Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Truyện Phật Giáo


 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

 

 

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

 

BÚT KÝ

 

Xa Mộ Kỳ

Người dịch: NGUYỄN PHỐ

----o0o---

 

5. VƯỢT SÔNG HOÀNG HÀ

 

Chặng đường phía đông của con đường tơ lụa bị cắt đứt ở đoạn sông Hoàng Hà chảy ngang qua tỉnh Cam Túc, người xưa xuất phát từ Trường An đi Tây Vực đều phải vượt qua sông hoàng Hà mới đến được hành lang Hà Tây để đi tiếp lên Tây Vực.

Tôi đi xe lửa từ Tây An qua Thiên Thủy đến Lan Châu, thủ phủ tỉnh Hoàng Hà, rồi từ đó vượt sông Hoàng Hà về phía tây. Tuy nhiên vào thời Hán Đường, hành trình về phía tây chắc chắn không theo đường sắt hoặc đường nhựa như ngày nay. Do đó, khi đến Lan Châu, tôi tìm đến các nhà nghiên cứu lịch sử địa lý để thỉnh giáo: con đường tơ lụa từ Trường An (nay là Tây An) đi đến hành lang Hà Tây phải đi theo hướng nào? Có mấy đường? Qua sông Hoàng Hà tại bến đò nào?

Họ tương đối nhất trí một phương cách là: Từ Trường An đi hành lang Hà Tây có hai tuyến đường nam và bắc. Tuyến nam là Tây An - Thiên Thủy - Lâm Thao - Lâm Hạ - Vĩnh Tĩnh, tại huyện Vĩnh Tĩnh qua sông Hoàng Hà để đi vào địa phận Thanh Hải, rồi men theo đường đi Hà Tây về hướng bắc, qua Tây Ninh sau đó xuyên qua núi Kỳ Liên cửa khẩu Biên Đô để vào hành lang Hà Tây. Tuyến bắc thì Tây An - huyện Bân - Bình Lương - Cố Nguyên - Tĩnh Viễn, tại hẻm núi Hồng Sơn thuộc huyện Tĩnh Viễn qua sông Hoàng Hà tôi đi đến hành lang Hà Tây.

Cả hai tuyến đường trên đều không qua Lan Châu. Vậy Lan Châu không phải là đồn trấn trọng yếu của con đường tơ lụa chăng Có người nói phải; có người nói: không. Họ cho rằng vào thời Hán Đường, Lan Châu không phải là nơi trọng yếu. Tạm thời tôi không tranh luận về vấn đề này. Trước tiên cần phải tìm bến đò vượt sông Hoàng Hà của hai tuyến đường nam bắc nói trên rồi mới tính tiếp.

 

NƠI NƯỚC SÔNG HOÀNG HÀ ĐẢO DÒNG

Bến đò qua Sông Hoàng Hà của tuyến nam là tại hang động chùa Bính Linh thuộc huyện Vĩnh Tĩnh. Hang động này là một trong những kho báu về nghệ thuật Phật giáo ngang hàng với các hang động Đôn Hoàng, hang động Mạch Tích sơn; nó sừng sững bên một hẻm núi đá ở thượng du sông Hoàng Hà. Năm 1974, thượng du Hoàng Hà trở thành trạm thủy điện lớn nhất nước gọi là trạm thủy điện Kẽm Lưu Gia (Lưu Gia giáp thủy điện trạm). Một bộ phận nước của hồ chứa vĩ đại lan tận đến chân núi chùa Bính Linh đã làm ngập con đường dẫn đến bến đò qua sông của thời cổ đại. Do đó, tôi không thể theo dấu chân của người xưa để đến chùa Bính Linh được. Người ta bảo tôi, ngày nay có đường tắt đi chùa Bính Linh, tức là trước tiên đến trạm thủy điện Kẻm Lưu Gia rồi lên tàu thủy đi ngược du sông Hoàng Hà rất tiện lợi.

Cũng có một nhánh đường sắt từ Lan Châu đi thẳng đến trạm thủy điện Lưu Gia. Tôi đi tàu thủy dọc sông Hoàng Hà theo hướng tây nam ước chừng 100 cây số thì đến trạm thủy điện, ở đây huyện lỵ của huyện Vĩnh Tĩnh nằm sát ngay dưới đập thủy điện. Nguyên trấn Liên Hoa trước đây (tức huyện lỵ cũ) nay đã chìm ngập trong hồ nước lớn.

Huyện ủy phái một cán bộ địa phương là Kỳ Chính Cương làm hướng đạo cho tôi. Anh công tác tại Hiệp Hội Khoa Học của huyện và là người rất có công sưu tập sử liệu địa phương. Chiều tối, anh dẫn tôi tản bộ dọc bờ sông.

Tại huyện Vĩnh Tĩnh, lượng phù sa của sông Hoàng Hà không nhiều nước nên nước sông trong xanh. Hai bên bờ sông là vách búi dựng đứng, lòng sông tương đối hẹp. Theo như Kỳ Chính Cương nói thì ở thượng du có một nơi gọi là “Dã hồ khiêu” (Chồn hoang nhảy). Cạnh bờ sông có một dốc núi, chồn hoang theo triền núi chạy xuống đến bờ sông, thuận thế nhảy một cái qua được bờ bên kia. Lòng sông dọc huyện Vĩnh Tĩnh hẹp nên người xưa đã bắc cầu qua sông, thật là thuận tiện.

Chúng tôi ngồi bên bờ, ngắm dòng sông. Bên kia sông có một sơn thôn tĩnh mịch ẩn mình trong lùm cây nhuộm bóng hoàng hôn. Kỳ Chính Cương kể lại một câu chuyện thời xa xưa về cái sơn thôn xinh đẹp u nhã ấy.

Không biết từ bao nhiêu thế kỷ trước, vương tử nước Ni-Bạc-Nhĩ không từ khó khăn gian khổ cất bước đến nơi này tu hành ở động La Gia trên ngọn núi phía sau sơn thôn. Vì sao chàng trai trẻ từ nơi xa Ni-Bạc-Nhĩ kia lại đến sơn thôn huyện Vĩnh Tĩnh này? Thì ra chàng nằm mộng thấy một vị cao tăng chỉ cho chàng đến cái nơi mà “đất đỏ trùm đỉnh núi, sông vàng nước đổi dòng” (hồng thổ cái sơn đỉnh, hoàng hà thủy đảo lưu) để truyền bá đạo Phật. Huyện Vĩnh Tĩnh đúng là nơi sông Hoàng Hà đang chảy về hướng đông bỗng đổi dòng chảy về hướng tây và trên đỉnh núi động La Gia, đúng là loại núi đá cấu thành do sa thạch màu đỏ.

Trong sơn thôn ấy có một cô gái trẻ, hàng ngày đem cơm cho cha cày ruộng dưới núi. Mỗi lần qua động La Gia, cô thấy có một thanh niên từ nơi khác đến suốt ngày ngồi tĩnh tọa làm một vị tăng khổ hạnh, không cầm được nỗi thương tâm, cô thường để lại một ít cơm nước cho chàng. Lòng tốt của cô gái đã làm động lòng kẻ tu hành. Mãi về sau, giữa đôi nam nữ trẻ tuổi này nẩy sinh tình cảm vợ chồng. Hành động bỏ kinh từ đạo của họ đã làm thiên đình phẫn nộ, thế là trời sập đất nứt, đôi tình nhân bị vùi sống dưới đáy núi. Không biết bao nhiêu năm về sau, một trận động đất lớn nổ ra nâng họ lên khỏi mặt đất, thi thể của họ vẫn còn nguyên, vẻ mặt sinh động như còn sống, một thời trở thành giai thoại.

Sự tích câu chuyện trên nghe ra có vẻ hoang đường, nhưng trong lịch sử của huyện Vĩnh Tĩnh đúng là có dấu chân của các tăng nhân Tây Vực, có người sống lâu dài ở đây để truyền giáo, chắc chắn đó là điều có thật vì dải đất Vĩnh Tĩnh là một đoạn trọng yếu trên con đường tơ lụa.

 

THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT KIỀU

Ngày thứ hai, Kỳ Chính Cương dẫn tôi đến trạm thủy điện Kẽm Lưu Gia. Đó là một đập nước lớn, cao 147 mét, ngăn chặn một khối lượng nước là 57000 triệu mét khối nước. Dưới đập trạm thủy điện là các tổ máy có dung lượng 1225000 kilôwatt, cung ứng điện cho ba tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Thanh Hải.

Lên trên đập cao nhìn xuống, ta thấy mặt hồ xanh thẳm. Chúng tôi đi tàu thủy, sau khi vượt qua một hẻm núi, con tàu ra giữa lòng hồ phẳng lặng như một tấm gương, nhìn ra tứ phía không thấy bến bờ.

Tàu đi chừng ba tiếng đồng hồ, sắc nước từ màu xanh đậm đổi sang màu xanh nhạt, nước hồ cạn dần. Lúc ấy trước mắt hiện ra mấy ngọn núi đặc biệt kỳ lạ, từ mặt nước nhô lên, có ngọn giống như bảo tháp, có ngọn giống như con thú khổng lồ. Cảnh sắc núi rừng sông nước hiện ra trước mắt ta như non nước vùng Quế Lâm vừa xinh đẹp vừa kỳ lạ.

Kỳ Chính Cương lấy tay chỉ hai ngọn núi từ đằng xa nói:

- Đó là hai ngọn núi có tên là Tỷ Muội, chúng là cổng chính của chùa Bính Linh. Nhìn theo tay anh chỉ, tôi thấy hai ngọn núi đá xinh đẹp kia quả như hai cô gái mặc trang phục cổ, tựa vào nhau thân thiết như hai chị em.

Con tàu đang hướng về phía núi Tỷ Muội lướt tới, khi đến gần thì hơi chuyển hướng một chút và chui vào một hang núi, nước cạn hơn, núi của hai mặt hang cao mà thẳng giống như hai bình phong đối diện nhau. Con người đứng dưới đó bỗng thấy mình quá nhỏ bé. Các khám thờ Phật của hơn 190 hang đá ở chùa Bính Linh nằm rải rác trên các vách đá dựng đứng ở mặt tây.

Chúng tôi leo lên chân núi phía đông, nơi Sở Bảo tồn chùa Bính Linh tọa lạc để nghỉ ngơi. Ông giám đốc sở bảo tồn đưa ra một bức họa bằng lụa, tác phẩm thời Đồng Trị nhà Thanh, vẽ toàn cảnh chùa Bính Linh. Phần dưới của bức họa vẽ một chiếc thuyền gỗ đang bơi trong sóng nước cuồn cuộn của sông Hoàng Hà.

Ông giám đốc sở nói ở hẻm núi chùa Bính Linh đã từng có một cái cầu đá để qua sông Hoàng Hà gọi là “Thiên hạ đệ nhất kiều” (cây cầu số một trong thiên hạ). “Thủy kinh chú” và “Hà châu chí” đều có nói đến Ất Phục thị, xứ Tây Tần thời Đông Tấn đã đến đây xây cầu. Ông còn nói trên vách đá của hẻm núi có khắc dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất kiều”, đến nay cầu đã ngập sâu trong hồ nước, nhưng cũng may còn giữ lại bức ảnh khắc chữ ấy.

Để tìm hiểu di chỉ “Thiên hạ đệ nhất kiều” chúng tôi bơi một chiếc thuyền gỗ nhỏ đến hẻm núi, thì vừa đúng có một vị bô lão đã từng là Lạt ma của chùa Bính Linh trước đây tháp tùng với chúng tôi. Thuyền qua núi Tỷ Muội, lão tăng chỉ vào chỗ mặt nước gần đấy nói:

- Năm đại tự “Thiên hạ đệ nhất kiều” được khắc trên vách đá tại dài chỗ nước này, vào mùa xuân nước rặc dòng chữ khắc mới hiện ra, mỗi chữ cao hơn một thước.

- Ngoài năm chữ đó ra, cầu còn có dấu tích gì khác nữa không? - Tôi hỏi.

- Có đấy. Hai bên bờ rõ ràng có những lỗ đục, xem ra từ chúng dùng để đóng các trụ cầu.

- Hai bên cầu có đường đi không?

- Có một bên thì đi Lâm Hạ, còn một bên thì đi Thanh Hải. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, tôi đã từng thấy các nhà buôn chuyển vận hàng hóa qua con đường này.

Vị bô lão ấy còn chỉ một bức bờ tường bằng đất sét, nói:

Đời nhà Thanh còn phái binh lính đến canh gác cầu, và đó là đồn binh của lính gác cầu.

Xem ra dây đúng là điểm giao thông trọng yếu vào thời cổ đại.

 

MANĐALA VÀ MÚA ẤN ĐỘ

Thuyền cập bến, vị bô lão thuận tay nhổ một gốc cỏ cao bằng nửa thân người rồi nói:

Cỏ này gọi là “manđala” có nguồn gốc từ Ấn Độ, do các tăng nhân Tây Vực mang đến trồng ở chùa Bính Linh. Hoa của nó có thể làm thuốc phiện.

Theo sự khảo sát của  Kỳ Chính Cương thì khu vực chùa Bính Linh có lắm cỏ quý cây lạ, không phải do bổn địa sinh trưởng mà phần lớn là do tăng nhân từ Tây Vực  đưa sang, ngoài manđala, chùa Bính Linh còn có mười cây đàn hương, bảy cây trầm hương được gọi là cây quý của chùa. Cây đàn hương vốn sinh sản tại Ấn Độ, gỗ của nó có mùi thơm, dùng làm nan quạt gọi là quạt đàn hương; cây trầm hương cũng sinh sản tại Ấn Độ, gỗ của nó là loại hương liệu trứ danh, còn được gọi là “già nam hương” hay “kỳ nam hương”.

So với các hang động Mạch Tích sơn ở Thiên Thủy, thì nghệ thuật trong các hang động ở chùa Bính Linh ảnh hưởng văn hóa ngoại lai rất rõ nét. Trên các vách đá ở chùa Bính Linh có rất ít khám thờ tượng Phật, chỉ có phù điêu ở các tháp Phật. hình tháp đều có dáng kiến trúc kiểu Ấn Độ, điều này rất ít thấy trong các hang động khác ở Trung Quốc.

Rõ ràng nhất là ở một số lớn phù điêu các hình bồ tát, cao không đầy nửa mét, ở tư thế đứng có vẻ hơi biến hóa khiến người ta liên tưởng đến hình nhảy múa cổ Ấn Độ. Có hình thì thân trên ưỡn ra phía sau, chứng tỏ thân lưng rất mềm nhuyễn, cách tạo hình hai bàn tay là những động tác múa và kể cả các ngón tay cũng ở trạng thái ấy. Gần đây tôi có xem một vũ công Ấn Độ đến thăm Trung Quốc và biểu diễn múa cổ điển, càng làm cho tôi hiểu hơn nét điêu khắc ở chùa Bính Linh. Rõ ràng chúng có bóng dáng của những động tác múa cổ điển Ấn Độ.

Hang động chùa Bính Linh ở trên trục đường chính thông vãng Đông - Tây đã dung nạp ảnh hưởng văn hóa từ Tây Vực sang là điều không có gì phải tránh né. Thế nhưng có những người chịu ảnh hưởng trào lưu cực tả đã cực lực phủ nhận ảnh hưởng ngoại lai ấy. Tôi cho rằng họ thực sự không chịu cầu thị và lại thiếu cả lòng tự tín dân tộc: Tiền bối của chúng ta đã dũng cảm tiếp nhận ảnh hưởng ngoại lai đưa chúng dung hợp vào nền nghệ thuật dân tộc của mình một cách cao siêu, đã sáng tạo ra một phong cách hoàn toàn mới. Cho nên họ có thể làm được như vậy chính là để nói lên rằng đối với truyền thống nghệ thuật dân tộc của bổn qưốc, họ có lòng tự tín rất mãnh liệt.

Hang động ở chùa Bính Linh và ở Mạch Tích sơn, Thiên Thủy, đại thể lập ra trong cùng một thời đại. Gần đây, trên bức bích họa ở hang thứ 169 thuộc chùa Bính Linh người ta phát hiện ra dòng chữ ghi “Tây Tần Kiến Hoàng nguyên niên” (tức năm 420 CN). Cho đến nay mà nói thì đó là dòng ghi niên đại sớm nhất được tìm thấy trong các hang động ở Trung Quốc. Nó minh chứng một điều rằng vào thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V CN, con đường tơ lụa và điểm giao thoa từ sông Hoàng Hà đã xuất hiện nghệ thuật hang động một cách rực rỡ.

BẾN ĐÒ BỊ BỎ QUÊN

Tuyến bắc của con đường tơ lua thì từ Tây An muốn đến hanh lang Hà Tây ắt phải men theo sông Kinh đi về hướng tây bắc, qua Bình Lương, vượt Lục Bàn Sơn, qua Cổ Nguyên, đến huyện Tĩnh Viễn qua sông Hoàng Hà để đi hành lang Hà Tây.

Tuyến bắc là một con đường tắt, từ xưa đã có dịch đạo (đường đã có trạm đổi ngưa Từ xa xưa hơn 2000 năm trước, Hán Vũ Đế đi tuần thú tây bắc bằng con đường này. Hán thư có ghi “Vũ Đế tây lâm Tổ Vệ nhi hoàn” (Vua Hán Vũ Đế từng đến sông Tổ, sông Vệ rồi trở về). Nơi nước sông Tổ và sông Vệ cùng chảy vào sông Hoàng Hà chính là huyện Tĩnh Viễn, cho nên Hán Vũ Đế ngự hành phía tây chỉ đến Tĩnh Viễn không qua sông thì đã hồi loan về kinh.

Một chuyên gia nói: bến đờ qua sông có thể ở tại hẻm núi Hồng Sơn, tức ngày nay gần thị trấn Ha Tư, công xã Thạch Môn. Địa phương chí của huyện có ghi: Thời Vạn Lịch có làm cầu dây cách phía tây Ha Tư chừng mươi dặm ... Vạn Lịch là niên hiệu thời Minh từ năm 1573 - 1619, tức cách nay khoảng 400 năm, ở đây chắc đã có cầu dây. Thời Hán Đường, lữ khách qua sông Hoàng Hà bằng cách nào không thấy sách vở nào ghi chép.

Một ký giả nhiếp ảnh đồng hành là Kim Bá Hoằng, muốn chụp một số hình ảnh ở bến đò qua sông Hoàng Hà thuộc tuyến bắc của con đường tơ lụa đã một mình đi huyện Tĩnh Viễn cách Lan Châu về phía bắc hơn một trăm cây số, sau khi trở về, ông tả lại như sau:

“Từ huyện Tĩnh Viễn dùng xe việt dã đi về hướng tây bắc khoảng hơn ba tiếng đồng hồ thì đến thị trấn Ha Tư, công xã Thạch Môn. Đây chỉ là một thôn trang miền núi bình thường khoảng ba, bốn mươi hộ gia đình, trước mặt thôn là ngọn núi cao có tên là Ha Tư Sơn, do đó mà có tên thị trấn Ha Tư. Đến đây có một thanh niên tên là Thạch Phúc Quý làm hướng đạo cho tôi.

“Rời khỏi thị trấn Ha Tư chúng tôi đi vào một hang núi, đi một đoạn không xa nữa thì men theo đường đất để leo lên núi. Chúng tôi hổn hển leo lên, con đường men chân núi đứt đứt, nối nối, lúc rộng lúc hẹp cũng gây cho tôi niềm hứng thú. Đường toàn là cỏ dại, nhưng cũng có vài nơi có thể thấy được vết bánh xe hằn sâu hai bên đường, rõ đây là con đường cơ quan vào thời cổ đại đã bị bỏ quên”.

“Đi thêm nửa tiếng đồng hồ nữa, lại trèo lên một đỉnh núi có tên là “Tỏa kiều lương”. Đứng ở đây nhìn ra tứ phía, có thể thấy giữa các hang núi hướng tây bắc một dòng nước uốn khúc lấp lánh dưới ánh mặt trời, đó là sông Hoàng Hà. Trên đỉnh các dãy núi chập chùng bên kia sông có thể thấy dãy tường đất bị phong hóa uốn lượn quanh co từ bắc xuống nam, tôi lập tức nhận ra đó là Vạn Lý Trường thành”.

“Đường xuống  núi càng đi càng nhanh, chúng tôi theo hướng sông Hoàng Hà có thể nghe được tiếng sóng vang vọng, tôi bỗng dừng lại. Bến đò xưa hiện ra trước mắt. Ta có thể thấy rõ dưới chân núi, đường qua bên kia sông Hoàng Hà đã bị cắt đứt, một vùng đất hoang hiện ra hai bên đường, bên kia sông cũng có một vùng như vậy nhưng rộng hơn, xem ra đó là một thôn trấn thời cổ đại có hơn 300 hộ đã bị sông Hoàng Hai phân làm hai”.

“Chốn thôn trấn cô tịch không người này có dựng một bia đá, trên bia có khắc năm chữ “Sơn giáp tu lộ bị” (Bia ghi việc sửa đường qua hẻm núi) vào đời Càn Long nhà Thanh năm thứ mười lăm (1780); thân sĩ trong làng và thương nhân các nơi đóng góp để dựng bia sau khi tu sửa, trên bia có ghi tiền xuất ra làm đường gồm các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc và gần một trăm hiệu buôn thuộc các khu tự trị. Vậy có thể thấy thương nhân đương thời đối với con đường giao thông quan trọng trong nội địa với biên thùy tây bắc rất được coi trọng”.

“Sông Hoàng Hà chảy từ phía tây lại rồi rẻ ngoặt sang hướng bắc, tại đây lòng sông hẹp, cổ nhân chọn nơi này làm bến đò qua sông rõ là một điều hợp lý. Cả dọc hẻm núi Hồng Sơn trừ chỗ có năm chùa Phật hiện ra thì các nơi khác ở hai bờ sông đều là núi cao, sa mạc, không nơi nào có thể qua sông được Do đó, ngày xưa con đường tơ lụa chắc chắn phải lấy nơi này làm bến đò qua sông”.

“Trên đường về, người bạn tháp tùng với tôi là Tiểu Thạch vừa đi vừa nói chuyện. Tiền bối lâu đời của anh đều sống ở thị trấn Ha Tư. Nghe các cụ kể thôn trang của họ vốn gọi là phố Ha Tư, khá đông đúc, có đến hơn 3000 người, khu phố có đến hai mươi bốn ngôi miếu, mười tám nhà nghỉ lớn, một đêm thu cả đấu vàng. Lại còn có lầu cao, có lầu chuông, lầu trống v.v... người bản địa tự khoe là một tiểu Bắc Kinh”.

“Đi trên con đường giao thương buôn bán thời cổ dại, tôi hầu như đang hình dung các thương nhân nghỉ lại phố Ha Tư mốt đêm, chỉnh đốn hành trang, cho ngựa ăn uống để sáng mai ra bến đò qua sông Hoàng Hà, hoặc hầu như đang nghe tiếng nhạc ngựa lanh canh và tiếng hò hét của những người đuổi ngựa vang vọng lại trong hang núi. Không biết bắt đầu từ khi nào, không biết vì nguyên nhân gì mà bỗng nhiên tiếng nhạc ngựa biến mất, đám thương nhân không còn lui tới nữa, dân chúng ở phố Ha Tư lần lượt đi đâu cả. Hiện nay, phố Ha tư chỉ là một thôn trang nhỏ bé ước khoảng 200 người, một vết tích nhỏ năm nào cũng không còn được lưu dấu”.

 

LAN CHÂU LÀ MỘT BẾN ĐÒ CHĂNG?

Sau những gì được biết về hai bến đò nam bắc của sông Hoàng Hà, tôi trở lại chú tâm khảo sát Lan Châu qua sử sách để xem đây có phải là nơi con đường tơ lụa đi qua không?

Trước khi đến Lan Châu, tôi đã đọc Đại Từ Ân tự Tam Tạng Pháp sư truyện. Bộ sách do đệ tử của thầy Huyền Trang viết ra này, đã kể lại rõ ràng lộ trình mà sư phụ đã đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, trong đó có nói đến lúc ngài ra khỏi kinh đô Trường An như sau: “Có vị tăng Hiếu Đạt ở Tần Châu đã từng học kinh Niết bàn tại kinh đô, học xong, về quê đi với ngài đến Tần Châu, nghỉ lại một đêm, rồi tiếp tục đi Lan Châu, cũng nghỉ lại một đêm, sau đó, gặp người ở Lương Châu tiễn đưa người chăn ngựa cho triều đình trở về, ngài theo người này nghỉ lại ở đây hơn một tháng …”.

Đoạn văn trên nói rõ lộ trình của Đường Huyền Trang Tây du là: “Trường An - Thiên Thủy (Tần Châu) - Lan -Châu - Vũ Uy {Lương Châu).

Điều mà đoạn văn trên đề cập rất đáng chú ý là: Tại Lan Châu, Huyền Trang “gặp người Lương Châu tiễn người chăn ngựa cho triều đình trở về”. Hành lang Hà Tây từ thời Hán Đường có một khu vực nuôi ngựa rất rộng lớn cho triều đình để cung cấp ngựa xe và ngựa chiến, mà người Lương Châu (tức Vũ Uy) từ tây đi về đông để hộ tống quan coi việc chăn ngựa cho triều đình, thì nơi đến của họ rất có thể là kinh đô Trường An. Mà người đã từ hành lang Hà Tây hộ tống từng đoàn ngựa quan về kinh đô thì phải qua Lan Châu, như vậy có thể thấy vào đời Đường, Lan Châu là trạm giao thông trọng yếu giữa hành lang Hà Tây và Trường An.

Đọc qua đoạn văn trên, nếu bảo con đường tơ lụa mà không qua Lan Châu là một điều rất khó chấp nhận Khi thăm giáo sư Tiên Tiên Uy công tác tại Sở Nghiên cứu Lịch sử Địa lý thuộc khoa Địa lý trường Đại học Lan Châu, tôi xin ý kiến chỉ giáo về đoạn văn ấy. Giáo sư cho rằng Đại Từ Ân tự Tam Tạng Pháp sư truyện là do đệ tử của ngài Huyền Trang viết ra, chắc chắn chính tai mình đã nghe lời sư phụ kể lại. Do đó, những gì nói trong sách về lộ trình Tây du đều có thể đáng tin.

Ông còn nói với tôi: Lan Châu vào đời Hán đã từng gọi là huyện Kim Thành, đến đời Đường đổi là Lan Châu. Vì vậy, chỗ trong sách nói là Lan Châu thì ngày nay cũng là Lan Châu ấy, chứ không phải một nơi nào khác cả.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của giáo sư, thì xuất phát từ Trường An đi hành lang Hà Tây còn có một tuyến đường nữa, đó là: Trường An - Thiên Thủy - Lan Châu - Vũ Uy. Tuyến đường giữa này chỉ là do diễn biến từ cơ sở của tuyến nam mà thôi. Việc khai thông tuyến đường này có thể muộn hơn so với tuyến nam và tuyến bắc.

Tiên Tiên Uy cũng đã tìm ra một căn cứ khác qua thơ Đường, nói rõ Lan Châu là nơi qua lại của một dịch đạo xa xưa. Nhà thơ Sầm Tham đời Đường qua đề tài về biên tái có một bài thơ vịnh ải Kim Thành như sau:

     Cổ thú ỷ trùng hiểm,

     Cao lâu tiếp Ngũ Lương;

     Sơn căn bàn dịch đạo,

     Hà thủy tẩm thành tường.

Tạm dịch: Lính thú xưa dựa vào nơi hiểm trở, lầu cao thành vọng gác tiếp với Ngũ Lương; dọc chân núi xây đường dịch đạo, nước sông Hoàng Hà thấm ướt tường thành.

Thành cổ Lan Châu xây dựng bên bờ sông Hoàng Hà cho nên nói “Hà thủy tẩm thành tường” (nước sông thấm vào tường thành), dưới chân núi Cao Lâu là bình nguyên Quan Trung trải đài về phía đông, còn phía tây thì tiếp giáp với dịch đạo đọc hành lang Hà Tây, nên nói “sơn căn bàn dịch đạo” (chân núi xây địch đạo). Rõ ràng nhà thơ đã miêu tả một cách chân thực Lan Châu là nơi trọng yếu trên con đường thông vãng Tây Vực.

Sau này tôi có hỏi lại các giáo sư khoa sử thuộc trường Đại học Cam Túc, họ cũng cho rằng có hai sự thực của lịch sử quan trọng có thể nói rõ Lan Châu là nơi trọng yếu trên con đường thông thương đông tây: Thứ nhất, theo Tam quốc chí ghi thì tướng Thục là Khương Duy xuất binh đánh Ngụy, bao vây quân Ngụy tại Địch đạo (Lâm Thao) thuộc khu vực phía nam tỉnh Cam Túc. Triều đình nhà Ngụy khẩn cấp điều binh cứu viện đi dọc hành lang Hà Tây, qua Kim Thành (Lan Châu) xuống phía nam để giải vây. Do đó, ta có thể thấy, ngày xưa vào thế kỷ thứ III CN, Lan Châu là đường giao thông trọng yếu dọc hành lang Hà Tây giữa đông Hoàng Hà và tây Hoàng Hà. Thứ hai, theo Tân Dường thư năm 822 CN, triều đình nhà Đường phái đại thần Lưu Nguyên Đỉnh đến địa giới tây nam cùng với nước Thổ Phồn (Nay là khu tự trị người Tây Tạng) hội thề. Lưu Nguyên Đỉnh xuất phát từ Trường An, qua Thành Ký (nay là huyện Tần An, quận Lũng Tây) đến Lan Châu bên bờ sông Hoàng Hà, rồi đi tiếp về hướng tây. Bấy giờ Lan Châu bị người Thổ Phồn chiếm cứ. Sử liệu ghi rằng: “Đất Lan Châu toàn trồng lúa và các loại cây đào, lý, du, liễu, ... xanh tươi, nhà cửa toàn của người Đường, thấy sứ giả mặc áo lông mịn thảy đều chạy đến xem”.

Tại phòng triển lãm quy hoạch thành phố Lan Châu, tôi còn tìm ra được một chứng cứ có sức thuyết phục đó là bức Kim Thành lãm thắng đồ (bức họa thắng cảnh ở Kim Thành) vào đời Quang Tự nhà Thanh; bức họa vẽ chiếc cầu nổi bắc ngang sông Hoàng Hà; đối diện với cầu là một tòa tháp bằng gỗ Theo như người làm công tác văn vật cổ nói, thì tòa tháp gỗ này là công trình kiến trúc thuộc đời Đường. Trước giải phóng, tòa tháp gỗ đã bị thiêu hủy. Trên tháp có một cái đỉnh bằng sắt trên có khắc dòng chữ Trinh Quán cửu niên Cao Xương vương Cúc Văn Thái tạo (vua Cao Xương Cúc Văn Thái năm Trinh Quán thứ chín kiến lập).

Cao Xương là một chư hầu của nhà Đường, nay là Tolophan, Tân Cương. Thời Sơ Đường, vua Cao Xương Cúc Văn Thái rất cung kính đối với triều đình nhà Đường đã từng cống nạp cho Đường Cao Tông loại chó cảnh gốc từ La Mã cao sáu tấc dài một thước, có thể dùng miệng ngậm đuốc, có thể dắt dây cương ngựa lôi đi. Đường Thái tông tức vị, vua Cao Xương Cúc Văn Thái là người đầu tiên đến Trường an bái yết. Nếu ông ta đã dựng tháp ở Lan Châu, như vậy thì từ Tân Cương đi Trường An ắt phải đi qua Lan Châu.

Cây cầu nổi bắc qua sông Hoàng Hà được vẽ trên Kim Thành lãm thắng đồ tạo dựng năm Hồng Vũ thứ chín đời Minh (tức năm 1376). Đó là cây cầu có sớm nhất ở Lan Châu.

Sách sử ghi chép: trước thế kỷ XIV người ở Lan Châu qua sông Hoàng Hà chỉ dùng thuyền đò mà thôi.

Qua việc tìm hiểu trên, thì khuynh hướng của tôi đứng về phía những người cho là con đường tơ lụa phải đi qua Lan Châu. Tôi cho rằng những người chỉ giữ thái độ hoài nghi và không đưa ra được chứng cứ chỉ là lối phiếm luận thiếu căn cứ lịch sử mà thôi. Khi tôi đưa ra việc tìm hiểu các tài liệu thì họ cũng có thể hiện những thái độ đáng suy nghĩ.

 

RỪNG RẬM NGUYÊN THỦY

Tính chất trọng yếu của Lan Châu trên con đường tơ lụa cổ đại đối với Trung Quốc ngày nay đã hơn hẳn bất cứ thời đại nào của lịch sử. Từ những năm năm mươi trở lại,  đây, tôi đã ba lần đến Lan Châu, và sau mỗi lần đều để lại ấn tượng đặc biệt.

Năm 1953, lần đầu tiên đến Lan Châu, bấy giờ đường sắt Thiên Thủy - Lan Châu vừa mới đưa vào sử dụng thì đường sắt Lan Châu - Tân Cương đang bắt đầu khởi công. Như vậy Lan Châu được xem là mô hình của một đầu mối giao thông ở khu vực Đại Tây Bắc đã bắt đầu rõ nét.

Khu thành cổ Lan Châu rất nhỏ, vẻn vẹn chỉ 16 cây số vuông mà còn đối mặt với núi cao và sông Hoàng Hà chảy ngang qua. Tôi trọ trong nhà khách ở lưng chừng núi Cao

Lan, chung quanh toàn là núi trọc, và hút tầm mắt là những núi đất màu vàng, cơ hồ không có màu xanh. Dù là sắc vàng thống trị toàn bộ cao nguyên hoàng thổ ấy khiến người ta không mấy thích thú, song không khí kiến thiết bừng bừng của cuộc sống mới ở khu cổ thành này cũng phần nào có sức truyền cảm. Trên con phố nhỏ hẹp của thị khu, đám người pha trộn giọng nam, giọng bắc đang kề vai sát cánh. Tất cả họ đều mang trong mình bầu nhiệt huyết tiến lên kiến thiết khu Đại Tây Bắc của tổ quốc.

Cách hơn hai mươi năm sau, năm 1974, tôi trở lại Lan Châu, cảm quan của tôi đã khác trước. Tôi trọ tại một khách sạn ở Lan Châu. Vừa mở cửa sổ, trước mắt tôi đã hiện ra một bồn hoa nhiều màu trên quảng trường trưng tâm thành phố. Nhìn thấy màu sắc xán lạn ấy, cái ấn tượng cũ về cao nguyên đất vàng nằm sâu trong tiềm thức tôi bỗng trở lại. Về sau đi sâu vào một số đường lớn rợp bóng những hàng bạch dương cao ngất của thị khu thì bao nhiêu thành kiến trước đây đều tiêu tan hết. Ai đã từng thấy Lan Châu ngày trước thì mới hiểu được sâu sắc rằng màu xanh đối với Lan Châu quý như thế nào.

Cổ thành trên con đường tơ lụa đã chính thức được kiến tạo thành đầu mối giao thông của khu Đại Tây Bắc. Trước giải phóng, ở Lan Châu một tấc đường sắt cũng không có, nhưng hiện nay có đến bốn đường chính: Đường sắt Lan Châu đi Tân Cương, Lan Châu đi Tây Ninh, Lan Châu đi Bao Đầu và Lan Châu đi Thiên Thủy. Hệ thống đường nhựa ở Lan Châu cũng được hình thành. Cầu để qua sông Hoàng Hà dành cho đường sắt và đường nhựa tư một tăng lên chín chiếc cầu.

Thành quả lao động của những người khai phá hơn hai mươi năm nay tôi đã được chứng kiến, chính bàn tay họ đã xây dựng nên một thành phố công nghiệp, diện tích được mở rộng đến hơn 2000 cây số vuông (Lan Châu cũ chỉ 16 cây số vuông), so với diện tích ban đầu tăng gấp 130 lần. Tôi thường tham quan công nghiệp hóa học dầu khí và công nghiệp máy khai thác dầu khí ở đây, có thể thấy được tiềm năng to lớn của thanh phố công nghiệp khu Tây Bắc này: Cam Túc có nguồn tài nguyên phong phú về kim loại quý hiếm, về dầu khí, than đá, lại có nguồn thủy điện vô tận ở thượng du Hoàng Hà. Trong tiến trình bốn hiện đại hóa, Lan Châu chắc chắn sẽ phát huy tác dụng một cách đặc sắc.

Gần đây, một lần nữa tôi đến Lan Châu, ngoài việc tìm hiểu bến đò xưa của con đường tơ lụa, lúc rảnh tôi đi thăm các nơi đã phát hiện ra vừng đất mới đã không bị con người bỏ quên.

Một bên cầu nổi thời cổ đại, nơi vua Cao Xương có xây một tháp gỗ đối diện, còn có núi Bạch Tháp mà ngày nay người ta kiến tạo thành công viên núi Bạch Tháp. Toàn bộ đình đài lâu các đều là tác phẩm của kiến trúc sư Nhậm Chấn Anh, công viên này dựa trên cơ sở kiến trúc truyền thống của dân tộc Trung Quốc mà nhà thiết kế có cách cấu tứ xảo diệu, có phong cách riêng biệt, cụ thể. Chẳng hạn như cái đình hình tam giác rõ là tinh xảo mới lạ. Để cải tạo bộ mặt núi đồi trọc nhẵn trước đây, người ta đã dẫn nước sông Hoàng Hà tưới khắp cả 2800 mẫu rừng trồng, có thể nói thật là lao tâm khổ tứ.

Người hướng đạo nói: thời cổ đại cả một dải đất Lan Châu này núi rừng rất xanh tốt, tôi tỏ vẻ không dám tin, anh nói tiếp:

- Ngày mai mời ông đi thăm vùng rừng rậm nguyên thủy của chúng tôi rồi sẽ thấy.

Từ Lan Châu đi xe về hướng đông chừng bốn mươi cây số, qua huyện Du Trung (truyền thuyết có kể Huyền Trang đã từng trú lại mấy ngày tại trấn Định Viễn thuộc huyện này), luồn qua một hang núi vắng vẻ thì đến dưới chân núi Hưng Long. Ở đây có một con suối nhỏ phía trên một chiếc cầu độc đáo bắc qua. Thân cầu giống như một hành lang, hai đầu có đình. Qua khỏi cầu, chuẩn bị leo bậc lên núi để tìm “rừng rậm nguyên thủy”.

Lưng chừng núi có vết tích của mộ chí Thành Cát Tư Hãn. Thời kháng Nhật, mộ Thành Cát Tư Hãn được tộc người Nội Mông là Y-Khắc-Chiếu-Minh Y-Kim-Hoắc-Lạc-Kỳ thiên di đến núi Hưng Long. Ngày nay lăng mộ của tay giặc trời (thiên kiêu) một thời này đã được đưa về cố hương, chỉ còn dấu cũ tường xiêu vách đổ và hai cây cổ tùng cao thấu tầng mây. Thân cây thẳng cao dễ đến hơn bốn mươi mét.

Đi trước là một họa sĩ, bỗng la lớn: “Nhanh lên đến xem này, đẹp quá?” Ai nấy Vội chạy lên thì thấy chị đã lấy vở vẽ ghi nhanh phong cảnh. Trước mắt là núi non cây cối rậm rạ. Trời đã vào thu, màu sắc cây lá sặc sỡ dưới ánh mặt trời chiếu rọi, nào là màu vàng óng, màu xanh lục, màu đỏ thẫm thật là mỹ lệ. Đối mặt với sắc thu mê mẩn, tôi thật khó dứt ra cho được, vừa ngắm thưởng sắc núi vừa tốc họa bằng bút màu, chị họa sĩ nói:

- Màu sắc ở đây có thể nói là khó tìm thấy, đẹp như một thiếu phụ nhưng lại không kiêu sa kiều diễm, trong cái tươi sáng đó lại lộ ra cái tự nhiên, cái đoan trang …

Chúng tôi đang ngắm nhìn cảnh sắc thì đằng trước có người kêu lớn: “Đến đây nhanh lên! Trên đỉnh mới là rừng rậm nguyên thủy đấy!”

Đứng trên đỉnh cao nhìn bao quát xuống dưới, tầng tầng lớp lớp những dãy núi hiện ra từ xa đến gần, trên mỗi dãy núi thấy toàn màu xanh của cây thông mụ, tươi tốt sum suê. Ánh mặt trời phản chiếu càng làm tăng thêm vẻ tráng lệ của rừng rậm nguyên thủy. Tôi nằm trên một thảm cỏ vừa ngắm vừa suy nghĩ cảnh đẹp này hầu như mình đã nhìn thấy ở một nơi nào đấy rồi, rất quen thuộc. Ồ, phải rồi, hoàn toàn đúng là một bức họa phong cảnh Đông sơn của họa sĩ nổi tiếng người Nhật Khôi Di.

Núi Hưng Long là dư thế của dãy Kỳ Liên kéo dài về phía đông. Chỉ cần bước xuống một bước là tôi có thể qua sông Hoàng Hà để đến hành lang Hà Tây, tiến thẳng vào lòng núi Kỳ Liên để tìm hiểu thêm phần nào phong cảnh của những ngọn núi tuyết trắng phau ấy.

 

 

----o0o---

 

Mục Lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 06 | 07 | 08 |  09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15

 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25

 

----o0o---

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 4-2007


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Truyện Phật Giáo 2 || 1

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544