Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh


...... ... .

 
 


Quý Mùi ra đi, Giáp Thân đến

Minh Ðăng
 

Xuân lại về,Tết lại đến. Thêm một lần nữa, người Việt ly hương thấy lòng mình thương nhớ ngập tràn:

Xuân đất khách

Thắp nén hương trầm

Thương về Sài Gòn cũ

Tết quê người

Cạn chung trà cúc

Nhớ lại Việt Nam xưa.

Sài Gòn cũ

      Còn nằm trong ký ức

Việt Nam xưa

      Vẫn sống với tình thương

Ba mươi năm chinh chiến

      Sài Gòn thương đất nước

Hăm tám tuổi hòa bình

Hà nội nuốt miền Nam

Ba mươi năm chinh chiến

Huyênh hoang toàn chiến thắng

Hăm tám tuổi hòa bình

 Vơ vét hết tài nguyên

Nhưng

Việt Nam còn đó

Sài Gòn còn đây

Toàn dân không khuất phục

Bạo lực phải tan tành.

Các bạn thân mến,

Chúng tôi nghĩ rằng: với tinh thần yêu nước, người Việt hải ngoại vẫn sống gần gũi với toàn dân và góp sức với toàn dân trong việc khôi phục lại giang sơn đang bị dày xéo.

Trong tinh thần đó, chúng tôi thấy gần gũi nhiều hơn với bạn đọc xa gần, khi Xuân về Tết đến. Chúng ta đang quây quần bên nhau trước chén trà xuân. Nhơn dịp nầy, chúng tôi xin được kể vài câu chuyện vui vui buồn buồn.

-Tống lão dương, nghinh khanh hầu

- Khỉ và khỉ

- Khỉ ho cò khóc

- Dần Thân Tỵ Hợi, tứ đồng minh

    *

I- Tống lão dương, nghinh khanh hầu.      

“ Tống lão dương” có nghĩa là tiễn đưa bác dê già. “Nghinh khanh hầu” là đón tiếp cậu khỉ giữ một chức vụ quan trọng (khanh: chức vụ quan trọng ngày xưa)

Xin cám ơn Bác Dê Quý Mùi và xin mời bác uống chén trà tiễn biệt. Bác đã già yếu suy dương, còng lưng mỏi gối vì phí sức quanh năm, mệt mà không nghỉ. Bác Dê già nhắp chén trà xuân rồi từ từ be he cáo biệt. Xin gặp lại Bác mười hai năm sau, khi Bác được hồi dương tỉnh táo. Bye bye !

Xin đón mừng cậu Khỉ Giáp Thân trẻ trung phong nhã. Cậu có tài nhảy nhót nhăn răng để an bang tế thế. Xin cậu nhớ cho rằng: với tước “công hầu” - tức là con khỉ lo việc công - cậu là “dân chi phụ mẫu”, cho nên đừng bao giờ có “ ý mã tâm viên”. Xin mời cậu ăn quả đào tiên do Tề Thiên để lại và cạn chén trà xuân để lo việc bình thiên hạ. Ðừng có bắt chước ông Tổ ngày xưa mà làm cho thiên cung đại náo.

II –Khỉ và khỉ.

Vì là năm Thân, nên chúng ta kể cho nhau nghe những câu chuyện khỉ, mà chuyện khỉ thì kể hoài không hết, vì khỉ có rất nhiều loại, lớn nhỏ khác nhau, hình dung khác nhau, màu sắc khác nhau. Từ những con khỉ khô, khỉ mốc, khỉ giọc bị chê bai thậm tệ, đến những con khỉ hát xiệc, khỉ Tarzan (thật ra là con vượn), khỉ của Sơn Ðông mãi võ. Từ những con khỉ bồng con trong vườn thú đến con khỉ khổng lồ King Kong đã dọc ngang trên những nóc nhà cao ngất ở thành phố New York, để rồi chỉ đóng được vai trò “terrorist” tạm bợ, trong những cuốn phim trắng đen cổ lổ xỉ. Từ con khỉ King Kong chúng ta đi đến con khỉ “siêu  hầu”.

Các bạn ơi, hầu là khỉ, vậy “siêu hầu” là “super monkey”. Chúng ta gặp được con “siêu hầu” từ thuở ấu thơ, khi chúng ta đọc chuyện Tây Du Ký, và chúng ta đã nhận diện:

Tề thiên Ðại thánh

Theo thầy thỉnh kinh

Hoán vũ hô phong

Thần thông biến hóa

Côn sắt tuyệt vời

Diệt trừ ma quỷ

Cỡi mây lướt gió          

Ðại náo thiên cung       

Nổi giận đùng đùng

Nghênh ngang hống hách         

Xem Trời bằng vung

Tuy có rất nhiều loại khỉ, khác nhau về màu sắc, về hình dung, về lớn nhỏ, nhưng hình như có năm điểm giống nhau và độc đáo của loài khỉ.

Năm điểm đó là: trèo leo, nhảy nhót, bắt chước, nhăn răng và ... liến khỉ. Vì cái tánh trèo leo suốt ngày cho nên khỉ bị người chê là “cho mặc áo đẹp, khỉ vẫn trèo cây” . Câu nầy lại ám chỉ những kẻ quê mùa, dù có muốn khoe khoang cái sang trọng thì cũng vẫn quê mùa. Ðối với chúng tôi, con khỉ được mặc áo đẹp mà vẫn leo cây là điều đáng quý, vì trong chúng ta có những người mãi ngồi trong xe hơi đẹp mà lãng quên cặp giò thiên phú của mình, nên, tội nghiệp làm sao, không còn tiếp xúc với trời xanh mây trắng, trong từng bước thảnh thơi.

Các bạn ơi,

Trong trại tù cải tạo năm xưa chúng tôi phát giác được một loài khỉ vô cùng độc đáo, mình mẫy nó đỏ ngầu, miệng mồm nó tào lao bất tuyệt.

Chúng tôi còn nhớ thi sĩ Trần Dần có viết trong bài “Nhất Ðịnh Thắng” (Giai Phẩm Mùa Xuân – 1956):

 

... “Trời vẫn quật muôn ngàn tảng gió

     Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi

    Tôi cúi xuống – qùy xin mưa bão

 Chớ đổ thêm lên đầu họ- khổ nhiều rồi!... ...

Tôi bước đi
            không thấy phố
không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ...”

Chúng tôi thương cho Trần Dần  kéo lê bước chân buồn thảm, “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Chúng tôi thấy đau buốt trong tim khi nhớ lại, 28 năm xưa ở trại tù cải tạo, một buổi sáng tù nhân thức dậy chỉ thấy một bầu trời đỏ ngầu trong ảm đạm tang thương. Không phải chỉ có mưa sa trên màu cờ đỏ, mà không biết bao nhiêu là cờ đỏ, biểu ngữ đỏ được treo ở vòng rào kẻm gai, ở khắp các dãy nhà. Trên những biểu ngữ đỏ ngầu có những dòng chữ vàng thắm – những dòng chữ xấc xựợc, ngang tàng, láo khoét, thần thánh hóa một cá nhân, một băng đảng, khoe khoang ca tụng những “ đày tớ trung thành của nhân dân “ đã tận tụy hy sinh cho nhân dân được “vinh quang trong lao dộng”.

Trước cái ngu xuẩn đến tột cùng, cái giả dối đến cao độ của bọn tham lam tàn ác, chúng tôi thấy rõ: cái điêu đứng lầm than của tù nhân cải tạo là việc đương nhiên và cái điêu linh thống khổ của toàn dân là điều không thể tránh, vì bầy khỉ đỏ ngầu đang tung hoành ác khẩu trong bầu trời ảm đạm thê lương.

Các bạn ơi, làm sao tránh được điêu linh thống khổ, khi mà:

Ðỏ từ rừng núi đỏ lan ra

  Ðỏ khắp giang san, khắp mọi nhà 

  Ðỏ nhuộm thân hình con khỉ mốc

Ðỏ xuyên qua óc chú ba hoa

Ðỏ thiêu sách vở, đau lòng trẻ

  Ðỏ phá gia cang, khổ tuổi già

Ðỏ đốt chùa chiền, thù Phật giáo

Ðỏ mê tà thuyết, bỏ ông cha.

( Trại Long Thành, tháng 7 năm 1975 )

Trong trại tù cải tạo năm xưa, vào một buổi trưa hè nóng  bức, chúng tôi nghe tiếng ruồi vo ve, bỗng nhiên nhớ đến bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, bài “Le Coche et la Mouche” :

Trên con đường cát, dốc cao, nắng gay gắt, sáu con ngựa lực lưỡng đem hết sức bình sinh để kéo chiếc xe nặng ỳ. Tất cả mọi người, kể cả đàn bà, thầy tu và bô lão đều phải xuống xe. Bỗng nhiên, một con ruồi vo ve bay đến, xáp lại, chích con ngựa nầy, chích con ngựa kia, lăng xăng lích xích với tiếng vo ve trong lỗ tai sáu con ngựa.

Xe vừa lên khỏi dốc, con ruồi ngồi chễm chệ trên chót mũi người đánh xe và nói: “xong rồi bà con ơi, hãy thở đi cho khỏe.” Con ruồi lại lải nhải kể công lao và đòi trả tiền công vì cho rằng nó là kẻ duy nhứt đã đưa chiếc xe lên khỏi dốùc.

La Fontaine kết luận: “Et, partout, importuns devraient être chassés” (bất cứ nơi nào, những kẻ thọc gậy bánh xe, phá rối mà huyênh hoang, đều cần phải bị tống cổ).

La Fontaine tiên sinh ơi, buồn ba phút, quê hương tôi có một bầy ruồi đã từ lâu tự nguyện:”Làm đầy tớ trung thành cho nhân dân”

Thưa các bạn,

Với tuổi đời chồng chất trong bao nhiêu thăng trầm biến đổi, trong bao nhiêu tang tóc điêu linh, “bần đạo” tu hoài mà chưa chín nên không “hoát nhiên đại ngộ”, mà thình lình trở thành một “Tarzan nổi giận” khi nghĩ đến cái thống khổ của quê hương, cái điêu linh của dân tộc đang bị dày xéo bởi bạo quyền tham nhũng.

Chúng tôi xin có một câu đố vui vui để trở về chánh niệm. Câu đố đó như sau:

Trong muôn loài khỉ

Có con kỳ lạ

Không đực không cái

Nó mất đi

Không năm ngóai

Không năm nay

 Tôi xin đố bạn?

* Nó là khỉ gì?

* Nó mất lúc nao?

Ðể cho các bạn khỏi tốn thời gian tìm kiếm, chúng tôi xin trình bày hai giải đáp:

- Giải đáp 1:

Con khỉ năm thân

Không đực không cái

Mất đúng vào giờ giao thừa

      Không năm ngoái

      Không năm nay.

( Khi chúng ta nói: Khỉ Giáp Thân, khỉ Bính Thân ... thì làm gì có đực hay cái )

- Giải đáp 2:

Con khỉ tâm viên ý mã

Không đực không cái

Mất trong lúc thất niệm

      Không năm ngoái

      Không năm nay

Các bạn ơi,

Mình chỉ là mình, khi mình tỉnh thức

Khi thất niệm thì đánh mất mình đi

III-Khỉ ho cò khóc.

Từ thuở xa xưa, Việt Nam ta có những người lính thú sống vất vả lầøm than, lúc ra đi từ biệt vợ con thì lệ rơi lả chả:

“ Ngang lưng thì thẮt bao vàng

Ðầu đội nón dấu, vai mang súng dài

Một tay thì cắp hỏa mai

Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền

Thùn thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa “( Bao vàng: bao bằng vải màu vàng, chớ không phải bao đựng vàng của quan lớn)

Lúc đóng đồn ở nơi xa xôi thì phải phục vụ quan trên, phải ăn uống vô cùng kham khổ, lại phải quần quật suốt ngày:

“ Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng

Nước giếng trong, con cá nó vẫy  vùng “.

Chúng tôi thấy thương hại cho người lính thú đời xưa và chúng tôi nghĩ đến người lính chiến thời nay.

Trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây, bên cạnh những người lính chiến còn có lính kiểng và lính ma.

Lính kiểng thì ăn no ngủ kỹ, áo quần bảnh bao, thỉnh thoảng khi được cần đến, thì biểu diễn, dàn chào trước bá quan văn võ. Lính kiểng sống khỏe re mà tiền lương lãnh đủ, cho nên, thân yếu xiều như cây kiểng trong chậu, cũng không sao.

Lính ma là lính có tên trong sổ lương đàng hoàng nhưng không hề lãnh lương và không bao giờø có mặt ở quân trường. Lương của lính ma ai lãnh? Ai mà biết được.

Nếu chúng ta tọc mạch đến hỏi “xì thẩu” ( xì thẩu: ông chủ, theo tiếng Quảng Ðông) :

-Cái lỵ nhập quốc tịch Việt Nam lâu

lắm rồi, sao không thấy cái lỵ đi lính?

Xì thẩu sẽ ung dung trả lời:

- Hầy, ông cố của ngộ từ pên tàu qua đây làm puôn pán, ông lội của ngộ, dồi cha của ngộ cũng làm puôn pán, thì ngộ cũng làm puôn pán chớ.

Vì có lính kiểng và lính ma cho nên lính chiến, chẳng những phải chiến đấu không ngừng, mà còn phải rày đây mai đó ở núi cao rừng rậm, ở chốn “khỉ ho cò gáy”.

Thời thơ ấu, sống ở đồng quê, chúng tôi có dịp nghe tiếng ho khò khè của con khỉ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi được nghe tiếng gáy của cò. Thật ra, cò không bao giờ gáy. Theo chúng tôi thì có lẽ ta nên nói “khỉ ho cò khóc”

Gặp khi trái gió trở trời, con khỉ bị cảm nặng nên ho khò khè, nghe mà đứt ruột. Gặp thời đất nước vinh quang, con cò lang thang đói rã rời, buộc lòng ăn hột bo bo của cách mạng, cho nên đau bụng mà khóc ròng.

Chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện “Sans famille” ( Vô gia đình ), tác phẩm của văn hào Pháp, Hector Malot, mà cách đây gần 60 năm, chúng tôi đã đọc say mê và bùi ngùi rơi lệ. Hector Malot sở trường về tiểu thuyết xã hội ( viết vào cuối thế kỷ thứ 19 ) đặc biệt là những tác phẩm nói về cái khổ của trẻ thơ.

Quyển “Sans Famille” kể lại đời sống của gánh hát dạo trong đó có bốn nhân vật: một ông già, một cậu bé, một con chó và một chú khỉ. Gánh hát dạo đi lang thang, sống cơ hàn trên khắp các nẻo đường trong gió bụi tuyết sương. Một ngày kia, con khỉ bị cảm nặng và sưng phổi, nhưng may mắn được cứu kịp thời. Trên dặm đường gió mưa, sương tuyết, gánh hát đã mỏi mòn, con khỉ thì yếu đi sau cơn bịnh, để rồi, đau đớn làm sao, nó lại bị cảm nặng rồi sưng phổi. Lần nầy nó ho nhiều lắm, nó lạnh run lên, khi viên thú y đến thì đã trễ rồi. Con khỉ đã ra đi tìm nơi an nghĩ, để lại gánh hát cơ hàn, mất đi một thành viên đắc lực. Gánh hát dạo tiếp tục đi lang thang trên khắp các nẻo đường tuyết sương cát bụi.

Từ con khỉ ho, chúng tôi xin  nói đến con cò khóc. Thuở nhỏ, chúng tôi sống ở đồng quê, tuổi ấu thơ gắn liền với hình ảnh con trâu đen đi thanh thản trên bờ đê ngập nắng, con cò trắng bay nhẹ nhàng trong bầu trời xanh...

Ðến năm 1992, chúng tôi được dịp trở về quê nội ở làng Thanh Phước, quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi không được nghe tiếng chim hót trong gió thoảng vi vu và không thể nào tìm lại được bóng dáng thơ mộng của con cò trắng bay nhẹ nhàng trong bầu trời xanh. Sau đó chúng tôi được người em họ cho biết:

Kể từ sau ngày hòa bình, được gọi là giải phóng, quê mình nghèo xơ xác. Người ta đã ăn hết sạch, con cóc, con nhái, con ểnh ương, con dế, con cào cào, con châu chấu, thì làm sao mà tìm được bóng cá tăm chim?

Ôi, từ thuở xa xưa, ở quê hương chúng tôi, con cò đã đau khổ không ngừng. Từ những con cò con sa cơ thất thế trong đêm tối, chẳng hề than thở cho thân phận hẩm hiu, mà chỉ xin được “ xáo nước trong “ để ra đi thanh thản:

“ Con cò mà đi ăn đêm

Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

 Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con “

Chúng ta đi đến những con cò tận tụy với chồng, đau khổ tận cùng nên khóc thảm thương:

“ Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non “

Chúng ta còn được biết có con cò kia vì không may mắn nên lấy nhằm ông Tú học tài thi phận, cứ Tú dài dài không bao giờ lên Cử. Con cò đó:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò, khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước, buổi đò đông ... “

Cách đây khoảng mười năm, chúng tôi có dịp ngồi nghỉ chân trên băng đá ở khu phố Tàu Cabramatta, bỗng nhiên nghe tiếng hát dí dỏm phát xuất từ cửa tiệm bán Video:

Cậu cả Cần câu cá

Có con cò, cái cổ cong cong,

 cái cẳng cao cao

Cậu cả Cần cắt cổ con cò, cắt cẳng con cò

Cái cổ cong cong

Cái cẳng cao cao

Con cò: cò cò cò!”

(viết theo trí nhớ, khi nghe thóang qua)

 

Chúng tôi lại nhớ đến quê hương. Chúng tôi nhắm mắt lại, cố tìm hình bóng những cánh cò thơ mộng lã lướt trong không trung. Nhưng đau đớn làm sao, tội nghiệp làm sao, chúng tôi chỉ thấy hằng hà sa số những con cò đói rách lầm than. Những con cò bị bóc lột tận cùng xương tuỷ nên ốm o tiều tuỵ. Những con cò, cái cổ cong cong, cai cẳng cao cao, từ 28 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, không còn nước mắt để khóc, cho nên, khi bị cắt cổ, cắt cẳng chỉ còn biết: cò cò cò !

IV-Dần Thân Tỵ Hợi, tứ đồng minh

Chúng tôi xin được kể câu chuyện tếu tếu vui vui, câu chuyện tình của “ thằng khờ “ tuổi Thân lấy nhằm “ con vợ “ tuổi Dần.

Trong làn sóng tỵ nạn quỷ khóc thần sầu “thằng khờ bồng bế vợ con”, xông pha biển cả, mười mất một còn. Gió đưa gió đẩy, gia đình “thằng khờ” trôi giạt vào đất nước Kangaroo” ngàn đời may mắn.

Xuân Giáp Thân sắp về, vào một đêm mưa dầm gió lạnh “ thằng khờ” ngồi một mình lắng nghe tiếng gió tiếng mưa. Nó hồi tưởng lại mối tình năm xưa và thấy lòng mình rạo rực trong tiếng mưa rơi “thằng khờ” rỉ rả làm thơ:

Bốn mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa

Có một thằng khờ

Trong đêm mưa gió say sưa với đào

Ðời lận đận, kiếp lao đao

Truân chuyên cũng bởi có đào có ta.

Một lần thì tỡn tới già

Ðừng ra biển Bắc mà hà ăn chân.

Kiếp nầy tinh tấn tu hành

Kiếp sau gặp phải tuổi Dần thì ... thương

 

“Thằng khờ” thấy mình khi cao hứng cũng làm được vài câu thơ tếu, nên khoái chí cười ha hả: “Ờ, thương thì thương, có sao đâu”. Nó lại lắng nghe tiếng mưa đêm hòa trong tiếng gió, rồi cười tủm tỉm, ngâm nga bài thơ đã làm từ trước:

Ðau đớn cho ai gặp tuổi Dần

Lao đao lận đận, bởi vì Thân

Vụng tu kiếp trước, làm thân Khỉ

Khéo sống đời nay, thoát nghiệp Dần

Khỉ mốc ăn chay, ngừng nhảy nhót

Cọp vằn bỏ thịt, hết hung hăng

Khỉ hiền cọp thảo nhà êm ấm

Chồng vợ đồng tu, dứt nghiệp trần

Các bạn ơi,

“Thằng khờ đó là ai? “Bần đạo” thật tình ... không biết. “Bần đạo chỉ kể lại câu chuyện ... đời xưa, câu chuyện tình theo gió đẩy đưa, bay về xứ Úc.

 

Sáng hôm nay, chúng tôi ngồi dưới mái hiên phía sau nhà, lặng lẽ ngắm nhìn những cánh bướm cành hoa. Chúng tôi uống cạn chén trà xanh ấm áp, và thấy cõi lòng thênh thang. Cặp bồâ câu rừng – người Úc gọi là  “crested pigeon” – từ trên ngọn cây wattle đáp xuống, duyên dáng dễ thương, bước đi thanh thản, chồng trước vợ sau. Chồng dừng chân quay lại, cất tiếng gù gù. Vợ chậm rãi bước đến, âu yếm rỉa lông ở gần mép miệng của chồng, và tiếp nhận tình thương trong nắng ấm.

Bỗng nhiên, chúng tôi nhớ đến câu chuyện tình của “thằng khờ” tuổi Thân. “Chú khờ ơi, tôi thương chú lắm, khờ được như chú thì cũng nên khờ”.

Chúng tôi cao hứng hát nho nhỏ vài câu thơ chữ Hán, hát nho nhỏ “theo kiểu quân tử Tàu”, vừa đủ cho vợ chồng “thằng khờ”ø nghe: 

Dần Thân kỳ ngộ

      Tỵ Hợi tao phùng

      Ðồng thanh đồng khí

      Ðồng chí tu hành

      Hữu cát hữu hung

      Tâm vô quái ngại

      Ðiên đảo viễn ly

      Vô hung vô cát

      Ðắc quả vô sanh

      Danh Lợi Sắc Tài, tâm bất hệ

      Dần Thân Tỵ Hợi, tứ đồng minh

Chú khờ ơi, tôi biết rõ: Trên đường hành đạo, thỉnh thoảng chú tếu để mà tu, tu phải tếu.

Kiếp sau làm gì còn tuổi Dần với tuổi Thân, phải không chú ?

Kiếp sau chỉ còn lại:

Nụ cười tươi mát

Aùnh mắt tình thương

Hơi thở nhẹ nhàng.

Bước chân thanh thản.

 Cuối năm Quý Mùi

Minh Ðăng

 



---o0o---

 cập nhật: 20-01-2004


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Thư Mục Mừng Xuân

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư :  Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544