Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Giáo và Thời Đại


...... ... .

 

Lễ Phật và Y học

(lược trích)

 

Ðạo Chứng Pháp Sư biên thuật

Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa

 

 
PHẦN THỨ NHẤT: DẪN NHẬP

CHƯƠNG II  

A. Lễ Phật là cách thực hiện “điều tốt lành bậc nhất” một cách chặt chẽ nhất

1. Ðiều tốt lành bậc nhất: Hãy tự đoan chánh tâm, hãy tự đoan chánh thân  

Kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Thế nào là điều lành bậc nhất? Hãy nên đoan chánh tâm, hãy nên đoan chánh thân”. Lễ Phật là cách thực hiện “điều tốt lành bậc nhất” một cách chặt chẽ. Bởi lẽ, việc lễ Phật rèn luyện sức quán chiếu, rèn luyện đoan chánh mà thung dung, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyễn. Vận động đúng quy tắc sẽ vun bồi sức an định, sức giác chiếu và tinh thần lễ kính. Dùng công phu ấy vận dụng vào mỗi một hoàn cảnh sinh hoạt thường nhật thì trong mỗi một động tác chẳng còn phân biệt giữa lễ Phật và sinh hoạt. Nếu còn phân biệt giữa sinh hoạt và lễ Phật là đã đánh mất ý nghĩa của việc lễ Phật.

Hoàn chỉnh những sinh hoạt thường nhật chính là vận dụng tinh thần của việc lễ Phật: biến tán loạn thành chuyên chú, biến căng thẳng thành nhẹ nhàng, thung dung; biến cứng cỏi thành mềm mại, biến chấp trước thành rỗng rang, sáng suốt; biến mờ mịt thành giác chiếu, biến hồ đồ thành sáng suốt.  

2. Vì sao cần phải đoan chánh, thung dung?  

Cứ quan sát hoạt động nuốt chất lỏng của thực quản, ta sẽ thấy rõ:

1) Thực quản phải thẳng và thông suốt thì mới có thể nuốt chất lỏng dễ dàng. Nếu thực quản cong quẹo, việc nuốt chất lỏng cũng bị trở ngại. Cùng lý đó, nếu thân thể đoan chánh thì huyết quản mới thông suốt. Nếu thân thể bị gò ép trong tư thế nghiêng lệch một thời gian dài thì huyết quản cũng như thực quản liên tục bị vặn cong, sự tuần hoàn của máu chẳng thông suốt.

2) Nếu dùng tay đè mạnh lên thực quản đã ở vị trí thẳng thì vẫn khó nuốt chất lỏng. Vì thế cần giữ ngay ngắn nhưng phải thoải mái.

Nếu gân cốt chúng ta liên tục ở trong trạng thái căng cứng, co rút thì những mạch máu trong gân gốt bị trở ngại, khác nào thực quản bị đè chặt chẳng được thông suốt. Ấy chính là gân cốt của chính mình tạo áp lực trên chính huyết quản của ta. Áp lực ấy do tâm trạng căng thẳng gây nên. Do vậy, tâm có thư thái thì khí huyết mới thông suốt, chẳng đến nỗi tự mình áp chế chính mình. Tâm có thư thái thì sức giác chiếu mới phát huy được, mới sáng suốt chuyên chú được.  

3. Giữ cho thân ngay thẳng chính là cơ sở để tu Quán  

Bài kệ lễ Phật như sau:

Năng lễ, sở lễ tính không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghị,

Ngã thử đạo tràng như đế châu,

Thập phương Như Lai ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện Như Lai tiền,

Ðầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Có kẻ vặn: Ðã là Không Quán thì cần gì phải luận đến nguyên tắc “đoan thân” (giữ cho thân ngay ngắn) nữa cơ chứ?

Ðáp: Tu hành phải có trình tự. Nền tảng đã bất ổn lại xây lầu cao thì sẽ chẳng vững. Xin hãy xem các trước tác của chư cổ đức. Như trong cuốn Quán Vô Lượng Phật Kinh Sớ của đại sư Thiện Ðạo, trước khi bắt đầu giảng dạy pháp quán tưởng, Ngài cũng dạy công phu chuẩn bị để an định thân tâm làm cơ sở. Ngay trước đoạn dạy: “Lại quán tứ đại nơi thân trong ngoài đều không, trọn không có một vật”, có đoạn văn như sau: “Dạy ngồi xếp bằng ngay ngắn, giữ thân ngay ngắn, ngậm miệng, răng đừng cắn chặt, lưỡi chống lên vòm họng để cho hơi thở giữa yết hầu và mũi được thông suốt”.

Ðó chính là đoạn văn dạy về cách chuẩn bị trước khi tu Quán (tiền phương tiện), là lời dạy cực trọng yếu. Kẻ học đừng vội ham cao, chuộng xa, coi thường công phu “giữ cho thân ngay ngắn...” Cây không rễ dễ bị khô, xin kẻ sơ học hãy dụng tâm chú ý.  

* Công đức thù thắng của việc lễ Phật:

Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt dạy:

“Lễ tháp miếu Phật, được mười thứ công đức:

Một là được thân đẹp đẽ, giọng hay.

Hai là nói ra điều gì người khác đều tin phục.

Ba là ở giữa đám đông không sợ hãi.

Bốn là thiên nhân yêu mến, bảo vệ.

Năm là oai thế đầy đủ.

Sáu là những chúng sanh có oai thế thảy đều đến thân cận, gần gũi.

Bảy là thường được thân cận chư Phật, Bồ Tát.

Tám là đủ đại phước báo.

Chín là mạng chung sanh thiên.

Mười là mau chứng Niết Bàn”.

 

4. Lễ Phật tiêu trừ nghiệp chướng, khai phát tiềm năng  

Nói đại lược, Nghiệp là hành vi, Chướng là chướng ngại. Do các hành vi trong quá khứ tích lũy phát sanh các thứ chướng ngại, bất luận là chướng ngại nơi thân hay nơi tâm. Các hành vi trong quá khứ vừa nói đó bao gồm các ý tưởng trong tâm (ý niệm), lời nói và các tư thế, hành động nơi thân thể.

Có người cho rằng phải gây sự ác lớn thì mới là tạo ác nghiệp, mới có nghiệp chướng. Kỳ thật, chỉ cần trong tâm động niệm là đã có nghiệp (thiện niệm có thiện nghiệp, ác niệm có ác nghiệp. Niệm Phật là tịnh nghiệp). Thân có những động tác, tư thế đều là “nghiệp”. Bất cứ động tác, tư thế tạo thành những chướng ngại cho thân thì gọi là “nghiệp chướng” nơi “thân nghiệp”. Rất nhiều sự đau khổ, bệnh tật có liên quan đến những tư thế thường ngày, tức là có quan hệ với thân nghiệp. Thân nghiệp lại chịu sự chỉ huy của tâm. Hễ tâm bị vướng mắc, giằng kéo thì thân cũng hiện vẻ khẩn trương, bất giác tự gây nên chướng ngại cho chính mình (nghiệp chướng).

Vì sao nói niệm Phật, lễ Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng? Là vì trong khi lễ Phật, tâm phải điều chỉnh, hướng đến cung kính và từ bi thanh tịnh, miệng niệm Phật nên không nói chuyện tạp nào khác, trở thành “ngôn ngữ thanh tịnh”, động tác nơi thân trở thành nhu nhuyễn, khiêm hòa, cung kính. Vì thế tiêu trừ được những tư thế xấu thường ngày gây những chèn ép, chướng ngại trên thân. Cả ba phương diện thân, ngữ, ý đều thanh tịnh, cung kính, nên tiêu trừ được những chướng ngại do những hành vi bất hợp lý trong quá khứ gây nên (đó là “tiêu nghiệp chướng”) và cũng thuận tiện cho việc tập luyện “đạt an định trong khi động”. 

...Chúng ta hãy yên lặng quan sát tư thế của chính mình hoặc quan sát tư thế của người khác để tự cảnh tỉnh chính mình (nhưng cần chú ý: mục tiêu là quay lại quan sát chính mình, sửa đổi chính mình, chứ chẳng phải để phê bình, chỉ trích). Hễ tâm có vướng mắc thì bất giác gân thịt trên thân cũng tự nhiên co rút, căng cứng.

Do chẳng hề tự quán chiếu mình nên rất khó phát hiện để tự sửa đổi, khiến cho những chướng ngại rất dễ trừ bỏ cũng khó có cơ hội trừ bỏ. Lúc lễ Phật là lúc tự soi xét mình, điều phục thân tâm, hết sức điều tiết thân tâm khiến thân tâm tự tại, rất thong dong, chẳng còn bị khẩn trương, chướng ngại rất oan uổng nữa!  

5. Lễ Phật là điều phục thân tâm, tiêu trừ nghiệp chướng (vô trụ sanh tâm)  

Khởi tâm lễ Phật, Phật liền biết ngay, phóng quang gia bị.

Lễ Phật:

a) Tâm buông bỏ vạn duyên, nhất tâm chánh niệm niệm Phật (linh minh giác chiếu).

b) Thân thả lỏng các cơ, nhất tâm (linh hoạt, thong dong, mềm mại).

Trong khi lễ Phật, thân tâm đều thong dong mà cung kính, chuyên chú, cử động nhẹ nhàng, sáng suốt, thoải mái. Tuy là trong động mà vẫn an định quán chiếu. Tuy là động mà nhu nhuyễn, không cứng cỏi, co rút, lực phân bố đều, phù hợp tinh thần “vô trụ sanh tâm” trong kinh Kim Cang.

Chẳng hạn như: khi gối chấm đất, tay liền lập tức duỗi nhẹ ra (chẳng chống mạnh xuống, phí sức!). Khi ngồi quỳ xuống, hai gối và toàn thân lại lập tức hoàn toàn buông lỏng (vô trụ), tùy thời luyện tập, buông bỏ tâm khẩn trương chấp trước. Rèn luyện sao cho có thể đề khởi, có thể buông bỏ khiến thân lẫn tâm đều thông suốt, không chướng ngại.

Trong động lại có thể tùy thời vận dụng tác dụng chiếu soi rành rẽ của tâm (sanh tâm). Lại còn tùy thời buông lỏng chẳng giữ cứng (vô trụ). Dù thong dong nhưng chẳng ngừng tinh tấn (vô trụ sanh tâm). Tâm như bánh xe, xoay vần vận chuyển, trục là nhất niệm, nhưng lại “không tâm” chẳng vướng mắc. Bánh xe tiến về trước, chuyển động, nhưng trung tâm của bánh xe không lay động.

 

B. Kinh Nghiệm Lễ Phật 

1. Lễ Phật Tâm Ðắc (Pháp sư Diệu Âm trần thuật) 

Kẻ mạt học này lấy việc lễ Phật làm nhật khóa đã nhiều năm. Khi ấy tôi chẳng biết tư thế lễ Phật phải phù hợp với kết cấu tự nhiên của thân thể và nguyên tắc sinh học. Mỗi khi lễ Phật xong thường cảm thấy rất mệt mỏi, cổ tay nhức mỏi, xây xẩm, sắc mặt trắng bệch, cảm thấy rất khổ sở. Sau này, do cơ duyên ngẫu nhiên hạnh ngộ sư phụ Ðạo Chứng, được Ngài từ bi dạy dỗ, khai thị, mới biết rằng do tư thế sai lầm nên mới đến nỗi ấy. Vì thế, tôi liền phát tâm theo Ngài học cách lễ Phật.

Học cách lễ Phật vốn là việc rất đơn giản, rất dễ dàng, những đứa trẻ hồn nhiên học rất nhanh, nhưng kẻ mạt học phải mất trọn cả năm mới sửa đúng được những tư thế căn bản nhất, mới tạm luyện thuần thục. Do vì chút thói tật vặt vãnh tập khí gây chướng ngại, lại thêm năng lực học tập yếu kém, nên học vừa chậm lại vừa tốn sức. Nói ra hết sức xấu hổ, học theo cách lễ lạy mới tôi bèn phát hiện những động tác tối cơ bản trước đây như chắp tay, đứng thẳng, thậm chí cách thức nhắc thân lên, tôi đều làm trật cả. Ðứng thì ngả nghiêng, vẹo vọ. Chắp tay thì các ngón so le không đều, lễ kính thì lụp chụp, quều quào, khom mình thì xương sống cứng như vách sắt. Lại còn lúc lễ thì trọng tâm thường rơi vào đầu mũi chân, chứ chẳng đặt tại gót chân; xòe tay như đang quơ mái chèo. Thậm chí chẳng biết thở ra khi lạy xuống, hít vào khi đúng lên. Vì thế, thường chỉ lạy được hơi trước, chẳng tiếp được hơi sau, phì phò, hào hển!

Hồi tưởng lại lúc mới bắt đầu học cách lễ Phật, toàn thân cứng còng chẳng linh hoạt, gân cốt căng thẳng chẳng thư giãn. Lễ Phật Như Lai xong như trâu già kéo xe nặng, mới dùng sức một chút, khắp thân mồ hôi đã đổ tháo như mưa. Mới lễ mấy lạy, y phục đã ướt sũng.

Trong lúc học cách lễ Phật, thường thường chẳng nắm vững bí quyết: chẳng biết rằng trọng tâm phải đặt tại gót chân thì mới hợp với trọng tâm tự nhiên của vật lý học. Thoạt đầu, tôi chẳng biết dùng sức ở huyệt Ðan Ðiền để gập thân, thót bụng, và cúi đầu để nhìn vào khoảng giữa hai chân một cách tự nhiên. Chẳng biết ngửa đầu, cúi đầu đều phải dùng lực tự nhiên để mềm mại cúi xuống, chỉ cậy vào sức. Kết quả là cong vẹo nhiều hơn ngay ngắn, càng lạy vội vàng càng thêm mệt!

Lúc mới học, lễ một lạy, đối với mỗi động tác đều phải chăm chú xem từ đầu đến chân có chính xác hay không. Nếu sai thì sẽ thấy cúi đầu nhưng đầu chẳng gục xuống (lại vội vàng ngẩng đầu, sau gáy càng cứng đờ). Cong lưng nhưng xương sống chẳng gập lại (bụng chẳng thót vào), thậm chí quên cả hô hấp. Do phương pháp sai lầm nên hông đau, lưng mỏi, choáng váng rất khó chịu, trọn chẳng có một mảy pháp hỷ nào!

Tuy lúc đầu thường làm sai nên bị khổ sở oan uổng, nhưng tôi vẫn cứ dốc lòng tin, luyện tập liên tục không ngừng, lập chí không học thuần thục không được. Vậy mà phải mất một hai năm mới học xong, mới đạt được thân tâm thư thái, gân cốt mềm mại, mỗi một lạy đều tự nhiên, thong dong, mềm mại, tràn trề pháp hỷ!

Do tập quán từ nhiều năm trước tạo thành những động tác quán tính, cứ hễ một phen vọng tưởng, tâm chẳng chuyên chú vào ngay trong mỗi sát na thì những động tác quán tính sẽ xuất hiện. Vì thế, phải dùng tánh cảnh giác cao độ để quán chiếu.

So với những người mới học thì việc sửa đổi cho chính xác những động tác, tư thế không chính xác đã quen thói càng khó hơn nữa. Trong khi ấy, hành nhân lại còn thử thách bởi một vài trục trặc, tức là những phản ứng mang tính tạm thời [do những tư thế sai lạc quá lâu gây ra]. Nếu chẳng có đại nguyện lực thúc đẩy, tin chắc rằng hành nhân sẽ thoái tâm, chẳng nghĩ đến việc lễ bái nữa. Ấy là vì toàn thân đã có những tổn thương cũ, hoặc có những tật bịnh vặt vãnh đã lâu, nay trong lúc lễ Phật, khác nào vét sạch ống cống, nhất thời sẽ có phản ứng đau đớn. Cũng may là tôi chẳng ngã lòng, tín tâm càng cao, thêm dũng khí tiếp tục lễ bái. Kết quả là do bị phản ứng, [sức khỏe] lại được cải thiện lớn lao. Chẳng hạn như lúc nhỏ bị thương ở đầu, xương cổ bị trục trặc nên thường hay bị chóng mặt. Trong lúc lễ Phật, chẳng hề hay biết là sức khỏe mình đã khá hơn, đầu không còn bị choáng váng nữa. Xương cổ cũng khôi phục bình thường. Cũng như chẳng biết sao bắp chân phải đột nhiên phát sanh chứng thũng, sưng phù, nóng hực, vừa đau, vừa nhức, nhưng cứ liên tục lễ bái thì chứng này cũng biến mất không thấy tăm hơi.

Từ nhỏ, kẻ mạt học này nơi Ðan Ðiền vô lực, nói nhiều liền phát suyễn, xướng tụng kinh kệ liền bị tức ngực, hơi ngắn, khó đọc liên tục, cũng chẳng thể đang nằm ngửa ngồi nhổm dậy được. Sau này, do vì lễ Phật, trong bụng tự nhiên hóa ra hữu lực, hiện tại đang nằm ngửa có thể ngồi nhổm dậy được, khi tụng niệm cũng có thể xướng hơi dài chẳng bị phát suyễn, học được cách hít thở sâu. Lúc trước khí sắc chẳng tươi, mặt thường trắng bệch, lòng bàn tay vàng khè, ai gặp tôi cũng bảo: “Pháp sư phải uống thuốc bổ đi!” Nhưng hiện tại thể chất thay đổi, khí sắc rất tươi, chẳng còn ai giục tôi uống thuốc bổ nữa.

Do lễ Phật mà thân thể có những điều cải thiện như vậy, tâm cũng chuyên chú, an định, chẳng còn phải nhọc lòng vì những chứng bệnh lặt vặt, khiến cho kẻ mạt học càng thêm tin tưởng vào phương pháp lễ Phật phù hợp với tự nhiên và nguyên lý y học; đối với việc lễ Phật càng thêm ưa thích, vui sướng sâu sắc. Một ngày chẳng lễ Phật là một ngày chẳng khoan khoái vậy.

Có kẻ bảo lễ Phật thì muốn thế nào cứ lễ thế ấy, việc gì phải suy xét là đúng hay không đúng phương pháp, là chính xác hay không chính xác! Cần phải biết rằng: “Tư thế có thể dẫn đến sự khang kiện mà cũng có thể tạo thành tật bệnh!”, điểm quan yếu là có đúng phương pháp hay không! Nhà Phật dạy chúng ta bốn oai nghi: “Ði như gió, đứng như tùng, ngồi như chuông úp, nằm như cung” là do đạo lý ấy. Ðấy là vì mỗi tư thế, động tác của chúng ta đều ảnh hưởng sâu xa đến sự khang kiện của thân tâm cũng như ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến việc tu hành thành tựu của chúng ta. Thân tâm có khang kiện thì tu hành mới không bị chướng ngại. Chẳng riêng gì việc lễ Phật, nếu các tư thế động tác trong sinh hoạt thường ngày không đúng đắn thì xương sống sẽ bị cong vẹo, chèn ép huyết quản, thần kinh, nội tạng, tạo thành đủ thứ bệnh tật, ưu não, thống khổ. Vì vậy, đã có tâm lễ Phật thì tốt nhất là dùng phương pháp hữu ích cho cả thân lẫn tâm thì mới là hành vi sáng suốt.

Sau cùng, chỉ mong những ai hữu tâm học lễ Phật sẽ đều được chư Phật hộ niệm, đạt được pháp bảo như vậy. Thực hành theo đó, phước huệ cùng tăng, lại phát Bồ Ðề tâm, hoan hỷ niệm Phật, cùng sanh Cực Lạc quốc.  

2. Ðiều chủ yếu là luyện được cách lễ Phật vừa thong dong vừa tự nhiên (tiến sĩ Tạ Thanh Giai, phó giáo sư đại học Ðài Loan kính thuật)

Pháp sư thượng Ðạo hạ Chứng hỏi tôi có muốn viết một bài trình bày điều mình tâm đắc trong việc lễ Phật để các liên hữu được xem hay không. Do vì lễ Phật được hưởng niềm hoan hỷ và sảng khoái thù thắng, nên tôi bèn sung sướng xin viết, chẳng nệ mình ngu vụng, dùng tấm lòng thô thiển, quê mùa, viết ra một bài trình lên quý vị để khích lệ lẫn nhau.  

1) Rất nhiều người niệm Phật lấy việc lễ Phật làm nhật khóa

Nhớ lại mười năm trước lúc mới học Phật, gặp được một nhóm người niệm Phật, đại đa số lấy việc lễ Phật làm nhật khóa, hoặc lạy 24 lạy, hoặc lạy bốn mươi tám lạy, sáu mươi lạy, hoặc 108 lạy, hoặc 200, hoặc 300, hoặc 500, hoặc 600. Tôi chẳng biết cách lễ Phật, cứ tự mình lễ theo cách lễ vụng về bên ngoài, học cách đảnh lễ của họ. Thoạt đầu lễ bốn mươi tám lạy, sau tăng dần đến 108 lạy. Rồi lấy 108 lạy làm định khóa, hành trì liên tục mấy năm. Sau gặp nhân duyên tiếp xúc cách đại lễ bái của Mật giáo. Lúc mới học cũng rất khó, nhưng một khi đã nắm được yếu quyết bèn như cá gặp nước. Cứ mỗi lần toàn thân nằm rạp xuống đất thì chẳng khác nào được tiếp xúc với đức A Di Ðà Phật, không hề vướng mắc. Vì thế, bèn đổi sang cách đại lễ bái.  

2) Sau khi giải phẫu, việc lễ Phật bị ảnh hưởng lớn

Sau khi tôi bị ung thư vú, phải cắt bỏ vú phải, bác sĩ bèn khuyên: “Từ đây không được dùng tay phải để khâu vá, cũng như chẳng thể đo huyết áp trên tay phải”. Thoạt nghe như vậy, chẳng biết đấy là điều nghiêm trọng. Từ đấy về sau, nách phải thường bị sưng đau, vai phải cứng, đau; thậm chí đau buốt cả xương bả vai phải. Có lúc cảm giác như tay phải rời khớp rụng luôn xuống đất, khó chịu đựng nổi. Ðiều này ảnh hưởng lớn đến việc lễ Phật.

Lúc lễ xuống, phải dùng cánh tay để nâng đỡ trọng lượng toàn thân. Lễ rồi đứng dậy, lại phải dùng tay vận sức đỡ thân lên. Do tay phải, vai phải chịu lực quá nhiều khó chịu đựng nổi, lạy một vài lạy là không thể nào lạy nổi nữa. Nhất là cách đại lễ bái, lúc lạy xuống, phải dùng hai tay chống đỡ trọng lượng toàn thân để nằm mọp xuống. Hai tay chịu lực rất lớn, không những không thể lễ nhiều mà còn cảm thấy khó chịu. Tuy rất ưa thích cách đại lễ bái, nhưng dù ưa cũng chẳng thể cưỡng cầu, nhật khóa phải trở về cách lễ Phật bình thường. Sở dĩ tôi chẳng buông bỏ việc lễ Phật là vì không lễ không chịu được. Cứ nghĩ xem: dù là lễ Phật rất mệt nhọc nhưng so ra vẫn hơn không lễ Phật. Vì thế, vẫn cứ lễ Phật như cũ.   

3) Sức tiêu trừ nghiệp chướng của việc bái sám rất lớn, nhưng do cách lạy không thích đáng nên rất khó khăn, khổ sở.

Sau khi mắc bệnh, tôi nhận rõ mình nghiệp chướng sâu nặng, nhưng hết thảy nghiệp chướng lại do sám hối mà được trừ diệt. Vì thế, tôi bèn bắt đầu lễ sám. Bản sám văn tôi dùng là Bảo Vương Tam Muội Sám, trứ tác cuối cùng vào tuổi già của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Bản này chẳng những khai thị tường tận về đạo lý sám hối: “Phải sanh khởi tâm hổ thẹn, chẳng tái phạm nữa”, mà còn dung nhập những nghĩa lý trọng yếu của kinh Vô Lượng Thọ. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nhận định về sám văn này như sau: “Lấy nhân hạnh của ngài Pháp Tạng làm khuôn mẫu cho chính mình, lấy quả chứng của đức Di Ðà làm chỗ mình quy y... Dung hàm Lý sám trong Sự sám, ai ai cũng thực hành được!” Bởi thế, tôi dùng bản sám này làm định khóa, mỗi tháng lạy một lần.

Trong nửa trước bản sám thì quỳ tụng sám văn hoặc lễ bái khoảng chừng một giờ. Trong nửa sau, cứ xưng một danh hiệu Phật lại lễ một lạy, lạy liên tục gần 300 lễ. Ðây là một thử thách lớn đối với tôi sau khi được giải phẫu. Trước mỗi lượt lễ Phật, tôi lại phải tự khích lệ một lần, phát đại nguyện một lần để tự cổ vũ dũng khí lẫn tinh thần rồi mới bái sám. Lễ xong tưởng chừng như mình vừa hoàn thành cả một việc lớn lao. Nhưng dù lễ ít hay nhiều đều chẳng thoải mái cả. Mỗi khi lễ sám xong, các liên hữu gặp tôi đều hỏi: “Ủa! Sao mặt bà sưng lên vậy?” Khủy tay do dùng sức để chống xuống nên đau rần, chân cũng nhức buốt. Lại do dùng sức quá độ nên nách phải cũng như cánh tay phải đều rất đau đớn, lại còn sưng đau nữa.

Còn may là không đau đến nỗi không thể nào chịu đựng nổi. Tôi cứ nghĩ đến sám hối tiêu trừ nghiệp chướng, chẳng những chỉ là nghiệp chướng của chính mình, mà còn vì nghiệp chướng của hết thảy chúng sanh, thậm chí trọng tội báng Phật, báng pháp, thay chúng sanh lễ sám, nên mới có thể lễ sám như vậy mấy năm. 

4) Rất vui khi nghe có phương pháp lễ Phật cả ba trăm lạy nhưng chẳng mệt, chẳng thở dốc, rất hâm mộ nhưng vẫn vô duyên chưa được học

Kỳ nghỉ Hè năm trước, nghe băng giảng của pháp sư thượng Ðạo hạ Chứng. Trong băng, Ngài có nói đến việc mỗi lần lễ Phật là lạy cả 300 lạy, chẳng những đã không mệt nhọc, không thở dốc, mà còn giống như chỉ lạy một lạy mà thôi. Tôi nghĩ: thật là chẳng thể nghĩ bàn, nếu được như vậy thì quá tuyệt. Vì vậy, nghe đi nghe lại băng giảng mấy lần, chiếu theo lời Ngài dạy trong băng, tự mình bắt chước tập lạy theo. Dù đã biến cải động tác lạy, nhưng chưa lãnh ngộ được nhiều, nên vẫn chưa thể hoàn toàn lãnh hội, chẳng thể hiểu rõ phương pháp lễ Phật pháp sư đã dạy.   

5) Do Phật lực gia bị có được cuốn Bái Phật Giảng Nghĩa khác nào được của cải cực quý, bắt đầu tự học

Suốt cả năm đó, trong tâm tôi luôn nguyện cầu, mong mỏi. Cuối cùng tôi tìm được một phần cuốn Bái Phật Giảng Nghĩa gồm bốn trang giấy, có phần giải thích động tác và những hình vẽ đơn giản, rất dễ hiểu, khác nào có được của cải cực quý. Sau khi đã đọc kỹ càng, tôi bèn bắt đầu tập lạy theo cách sách dạy. Quả nhiên, so với cách lễ Phật khi trước, ít tốn sức hơn nhiều. Ðiều cải thiện đầu tiên quan trọng nhất là hai khủy tay không còn bị đau nhức nữa, chân cũng không nhức mỏi. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại lúc ấy còn có quá nhiều động tác và cách thức dùng lực chưa đúng, chẳng thể buông lỏng một cách tự nhiên, thế mà đã có sự cải thiện rất lớn. Sách Giảng Nghĩa dạy lễ Phật là để thâu tóm sáu căn, là định trong động, đừng lầm là chỉ lễ Phật xuông. Ðây lại còn là một hành pháp quán chiếu tự tâm, chỉ có điều chưa biết thực hiện những điều đó như thế nào.  

6) Lễ Phật tốn sức là do chưa thể buông lỏng

Lúc bắt đầu lễ Phật, tôi hiểu rằng động tác gây mất sức nhất chính là do mình không thực hiện tốt được những động tác sẽ nói sau đây. Chủ yếu là vì quá vội vàng, căng thẳng, tâm có điều mong mỏi, chẳng thể buông lỏng thân, động tác không đúng tiêu chuẩn khiến mình lễ Phật bị mất sức. Hễ buông lỏng được thì tự nhiên sẽ lễ bái dễ dàng.  

a. Khom mình

Từ ngực, ức, eo, bụng trên cho đến đầu gối đều đẩy về sau tạo thành một hình vòng cung tự nhiên. Lúc ban đầu, xương sống cứng còng, rất khó làm đúng cách. Nhưng cứ mỗi ngày lễ Phật lại cải thiện được một chút. Ngày chầy tháng đọng, động tác ngày càng nhẹ nhàng, thong dong hơn, tư thế ngày càng đúng tiêu chuẩn hơn, đến lúc nào đó động tác trở thành hoàn mỹ. Trèo được lên núi cao cả chín nhẫn là do gắng công chẳng bỏ. Ngay bản thân tôi phải mất nửa năm mới thực hiện được động tác này một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Những liên hữu trẻ tuổi có thể thực hiện được động tác này rất nhanh. Trong các vị đồng học thuộc Ðài Ðại Thần Hy Xã, có rất nhiều vị cũng làm được động tác này rất nhanh, chẳng như tôi phải mất cả nửa năm mới làm được.

Kỳ thật, hễ buông lỏng được thì làm được động tác này càng nhanh. Tôi càng cố ý dùng sức gập thân để tạo thành hình cung có độ cong thật đẹp thì kết quả đương nhiên là chẳng tự nhiên. Khi đã buông lỏng, chẳng dùng sức thì trái lại, cong mình rất tự nhiên.  

b. Gập gối

Nói chung, đây là động tác đại đa số mọi người có làm sai nhiều nhất. Ðiểm quan trọng nhất là khi gập gối hạ thân xuống, trọng tâm phải rơi vào điểm chính giữa hai gót chân, cũng là hoàn toàn dùng hai gót chân chịu lực rồi mới đặt hai tay chạm đất, bắp chân phải giữ thẳng.

Lúc mới học, rất khó thực hiện. Phải giữ cho bắp chân khỏi nghiêng xéo, dùng bàn chân chịu lực, mông chẳng được hạ xuống thấp quá, hoặc nửa chừng ngẩng đầu lên, cổ cứng, cũng chẳng nên đưa hai tay đang chắp vào nhau ra xa quá khoảng diện tích do hai mũi chân tạo ra, khiến cho trọng tâm bất ổn. Cũng có trường hợp trọng tâm bị đẩy lùi ra sau quá khiến cho người lễ bị bật ngửa ra sau. Thử nhiều lần, thất bại nhiều phen, thậm chí có lúc tôi cho rằng động tác này là sai, trái với nguyên lý lực học, căn bản là không thể nào làm được!

Kỳ thật, tâm niệm chính là chướng ngại nặng nề nhất, nó có khả năng tàn phá nhất. Học Phật không thành phần nhiều là do ý niệm chết người “tự cho mình là đúng” này. May mắn là tôi tin tưởng mạnh mẽ vào Pháp Sư, thả lỏng thân, luyện tập nhiều lượt, tuy trước mắt chẳng thể bảo là làm đúng tiêu chuẩn, nhưng khả dĩ thực hiện động tác này một cách nhẹ nhàng. Ðúng là bắp chân để thẳng, dùng gót chân chịu lực thì chẳng phải tốn sức dùng đùi và gối, nên lễ lâu cũng không nhức đầu gối.  

c. Quỳ hai gối xuống, quỳ xong, hai mũi bàn tay và hai đầu gối đặt thẳng hàng trên mặt đất

Khom mình xong, hai tay duỗi ra trước chạm đất, hơi dùng sức chống xuống, hai gối quỳ xuống. Quỳ xong, hai mũi bàn tay và hai gối đặt thẳng hàng trên mặt đất. Trước đây, cách lễ của tôi là hai tay đặt cách xa gối từ mười lăm đến hai mươi centimeters, quỳ xuống thì hai đầu gối nằm sau hai tay, dùng hai tay để chống đỡ một phần trọng lượng của thân thể. Vì thế, sức nặng đè lên hai cổ tay không phải là ít.

Lúc mới học cách lễ của Pháp Sư, hai gối và hai tay đặt nằm trên cùng một đường thẳng sau khi quỳ xuống thấy thật chẳng thuận tiện, cứ nghĩ: “Hay là sách Giảng Nghĩa dạy sai?” Xem kỹ mươi lần, hết ngờ vực nữa, bèn kiên trì lạy theo đúng cách sách Giảng Nghĩa đã dạy, ước chừng khoảng một tháng đã có thể làm được động tác này một cách tự nhiên. Tôi mới hiểu ra là động tác này giảm thiểu sức nặng đè lên hai cổ tay. Nhờ đó, dù lễ Phật lâu cũng không còn bị đau cổ tay nữa.  

d. Quỳ tọa

Quỳ xuống rồi nên “quỳ tọa”, tức là hai mông phải ngồi trên mé trong hai gót chân. Lúc mới học, khớp cổ chân còn cứng, chẳng thể làm được dễ dàng, ngồi nửa chừng khớp chân đau nhức, nhưng ngồi lâu không thấy nữa. Theo kinh nghiệm của tôi thì chừng khoảng hai ba ngày sẽ ngồi được dễ dàng.

e. Hít sâu vào

Lúc năm vóc gieo xuống đất, lật ngửa tay như đón chân Phật. Tiếp đó, hít sâu vào để đứng lên. Lúc tôi mới học, chẳng thể hít sâu nhiều, nhưng động tác này không khó, chỉ cần được dạy một lần là ai cũng làm đúng cả, không cần phải tập luyện nhiều mới làm được. Chỉ cần nhớ là phải hít sâu vào.  

7) Mỗi ngày lễ ba trăm lạy, trèo núi bốn giờ không mệt nhọc

Từ tháng Mười năm ngoái trở đi, mỗi ngày tôi lễ ba trăm lạy. Nhân vì mỗi ngày thời gian có hạn, tôi tăng thêm thời gian lễ Phật cũng như bỏ bớt thời gian tập thể dục. Trước đây, tôi thường mỗi ngày đi bộ đến công viên Ðại An khoảng bốn mươi đến bốn mươi lăm phút suốt cả một năm. Sau đổi qua chạy nhanh phối hợp với vỗ tay suốt một giờ. Tập như thế cũng khoảng đâu nửa năm. Sau vì lễ Phật nhiều, bèn bỏ luôn cả tập thể dục. Ðương nhiên, có lúc cũng lo không biết có ảnh hưởng gì đến thể lực hay không. Nhưng vì lễ Phật rất vui sướng nên cũng không bận tâm chi nhiều.

Tôi không leo núi đã lâu, nên tháng trước dành ra một ngày Chủ Nhật theo bác sĩ Lý Phong trèo núi để trắc nghiệm thể lực chính mình. Kết quả thật đáng cao hứng. Tôi theo vợ chồng bác sĩ Lý đi bộ theo đường núi suốt bốn tiếng đồng hồ mà chẳng thấy mệt nhọc gì hết. Ði đường vẫn theo kịp tốc độ của vợ chồng họ, mà họ là kiện tướng trèo núi mỗi ngày cơ đấy! Ðủ thấy rõ lễ Phật có công năng duy trì sức khoẻ rất tốt.  

8) Xương sống tự nhiên điều chỉnh ngay ngắn khiến bác sĩ chỉnh xương thập phần kinh ngạc!

Năm ngoái, con gái út tôi từ Nữu Ước trở về, vừa xuống phi cơ đã bảo nó bị vấp té vì băng đóng trơn trợt, phải đi chỉnh cột sống. Tôi dẫn con đến một vị y sư nắn xương giàu kinh nghiệm để chữa chạy. Ông này cũng là một Phật tử kiền thành, chúng tôi thân thiết nhau gần cả mười năm. Ðưa con đi trị bệnh cũng là nhân tiện để mình chỉnh thẳng cột sống luôn.

Nào ngờ, ông vừa chỉnh đã kinh ngạc bảo: “Giáo sư Tạ, bà khác quá đi. Bà thật là khác quá chừng. Xương sống bà cũng như dây chằng hai bên đều không giống như trước. Ðã mười tháng bà không đến đây. Trong quá khứ, nhất định phải cần nắn chỉnh một hai ngày thì xương sống mới thẳng thắn, nay chỉ nắn một cái đã ngay ngắn rồi”. Ông ta truy ráo riết tôi đã tập cách nào? Tôi cao hứng quá nên cười lớn đáp: “Tôi lễ Phật đó mà!”  

9) Huyết áp, mạch nhảy cũng tự cải thiện lúc nào không biết  

Sau khi giải phẫu suốt cả sáu năm đến nay, huyết áp luôn ở mức 90/60 mà mạch đập cũng dưới 60 lần một phút. Tận lực tập tành đủ thứ, tịnh tọa, uống thuốc Tàu, chẳng thấy đỡ chút nào. Hai ba hôm trước, sau khi đã theo đúng phương pháp lễ Phật của Pháp Sư thượng Ðạo hạ Chứng mỗi ngày lễ Phật 300 lạy được chừng nửa năm, tôi tùy hứng ghé qua phòng mạch nhỏ gần nhà nhờ bác sĩ khám tai. Khám xong, thấy trên bàn có máy đo huyết áp, tôi nhờ bác sĩ đo huyết áp giùm. Kết quả thật bất ngờ: huyết áp nhiều năm chỉ là 90/60 nay là 110/70. Về nhà, tâm trạng bồi hồi liền tự mình đếm mạch đập, từ nhiều năm mạch chỉ 60 nay đã tăng lên 70. Lễ Phật có công hiệu thật chẳng thể nghĩ bàn.   

10) Vừa lễ, vừa xướng, vừa nghe câu niệm, vừa tưởng đến A Di Ðà Phật để luyện nhất tâm niệm Phật cũng như khiến cho Ðan Ðiền hữu lực, không sợ lạnh nữa

Sau khi động tác lễ Phật đã thuần thục rồi thì sẽ theo lời Pháp Sư dạy, xướng thêm Phật hiệu. Cứ mỗi phen lạy xuống, lúc thở ra bèn xướng một câu lục tự hồng danh, lúc đứng lên hít vào thì không xướng. Lúc đầu xướng cũng chẳng nhịp nhàng, lạy chưa hết nửa chừng đã không còn hơi để xướng nữa. Tôi cứ tưởng rằng dùng liền hai hơi để niệm cũng chẳng trái lời Pháp Sư dạy, bèn gân cổ xướng ráng xướng liền một hơi. Mỗi phen xướng xong một câu là đều bò lăn ra trước đức A Di Ðà, thở phì phò ba bốn hơi mới thở lại bình thường được. Có lần xướng đã hết hơi, nhưng vẫn gắng cật lực xướng, kết quả là ngực phải đau buốt suốt cả một ngày. Từ đấy, chẳng dám ép mình làm quá sức, mà bèn tự điều chỉnh hai điều như sau:

- Trước lúc lạy xuống, hít vào một hơi sâu, hít cho thật đầy phổi rồi mới xướng lạy. 

- Lúc đã lạy xuống rồi, nếu hơi chẳng đủ bèn hít sâu thêm một hơi nữa để xướng.

Lạy như vậy suốt hai tháng, hóa ra chẳng cần phải lưu ý hít sâu vào mà cũng vẫn có thể tự nhiên xướng trọn câu trong một hơi. Phối hợp lễ Phật với hô hấp thành thục rất mau. Tôi cứ bảo mùa Ðông năm nay trời không lạnh, sau mới phát hiện: đây có thể là hiệu quả của việc lễ Phật. Mùa Ðông năm trước, tôi mặc áo ấm còn dày hơn cả thầy tôi. Năm nay thì chỉ cần mặc một cái áo ấm lót mình che kín ngực, trong khi thầy tôi phải mặc áo dày cộp.

Ngoài ra, khi tham gia tụng niệm khóa lễ sáng chiều tại chùa miếu hoặc dự một ngày niệm Phật, thấy thanh âm xướng tụng của chính mình vang rõ, hữu lực hơn trước kia rất nhiều. Kỳ thật, đấy là kết quả của việc lễ Phật, chuyên tâm xướng niệm, chuyên tâm lắng nghe, chuyên tâm lễ bái, chuyên tâm tưởng nhớ Phật A Di Ðà, rèn luyện nhất tâm niệm Phật, tăng trưởng định lực. Nhất tâm sẽ tạo thành một người niệm Phật già dặn, chắc thật. Ðấy chính là nguyên nhân thật sự khiến tôi say mê lễ Phật.  

11) Khó khăn biến thành hoan hỷ, càng lễ càng nhẹ nhàng, thong dong, những đau đớn không uống thuốc tự hết

Ðích thân tôi kinh nghiệm: Lễ Phật theo phương pháp của Pháp Sư thượng Ðạo hạ Chứng đích xác là rất ít tốn sức, vừa có thể nhiếp tâm vừa nhẹ nhàng, thong dong. Một ngày lễ ba trăm lạy không những chẳng còn là một công khóa khó nhọc, lại còn biến thành một khóa lễ rất hoan hỷ. Có lúc khênh vác vật nặng, tay phải lẫn vai phải đã mỏi đừ rồi, hoặc có lúc tự mình đã dạy cả sáu giờ, rất mệt mỏi, nhưng khóa lễ chiều phải lạy một trăm năm mươi lạy, tôi cứ kiên trì lạy đủ. Cứ mỗi lần như thế, tôi đều kinh ngạc nhận thấy sau khi lạy từ 20 đến 30 lạy rồi thì tay phải, vai phải hết còn đau mỏi, trong người cũng không còn thấy mệt mỏi gì nữa!  

12) Kiên trì lễ Phật, tăng trưởng định lực nhất tâm hướng Phật, trở thành một người thực sự già dặn, chắc thật niệm Phật  

Phương pháp lạy Phật này chẳng giống với những phương pháp lạy quen thuộc của mọi người. Vì thế, phải có tín tâm mới kiên trì tập luyện được. Chính bản thân tôi đã từng kinh nghiệm như thế: Ở nhà tôi đã lạy Phật rất nhuần nhuyễn rồi, nhưng đến khi so sánh với các liên hữu mới phát hiện mình còn rất nhiều động tác chưa đúng tiêu chuẩn, lại cần phải điều chỉnh, rồi lại nhận thấy cách lễ mới vẫn chưa hoàn toàn, thật là nản chí, nhưng vẫn cứ kiên trì tập luyện.

Tôi nghiệm thấy một điều: Phật pháp là vô tận tạng, dù đã tiến bộ vẫn cần phải tiến bộ hơn nữa, chẳng được tự mãn, vĩnh viễn phải luôn có cái tâm thong dong, rộng mở như suối nguồn. Việc lễ Phật cũng thế, phải có đầy đủ tín tâm sâu xa, một khi tín lực đã viên mãn sẽ biến trọn thành Phật lực, công đức sẵn có nơi tự tâm sẽ phát hiện cuồn cuộn chẳng ngừng. Tôi chỉ là một kẻ sơ học, vô hình trung được lợi lạc rất nhiều trên phương diện thân thể lẫn tu hành Ðịnh - Huệ. Vì thế, tôi rất vui mừng viết lại điều mình tâm đắc kính trình đại chúng.

Sau cùng, tôi rất cảm kích Phật, Bồ Tát đã ban cho tôi nhân duyên rất hay như thế này, học tập được phương pháp lễ Phật này. Tôi cũng chỉ cầu mong: tự mình có thể lạy Phật, ngó nhìn cảnh trăng thanh gió mát chốn cố hương Tây Phương, tưởng niệm khuôn mặt từ ái thân thiết của Phật A Di Ðà đang dõi mắt đau đáu ngóng trông đứa con lưu lạc chốn Sa Bà sẽ quay về cố hương, nên bèn sanh khởi tín nguyện chân thật, tăng trưởng định lực nhất tâm hồi hương, trở thành một người thật sự già giặn, chắc thật niệm Phật. Cũng mong tất cả những ai đang niệm Phật trong thế gian, đang đi trên con đường trở về quê cha Tây Phương đều đạt nhân duyên thù thắng.

A Di Ðà Phật!

---o0o---
 

 Mục lục | Phần 1 -1| Phần 1-2 | Phần hai | Phần ba

 

---o0o---
Source: www.niemphat.net
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 1-7-2004


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Phật Giáo và Thời Đại

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544