Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tịnh Độ


......... .

 

Vượt Luân Hồi Vào Tịnh Ðộ

Thích Phổ Huân

---o0o--- 

Chương II

Hiểu lời Phât dạy, trong kinh A Di Ðà

 

Ngạc nhiên trước hết, sự cao siêu mầu nhiệm khó tưởng của kinh A Di Ðà,[1] do kinh này không ai biết để thỉnh cầu thưa hỏi. Kể cả các đại Bồ Tát cũng không biết và hiểu nổi; điều đó được xác nhận trong pháp hội, có nhiều đại Bồ Tát tham dự đến nghe kinh này.

Tiêu biểu hai đại Bồ Tát được nhắc đến là Văn Thù Sư Lợi và A Dật Ða. Các vị Thánh Tăng đương thời đông đủ, giống như các pháp hội trong những thời pháp lớn.

Ðặc biệt hơn, đức Phật chọn Ngài Xá Lợi Phất làm đối tượng giảng dạy. Biết rằng Xá Lợi Phất là vị đệ tử trí huệ bậc nhất trong hàng đệ tử Phật.

Mượn Ngài Xá Lợi Phất, chắc chắn Phật có dụng ý nhắc nhở người tu trong thời ngũ trược - muốn cảnh tỉnh cho ai đó không tin và xem thường pháp kinh này.

Tổng cộng tên Ngài Xá Lợi Phất được nhắc đến trong kinh A Di Ðà là ba mươi tám lần (38).

Kinh A Di Ðà lại thật ngắn chẳng bằng một vài chương của các kinh lớn như: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Bảo Tích...Vậy mà tên vị đại Thánh được nhấn mạnh lưu ý đến ba mươi tám lần.

Hẳn chắc phải quan trọng, đáng suy nghĩ những gì Phật nói. Ngoài ra còn có các vị Vua ở cả cõi trời nữa, như vua Ðế Thích, và vô lượng các vị Trời đều tham dự. Xét xem như thế, pháp hội giảng nói kinh A Di Ðà, số thính chúng được xác nhận rõ ràng; điều này cho biết đích thực giá trị quan trọng lợi ích của thời pháp.

Với các thời pháp trước và sau kinh A Di Ðà, số Bồ Tát, Thánh chúng, trời, người tham dự tương tự đông như vậy; nhưng thử để ý xem, những thời pháp ngắn thường tác động mạnh đến người nghe. Vì, thứ nhứt dễ nhớ, nên dễ hiểu do đó dễ thực hành. Nếu đem so pháp hội Hoa Nghiêm làm sao nhớ nỗi, thậm chí pháp hội Pháp Hoa được xem là tối thắng quan trọng, được hàng học Phật luôn luôn nhắc đến nhưng có ai lại thuộc kinh này! Thành ra Kinh Pháp Hoa ít nhiều trở thành sự hiếu kỳ để mọi giới nghiên cứu, và việc thực hành khó mà trọn vẹn - cũng do đây, việc rút ra một phẩm lợi ích thiết thực cho hàng học Phật trì tụng tu hành, đó là phẩm Phổ Môn thứ hai mươi lăm, thật đúng khế lý khế cơ (hợp chân lý, đúng căn cơ).

Như thế mới thấy, càng về thời cách xa Phật, những kinh ngắn gọn có tính cách nhắc nhở đánh thẳng vào tâm dễ cứu độ chúng sanh hơn. 

Phật nói cõi tuyệt đẹp an vui đó nằm ở Phương Tây, làm hắn phải suy nghĩ!

Trong vũ trụ vô cùng vô biên, thì trái đất nằm ở phương nào để làm chuẩn tìm phương Tây?

Nói phương Tây là căn cứ vào thái dương hệ thế giới chúng ta lấy mặt trời làm điểm, nhưng thái dương hệ này nằm trong giải ngân hà Milky Way, mà trong vũ trụ có đến hàng tỉ giải Ngân hà!

Về cõi Phật A Di Ðà cách thế giới chúng ta đến mười muôn ức Phật độ. "Từ phía Tây này, qua mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới tên là Cực lạc..."(Tùng thị Tây phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viêt Cực Lạc...)

Theo Ðại sư Ngẫu Ích giải thích danh từ Phật độ: "là một khu vực của một vị Phật hóa độ, có một ngàn triệu Thái dương hệ, trong kinh Phật gọi là một Tam Thiên đại thiên thế giới .. "[2]

Phật Học Từ Ðiển Ðoàn Trung Còn, giải thích Tiểu thiên là một ngàn thế giới, Trung Thiên triệu thế giới và Ðại Thiên thì một ngàn triệu thế giới, tức một tỉ .

Vậy trong phạm vi của một cõi Phật bao gồm một tỉ thế giới; và cõi Cực Lạc lại đi qua hơn mười vạn ức Phật độ tức khoảng mười tỉ Phật độ [3]

Thế thì không biết bao nhiêu là thế giới; con số đã vượt qua sức tưởng tượng của hắn, và hắn đã quên mất, chỉ phạm vi giải ngân hà Milky Way của chúng ta thôi, con người đã không thể tưởng tượng được, có gì xãy ra trong đó, với vài trăm tỉ thế giới!

Nhìn lại hành tinh (trái đất) mình đang ở, đối với quỹ đạo của thái dương hệ đã quá nhỏ, nay so với một ngân hà Milky Way thì hình dạng trái đất có còn gì để nói!

Thế thì hướng Tây Phật dạy ở đây, không phải là cái hướng của con người cố chấp bé nhỏ, sống trong một thế giới bé nhỏ và ngay cả một giải ngân hà cũng bé nhỏ luôn!

Hắn không dám đi xa nữa, vì chẳng thể nghĩ được, cũng chẳng còn kẹt chấp vào Ðông Tây chi nữa; nhưng để xem kế tiếp thế nào, mà Phật phải nói một bài pháp lạ lùng liên hệ đến những cảnh giới quá sức tưởng tượng!?

 

Vấn đề chúng sanh không khổ chỉ thuần vui, bây giờ hắn đã mạnh dạn hiểu hơn, vì hắn cũng đã tự giải thích chính mình rồi (thế giới Phật, do Ðại bi tâm nguyện chiêu cảm ra chớ không phải thế giới cộng nghiệp của chúng sinh). Bởi vì muốn cho chúng sanh phát tâm cầu sanh về Tây phương Cực Lạc nên Ngài mới nói vui và khổ, chứ thật ra tự nó không khổ không vui. Chúng sanh đã thanh tịnh, hoàn cảnh phải thanh tịnh nên không có vấn đề khổ với vui - vì  chuyển vọng thức thành thật trí thì cả danh từ khổ vui cũng chẳng xuất hiện! Cho nên đoạn kinh có nói: Này Xá Lợi Phất, "Cõi nước Phật kia, còn không có tên ba đường ác thay, huống là có thật".

Tuy nhiên, dù là Ðấng Ðại Giác, lời nói của Ngài cũng không thể không làm chúng sanh nghi ngờ, do vậy Phật phải kể rõ việc vui là vui thế nào, an lạc là an lạc ra sao?

Thật ra Phật không cần kể rõ như vậy; Phật có thể nói ngắn gọn rằng, nơi ấy có cõi Phật A Di Ðà, thật đúng nơi đáng cầu sanh về, thuận tiện con đường tu, các ông nên cầu sanh sang cõi đó. Chỉ cần vậy thôi cũng quá đủ, và các thính giả Bồ Tát, Thánh chúng...sẽ tin ngay mà không cần thắc mắc - do họ dư biết, với Ðấng Ðại Giác không có việc phải nghi ngờ, nhất là những gì Phật đang giảng dạy, đều là giáo pháp thoát ly sinh tử.

Vậy thì chỉ có lý do khiến Phật phải kể rõ ra vì, cho chúng sanh trong thời không có Phật tại thế; và thời điểm đáng nói, ngay thời này vậy (mạt pháp). Quả thật đấng Ðại Giác thương chúng sanh quá mức rồi!

 

Cảnh trí ở Cực Lạc Phật nói thế nào!

Phật nói, ở đó có những giậu rào, lưới chăng toàn thất bảo, có ao thất bảo, có nước bát công đức, có cát vàng óng ánh, lối đi bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, mã não.

Trong ao thì có Hoa sen: xanh, vàng, đỏ, trắng nhiệm mầu thơm sạch v.v. và v.v...

Thật ra không thể nào tả được cảnh ấy, Ðức Phật quá từ bi nên Ngài mới nói chi li cho người thế gian biết vậy; tuy nhiên nếu Ngài không nói thì còn mấy người tin! Vì thế gian ai cũng ham vui, sợ khổ!

Thử hỏi, nơi đây con người thân hình thô kệch, tâm tánh gần như toàn chứa trược phiền ưu não mà vẫn chiêu cảm dệt nên một chút y báo, biến ra ít vài quặng mõ, vàng bạc kim cương...vậy nghĩ xem các bậc Thánh nhơn ở cõi tuyệt đẹp kia, thân hình toàn ánh sáng vi diệu, tâm tánh lại tuyệt tịnh, an nhiên thì y báo chiêu cảm sẽ thế nào! Không lẽ cũng vài hình ảnh  bạc vàng, kim cương, san hô mã não! Chắc chắn cái đẹp nơi đó con người không thể hiểu được; thành ra cảnh đẹp huyền diệu kia phải đành mượn cái đẹp nhất ở thế gian mà tỉ dụ!

Ðiều có thể nghĩ ra, việc tả cảnh đẹp thế nào, sẽ không thành vấn đề, vì tâm đã hoàn toàn trí chơn thanh tịnh, thế còn gì sung sướng giải bày! Ðức Phật há từng dạy "không có hạnh phúc nào bằng sự thanh tịnh của tâm"đó sao!.

Thực tế nghĩ xem, khi tâm người yên tịnh, an vui không dính một chút lụy phiền, thế nhìn cái gì chẳng đẹp; vậy có phải tất cả đều biến thành trân châu ngọc báu! Ngược lại khi ưu buồn khổ tâm phiền não thì còn chi nữa là cảnh, là người! (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, ND)

 

Tả cảnh đẹp xong, Phật liền cho biết tất cả việc như vậy là do trang nghiêm công đức tạo thành. Tất nhiên công đức thù thắng dệt nên cảnh đó chính bởi Ðức Phật A Di Ðà; bằng lời nguyện của Ngài mà thế giới hình thành tươi đẹp. Do công đức tu niệm hằng kiếp, mới có thể lập thành một thế giới y báo trang nghiêm hợp theo chánh báo tuyệt đối thanh tịnh của Ngài.

Nhưng tại sao một mình Ngài lại tạo ra cả một thế giới, và thế giới đó không những tuyệt đẹp bất khả tư nghị, mà còn có thể tiếp thu dung chứa vô số chúng sanh ở các cõi khác đến sống!?

Một điều hiểu ngay, vì Ngài là Phật, là Ðấng Giải thoát vượt ngoài sinh tử, viên mãn hết thảy vấn đề, và vượt siêu cả ý niệm về vấn đề nữa, nên tự tại hiện thân thế giới thanh tịnh lưu xuất từ Ðại bi tâm của Ngài mà ra.

Tưởng tượng và suy nghĩ việc làm của đức Phật là một trong những điều không thể làm được đối với chúng sanh, kể cả chư Bồ Tát lớn - nên chỉ có thể cố hiểu một cách đơn giản như vậy.

Riêng nghĩ về một chúng sanh, tức nghĩ về tự ngã của mình, thì rõ ràng hoàn toàn không thể sánh được với bậc Giải Thoát, tuy nhiên mình cũng có một thế giới, thế giới phiền não Tham, Sân, Si!

Tự mỗi người mang theo ba nghiệp ô nhiễm dù mức độ khác nhau, nhưng dòng tâm thức bất tịnh chảy chung về hành khổ, do vậy không thể tự lực chiêu cảm thành một thế giới theo sở hạnh của mình, mà phải chịu lực kéo của nghiệp thức về chung, đồng tạo nên thế giới khổ.

Tỉ dụ đại khái, một đứa bé năm bảy tuổi phải luôn luôn sống theo hoàn cảnh của người lớn; người lớn làm thế nào chúng phải đi theo làm vậy (nghiệp lực phải chịu). Và dù chúng có đến trăm đứa, ngàn đứa chúng cũng không thể làm nên một xã hội, bởi vì chúng chưa đủ hiểu biết (chưa chứng đạo giải thoát). Với người lớn, dù một người cũng có thể hơn chúng đến hàng trăm, và có thể lập ra hoàn cảnh chỉ dạy cho chúng để trở thành một xã hội (Người tự tại giải thoát). Một người lớn trưởng thành, tự người đó đã có trong người một thế giới, vì có đầy đủ hiểu biết. (Ðó là vị Phật có đủ nguyện lực làm nên thế giới).

 

Ngoài cảnh tuyệt đẹp ở Cực Lạc, lại được tả, có nhiều loài chim hót múa, đặc biệt những lời hót ca đó là những bài pháp ca ngợi giáo pháp giải thoát của Như Lai. Tất nhiên, chúng ta hiểu ngay, loại chim đây không phải như các chú chim ở thế gian xuất hiện do nghiệp đọa tái sanh - chim đây (ở Cực Lạc) là phương tiện hóa hiện dệt nên cảnh trí tuyệt vời của giải thoát, mà như Phật đã phá nghi cho Ngài Xá Lợi Phất: "Này Xá Lợi Phất! Ông chớ cho rằng, những giống chim này thật do tội báo mà bị sanh ra. Tại vì sao thế?

-Vì cõi Phật ấy không ba đường ác.

-Này Xá Lợi Phất! Cõi nuớc Phật kia, còn không có ba đường ác thay, huống là có thật. Các giống chim đó đều là biến hóa, chúng đều do đức Phật A Di Ðà, vì Ngài muốn cho tiếng diễn nói pháp, lan khắp các nơi, nên biến hóa ra.

(Xá Lợi Phất, nhữ vật vị thử điểu thiệt thị tội báo sở sinh. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ vô tam ác đạo chi danh hà huống hữu thiệt. Thị chư chúng điểu giai thị A Di Ðà Phật dục linh Pháp âm tuyên lưu biến hóa sở tác).

Hòa theo tiếng chim nói pháp, còn có gió thổi phát vào các hàng cây báu, những hàng lưới ngọc, tạo nên vô số âm thanh nhạc điệu nhiệm mầu, khiến tạo phương tiện phát khởi Bồ Ðề Tâm.

-Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy gió nhẹ thổi động những hàng cây báu và những lưới báu, thì cây và lưới vang tiếng nhiệm mầu cũng ví dụ như trăm ngàn thứ nhạc cùng lúc hòa tấu, người nghe tiếng này, tự nhiên sanh tâm niệm Phật, Pháp, Tăng.

- (Xá Lợi Phất, bỉ Phật quốc độ, vi phong xuy động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng xuất vi diệu âm, thí như bách thiên chủng nhạc đồng thời cu tác; văn thị âm giả, tự nhiên giai sinh niệm Phật, niệm Pháp, niệm tăng chi tâm).

Những bài pháp được các loài chim phát ra như kinh nói: Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phận, bát Thánh đạo phận và nhiều pháp khác.

Ðây là các pháp nằm trong phần Ðạo (37 phẩm trợ đạo)[4] của Tứ Diệu Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo), vốn thật quan trọng và căn bản trên bước đường tu. Mỗi pháp, nếu y theo thực hành tinh tấn đủ đưa hành giả an tâm vào con đường giải thoát.

Ở đây có thể thấy, dù lý tưởng thực hiện được thế giới Cực Lạc qua sự kiện khó nghĩ bàn, nhưng phần nhiệm mầu chim nói pháp, gió hòa vui Tam Bảo lại khai ra con đường hành đạo thiết thực, cụ thể ở thế gian đó là ba mươi bảy (37) phẩm trợ đạo.

Tiếp theo Phật dạy, "Phật kia vì sao danh hiệu của Ngài là A Di Ðà? "(Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Ðà?) và rồi giải thích, "Bởi vì quang minh (ánh sáng rực rỡ) của đức Phật ấy không có hạn lượng, soi các cõi nước ở khắp mười phương, không bị chướng ngại, cho nên hiệu Ngài là A Di Ðà "(bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A Di Ðà)

Nên hiểu, đã là Phật thì vô cùng diệu dụng trang nghiêm sáng lạn không thể nghĩ bàn được, tuy vậy phần thị hiện độ sanh mỗi vị Phật có thể mỗi nguyện lực khác nhau. Như Phật Thích Ca thị hiện vào thế giới nhiễm ô này để độ chúng sanh, và Ðức A Di Ðà lập nên quốc độ tiếp dẫn người vãng sanh. Lại còn không ít chư Phật, vì nguyện lực phương tiện gần gũi chúng sanh, mà cứ mãi hành nguyện như hạnh nguyện Bồ Tát. Cho nên chúng ta chỉ hiểu nơi đây, Phật tán thán nguyện lực của Phật A Di Ðà, chứ chư Phật mười phương cũng không gì khác. Hơn nữa Phật đang giảng dạy về cõi Cực Lạc Tây phương thì Ngài phải dạy riêng như vậy.

Ðến đây Phật nói, dân chúng ở cõi Cực Lạc. Việc khó tưởng là,"Thọ mạng Phật ấy và nhơn dân Ngài, lâu dài đến số vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp..."(bỉ Phật thọ mệnh, cập kỳ nhân dân vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp...)

Thọ mệnh của Phật A Di Ðà lâu là đương nhiên, nhưng người dân ở đó cũng lâu như Ngài quả thật là một điều huyền diệu không tưởng.

Nhận xét mà thấy mỗi một thế giới, sự hiện hữu của các chúng sanh hẳn phải khác nhau. Chúng sanh mang tình thức cao, thấp ra sao sẽ có lối sống thích hợp tương xứng.

Không thể lấy hiểu biết ở thế giới nào đó hội nhập vào thế giới kia và ngược lại.

Người (tạm gọi) sinh ra ở thế giới Cực lạc là do hóa sanh, hóa sanh từ hoa sen. Quả của hóa sanh vào liên đài do nhân phát Bồ Ðề tâm cầu được vãng sanh, gặp Phật thành đạo độ chúng sanh. Do tâm nguyện vậy kết nên giác thức biến hiện, chiêu cảm hòa nhập vào Từ quang là ánh sáng chân thức của Phật, thành ra trong khoảnh khắc bỏ xác thân liền thấy Phật cùng chư Thánh chúng hiện ra tiếp đón. Ðó tạm gọi chuyển mạng thân thành thức thân đi vào thế giới thanh tịnh.

Người thường, không hiểu, không tu trì, chẳng chuyển được gì cả; mạng thân mất đi vẫn nguyên vẹn tái tạo mạng thân khác, và kết quả của mạng thân mới là do nghiệp lực dẫn vào. Chúng ta xuất hiện thế giới này, do thai sanh; thai sanh là quả của nhân ái dục, nên ô nhiễm uế trược thành ra xác thân cục mịch thô phù[5]và tất nhiên tuổi thọ khác xa với các vị ở thế giới Cực Lạc, bằng sắc thân trong sáng như kim cương.

Ngay chính Phật Thích Ca Ngài đã giải thoát hoàn toàn, đã thanh tịnh thân tâm tuyệt đối, đã không khác chư Phật mười phương, nhưng với thế giới gồ ghề uế trược Ta Bà, thân phương tiện của Phật cũng phải già nua và cuối cùng không trụ thế được nữa.

Tuổi thọ Ngài ra đi cũng phải hợp theo kiếp số chu kỳ con người, mà không thể sống thọ như các bậc thượng nhân ở cõi Cực Lạc. Do đó ta thấy, Phật Thích Ca thọ tuổi như con người Ta Bà, và cũng thế, dân chúng Cực Lạc tuổi thọ như Phật A Di Ðà không khác.

Nhưng nếu hỏi, người ở Cực Lạc chưa thành Phật làm sao ngang tuổi thọ với một vị Phật?

Ta có thể biết, vì ngay khi hóa thân từ hoa sen đi vào cõi Phật, họ đã chắc chắn thành Phật tương lai, như Phật Thích Ca thường dạy ‘Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành’. Lại xin lưu ý, nói đức Phật Thích Ca tuổi thọ như con người là nói theo thế gian, trụ sắc tướng vô thường chớ đã là Phật thì bất cứ điều gì cũng không thể nghĩ bàn được. Trong kinh Niết Bàn [6]xác nhận điều này như sau:

"Nầy Ca Diếp! Ông chẳng nên ở nơi Như Lai có quan niệm là diệt tận.

Nầy Ca Diếp! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nhẫn đến ngoại đạo ngũ thông thần tiên, hạng được tự tại, hoặc sống một kiếp hay ít hơn, ở giữa hư không đi đứng nằm ngồi tự tại, nách tả phun lửa, nách hữu vọt nước, thân tuôn khói lửa, nếu muốn sống lâu thời được như ý muốn. Ðối với mạng sống, hoặc dài hoặc ngắn đều tự tại. Người được ngũ thông còn đặng thần lực tùy ý như vậy, huống là Như Lai đặng sức tự tại đối với tất cả pháp, mà lại không thể ở đời hoặc nửa kiếp, hoặc một hai kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc vô lượng kiếp sao ? Vì những nghĩa ấy phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi.  Thân của Như Lai đây là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực. Vì độ chúng sanh nên thị hiện đồng với chúng. Vì vậy nên thị hiện bỏ thân mà nhập niết bàn.

Vậy kết luận rằng, người dân ở Cực Lạc nhứt định thành Phật không sai, nên mới đồng mệnh tuổi thọ với Ngài.

 

"Phật A Di Ðà thành Phật đến nay đã mười kiếp "(A Di Ðà Phật thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp). Ðức Phật dạy rõ như vậy, cho chúng ta hiểu một sự thật rằng, Phật A Di Ðà đang là giáo chủ ở đó (Cực Lạc).

Ghi nhận sự thật này đủ làm nền tảng không thoái chuyển cho việc nguyện sanh về thế giới kia. Riêng vấn đề kiếp số, ta chỉ tạm hiểu ít phần để biết phước báo công đức của hai cõi, Ta Bà và Tịnh Ðộ Tây phương chênh lệch khó tưởng.  Theo Phật học ước tính, một tiểu kiếp là mười sáu triệu tám trăm ngàn năm,(16.800.000) [7]nhưng tuổi thọ của người dân Cực Lạc cùng với Phật A Di Ðà là vô lượng vô biên kiếp; vậy nên không cần phải suy tính, mà chỉ hiểu rằng phước báo công đức không thể nghĩ bàn được.

 

-Này Xá Lợi Phất! Ðức Phật ấy có vô lượng vô

biên đệ tử Thanh Văn toàn A La Hán, chẳng phải tính toán mà có thể biết số Thanh Văn ấy, các chúng Bồ-tát lại cũng như thế. (bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Thanh văn đệ tử giai A La Hán phi thị toán số chi sở năng tri, chư Bồ Tát chúng diệc phục như thị).

Ðoạn này nhấn mạnh, người sanh Cực Lạc có đủ chúng hội, chứ không phải người ta thường nghĩ chỉ là hạng căn cơ thấp, nương nhờ Phật lực. Lại biết, tất cả chúng đệ tử của Ngài đều lấy Bồ Ðề tâm xây dựng tâm cảnh của mình, nên dù gọi Thanh Văn, Bồ Tát vẫn là tâm nguyện chung hằng mong cầu quả Phật trọn độ chúng sanh. Từ tâm Bồ Ðề vậy, các vị đều là bậc bất thối chuyển, do đó Phật dạy "..chúng sanh sanh về, đều là những bậc không còn thoái chuyển"

(chúng sanh sanh giả giai thị A Bệ Bát trí).

Hành giả tu niệm Phật tức liền đã tích lũy vào mình tâm nguyện tha thiết độ sanh, bởi khi sinh sang cõi kia dù là bật hạ phẩm thấp nhất cũng trở thành bất thoái chuyển.

Ðiều này, ngay tại quốc độ uế trược không thể tin, người niệm Phật đang mang tâm Bồ Ðề cao lớn như thế; vì thứ nhất, niệm Phật không hiện công phu khó khăn; thứ hai, người niệm Phật lại toàn đa số các cụ già, hay các sư thầy đang trong tuổi của vô thường kề cận.

Nhưng lời Phật dạy không bao giờ sai, cận tử nghiệp nói lên được một người chuẩn bị đi vào cõi sống khác.

Tuy nhiên cũng cần nhận định rõ thêm; một người chưa bao giờ niệm Phật, không bao giờ mở được một tiếng Phật ngay phút lâm sàng (Hiện rõ giờ phút đau đớn trên giường bệnh). Thậm chí có người đã là Phật tử đã biết đi chùa lễ Phật đã xem kinh cũng nhiều, vẫn tin Pháp môn niệm Phật, nhưng giờ lâm chung chẳng thể niệm được một câu. Không phải hoàn toàn do bệnh gây ra đau đớn niệm không được, mà phần lớn không đủ niềm tin, không đủ quyết tâm cầu Phật lực; lại do đương sự không tự lực tầm kiếm nên không đủ nhân duyên. Nhưng hơn nữa, có người đã tin niệm Phật, có thực hành, ấy vậy khi mất không hiện tướng vãng sanh; dù ít ra cũng hiện vài điều an bình khi ra đi, ngược lại không một dấu hiệu chi! Chính vài điểm này, người niệm Phật hay ái ngại có được sanh về nước Phật không!

 

Khi thần thức thoát ra từ ngũ uẩn hư hoại, việc còn lại phủ quanh thần thức là nghiệp lực; thần thức sẽ mất thăng bằng khi không có lực khác hướng dẫn ngoài lực chính mình chiêu cảm ra. Ví như lạc vào hoang đão không một bóng người, việc sinh tồn chỉ còn trông vào khả năng đương sự; nếu đương sự chỉ là người từ nhỏ đến lớn sống bằng sự nuôi nấng chăm lo của người khác, tất nhiên sẽ chết mất trong vài ngày. Nếu đương sự là người bươn trải lăn lóc kinh nghiệm cuộc đời, bằng kiến thức thực tế học đường, xã hội, chắc chắn đương sự kéo dài được mạng sống và có thể được người tìm ra cứu nguy.

Ðược sanh vào thế giới Phật, nghiệp thiện không chưa đủ, vì có thuần thiện cũng chỉ gieo duyên ở cảnh trời hay cảnh người giàu sang phú quý. Hẳn nhiên niệm Phật không ai lại mong làm người giàu sang, hoặc sanh cõi trời hưởng lạc. Vậy thần thức sẽ xuôi về ánh sáng do chính nghiệp của mình tạo ra, và nếu trong lúc sắp bỏ thân đi, câu niệm Phật sẽ theo thần thức tạo ra ánh sáng dịu dàng đượm màu giải thoát, từ đây chiêu cảm với ánh sáng Phật và Thánh chúng, nên nhẹ nhàng buông bỏ tất cả.

Ðó là tự lực niệm Phật của mình chiêu cảm vào thế giới Phật, chớ không phải Phật và Thánh chúng chỉ hiện ra với người thiện và không bao giờ đến với người ác. Nếu quả thiệt vậy Phật đâu có từ bi! Tất cả là do chính chúng ta quyết định, chuyển vọng thành chân, chuyển mê ra ngộ, chuyển thức thành trí. Do thế câu niệm Phật thật quan trọng ngay khi sắp lìa xác thân, chuẩn bị sáng suốt đi tìm ánh sáng của Phật và chư Thánh chúng. Và dù bên ngoài đôi khi mục kích không hiện tướng lành ra đi, nhưng bên trong của thân xác đó đã được an tâm qua danh hiệu Phật, vì thần thức bấy giờ rất tinh nhuệ có thể ghi nhận hết những diễn tiến linh hoạt chung quanh, do đó ta không thể tuyệt đối căn cứ bên ngoài, mà đánh giá, hay bỏ lỡ cơ hội trợ giúp hộ niệm cho người. 

Việc nữa nếu khăng khăng chấp chặt phải hiện tướng vãng sanh, thì khi trường hợp tai nạn bất thần, làm sao niệm Phật!

Thời Phật tại thế, đệ tử Ngài cũng đưa ra câu hỏi như vậy. Và Ngài đáp lại bằng tỉ dụ - có một loại cây, khi lớn thân nó có khuynh hướng nghiêng về một bên, vì nghiêng như vậy nên gặp gió bão thổi vào, bất cứ hướng nào nó sẽ chắc chắn chỉ ngã về hướng đã nghiêng. Ðiều này ví người có tu hành khi chết biết được nơi mình ra đi; ngược lại thân cây đứng thẳng, ví người không tu, nó sẽ bị ngã bất cứ hướng nào mà không lường biết được.

Như thế điều chuẩn bị thực tế, hãy tạo cho tâm thức ta có khuynh hướng nghiêng ngã về một bên như tỉ dụ trên, tức hãy niệm Phật khi thân xác còn khoẻ mạnh; được vậy việc chứng kiến cảnh người biết niệm Phật ra đi thế nào sẽ không còn lo lắng nữa.

 Ngược lại ra đi trông thấy nhẹ nhàng, nhưng không câu niệm Phật thì không thể đi vào thế giới Phật; chỉ trừ các bậc Bồ Tát với tâm nguyện trở lại độ sanh, hay các vị đã nhuần tâm đại bi gần như tâm Phật nên chẳng ngại thế giới nào, để rồi mục tiêu cũng trở về cõi Phật. Ngoài ra tất cả đều lọt vào quả báo hữu lậu, ở cõi trời, người, mà sau này không chừng lại là nhân khổ cho quả tương lai.

Phật cho biết với số lượng các bậc Bất thối chuyển, trong đó lại có nhiều vị Nhứt-sinh Bổ-xứ sanh sang cõi Cực Lạc thật không thể kể được.  "Cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về, đều là những bậc không còn thoái chuyển, trong ấy có nhiều vị đại Bồ Tát Nhứt sanh bổ xứ, số này rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết cho hết. Chỉ có thể dùng con số vô lượng vô biên a tăng kỳ để nói mà thôi ". (Cực Lạc quốc độ chúng sinh sinh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí, kỳ trung đa hữu Nhất sinh Bổ xứ, Kỳ số thậm đa, phi thị toán số sở năng tri chi đản khả dĩ vô lượng vô biên a tăng kỳ thuyết)

Các vị Nhứt-sinh Bổ-xứ, tại nơi Cực Lạc này các Ngài sẽ được thành Phật mà không cần phải sinh lại bất kỳ nơi đâu nữa (nhứt sinh), vậy đây là nơi các Ngài sanh đến để làm Phật.

Cũng hiểu rằng, riêng các thượng nhân khác dù sanh ở hạ phẩm cũng vẫn thành Phật tương lai, tuy nhiên thời gian thành đạo so với các vị Nhứt- sinh có phần chậm hơn.

 

Một vị Phật xuất hiện vào một thế giới, quả thật hiếm, khó vô cùng, như Phật Thích Ca thị hiện vào Ta Bà đến nay đã hơn hai ngàn sáu trăm năm (2600); thời gian này đối với cõi trời và thế giới Bồ Tát thì thật ngắn, nhưng đối với chúng ta quả thật dài. Nhưng nếu chờ vị Phật tương lai xuất hiện, kinh sách nói có thể cả triệu năm nữa!! Ðây cũng chỉ ức đoán thôi, tuy nhiên điều chắc chắn, khi nào không còn một lời kinh tiếng kệ của Phật hiện tại, Phật tương lai mới xuất hiện để quay lại chu kỳ độ khổ chúng sanh. Chừng ấy, không biết chúng ta sẽ là chúng sanh gì, và sanh ở đâu nếu như không tu! Và tu mà không sanh vào thế giới Phật thì biết đâu ta lại trải qua, vượt qua thời Phật tương lai đến 2600 năm, rồi lại thở than rằng bất hạnh sống đời mạt pháp y như ngày hôm nay! Ôi thật sợ, sợ lắm!

Biết rằng, quả thật hy hữu sanh được thời còn giáo lý giải thoát, vậy mà ở Cực Lạc số Phật tương lai (tương lai thật gần và chắc chắn) nhiều không thể nghĩ bàn; nếu sanh được về đó, ta sẽ may mắn dễ dàng gặp các Ngài, lại còn may mắn làm bạn nữa ‘các vị Bồ Tát bạn lành với ta’. Rồi mặc sức mà chọn một vị làm bạn thân! Ðể khi vị ấy thành Phật chúng ta sẽ là những đệ tử đắc đạo bên Ngài như các đại đệ tử A Nan, Ca Diếp ...của Phật Thích Ca vậy.

Thật ra ngay khi có mặt ở Cực Lạc, tất cả sẽ là Phật trong tương lai thật gần, vì thắng duyên đã đầy đủ, chỉ có vấn đề chờ thời gian tròn đủ phẩm hạnh, để hiện vai trò chư Phật, độ hóa chúng sanh.

Vì sao biết được sinh ở Cực Lạc tương lai chắc chắn thành Phật? Vì Phật Thích Ca dạy, các vị thượng thiện nhơn ở Cực Lạc, trong đó có nhiều vị nhất sinh bổ xứ; Nhứt sinh bổ xứ, có nghĩa một vị Bồ Tát đã đầy đủ phẩm hạnh sẽ được thọ ký lên ngôi Phật, từ đó tùy duyên thị hiện vào một thế giới nào đó độ chúng sanh. Và quả vị Nhứt sinh bổ xứ vậy chỉ là lần lượt mọi người dân ở Cực Lạc sẽ đi đến mà không bao giờ thối lui. Cho nên các vị thượng thiện nhơn, còn được gọi là Bất Thoái Bồ Tát.

 

Ý nghĩa và hành động của Bất Thoái, thật quan trọng thiết yếu trong việc tu hành dù ở bất cứ thế giới nào. Ngay thế giới Cực Lạc, các vị Bồ Tát trong tâm nguyện thành đạo cũng phải  nương gần với nhau để tròn đủ Bồ Ðề Tâm, để được bất thoái; và hẳn mọi nơi thế giới, Bồ Tát cũng phải mong cầu thỉnh Phật lưu trú mới được trọn phần viên mãn chứng đạo giải thoát - nếu như không thể thỉnh Phật được, phải tìm cách đi đến chỗ Phật mà trang nghiêm thêm phẩm hạnh của mình. Bằng chứng kinh Vô Lượng Thọ Phật dạy: "Chẳng những ở cõi ta, mà các cõi khác cũng đều có các Bồ Tát vãng sinh sang cõi Cực Lạc",

Phật còn kể ra danh hiệu mười ba (13) cõi Phật, nơi có các Bồ Tát vãng sanh sang Cực Lạc như: Cõi Phật Viên Chiếu, Phật Bảo Tạng, Phật Vô Lượng Âm, Phật Cam Lộ Vị, Phật Long Thắng, Phật Thắng Lực, Phật Sư Tử, Phật Li Cấu Quang, Phật Ðức Thủ, Phật Diệu Ðức, Phật Nhân Vương, Phật Thượng Hoa và Phật Vô Úy.

Cụ thể sự thật này là Phật nói rõ số lượng Bồ Tát bao nhiêu ở mỗi cõi được vãng sanh. Và trong mười bốn cõi (14) (tính luôn cõi Ta Bà), thì hai cõi Phật Vô Thượng Hoa, và Phật Vô Úy, được tả nhiều nhất.

Phật lại dạy thêm: "Chẳng những chỉ có các vị Bồ Tát trong mười bốn cõi Phật ấy được vãng sinh, mà còn rất nhiều Bồ Tát ở mười phương thế giới cõi Phật số được vãng sinh, cũng nhiều như vậy. Nay ta chỉ nói lược danh hiệu chư Phật mười phương và các Bồ Tát, Tỉ Khưu, được sinh sang cõi ấy. Nếu nói rộng ra, thì suốt đêm ngày, trong cả một kiếp, cũng không thể hết được". [8]

Sự có mặt của đấng toàn giác (Phật) mới chắc chắn dễ dàng làm cho hành giả giữ được Bồ Ðề Tâm bất thoái. Thời Phật Thích Ca tại thế, các đệ tử luôn luôn tìm cách gần Ngài, cho dù chỉ nhìn thôi cũng thấy ‘ấm lòng’, đây không nói riêng các vị chưa đắc quả Thánh, mà hết thảy, từ người mới vào đạo đến các trưởng lão với quả Vô sanh (A La Hán). Do thế, khi nghe tin Phật tuyên bố sẽ vào Niết Bàn, một số đệ tử đã sám hối Ngài, xin xả thân trước, vì không chịu đựng nổi, còn sống mà thiếu vắng Ngài!

Nhưng tại sao các đệ tử lớn của Phật, kể cả chư Bồ Tát đã hiểu được sanh tử, đã lãnh hội được chân lý Phật dạy và thực tế với quả vị chứng đắc đã cao, lại phải luôn luôn muốn gần Phật?

Câu trả lời đơn giản, vì các Ngài muốn thành  Phật cho mau mà thôi! Các Ngài muốn được nghe, từ kim ngôn Phật thọ ký xác nhận rằng, địa vị các Ngài sẽ thành Phật, dù dư biết các Ngài sẽ thành Phật tương lai. Hay nói đúng hơn các Ngài vẫn luôn luôn tự cho các Ngài không đáng gì cả, để khi gần gũi Phật mới thực tế học được điều Phật dạy. Và có lẽ đúng hơn nữa, là chỉ có quả vị Phật mới độ được mọi chướng duyên nghịch, thuận của chúng sanh, cho nên lý do đó mà các bậc Bồ Tát muốn thành Phật sớm - lại cộng thêm Bồ Ðề Tâm quá mạnh. Chứ không phải phàm phu chúng ta tưởng, rằng các bậc Bồ Tát lại còn sợ lo cho mình không thành Phật!

Thế nhưng vẫn có trường hợp lo sợ chính mình lâu thành Phật, nên các Ngài phải mong gần Phật, để sanh vào thế giới chỉ có tiến chớ không lui, như là thế giới Cực Lạc vậy.  

 

Bây giờ xét lại thế giới chúng ta hiện thời; nếu muốn được tâm tu bất thoái phải làm thế nào; trong khi Phật Thích Ca đã tịch hơn hai ngàn sáu trăm năm (2600), và chư Thánh Tăng, Bồ Tát cũng không còn nữa - nếu có thì không biết các Ngài ngụ ở đâu! Khó tìm hơn, các Ngài lại không tự cho mình là Thánh, nên đã khó lại gặp khó thêm!

Âu vẫn còn duyên lành cho ta, đó là lời Phật trong kinh, và giới luật làm nền tảng học Phật. Vậy ta chỉ có thể trở thành tinh tấn học Phật qua việc, ôn đi ôn lại lời Phật dạy, và nhiếp tâm hằng sống với tâm niệm cầu sanh về nơi nào có đủ thắng duyên gặp Phật.

Ta phải dùng thân cầu thấy Phật bằng cách gần đạo tràng lễ Phật đọc kinh, và dùng tâm để cầu sanh đất Phật, là hằng tưởng niệm Phật mong được sanh về Cực Lạc. Ðó là điều cơ bản để giữ được tinh tấn, cũng là phần tạo cho ta không thối lui trước nghịch cảnh đang bủa vây trong đời.

 

-Xá Lợi Phất! Chúng sanh được nghe, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh nước ấy. Tại vì sao vậy? - Vì được cùng với các bậc Thánh chúng thượng thiện như thế sum họp một chỗ. (Xá Lợi Phất chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc. Sở dĩ giả hà? Ðắc dữ như thị chư Thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ ).

Rõ ràng là lời từ bi thương xót chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ, nên Phật khuyên ngay, rằng khi nghe, nên phát nguyện sanh về Cực Lạc. Rồi tiếp nói nguyên do, để người muốn sanh, hiểu được tại sao phải sinh sang nước đó. Hỏi và tự trả lời của Phật, nhấn mạnh cho người còn nghi ngờ, nhất là những người cảm thấy mình tội lỗi, nghiệp ác sâu dày làm sao sanh được vào nơi trang nghiêm thanh tịnh!

Phật nói: Vì được cùng với các bậc Thánh chúng thượng thiện như thế sum họp một chỗ. Phần trên đã có đề cập là số lượng chư vị Bồ Tát nhiều vô số, mặc sức mà ta tìm làm bạn; đến đây đoạn này thấy rõ, ta sẽ cùng chư Thượng thiện nhơn sống chung một nơi. Ðã sống chung một nơi lo gì không ảnh hưởng!

Ðời nay người tu, mà được sống gần một vị Thánh thì quá sung sướng! Chẳng hạn hiện thời thế giới chúng ta có Ngài Ðạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn (14), Ngài là vị Thánh Tăng sống thật đối với dân tộc Tây Tạng, nhưng lại vượt không gian quốc thổ, sắc tộc của Ngài, để được mọi người hầu như công nhận Ngài thật dễ thương đáng kính. Bằng chứng cụ thể, những buổi thuyết giảng của Ngài số người tham dự đến nghe, thường vượt khỏi con số mười ngàn; đặc biệt thính giả tham dự đó, tất cả đều chẳng màng gì tôn giáo! Bởi vì họ chỉ đến nghe một Thánh Tăng nói ra một chân lý!

Việc này thế giới ngày nay, chưa thấy có người thứ hai nào, có sức thu hút như Ngài. Nhưng Ngài nói Chân lý gì ? Chân lý tình thương và giải thoát. Và tình thương giải thoát đó chỉ là lời Phật dạy, mà Ngài đã biểu thị được một nhân cách của bậc đáng yêu, để người ta phải gọi Ngài là Thánh.

Thế thì thế giới Ta Bà hiện nay, chỉ xuất hiện không quá hơn một vị Thánh; (đây không kể thêm, chắc chắn còn có các bậc Thánh khác ẩn tu đâu đó chưa xuất hiện) mà con người đôi lúc cảm nhận thấp thoáng niềm vui, vậy thử hỏi được sống trong một đất nước toàn dân đều như Ngài Ðạt Lai Lạt Ma thứ XIV, thì niềm vui sẽ thế nào! 

Nhưng nơi Cực Lạc, Phật dạy toàn các bậc Thượng Thiện nhơn! Ta hiểu điều này hẳn là sự thật, chứ không phải hoang đường, vì ít ra nơi đây, nơi Ta Bà uế trược này đã có Thánh sống.

Nếu như lại tưởng, ta khó hòa nhập nơi đất Thánh, thì kinh đã dạy ‘Phàm Thánh đồng cư’.  Nơi đó không có phân biệt, kỳ thị, chỉ là sự dìu dắt tất cả hòa vào dòng suối thanh lương tươi mát của dòng Pháp vị giải thoát mà thôi.

Người mới vào, tâm còn thô, nhìn người khác với tâm thức nhẹ nhàng, thì tâm thô chuyển thành nhẹ. Người tâm không quá thô, cũng chưa thanh nhẹ lắm, nhìn chư Thánh Bồ Tát lại mau hóa thành tâm nhu nhuyển, siêu nhiên; cuối cùng tất cả là sự thị hiện từ bi để nâng đở hòa vào từ thô đến tế.

"Xá Lợi Phất! Chẳng thể dùng một nhân duyên, phước đức, căn lành nhỏ ít được sanh nước đó". (Xá Lợi Phất, bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên, đắc sinh bỉ quốc)  

Ðây Phật dạy được sinh về Cực Lạc không phải là dễ! Vậy có nghĩa chỉ niệm Phật không thôi chưa chắc đã đủ công đức; phải còn những điều kiện khác và điều kiện đó là làm sao cho có nhiều công đức, hay thế nào cho đúng ý nghĩa công đức mới được. Nếu niệm Phật mà chỉ lo cho mình, chưa bao giờ móng khởi tâm độ người khác thì khó thể vãng sanh. Tuy nhiên vẫn có công đức, nhưng việc được vãng sinh phải mất thời gian thật lâu xa, khi phải xoay vần theo phước báo hữu lậu, do chủng tử niệm Phật hóa thành nhân duyên phước báo trong đời tương lai.

Chúng ta hiểu rằng, một người sinh ra đời gặp Phật pháp, rồi tin nhận giáo lý đại thừa; tin có thế giới Phật, và nguyện được sinh sang không phải  việc dễ! Bởi số lượng tu theo Phật thật đông nhưng thật tin Pháp tha lực, được Phật tiếp dẫn về Tịnh độ (đất Phật) thì chắc không nhiều.

Ðó là nói theo đúng nghĩa của thật tin, vì chúng ta đã chẳng thấy nhiều người tự tại vãng sanh, trong khi vẫn đang tu theo pháp tu niệm Phật. Vậy, vì không đủ niềm tin kiên cố, nên khi mất đi sẽ khó vãng sanh  -  một số có lẽ sanh về cảnh trời và một số lại trở về cảnh người hưởng phước.

Số vào cảnh người chắc chắn may mắn hơn vì không quá sung sướng như cảnh trời, nên chủng tử của kiếp vừa rồi còn đó, đủ khơi dậy dẫn họ vào Phật pháp.

 Một số sanh cảnh người lại lặn lội trong việc nghiên cứu, nhưng cuối cùng cũng quay về pháp tu niệm Phật, do duyên đã niệm Phật kiếp trước; cứ như thế họ giữ được nền tảng Phật chất mãi trong kiếp sống, và mãi mãi cho đến khi niềm tin kiên cố chín muồi, bấy giờ niệm Phật sẽ đi ngay vào thế giới Phật.

Thời gian để được niềm tin kiên cố lâu mau không thể biết được, nhưng bao giờ chưa thật tin để thực hành theo niềm tin kiên cố, thì vẫn còn quay mãi trong vòng luân hồi của trời, người, hay tệ hơn lạc vào thế giới thấp khác.

Cũng chẳng nghi ngờ gì, tại sao biết Phật pháp lại đi lạc vào thế giới thấp khác! Vì có khi vừa tạo thiện lại đi đôi với việc ác mà không hay biết!

Còn trong cõi trược, còn mang thân phàm, còn đầy dục tình, còn đủ vọng tưởng... làm sao tránh không tạo nghiệp! Chúng ta ắt tin rằng dưới địa ngục vẫn có nhiều hạng chúng sanh, và không thể không có những chúng sanh cũng một thời là đạo sĩ! Tất cả đều do nghiệp thức thiện ác mà ra.

 

Ngoài niệm Phật kiên cố rồi, hành giả tự chu toàn các duyên thiện đức như lời Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ: ‘ Muốn sanh về cõi ấy, phải tu ba thứ phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành 2. Thọ trì tam quy, giữ trọn các giới, đừng phạm oai nghi 3. Phát lòng Bồ Ðề tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba điều như thế, gọi là tịnh nghiệp.’

Ðược như thế đã đủ thiện căn phúc đức, nhưng đây không phải việc dễ chu toàn; đó mới thấy không thể đơn giản sanh vào thế giới Phật.

Tuy vậy, thực hành niệm Phật vẫn nên một lòng kiên cố, giữ mãi niệm Phật trong tâm, các việc khác sẽ tự hoán chuyển, đó là điều mà chúng ta nghe Phật dạy tiếp sau: "Xá Lợi Phất! Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, được nghe nói đến Phật A Di Ðà, rồi nhớ giữ lấy danh hiệu của Ngài, hoặc niệm một ngày, hoặc hai ngày, hoặc là ba ngày, hoặc là bốn ngày, hoặc là năm ngày, hoặc là sáu ngày, hoặc là bảy ngày, một lòng chẳng loạn thì kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Ðà và các Thánh chúng hiện trước người ấy. Kẻ sắp mất này lòng chẳng điên đảo, liền được vãng sanh cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Ða

(Xá Lợi Phất, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Ðà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhật, nhược thất nhựt, nhất tâm bất loạn, kỳ nhân lâm mạng mệnh chung thời A Di Ðà Phật, dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền; thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sinh A Di Ðà Phật Cực Lạc quốc độ,’

Dù không thể lấy ít công đức được sinh sang cõi Phật, nhưng phần này Phật dạy chuyên niệm từ một ngày hoặc cho đến hai, ba, bốn cho tới bảy ngày, người đó tâm không loạn sẽ được vãng sanh. Chúng ta hiểu, pháp tu niệm Phật chủ yếu nhờ vào tha lực của Phật gia bị và tiếp dẫn, thì phần nhiếp tâm, niệm theo thời gian như vậy có thể nhấn mạnh vào lúc gần lâm chung. Hoặc nhằm trường hợp, hành giả niệm Phật phát Bồ Ðề tâm tha thiết, nên dụng công chí tử quyết về Cực Lạc ngay, do cảm nhận duyên sự thế gian đến lúc phải từ bỏ; và mong vãng sanh sớm để trở lại với thệ nguyện độ tha của mình. Chỉ trường hợp như thế thì dù một ngày, hành giả cũng được thấy Phật cùng chư Thánh chúng hiện đến tiếp dẫn, nên ra đi ngay tức thời mà không bệnh đau chi cả; đây là bậc thượng căn.

Lại suy ra, tùy căn cơ trung, hạ mà được vãng sanh trong thời gian một đến bảy ngày.

Nếu không phải do nhân duyên đầy đủ, hay nguyện lực công phu, hoặc căn cơ tùy thuận, thì dù niệm đủ 10 ngày đến 100 ngày hay mười năm cũng không phải dễ vãng sanh; và ngay việc cần người hộ niệm cho mình cũng còn thấy khó.

Riêng trường hợp sắp lâm chung, có thể dễ dàng hơn nhiều, vì đương sự biết mình sắp chết chỉ mong cầu vãng sanh, do vậy mà niệm tha thiết trong một ngày cho đến bảy ngày. Tuy nhiên trường hợp biết gần lâm chung mà niệm được từ một ngày hay đến bảy ngày, là do nhờ lúc bình thường khỏe mạnh đã thường niệm Phật; nếu không thì, kể cả biết mình sắp chết cũng khó niệm được nhất tâm đến một ngày, huống chi bảy ngày!

Hiện nay có lẽ khó thấy trường hợp không bệnh niệm Phật được tự tại ra đi.

Do đó mới hiểu Kinh nói không sai; và việc thực hành tu niệm là do tâm cảnh con người sai khác, chớ điều Phật dạy bao giờ cũng là chân lý.

Dù vậy ta vẫn thấy vui mừng, vì ngoài pháp tu niệm Phật ra các pháp tu khác không cầu tha lực Phật, thì hành giả đó phải nhất định là bậc thượng căn mới có thể tự tại ra đi vào cõi thanh tịnh - chẳng hạn như cõi sơ thiền đến tứ thiền là cõi sắc giới, hay cao hơn nữa là vô sắc giới như Phi tưởng phi phi tưởng Xứ.

Ðây thật khá cao, tuy vậy vẫn còn trong tam giới chưa thể liễu sinh tử.

Ở cõi cao nhất của Vô Sắc giới tâm thức hành giả đạt đến mức thật sâu trong niềm an lạc; nhưng vẫn chưa liễu triệt các pháp sinh diệt của bản thể nhất như, Niết Bàn của chư đại Bồ Tát và chư Phật nên vẫn bị xoay mòn theo luật vô thường nhân quả, thế là cảnh giới an lạc đó vẫn phải mất đi, và bị dội ngược lại để quả báo phải tìm học lại từ đầu!

Chứng minh này, trong kinh Thủy sám có đoạn nhắc lại lời Phật dạy như sau: Phật bảo ông Tu Ðạt Ða: "Thầy ngươi là Uất Ðầu Lam Phất lợi căn sáng suốt, đã hàng phục được phiền não, đến cõi trời Phi phi tưởng rồi mà khi mệnh chung còn phải đọa vào đường súc sinh làm con phi ly, huống chi người khác."[9]

Còn như tự lực vượt qua được ba cõi, hành giả này phải là Bồ Tát tu lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh, trí huệ) vạn hạnh đến nhuần nhuyễn và theo đó đã đạt từng phần của Thập trụ  [10]. Vậy ra chỉ có bậc thượng căn mới có thể tự tại nhờ vào tha lực rất ít.

Thật ra, ai đã tu Phật lại không nhờ tha lực! Vì có ai không nhờ vào kinh Phật, mà thấy được tánh mình và tánh Phật là một (nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh); chính nhờ như vậy là nhờ vào tha lực.

Ta thử suy nghĩ vấn đề tha lực của Phật liên quan đến kinh điển!

Thật là huyền diệu khi kinh điển có thể dễ dàng tồn tại đến ngày nay, và huyền diệu hơn, ngay thời Phật còn tại thế, người ta đã chưa ghi chép gì, mãi tới khi Phật tịch.

Cho đến vài trăm năm sau, kinh Phật mới được ghi, và không ngờ ghi chép trọn vẹn chân lý của Phật, nhờ vậy người đời sau dù cách Phật cả ngàn năm, y theo kinh tu hành, đã liễu đạo chứng quả để lại bằng chứng nhiệm mầu cho nhân loại chứng kiến không phải là ít - như Lục Tổ Huệ Năng là một minh chứng tuyệt vời! 

Như vậy có phải Phật lực, đã hằng gia hộ cho những người tin Phật để giữ được sự tồn tại kinh điển; và hành giả tu pháp môn nào lại không nhờ kinh mà ra! Cho nên bất cứ ai, hễ tu Phật là có được tha lực của Phật. Như thế hành giả tu Phật nào lại dám cho mình không nhờ tha lực!

Xét ra thấy rằng, người niệm Phật quả thật may mắn, liệu được sức mình, mong cầu tha lực Phật A Di Ðà tiếp dẫn vãng sanh.

 

Xá Lợi Phất! Ta thấy lợi đó, cho nên nói ra những lời trên đây, nếu chúng sanh nào nghe lời nói này, hãy nên phát nguyện sanh cõi nước ấy.

(Xá Lợi Phất ngã kiến thị lợi cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sinh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sinh bỉ quốc độ).

 

Ðức Phật, Ngài đã xác nhận rõ ràng, việc sanh về Cực Lạc là một việc lợi ích, và ai nghe qua hãy nên phát nguyện sinh sang. Ðây là việc hy hữu vượt lên trên mọi hy hữu, bởi chính kim khẩu của Phật ân cần khuyên dạy chúng ta - hơn nữa, đó là sự thật minh bạch, xác nhận một nơi thuận duyên cho chúng sanh làm trụ xứ tu hành.

Thật đúng như thế, bằng không Phật đã cần gì nói ra điều đó, trong khi chính Ngài là đấng giác ngộ hiện diện ngay cõi Ta Bà này - nếu không phải lợi ích trên hết, Phật chỉ cần chọn ra một pháp môn tiện lợi nào đó thật dễ, cho chúng sanh tại nơi đây, cần gì phải nhắc đến một vị Phật đâu đó mà chúng sanh chưa từng thấy nghe!

Lại nữa, như Ngài biết rõ giáo pháp giải thoát vẫn còn tồn tại cả ngàn năm, thì những người tin Phật chỉ cần căn cứ theo vị Phật lịch sử Thích Ca ngay trong cõi này, dễ hơn là tin một vị Phật A Di Ðà ở xa tận mười vạn ức Phật độ! Nhưng, vì công hạnh và nguyện lực của Phật A Di Ðà quá lớn, quá vi diệu với phương tiện độ dẫn chúng sanh quá dễ dàng, do đó Ngài không ngại gì mà không khuyên chúng sanh nên tu theo pháp môn niệm danh hiệu Phật kia. Ðây là việc làm từ bi, thương yêu chúng sanh hết mức, để cố gắng nói ra một pháp tu mà chúng sanh thật khó tin. Thế thì hai tiếng lợi ích không thể đơn giản như thế gian thường hiểu, như là an lành, sung sướng, hạnh phúc, bình an, mà lợi ích đây sẽ dẫn đến giải thoát chấm dứt khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.

Rồi lợi ích đó lại còn chia xẻ đến hàng chúng sanh khác, một khi một hành giả đã sanh về Cực Lạc. Nghĩa là sẽ thành Phật tương lai, sẽ độ vô lượng chúng sanh.

 

"-Xá Lợi Phất! Như ta hiện nay, khen ngợi Phật A Di Ðà, đó là lợi ích của một công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Phương Ðông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu di Tướng, Phật Ðại Tu di, Phật Tu di Quang và Phật Diệu Âm...Có Hằng sa số đức Phật như vậy, Ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài, che khắp toàn cõi đại thiên thế giới, nói lời thành thật "Hỡi các chúng sanh! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm "

 ‘Xá Lợi Phất, như ngã kim giả tán thán A Di Ðà Phật, bất khả tư nghị, công đức chi lợi, Ðông phương diệc hữu A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Ðại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu âm Phật như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật các ư kỳ quốc, xuất quảng tràng thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới thuyết thành thật ngôn:

Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị: ‘xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh’. [11] 

Ðức Phật tán thán ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà; Ngài còn dạy không chỉ chính Ngài tán thán, mà còn có vô số chư Phật ở những phương khác cũng đều biết công hạnh Phật A Di Ðà, và tán thán khuyên chúng sanh hãy tin nhận.

Xác nhận sự thật và công đức lớn lao của Phật A Di Ðà, Phật phải kể ra hình ảnh Tướng lưỡi rộng dài của chư Phật sáu phương hiện ra đồng một lúc để xưng dương tán thán. Ðiều đó được hiểu là những lời nói vô cùng thành thật trong chánh pháp chân lý, nên có sức che khắp toàn cõi đại thiên thế giới.

Việc này chúng ta lại thấy nguyện lực của Phật A Di Ðà lớn thế nào! Lại nghĩ chỉ cần Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta tán thán thôi, cũng đã bất tư nghị rồi, huống chi Ngài dạy, còn những chư Phật ở sáu phương khác nữa, và những chư Phật ở mỗi phương đó lại nhiều như các sông Hằng, tất cả đều ngợi khen tán thán công hạnh của Phật A Di Ðà; nên hễ ai tin nhận sẽ được chư Phật hộ niệm như các Ngài hộ niệm bổn kinh này.

Lời nói của Phật Thích Ca quá từ bi, và lòng từ bi nhất của Ngài, là dạy chúng sinh nên tin nhận mà hành tu theo, tức nên cầu sanh sang nơi đó.

Ngài từ bi đến độ dùng phương tiện nói thật rõ, nêu ra các chư Phật ở những phương kia đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới nói lời thành thật rằng, chúng sinh nên tin kinh này.

Ðã là Phật, lời nói chẳng bao giờ đi ngoài chánh pháp, chỉ có mục tiêu khiến người nghe sinh tâm an lạc, chuyển thành tâm Bồ Ðề hóa thành tâm Phật. Nhưng Ngài cũng phải nhấn mạnh: là chư Phật ở những phương đó nói lời thành thật! Vậy quả là Ngài từ bi đến mức nào!

Vì thương cho chúng sanh, những chúng sanh vào hạng căn cơ quá thấp, hay nghi ngờ, cố chấp; chấp những gì thấy được mới tin, chấp những gì chưa hiểu thì chưa cho là chánh pháp. Nên Ngài không ngại phải nhấn mạnh, như là một sự thừa thải mặc nhiên; vì đã là Phật đâu cần phải nói, lời nói các Ngài thành thật!

Chúng sanh ở hàng mới phát tâm cầu đạo cũng đã sợ nói dối rồi, thì bậc Ðại giác, Ứng cúng, Chánh biến tri lại còn kẹt vào ngôn ngữ thiện ác, nhị biên sao!

Ðối với chư Phật không có việc nhị biên đối đãi như thế gian pháp; tất cả những gì mà chúng ta hiểu các Ngài, là do các Ngài ứng hiện quyền biến phương tiện để độ chúng sanh mà thôi; cho nên do quyền biến phương tiện nên mượn ngôn ngữ, mượn hoàn cảnh con người, thành ra Phật Thích Ca mới mở lời từ bi dạy cho chúng ta, bằng những tỉ dụ thật từ bi mà chúng ta cứ ngỡ là như thừa thải, hiển nhiên.

Nếu như chư Phật lấy cái biết vượt qua phạm trù của thế gian pháp thì ai lại hiểu!

Chúng ta lại biết pháp Phật, ứng hiện chuyển hóa đến những thế giới qua năm thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa, do đó pháp luân chuyển hóa cũng đi theo từng trình độ, chính thế mà trong kinh Pháp Hoa có tả, khi chưa phải đủ duyên, trình độ hiểu biết, thì trước mặt đấng Thế Tôn một số thính chúng đệ tử vẫn tự động bỏ ra! Ðó là do mờ mịt chẳng hiểu gì.

Từ đây nên hiểu, Kinh Phật hiện thời lưu lại thế gian, chỉ là phần cho thế gian hiểu, chứ riêng cho hàng thượng căn thanh tịnh Bồ Tát, có lẽ còn thật nhiều, mà nhân duyên đó có thể đang được lưu giữ ở Thiên cung hay Long cung chẳng hạn! Ấy vậy mà kinh ở thế gian cho thế gian này, ai lại dám tự hào đọc hết! Xin thưa đọc còn chưa hết, nói chi hiểu hết!

Lẽ đó nên biết, hễ là kinh Phật thì không thể nghĩ bàn; và ai đó hiểu được phần nào người đó được lợi ích phần đó. Nếu hiểu mà thực hành theo điều hiểu của mình người đó sẽ đi vào chánh pháp giải thoát rất mau. Nói như thế, vì hầu như số người hiểu kinh Phật có thể thật nhiều, nhưng số người hiểu mà hành theo thì quả thật ít - ngay như kinh A Di Ðà này nói là khó tin, nhưng khi tin rồi quả là thật dễ, dễ cả luôn thực hành; tuy vậy cuối cùng vẫn còn là khó đối với người đã có niềm tin! Vì sao! Vì không luôn thực hành theo, thành ra không còn là dễ.

Với kinh Kim Cang không phải là dễ, nhưng tin mà thực hành theo thì cũng thành dễ, như Lục Tổ Huệ Năng; Ngài chỉ nghe có một đoạn kinh đã củng cố niềm tin, rồi thực hành theo ngay khi được ngũ Tổ (Hoằng Nhẫn) thọ nhận, để chứng đạt được pháp giải thoát, lưu lại cho đời một kỳ tích giải thoát sống động qua lời dạy trong Pháp Bảo Ðàn Kinh. Phi thường siêu tuyệt hơn nữa Ngài đã chuyển sắc thân ngũ uẩn thô kệch hóa thành xá lợi toàn thân hiện hữu đến hơn ngàn năm nay.

Thật ra kinh dạy về pháp tu niệm Phật cầu sanh cõi Phật A Di Ðà, không phải là một dạng kinh dễ tin và thực hành. Vì các kinh khác thường hay tạo cho người đọc suy nghĩ, tư duy so sánh rồi thể nghiệm vào tự thân và hoàn cảnh, cuối cùng xác quyết tin nhận thực hành theo. Những dạng kinh như vậy ta thấy, hầu như đều nằm trọn trong mười hai loại kinh của Phật (thập nhị bộ kinh) như: Trường hàng, Trùng tụng, Thọ ký, Cô Khởi tụng, Tự thuyết, Nhơn duyên, Thí dụ, Bổn Sự, Bổn sanh, Phương Quảng, Vị Tằng hữu và Luận nghị.

Nghĩa là Phật thuyết pháp qua những nguyên nhân chuyện tích tiền thân của chư Phật, Bồ Tát và chính thân Ngài. Hoặc gặp duyên thấy cảnh trước mắt liền lấy đó làm pháp dạy, hoặc cho nhân duyên đệ tử thưa thỉnh vấn nghi, và còn lại là vì muốn thọ ký, khai mở mà tự động nói ra - và đây cũng là việc khó cho hàng đệ tử, vì không nhận được nhân duyên đối với trình độ hiểu biết của mình. Ðây là loại kinh ‘vô vấn tự thuyết’, tức không ai hỏi mà tự nói. Chính tự nhiên như vậy, thường làm thính giả ngơ ngác, lại càng ngơ ngác hơn khi hình ảnh chủ đề nói đến, không nằm trong chánh báo, và y báo ở dạng của thính chúng đang nghe. Hay nói rõ hơn, không giống như những bài pháp, thường mà thính chúng và hoàn cảnh trước mắt được trải qua ở thế gian này.

 Cho nên, có những bài pháp chỉ chư Phật với nhau mới hiểu được, và thật đúng kinh A Di Ðà này là loại pháp chỉ có chư Phật với nhau mới hiểu rõ.

Tuy nhiên ta cũng có thể hiểu được phần nào nguyên nhân Phật nói kinh, và sự liên hệ giữa chư Phật đều nhất quán với nhau trong việc độ sanh.

Phật nói kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ ...kinh mà Ngài khuyên con người nên nhiếp thân khẩu ý thanh tịnh cầu sanh về cõi Phật, thật ra vẫn có nguyên nhân. Nguyên nhân qua hoàn cảnh của bà Vi Ðề Hi đau khổ trong cảnh sanh phải đứa con đại ngỗ nghịch, giết cha hại mẹ; dù bà lại là đệ tử tại gia của Phật.

Trong sự đau khổ đến mức cùng cực bà chợt nhớ Ðức Bổn Sư và từ đây, than oán cho hoàn cảnh; chỉ cầu chết đi mong sanh về thế giới nào không có sự khổ đau như vậy.

Phật thấy rõ hoàn cảnh bà, nên trải lòng từ bi dùng thần lực không thể nghĩ bàn, cho bà thấy cảnh trí trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật mà cầu sanh về; và Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà đã được bà nguyện chọn vãng sanh. Sự kiện này được kể trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nhưng không có nhơn duyên này Phật vẫn nói, đó là trong kinh Vô Lượng Thọ, tuy rằng khởi đầu bằng câu hỏi của Ngài A Nan, thấy dung nhan Phật thay đổi trang nghiêm lạ thường; tất nhiên đây là Phật phương tiện từ bi, khiến Ngài A Nan thưa thỉnh, chớ A Nan không thể hiểu được Phật sẽ dạy gì.

Xét ra Bà Vi Ðề Hi không thể hiểu nỗi có một pháp tu lạ như thế, có thể hóa giải nỗi khổ con người, từ đó lại liễu đạo chứng quả tại nơi vãng sanh kia (Cực Lạc) - Ngài A Nan cũng vậy, cũng không hiểu nguyên nhân hình sắc Như Lai rực rỡ nghiêm tịnh hôm ấy, là khai mở một pháp tu chuyển sinh về thế giới của vị Phật tên A Di Ðà.

Thế thì, đây đúng hợp thời Phật phải khai mở pháp tu niệm Phật, vì lòng từ bi cho chúng sanh trong thời điểm đó, cả đến ngày nay. Và pháp Ngài nói ra cũng là tâm nguyện của Phật A Di Ðà đúng lúc cứu độ chúng sanh; vậy thì Phật Thích Ca vì lòng từ bi tự nói ra ứng theo tâm nguyện Phật A Di Ðà tự phát bốn mươi tám lời nguyện, và lời nguyện độ chúng sanh như vậy lại được Phật Thế Tự Tại Vương thọ ký.

Tóm lại để thấy, Pháp môn niệm Phật này, thật không ngạc nhiên khi chỉ Phật với Phật mới hiểu nhau; vì nhìn chung tâm nguyện chư Phật chỉ duy một nguyện độ sanh và phương tiện thế nào thì chỉ các Ngài mới liễu triệt.

 

-Này Xá Lợi Phất! Ông nghĩ thế nào ? Vì sao gọi là kinh pháp đã được tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm?

-Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam người thiện nữ nào nghe đến kinh này rồi đem thọ trì, và nghe danh hiệu của các đức Phật, thì những thiện nam và thiện nữ đó, đều được tất cả chư Phật hộ niệm, đều được không còn thoái chuyển đối với Thánh đạo vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá Lợi Phất, Ư nhữ ý vân hà? Hà cố danh vi: "Nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm"?

Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thị kinh, thọ trì giả, cập văn chư Phật danh giả, thị chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn giai vi nhứt thiết chư Phật chi sở hộ niệm, giai đắc bất thoái chuyển ư A -nậu đa-la Tam miệu Tam Bồ-đề. Thị cố Xá Lợi Phất, nhử đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết.

 

Ðức Phật giải thích cho Ngài Xá Lợi Phất, kinh này được gọi là kinh mà được hết thảy chư Phật hộ niệm gia bị; bởi vì, nếu có bất cứ hành giả nào nghe danh hiệu Phật A Di Ðà và thọ trì nhớ nghĩ, cũng như nghe qua danh hiệu chư Phật sáu phương, hành giả đó sẽ tạo duyên được sanh về nước Cực Lạc - nơi ấy hành giả sẽ dần đạt được Thánh quả bất thối chuyển, mãi cho đến Quả vị cao nhất là trí tuệ cao thượng của Phật mà được gọi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Ðó là một sự thật mà Ðức Phật đã giảng dạy cho Ngài Xá Lợi Phất.

Tất nhiên chúng ta hiểu, chỉ nghe tên Phật thôi, không thể đạt được giác ngộ, nhưng sẽ được kết duyên trong nhiều đời sau. Ở đây Phật dạy nghe qua rồi thọ trì, sẽ đạt được quả báo thành Phật.

Nhưng ta lại ngạc nhiên, rằng chỉ thọ trì danh hiệu Phật mà được thành Phật!

Sự việc sao dễ đến thế! Người học Phật có quyền thắc mắc, nghi ngờ; tuy nhiên có những sự việc vượt qua trí hiểu biết của mình, thì việc nghi ngờ đó trở thành bất lợi cho mình thôi.

Chúng ta nên nhớ, Phật đã nói, đây là pháp tu khó tin ‘nan tín chi pháp’, và đã khó tin, nên tất nhiên không dễ nhanh chóng chấp nhận. Tuy thế ta cũng vẫn đặt lại niềm tin, dù đây là niềm tin được Phật chỉ dạy nên tin.

Thứ nhất, điều này được Ngài A Nan kể rõ là lời Phật Thích Ca nói ra, chứ không phải vị đại đệ tử nào của Phật dạy, cũng không phải chư Phạm thiên hiện xuống giảng dạy; kể cả ngoài Phật Thích Ca không nghe nói có vị Phật nào xuất hiện lúc đó giảng dạy điều này.

Thứ hai, ngoài Phật Thích Ca và vô số chư Phật sáu phương biết được pháp tu này, không một vị Ðại Bồ Tát hay đệ tử lớn nào của Phật Thích Ca biết được.

Thứ ba đã không ai biết cách cõi Ta Bà mười vạn ức Phật độ có Thế Giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà, thì làm sao biết để dạy cầu sanh về nơi đó.

Ba việc này rõ ràng, xác định được sự kiện xảy ra thế nào và có thật hay không thật.

 Bây giờ thử nhận định thêm, dựa theo lý, sự của pháp tu, xem ta có thành Phật được không, đây mới là vấn đề! Bởi đã có sự thật xuất xứ pháp tu thì phải có sự thật quả báo.

Chúng ta lại trở về tự hỏi như ban đầu; trí Phật đã khó nghĩ bàn, vì thế việc làm của Ngài ta không thể hiểu được. Nhưng ta cũng thử nghĩ xem, thọ trì danh hiệu Phật tác dụng đến đâu!

Niệm Phật là niệm tánh giác của mình, vì nghĩa của chữ Phật là tỉnh thức, sáng suốt, giác ngộ hết thảy các pháp. Khi tâm hành giả luôn thọ trì tánh giác, sáng suốt, ý thức, mọi hành động của mình, hành giả đã lọc sạch được những tánh vô minh ngu muội của vọng thức phiền não.

Khi trong sạch thanh tịnh bằng tánh giác, hành giả sẽ sống an định trong an lạc; bây giờ hành giả đã bắt đầu tạo nên giới hạnh trong đời sống. Nghĩa là hành giả đã sống trong giới phẩm của mình một cách thuần tịnh mà không cần cố gắng.

Hành giả là cư sĩ hay tu sĩ đều hài hòa cả hai mặt, giới tướng và giới thể. Hành giả không còn cố gắng để giữ giới mà đã thanh tịnh giới, vì tâm đã nhiếp vào hành động nên không thể sai ngược.

Giới là nền tảng, là nấc thang đầu tiên đưa đến thành tựu mục tiêu giải thoát, do đó thân tâm hành giả bây giờ mặc nhiên an lạc nhẹ nhàng, và tánh giác mà hành giả thọ trì, tức là danh hiệu Phật, giờ đây dễ dàng nhập tâm khi khơi lên; hành giả chính thức đạt được định. Cuối cùng hành giả sẽ thấy vấn đề sáng ra, giữa hành giả và pháp tu chỉ là một mà không có hai. Hành giả là Phật, Phật là hành giả, nói dễ chấp nhận hơn, hành giả là người giác ngộ, người giác ngộ chính là hành giả.

Ðến đây chúng ta thấy thế nào! Người thọ trì luôn niệm tánh giác, sáng suốt, ý thức mọi hành động theo chánh pháp - khi bỏ thân ngũ uẩn hẳn nhiên dòng ý thức sáng suốt sẽ chảy về nơi thanh tịnh. Hành giả sẽ từ bỏ vọng thức chuyển qua chân thức trong sự nương vào ý thức giác ngộ; và thân trung ấm bấy giờ thay thế cho thức giác sáng suốt, để quay về hình ảnh tươi đẹp của chân thức thanh tịnh, biến hiện hòa vào cảnh Phật (sáng suốt) - tự nhiên hành giả thấy dòng sáng thanh tịnh xuất hiện không khác niệm giác của hành giả, và đó là lúc mà chúng ta gọi là Phật A Di Ðà cùng chư Thánh Chúng hiện đến tiếp dẫn.

Như vậy khi ở nơi ít thuận duyên này (Ta Bà) mà hành giả vẫn tạo cho mình một thắng duyên thanh tịnh, thì nơi thanh tịnh là cõi A Di Ðà có vô số dòng sáng thanh tịnh, việc chuyển thành toàn chân thanh tịnh chắc chắn không khó. Thế là hành giả đã là Phật tương lai, đúng như Phật dạy tất cả sẽ đều được không thối chuyển với Thánh đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Vậy thì đúng là niệm Phật sẽ thành Phật, và ta sẽ thành Phật ở Cực Lạc, nhưng kết quả đó là do nhân duyên niệm Phật ở thế giới Ta Bà đây.

 

Xá Lợi Phất! Nếu có người nào, hoặc đã phát nguyện, hiện đang phát nguyện và sẽ phát nguyện, muốn sanh cõi nước Phật A Di Ðà, thì những người đó đều chẳng thoái chuyển nơi đạo vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi cõi nước ấy họ đã sanh rồi, hoặc hiện nay sanh, hoặc là sẽ sanh. Thế nên Xá Lợi Phất! Những kẻ thiện nam, những người thiện nữ, nếu có đức tin, hãy nên phát nguyện sanh cõi nước ấy.

Xá Lợi Phất, nhược hữu nhơn dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sinh A Di Ðà Phật quốc giả, thị chư nhơn đẳng giai đắc bất thối chuyển ư A -nậu đa-la Tam miệu Tam Bồ Ðề, ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sinh, nhược kim sinh, nhược đương sinh. Thị cố Xá Lợi Phất, chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sinh bỉ quốc độ.

 

Pháp tu niệm Phật phần lớn nhờ vào tha lực, nhưng xét kỹ nơi đây ta lại là chánh nhân, vì nếu không nguyện, hẳn sẽ không thành và nguyện tất nhiên phải hành, và ai nguyện và hành đây!

Chính hành giả niệm Phật.

Phật đã ân cần dạy, nếu có đức tin hãy nên nguyện sanh cõi nước ấy. Một điều thật phi thường, là hễ có nguyện tức được sanh về đất Phật.

Phật đã thấy nhiều chúng sanh, đã sanh ở Cực Lạc hiện đang an trụ, và nhiều chúng sanh khác đang chuẩn bị được sanh, cũng như sẽ sanh.

Như thế từ quá khứ đến nay, cả đến tương lai, số hành giả nương về Cực Lạc của Phật A Di Ðà số lượng không thể nghĩ bàn. Chúng ta hiện là những chúng sanh đang ở vị trí hiện tại, đang thực hành pháp môn niệm Phật, đang mong muốn vãng sanh; như nếu chúng ta có thắc mắc, thật hay không chuyện được vãng sanh, thì hãy nhớ đoạn kinh trên.

Phật nhấn mạnh là số hành giả vãng sanh Cực Lạc, đã có thật nhiều trong quá khứ và hiện nay đang có cho đến tương lai.

Nhìn về quá khứ xa, ta không biết được; nếu có biết chỉ biết pháp tu cầu sanh vào cõi Phật, có từ khi Phật Thích Ca nói ra ở Ta Bà này, chớ số người được sanh sang cõi Phật thì ta chỉ nghe trong kinh, cũng như thời nay nghe không được bao nhiêu người! Hơn nữa, hiện tại chỉ là nghe, còn chứng kiến thì hiếm thấy. Chính điều này phần nào làm ta ái ngại, tương lai mình có được nằm trong số người ít oi may mắn đó không!

Bằng Phật nhãn, Phật thấy vô số hành giả được sanh về Cực Lạc, như trong  kinh Vô Lượng Thọ, nói qua: Ngài Di Lặc thưa Ðức Thế Tôn: -Kính bạch Thế Tôn! Nơi thế giới này có chừng bao nhiêu Bồ Tát bất thoái sanh về cõi ấy? Ðức Phật đáp: -Thế giới này có sáu mươi bảy ức Bồ Tát bất thoái sanh về nước ấy, mỗi mỗi Bồ Tát đã từng cúng dường vô số đức Phật, kế đây đều sẽ đồng như Di Lặc, còn những Bồ Tát tu những hạnh nhỏ và những người tu chút ít công đức, số đó đông đảo không thể tính kể. Tất cả số ấy đều sẽ sanh về.

Thế thì tại ta chưa có thiên nhãn nên không biết, không thấy, chỉ hạn cuộc nhìn thấy vài việc hiện tại và nghe vài chuyện quá khứ, còn tương lai mù tịt, do vậy lo xa. Nay nghe Phật dạy mới hiểu, nên mừng cho mình nhất định sẽ vãng sanh, và vãng sanh theo trình độ trong số những Bồ Tát tu hạnh nhỏ hay ít công đức.

Lại nhớ đoạn Phật dạy, không thể lấy một ít công đức mà được sanh về Cực Lạc!

Thật vậy, vì sanh được vào tức sẽ thành Phật nên chẳng thể đổi chút công đức ít oi mà được. Nhưng gần về sau cuối kinh, Phật dạy hãy nên phát nguyện sanh về.

Nghĩ ra cũng dễ hiểu; dù là khó sanh nếu công đức ít, tuy nhiên lại chắc chắn được sanh nếu sanh tâm phát nguyện; như vậy công đức ít, nhiều có thể là phẩm vị đạt được từ hạ phẩm đến thượng phẩm - và được về hay không thì phải có nguyện mới thành. Do đó Phật mới dạy ‘...nếu có người nào hoặc đã phát nguyện, hiện đang phát nguyện và sẽ phát nguyện thì ...nơi cõi ấy họ đã sanh rồi, hoặc hiện nay sanh, hoặc sẽ sanh...’

Có lẽ ta cũng còn nghi ngại cụ thể thế nào, qua lời tả của Phật là: hiện nay sanh, hoặc sẽ sanh!

Trong kinh Hiền Ngu có một đoạn kể, ông Tu Ðạt làm phước cúng dường xây cất ngôi Tam Bảo. Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất đã cho ông biết phước báo của ông thế nào! Và đây là mẫu đối thoại trong kinh:"...Cách mấy bữa sau, Ngài (Xá Lợi Phất) và ông Tu Ðạt, đo đất tại khu vườn Kỳ Hoàn, mỗi người cầm một đầu dây, thấy Ngài mỉm cười! Ông Tu Ðạt hỏi:

-Tôn giả cười gì ?

-Tôi cùng ông cầm dây đo, vừa hết một vòng vườn này, thì cung điện ở trên sáu cõi trời đã làm xong! Vì thế mà tôi cười!

-Vì lý do gì Tôn Giả cười ?

-Vì ông làm Tinh Xá cúng Phật nên phúc của ông được ở các cung điện cõi trời, hiện ra nhanh như vậy! Tôi sẽ cho ông mượn đạo nhãn mà coi!

Ông Tu Ðạt nhờ đạo nhãn, nhìn thấy những cung điện rất trang nghiêm đẹp đẽ, giành riêng cho mình lên sáu cõi trời, thưa rằng:

-Kính Tôn Giả trong sáu cõi này; cõi nào vui hơn nhất ?

-Ba cõi dưới đam hoang về sắc dục nhiều, đến cõi thứ tư, là những người ít dục biết đủ, thường có những Bồ Tát nhất sinh bổ xứ sinh tới, tiếng thuyết pháp không lúc nào ngớt. Trên còn hai cõi nữa, những chúng sanh ở đấy có tính kiêu mạn dật lạc; buông lung lu bù.

-Kính thưa Tôn Giả! Nếu vậy, đời sau con nguyện sanh lên cõi thứ tư!

-Ông nguyện xong, các cung điện kia đều diệt hết, mà chỉ nhìn thấy cung điện cõi thứ tư ...  [12]

 

Qua đoạn kinh trên, cụ thể hiểu rằng, tại sao Phật lại thấy rõ, hiện nay đang có và sẽ có vô số chúng sanh vãng sanh! Vì chúng sanh hiện đang niệm Phật thì hoa sen đã hiện ra ở cõi Cực Lạc rồi. Ðã hiện ra nghĩa là đang sanh, và hoa sen khi chắc chắn, có nghĩa sẽ sanh vậy! Ðiều này có khác gì ông Tu Ðạt đang làm phước, mà lầu phước trên cõi trời cùng lúc đã sanh ra. Rồi ông Tu Ðạt nghe Xá Lợi Phất kể về cảnh nào là vui là thắng duyên, liền phát nguyện sinh vào cảnh tốt lành đó.

Người niệm Phật duy nhất một nguyện và thật rõ ràng, nên không sợ lạc. Nhân đây lại thấy lời nguyện vô cùng quan trọng. Nếu Ngài Xá Lợi Phất không chỉ dạy, Ông Tu Ðạt lần lượt chắc sẽ hưởng qua các phước báo ở nhiều cảnh trời, mà không rõ được cảnh nào có được pháp Phật, dù rằng ông tạo phước duyên với Phật pháp!

Chợt nghĩ mà tiếc! Giá như có Phật hiện thời, để được xin Ngài cho chút đạo nhãn mà xem hoa sen đang nở của chúng ta! 

 

Xá Lợi Phất! Như ta hiện nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, thì chư Phật kia cũng đều khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta và nói lời này : ‘ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể làm điều rất khó hiếm có, Ngài hay ở tại cõi nước Ta bà, nhằm đời xấu ác năm thứ ô trược, kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược mà chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, rồi vì chúng sanh, nói ra pháp môn mà cả thế gian khó tin tưởng này.

Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức, bỉ chư Phật đẳng, diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức nhi tác thị ngôn: "Thích Ca Mâu Ni Phật năng vi thậm nan hy hữu chi sự, năng ư Ta Bà quốc độ ngũ trược ác thế; kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung đắc A -nậu đa-la Tam miệu Tam Bồ Ðề, vị chư chúng sanh, thuyết thị nhứt thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp.

 

Phật dạy rằng, chư Phật sáu phương ca ngợi công đức của Ngài, khi ở ngay cõi trược mà đắc quả Vô thượng Bồ Ðề, lại thêm ca ngợi, đã vì chúng sanh nói ra pháp môn khó tin này. 

Chúng ta hiểu, việc Phật thành đạo ở cõi trược là việc khó được, mà việc nói ra pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh cũng khó không kém. Vì rõ ràng chư Phật sáu phương đã ca tụng tán thán như trên.

Như thế pháp môn niệm Phật cầu sanh về nước Phật, tuyệt đối không phải là điều dễ tin. Ðiều này không những người chưa quen Phật pháp đã không tin, mà cả đến không ít người trong Phật pháp cũng không tin.

Số người bên ngoài nếu có tin, thì tin niệm Phật cũng chẳng khác gì cầu thánh thần, thượng đế ban ơn cứu giúp.

Thật ra, không thể cho nhận xét như vậy là sai, bởi vì số người đó chưa học hiểu qua đạo giải thoát. Và một số người học Phật mà không tin pháp môn này là những người có nghiên cứu tìm hiểu, đây cũng chỉ vì không có duyên với pháp môn này thôi. Hay nói đúng hơn vì các pháp môn khác là tự lực, điều phục được tâm, ngộ chứng được đạo; trong khi pháp này hầu như hoàn toàn nhờ tha lực, giống như phó thác hết cho đức Phật A Di Ðà, hành giả chỉ cần niệm Phật mà không làm gì cả!

Chẳng làm gì, nghĩa là chẳng công phu thiền định thuần túy như lịch sử Phật Thích Ca!

Việc lý luận thế nào chỉ mang lại vọng tưởng tạo thêm vọng thức, làm lớn cái ngã của đôi bên, và đi xa Pháp nhất quán là cứu cánh thoát khổ. Chúng ta chỉ nên lắng tâm niệm Phật như lời Phật dạy.

 

Ngay như Phật nói ra Pháp môn này không một Thánh Tăng, Bồ Tát nào biết được, do vậy nếu không phải là Phật nói, không ai có thể tin được; và những vị không tin đó là ai trong thời điểm Phật nói? Là các vị Thanh Văn, Duyên Giác, và kể cả chư Bồ Tát lớn nữa  - cũng may, sự thật kinh niệm Phật này do chính kim khẩu Ngài tuyên thuyết, thành ra chư Thánh chúng đều tin. Bằng chứng cụ thể chúng ta đã đọc thấy trong kinh, sự hiện diện trong pháp thoại kinh A Di Ðà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ đều tả lại sự tham dự vô số chư Thánh, Bồ Tát...để cuối cùng hoan hỷ phụng hành.

Thế thì ngày nay chỉ là nghe lại từ trong kinh, lại cách thời Phật gần ba ngàn năm (3000) thì việc chẳng tin đâu có gì là lạ!. Và càng không lạ hơn, là các vị không tin của thời nay hầu hết đều là phàm nhân.

Tuy nhiên một điều nên lưu ý, Phật nhắc việc liên quan đến cõi Cực Lạc, cũng xãy ra nhiều trong các kinh điển Ðại thừa, như  kinh Pháp Hoa, Bảo Tích, Hoa Nghiêm ...

Tiêu biểu ba kinh này thôi, đủ minh chứng Pháp tu niệm Phật cầu sinh Cực Lạc là pháp tu do Phật nói; và chân giá trị đích thực của ba bộ kinh vừa kể, khiến biết thêm cõi Cực Lạc là nơi nên nguyện sinh về. 

Tìm hiểu phần nào về cái khó, mà chư Phật sáu phương đều tán thán ca ngợi đức Phật Thích Ca!

Lời tán thán, là ở ngay đời ngũ trược mà thành đạo Vô Thượng.

Ngũ trược ở thế gian, nói lên năm nghịch cảnh chúng sanh phải chịu đựng, đó là: Kiếp trược, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sinh trược và Mệnh trược.

Trược là những gì ô nhiễm tác động não hại vào thân tâm con người, khiến con người không thể an ổn, yên hòa. Những điều khó chịu và ô nhiễm như vậy, luôn luôn quay phủ bao vây con người, nên thường làm bế tắc tánh chất chân thiện, và hầu như trấn áp tinh thần, khó làm người ta vươn lên những chân trời cao rộng nếu người đó không may, chẳng biết Phật pháp.

Nói rõ mỗi trược, đơn giản như sau:

Kiếp trược nói lên một kiếp sống vẩn đục phiền hà ô nhiễm; con người sanh vào kiếp này hiếm gặp được giáo pháp của đấng siêu nhân (Phật), và nếu gặp được cũng khó an lành thực hành đạt được thành quả như ý.

Con người sống trong thời kiếp trược, tuổi thọ không thể dài lâu để thực hiện những ước mơ cao đẹp; cộng thêm giao động bất an của ngoại cảnh đen ngòm của đời sống luôn luôn đe dọa, như thiên tai trời đất, do vậy hầu hết con người trong thời kiếp trược thường bị cuốn trôi theo dòng nước ô nhiễm trước khi tỉnh thức giác ngộ.

Chúng ta ngày nay đang sống thời điểm kiếp trược đây, và đang may mắn nghe được giáo pháp của bậc siêu nhân, cho nên hiểu biết được việc khó biết nầy, thật là vượt hơn hết trong cái may mắn.

Như ta không biết, không hiểu Phật pháp chắc chắn sẽ tiếp tục bị cuốn theo dòng nước vẩn đục đến bao giờ mới tỉnh ngộ! 

Nhưng rồi tỉnh ngộ là tỉnh ngộ điều gì?

Người dù không tin luân hồi, không tin đời sau kiếp trước, nhưng nhất định họ không thể nào không tin đời là khổ - chính việc không tin có đời sau khiến họ đâu biết rằng cái khổ hiện thời có khác gì vô số đời trước họ đã từng khổ, và có thể khổ hơn nữa, cũng như tương lai nào khác!

Ðó là việc tỉnh ngộ về kiếp trược mà chúng sinh phải quằn quại trong đó. Và thời gian kiếp lại kéo dài lê thê so với mạng người quá ngắn ngủi; thành ra bị kẹt trong kiếp trược, gặp được Phật quả hết sức là may mắn.

Kiếp sống của chúng ta đây đang đi vào Kiếp Giảm, để rồi đây tuổi thọ con người chỉ còn không hơn mười tuổi; chừng ấy cái khổ cọ sát phủ đầu, không kịp ý thức về thiện pháp huống gì rảnh rang tư duy đạo pháp. Nhưng dù chúng ta có sống ở Kiếp Tăng, tuổi thọ đến tám mươi bốn ngàn tuổi (84,000), chưa chắc rằng ta lại dễ dàng gặp Phật pháp, vì với số tuổi như vậy ở cõi trời là chuyện quá thường và họ lại càng phiêu lưu hơn ta! Nghĩa là một số cảnh trời còn khó gặp Phật hơn ta nữa, nên quả báo trước mặt chắc chắn sẽ  rơi rụng xuống những cảnh giới khổ đau hơn. Vậy thì ở Kiếp Tăng lại chẳng khác cảnh trời! Duy chỉ may mắn là còn có khổ trong cái tuổi thọ dài đó, nên có thể từ đó mới mong cầu đi tìm Phật pháp.

 

Kiến trược, là nói về sự mê mờ vụng dại của con người, không thể nhận định được chân lý, nên bị hấp lực của ngoại duyên phát sinh vọng thức; khiến tánh giác lu mờ, huệ căn suy giảm.

Phiền não trược, là tánh chất ưu phiền, khổ lụy do tham dục, luyến ái tự thân con người, khiến phải luôn luôn dằn vặt đau khổ trong mọi hoàn cảnh.

Chúng sanh trược, nói lên sự mê lầm đau khổ, từ sự khởi tác trần cảnh bên ngoài, nên sanh chấp chặt thân thể để rồi dễ tạo nghiệp ác, quay mãi trong đau khổ luân hồi.

Mệnh trược, cộng vào ô trược của thân, lại phải đối diện với tính vô thường của thân mệnh, nên sống bấp bênh trong sự sợ hãi mà chẳng biết được thọ mạng của mình.

 

Qua năm việc trược ở cõi Ta Bà này, mà một vị Bồ Tát đã vượt qua tất cả để cuối cùng thành đạo Vô thượng, quả là điều mà chư Phật sáu phương phải tán thán. Ðiều này mặc nhiên cho thấy hành giả Bồ Tát phải tích lũy thiện nghiệp hành Bồ Tát đạo vô số kiếp mới có thể chống chọi với mọi chặng đường cam go của ngũ trược.

Ở đây chúng ta không thể nào hiểu được việc làm của Bồ Tát trong địa vị tiến gần tới quả Vô Thượng. Chỉ cần nghe sự tán thán công đức của chư Phật sáu phương đủ thấy hành pháp khó nghĩ bàn của Ðại Bồ Tát, do thế mới gọi là việc khó làm.

Riêng việc nói ra pháp môn niệm Phật vượt thoát luân hồi, lại là việc khó nữa. Căn cứ vào ngũ trược suy ra; nếu không phải bằng trí huệ của một vị Phật thì không ai nói được pháp tu này. Và dù có biết cũng không thể nói, vì địa vị không đủ làm cho người tin.

Sự ô nhiễm của ngũ trược nặng đến nỗi, nếu không phải là bậc toàn giác nói ra, chúng sanh ở đời ngũ trược phải cam phận mãi vị trí khổ đau này! Tại sao?

Bởi vì một khi chúng sanh đã ở ngay thế giới phủ đầy ngũ trược, họ sẽ khó tin được có một thế giới hoàng kim (Cực Lạc). Do vì sanh ra đời ngũ trược, tất nhiên câu sanh phiền não [13] phải cưu mang theo nên không thể tin được có thế giới dệt bằng hoa sen, và ngũ uẩn trong suốt. Lại nữa, mọi thứ tà kiến dẫy đầy ấp phủ trên đầu người, nên không còn sáng suốt nhận ra chánh pháp giải thoát, khó nữa là pháp tu niệm Phật cầu vãng sanh này. Như thế mới thấy, vì sao sáu phương chư

Phật ca tụng Phật Thích Ca đã làm được việc rất khó.

 

-Xá Lợi Phất! Nên biết rằng ta ở vào thời buổi năm thứ ác trược làm sự khó đây: ấy là chứng quả

vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì khắp thế gian, nói ra giáo pháp khó tin thế này.

 (Xá Lợi Phất đương tri ngã ư ngũ trược ác thế hành thử nan sự, đắc A Nậu Ða La Tam Miệu Tam

Bồ Ðề, vị nhất thiết thế gian thuyết thử nan tín chi

pháp, thị vi thậm nan).

 

Một người chân thật ở thế gian, không bao giờ có tánh tự cao ngã mạn, huống gì một người Phật tử chân chánh, hiểu rõ các pháp là vô ngã. Ở đây lại là đấng toàn giác, tất nhiên ta hiểu mọi lời Ngài dạy đều vì chúng sanh, vì nhân duyên thời tiết. Phật nhấn mạnh sự việc chứng đạo Vô Thượng của Ngài, và việc nói ra pháp tu khó tin, cốt ý tác động vào tâm hàng hậu học, nhận rõ việc hy hữu, và từ việc hy hữu này, người học pháp nghe qua phải nên thực hành theo.

 

Ðức Phật nói kinh này rồi, Ngài Xá Lợi Phất và các Tỳ kheo, tất cả thế gian, các chúng trời người và A Tu la ... nghe lời Phật dạy, mọi người vui mừng tin nhận lời Phật, làm lễ lui bước.

Phật thuyết thử kinh dĩ, Xá Lợi Phất cập chư Tỳ kheo, nhứt thiết thế gian, Thiên, Nhơn, A Tu La đẳng, văn Phật sở thuyết, hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ.


 

[1] -Nghĩa kinh A Di Ðà được trích dẫn trong sách này, do cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch - Ấn bản tại chùa Viên Giác, Ðức quốc 1999.

 

[2] -Kinh Phật Thuyết A Di Ðà Yếu Giải -Sa môn Trí Húc (Ngẫu Ích) giải thích những nghĩa thiết yếu trong kinh - Bồ Tát Giới Tuệ Nhuận dịch.

 

[3]  (2) 10 x 10,000 x 100,000 = 10,000,000,000.

 

[4] Ba mươi bảy Phẩm trợ đạo: Gồm bảy thành Phần: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Ðề Phần và Bát Chánh Ðạo, tất cả cộng lại là 37 phẩm.

Xin xem thêm Phật Học Phổ thông, của HT Thích Thiện Hoa.

-Ngươi viết tập sách này, cũng đã lược qua việc niệm Phật theo 37 phẩm trợ đạo trong tác phẩm "Hương thơm niệm Phật", đọc giả có thể tham khảo thêm.

 

[5]  Thô phù: tướng căn bên ngoài của con người hợp theo trần cảnh ô nhiễm. 

 

[6] Kinh Ðại Bát Niết Bàn - Phẩm Trường-thọ, HT. Thích Trí Tịnh dịch.

 

[7] 16.800.000 năm gọi là một tiểu kiếp, được tính từ Giảm Kiếp thấp nhất là 10 tuổi và cách 100 năm tăng lên 1 tuổi, cho đến cao nhất của Tăng Kiếp là 84.000 năm (tuổi). Xem thêm PHTÐ Ðoàn Trung Còn.  

 

[8] Kinh Vô Lượng Thọ - Quyển hạ, Dịch giả Hòa Thượng Thích Tuệ Ðặng

 

[9]Kinh Thủy Sám - Trước thuật: Ngộ Ðạt Thiền sư - Dịch giả, Thích Huyền Dung.

 

[10]  Thập trụ: mười địa vị an trụ của Bồ Tát Ðại thừa. Xem Phật Học Từ Ðiển Ðoàn Trung Còn.

 

[11] Các Phương tiếp theo như: Nam phương, Tây phương, Bắc phương, Hạ phương và Thượng phương đều mang một ý chung, nên xin không ghi lại

[12]  Kinh Hiền Ngu -Phẩm thứ Bốn mươi ba, sđd.

 

[13] Câu sanh phiền não: là những phiền não đi theo mãi với một chúng sanh từ vô thỉ kiếp; chúng có mặt ngay khi con người xuất hiện, tánh chất của chúng là độc tố phá đi các thiện pháp, đó là Tham, Sân, Si

 

---o0o---

Mục Lục

Chương I | Chương II | Chương III

Chương IV | Chương V | Chương VI | Chương VII

Chương VIII | Chương IX | Chương X

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 07-2003

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Mục lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544