Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tịnh Độ


......... .

 

NHỮNG LỜI KHAI THỊ

CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN

(Trích: ĐƯỜNG MÂY TRONG CÕI MỘNG)

THÍCH HẰNG ĐẠT & NGUYÊN PHONG

phóng tác

---o0o--- 

 

Phần 2

Bài 21 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ THỪA MẬT. 

Công việc hằng ngày của học nhân là phải quán bốn đại như bóng hình ; quán những việc trước mắt như mộng ; quán tâm như dòng nước chảy cuồn cuộn ; quán động tác như người gỗ ; quán âm thanh như tiếng vang trong hang ; quán cảnh giới như hoa rơi trên không. Lúc quán như thế, không còn ngã và ngã sở, và không người làm không người tạo ; đến đi đứng ngồi, không khởi không ngừng ; ứng niệm nhớ vô sanh. Đó gọi là nhập vào tam muội vô tránh.

 

Bài 22 : KHAI THỊ CHO SA DI TẠI TỊNH.

Phật dạy hai mươi việc khó được, mà trong đó có : “Được thân người là khó ; sanh tại trung quốc là khó ; được gặp Phật Pháp là khó ; thân cận thiện tri thức là khó ; sanh chánh tín là khó”. Đây là năm việc khó trong những cái khó. Sa di Tại Tịnh đã đủ bốn việc, chỉ còn thiếu việc sanh chánh tín. Hôm nay, may mắn xuất gia, gặp được đại thiện tri thức mà quy y, lại đem thân vào biển Phật Pháp. Việc này do duyên tu hành như thế nào mà được ? Nếu không phấn tấn dũng mãnh, sanh đại chánh tín, rồi đem thân tâm huyễn vọng tẩy rửa cho thanh tịnh trong sạch, lật ngược tánh mạng, chí xuất sanh tử, rộng  tu vạn hạnh, kết đại duyên thành Phật vô thượng, thì chẳng phải xấu hổ, làm mất hạt giống thiện căn trong bao đời sao !

Cổ đức dạy rằng thọ khổ trong ba đường ác, chưa gọi là khổ. Làm mất y ca sa trên thân mới thật là khổ. Phật bảo rằng tâm như dây tơ thẳng, mới nhập đạo được. Dây tơ thẳng tức là không có tướng cong vạy. Tướng cong vạy là gì ? Tức là tâm tinh xảo máy móc, tâm trộm cướp, tâm láu lỉnh, tâm che đậy, tâm chẳng biết xấu hổ, tâm làm biếng, tâm thấy lỗi của người, tâm cống cao ngã mạn, tâm tự thị khi dễ người, tâm không sanh hiếu thuận từ mẫn. Tổng quát, tất cả tâm bất thiện đều là tướng cong vạy của tự tâm. Nay muốn phát tâm tu hành, chỉ đem tất cả tâm như trên, tận hành quét sạch. Thời thời kiểm điểm, niệm niệm chiếu soi quản thúc, chớ xả bỏ chúng. Sợ không thể đốn ngộ, hãy lấy một công án của cổ nhân, giữ trong ngực. Lúc tập khí phát khởi, bèn đề lên câu thoại đầu này, chống cự với chúng. Lâu sau thuần thục, thì tâm tự điều phục ngay thẳng, mà đạo tâm ngày càng tăng trưởng, hạnh môn ngày càng tinh tấn, tâm địa ngày càng sáng suốt. Suốt đời hành như thế, thì gọi là không uổng phí đời tu. Ngược lại, đợi lúc sanh tử đến, thì dùng gì để đề đối chúng !

Sa di Tại Tịnh hãy tự suy nghĩ, quyết chẳng nên bỏ qua, xem thường những lời này.

 

Bài 23 : KHAI THỊ CHO THẦY ĐẠI TỊNH.

Hỏi : Ngài luôn bảo là trừ phi được ấn giáo, không thể cho rằng có chánh tri kiến. Song, tham tầm giáo lý vốn là tập khí sâu xa, thật khó tẩy trừ, ví như dầu đã bị đổ vào bún. Nếu nơi sự ấn chứng, hành nhân “liễu ngộ” vẫn còn bám vào sợi dây ý thức, khiến đoạ vào những ấm ma và tăng trưởng tà kiến, thì phải làm sao ? Tai hại thật không thể lường ! Thỉnh cầu Ngài khai thị chúng con tại điểm thiết yếu này.

Đáp : Lão nhân thường nhấn mạnh rằng hành nhân phải so sánh kinh nghiệm cá nhân theo đúng tông giáo để được ấn chứng. Nghĩa là nếu tự dùng tri kiến của mình mà không thể gặp được minh nhãn thiện tri thức, (những vị năng phân biệt chánh tà), thì phải tầm cầu kinh điển ấn chứng. Các bộ kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác đều chỉ rõ công phu tu thiền cùng thể ngộ chân thật của tâm. Phải so sánh cảnh giới tự tâm với những tấm kính đó, và kiểm nghiệm xem coi có đúng như lời của đức Phật dạy bảo chăng. Thế nên, có câu : “Dùng thánh giáo lượng làm minh cảnh (kiếng sáng) để chiếu soi tự tâm”. Đây không có nghĩa là lạm dụng những câu cú ẩn mật của kinh điển để biện minh cảnh giới tự tâm. Câu hỏi này là một ví dụ điển hình mà những kẻ đã bị mất câu thoại đầu thường nói đến. Chỉ có đức Phật mới hoàn toàn chân thật chỉ bày tâm thức bịnh hoạn của chúng ta. Phần “năm mươi ấm ma” của kinh Lăng Nghiêm và “tính chất thăng trầm của bảy loài” của kinh Lăng Già hiển bảy rõ ràng về tà kiến của ngoại đạo và nhị thừa. Nếu đức Phật không diễn đạt rõ ràng, thì làm thế nào có thể biết cách thận trọng ngăn ngừa chúng ? Tôi nói nghĩa “ấn chứng” tâm chỉ là như thế. Do đó, phải dùng tấm kiếng của thánh giáo mà chiếu soi tự tâm, chứ không cần màng đến việc tham tầm giáo lý hay không. Nếu vẫn còn bị xoay về tập khí cũ, thì do nhiều nhân duyên khác, chứ không hẳn chỉ hạn cuộc ở việc tham tầm giáo lý !

 

Bài 24 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ NHƯ LANG.

Phật dạy :

- Cạo bỏ râu tóc, mà làm Sa Môn. Rời tham dục được tịch tĩnh, là điều quan trọng nhất.

Thế nên, biết rõ tham dục vốn là sanh tử, cũng là lộ đường đại sự quan trọng nhất. Vì vậy, phải nên tha thiết trì giới. Rời xa tham dục, bèn được an ổn tịch lạc. Sở dĩ chúng sanh trầm luân trong biển khổ, không thể mau lên bờ giác ngộ, đơn độc chỉ vì tham dục quá lắm.

Phật dạy :

- Trong các khổ đau, tham dục làm gốc. Nếu diệt tham dục thì các khổ đau không còn nơi nương tựa. Chỗ nương y nhà cửa của mọi chúng sanh trong ba cõi, đều lấy tham dục làm nền tảng. Trần lao đau khổ, đều do tham dục làm điên đảo. Hôm nay, vừa bỏ tham dục, thì gọi là phá ba độc, xuất ra ba cõi, chặt lưới ma cả. Khi ấy, đức Như Lai rất hoan hỷ. Cho nên biết rõ, không rời năm dục, thì ba cõi khó phá, và muốn cầu tịch tĩnh giải thoát cũng khó thành, khiến Như Lai phải bi sầu. Như Lang thiếu niên xuất gia, tham phương hành cước. Nay gặp lão nhân, phát tâm Bồ Đề thọ giới Sa Di, chí tu hạnh ly dục. Đây chính là diệu hạnh phát nguyện xuất ly sanh tử bậc nhất, chỉ sợ chí không kiên cố, hành không đắc lực thôi. Phật dạy rằng cần cù nhẫn thọ các sự khổ nhọc lâu dài, thì mới có thể thành tựu đạo quả. Kế tiếp là phải có ý chí quyết định, tu thẳng đến khi thành Phật mới thôi. Đó chính là ý chí rời tham dục chân thật.

 

Bài 25: KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN THẠCH NGỌC. 

Học nhân đời mạt pháp, đa số hướng về những sự tu tập thô phù, mà không đi thẳng đến chỗ chân thật. Vì vậy, ngay nơi những lời dạy của đức Phật, chỉ chấp trên danh tự ngôn ngữ, mà không đạt được tông chỉ cứu cánh, khiến tăng thêm tri kiến, sanh đại ngã mạn. Đây là dùng Phật Pháp mà kết thêm cội gốc sanh tử, cũng không biết sanh tử là vật chi, cứ bảo rằng chẳng có can hệ gì. Mê mờ đi trong đêm tối, nên không thể thấy được chánh lộ tu hành. Ngôn từ của Phật dạy, đều là pháp xuất ly sanh tử, sao người đời nay ngược lại bị đoạ ? Việc này chẳng phải lỗi của Phật, mà lỗi tại học nhân không có chánh tri chánh kiến, cùng chưa từng thân cận và được thiện tri thức chỉ điểm thuyết phá trừ căn mê lầm. Học nhân Thạch Ngọc với lòng chân thật và nghiệp trong sạch, xưa đã từng tham kiến lão nhân tại ngoài miền Lãnh Nam, Lão nhân đi về miền đông, sang Ngô Việt, khắc tân sớ sao Lăng Nghiêm Pháp Hoa. Thạch Ngọc xem lại, tham cứu tinh tường rồi châm chước, nên đắc được yếu chỉ bên ngoài lời nói của lão nhân. Nay lão nhân trở về Khuông Sơn dưỡng già. Ngày nay, Thạch Ngọc có khả năng làm bạn trong không gian u tịch, để tham cứu việc hướng thượng, mà không bị tập khí văn tự làm sở tri chướng. Thật hay lắm thay !

 

Bài 26 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ NHƯ THƯỜNG.

Phật dạy :

- Từ bỏ cha mẹ, xuất gia tu đạo ; liễu ngộ chân tâm, đạt đến bổn tánh, giải pháp vô vi, gọi là Sa Môn, thường hành hai trăm năm mươi giới.

Lại bảo :

- Đoạn tham dục tẩy trừ ái chấp, nhận thức nguồn tự tâm ; đạt được lý thâm sâu của Phật, mà ngộ pháp vô vi.

Lại bảo :

- Cạo bỏ râu tóc, mà làm Sa Môn, lãnh thọ Phật Pháp ; bỏ tiền tài riêng tư ở thế gian, chỉ cầu biết đủ ; ngày ăn một buổi, mỗi đêm ngủ dưới một gốc cây ; cẩn thận chớ xoay trở lại. Khiến người bị ngu si che mờ, đều do ái dục. Những pháp như thế, Phật dặn dò rõ ràng ; chẳng ngoài việc nhắc nhở chư Sa Môn, lúc vừa xuất gia, hạnh đầu tiên phải hành là xa rời dục lạc. Hậu thế tử tôn, thân tuy xuất gia, mà tâm lại say sưa nơi năm món dục ; không biết sao phải hành pháp viễn ly, và đạo nào là đạo xuất khổ não, chỉ miên man hôn mê, mà không tự giác ; lại giả bộ phục sức oai nghi, dối trá hiện tướng oai đức ; ngoài dối người, trong khi tâm mình ; che đậy lỗi lầm mà chẳng biết tự giác. Người muốn cầu chân tâm chánh niệm, thật hiếm có. Kinh Tịnh Danh nói rằng trực tâm là đạo tràng.

Như Thường có chí cầu pháp xuất ly, phải lấy trực tâm làm đệ nhất nghĩa. Trân trọng !

 

Bài 27 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN KHÁNH VÂN.

Người xuất gia phải rõ đại sự. Thứ nhất, tâm phải chân thật tha thiết vì sự sanh tử. Thứ hai, phải quyết định phát khởi ý chí xuất ra khỏi sanh tử. Thứ ba, phải xả mạng cho đến chết, quyết không thay đổi. Thứ tư, phải chân chánh biết rõ thế gian là đau khổ, nên cực lực sanh tâm nhàm chán xa rời. Thứ năm, phải thân cận thiện tri thức tuyệt thắng, và đầy đủ chánh tri chánh kiến. Thời thời thưa thỉnh, thừa sự theo lời giáo huấn, rồi y như lời dạy mà hành, tinh cần không giải đãi ; không để năm món dục phiền não làm che chướng ; không để tập khí xấu xa sai sử ; không bị giao động vì bạn xấu ; không bôn ba chạy theo duyên ác ; không cho rằng vì độn căn mà tự thối thất. Như thế mà phát tâm và tiến bước, rồi lâu ngày thuần thục, thì tự nhiên sẽ tương dung hợp với sở cầu nguyện xưa. Hiện đời, tuy chưa có thể liễu ngộ, thấy rõ tự tâm, nhưng trăm kiếp ngàn đời, cũng dựa theo ngày nay mà làm nhân địa sơ khởi tu hành. Nếu không như thế, chỉ dùng tri kiến thấp kém hẹp hòi, tập khí sôi nổi mỏng manh, tâm đua đòi theo thói cũ, tâm cuồng vọng, khẩu đầu thiền, khí trọc uế, căn tà kiến, để làm chánh nghiệp xuất gia, rồi lấy đó mà vọng cầu xuất ra khỏi biển khổ ; đó là thích chí siêu việt mà lại an nghỉ, và không chịu đi mà cầu tiến bước.

Hy vọng người chánh tín trong đời mạt pháp, và những thiền nhân đã biết chỗ hướng tới, phải thẩm xét nhận biết bản tâm, dùng đó làm đệ nhất nghĩa chân thật.

 

Bài 28 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN VÔ SANH. 

Cổ nhân vừa mới phát tâm, chân chánh vì đại sự sanh tử, quyết chí xuất ly, nên cắt ái từ thân, tham phương tầm cầu thiện tri thức ; trải qua bao gian nan khổ cực, tâm tâm niệm niệm, chỉ vì nhắm thẳng vào việc chưa sáng ; ưu bi thống thiết, như khóc mẹ đã già chết. Gặp được thiện tri thức như con thấy mẹ. Được nghe một lời hay nửa câu, liền khai mở tâm địa, như bệnh được thuốc. Một niệm tương ưng, liễu ngộ nơi tâm, như kẻ nghèo được châu báu. Quăng thân bỏ mạng, nổi trôi bị bao khinh rẻ, mà chưa từng than van nản lòng.

Nhị tổ Huệ Khả vì muốn an tâm mà chặt cánh tay. Lục tổ Huệ Năng đeo đá giã gạo. Bá Trượng làm chấp sự bao lao nhọc. Dương Kỳ làm công quả cúng dường đại chúng. Phàm danh tiết được truyền đăng chiếu soi thiên cổ, chẳng ngoài sự khắc khổ mà nên. Chư Phật trong đời quá khứ, cầu vô thượng Bồ Đề, xả thân mạng như số cát vi trần ; không loài nào mà chẳng thọ thân ; không thân nào mà chẳng tu khổ hạnh. Trăm kiếp tu nhân, nên cảm thiên thượng nhơn gian cúng dường vô lượng. Mạt pháp tử tôn, vì lãng phí thọ dụng nên mất phần công đức bất tận. Sao lại có trời sanh Di Lặc, và có tự nhiên Thích Ca ! Đau đớn thay ! Đời mạt pháp, đã xa quá thời thánh giáo ; phép tắc pháp môn để dùng quét đất. Hậu bối xuất gia, không biết vì việc gì. Sanh ra chỉ biết sợ đói lạnh, nên mãi lo việc ấm no.

Vừa bước vào cửa không, bèn trở lại theo tập quán thế tục ; đàm luận suông cả ngày, phủng phệ túng tình, để sáu căn chạy rong ; chuẩn bị tạo các việc ác ; không làm lụng cực nhọc mà hưởng thức ăn ngon ; không chăn tằm mà mặc y đẹp ; hư tiêu của tín thí, lãng phí thời giờ ; chẳng biết sanh từ đâu đến, chết sẽ đi về đâu ! Sao lại không biết nhân quả khó trốn thoát, và tội phước không sai chạy ! Đại hạn lâm chung đến, như đá chìm thẳng xuống nước ; ba đường ác khổ cùng cực ; một quả báo phải chịu cả năm ngàn năm, biết ngày nào mới được thoát khỏi !

Nhắc những lời này, lão nhân đau xót chua cay ! Mục kích thời lưu hiện tại, đều buông lung như thế. Hy vọng người tu phải như đãi cát lấy vàng, chẳng nên bảo là không có, vì vàng vẫn còn nguyên. Lao tù ba cõi, gông cùng trong bốn loài, lửa lớn cháy phừng phựt, nhà sanh tử hiểm hoạ, làm thế nào để dũng mãnh thoát các khổ, đến nơi vô uý ?

Chẳng phải là đấng trượng phu đầy đủ linh căn, hàm chứa bao cốt cách, thì không thể phấn tấn dũng mãnh, vừa siêu vượt liền nhập vào. Các thầy sanh ra may mắn được gặp Phật Pháp ; sáu căn đầy đủ, hình vóc nương nhờ y ca sa, sớm gặp minh sư. Nếu không thống niệm vô thường, nghĩ ngợi thâm sâu về đại sự, tư duy khổ nơi địa ngục, mà phát tâm Bồ Đề, sửa đổi tâm tánh, để ngày đêm tinh cần, sớm cầu xuất ly, mà cứ dần dà sống qua ngày, phóng túng thân tâm, thì lúc đại hạn đến, hối hận sao kịp ! Hãy nên cố gắng mà hành. Nếu quên lời khuyên răng nhắc nhở của tôi thì phụ lòng tôi và cũng chính là tự phụ mình !

 

Bài 29 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN TỰ TÔNG.

Phật dạy đệ tử tu pháp xuất thế, chỉ có hai loại diệu hạnh là tự lợi và lợi tha. Lợi tha gọi là tu phước. Tự lợi gọi là tu huệ. Bồ Tát phát tâm, cần cầu đạo Bồ Đề vô thượng. Bồ Tát tuy biết pháp tánh là lặng lẽ không tịch, mà chẳng xả bỏ các hạnh hữu vi. Biết các pháp vốn không tịch tức là tự lợi. Không xả bỏ các hạnh hữu vi gọi là lợi tha. Từ trên chư Phật Tổ, chưa có ai chẳng từ hai hạnh này mà được xuất ra khỏi sanh tử. Đức Thế Tôn muôn kiếp tinh cần tu bao khổ hạnh khó hành. Chúng ta từ bao kiếp dài lâu, lặn hụp trong biển sanh tử, đầu xuất đầu mất, xả thân thọ thân, không thể nghĩ bàn, đều là sống hư chết phí, thì làm sao có một chút gì là hạnh môn chân thật ! Nếu có hạnh chân thật thì quyết sẽ không như mặt mũi đời nay. Sao không thống niệm, mà hồi quang phản chiếu, dũng mãnh tự suy gẫm !

Đời nay thiền nhân do túc duyên may mắn, sớm đã thoát tục, mãi rời biển khổ, lại được an cư tại danh sơn, nơi đạo tràng thù thắng vi diệu mà chư tổ thường thuyết pháp. Đây là duyên lành muôn kiếp khó gặp. Chính là đói gặp tiệc vua. Bệnh được gặp vương. Tự phải biết mình may mắn vô ngần, rồi tận suốt cả đời, xả bỏ thân mạng, làm các việc công đức, thì vượt trội trăm kiếp ngàn đời thường sống vô tích sự. Thiền nhân hãy tin lời của lão nhân ; từ rày về sau, phát tâm kiên cố bất thối, trì chí dũng mãnh can cường, tận hết sức lực, lượng hết tài năng, biện một mảnh tâm khăng khít, nhậm duyên tuỳ nguyện, nhịn tâm nhịn phiền, nhẫn khổ nhẫn lao, thì sẽ có một ngày thành tựu công đức, tức sống đời hữu ích. Thiền nhân tự bảo thân yếu thần suy, không thể lãnh nhận công tác. Cổ nhân quý tại tâm lực cường, nguyện lực lớn, chứ không kể tại sắc thân khoẻ hay không khoẻ. Nay tuy có ít bệnh, không quá khổ đau. Nếu tạo nghiệp ác, đoạ nơi ba đường dữ, thì có cầu như hôm nay bịnh ít, thân tâm phiền não ít, hay muốn gieo lợi ích trong ruộng phước, cũng chẳng được.

Phật bảo chúng sanh, phải nhớ các nỗi khổ nơi địa ngục, mà phát tâm Bồ Đề, tức là bây giờ phải nên tự thúc đẩy, phát khởi tinh tấn. Cổ đức bảo rằng thà chết mà có pháp, còn hơn sống mà chẳng có pháp. Xả bỏ thân mạng này, làm những diệu hạnh đó ; ví như chiếc thuyền Bát Nhã, có thể đạt đến bờ giác. Câu nệ chi mà không cố gắng cưỡng ý chí, để phụ bạc bỏ phí cuộc đời này ! Đã đến núi báu, lại trở về tay không. Sao không tiếc thay !

Nếu thường an tâm nơi vô sự, tức là tâm không. Tâm không tức thần chẳng suy. Thần chẳng suy tức thần không lao nhọc. Đó là diệu hạnh vô tác. Gặp duyên tức là tông thú tu hành ; quyết không để công việc thường ngày xoay chuyển. Nơi nơi đều thành tựu môn đại giải thoát. Xin hãy suy gẫm cho kỹ !

 

Bài 30 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN TỰ GIÁC.

Phật bảo chư tỳ kheo rằng mỗi sáng sớm phải tự lấy tay xoa đầu. Lời này thật thâm thuý. Lão nhân mỗi mỗi suy gẫm, đức Phật từ bi thống thiết triệt xương tuỷ. Ngài hằng bảo rằng mạt pháp tỳ kheo, đa số thường thích thọ dụng, an nhiên hưởng thụ tứ sự cúng dương. Mỗi mỗi tự bảo đó là điều ưng phải được, mà không xét coi mình là người gì, cùng vật cúng dường từ đâu đến, và làm thế nào mà thọ nhận ! Người biết ân thì hiếm, và người báo ân thì ít, chỉ vì chưa chịu rờ đầu. Nếu chịu xoay lại rờ đầu, thì bất giác tự hoảng sợ, thốt lời rằng tại sao mình cắt bỏ râu tóc, không mặc y phục người thế tục ! Biết hình dạng khác tục, nên không dám cư trú gần người thế tục ; thân không dám vào chốn thế tục ; tâm không dám niệm nhớ thế tục. Như thế tức là an lạc nơi hạnh viễn ly. Không đợi thiện tri thức dạy bảo, mà tự phát tâm dõng mãnh ; vào núi chỉ sợ núi không sâu.

Song, có những hạng thầy tu lại an nhiên trú ngụ trong phồn hoa đô thị hỗn tạp ; phóng túng thân tâm, để làm người vô loại, và hành bao hạnh vô ích. Thiền nhân Tự Giác vốn trụ ở nhân gian, nay đến Khuông Sơn lễ bái lão nhân, nguyện khô tâm trụ núi, tu hạnh xuất thế. Lão nhân vì đó chỉ dạy hạnh phước huệ song tu. Tu hụê tức tại quán tâm. Tu phước tức hành nơi vạn hạnh. Quán tâm dùng niệm Phật làm phương pháp tối thắng. Vạn hạnh dùng sự cúng dường làm đầu. Hai việc này, chính là hạnh tổng trì.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, đều là vọng tưởng, (tức cội gốc của sanh tử), nên phải chiêu lấy quả khổ. Ngày nay dùng tâm vọng tưởng đó, chuyển làm tâm niệm Phật, tức niệm niệm thành nhân Tịnh Độ, đó là quả an lạc. Nếu niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn, thì vọng tưởng sẽ tự tiêu diệt. Ánh sáng của tự tâm phát lộ, và trí huệ hiện tiền, tức trở thành pháp thân Phật. Chúng sanh bần cùng không phước huệ, do sanh sanh thế thế, chưa từng có một niệm cúng dường Tam Bảo, để cầu phước đức. Sanh tử làm khổ thân ; niệm niệm tham cầu sự vui của năm món dục lạc, mà đó chính là tư lương của gốc khổ. Bây giờ, dùng tâm tham cầu, chuyển thành tâm cúng dường Tam Bảo. Đem thân mạng hữu hạn, tuỳ tâm lượng lực, mà cúng dường mười phương. Dùng một cây hương, một nhánh hoa, một hạt gạo, một cọng rau, để cúng dường Tam Bảo như nhỏ một giọt nước vào biển cả, và như một hạt bụi vi trần rơi xuống đất. Biển có lúc khô, và đất có lúc cùng tận, mà phước báo kia chẳng cùng tận, nên cảm Phật quả, trang nghiêm cõi Hoa Tạng, để làm nơi tự thọ dụng trong tương lai. Bỏ hạnh này thì không có diệu hạnh thành Phật khác.

Thiền nhân nếu sanh mỏi mệt chán chường, hãy lấy tay xoa đầu, tức sẽ tự phát tâm dũng mãnh vô lượng.

 

Bài 31 : KHAI THỊ ĐẠI CHÚNG.

Gần đây các thiếu niên ở khắp nơi, thường tự bảo có chí tham thiền. Song lúc tương kiến đối đầu, tôi nhận thấy họ đều là những kẻ điên đảo. Họ gìn giữ vọng tưởng làm thệ nguyện, dùng sự làm biếng giải đãi làm công phu khổ nhọc, dùng phô trương ngã mạn làm hạnh cao, dùng môi lưỡi giỡn chơi làm cơ phong, dùng chấp ngu si làm sự hướng thượng, dùng việc phản bội Phật Tổ làm tự thị, dùng trí huệ ranh manh làm diệu ngộ.

Thế nên, mỗi khi vào tùng lâm, thân nghiệp không thể nhập vào đại chúng, và miệng ý không thể hoà với mọi người. Buông lung tình ý, chẳng tu ba nghiệp, mà cho lễ bái tụng niệm là hạ liệt, cho hạnh môn (công việc trong chùa) là thấp kém, cho Phật Pháp là oan gia, cho văn lượm lặt làm tri kiến của mình.Tuy họ có khả năng khởi công phu khán thoại đầu, nhưng lại đem tâm tầm cầu giác ngộ. Ngồi trên tấm bồ đoàn chưa vững, ngủ gật chưa tỉnh, mộng cũng chưa thấy chính mình, mà cống cao tự phụ, rồi viếng thăm chư thiện tri thức, thuyết huyền thuyết diệu, trình ngộ trình giải, và đưa câu cú chưa hạ lạc (liễu ngộ), hàm đồ cầu chứng. Nếu có phước duyên, gặp minh nhãn thiện tri thức, được đập vỡ khuôn sáo sai lầm, thì đó là điều may mắn. Nếu không may mắn, chỉ gặp những kẻ với tay khua đàn, tu thiền mù, thường dùng ấn giả đóng dấu, rồi bị ném xuống hang hố ngoại đạo, khiến bị đoạ lạc trăm ngàn muôn kiếp, không có cơ may ngoi đầu lên được. Chẳng đáng thương lắm sao ! Những kẻ hậu bối ngu si này, tự làm mất chánh nhân, vì gặp nạn tà độc. Nếu gặp được Lâm Tế hay Đức Sơn, chắc cũng không thể cứu giải mê chấp cho họ. Thật đáng thương thay ! Bệnh trạng của thiền môn là tại chỗ này. Xin hãy xem rõ, từ xưa cổ nhân quyết không phải như thế. Tổ Bá Trượng hầu Mã Tổ, và thường ra đồng làm ruộng, cùng hành công án “chạm vào cái xuổng” và “vịt trời” để nghiệm công phu chân thật.

Thế nên, tổ Bá Trượng mới để lại lời răn nhắc :

- Một ngày không làm là một ngày không ăn. Lại nữa, thầy Dương Kỳ là tri sự cho ngài Từ Minh ; hơn hai mươi năm hành môn chấp sự tháo vát, chịu trăm ngàn khổ cực, mà chưa từng nản lòng hay than phiền vì lao nhọc, nên đắc được tạng quang minh rộng lớn, soi sáng cổ kim. Ngài Lại Dung lưng vác gạo, và tổ Hoàng Mai xay gạo ; xem qua cổ nhân, không ai chẳng trải qua bao khổ nhọc mới đạt thành tựu. Làm thế nào mà những kẻ thiếu niên, vừa vào tùng lâm, liền muốn lấy việc tham thiền làm hướng thượng, chỉ vẽ toà ngồi, cho là nơi thọ dụng, chứ không lay động tay áo, chẳng nhặt một cọng cỏ nhánh cây. Những người bạc phước, tuyệt không có tâm xấu hổ. Dẫu có diệu ngộ, mà chỉ biến thành những điều trơ trẽn, nên không được trời người cúng dường. Huống là không chân thật dụng công tu hành, chỉ làm hư tiêu của tín thí, cam đoạ trầm luân !

Nếu người vì sự sanh tử, phải quán xem đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nơi ba ngàn đại thiên thế giới, không có một hạt cải vi trần nào mà chẳng phải là nơi xả bỏ đầu mắt tuỷ não để cầu Bồ Đề. Phải phát tâm dõng mãnh như thế. Phải xả bỏ tận cùng tánh mạng. Bố thí bộ xương thúi cho mười phương, và cúng dường thân sắc cho đại chúng. Nơi tất cả hạnh môn, chuyên cần khổ nhọc tháo vát mà hành. Làm những việc khó làm. Nhẫn những việc khó nhẫn. Trong những hoạt động hằng ngày, nơi cửa ngõ của sáu căn, nhìn xuyên và thấu suốt, thì đắc được pháp giải thoát.

Cổ nhân bảo :

- Thuận theo nhân duyên mà nhập vào, liền được tương ưng. Dụng tâm như thế, trong ba mươi năm không thay đổi, nếu chưa ngộ đạo, quyết sẽ là người đầu đội trời chân đạp đất.

Quý vị ! Lão nhân nay yết cáo với chư đồng tham học !

 

Bài 32 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN BẢO QUÝ BỔN TỊNH

Thiền nhân Bảo Quý, tự dụng tâm thủ hộ Phật Pháp. Lúc trẻ viết kinh Pháp Hoa và các bộ kinh khác. Mộ tiền tạo hai thánh tượng Thích Ca và Di Đà bằng chiên đàn, để nơi Đỉnh Hồ ở Đoan Châu. Lúc qua lại Ngũ Dương, nghiêng đầu thỉnh vấn. Tôi bảo rằng Phật dạy các pháp từ duyên sanh, các pháp từ duyên diệt ; duyên hội mà sanh, tức là duyên chưa sanh thì không có ; duyên chưa có, tức là tuy có mà tánh thường tự không. Tánh không tức là chư pháp vốn chẳng có tự tánh. Vì vậy bảo rằng biết pháp thường vô tánh. Hạt giống Phật từ duyên khởi. Người năng đạt duyên khởi vô tánh, tức là hạt giống chân chánh thành Phật.

Thiện tai Phật tử ! Thầy đã viết các quyển kinh pháp, cùng tạo các thánh tượng Như Lai bằng gỗ chiên đàn. Dùng tín lực làm nhân, và mượn các việc huyễn hoá làm duyên ; đó là Phật từ duyên khởi, mà pháp cũng từ duyên sanh. Nơi trong pháp tánh, pháp tức là Phật, và Phật cũng là pháp.

Song, nếu không xem xét kỹ rằng pháp tánh là không, thì tánh chẳng không. Nếu bảo tánh không, tức nay thấy tướng hảo trang nghiêm của Phật, quang minh sáng chói, hừng thạnh như núi báu, mà tám mươi quyển kinh linh văn Hoa Nghiêm, thứ lớp ba mươi chín phẩm, năm vòng nhân quả hạnh bố, bốn mươi hai quả vị sâm nghiêm, không thiếu một chữ. Ba lần thọ ký trong kinh Pháp Hoa, cùng lễ lạy chư Phật trong hồng danh sám pháp, không thiếu một người. Hình thể sáng soi, rực rỡ đầy khắp, có thể bảo là tánh không vô vật chăng ? Nếu bảo tánh này chẳng phải là không, thì lúc duyên hội tụ, giấy vẫn là giấy, mực vẫn là mực, vàng tự là vàng, hương tự là hương. Giấy mực như thế, đều vì thế đế mà lưu bố. Vàng hương như thế đều vì ác nghiệp mà trang nghiêm. Danh từ Phật Pháp từ đâu mà có ! Cầu kia vốn không, tức tánh tự không. Nay do duyên tụ hội, tức dùng vàng hương của thế đế mà cho là tượng Phật, và dùng giấy mực của thế đế mà cho là kinh. Hiện thời, tướng giấy mực không khác, và xưa kia thể không tăng. Danh từ Phật Pháp đã rõ rêt ; người thành thục bèn khởi tâm cung kính hay ngạo mạn khiến cách ngăn, mà cơ thiện ác thấu suốt trời xanh. Do đó, quán xét tất cả pháp, vốn không tự tánh, rõ ràng chỉ từ duyên khởi mà sanh. Năng liễu đạt Phật Pháp vốn không có tự tánh, đấy chính là hạt giống chân chánh thành Phật.

Song, tuy tạo bao nghiệp lành thù thắng, mà không thẩm xét liễu đạt vô tánh mà làm, thì do làm nên sau này sẽ liễu đạt được vô tánh. Nếu liễu đạt vô tánh mà làm, tức Phật Pháp ngay nơi mình mà không ở nơi vật. Nếu không liễu đạt mà làm, thì Phật Pháp ngay nơi vật chứ không ở trong tâm mình. Nếu do làm mà sau này được liễu đạt, thì mình và vật đồng vô tánh. Đạt được vô tánh, tức là không có người năng tác. Đạt được pháp vô tánh, tức là không có pháp để làm. Người và pháp đều không, thì thị phi đều tiêu mất ; mình và vật đều không còn dấu tích, sao còn phân biệt chỗ nào !  Nếu đạt được như thế thì công đức không thể nghĩ bàn. Đạo Bồ Đề cũng không thể nghĩ bàn. Chư Phật tử ! Hiểu biết như thế, chính là hiểu biết chân chánh. Hành được như thế, thì chính là diệu hạnh. Sao dùng tâm suy nghĩ mà làm những việc Phật sự khó suy tư ! Ví như tay cầm lửa đom đóm mà muốn đốt núi Tu Di, thì chỉ tự mệt nhọc chứ có ích lợi gì, và cứu cánh ở chỗ nào !

Lành thay chư Phật tử ! Hãy quán xem pháp vương pháp. Pháp vương pháp là như thế ; phải nên biết mà hành và trì theo đó, mới gọi là vượt trên hết các loài hữu tình !

 

Bài 33 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN CHÂN NGỘ. 

Thiền nhân Chân Ngộ sanh trưởng tại Lô Lăng, chán vợ con mà xuất gia ; thích hạnh viễn ly, chí hướng danh sơn, tham tầm tri thức. Huyễn nhân dùng nghiệp huyễn, chọn đến Lãnh Hải. Vừa đến tham tầm, thiền nhân lại từ biệt qua Phổ Đà lễ thầy Quán Âm, thọ kệ chúc phó của Phật Tỳ Xá Phù, rồi lại đến Ngũ Dương. Huyễn nhân nơi đạo tràng huyễn hoá, làm Phật sự như huyễn, khai thị chư huyễn chúng, thuyết pháp môn như huyễn. Thiền nhân lễ bái cầu pháp. Huyễn nhân lại y tam muội như huyễn, mà thuyết tất cả chư pháp như cảnh giới mộng huyễn, bảo :

- Lành thay Phật tử ! Hãy suy nghĩ chính chắn ! Tất cả chư Phật y huyễn lực mà thị hiện. Tất cả Bồ Tát y huyễn lực mà tu trì. Tất cả nhị thừa y huyễn lực mà trầm không thủ tịch. Tất cả ngoại đạo y huyễn lực mà hôn mê. Tất cả chúng sanh y huyễn lực mà sanh rồi tử. Thiên cung tịnh độ y huyễn lực mà kiến lập. Quỳnh lâm bảo thọ y huyễn lực mà bày biện. Giường thiếc trụ đồng y huyễn lực mà thi thiết. Vạc nóng lò than y huyễn lực mà xông lên. Chim chóc rùa cá y huyễn lực mà bay ẩn. Sâu bọ nhện gián y huyễn lực mà sống còn. Chỗ chứng đắc của ba đời chư Phật, và sự truyền thừa của sáu đời tổ sư, cũng hoàn toàn không vượt ngoài lưỡi huyễn. Tam muội thiền nhân vừa được mà lại bỏ mất. Hãy thử suy nghĩ cho kỹ, vì sao bị đoạ lạc vào vòng sanh tử, vì sao nhập vào thai mẹ, vì sao chìm trong ái tình triền phược, vì sao nguyện xuất trầm luân, vì sao khởi bước du phương, vì sao tầm cầu thiện tri thức, vì sao lê giày đến danh sơn leo lên vùng đất phước ? Xuyên tùng lâm vào hệ xã, rồi nay đến Nam Hải, năm kế tới Ngũ Đài, năm kế nữa đến Nga Mi, cứ đi khắp hoàn vũ, trải qua bao trần kiếp, cùng tận mười phương quốc độ nhiều như số vi trần, thừa sự mười phương chư đại thiện tri thức, mà chẳng thoát khỏi vòng huyễn hoá, vì không phải là nơi cứu cánh chân thật. Lúc mê lầm cho bóng là đầu, không do dẫm được đường về nhà, mà có thể đạp một cú đứt đoạn được lưới huyễn kết tụ, thì vô biên lưới huyễn nhất thời đều đứt đoạn. Bao bờ bể huyễn hải, nhất thời đều khô cạn. Vô lượng huyễn nghiệp, nhất thời đốn tiêu. Vô biên huyễn hạnh, nhất thời bèn đắc được. Vô lượng chúng sanh huyễn hoá, nhất thời bèn độ tận. Đây tức là dùng huyễn để tu huyễn. Vì vậy bảo rằng tâm huyễn hoá của chúng sanh lại phải y huyễn mà diệt. Nếu chưa được như thế, thì phải trải qua ba lần sanh sáu mươi kiếp, tôn Văn Thù làm cha, kính Quán Âm làm mẹ, thờ Phổ Hiền làm thầy, để nương nhờ thân cận những vị này, cầu mong xuất sanh tử. Hãy suy nghĩ cho kỹ ! Đây chẳng phải bảo rằng Ta vi người huyễn hoá, và lời nói cũng không chân thật. Tham khán ! Tham khán !

 

Bài 34 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN PHÁP CẨM.

Pháp Cẩm tự bảo tánh nhiều sân hận. Lão nhân vì thế mà chỉ dạy phương tiện để điều phục, tức là pháp môn nhẫn nhục.

Đại sư Vĩnh Gia có dạy : - Thầy của Ta được thấy Phật Nhiên Đăng nhiều kiếp, do vì làm tiên nhẫn nhục. Do đó, biết rõ nhẫn nhục là diệu hạnh thành Phật bậc nhất. Vì thế, thầy của Ta, tức Phật Thích Ca, sanh sanh thế thế, bị Đề Bà Đạt Đa phỉ báng hãm hại, cho đến đời nay cũng dùng bao cách phá hoại Phật Pháp, chẳng có việc gì mà không dám làm. Đề Bà Đạt Đa đã giết hại thân mạng tiền thân của Phật chẳng phải là một. Song, trong pháp hội giảng kinh Pháp Hoa, đức Phật lại thọ ký cho ông ta :

- Ta được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, công đức thù thắng vi diệu, đều nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa hỗ trợ mà thành tựu. Đây chẳng phải do yếu hạnh nhẫn nhục sao !

Phật lại bảo :

- Xưa kia, lúc bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể, Ta không thấy có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn có tướng ngã, chúng sanh, thọ giả thì chắc có lẽ Phật Nhiên Đăng sẽ không thọ ký cho Ta.

Do đó, quán xem tất cả chúng sanh, sanh tử khổ não tràn đầy, đều do có bản ngã. Thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng, trang nghiêm phước huệ, đều do vô ngã mà đạt được. Do ngã địch đối với vật nên sanh thị phi. Thị phi sanh khởi tức thương ghét lập ra. Thương ghét lập rồi thì thêm nhiều vui buồn giận tức. Tự tánh vẫn đục thì tâm địa hôn mê. Tâm địa hôn mê thì các việc ác sanh trưởng. Các việc ác sanh trưởng thì các khổ hội tập. Các khổ hội tập thì sanh tử dài lâu. Tất cả đều do chấp ngã mà ra. Cái ngã này thật rất lợi hại, giống như quân binh giữ thành trì nghiêm ngặt, không thể phá dễ dàng.

Lão Tử có bảo :

- Đem nhu thắng cương. Lấy yếu thắng cường bạo. Đây là chỗ hành sơ khởi nhất của hạnh nhẫn nhục.

Chúng sanh nương nhờ vào cái ngã kiến kiên cố khó phá này. Vì vậy, một lời nào trái tai thì không thể nhẫn thọ được ; một việc trái ý thì không thể an nhẫn. Một lạnh một đói cũng không thể chịu nổi. Một niệm dục không thể tẩy tịnh. Tất cả đều không biết phương dược của nhẫn nhục, cứ mãi tăng thêm kiến chấp về bản ngã. Vì vậy, Phật dạy chư đệ tử phải nên tu hạnh hoà hợp. Lại bảo :

- Khổ pháp nhẫn, khổ pháp trí.

Lại bảo :

- Vô sanh pháp nhẫn. Bồ Tát bát địa mới đắc được.

Vì vậy, biết rõ sanh khởi pháp nhẫn, nhẫn đến vô sanh, tức là thành tựu diệu hạnh viên giác Phật quả. Hạnh nhẫn nhục, há thô thiển sao !

Thế nên bảo rằng làm tất cả mọi việc, đều phải dùng sức nhẫn nhục ; nghĩa là nơi cử tâm động niệm đều là chỗ thử thách tâm nhẫn nhục. Nơi cử chân động bước, phải lấy hạnh nhẫn nhục làm đầu. Nơi xoay sở động tịnh, phải trì nhẫn nhục. Nơi buồn vui giận tức, phải dùng nhẫn để thử nghiệm. Hành được như thế, thì tâm không tán loạn vọng động. Thân không tán loạn vọng tác. Sự không tán loạn vọng hành. Tình không tán loạn vọng phát.

Thế nên Lão Thị bảo :

- Bất tán loạn là hạnh đầu tiên của thiên hạ. Bất tán loạn tức là tên khác của nhẫn, và là hạnh đầu tiên của thiên hạ. Vì thế, nhẫn là hạnh thành Phật bậc nhất. Hành được thì nhẫn nhục thêm lớn và bản ngã lại nhỏ đi. Nhẫn có khả năng che khuất bản ngã và sự vật. Đức tự lợi lợi tha, không ngoài hạnh nhẫn nhục. Y phục nhu hoà nhẫn nhục là như thế đó.

Thiền nhân cầu pháp ngữ, nên tôi đề viết : “Hãy lấy nhẫn nhục làm y giáp”.

Thiền nhân nên gắng sức mà hành. Đây chẳng phải là lời lẽ trên đầu môi chót lưỡi, cũng chẳng phải là bày biện tiệc cơm. 

 

Bài 35 : KHẮC BÀI TỰA VỀ PHẬT SỰ DU GIÀ.

Đức Phật thiết giáo, chú trọng về lý dứt sanh tử, thông tới cõi u minh, đạt đến tình thức loài quỷ thần, độ tận tất cả chúng sanh, dẹp trừ tất cả khổ não. Vì vậy bảo rằng từ bi làm duyên. Gieo duyên với chúng sanh khổ não. Nếu chúng sanh không bị khổ não kịch liệt, thì không thể thấy lòng từ bi quảng đại. Do đó mà xuất ra giáo lý Du Già. Tiếng Phạn chữ Du Già, nơi đây gọi là Tương Ưng, tức bảo rằng tâm và cảnh hoà hợp như một. Song, giáo có hiển và mật. Hiển tức là chỉ thẳng bản nguyên tâm thể của chúng sanh, khiến họ liễu ngộ, để thoát khỏi sự ràng buộc ràng rịt của sanh tử. Lại nữa, chư Phật ấn tâm là dùng thần chú để gia trì, khiến chúng sanh mau thoát các khổ não kịch liệt. Do đó mới thiết lập quy thức độ sanh.

Chân ngôn vốn từ bộ Quán Đảnh, để phá trừ u minh, và cứu vớt vong hồn lưu lạc. Khởi đầu do tôn giả A Nan, vào một buổi tối nọ, đang ngồi thiền trong rừng, thì thấy quỷ vương hiện ra trước mặt, cầu khai mở pháp thí thực, cùng chú nguyện thức ăn nước uống, để tế độ hà sa chúng sanh. Nhân duyên này xuất phát từ thần tăng Tây Vực, rồi lưu truyền qua cõi Chấn Đán. Từ đó, ngài tam tạng Bất Không tuyên dương mật ngôn. Dần dần đến đời vua Lương Võ Đế ; nhân hoàng hậu Hy Thị bị đoạ làm thân rắn mãng xà, hiện hình cầu cứu độ, nên nhà vua thỉnh hoà thượng Chí Công, vân tập chư đại đức sa môn, soạn ra văn nghĩa đàn tràng Thuỷ-Lục, u hiển linh kỳ, tức thông ba cõi, thấu tới loài tình thức. Từ đó đến nay, tăng đồ nương theo nhân này, làm Phật sự Du Già. Đến đời vua Hồng Võ (Chu Nguyên Chương), ông lập quy chế, dùng ba khoa thiền, giảng, Du Già để độ tăng ; dùng ba bộ kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim Cang của Phật Tổ để khảo hạch chư tăng giảng pháp và hành thiền ; dùng diệm khẩu thí thực, văn sao tân tế để khảo hạch chư tăng hành pháp Du Già. Nếu đậu một trong những điều kiện thi đó, thì mới được làm tăng. Ngày nay ở vùng nam bộ, chùa Thiên Giới theo thiền, chùa Báo Ân theo giảng pháp, chùa Năng Nhân theo Du Già. Nơi nơi đều tôn thủ chế độ của quốc gia. Song, kể từ đó, pháp này dần dần theo thế tục mà sinh lắm điều tệ hại. Họ dám phá luật nghi, xem như trò chơi, làm mất đi bổn hoài độ sanh của Như Lai. Biết chư hiếu tử thương mến thân bằng quyến thuộc, nên ngài thuyết ra chân ngôn mật chú, để diễn bày tâm ấn của Như Lai ; thuyết một bài kệ bèn biến địa ngục thành tịnh độ ; tuyên một lời, khiến vạc dầu trở thành ao sen ; pháp âm vang khắp chốn, khiến tội đều tiêu diệt ; nghe tiếng chuông bèn trở về quê quán, thì sao lại cho là việc nhỏ ! Bỏ mất ý chỉ đó, mà làm những việc vô ích, khiến tự tổn hại, cứ vẫn chưa tỉnh !

Sở tăng nọ vì muốn học Du Già, nên theo Tuyết Lãng cùng chư đại đức, nghe giảng kinh luận, bèn hiểu ý chỉ độ sanh của Như Lai, cùng nơi quy hướng. Bùi ngùi vì pháp môn này ngày càng lưu hành thậm tệ, nên lấy quyển văn nghi thức Thuỷ-Lục mà soạn lại khoa nghi, và tuỳ thời mà sửa đổi ; phân điều chiết lý, chương chương rành rẽ, khiến cho những ai cầu nguyện, vì thân bằng quyến thuộc, tận khởi tâm thành, thì được cảm ứng. Ngoài ra, sa môn Thích tử cũng triển chuyển được tam bi, và khởi lòng chí thành, để làm lợi ích cho chúng sanh, hầu mong không quên mất bổn ý của Như Lai. Soạn tập xong, thì Thầy tịch mất. Môn nhân chúng ta, phải nên kế thừa chí nguyện của Thầy, mà khắc bản này để lưu truyền, giúp người làm Phật sự, tránh khỏi sai lầm, phiền hà về những thuật thần bí. Những ai có ý chí khẩn thiết tinh thành, và hiếu tử vì từ thân trong đời hiện tại, mỗi mỗi phải tận tâm cầu đạt thần minh cảm ứng, thì công đức này không phải là ít oi. Hôm nay do lời thỉnh cầu, tôi vì diệu hạnh, và vì những vị có tâm làm lợi ích cho quần sanh, mà viết lời tựa cho pháp Du Già, hầu mong người người đều biết bổn hoài ý chỉ của Phật để lại.


---o0o---

Mục Lục | Phần 1 | Phần 2

---o0o---

Vi tính: Thích Đức Tuấn

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 06-2003

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Mục lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544