Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Ðản


...... ... .

 

PHẬT GIÁO THỪA THIÊN - HUẾ

Phật Đản 2546. Phổ biến nội bộ.

+++

 

TẬP SAN

NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số  3

 

---o0o---

 

THƯ NGỎ

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Thiện hữu, Phật tử, bạn đọc xa gần,

 Tập san “NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC” số 3 ra mắt quý độc giả vào dịp Phật đản 2546; do vậy, để hoà mình vào ngày vui chung của những người con Phật, ngày phước lạc của muôn loại chúng sinh, chúng tôi xin dành phần lớn thư nầy để nêu lên những suy nghĩ của chúng tôi như là phương cách cùng nhau ôn lại một vài lời dạy của đấng Năng Nhơn Tịch Mặc, để tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn; đồng thời qua đó, mong có được sự tăng ích đồng bộ khế hợp với bản hoài đích thực của Ngài.

Kính thưa quý liệt vị,

Bản hoài của đức Phật, như trong kinh Pháp Hoa đã dạy : “ ... chư Phật Như lai vì muốn khai mở cho chúng sanh sự thấy biết của Phật nên xuất hiện ở thế gian, muốn chỉ thị cho chúng sanh sự thấy biết của Phật nên xuất hiện ở thế gian, muốn làm cho chúng sanh tỉnh ngộ sự thấy biết của Phật nên xuất hiện ở thế gian, muốn làm cho chúng sanh nhập vào con đường thấy biết của Phật nên xuất hiện ở thế gian.”[1] . Ở đây, tri kiến hay sự thấy biết của Phật chính là trí tuệ.

Trí tuệ không phải là vấn đề gì mới mẻ, cũng chẳng phải là vấn đề của riêng ai, của riêng tôn giáo này hay tôn giáo nọ, cũng chẳng phải các ý hệ không phải tôn giáo không đề cập đến. Chỉ có điều là, ngôn ngữ được dùng có khác nhau, ý nghĩa trong chừng mực nào đó cũng có sự khác nhau; và đặc biệt là vận dụng trí tuệ cho các phương thức thực hiện lý tưởng tức là cho hạnh phúc của nhân dân hay an lạc giải thoát của con người có nhiều điểm khác nhau.

Nhưng, những khác biệt nầy đối với Phật giáo chẳng có gì khó hiểu. Há không phải như trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật đã từng dạy : “tuỳ chúng sanh tâm ứng sở tri lường”  đó sao. Nói cách khác là tuỳ theo căn cơ trình độ khác nhau mà có những nhận thức khác nhau. Điều cần nói ở đây rằng, đâu là trí tuệ, đâu là hiểu biết đúng đắn, đâu là hiểu biết đem lại lợi ích thiết thực bền vững cho cá nhân giữa cộng đồng xã hội, đâu là hiểu biết đem lại an lạc giải thoát cho con người trong chuỗi duyên sinh bất tận giữa xã hội nhiễu nhương đầy phiền toái phức tạp khổ đau nầy.

Đó là, Chánh tri kiến trong Thánh đạo tám chi, là Tịnh huệ trong các luận A-tì-đàm, là Tuệ không trong Trung quán, là tri kiến Phật, tri kiến như thật, tri kiến giải thoát trong kinh Pháp hoa. Đó lại là sự hiểu biết về nhân quả nghiệp báo trong kinh Thập thiện ...

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy : “A-nan, Các ông nên biết, hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chơn tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi. Nay ông muốn học đạo vô thượng bồ đề, phát minh chân tính thì nên lấy tâm ngay thẳng mà đáp lại những câu hỏi của ta. Mười phương Như lai đều do một đường thoát ly sanh tử là dùng tâm ngay thẳng. Tâm mà nói là ngay thẳng thì cứ như vậy, từ địa vị đầu đến địa vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những tướng quanh co.”

Một tâm thức người không thể hiện khởi nếu không có xác thân tứ đại trần luỵ nầy. Cũng như vậy, không thể có một đạo lý Phật của con người hiện hữu nếu không có xã hội con người và xã hội con người làm sao có được khi không có những con người cá biệt. Và như vậy, liệu có ai có thể nói rằng mình là một phật tử không phụ thuộc bởi bất cứ một khía cạnh nào của một cộng đồng tôn giáo Phật giáo nào không. Hay nói cách khác là mình có thể yên thân tu tập một mình, không cần đến bất cứ một quan hệ nào  trong cộng đồng Phật giáo chăng?

Nói một cách khác nữa, với trí tuệ của đạo Phật ta thấy rằng, một hột mít được gieo xuống, không thể cho lên một cây xoài. Không một cây cam nào có thể  sinh ra và nuôi lớn trái ổi được. Với trí tuệ của đạo Phật ta thấy rằng, cuộc sống hạnh phúc, yên vui của một người chỉ có được trong sự hạnh phúc an lạc của mọi người. Sự khổ đau bất mãn của một người là sự ung nhọt thoái hoá, một phần hư hỏng, đổ nát của một cộng đồng xã hội. Sự thiếu ý thức của một cá nhân, sự thờ ơ lãnh đạm của một số người, hẳn là một trở ngại, sức ì hay một phần trơ cứng của xã hội. Với trí tuệ của đạo Phật ta thấy rằng, sự sống hôm nay tốt đẹp hay xấu kém là do chính tập thể người chúng ta tạo nên trong quá khứ; và, muốn biết tương lai như thế nào thì hãy nhìn xem vào việc làm hiện tại của chính cá nhân ta và cộng đồng xã hội mà ta đang sống. Mọi ngã mạn cống cao, mọi ích kỷ hẹp hòi là những trở ngại vô cùng to lớn cho một xã hội văn minh, cho hạnh phúc, an vui,cho giải thoát của chính những con người mắc phải những tính đó; đồng thời cho cả mọi người. Và nó hoàn toàn không thể có mặt trong giáo lý đích thực của đạo Phật. Với trí tuệ của đạo Phật ta thấy rằng, không có ai ban phát hoặc đem đến cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho tập thể của mình, cho xã hội của mình một cuộc sống hạnh phúc yên vui thực sự; và ngay cả đức Phật cũng không thể đem đến cho con người, cho chúng sanh  một cuộc sống giải thoát an vui mà chính con  người phải tự tạo lấy.

Thưa quý liệt vị,

Để ngày Khánh đản năm nay thêm phần ý nghĩa, để Phật nhựt ngày càng rạng tỏ, để bóng tối vô minh, chướng hoặc nặng nề dần dần tan biến trả lại cho ngôi nhà phật giáo đầy đủ vẻ huy hoàng tráng lệ của nó, để trả lại cho những người con Phật một tình cảm thân thương, sâu lắng trong đạo tình kiên thật, trong phạm vi khả năng, chúng tôi cố hết sức mình ngõ hầu đền đáp được phần nào trong muôn một ân đức cao dày của Phật tổ Như lai.

Cuối cùng, thay mặt ban biên tập, Chúng tôi xin kính chúc chư Tôn đức một mùa Phật đản với nhiều an lạc của một sứ giả Như lai.

Kính chúc các thiện hữu, Phật tử, bạn đọc xa gần hưởng được một mùa Phật đản đầm ấm vui tươi trong niềm tin kiên cố.

                                                

P.L. 2546 – Nhâm Ngọ   

Huế, Ngày 31 tháng 04 năm 2002

Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh    


[1] Pháp hoa 1, tr.109. Trí Quang. X.b tại T.P. HCM, 2538 – 1994.

---o0o---

 Mục lục  _  Xem bài  Bốn Pháp Giới, Hồng Dương.

 

---o0o---

Chân thành cảm ơn TT Thích Thanh Huyền đã gởi tặng tập san này
(Trang nhà Quảng Đức, Phật Đản 2626)
Trình bày:
Nhị Tường
Cập nhật : 11-05-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Phật Đản

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544