Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Thánh Tích Phật Giáo


...... ... .


 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

"Discover and Walk in the footsteps of the Great One"

Lê Bích Sơn

--- o0o ---

Mục Lục

 

--- o0o ---

 

LỜI GIỚI THIỆU ^

" . . . Ðọc Tìm Dấu Chân Xưa là đọc bằng sự rung động của trái tim; đọc Tìm Dấu Chân Xưa là đọc những dòng tâm tư của chàng du tử vạn dặm cô thân nơi đất khách; đọc Tìm Dấu Chân Xưa là đồng cảm với một tâm hồn trẻ trung, đầy tình cảm "Ðạo - Ðời - Vạn Vật - Sinh Linh"...

Khi thì cao vút lên tận mấy tầng trời trong kinh Pháp Hoa, khi thì rơi hẳn vào thế giới hiện thực đến phủ phàng; khi thì dạt dào cảm xúc, khi thì "châm chích" nhẹ nhàng, ý nhị... Cây bút Lê Bích Sơn đã thật sự rung lên những cung bậc mà người ta phải tự mình đọc và tư duy mới có thể cảm nhận hết được.

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Tìm Dấu Chân Xưa cùng các bậc thức giả và bạn đọc gần xa".

Tiểu Viên am, Mạnh Ðông 2000

Tiến sĩ. THÍCH MINH THÀNH

(University of Delhi)        

 

 

LỜI MỞ ĐẦU ^

Chưa bao giờ, tôi dám nghĩ mình có thể viết một bài viết dài như thế này, dù rằng đó chỉ là con số "không" ( 0 ) đối với các bậc thức giả. Thú thật, ban đầu tôi định viết một bài ngắn theo thể ký sự về chuyến đi của mình để gởi đến một tờ báo tôi đang cộng tác (Ban biên tập đã "đặt hàng"); nhưng khi cầm bút dường như có sức mạnh vô hình nào đó thúc đẩy, khiến tôi say sưa viết và viết, đến khi nhìn lại thì số trang giấy đánh máy đã lên đến hơn 30 trang khổ A4. Tôi lại chuyển sang ý định "đầu tư" để viết thành tập, trước kính dâng lên các bậc ân sư để tỏ lòng thành kính tri ân, sau gởi đến chư huynh đệ cùng quý phật tử làm quà. Ðó là lý do bài viết này được in thành tập.

Chỉ là một cá nhân trong hơn 76 triệu dân Việt Nam,[1] được cơ duyên đến Ấn Ðộ học tập và chiêm bái là điều hy hữu mà trước đây tôi chỉ thầm mơ ước. Tất nhiên, không phải ai cũng có đủ thuận duyên để thực hiện một cuộc hành hương về đất Phật, tôi biết rằng: có nhiều bậc Tôn Túc, quý huynh đệ cùng vô số phật tử muốn về thăm "quê hương đức Phật, quê hương người cha tinh thần" một lần trong đời, nhưng rồi giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ cho đến ngày nhắm mắt. Những lớp người thay nhau nằm xuống, những lời ước nguyện còn giữ kín trong tâm, biết có ngày nào!

Từ quê hương Việt Nam, nơi có những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dân gian gắn liền với hình ảnh "ông Bụt" (ông Phật) thường hay xuất hiện "cứu nhân độ thế"; từ đất nước vốn tự hào có "nền văn hiến bốn ngàn năm lịch sử", nơi có những "mái chùa che chở hồn dân tộc", trên chuyến bay TG315 của Hãng hàng không Thái, tôi đến Ấn Ðộ trong niềm háo hức vô biên. Vâng, cuối cùng tôi cũng đã đến được quê hương đức Phật, đã đến đất nước của những triết gia lừng danh, những nhà khoa học vĩ đại. Những ngày đầu tiên ở Ấn, tôi phải cố gắng khắc phục hàng loạt những khó khăn của đời sống viễn xứ, những đêm dài thao thức, trăn trở, ngậm ngùi, đã có lúc tôi muốn "chùn chân" trước những thử thách của cuộc sống. Nhưng rồi tất cả dường như tan biến đi, khi tôi được đến chiêm bái Bồ đề Ðạo tràng, bằng một cuộc hành hương giản đơn, không "xe đưa ngựa đón", không tổ chức rình rang, chỉ có hai con người trong lặng lẽ. Những ngày ngắn ngủi ở Bồ đề Ðạo tràng, tôi đã chứng kiến và học hỏi nhiều điều quý giá từ sự hành trì, tu tập của những người con Phật, ở đó không phân biệt là Tăng hay Tục, không phân chia sắc áo màu da, không có sự hận thù của những thể chế chính trị..., Bồ đề Ðạo tràng chỉ có lòng thành tâm và sự tỉnh thức của những phật tử từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về. Từ Bồ đề Ðạo tràng, tôi đã góp nhặt được những bài học quý giá từ cuộc sống, những chất liệu làm hành trang cho chính mình trên cuộc hành trình tìm về nẻo Giác. Cũng những ngày ở Bồ đề Ðạo tràng, tôi mới cảm nhận được những giá trị linh thiêng và huyền bí của đất nước Ấn Ðộ, một trong những cái nôi của lĩnh vực tâm linh và triết lý phương Ðông.

Trên những con đường tôi đã đi qua, những ngã bảy, ngã ba của phố thị Sài gòn tấp nập, những góc phố tôi vẫn hàng ngày qua lại, đã có lúc chúng trở nên xa lạ vô cùng, nhưng tôi chỉ một lần đến Bồ đề Ðạo tràng, để rồi nhớ mãi. Những ngày ở Bồ đề Ðạo tràng, tôi được trú ngụ trong sự bình an, tận hưởng những giờ phút thanh thản, ở đó có những vị Sư kiên nhẫn, miệt mài hành trì mong tầm cầu chân lý tối hậu; Và cũng chính nơi đó tôi đã gặp những con người dù chỉ một lần nhưng cảm mến vô biên. Tôi cố gắng dành những giờ phút hết sức ngắn ngủi của mình, để góp nhặt và viết lại những gì mắt thấy, tai nghe về Bồ đề Ðạo tràng, cùng những cảm nhận của mình về chuyến hành hương ấy.

Cây bút bình luận của tờ The Sun- Francis Pharcellus Church - tác giả bài báo được in lại nhiều nhất trong lịch sử báo chí Hoa kỳ[2], từng viết: "Tất cả mọi đầu óc, dù là người lớn hay trẻ em, đều nhỏ bé. Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một loài côn trùng, một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó, nhỏ bé như khả năng trí tuệ của con người trong việc nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức". Vâng! Trong quỹ đạo đó, bài viết này tất sẽ không tránh khỏi những vụng về trong văn phong, những thiếu sót về các dữ kiện lịch sử, những chi tiết về khu thánh địa Bồ đề Ðạo tràng... Bởi lẽ, tư duy nhỏ bé của người viết không sao thấu lĩnh hết được những giá trị của Bồ đề Ðạo Tràng, không thể đọc hết những tài liệu từ nhiều ngôn ngữ khác nhau về thánh địa này. Nhưng dù sao đó cũng là kết quả của những nỗ lực trong một thời gian rất ngắn với điều kiện hết sức khó khăn[3]. Tác giả của những trang viết đầu non trẻ này, mong nhận được sự góp ý từ các bậc cao minh, thiện hữu tri thức.

Khi hoàn thành bài viết này, cũng là lúc tôi bước qua cái tuổi trái đất xoay tròn một phần tư thế kỷ (10/09/1975 – 10/09/2000). 25 năm thực hiện cuộc rong chơi của kiếp người, tôi từng học để biết rằng: Sự trưởng thành có liên quan nhiều hơn đến kinh nghiệm sống và học được những gì từ kinh nghiệm ấy, chứ không phải đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật. Sinh nhật lần thứ 25 của tôi, không lời chúc tụng, không thiệp, không hoa, không huyên náo ồn ào, chỉ một mình đối diện với bốn bức tường, nhưng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, niềm vui chưa bao giờ như thế này!

Cảm ơn cuộc sống đã đem đến cho tôi những khổ đau và hạnh phúc!

Trích Vân am, ngày 10 tháng 9 năm 2000

 

Chú thích:

1. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/4/1999: Dân số Việt Nam lên đến 76.324.753 người.

2.Theo Bảo tàng Báo chí ở Arlington, bang Virginia – USA

3.Bài viết này thực hiện trong khi gặp phải hàng loạt những khó khăn: chỗ ở, ngôn ngữ, phương tiện, và với khoảng thời gian rất hạn hẹp (khoảng 20 ngày).

 

--- o0o ---

Mục Lục1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 

--- o0o ---

| Tủ sách Phật học |

--- o0o ---

Trình bày : Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Thánh Tích

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com