Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tịnh Độ


......... .

 

Vượt Luân Hồi Vào Tịnh Ðộ

Thích Phổ Huân

---o0o--- 

Chương IV 

Niệm Phật vượt lên nhân quả Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác

Kẻ say ngủ giờ đây thấy mình không còn say ngũ nữa; tự có thể cho mình tỉnh thức cuộc đời, tỉnh thức giấc mộng dài từ vô thỉ kiếp đến nay. Và ngay giờ phút này thầm gọi mình là người tỉnh thức.  

Bây giờ người tỉnh thức chuẩn bị định vị, vị trí của mình để bắt đầu xem lộ trình niệm Phật phải tuần tự thế nào: 

Không phải tự nhiên, một người lại có cảm tình và thú vị với một điều chi; thường thì phải có liên hệ từ những kiếp xa xôi trong quá khứ.

Chúng ta chẳng thấy rằng có nhiều việc thật khó khăn, khó chịu với mình, nhưng với người khác họ xem tỉnh bơ, không chừng lại say đắm nữa! Ngược lại cũng thế, việc mình ưa chuộng, người khác chán ghê!

Quan sát đời sống trong xã hội, thấy rõ điều này. Chẳng hạn một số nghề nghiệp như sau: Người thích làm việc ở nơi đông chúng, thích lấy nơi ồn ào làm vui, thích nghe nhiều âm thanh tạp nhạp giữa người này với người kia... Số người ấy là người bán hàng nơi phố, người nghệ sĩ hát rong, người làm việc quảng cáo v.v...Ngược lại những người trên, một số lại thích nơi yên tịnh, chỉ muốn tiếp xúc ít người và có thể làm việc một chỗ như là văn phòng riêng, kéo dài tháng này qua năm nọ. Hình như họ cố tránh hoàn cảnh náo động ồn ào ảnh hưởng đến tinh thần, nên thú vị với tình huống yên bình, đối lại với số người trước luôn luôn hoạt náo, cảm thấy không khí yên lặng nặng nề thê thảm, chắc chắn ảnh hưởng tâm tư của họ; thành ra chỗ càng đông người, tinh thần họ lại phấn chấn tươi sáng ra.

Rồi có những nghề hầu như người trong xã hội ít muốn, ít quan tâm, nguyên nhân có thể là nguy hiểm, khiến đời sống cá nhân bị đe dọa, đó là nghề an ninh, cảnh sát, quan tòa trạng sư. Tuy vậy công việc này lại quan trọng không những cho xã hội mà cả quốc gia toàn nước. Nếu không có nghề này, sẽ ảnh hưởng không hay đến tất cả nghề nghiệp khác, hay khẳng định mà nói nếu không có nghề này thì không còn nghề nào khác tồn tại được. Và nghề giữ an ninh vẫn có nhiều người tự động đeo đuổi, hưởng ứng tha thiết với công vụ của mình.

Ðến những nghề mà xã hội phải mang ơn như là binh nghiệp, ngày đêm bảo vệ quốc gia đất nước; có thể sẵn sàng hy sinh tánh mệnh, mong đem đến đời sống thanh bình cho người khác; đây vẫn có nhiều người vui sướng tự hào vì lý tưởng đã chọn.

Tóm lại, hành động nào cũng là nguyên nhân hay kết quả nối dài từ những kiếp sống trước đến hiện tại và tương lai. Người nào trong quá khứ chưa quen biết hay hành động vấn đề nào đó, hiện tại họ sẽ vất vả để theo, hay không thể theo được đành bỏ dở dang. Nhưng việc dỡ dang đây lại làm nhân cho đời sau tiến lên nhiều bước, rồi quen dần và từ từ đến lão luyện.

Pháp tu học giải thoát cũng y như vậy. Có người mới bước vào đạo, liền thật say mê; họ trầm mình nghiền ngẫm hết sách kinh này đến hàng kinh khác; rồi thực hành thử qua mọi thứ, cũng như gia công tinh tấn ngày đêm !. Nhưng cuối cùng mệt nhoài, chẳng đạt được như tâm muốn, bởi 'dục tốc bất đạt', muốn nhanh không thể được. Khi về già công trình tham cứu đó trở thành kiến thức phổ thông Phật pháp; tuy cũng có ích, nhưng để mà vui, hoặc khá hơn gieo duyên cho đời vị lai học tiếp!

Nhưng nếu không may, không dứt khoát chọn cho mình một pháp tu giải quyết ngay thời điểm đang nằm trên giường bệnh, quả là uổng tiếc và cũng hơi nguy hiểm!.

Nếu vị học giả như trên gặp được thiện trí thức vào giờ chót cuộc đời thì may mắn lắm; sẽ đúc kết những pháp học đã biết thành một bài học VÔ NGÃ, mới có thể tiến dần đến pháp giải thoát rồi tự tại ra đi. Nhưng thật là chướng, thường thì học nhiều lại ít chịu phục tùng nghe ai, dù là nghe từ một Thiện trí thức; nhưng lại cũng không dễ, vì Thiện trí thức không thể có nhiều, thành ra thật là tội nghiệp vị học giả kia!

Có lẽ đúng hơn do không xử lý được kiến thức quá cao, nên sinh ra ngã mạn cố chấp mà nhà Phật gọi là sở tri chướng, đây là cái nạn lớn trong tiến trình hành đạo giải thoát, cho nên nhân nào thì quả nấy vậy.

Chắc chắn người học Phật nào cũng hiểu; dù tu pháp môn chi mà còn quá chấp NGÃ sẽ vô hiệu quả; chẳng có thể thành được cái gì. Bởi vì ngã, còn quá chấp làm sao buông được pháp ra! Hễ chấp ngã tức chấp pháp, vì do thấy mình có học và pháp được học!

Muốn tự tại không kẹt vào pháp chấp, phải xả cái tôi (ngã) học pháp đó.

Không chấp nhiều về ngã, tự nhiên sẽ thấy pháp học của mình trở nên nhẹ nhàng, vì chính con người học pháp, còn vô ngã thế làm sao pháp có ngã (bản thể) !

Pháp học trở nên nhẹ nhàng, tức xem chúng chỉ là phương tiện giúp hành giả trên đường đi đến cứu cánh. 

Vị học giả trên, ham thích đạo giải thoát như thế không phải là điều dễ làm, vì chẳng có mấy người trong thời mạt pháp nầy ham thích như vậy. Và tất nhiên đó là nhân trong quá khứ cũng đã mê say Phật pháp.  

Trường hợp cũng có một số người, vừa đặt chân vào đạo giải thoát, gặp được một pháp môn rồi tinh tấn, thuận duyên với pháp ấy đến trọn đời; khi ra đi kết quả được nhẹ nhàng an lạc với tâm trạng hoan hỷ hài lòng. Việc này cho thấy, đời trước hành giả đó đã chuyên trì một pháp tu nhưng chưa thành tựu, nay đời này chủng tử còn lưu giữ và hiện hành trở lại, tiếp tục con đường đã chọn.

Thế thì chẳng ngạc nhiên, người thích tu Thiền, kẻ thích tu Tịnh, người mê Mật tông, và kẻ chỉ ham say nghiên cứu v.v...

Tuy nhiên, có trường hợp hành giả lại đổi hướng chuyển tu ngay đời này, khi căn cơ tâm lực không thể đeo đuổi nổi pháp tu đời trước, hoặc giả tìm ra thuận duyên với pháp tu mới đời nay. 

Chúng ta hôm nay sanh ra biết được Phật pháp, cuối cùng chọn pháp tu niệm Phật, chắc chắn rằng trong đời quá khứ đã mến mộ hay đã thực hành Pháp tu nầy rồi .

Nhưng tại sao bây giờ ta vẫn là người của thế giới Ta Bà mà không là người (bậc thượng nhân) của thế giới Cực Lạc ?

 

Vấn đề niệm Phật rơi vào quả Nhân, Thiên.

Niệm Phật sanh trở lại cõi người hay cõi trời có lẽ rất nhiều, nhưng có lẽ cõi người thì nhiều hơn. Cũng dễ đoán, nếu sanh cõi trời tất nhiên sẽ không còn nhớ câu niệm Phật, do cảnh giới quá sung sướng. Và khi hết phước báo cõi trời sẽ trở lại làm người, vì đã có công đức niệm danh hiệu Phật và diệu dụng đó không đến nổi phải rớt thẳng vào cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Nếu sanh cõi trời, do từ những phước báo công đức bình thường, như làm lành tu phước (không có niệm Phật) thì khó được duyên lành quay lại cảnh giới người, ý thức được khổ mà hướng về tu, khi thời gian thiên cảnh đã hưởng hết phước báo công đức.

Niệm Phật gây chủng tử Phật huân tập vào tâm thức, nếu chỉ được quả báo ở cõi trời nhưng nhờ diệu dụng của danh hiệu Phật có thể năng biến sanh khởi mãi với hành giả, nên tương lai sẽ được thành tựu vãng sanh, duy chỉ có vấn đề là thời gian sớm muộn.

Chẳng hạn một người thật ác, nhưng trong đời họ có nhân duyên một lần niệm ít câu Phật, dù họ có chịu quả báo làm thú; đến khi hết kiếp thú thành người, họ sẽ có duyên hưởng được diệu dụng từ công đức niệm Phật của thuở kiếp xưa. 

Không ai niệm Phật lại muốn cầu sanh cõi người hay cõi trời, dù sanh lại cõi người làm vị chân tu thanh tịnh thuận duyên đầy đủ hoằng hóa lợi sanh. Ðiều này thoáng nghe qua đúng, hợp tinh thần Bồ Tát đạo, nhưng sự thật khó thể thực hiện. Bởi thế gian hiện thời đang vào sâu thời mạt pháp, con người càng lúc càng đối diện với những cảnh tượng giao động do nhân họa thiên tai. Xã hội văn minh đã giúp cải thiện đời sống con người đến mức tuyệt vời, tuy vậy luật bù trừ ngược lại điều tuyệt vời đó, con người lại phải sợ cái mà sản phẩm con người tạo ra - vì khoa học có thể tạo đủ thứ máy móc tinh vi, thì vũ khí chiến tranh giết người cũng tăng theo cấp độ khó tưởng được. Nếu chiến tranh thứ ba diễn ra bằng tất cả vũ khí nguyên tử, hạch tâm, vi trùng, hơi độc đồng công phá một lúc thì hành tinh xanh của con người trở thành một hành tinh chết.

Ngay khi Ðấng giác ngộ nhập Niết Bàn, vài trăm năm sau các đệ tử Thánh Tăng của Ngài đã cố công hoằng hóa, duy trì đạo giải thoát. Một số đoán biết trước, rằng ngay nơi sinh Bậc giác ngộ sẽ bị biến cố lung lay đến chánh pháp, nên đã tìm cách đem đạo vàng vượt biên giới đến những chân trời xa hơn. Và lịch sử đạo vàng đã được duyên lành khởi xướng đến thời tượng pháp (hơn 1000 năm sau) - qua các quốc gia như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bổn, Việt Nam, Tích Lan, Thái Lan ...do vậy thời này vẫn còn xuất hiện nhiều Thánh Tăng.

Ðến ngày nay, hơn 2600 năm thực tế cho thấy, phương tiện tìm hiểu Pháp học thật hoàn mỹ so với ngàn năm trước, nhưng Pháp hành  chẳng thấy đáng được ghi tâm, nếu không nói gần như biến thành ngành triết học giải thoát, tức chỉ  lý thuyết suông khó thể thực hành. Suy diễn như vậy là vì thiếu bóng Thánh Tăng.

Cho nên nguyện trở lại làm Thánh Tăng, chắc có lẽ đã nhiều người nguyện, nhưng rồi chẳng thấy có được bao nhiêu vị chân tu đắc đạo để người nương tựa; hay là các vị cảm thấy bất lực với thời đại bây giờ, nên đã âm thầm chuyển hướng phát nguyện lại: Phải từ cõi Phật quay về mới đủ oai lực độ sanh!

Trong Từ Bi Thủy Sám, chúng ta đã nghe qua những lời thống thiết của một bậc cao Tăng; nhân duyên tạo kinh sám cũng là do quả báo của Ngài (Ngộ Ðạt Quốc sư). Theo phần duyên khởi trước khi vào Sám, người đọc sẽ biết, Ðại sư không phải là vị Tăng thường, vì đức hạnh Ngài đầy đủ đến nổi vua thời bấy giờ tôn vinh làm Thầy, để thỉnh vào cung mà dạy đạo. Ngay khi gặp nạn lại được Bồ Tát hiện thân giúp đỡ.

Ta lại biết một người mà được chư vị Long Thần Hộ Pháp thường hộ trì, đã là chân phước, huống gì Ngài được kết bạn với Ðại Bồ Tát. Ðây không phải ngẫu nhiên do lòng từ của Ngài giúp đỡ người bệnh cùi, rồi trúng ngay Bồ Tát, rồi được trả ơn. Ðiều này dưới mắt phàm nhân thấy như thế, nhưng với Ngộ Ðạt Ðại sư thì không.

Có lẽ Ngài đã thấy được chân tướng bên ngoài của một người, mà người thường không thấy! Và dù không phải vậy, thì như đã nói, việc tu niệm của Ngài đã được chư Bồ Tát gia trì, điều này chắc chắn đúng hơn. Vì công đức quá đầy, đã có đến mười kiếp làm cao Tăng, đó là lời của kẻ thù hiện lên báo oán mách cho Ngài biết vậy.

Thế thì ta thấy, vị trí của Ngài Ngộ Ðạt, đã là Thánh Tăng, vì vua còn thỉnh mời thuyết dạy huống gì quần chúng ai lại không tôn sùng ái mộ. Nhưng cuối cùng Ngài đã chẳng độ được bao người lại phải vất vả vì quả báo của chính mình. Do đây vị trí Thánh Tăng đời nay lại có thể hơn được Ngài chăng !!

Tuy nhiên, đứng về lý tánh giải thoát và nhân duyên giải thoát, mọi tác động nghịch thuận đều đưa con người về Phật tánh, nếu hành giả thanh tịnh được ba môn Giới Ðịnh Tuệ - vậy cũng có thể nói hiện hữu đời nay vẫn có Thánh Tăng hoạt động dưới nhiều hình thức. Các Ngài cũng có thể là người từ cõi Tây phương, Ðông phương, Bắc phương... quay lại không chừng, nhưng tùy theo đạo hạnh của các Ngài mà hành đạo có sâu cạn v.v...Cũng như chính ngay chuyện Ngộ Ðạt Quốc sư, đâu lại biết chừng đó là phương tiện cảnh tỉnh mọi người, để ra đời Kinh Thủy Sám!

Do đó an tâm hơn hết, ta hãy nhập vào thế giới thanh tịnh để được thanh tịnh, trước khi vào cõi uế trược độ sanh. 

Ðọc kinh Phật, ta biết được chư vị Thanh Văn, Duyên Giác là những bậc thanh tịnh thường hay đi gần Phật để học giải thoát; đến khi được quả vô sanh (A La Hán), chư vị vẫn còn muốn sống gần Phật. Xem thế đủ thấy Phật lực là sức mạnh mà ai cũng cần nương theo.

Các Ngài Thanh Văn, Duyên Giác đã là A La Hán mà còn muốn gần bóng mát của Ngài, thì ngày nay, bóng Phật không còn ta phải nương vào ai?

Chúng ta chỉ còn có Thầy bổn sư (Thầy thế phát xuất gia cho mình) và chư vị Tôn Ðức; nhưng chư vị Bổn sư và quý Tôn Ðức hiện nay lại chắc gì là Thánh Tăng, vì trên đã nói Thánh Tăng đâu dễ tìm được đời này; lại nữa các Ngài đó cũng còn phải tìm bóng Phật mà nương! Thế thì người say ngủ như chúng ta mới được may mắn tỉnh thức phải tìm vào đâu và nương vào ai?

Nói như thế để thấy, niệm Phật duy chỉ có mục đích về được nước Phật, mà không phải nương tựa mong mỏi một quả vị nào như là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. 

Kinh pháp và ảnh tượng của Phật duy nhất là nơi cho ta nương tựa, khi bóng dáng Thế Tôn không còn nữa. Nhưng hình dáng Tăng đoàn là thực sống, thể hiện được hành pháp, nên ta lại phải nương theo. Và lý nghĩa Phật là thanh tịnh, là tỉnh thức giác ngộ các pháp sanh diệt vô thường, vậy ta không thể nào tìm được Phật nếu ta còn chấp ngã chấp pháp. Do thế Thánh Tăng hay Phàm Tăng vẫn là nơi ta thấy được pháp yếu giải thoát.

Thế thì quả vị vượt hơn cõi người và trời, là quả vị của bậc Thanh Văn, Duyên Giác cho đến quả Bồ Tát thập địa ta vẫn không mong cầu. Ta chỉ duy cầu quả Phật, đúng theo thâm ý của Phật trong kinh Pháp Hoa "Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện nơi đời: vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời" . (Phẩm Phương tiện)

 

---o0o---

Mục Lục

Chương I | Chương II | Chương III

Chương IV | Chương V | Chương VI | Chương VII

Chương VIII | Chương IX | Chương X

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 07-2003

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Mục lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544