Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .


Kinh ÐẠI THỪA GIÀ-DA SƠN-ÐÍNH

Dịch-giả Thích Tâm-Châu

 

Phật Lịch 2501

Chùa Từ Quang

584/1 Phan Thanh Giản

Saigon

---o0o---

KINH  ÐẠI-THỪA GIÀ-DA SƠN-ÐÍNH[1] 

- Ðường, Bồ-Ðề-Lưu-Chi dịch chữ Phạm ra chữ Hán.

- Thích Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.

 

Chính tôi được nghe: một thời kia đức Thế-Tôn ở nơi Tinh-xá, trên đỉnh núi thuộc Già-Da-thành, cùng với một nghìn Ðại-Tỳ-Khưu-chúng, mà các vị trước đây đều là dòng Phạm-Chí để tóc dài. Các vị đều là bậc A-La-Hán mọi lậu-nghiệp đã hết, chỗ tạo-tác đã xong, xả được mọi gánh nặng, việc lợi mình đã được, hết mọi sự ràng-buộc trong các cõi, chính-tri giải-thoái, tâm được tự-tại, đến bờ Niết-bàn[2]. Lại cùng vô-lượng các vị Ðại-Bồ-Tát đều cùng tụ-hội nơi Phật.

Khi đức Thế-Tôn, thành ngôi Chính-Giác, không mấy ngày, Ngài tịch-nhiên an-tọa, nhập nơi Chính-định, quán-sát pháp-giới, khởi ý-niệm rằng: "Ta chứng được Bồ-đề rồi, được Thánh-trí-tuệ rồi, chỗ nên làm đã làm xong, đã xả được mọi gánh nặng, đã ra ngoài đồng rộng sinh-tử, đã xả vô-minh, được trí-minh rồi, đã nhổ được mũi tên độc, đã gạn hết tâm khát-ái, đã chứng pháp-giới, đã đánh trống pháp, đã thổi loa pháp, đã dựng pháp-tràng, đã lìa bỏ con mắt sinh-tử, nói rõ về con mắt pháp (pháp-nhãn), đã đóng đường ác, mở mọi đường thiện, đã xả nơi phi-điền, chỉ-bảo những phúc-điền[3].

"Ta nay xét kỹ những pháp như thế, pháp gì hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng được? Pháp ấy là do thân chứng hay là do tâm chứng?[4].

"Nếu là thân chứng Bồ-đề, thời thân là ngoan-độn, không biết, không nghĩ, cũng như cỏ, cây, tường, vách, ngói, đá..., từ nơi tứ-đại, cha mẹ sinh ra, là pháp vô-thượng bại-hoại, tan-diệt, phải nhờ mọi duyên tắm giặt, cơm, áo, mà được tồn tại[5].

"Nếu là tâm chứng Bồ-đề, thời tâm như-huyễn-hóa, vô tướng, vô hình, không chỗ y-cứ, không chỗ dung-nạp, lĩnh-thụ[6].

"Hơn nữa, Bồ-đề là tùy theo thế-gian, lập ra danh-tự, chứ nó không có âm-hưởng, không có hình-sắc, không thành thực (kết-quả), không có tướng-trạng, không lại, không đi, không ra, không vào, qua cả ba cõi, không có xứ-sở nào; không thể trông thấy, nghe biết, không thể nhớ nghĩ, xa nơi phan-duyên (dính-líu duyên trần), không phải là cảnh hí-luận, không nơi vào (vô sở nhập) không văn-tự, không thể dao-động, không thể an-lập và nó dứt hết tất cả đường ngôn-ngữ[7].

"Nói về hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng được Bồ-Ðề, chỉ là danh-tự hư-vọng phân-biệt, chứ nó không sinh, không khởi, không có thể-tính, không thể lấy, không thể nói, không thể ái-trước. Trong ấy thực không có gì là đã thành Chính-Giác, hiện thành Chính-Giác và sẽ thành Chính-Giác. Nếu vô chứng (không chứng), vô thành (không thành) được như thế, mới được gọi là thành Chính-Giác. Tại sao? - Vì, Bồ-Ðề (chính-giác) là lìa hết thảy tướng biến-động vậy."[8]

Bấy giờ, Ðại-Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ biết được chỗ Phật suy-nghĩ như thế, mới bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Nếu tướng Bồ-Ðề như thế, các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân phát Bồ-Ðề-Tâm, nên trụ vào đâu?" - Ðức Phật dạy: "Như tướng của Bồ-Ðề thế nào, thời nên trụ vào như thế."[9]

- Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Gì là tướng của Bồ-Ðề?"

- Ðức Phật dạy: "Văn-thù-sư-lÿ! Tướng của Bồ-Ðề cao vượt ba cõi, tùy theo thế-tục mà có ra danh-tự, nhưng xa-lìa hết thảy âm-thanh, ngôn-thuyết. Các Bồ-Tát phát tâm xu-hướng Bồ-Ðề, từ khi mới phát-tâm, đã là "vô-sở-thú" (không có chỗ xu-hướng, vì Bồ-Ðề thuộc không-tính). Thế nên, Văn-thù-sư-lÿ! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nên dùng cái tâm xa-lìa sự phát-tâm, xu-cầu mà trụ vào Bồ-Ðề. Văn-thù-sư-lÿ! Nếu các Bồ-Tát phát-tâm, xu-hướng được vào nơi "vô-sở-thú", thế là xu-hướng đạo Bồ-Ðề. Văn-thù-sư-lÿ! Xu-hướng về "vô-tự-tính" là xu-hướng Bồ-Ðề; xu-hướng về "vô-xứ-sở" là xu-hướng Bồ-Ðề; xu-hướng về "pháp-giới-tính", là xu-hướng Bồ-Ðề; xu-hướng về nơi của trong hết thảy pháp không còn chỗ chấp-trước, là xu-hướng Bồ-Ðề; xu-hướng về "thực-tế không sai-biệt", là xu-hướng Bồ-Ðề; xu-hướng về chỗ "như bóng trong gương, như bóng trong ánh sáng, như mặt trăng dưới nước, như lửa trong mùa nóng" là xu-hướng Bồ-Ðề!"[10]

Lúc đó, trong đại-chúng có một vị Thiên-tử tên là Tịnh-Nguyệt Uy-Quang bạch Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ rằng: "Thưa Ðại-Sĩ! Các Ðại Bồ-Tát tu-tập hạnh gì và y vào đâu mà tu?" - Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thưa Thiên-tử! Các Ðại Bồ-Tát tu hạnh Ðại-bi, y nơi hết thảy chúng sinh mà tu." - Thiên-tử Tịnh-Nguyệt lại hỏi:" Hạnh đại-bi của Bồ-Tát, y vào tâm nào phát-khởi? "Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ:" hạnh đại-bi của Bồ-Tát y vào tâm không siểm-nịnh, lừa-dối phát-khởi." - Thiên-tử Tịnh-Nguyệt lại hỏi: "Tâm không siễm-nịnh, lừa-dối y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Tâm không siểm-nịnh, lừa-dối y vào tâm bình-đẳng của hết thảy chúng-sinh phát-khởi." - Hỏi: "Tâm bình-đẳng của hết thảy chúng-sinh y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y nơi tâm nhập vào pháp-tính phi nhất (không phải là một), phi dị (không phải khác) phát-khởi." Hỏi: "Tâm nhập vào pháp-tính phi nhất, phi dị ấy y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào thâm-tín-tâm phát-khởi." - Hỏi: "Thâm-tín-tâm y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào tâm Bồ-Ðề phát-khởi." - Hỏi: "Tâm Bồ-Ðề y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào sáu pháp Ba-la-mật phát-khởi." - Hỏi: "Sáu pháp Ba-la-mật y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y nơi phương-tiện-tuệ[11] phát-khởi." - Hỏi: "Phương-tiện-tuệ y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào nơi không buông-lung phát-khởi." - Hỏi: "Không buông-lung y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào ba hạnh thanh-tịnh (thân, khẩu, ý) phát-khởi." - Hỏi: "Ba hạnh thanh-tịnh y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào mười thiện-nghiệp-đạo[12] phát-khởi." - Hỏi: "Mười thiện-nghiệp-đạo y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào giữ giới thanh-tịnh phát-khởi." - Hỏi: "Giữ giới thanh-tịnh y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào sự suy-nghĩ như chính-lý phát-khởi." - Hỏi: "Suy-nghĩ như chính-lý y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Y vào tâm quán-sát phát-khởi." - Hỏi: "Tâm quán-sát y vào đâu phát-khởi?" - Ðáp: "Từ chỗ ức-trì (nhớ-nghĩ, gìn-giữ) không quên phát-khởi."[13]

Khi ấy, Thiên-tử Tịnh-Nguyệt Uy-Quang lại hỏi Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ: "Thưa Ðại-Sĩ! Các Bồ-Tát phát tâm Bồ-Ðề gồm có mấy thứ nhân, quả mà được thành-tựu?" - Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thưa Thiên-tử! Các Bồ-Tát phát tâm Bồ-Ðề gồm có bốn thứ nhân quả mà được thành-tựu. Bốn thứ nhân, quả ấy là gì?, - Một là, Sơ-phát-tâm. Hai là, Giải, Hành, Trụ-phát-tâm. Ba là, Bất-thoái-chuyển phát-tâm. Bốn là, Nhất-sinh bổ-xứ phát-tâm[14]. Nên biết rằng Sơ-phát-tâm là nhân của Giải, Hành, Trụ, Giải, Hành, Trụ phát-tâm là nhân của Bất-thoái-chuyển, Bất-thoái-chuyển phát-tâm là nhân của Nhất-sinh bổ-xứ, Nhất-sinh bổ-xứ là nhân của Nhất-thiết-trí."[15]

Lại nữa, Thiên-tử! Nên biết sơ-phát-tâm như hạt giống mới gieo xuống ruộng, giải, hành, trụ phát-tâm như mầm dần dần tăng-trưởng, bất-thoái-chuyển phát-tâm như cành, lá, hoa, quả lần-lượt sinh ra, nhất-sinh bổ-xứ phát-tâm, như quả-trái thành-thục.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất như người làm xe, trước phải thu thập gỗ, phát-tâm thứ hai như được gỗ rồi, chia ra và bào gọt sạch-sẽ, phát-tâm thứ ba như người thợ mộc kia đã làm thành một cái xe, phát-tâm thứ tư như cái xe của người kia đã chở nhiều thứ nặng đi đến chốn xa-xôi.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất cũng như mặt trăng đầu tháng, phát-tâm thứ hai như mặt trăng đêm mồng năm đến đêm mồng bảy, phát-tâm thứ ba như mặt trăng đêm mồng mười, phát-tâm thứ tư như mặt trăng đêm mười tư. Nên biết trí-tuệ nơi Như-Lai, ví như mặt trăng sáng đúng đêm hôm rằm, hết thảy ánh sáng đều viên-mãn.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất siêu-việt Thanh-Văn-địa, phát-tâm thứ hai siêu-việt Bích-chi-Phật địa, phát-tâm thứ ba siêu-việt Bất-định-địa, phát-tâm thứ tư trụ nơi Quyết-định-địa.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất ví như có người mới học chữ cái, phát-tâm thứ hai như người đi học kia dần-dần biết phân-tích, phát-tâm thứ ba như người đi học kia đã biết tính-toán rành-mạch lâu rồi, phát-tâm thứ tư như người đi học kia thuần-thục và liễu-đạt mọi luận-thuyết.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất Bồ-Tát trụ nơi nhân (nguyên nhân) phát-tâm thứ hai Bồ-Tát trụ nơi trí (trí-tuệ), phát-tâm thứ ba Bồ-Tát trụ nơi đoạn (đoạn-diệt hai chướng), phát-tâm thứ tư Bồ-Tát trụ nơi quả (quả-vị Bồ-Ðề).

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất nhiếp vào (nắm giữ) nhân, phát-tâm thứ hai nhiếp vào trí, phát-tâm thứ ba nhiếp vào đoạn, phát-tâm thứ tư nhiếp vào quả.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất từ nhân phát-khởi, phát-tâm thứ hai từ trí phát-khởi, phát-tâm thứ ba từ đoạn phát-khởi, phát-tâm thứ tư từ quả phát-khởi.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất là phần sai-biệt của nhân, phát-tâm thứ hai là phần sai-biệt của trí, phát-tâm thứ ba là phần sai-biệt của đoạn, phát-tâm thứ tư là phần sai-biệt của quả.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất như hái góp mọi thứ thuốc lại, phát-tâm thứ hai như phân-biệt tính của từng vị thuốc, phát-tâm thứ ba như tùy bệnh, hợp thuốc nào cho thuốc ấy, phát-tâm thứ tư như uống thuốc khỏi bệnh.

Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất sinh vào nhà Pháp-vương, phát-tâm thứ hai học pháp của Pháp-vương, phát-tâm thứ ba học đã hiểu-biết rành-rẽ được, phát-tâm thứ tư học được tự-tại[16].

Bấy giờ, trong pháp-hội có vị Thiên-tử tên là Quyết-Ðịnh Quang-Minh, bạch Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ rằng: "Thưa Ðại-Sĩ! Gì là con đường nhanh-chóng của Ðại Bồ-Tát? Và, các Ðại Bồ-Tát đi con đường ấy chóng được Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác chăng?

- Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thưa Thiên-tử! Con đường nhanh-chóng của Ðại Bồ-Tát có hai và Ðại Bồ-Tát đi con đường ấy chóng được đạo Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác. Hai con đường ấy là gì? - Một là, đường phương-tiện. Hai là, đường Bát-nhã. Ðường Phương-tiện nhiếp thủ (nắm giữ) mọi thiện-pháp, đường Bát-nhã hiểu-biết lựa-chọn mọi pháp; đường Phương-tiện không bỏ chúng-sinh, đường Bát-nhã hay xả mọi pháp; đường Phương-tiện biết pháp hòa-hợp, đường Bát-nhã biết pháp không hòa-hợp, đường Phương-tiện thường làm nhân-duyên, đường Bát-nhã thường đưa tới nơi tịch-diệt (vô-vi); đường Phương-tiện biết được tướng sai-biệt của mọi pháp, đường Bát-nhã biết được lý không sai-biệt của pháp-giới; đường Phương-tiện thường làm trang-nghiêm trọn-vẹn những quốc-độ của chư Phật, đường Bát-nhã biết được lẽ bình-đẳng trong quốc-độ của chư Phật; đường Phương-tiện thường biết căn-tính, hành-động bất đồng của chúng-sinh, đường Bát-nhã biết được căn-tính, hành-động là "không", không chỗ có (vô sở hữu); đường Phương-tiện khiến các Bồ-Tát đến nơi đạo-tràng, đường Bát-nhã thường khiến Bồ-Tát đạt tới chỗ "Vô-sở-giác" (không còn chỗ, không còn tướng giác-ngộ)[17].

- Thưa Thiên-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai con đường nhanh-chóng. Hai con đường ấy là gì? - Một là, đường Tư-lương (sửa soạn, tu-tập). Hai là, đường Quyết-trạch (lựa chọn quyết-định). Ðường Tư-lương là năm pháp Ba-la-mật như Bố-thí v.v..., đường Quyết-trạch là Bát-nhã Ba-la-mật. Ðường hữu-trước (còn có sự chấp-trước), đường vô-trước (không còn sự chấp-trước), đường hữu-lậu, đường vô-lậu, đều nói có sự Tư-lương và Quyết-trạch như thế[18].

Lại có hai đường nhanh-chóng. Hai đường ấy là gì? - Một là, đường hữu-lượng (có hạn-lượng). Hai là, đường vô-lượng (không hạn-lượng). Ðường hữu-lượng là có tướng-vị, đường vô-lượng là không có tướng-vị[19].

Lại có hai đường nhanh-chóng nữa, là đường Trí (trí-tuệ) và đường Ðoạn (đoạn-diệt). Ðường Trí là từ sơ-địa đến đệ thất địa. Ðường Ðoạn là từ đệ bát đến đệ thập địa[20].

Khi ấy, trong pháp-hội có vị Bồ-Tát tên là Dũng-Tu Trí-Tín, bạch Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ rằng: "Thưa Ðại-Sĩ! Thế nào là chỗ biết nghĩa-tướng của Ðại Bồ-Tát? Thế nào là chỗ tu trí của Ðại Bồ-Tát?[21]

- Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thiện-nam-tử! Nghĩa không phải là hòa-hợp, trí là hòa-hợp".

- Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi: "Thưa Ðại-Sĩ! Vì nhân-duyên gì nghĩa không phải là hòa-hợp, mà trí là hòa-hợp?"

- Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thiện-nam-tử! Nghĩa là vô-vi, vô-vi thời phi-nghĩa (không còn có nghĩa-tướng), trong phi-nghĩa không có pháp gì hoặc hòa-hợp hay không hòa-hợp, Nghĩa là không biến-đổi, không thành thực (kết-quả), không thể lấy, không thể bỏ, đều nói đúng như thế. Thiện-nam-tử! Trí gọi là "Ðạo" (đường), đạo cùng tâm hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp. Lại nữa, thiện-nam-tử! Trí chỉ là hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp.

- Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi: "Thưa Ðại-Sĩ! Vì nhân-duyên gì Trí chỉ là hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp?"

- Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ đáp: "Thiện-nam-tử! Trí quán-sát rành năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới[22], quán-sát rành pháp duyên-khởi, quán-sát rành xứ, phi-xứ (đúng chỗ hay không phải chỗ), vì thế nên chỉ hòa-hợp, không phải không hòa-hợp[23].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười trí. Mười trí ấy là gì? Một là, nhân-trí. Hai là, quả-trí. Ba là, nghĩa-trí.  Bốn là, phương-tiện-trí. Năm là, Bát-nhã-trí. Sáu là, nhiếp-trí. Bảy là, Ba-la-mật-trí. Tám là, đại-bi-trí. Chín là, giáo-hóa chúng-sinh-trí. Mười là, đối với hết thảy pháp, trí vô-sở-trước. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười trí của Ðại Bồ-Tát[24].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười hạnh phát-khởi. Mười hạnh phát-khởi ấy là gì? Một là, thân-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp thân thanh-tịnh. Hai là, khẩu-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp khẩu thanh-tịnh. Ba là, tâm-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp ý thanh-tịnh. Bốn là, nội-phát-khởi: đối với hết thảy chúng-sinh không chấp-trước. Năm là, ngoại-phát-khởi: đối với hết thảy chúng-sinh, thực-hành hạnh bình-đẳng. Sáu là, trí-phát-khởi: tu-tập hết thảy Phật-trí. Bảy là, quốc-độ phát-khởi: thị-hiện hết thảy công-đức trang-nghiêm trong các cõi Phật. Tám là, giáo-hóa chúng-sinh phát-khởi: biết các bệnh phiền-não của chúng-sinh mà cho thuốc. Chín là, chân-thực phát-khởi: thành-tựu được quyết-định-tụ[25]. Mười là, vô-vi-trí mãn-túc (trọn-vẹn trí-tuệ vô-vi) phát-khởi: đối với hết thảy pháp trong ba cõi, tâm không chấp-trước. Như thế gọi là mười hạnh phát-khởi của Ðại Bồ-Tát"[26].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười hạnh. Mười hạnh ấy là gì? - Một là, tu hạnh lục Ba-la-mật. Hai là, tu hạnh tứ-nhiếp[27], nhiếp-thủ chúng-sinh. Ba là, tu hạnh Bát-nhã (không-tuệ).  Bốn là, tu hạnh phương-tiện. Năm là, tu hạnh đại-bi. Sáu là, tu cầu tư-lương về tuệ. Bảy là, tu cầu tư-lương về trí. Tám là, tu hạnh tín-tâm thanh-tịnh. Chín là, tu hạnh quán-nhập các đế-lý (như: chân-đế, tục-đế, tứ-đế). Mười là, tu hạnh không phân-biệt cảnh yêu, ghét. Như thế gọi là mười hạnh của Ðại Bồ-Tát.

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười  pháp quán vô-tận (không cùng tận). Mười pháp quán ấy là gì? - Một là, quán thân vô-tận. Hai là, quán sự vô-tận. Ba là, quán pháp vô-tận. Bốn là, quán ái (yêu) vô-tận. Năm là, quán kiến (tư-tưởng) vô-tận. Sáu là, quán vô-sở-trước (không còn chỗ chấp-trước) vô-tận. Chín là, quán tương-ứng (sự hợp nhau) vô-tận. Mười là, quán đạo-tràng thức tự-tính vô-tận[28]. thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười pháp quán vô-tận của Ðại Bồ-Tát[29].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười pháp điều-phục-hạnh. Mười pháp ấy là gì? - Một là, điều-phục hạnh sẻn-tham, ghen-ghét, bỏ của bố-thí coi như hạt mưa. Hai là, điều-phục hạnh phá-giới, thân, khẩu, ý-nghiệp thanh-tịnh. Ba là, điều-phục hạnh giận-dữ, tu-tập tâm từ. Bốn là, điều-phục hạnh lười-biếng, cầu pháp không chán-nản. Năm là, điều-phục hạnh bất-thiện, được Thiền-định, giải-thoát và thần-thông. Sáu là, điều-phục hạnh vô-minh, sinh tư-lương quyết-định, thiện-sảo trí-tuệ. Bảy là, điều-phục hạnh về các phiền-não, đầy đủ về tư-lương của Nhất-thiết-trí. Tám là, điều-phục hạnh điên-đảo, xuất-sinh tư-lương-đạo chân-thực không điên-đảo. Chín là, điều-phục hạnh không được tự-tại, dù đúng thời hay phi-thời đều tự-tại. Mười là, điều-phục hạnh chấp ngã, quán-sát các pháp vô-ngã. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười pháp điều-phục-hạnh của Ðại Bồ-Tát[30].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có mười nơi tịch-tĩnh (tịch-tĩnh-địa). Mười nơi ấy là gì? - Một là, thân-tịch-tĩnh: xa lìa ba nghiệp bất-thiện nơi thân (sát, đạo, dâm). Hai là, khẩu-tịch-tĩnh: thiện-trị trong-sạch bốn thứ thuộc khẩu nghiệp (nói dối, thêu-dệt, hai lưỡi, ác khẩu). Ba là, tâm-tịch-tĩnh: bỏ hẳn ba ác-hạnh nơi ý (tham, sân, si). Bốn là, nội-tịch-tĩnh: không chấp-trước tự thân. Năm là, ngoại-tịch-tĩnh: không chấp-trước hết thảy pháp. Sáu là, trí-tư-lương tịch-tĩnh: không chấp-trước chỗ hành-đạo. Bảy là, bất tự-cao tịch-tĩnh: quán-sát tự-tính của Thánh-trí[31]. Tám là, cứu-cánh biên-tế thần-thông tịch-tĩnh[32]: xuất-sinh Bát-nhã Ba-la-mật. Chín là, diệt hí-luận tịch-tĩnh: không dối-gạt hết thảy chúng-sinh. Mười là, bất cố-luyến (không đoái-tưởng, luyến-tiếc) thân-tâm tịch-tĩnh: tâm đại-bi giáo-hóa chúng-sinh. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười nơi tịch-tĩnh của Ðại Bồ-Tát[33].

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Các Ðại Bồ-Tát như-thực tu-hành (như-thực-hành)[34] thời được đạo Bồ-Ðề, không như-thực tu-hành thời không chứng được. Như-thực tu-hành là đúng như chỗ nói ấy thế nào, thời tu-hành như thế; không như-thực tu-hành là chỉ có ngôn-thuyết, chứ không hay tín-thụ, không hay tu-tập.

Lại nữa, Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành theo đạo phương-tiện. Hai là, như-thực tu-hành đoạn hẳn vọng-hoặc. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành tự-điều-phục. Hai là, như-thực tu-hành giáo-hóa chúng-sinh. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành theo trí-tuệ có công-dụng tác-động[35]. Hai là, như-thực tu-hành theo trí-tuệ không có công-dụng tác-động[36]. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành, kiến-lập (phân-biệt) rành mọi "địa" (thập-địa). Hai là, như-thực tu-hành, quán-sát rành mọi "địa" không sai-biệt[37]. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là như-thực tu-hành, khéo xa-lìa sai-lầm của các địa. Hai là, như-thực tu-hành khéo làm viên-mãn công-đức của các địa. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành nữa. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành, nói rõ Thanh-Văn, Bích-Chi-Phật-Ðịa. Hai là, như-thực tu-hành, nói rõ pháp Bồ-Ðề bất-thoái-chuyển của chư Phật. Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát có vô-lượng, vô-biên pháp như-thực tu-hành như thế, nếu ai như-thực tu-hành được như thế, nên biết người ấy không bao lâu sẽ được đạo Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác. Các Ðại Bồ-Tát nên siêng-năng tu, học như thế!

Bấy giờ, đức Thế-Tôn tán-thán Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ rằng: "Quý-hóa thay, quý-hóa thay! Ông Văn-thù-sư-lÿ! Ông khéo nói xác-thực những lời như-thực ấy!

Ðức Phật nói kinh này rồi, Ðại Bồ-Tát Văn-thù-sư-lÿ, Ðại Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín, Thiên-Tử Tịnh-Nguyệt Uy-Quang, Thiên-Tử Quyết-Ðịnh Quang-Minh cùng hết thảy Thế-gian Thiên, Nhân, A-tu-la v.v...: chúng-nhân trong Pháp-hội, đều rất hoan-hỷ, tín-thụ phụng-hành.


[1] Kinh này là cuốn kinh số 467 trong Ðại-tạng-kinh. Kinh này nói tại Già-Da-sơn, nên lấy tên núi mà đặt tên kinh. Già-Da-sơn là tiếng Phạm, Trung-Hoa phiên âm là Yết-sà-thi-lÿ-sa (Gajasirsa) và dịch là "Tượng-đầu", nghĩa là trái núi hình đầu voi. Núi này một mặt phụ-cận núi Linh-thữu, một mặt phụ-cận Bồ-Ðề đạo-tràng (nơi đức Phật thành đạo). Và, theo Thái-Hư-Ðại-Sư thời Già-Da-sơn còn có nghĩa là "thân"; thân có nghĩa là tích-tụ, do tích-tụ tứ-đại, ngũ-uẩn mà thành. 

[2] Kinh này nói sau khi Phật thành đạo đã độ được 1.000 vị dòng Phạm-Chí để tóc dài, tức là đồ-chúng của ba anh em ngài Ca-Diếp. Tất cả các vị này đều thành A-La-Hán, đã được nhiều công-đức giải-thoát, Niết-Bàn nên đoạn này là tán-thán công-đức các vị (Nghĩa những câu tán-thán này xem các kinh trước đã chú-giải).

 [3] Trên đây nói đức Phật vào Chính-định tự quán-niệm nơi mình thấy đã chứng Bồ-Ðề, tránh khỏi phiền-não, vô-minh, tham-ái sinh-tử, chúng pháp-giới-thân, hoằng-pháp, độ-sinh, mở đường thiện-chí, mở pháp-nhân, xa-lìa mảnh ruộng ngoại-đạo (phi-điền), chỉ cho Tam-Bảo phúc-điền. Nghĩa là đã đầy-đủ trí-tuệ giác-ngộ và bi nguyện độ sinh.

 [4] Ðây đức Phật quán-sát lại sự thành-tựu Bồ-Ðề của Ngài, Ngài nghĩ: pháp gì đã chứng, nay chứng và sau này sẽ chứng. Và sự chứng được Bồ-Ðề này là thân-chứng hay tâm chứng? Tức là quán-sát kỹ về ba pháp: năng-chứng, sở-chứng, Bồ-Ðề vậy.

 [5] Ðây nói: nếu bảo là thân chứng Bồ-Ðề thời thân này là giả-hợp, là vô-thường, sao chứng được Bồ-Ðề?

[6] Ðây nói: nếu bảo là tâm chứng Bồ-Ðề, thời tâm như huyễn-hóa, sao chứng được Bồ-Ðề?

 [7] Ðây nói: Bồ-Ðề có chi, đó chỉ là người đời đặt tên cho nó mà thôi, chứ thực nó không có hình-tướng, đi, lại... chi cả, thời có gì là Bồ-Ðề, để mà chứng? Quán-sát tỷ-mỷ thời không có thân, tâm chứng Bồ-Ðề, cũng không có Bồ-Ðề để mà chứng, mới là chứng Bồ-Ðề.

 [8] Trên kia đã nói: thân, tâm đều không phải là nơi chứng Bồ-Ðề và Bồ-Ðề cũng chỉ là danh-dự mà thôi. Ðây lại nói không có cả sự hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng Bồ-Ðề nữa. Vì, Bồ-Ðề là không-tính, Bồ-Ðề lìa tướng biến-động, chỉ vô-chứng, vô thành mới là chứng Bồ-Ðề hay gọi là thành Chính-giác."

[9] Ðoạn này Bồ-Tát Văn-thù hỏi đức Phật: tướng của Bồ-Ðề như thế, chúng-sinh nên trụ vào đâu mà phát-tâm được? Ngài dạy: trụ vào chỗ vô-tướng ấy!

 [10] Ðây Bồ-Tát Văn-thù hỏi, đức Phật đáp: Bồ-Ðề là "không-tính" mặc dầu có danh-tự, nhưng nó xa-lìa cả âm-thanh, ngôn-ngữ. Vì thế, Bồ-Tát phát-tâm, xu-hướng Bồ-Ðề, phải không thấy có "phát-tâm", không thấy có xu-hướng" mới là "phát-tâm, xu-hướng Bồ-Ðề". Nghĩa là hướng về nơi "vô-sở", nhập cùng "pháp-giới-tính".

 [11] Phương-tiện tuệ: Trí-tuệ biết dùng phương pháp đối-trị.

 [12] Mười Thiện-nghiệp-đạo: Không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không nói thêu-dệt, không ác-khẩu, không tham, không sân và không si.

 [13] Ðoạn văn trên đây là Thiên-tử Tịnh-Nguyệt hỏi về hạnh tu-tập cùng nơi y-chỉ của hạnh ấy nơi các Ðại-Bồ-Tát, được Bồ-Tát Văn-thù giải-đáp tỷ-mỷ với mục-đích làm cho sự phát-tâm Bồ-Ðề của Thiên-Tử đi sâu vào sự thực-hành hạnh Ðại-thừa để đạt tới đích bất-thoái-chuyển.

 [14] Ðây Bồ-Tát Văn Thù đáp về 4 nhân, quả của Bồ-Ðề: Sơ-phát-tâm là chỉ vào Thập-tín-vị; giải (thắng-giải), hành, trụ chỉ cho Thập-trụ, Thập-hành, Thập-hồi-hướng; Bất-thoái-chuyển chi cho Thập-địa và Nhất-sinh bổ-xứ là chỉ cho vị Bồ-Tát tu rốt-ráo về Thập-địa, chỉ một lần chuyển-sinh bổ-xung lên Phật-địa mà thôi.

 [15] Ðây nói 4 nhân, quả của Bồ-Ðề, đầu từ sơ-phát-tâm sẽ làm nguyên-nhân, kết-quả lẫn nhau.

 [16] Ðoạn "lại nữa" trên đây, Bồ-Tát Văn-Thù nói về tỷ-dụ, nhân-quả và sự đạt-thành từ thấp tới cao, dẫn người hỏi đi sâu vào sự tìm-hiểu minh-bạch và thực-tế.

 [17] Ðoạn văn trên đây Thiên-tử Quyết-Ðịnh hỏi Bồ-Tát Văn-Thù: con đường nào nhanh-chóng đạt tới Vô-thượng Bồ-Ðề. Bồ-Tát Văn-thù đáp: có 2 con đường là Phương-tiện và Bát-nhã. Phương-tiện là tư-lương của phúc-đức, Bát-nhã là tư-lương của trí-tuệ. Phương-tiện biểu-hiện tính-cách hòa-đồng để nhiếp-dẫn, Bát-nhã đứng trên phương-diện lý-giải không-tính, để đạt tới chỗ không còn có tướng của giác-ngộ (vô-sở-giác).

 [18] Cũng trong hai con đường nhanh-chóng. Bồ-Tát tu 5 độ trước là phúc-đức tư-lương, tu Bát-nhã là quyết-trạch. Cho đến hữu-trước, hữu-lậu thuộc 5 độ trước, vô-trước, vô-lậu thuộc Bát-nhã.

 [19] Hữu-lượng là con đường Bồ-Tát tu lục-độ, từ sơ-địa đến thất-địa có sự trước-tướng nên công-đức có hạn-lượng. Vô-lượng là từ Bát-địa Bồ-Tát tu không trước-tướng, vô công-dụng đạo, nên không có hạn-lượng.

 [20] Từ sơ-địa đến thất-địa, thực biết pháp-giới, nhưng còn chút phiền-não, nên gọi là "trí", Bát-địa trở lên đoạn hết phiền-não, nên gọi là "đoạn"

 [21] Nghĩa-tướng tức đệ-nhất nghĩa thực-tướng của các pháp. Trí đây là trí-tuệ của Ðại Bồ-Tát.

[22] Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới: Xem các kiinh trước đã giải.

 [23] Ðoạn văn trên đây Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi Bồ-Tát Văn-thù về hai chỗ "Nghĩa" và "Trí". Nghĩa là đệ-nhất-nghĩa thực-tướng, là vô-vi nên không còn có nghĩa gì là hòa-hợp, tức là thuộc về không-tính. Trí là trí-tuệ, là con đường (đạo), là chính-lý, quán-sát thâu-suốt sự-vật, đúng chỗ (xứ), hay không đúng chỗ (phi-xứ) mà nó luôn luôn hòa-hợp với thiện-tâm vậy.

 [24] Ðây giải rõ 10 trí của Ðại Bồ-Tát. 10 trí này đứng trong vòng đối-đãi, hòa-hợp, lợi-sinh và không trước-tướng mà có. Trong nầy "nghĩa-trí" tức là trí-tuệ của đệ-nhất-nghĩa; "nhiếp-trí" là trí-tuệ để nhiếp-trì trong những trí-tuệ đối-đãi,  như nhân với quả v.v...

 [25] Quyết-định-tụ: Công-đức tu-tập kết-tụ nhất-định không còn động-chuyển.

[26] Ðây nói: Bản thân thanh-tịnh của Bồ-Tát phát khởi những hạnh làm lợi-ích chúng-sinh.

 [27] Tứ-Nhiếp: Bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành, đồng-sự.

 [28] Ðây nói rất nhiều nơi chư Phật thành đạo. Chư Phật thành đạo tức là lúc tự-tính đại-viên-mãn-giác hợp với vô-cấu-thanh-tịnh-thức, nên gọi là "đạo-tràng (nơi giác-ngộ) thức tự-tính vô-tận".

 [29] Ðây quán-sát pháp-giới không chướng-ngại, không cùng tận.

 [30] Ðây là phương-pháp rèn-luyện thân, tâm, nhiếp-phục phiền-não và phá chấp.

 [31] Tự-tính của Thánh-trí bình-đẳng không cao, thấp, hay, dỡ.

[32] Dùng Bát-nhã-trí, được thần-thông tịch-tĩnh vô-biên trong mai sau, mà đạt tới cứu-cánh-địa.

[33] Ðây nói về công-đức thanh-tịnh nơi tự-thân đạt thàn.

[34] Ðây nói về như-thực tu-hành và không như-thực tu-hành. Như-thực tu-hành nói rõ nghĩa là y thực như thế mà tu-hành.

[35] Ðây chỉ vào các vị tu-hành từ sơ-địa đến thất-địa.

[36] Ðây chỉ vào các vị tu-hành từ bát-địa trở lên.

[37] Ðây: quán-nhập nhất-tướng-trí, không chấp-tướng, không còn sự sai-biệt.

 

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-10-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Địa chỉ gởi thư: 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Australia
Tel: 61.03. 9357 3544 ; Fax: 9357 3600
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com