sanh không diệt, diệu minh bất động chu viên của vạn loài muôn pháp.

Nắm được giềng mối càn khôn thì đâu chỉ tát cạn một đại dương mà còn vần xoay cả vũ trụ. Vô lượng thọ, ngàn kiếp không cũ không mới. Vô lượng quang, diệu tánh tịch huyền, ta cứ vâng theo sẽ tới nơi tới chốn. Phật Pháp vô thượng thậm thâm cao tít mù xanh nhưng đã có giáo điển làm thang bắc ngay trên mặt đất cho chúng ta leo dần :

Bởi vì ngã và ngã sở là nhà của 5 ấm. Trí Bát Nhã chiếu soi 5 ấm là không, phá tận gốc ngã chấp pháp chấp. Sáu căn tham thọ sáu trần khiến ngã ái, từ lịch kiếp, sừng sững như bức tường, sát na sát na tô đắp thêm dầy thêm cao.

Đắp móng xây nền cho Ngã là Tưởng. Tưởng đã không thì Ngã sao tồn. Danh (vọng tâm) hệ trói uẩn. Biết danh là giả thì uẩn không chỗ gá. Rõ ràng thế tục đang ngổn ngang rối rít trên bất động. Phàm ngu đang vào ra sanh tử ở vô sanh. Từ hang rỗng vang ra trăm thứ âm thanh. Gương vẫn bình lặng chiếu soi vạn tượng. Đặt nơm cốt để bắt cá. Cá bắt được rồi, nơm trở thành vô dụng. Quyền giáo đặt ra cho phàm phu chúng ta giác tỉnh 4 đảo, nhị thừa giác tỉnh 4 đảo. Đảo kiến đã trở thành chánh kiến thì từ nay chỉ dùng nhất thừa mà tự độ độ tha quy vô sở đắc. Giả có dẹp sạch thì bổn quang của Thật mới rực rỡ. Quy củ tiêu chuẩn đã thi hành thì diệu đạo về sau sẽ an lập. Những ai là bậc đại tâm pháp khí, đã phát nguyện phụng sự Tam-bảo, hãy suy xét kỹ càng, không kinh không sợ, cứ thong thả đi dần, từ thấp bước lên. Nghiên cứu Phật Pháp cho tinh tường, y giới luật mà tự độ, độ tha vững vàng chắc chắn.

 

Tổ Châu Hoằng ở chùa Vân Thê tới cầu pháp ngài Biện Dung, được dạy : “Ngươi nên giữ bổn phận. Không cầu danh lợi, đừng chạy theo duyên ngoài. Cần phân minh lý nhân quả, một lòng niệm Phật”.

Các bạn đồng hành cười : “Từ ngàn dặm đến đây mong nghe giáo nghĩa cao huyền, té ra chỉ được một câu mà ai cũng đã biết”.

Châu Hoằng đáp : “Đây mới là chỗ hay của Thiền sư. Biết ta từ ngàn dặm tới nên không nỡ nói huyền nói diệu để lấn lướt lòe người cầu học. Chỉ thật thà giản dị đem điều tinh yếu chính mình đã thể nhận để dặn dò”. 

Chẳng phải bậc đã từng kinh nghiệm như ngài Biện Dung không thể có lời dạy này.

Chẳng phải bậc chân tu như Tổ Châu Hoằng đâu biết lãnh thọ lời dạy này.

 

Cảm thương thân phận chứa si mê,

Lũy kiếp lang thang chẳng biết về,

Mải miết đua đòi nơi danh tướng,

Còn đâu nghĩ nhớ đến xưa quê.

 

Xưa quê vô nhiễm ấy chân tâm,

Linh tri ly niệm dễ đâu tầm,

Ân Phật chỉ bày trời biển rộng,

Trùng vây nào dễ thoát phàm tâm.

 

Phàm tâm một niệm quyết quy y,

Tin theo kim khẩu, chẳng tin chi,

48 nguyện kia tầy nhật nguyệt,

Lòng từ soi sáng đức A Di.

 

A Di Đà Phật niệm hồng danh,

Chứa muôn công hạnh, đấng an lành,

Đem thân quyết gởi nơi chín phẩm,

Đời đời bất tuyệt chứng vô sanh.

 

 

--- o0o ---

Cập nhật ngày 01-9 -2005

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Giới Luật

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@tpg.com.au