NIỆM
PHẬT
SÁM PHÁP
Thích Thiền Tâm
---o0o---
QUYỂN THƯỢNG
pHẨM THỨ
HAI
NIỆM
PHẬT PHẢI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ÐỀ TÂM
Bản hoài
đích thật của đức Thế Tôn là muốn cho tất cả chúng sanh đều thoát vòng
sanh tử, đều được giác ngộ như Ngài cho nên, người niệm Phật cần phải phát
bồ đề tâm- tức là phát khởi cái tâm chí mong cầu quả vị Phật Ðà, quả vị ấy
là cứu cánh tối thượng, không còn có gì hơn, siêu việt cả hàng Thanh-Văn,
Duyên-Giác; nên phát tâm như vậy còn gọi là phát vô thượng bồ đề tâm.
Tâm nầy gồm có hai loại chủng tử chính yếu, là Từ-Bi và Trí-Tuệ, thường
hay phát xuất công năng độ thoát mình và cứu vớt tất cả chúng sanh.
Kinh dạy
rằng : Bồ-Ðề tâm làm nhân, Ðại-Bi làm căn bản, phương tiện Trí-Tuệ làm
cứu cánh.
Vì như người đi xa thì trước tiên phải nhận định mục tiêu sẽ đến và phải ý
thức chủ đích cuộc hành trình bởi lý do nào- và sau cùng thì phải dùng
phương tiện nào để khởi tiến.
Người
học Phật cũng phải như thế nghĩa là, trước tiên phải lấy cái quả-vị
Vô-Thượng Bồ-Ðề làm mục tiêu rốt ráo, lấy lòng đại bi lợi mình lợi người
làm chủ đích thực hành, kế đó, tùy sở thích và căn cơ mà lựa chọn pháp môn
để tu tập. Phương tiện còn là trí tuệ quyền biến tùy cơ nghi, áp dụng tất
cả hạnh thuận-nghịch trong khi hành Bồ-tát đạo. Cho nên, Bồ đề tâm là mục
tiêu cần phải nhận định rõ ràng trước khi hành trì.
Kinh
HOA NGHIÊM dạy rằng : Nếu quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện
pháp, đó là ma nghiệp.
Thật
vậy, nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật để lợi
mình và lợi người, thì bao nhiêu các hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng
phước báo nhơn thiên, chung cuộc vẫn bị chìm mê quanh quẩn trong nẽo luân
hồi, chịu vô biên nỗi khổ. Như vậy chẳng là nghiệp ma thì còn gọi là gì?
Thế thì, phát lòng vô thượng Bồ- đề để lợi ích cho chính mính và cho chúng
sanh, là điểm phát tâm rất cần yếu.
Pháp
môn Niệm Phật thuộc về pháp đại thừa, nếu phát Bồ-đề-tâm mà niệm
Phật thì TÂM và PHÁP đều được toàn vẹn, sẽ đi đến quả viên giác kiêm cả tự
lợi và lợi tha.
Muốn
phát Bồ-đề-tâm , người niệm Phật cần phải quán sát để phát tâm một cách
thiết thực và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong suốt cuộc đời
mình. Ðệ tử chúng con lâu nay phần nhiều chỉ tu theo hình thức mà
ít chú trọng đến chỗ khai tâm thành thử lửa tam độc là tham sân si vẫn
cháy hừng, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát như đức Phật
dạy.
Muốn cho
Bồ-đề-tâm phát sinh một cách thiết thực, cần nên suy tư quán sát để phát
tâm theo sáu điểm như sau :
Ðiểm
thứ nhất : GIÁC NGỘ TÂM
Chúng
sanh thường chấp sắc thân nầy là Ta. Thường chấp cái tâm thức có hiểu biết
có buồn giận thương vui nầy là Ta. Nhưng thật ra, sắc thân nầy là giả dối,
ngày kia khi chết đi, nò sẽ tan về với đất bụi, cho nên sắc thân tứ đại
nầy không phải là Ta. Tâm thức cũng thế, nó chỉ là cái thể tổng hợp về cái
biết của sáu trần là sắc thanh hương vị xúc pháp. Cái biết của ta khi thì
có khi thì không – hình ảnh nầy tiêu hoại thì hình ảnh khác hiện ra, tùy
theo trần cảnh mà thay đổi luôn luôn, hư giả không thật. Cho nên, tâm thức
nầy không phải là Ta.
Cổ đức
đã bảo : Thân như bọt tụ, tâm như gió Huyễn hiện vô căn, không tánh thật.
Nếu giác ngộ thâm tâm như huyễn thì sẽ không còn chấp trước, lần lần sẽ đi
vào cảnh giới nhơn không, chẳng còn Ngã-Tướng. Cái Ta của ta đã là không,
thì cái ta của người khác cũng là không nên chẳng còn Nhơn-Tướng. Cái Ta
của ta đã là không, thì tấc cả cái Ta của vô số chúng sanh cũng là không.
Nếu không còn Chúng sanh Tướng Cái Ta đã là không, nên không có bản ngã
bền lâu, nên không thật có ai chứng đắc, không có ai thọ nhận, nên không
có Thọ-Giả-Tướng.
Nhơn đã
không thì Pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn đổi thay sanh diệt, không
có tự thể. Ðây lại cần nên nhận rõ : chẳng phải các pháp khi hoại diệt mới
thành không, mà chính vì nó hư huyễn nên đương thể tức là không? :
Cả Nhơn cũng thế. Khi giác ngộ là cả Nhơn và Pháp đều không, thì
giữ lòng thanh tịnh và trong sáng, không chấp trước mà niệm Phật. Dùng
lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ-đề-Tâm .
Ðiểm
thứ hai : BÌNH ÐẲNG TÂM
Trong khế kinh, đức Phật đã dạy rằng :Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh,
là cha mẹ đời quá khứ của ta và là chư Phật đời vị lai.
Chư Phật
thấy chúng sanh là Phật nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà cứu độ. là đệ tử
của Phật, chúng con phải tuân theo lời dạy của đức Thế Tôn. Cho nên đối
với chúng sanh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng. Tôn trọng và thừa sự
chúng sanh là tôn trọng và thừ sự đức Như-Lai, làm cho chúng sanh hoan hỷ
tức là làm cho chư Phật hoan hỷ. Kinh HOA NGHIÊM phẩm Phổ Hiền đã
dạy như thế. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính mà tu niệm thì chúng con sẽ
dứt được cái nghiệp chướng phân biệt và khinh mạn, rồi nhờ đó mà sẽ dứt
trừ được mọi thứ phiền não để nẩy sinh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng
như thế mà hành đạo thì gọi là phát vô thượng Bồ-đề-tâm .
Ðiểm
thứ ba : TỪ BI TÂM
Ðệ tử chúng con cùng tất cả chúng sanh đều sẳn đủ công đức và tướng hảo
cùng trí tuệ của Như-Lai do vì mê mờ chân tánh và dấy khởi hoặc-nghiệp nên
phải bị luân hồi, chịu vô biên sự thống khổ. Nay đã rõ như thế chúng con
cần phải dứt trừ tâm phân biệt yêu ghét, mà khởi lòng cảm hối từ bi, để
tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ.
Cũng nên nhận rõ rằng Từ-Bi khác với Ái Kiến. Ái kiến là lòng thương yêu
còn chấp luyến trên hình thức, trên tình cảm và tâm phân biệt, cho nên kết
quả là bị sợi dây tình ái buộc ràng.
Từ bi là
lòng xót thương cứu độ mà không phân biệt chấp trước, và xa lià mọi hình
tướng. Tâm từ bi thể hiện dưới nhiều mặt, nên kết quả được an vui giải
thoát và phước huệ càng tăng thêm.
Muốn cho
tâm từ bi được thêm rộng lớn thì phải xét từ nổi khổ của chính mình mà cảm
thông đến các nổi khổ khó khăn khó chịu của kẻ khác, tự nhiên sanh ra lòng
xót thương cứu vớt, niệm từ bi của Bồ-đề-tâm từ đó sẽ phát ra.
Trong
kinh HOA NGHIÊM, Ngài PHỔ HIỀN Bồ tát đã khai khị
rằng :
Bồ tát quán sát chúng sanh không nơi nương tựa mà khởi đại bi, quán sát
chúng sanh tánh chẳng điều thuận mà khởi đại bi, quán sát chúng sanh nghèo
khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh ngủ say trong đêm
dài vô minh mà khởi đại bi, quán sát chúng sanh làm những điều ác mà khởi
đại bi. Quán sát chúng sanh đã bị ràng buộc mà thích lao mình vào chỗ ràng
buộc mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh chìm đắm trong biển sanh tử mà
khởi đại bi. Quán sát chúng sanh vương mang tật khổ lâu dài mà khởi đại
bi. Quán sát chúng sanh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát
chúng sanh xa mất Phật Pháp mà khởi đại bi...
Ðã phát đại bi tâm thì tất phải phát vô thượng Bồ-đề-tâm , thề nguyền cứu
độ. Vậy thì lòng đại từ bi là lòng đại bồ đề phải dung thông nhau. Cho
nên, phát từ bi tâm tức là phát vô thượng bồ-đề-tâm. Dùng lòng đại bi như
thế mà niệm Phật và sống đạo mới gọi là phát Bồ-đề-tâm .
Ðiểm thứ tư : HOAN HỶ TÂM
Ðã có xót thương thì phải thể hiện lòng xót thương áy qua tâm hoan hỷ,
hoan hỷ gồm có hai thứ : Tùy hỷ và hỷ xả.
Tùy hỷ là khi thấy trên từ chư Phật và thánh nhân, dưới cho đến
các loại chúng sanh có làm được công đức gì dù lớn dù nhỏ, đều cũng vui
mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn
cũng sanh ra ý niệm vui vẻ, mừng giùm cho họ.
Hỷ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy
hiểm độc, tổn hại cho mình, đều cũng an nhẫn, vui vẻ mà bỏ qua.
Lòng tùy hỷ sẽ trừ được các chướng ngại của sự ganh ghét nhỏ nhen.
Lòng hỷ xã sẽ giải trừ được chướng ngại của sự hận thù báo phục.
Bởi vì tâm hoan hỷ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là
lòng bồ đề.
Dùng lòng hoan hỷ như thế mà niệm Phật, mới gọi là phát bồ đề tâm
Ðiểm thứ năm : SÁM NGUYỆN TÂM
Trong kiếp sống luân hồi dằng dặc lâu xa, mọi loài chúng sanh thường đổi
thay hình dạng và làm quyến thuộc lẫn nhau. Nhưng vì đệ tử chúng con mê mờ
lầm lạc, từ vô thủy cho đến ngày nay, do tâm chấp ngã chỉ muốn lợi mình,
nên đã từng làm tổn hại chúng sanh, tạo ra vô lượng vô biên ác nghiệp Thậm
chí đến chư Phật và thánh nhân, vì tâm đại bi mà hiện ra nơi đời để thuyết
pháp cứu độ tất cả các loài, trong ấy có cả chúng con- vậy mà đối với ngôi
Tam-Bảo, chúng con đã từng sanh lòng vong ân hủy phá.
Ngày nay biết được lỗi lầm của mình, đệ tử chúng con vô cùng hổ thẹn và ăn
năn, xin chí thành sám hối cả ba nghiệp thân khẩu ý.
Ngay cả đức Di-Lặc Bồ tát dù đã chứng ngôi vị Bất-Thoái, vì muốn mau đắc
quả Phật mà mỗi ngày còn lễ sám sáu thời. Vậy chúng con xin đem thân
nghiệp kính lễ Tam-Bảo, khẩu nghiệp tỏ bày tội lỗi cầu mong được tiêu trừ,
và đem ý nghiệp thành khẩn ăn năn, thề không tái phạm.
Sau khi sám hối, chúng con xin dứt hẳn tâm nhơ và hạnh ác, không còn cho
tiếp tục tái phạm nữa, để đi đến chỗ tâm và cảnh đều KHÔNG, đó mới thật là
sám hối chân chánh. Lại phải phát nguyện rằng: Nguyện hưng long
ngôi Tam-Bảo, nguyện độ khắp chúng sanh , nguyện hoằng truyền pháp môn
Niệm Phật – để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp bốn ơn nặng, đó là ơn Tam-Bảo,
ơn cha mẹ, ơn sư trưởng cùng thiện hữu trí thức, cuối cùng là ơn của tất
cả chúng sanh .
Ðiểm thứ sáu : BẤT THOÁI TÂM
Dù đã sám hối, phát nguyện tu hành nhưng nghiệp hoặc và ma chướng không dễ
gì dứt, và sự lập bồi công đức không dễ gì thành tựu. Mà con đường hồ đề
đi đến quả viên giác xa vời vợi lại đầy cam go chướng ngại. Ngài XÁ LỢI
PHẤT trong tiền kiếp chứng đến ngôi lục trụ, phát đại bồ đề tâm tu
hạnh bố thí. Nhưng khi chịu khổ để khoét một con mắt cho người ngoại đạo,
bị họ không dùng, liệng xuống đất rồi nhổ nước dãi, lấy chân chà đạp lên
trên. Ngài liền thối thất đại thừa tâm.
Như vậy, muốn giữ vững tâm nguyện, là điều không phải dễ dàng. Ðệ tử chúng
con chỉ vì muốn đạo tâm không thối chuyển thì phải lập nên thệ nguyện thật
kiên cố.
Ðệ tử chúng con thề rằng : thân nầy dẫu chịu vô lượng sự nhọc nhằn khổ
nhục, hoặc bị đánh giết cho đến thiêu đốt nát tan thành tro bụi, cũng
không vì thế mà phạm vào điều ác, mà thối thất trên bước tu hành. Dùng
lòng bất thoái chuyển như thế mà niệm Phật, mới gọi là phát vô thượng
Bồ-Ðề tâm.
Ðó là sáu yếu điểm bắt buộc phải có của người phát vô thượng bồ đề tâm.
Nếu không dựa vào sáu điểm ấy để lập chí tu hành thì dù nói phát tâm, cũng
chỉ là nói suông mà thôi, không thể nào đi đến Phật quả. Trước mắt chúng
con chỉ có hai con đường : luân hồi và giải thoát. Ðường giải thoát tuy có
lắm nỗi gian nan, nhưng mỗi bước đều đi lần lần đến chỗ sáng suốt an vui.
Ðường luân hồi dù được tạm hưởng phước báo nhơn thiên, nhưng kết cuộc
phải chuyển đến cảnh tam đồ, ác đạo, sự khổ vô biên không biết đến kiếp
nào mới ra khỏi.
Vì vậy, mà đệ tử chúng con quyết chí niệm Phật suốt đời, nguyện vì hết
thảy chúng sanh mà phát vô thượng bồ đề tâm mà hoàn thành Phật-Ðạo. Bởi lẽ
muốn sớm chứng đắc Phật quả, muốn thành tựu bồ đề tâm nguyện, mà chúng con
phải đốc lòng cầu vãng sanh cực lạc- cũng như phải niệm Phật chuyên cần.
NHỮNG HUẤN THỊ VỀ bồ đề tâm
kinh HOA NGHIÊM
có dạy rằng :
Nầy thiện nam tử! Bậc Bồ-tát phát lòng vô thượng bồ đề là : khởi lòng đại
bi cứu độ tất cả chúng sanh khởi lòng cúng dường chư Phật, cứu cánh thừa
sự. Khởi lòng khắp cầu chánh pháp tất cả không sẻn tiếc. Khởi lòng thú
hướng rộng lớn cầu Nhất Thiết Trí. Khởi lòng đại từ vô lượng khắp nhiếp
tất cả chúng sanh. Khởi lòng không bỏ rời các loài hữu tình, mặc áo giáp
kiên thệ để cầu bát nhã ba-la-mật. Khởi lòng không siểm dối với vì cầu
được trí Như-Thật. Khởi lòng thật hành y như lời nói, để tu đạo Bồ-tát.
Khởi lòng không dối đối với chư Phật vì gìn giữ thệ nguyện lớn của tất cả
Như-Lai. Khởi lòng nguyện cầu Nhất Thiết Trí cùng tận kiếp vị lai giáo hóa
chúng sanh không ngừng nghỉ. Bồ-tát dùng những công đức Bồ đề tâm nhiều
như vi-trần-số cõi Phật như thế-nên được sanh vào nhà Như-Lai.
Nầy thiện nam tử! Như ngươi học bắn trước hết phải tập thế đứng, rồi sau
mới học đến cách bắn. Cũng thế, Bồ-tát muốn học đạo Nhất Thiết Trí của
Như-Lai, trước hết phải an trụ nơi Bồ đề tâm, rồi sau mới tu hành tất cả
Phật- Pháp. Thiện nam tử! Ví như vương tử tuy hãy còn thơ ấu song tất cả
đại thần đều phải kính lễ. Cũng thế, Bồ-tát tuy mới phát Bồ đề tâm tu bồ
tát hạnh, nhưng tất cả bậc kỳ cựu hàng nhị thừa đều phải nể vì kính trọng.
Thiện nam tử! Như thái tử tuy đối với quần thần chưa được tự tại, song đã
có đầy đủ tướng trạng của vua, mà các bầy tôi không thể sánh bằng, bởi nhờ
chổ xuất sanh tôn quý. Cũng thế, Bồ-tát tuy đối với các nghiệp phiền não
chưa được tự tại, song đã đầy đủ tướng trạng Bồ-đề, hàng nhị thừa không
thể sánh hàng, bởi nhờ chủng tánh đứng vào bậc nhất.
Thiện nam tử! Như người máy bằng gỗ nếu không có mấu chốt thì các thân
phần rời rạc chẳng thể hoạt động. Cũng thế Bồ-tát nếu thiếu Bồ đề tâm thì
các hạnh lành đều bị phân tán, không thể thành tực tất cả Phật-Pháp.
Thiện nam tử! Như chất kim cương thì tất cả mọi vật không thể phá hoại,
trái lại có thể phá hoại tất cả vật khác, song thể tánh của nó vẫn không
tổn giảm. Bồ đề tâm của Bồ-tát cũng thế, khắp ba đời trong vô số kiếp giáo
hóa chúng sanh , tu các khổ hạnh, việc hàng nhị thừa không thể làm mà
Bồ-tát đều làm đuợc, song kết cuộc vẫn chẳng chán mỏi giảm hư.
PHỔ HIỀN Bồ-tát dạy rằng :
Thiện nam tử! Bồ-tát vì điều phục giáo hóa tất cả chúng sanh nên phát Bồ
đề tâm. Vì trừ diệt khổ tụ cho tất cả chúng sanh nên phát bồ-đề tâm. Vì
đem cho tất cả chúng sanh sự an vui đầy đủ nên phát bồ-đề tâm. Vì dứt trừ
sự ngu tối cho tất cả chúng sanh nên phát bồ-đề tâm. Vì đem lại Phật-Trí
cho tất cả chúng sanh nên phát bồ-đề tâm. Vì tùy thuận lời dạy của Như-Lai
khiến chư Phật hoan hỷ nên phát bồ-đề tâm. Vì muốn thấy sắc thân và tướng
hảo của tất cả chúng sanh nên phát bồ-đề tâm. Vì cung kính cúng dường tất
cả chư Phật nên phát bồ-đề tâm. Vì muốn nhập vào trí tuệ rộng lớn của tất
cả chư Phật nên phát bồ-đề tâm. Vì muốn hiển hiện các Ðức, Lực, Vô-Úy của
chư Phật nên phát bồ-đề tâm .
Ðệ tử chúng con vẫn nhận thức tất rõ rằng : nẻo luân hồi có quá nhiều
chướng nạn, nếu chưa chứng quả Vô-Sanh thì khi chuyển sang kiếp sống khác
ắt dễ bị hôn mê sa đọa.
Cho nên, muốn bảo đảm cái tâm vô-thượng bồ-đề không bị thối thất và để dễ
dàng thành mãn chí nguyện độ sanh, chúng con phải gấp rút thanh toán vấn
đề Sống Chết bằng cách cầu vãng sanh cõi Cực-Lạc.
Như vậy, nhờ sự giáo huấn của đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni, nhờ oai lực vĩ
đại của bản nguyện A-Di-Ðà, mà từ nay chúng con đã biết rõ Niệm Phật
thì phải phát vô thượng Bồ đề tâm.
Với tấm lòng tri ân tha thiết và chân thành, đệ tử chúng con xin đem cả
tánh mạng mà quy y và đảnh lễ:
Nam mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật .
Nam mô Ðại từ Ðại bi A-Di-Ðà Phật vị đạo sư tiếp dẫn vãng sanh Cực-Lạc.
Nam mô Cứu khổ cứu nạn Ðại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ tát.
Nam mô Ðại hùng Ðại lực Ðại thế chí Bồ tát.
Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ tát.