Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Thánh Tích Phật Giáo


...... ... .

 

Sẽ Xuất bản

XỨ PHẬT-TÌNH QUÊ III
Thích Hạnh Nguyện
Thích Hạnh Tấn

---o0o---

 

Chương Một

NHỮNG KIẾN THỨC CẦN BIẾT

Trước lúc khởi hành. 
Đem theo những gì?
Sức khoẻ.
Tiền tệ.
Đến Nepal.
Xuống phi trường.
Nghỉ lại đêm 
Nhà hàng.
Ngoạn cảnh quanh vùng.
Liên lạc.
Giải trí
Ngày lễ.
 
 

 TRƯỚC LÚC KHỞI HÀNH

Visa.
Tất cả mọi quốc tịch trên thế giới muốn đến Nepal đều cần phải xin Visa ngoại trừ người dân Ấn Độ. Visa có thể được xin từ các tòa đại sứ hoặc tòa lãnh sự ở nước mình cư ngụ hoặc ở các biên giới thông với Ấn Độ như: Sonauli, Mahendranagar, Nepalgunj (Belahiyal, Birgunj và Kakarbhitta). Từ Tây Tạng thì biên giới Godari. Hoặc du khách có thể xin Visa ngay khi vừa đáp xuống phi trường quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu. Thủ tục làm Visa ở phi trường cũng rất nhanh chóng nên việc xin Visa vào Nepal không phải là một vấn đề. Mỗi đơn xin Visa phải kèm theo một tấm hình khổ nhỏ. Theo như luật định được áp dụng từ năm 1997, giá tiền Visa được tính như sau:
Visa đến 60 ngày, vào một lần: 25 US$
Visa đến 30 ngày, vào hai lần: 50 US$
Visa đến 60 ngày, vào hai lần: 60 US$
Tiền trả Visa phải được trả bằng Mỹ kim. 
(ghi chú: luật lệ và tiền lệ phí Visa thay đổi mỗi năm, xin liên hệ trực tiếp với tòa đại sứ để biết chi tiết)
Nếu có thời gian thì việc xin Visa trước tại quốc gia nơi mình cư ngụ vẫn là điều tốt hơn.

Thời hạn Visa
Tối đa là 120 ngày có thể được ở Nepal theo diện Visa du lịch trong một năm. Nhập cảnh phải được thực hiện trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Visa được cấp. Visa thường có giá trị cho những thành phố lớn và các vùng có đường chính đi qua. Không có giá trị cho những vùng khác kể cả các khu vực trèo núi, vượt suối. Nếu bạn muốn thực hiện những chuyến đi chơi, thám hiểu qua các cuộc trèo núi, vượt suối, vào rừng v.v... thì phải xin giấy phép đặc biệt cho các chuyến đi này. Các giấy phép này có thể xin tại văn phòng di trú ở Kathmandu hoặc tại Pokhara, cùng với biên nhận vào cửa một công viên quốc gia nào đó (có thể mua tại cổng của công viên ấy).

Gia hạn Visa.
Visa du lịch có thể xin gia hạn tại văn phòng di trú ở Kathmandu hoặc tại Pokhara, và cũng cần phải có một tấm hình. Gia hạn hơn một tháng phải trả tiền 2 US$ một ngày cho đến 90 ngày. Từ 90 ngày lên đến 120 ngày, số tiền tăng lên là 3 US$ một ngày. Thông thường Visa không thể gia hạn quá 3 tháng sau đó ngoại trừ ít nhất phải ra khỏi Nepal 1 tháng và xin vào lại. Gia hạn Visa từ 120 ngày trở lên đến 150 ngày chỉ có thể xin được tại văn phòng di trú ở Kathmandu, và du khách phải trình ra lý do có thể chấp nhận cho việc triển hạn Visa.
Lưu ý. Nếu bạn ở quá thời hạn mà Visa cho phép, bạn có thể bị ngưng chuyến bay cho đến khi bạn hoàn tất việc xin triển hạn Visa, và việc này sẽ bị đóng tiền phạt gấp đôi tiền triển hạn Visa theo thường lệ.

Văn phòng du lịch.
Ở các nước ngoài không có những văn phòng du lịch đại diện của chính phủ đặt chi nhánh, nên các thông tin du lịch cần thiết về Nepal ít được nhiều người biết đến. Một số các tòa đại sứ chỉ có những tập thông tin nhỏ giới thiệu sơ lược về xứ này. Tại phi trường Kathmandu thì có một quầy du lịch đại diện. Văn phòng du lịch trung ương ở Ganga Path (ĐT: 211203) có đầy đủ các chi tiết về ngành du lịch ở Nepal. Cơ quan điều hành du lịch nằm sau vận động trường quốc gia tại Tripureshwar. Cũng có một số tạp chí du lịch được xuất bản mỗi tháng, gồm có: Travelar’s Nepal, có thể lấy tại phi trường, các văn phòng du lịch và các khách sạn lớn. Trong tạp chí này bạn có thể biết được các tin tức mới nhất về du lịch ở Nepal, nghỉ lại, các hàng quán ăn uống, các nơi đi mua sắm. Văn phòng du lịch ở Pokhara, nằm đối diện cổng phi trường đã có những sự phục vụ rất chu đáo, có thể cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến Pokhara và những nơi chốn ngoạn cảnh trong vùng. Mở cửa từ chủ nhật đến thứ sáu.
Cũng có những văn phòng du lịch cung cấp tin tức khác tại các nơi như: Bhairahawa, Birgunj, Janakpur và Kakarbhitta, nhưng không được tốt lắm.

Tổ chức đi đoàn.
Tại các nước Âu châu, Mỹ châu hoặc Úc châu đều có các văn phòng du lịch tổ chức đi đoàn. Trong đó họ đều lo tất cả cho một cuộc hành trình từ việc ra phi trường, đến nơi, đưa rước, ngoạn cảnh và ăn ở trong thời gian du lịch. Tuy nhiên các chuyến đi như vậy thường có giá khá cao, nhưng đáp lại mọi người sẽ được một chuyến đi thoải mái về mọi mặc. 
Trong thời gian qua các chùa và quý thầy cũng đã có tổ chức nhiều chuyến đi đoàn như vậy, nhưng hướng đến những nơi chốn chùa chiền và di tích Phật giáo nhiều hơn, trước tạo duyên lành giữa người phật tử với các di tích thánh địa thiêng liêng, mang thêm niềm tín tâm và sự tu học cho người; sau cũng hướng dẫn mọi người viếng thăm các thắng cảnh ở nơi đến. Như vậy chuyến đi có thể nói là được lợi lạc đôi phần. Chi phí do các chùa và quý thầy tổ chức thường cũng không cao lắm so với các văn phòng du lịch tổ chức đoàn bên ngoài. Riêng chúng tôi thường hay có duyên đại diện quý thầy và các phật tử để lo lắng trong việc tổ chức sắp xếp và hướng dẫn khi phái đoàn đến Ấn Độ hoặc Nepal. Mỗi năm một hai lần tổ chức là mỗi năm chúng tôi tìm cách nghiên cứu thêm các lộ trình, nâng cao các tiêu chuẩn ăn ở và di chuyển đến mức tối đa, để những người phật tử khi viếng thăm xứ Phật và các thánh địa, không chỉ thấy là phải chịu đựng một chuyến đi hành hương kham khổ và khó chịu, mà cũng vẫn hưởng được những thời gian thoải mái và đầy kỷ niệm như một cuộc du ngoạn nghỉ hè nào đó mà mọi người thường hay đi. Nhưng dĩ nhiên khi mọi người nghĩ đến hành hương, hoặc biết rằng mình sẽ di chuyển, ăn ở nơi những xứ sở ngheò nhất trên thế giới trong vòng hai hoặc ba tuần lễ, thì những khó khăn về mặt đường xá hư hỏng, bụi bặm, thiếu nhà vệ sinh, quán tiệm không có những món ăn vừa ý.v.v... trên các đoạn đường đi hành hương là những điều cần phải ý thức và chấp nhận. 

Tổ chức và hướng dẫn đoàn là một điều rất khó khăn và tế nhị, nhất là những đoàn hành hương vì nơi chốn hành hương thường là những nơi nghèo nàn, xa vắng và khó đến. Aáy là chưa kể đến những rắc rối không lường trước được qua cách sắp xếp, làm việc một cách lề mề, luộm thuộm của người dân bản xứ nghèo nàn ít học. Thế nên để hưởng được một chuyến hành hương và ngoạn cảnh thật sự ý vị và tốt đẹp, người phật tử cần nên nắm trước một số khái niệm này và khởi tâm niệm hỷ xả nếu mình không vui hoặc không vừa lòng một điều gì trong chuyến đi.
Riêng những người nghĩ rằng mình nghèo và có giới hạn về mặt tiền bạc thì cũng có thể tự mình nghiên cứu qua các loại sách hướng dẫn du lịch và thực hiện chuyến đi riêng một mình. Các chuyến đi này thường rẻ hơn nhiều, nhưng ngược lại tốn khá nhiều thời gian, và nơi ăn chốn ở thì tùy theo số tiền mà mình có trong túi để liệu việc chi dùng.

Giấy phép đi núi.
Giấy phép này cần phải xin vì không thuộc vào Visa du lịch mà mình đã xin vào nước. Ngay cả nếu bạn không cùng với một nhóm đi núi, mà bạn đi vào những nơi cách một ngày đường từ con lộ chính bạn vẫn phải xin giấy phép đi núi đặc biệt. Giấy này có thể xin từ văn phòng di trú ở Kathmandu và Pokhara. Những giấy phép này lại khác nhau tùy vào mỗi vùng núi mà mình muốn đi. Mỗi đơn xin cần phải có 2 tấm hình kèm theo. Tiền giấy phép tối thiểu là 5 US$ một tuần cho những vùng núi danh tiếng như: Annapurna, Langtang, Everest, nhưng giấy phép xin có thể cao tiền đến 700 US$ cho 10 ngày đi núi ở Mustang. Có nhiều trạm kiểm soát giấy phép nằm dọc theo những con đường đi núi và du khách phải trình giấy phép khi bắt đầu đi. Nhưng khi trở về du khách không cần phải trình các giấy phép.

Khi nào khởi hành.
Thời gian tốt nhất để đặt một chuyến đi thăm viếng Napal là vào khoảng từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 11. Trong thời gian này bầu trời rất trong sáng và khô, những dãy núi nổi tiếng hiện ra rõ ràng, trong suốt và thời gian ấy thời tiết xứ này cũng không quá nóng hoặc quá lạnh. Cũng thời gian này là thời gian mà người xin giấy phép đi núi phải sắp hàng dài để chờ đợi, khách sạn đầy ắp và các xe cộ di chuyển cũng khó.
Vào những tháng 12, tháng một và đầu tháng hai là những tháng lạnh nhất trong năm, nhất là những khu vực có độ cao. Bắt đầu từ giữa tháng hai trở đi đến tháng ba và tháng tư, thời tiết trở nên ấm áp hơn, và các tuyết đường đi núi lại dần dần có người đi. Đây là thời điểm du lịch thứ hai trong năm mà người du khách tìm cách đổ về Nepal hoặc để du lịch, hoặc để đi núi và phần nhiều những du khách cũng muốn tránh cái nóng đang bắt đầu đổ vào vùng Ấn Độ.
Tháng năm và tháng sáu là sắp bắt đầu đến mùa mưa. Nhiệt độ nóng tăng dần và thường hay có sấm chớp. Ẩm thấp và sương mù cũng bắt đầu có nơi những vùng thấp. Số lượng người đến Nepal và đặc biệt là những người thích đi núi cũng giảm dần do thời tiết và sương mù.
Mùa mưa đến với Nepal vào giữa tháng sáu, xóa tan đi những làn sương mù bao phủ dầy đặc vào những tháng trước đó. Đường xá đi lại khó khăn và nhiều nguy hiểm. Nhiều đoạn bị hư hại và có đất chùi từ trên những triền núi đổ xuống. Thời gian này do du khách ít đến nên giá cả các khách sạn và nhà hàng giảm xuống đến mức tối thiểu. Thông thường người ta có thể trả giá theo ý mình muốn, mặc dù theo giá chính thức có thể cao hơn đến ba bốn lần. Nếu ai có ít tiền thì có thể chọn những tháng này đi, chấp nhận những khó khăn về thời tiết nóng, ẩm thấp, mưa nhiều thì sẽ được bù lại với những khoảng tiền chi dùng trong mức độ thấp nhất.
Mùa mưa kết thúc vào tháng chín, tuy nhiên vào thời gian ấy vẫn còn một số đoạn đường chưa đi được vì bị đất chùi hoặc hư hại sau những cơn mưa.

ĐEM THEO NHỮNG GÌ?

Trong bất cứ một cuộc du hành nào, hành lý mang theo tối thiểu vẫn là điều tốt nhất cho sự mang và xách.
Thông thường chỉ nên mang theo những đồ nhẹ và gọn (vì dĩ nhiên cũng còn chừa chỗ mua sắm khi đi về nữa).
Tại Kathmandu du khách có thể mua gần như tất cả các vật dụng cá nhân (hàng nhập cảng từ các nước) để trang bị cho một cuộc du hành tốt đẹp ở xứ này. Từ Túi ngủ rất ấm, áo ấm, áo đi mưa, các dụng cụ đi núi, vượt suối v.v... với giá rất rẻ so với giá ở những xứ phương tây. Do đó nếu có thời gian thì khi đến Kathmandu và mua vẫn được xem là một điều hay và ít tốn kém.

Sau đây là những vật dụng mang theo để cho cuộc du hành có được nhiều sự thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên các đồ vật này không phải nhất thiết cần cho tất cả mọi người:

Gối hơi kê đầu hoặc để lót dưới bàn tọa.
Vật dụng để chùi kính contact lens, vì khó mua được ở nước này.
Đồ nhét tai chống âm thang.
Đồ che mắt khi ngủ.
Thuốc chống muỗi, hoặc chống các loài côn trùng.
Khăn quàng cổ.
Thẻ lái xe quốc tế.
Foto copi những giấy tờ quan trọng.
Radio
Lưu giữ hình chụp Passport để phòng khi làm giấy tờ.
Mũ chống nắng.
Kem dưỡng da.
Kính mát.
Loại dao đa dụng của Thụy Sĩ.
Giấy chùi miệng/vệ sinh.
Loại dù xếp gọn, để đi mưa hoặc che nắng.
Khóa hành lý.

Nếu bạn dự định ở trọ trong những ngôi nhà thuê rẻ tiền, có thể chuẩn bị thêm những thứ sau:

Miếng lót nệm dưới lưng khi nằm.
Ví tiền đeo lưng.
Dây xích khóa hành lý.
Miếng ni lông trải giường để chống những loài rận rệp trong các nhà trọ rẻ tiền.
Xà phòng.
Giấy vệ sinh.
Khăn.
Ồ cắm điện nhiều chấu kiểu quốc tế.

Những hành trang y tế:

Thuốc cảm.
Thuốc tiêu chảy.
Thuốc sốt rét.
Thuốc khử trùng.
Thuốc lọc nước.
Thuốc tiêu.
Băng keo, vệ sinh, và các loại thuốc quan trọng mà mình đang có bệnh.v.v...

 

 SỨC KHOẺ

Để có được thời gian ý vị và tốt đẹp trong chuyến dù hành của chúng ta ở Nepal, điều quan trọng là ta phải giữ gìn sức khoẻ cho chính mình, ngay từ lúc bước chân ra khỏi nhà. Mặc dầu không nhất thiết phải đòi hỏi có chích ngừa khi đến nước này, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ và có thể chích ngừa trước vẫn hơn. Vấn đề bệnh tật có thể xảy ra ở Nepal hoặc Ấn Độ phần lớn là bệnh đau bụng hoặc tiêu chảy do không quen nước uống và thức ăn trong vùng. Nếu bạn quan tâm về thuốc men, thì tại Nepal cũng có rất nhiều tiệm thuốc tây trong những thành phố lớn, khi mua không cần thiết phải có toa bác sĩ. Các bác sĩ phần lớn cư ngụ tại Kathmandu và cũng tại thủ đô này có nhiều trạm xá phục vụ rất tốt với tiêu chuẩn khá cao. Nepal cũng có một số nhà thương nhưng sự phục vụ lại rất giới hạn.
Nếu bạn đang dùng kính hoặc contact lenses, thì  nên cầm theo hóa đơn với mình khi đến Nepal. Về kính thì ở đây tương đối rẻ so với các nước Âu Mỹ nên cũng có một số người đến đây mua thêm một vài cặp kính nữa để phòng hờ.
 
 

TIỀN TỆ  

Tiêu chuẩn đời sống
Dĩ nhiên tiêu chuẩn đời sống ở đây rất thấp so với tiêu chuẩn đời sống ở các nước xã hội Âu Mỹ. Đồng lương và vật dụng nếu so tính với đồng lương và vật dụng ở các nước phương tây thì thật là quá đắt. Lương hướng chỉ bằng một phần 15 hay 20 so với lương hướng của một công nhân nước Aâu Mỹ nhưng vật giá thì chỉ rẻ hơn được đôi ba lần. Cho nên làm suốt đời mà vẫn nghèo suốt đời là vậy!
Các khách sạn và nhà hàng ở đây cũng có những loại tiêu chuẩn rất cao, giá vừa phải (dĩ nhiên so với đồng tiền ở phương tây và đem qua xứ này xài), còn đối với dân bản xứ thì có lẽ phải đắt không thể tưởng. Tuy nhiên có những khách sạn và nhà hàng mà chỉ một hai đô là cũng có thể ngủ lại và ăn qua bữa. Tiêu chuẩn của cuộc sống ăn và ở có muôn vàn khác biệt, tuỳ theo túi tiền và sự tiêu xài của mỗi người. 

Các món ăn uống ở Nepal thông thường rất khá, tiêu chuẩn vượt hơn nhiều so với các món ăn và nhà hàng ở Ấn Độ, nhưng dĩ nhiên giá cả cũng tăng theo. Tuy nhiên người du khách có thể tìm thấy nhiều món ăn Tàu, Tây, Nhật Bản, Đại Hàn, Ý, Đức v.v... không mấy khó tại khu vực Thamel. Giá một bữa ăn Ý chẳng hạn gồm: Spagetti, La Sagna, La caroni .v.v... Khoảng từ 1.8-3 US$ luôn cả nước uống. Ra khỏi thủ đô thì giá cả các món ăn thấp hơn, nhưng dĩ nhiên các món ăn và nhà hàng cũng kém tiêu chuẩn hơn.

Di chuyển trên đường phố thường là rất tiện nghi và khá thoải mái với nhiều loại xe cộ phục vụ và giá cả phải chăng. Đi một đoạn đường xa từ Kathmandu đến Pokhara với thời gian khoảng 8 tiếng đồng hồ giá khoảng 7 US$ hoặc xa hơn nữa đi 18 tiếng xe đến Kakarbhitta mà giá chỉ khoảng  8 US$.

Giá cả.
Ở Nepal một số các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày đều có giá cả của nó trên đó với giá nhất định. Một số khác được bán với giá sai biệt tùy theo người của mỗi nước. Lấy trường hợp vé máy bay; đối với người Ấn Độ, vé từ Delhi sang Kathmandu chỉ khoảng 65 US$ một vòng. Tuy nhiên với khách ngoại quốc giá phải trả là 140 US$ một vòng. Vào khách sạn ở cũng vậy, khi tôi hỏi giá, họ trước tiên hỏi tôi thuộc quốc tịch nào. Giá cả sai khác tùy theo sự giàu nghèo của quốc gia đó và sự tiêu xài của người dân xứ đó. Ở đây họ lấy giá cao nhất đối với người Nhật, kế đến là người Mỹ. Cho nên cũng có một vài anh Pháp, anh Mỹ khi sang đây du lịch và mua đồ phải mượn oai lấy Mác Liên Xô!

Giá tiền ngoại tệ đổi sang Rúppi Nepal (tháng 2. 2000)
Mỹ kim  Rs 69
Bảng Anh Rs 112
Tiền Ấn  Rs 1.60

Đổi tiền.
Theo thông báo ghi ở bản tại phi trường rằng, nếu ai mang quá 2000 US$ thì phải khai báo, nhưng hình như đây chỉ là thông báo lấy lệ vì chẳng mấy ai khai báo và cũng chẳng ai hỏi han.
Khi đổi tiền từ ngân hàng, người đổi sẽ được nhận một hóa đơn đổi tiền gọi là encashment certificates. Hóa đơn này đôi khi được hỏi trong các khách sạn lớn khi ta trả tiền Rúppi cho họ. Đây là một hình thức kiểm soát tiền của chính phủ và để tránh việc đổi chợ đen.
Các ngân phiếu Travaller check hầu hết đều được chấp nhận ở các ngân hàng và những khách sạn lớn. Giá đổi ngân phiếu cũng có nhiều sai biệt tùy ở mỗi khách sạn và ngân hàng. Tuy nhiên giá cao nhất vẫn là các ngân hàng tư và những nơi đổi tiền tư nhân. Khi đổi phải trình Passport. Tiền Ấn Độ cũng được chấp nhận rất phổ thông ở xứ này theo chiết tính Rs 1 Ấn đổi được Rs 1.60 paisa tiền Rúppi Nepal.

Thẻ tín dụng (Credit cards)
Những thẻ tín dụng lớn như: Visa, Master, Dinner Club, American Express v.v... đều được chấp nhận ở các trung tâm du lịch lớn. Tuy nhiên ở các phố nhỏ thì trả bằng Cards này hơi khó. Khi trả bằng thẻ tín dụng thông thường thì mắc hơn từ 3% đến 6% so với trả tiền mặt, nhất là khi mua vé máy bay hoặc gọi điện thoại. 
Người có thẻ tín dụng cũng có thể dùng thẻ này để mua Traveller check hoặc lấy tiền mặt ở các ngân hàng tại Kathmandu hoặc Pokhara.

Tiền Rúppi Nepal.
Nepal cũng xài đồng Rúppi như Ấn Độ, tuy nhiên đồng tiền nước này nhỏ hơn đồng tiền Ấn. (Rs 1.60 Nepal bằng Rs 1 Ấn). Tiền Rúppi Nepal gồm có các tờ giấy bạc như sau: tờ lớn nhất 1000, kế đến 500, 100, 50, 20, 10, 5, 2, 1. Những đồng bạc cắc gồm có: 2, 1, 0.50 paisa, 0.25, 0.10, 0.5 paisa. Thường thì du khách không hay dùng những đồng bạc cắc nhỏ. Những tờ bạc lớn rất khó đổi bên ngoài các thành phố lớn, nhất là những đoạn đường đi núi. Những ngoại tệ quốc tế đều có thể đổi được ở Nepal nhưng phần lớn được ưa chuộng vẫn là Mỹ kim.
Tại các cửa biên giới, khách du lịch hay lầm lẫn trong việc trả Rúppi Ấn và Rúppi Nepal. Do đó người mua cũng như người bán nên thỏa thuận nhau về loại tiền nào trước, Rúppi Ấn gọi tắt là IC, và Rúppi Nepal gọi tắt là NC. Có như vậy mới tránh những mất mát và chuyện cãi vả không đáng sau đó.

Chuyển tiền từ nước ngoài.
Bạn có thể chuyển tiền từ nước ngoài đến Nepal qua các ngân hàng Grindlays bank hoặc American Express, hoặc từ Nepal cũng qua các ngân hàng này. Tuy nhiên tiền lệ phí rất cao. Nếu bạn có những thẻ tín dụng thì việc mượn trước vẫn là điều tốt hơn so với các lệ phí khi chuyển tiền.

Đổi tiền chợ đen.
Đổi tiền chợ đen là điều thường thấy và dễ tìm ở các khu vực có đông người du khách, nhất là khu vực Thamel. Ngoại tệ người Nepal thích đổi nhất vẫn là Mỹ kim. Tuy nhiên thời gian gần đây sự khác biệt giữa giá ngân hàng (chính thức) và chợ đen không cao lắm, chỉ khoảng từ Rs 100 đến Rs 150 cho 100 US$. Nên việc đổi chợ đen cũng không mấy hấp dẫn đối với người du khách. 
Lưu ý: đổi chợ đen vẫn là một việc làm không hợp pháp và có thể bị phạt khi bị bắt gặp 
 

 
ĐẾN NEPAL  

Bằng máy bay.
Phi trường quốc tế Kathmandu Tribhuvan nằm chỉ cách khoảng 6 cây số từ khu phố chợ chính của người du khách là vùng Thamel. Nepal là một vương quốc nhỏ nên số chuyến bay nối trực tiếp với thế giới bên ngoài không được nhiều lắm, và phần nhiều phải đổi ở các phi trường Bangkok, Singapore, Hongkong.v.v...
Đi Âu châu: Lịch trình các chuyến bay đi Aâu châu qua hãng Aeroflot (đổi chuyến bay ở Moscow), hãng bay Qatar (đổi chuyến bay ở Qatar), và hãng Royal Nepal thỏa hiệp các các hãng bay khác để đến London, Frankfurt và Paris. 
Đi Ấn Độ: Hãng Royal Nepal. Indian Airline còn có các chuyến bay thường xuyên đến Ấn Độ qua các phi trường Delhi, Bombay, Varanasi, và Calcutta.
Đi Tây Tạng (Lhasa): Hãng bay China South West Airlines.
Đi Bhutan (Paro): Hãng bay Druk Air.
Đi Bangladesh (Dhaka): Hãng bay Biman Bangladesh Airlines (có những chuyến bay từ đó nối liền đến Aâu châu, Bắc Mỹ và đông nam châu á). 
Đi Pakistan (karachi): Hãng bay PIA (Pakistan International Ailines).
Đi Thái Lan (Bangkok): Hãng bay Thái và Royal Nepal. (có những chuyến bay từ đó nối liền đến Aâu châu, Bắc Mỹ và đông nam châu á). 
Đi Hongkong: Hãng bay Royal Nepal Airlines.
Đi Singapore: Hãng bay Singapore và Royal Nepal Airlines.
Đi Nhật Bản (Osaka): Hãng bay Royal Nepal Airlines.
Đi Trung Quốc (Shanghai): Hãng bay Royal Nepal Airlines.
Đi Dubai: Hãng bay Royal Nepal Airlines.

Những chuyến bay rẻ tiền. Nếu bạn có giới hạn về mặt tài chánh cùng lúc muốn đến thăm xứ này, thì hãng bay Aeroflot, hãng Bangladesh Biman và hãng Qatar có những giá vé rất rẻ từ Aâu châu. Hoặc bạn có thể đáp một chuyến bay nào đó với giá rẻ đến New Delhi và từ ấy mua vé máy bay khác đến Kathmandu. 
Ở Aâu châu thì giá vé rẻ nhất nhất vẫn là tại London Anh quốc.
Ở Hoa Kỳ giá vé hơi đắt hơn nếu bạn mua toàn bộ vé ở đó. Tuy nhiên nếu mua đến Bangkok rối mua tiếp đến Nepal giá vé sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên cần phải xem xét giá nhiều trước khi quyết định mua.
Giá vé từ Ấn Độ được sự thỏa thuận giữa hai quốc gia. Giá vé bán cho du khách ngoại quốc thường có giá gấp đôi so với dân bản xứ và người Ấn Độ. Tuy nhiên những người dưới 30 tuổi thì được bớt 25 % trên giá vé ấy.
Từ Á châu thì nơi mua vé máy bay rẻ nhất để đi các nước trên thế giới vẫn là Bangkok. Và từ đây đến Nepal qua phi trường Dhaka cũng có giá khá rẻ.

Đến Nepal từ Ấn Độ.
Có tất cả năm cửa khẩu chính nối liền giữa biên giơi Nepal và biên giới Ấn Độ. Tất cả đều nằm miền nam của vùng Terai, hoặc nối trực tiếp hoặc gần xa lộ Mahendra, trục lộ chính đông tây xuyên suốt Nepal. Tất cả các nơi này đều có xe bus đi đến hoặc có những chuyến bay nối liền. 
Bạn có thể đến biên giới và đi qua bên kia bất cứ lúc nào, vì chỉ cần đánh thức nhân viên canh phòng dậy làm giấy tờ. 
Lưu ý: Đi du lịch bằng xe bus xuyên qua tiểu bang Bihar vào lúc giữa khuya rất nguy hiểm, vì xe có thể bị các băng đảng và những toán vũ trang chận lại cướp bất cứ lúc nào.

Cửa khẩu Sunauli. Nằm hướng nam của đại lộ Siddhartha, dẫn từ đó đến Pokhara xuyên qua Butwan và Tansen. Sunauli này nằm không xa lắm từ vường Lâm Tỳ Ni (27 km), nơi đản sanh đức Phật. Nơi khu cửa khẩu này chỉ là một khu phố chợ nhỏ nên việc nghỉ đêm ở lại không được tốt đẹp lắm. Tốt nhất là nên dừng ở Bhairahawa cách đó khoảng 4 km, hoặc ở Butwan với 40 phút đi xe bus. Cả hai nơi này đều có những nhà trọ khá tốt.
Tại biên giới hoặc ở Siddharthanagar có nhiều chuyến xe đi Pokhara (8 tiếng xe), hoặc đi công viên Chitwan (4 tiếng) hay đi thẳng Kathmandu (8 tiếng xe). Phi trường gần nhất nằm ở hướng bắc Bhairahawa cũng có những chuyến bay đi Kathmandu (72 US$). Phía biên giới Ấn Độ, Gorakhpur là thành phố gần nhất với khoảng 2 giờ xe. Tuyến đường này cũng có nhiều chuyến xe đi trong ngày. Tại đây có thể đi tiếp để viếng thăm Varanasi (9 tiếng xe) và Sarnath, nơi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu. Hoặc có thể đi Kushinagar (2 tiếng xe) để viếng thăm nơi đức Phật nhập diệt.

Cửa khẩu Bigunj. Nằm cuối hướng nam của trục lộ Tribhuvan, xa lộ chính và được xây dựng đầu tiên ở Nepal. Đây là điểm biên giới thuận lợi để viếng thăm công viên quốc gia Royal Chitwan, cách khoảng 4 giờ xe bus. Đa phần các chuyến xe đi Kathmandu đều dùng con đường xa hơn xuyên qua Narayanghat và Mugling, bởi vì xa lộ này đường rất xấu. Hành trình đi Kathmandu hoặc đi Pokhara đều phải mất là 8 tiếng.
Bên kia biên giới là cửa khẩu Raxaul Bazaar thuộc Ấn Độ, có tàu lửa đường sắt hẹp dẫn đến Patna, thủ phủ của tiêu bang Bihar. Đoạn đường tàu lửa này mất 6 tiếng, tuy nhiên rất khó đặt được chỗ ngồi trên tàu. Tại Patna có phòng bán vé cho khách nước ngoài, nên vé dễ dàng mua hơn và từ đó có rất nhiều chuyến tàu đi khắp nơi trong Ấn Độ.

Cửa khẩu Kakarbhitta. Nằm thật xa về hướng đông nam của Nepal. Đoạn đường đến Kathmandu thật xa (18-20 tiếng xe), nên bạn có thể dừng lại nghỉ đêm trên đường. Cách biên giới khoảng 5 tiếng là vùng Ilam, một vùng đồi núi xinh đẹp trồng trà, hoặc có thể dừng lại ở Janakpur, một thành phố Hindu quan trọng vùng Terai. Phi trường gần biên giới nhất là ở Biratnagar (3-6 tiếng xe), có nhiều chuyến bay đến Kathmandu, Tumlingtar và Taplejung.

Về phía Ấn Độ là Siliguri, cách không xa các trạm xe bus và xe Jeep dẫn đi Darjeeling (12 tiếng xe khó nhọc). Gần đó có một phố nhỏ khác tên là New Jalpaiguri và tại đây có xe lửa để đi Calcutta (14 tiếng). Phi trường gần nhất là Bagdogra, nằm giữa Siliguri và biên giới và ở đây có nhiều chuyến bay đi Calcutta và Delhi.
Cửa khẩu Mahendranagar. Nằm về hướng tây nam của nước này, có đường nối liền với Delhi. Đoạn đường này không được tốt và rất giồng, nên bạn có thể dừng lại ở Royal Bardia National Park, khoảng 5 giờ xe từ biên giới. 

Cửa khẩu Nepalgunj. Nằm ở hướng tây nam Nepal, cách xa lộ Mahendrankhoảng vài cây số. Nơi đây cũng có phi trường với nhiều chuyến bay đến Kathmandu và một số các chuyến bay khác đến những vùng hẻo lánh hơn trong nước, kể cả Jumla. Nơi cây cách khoảng 3 giờ xe thì đến công viên Royal Bardia Park, trong khi xe us đi Kathmandu hoặc Pokhara phải mất đến 14 giờ xe. Phía nam bên kia biên giới có đường lộ và đường xe lửa nối liền Delhi cũng như Lucknow, Kanpur, Faizabad và Gorakhpur.

Du hành đến Tây Tạng.
Du khách chỉ có thể viếng thăm Tây Tạng theo diện phái đoàn từ năm người trở lên qua sự tổ chức hướng dẫn của một văn phòng du lịch nào đó. Nơi tổ chức sẽ lo tất cả mọi thủ tục giấy tờ cần thiết cho đoàn cho đến khi đi. Giá cả thì tùy theo tiêu chuẩn tổ chức khách sạn và máy bay. Đi bằng đường bộ xe bus thì rẻ hơn nhiều.
Tây Tạng nằm trên một tọa độ khá cao nên không bị ảnh hưởng nhiều vào những tháng mưa. Tuy nhiên thời gian tốt nhất để đến thăm xứ này là vào những tháng 5 hoặc 6, hay từ tháng 9 đến tháng 10. Vào những tháng mùa mưa 7, 8 thì có những đoạn đường bị đất chùi nên việc đi lại không được tốt lắm.

Một chuyến đi đoàn từ 4 ngày đến 8 ngày theo tiêu chuẩn thấp nhất dự tính chi phí khoảng 400 US$ kể cả ăn sáng và một chuyến bay. Giá tiền Visa tính riêng. Một chuyến đi đoàn theo tiêu chuẩn cao cho khoảng 14 ngày giá lên đến từ 2000 US$ đến 2200 US$. Hãng bay China SouthWest Airlines tổ chức hai chuyến bay trong tuần (thứ ba và thứ bảy) đến Lhasa. 
Lưu ý: Vé mua rồi thường không đổi được, trả lại hoặc chuyển qua tên người khác, hãng khác.

Visa có thời hạn trong thời gian chuyến đi. Tiền Visa cũng có giá tùy thuộc vào quốc tịch của mỗi nước, ví dụ như: Anh 39 US$,; Úc 15 US$; Mỹ 10 US$,; Đức 20 US$, Pháp 24 US$; Hoà Lan 22 US$; Đan Mạch miễn phí. Visa xin vào Tây Tạng phải đến tòa đại sứ Trung Quốc ở Kathmandu làm. Những visa Trung Quốc được cấp ở các nơi khác không có giá trị khi đi từ Nepal đến Tây Tạng.
Tòa đại sứ mở cửa mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu, từ 10.30 đến 11.30. Thủ tục visa thường mất khoảng 1 tuần mới hoàn tất. 
Về việc gia hạn Visa ở Tây Tạng là điều có thể được với chi phí 40 US$ cho 1 tuần gia hạn.

Các chuyến đi đoàn. Ở Kathmandu có nhiều văn phòng du lịch tổ chức đi phái đoàn sang Tây Tạng. Đứng đầu là văn phòng du lịch Tibet Travels and Tours (ĐT: 231130, F: 228986), nằm trên đường Tridevi Marg. Văn phòng này có thể được xem là đáng tin cậy với những tours thường tổ chức sang Tây Tạng. Họ có nhiều chuyến đi khác nhau kể cả 8 ngày sang Lhasa, hành hương đến núi Kailash và hồ Manasarowa. Tổ chức rẻ hơn một chút có văn phòng Green Hill Tours (ĐT: 414803, F:419237), và Ying Yang Travels nằm ở trung tâm Thamel. Tất cả các phòng này đều có những phim hình dương ảnh để chiếu cho mọi người xem và cố vấn nhiều điều trước khi chúng ta quyết định đi.
 
 

XUỐNG PHI TRƯỜNG

Thường là ngay khi bước chân ra khỏi phi trường chúng ta sẽ gặp rất nhiều người trương bản tên khách sạn để mời đón mọi người về nghỉ lại các khách sạn của họ. Phương tiện di chuyển là do các khách sạn này đài thọ. Tuy nhiên cần phải mặc cả khách sạn rất nhiều trước khi chấp nhận- xem phần khách sạn.
Thành phố và các khu vực chung quanh thủ đô Kathmandu không lớn nên đi xe độ nửa giờ đến một giờ là đã hết cả thủ đô. 
Phố xá tuy là thủ đô nhưng rất cổ xưa với những đền đài và tháp cách đây cả 1000 đến 2000 năm, và đường xá thì nhỏ hẹp và thường một chiều.
Tuy Nepal vẫn còn là một quốc gia nghèo và chậm tiến như Ấn Độ. Tuy nhiên hiện tượng ăn xin ở xứ này so với Ấn Độ có vẻ khả quan hơn nhiều, trừ một vài người lẻ tẻ ở các khu vực có đông du khách.

Thuế phi trường.
Đối với các chuyến bay nội địa, tiền thuế phải trả là Rs 50 và thường là đã tính chung với vé rồi. Các chuyến bay sang các nước láng giềng như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Sri Lanka, Maldives, tiền thuế là Rs 600. Đối với các chuyến bay quốc tế khác, tiền thuế lên cao là Rs 1000. Tất cả số tiền thuế phi trường này chỉ phải trả bằng tiền Rúppi Nepal, nên tốt nhất vẫn là để dành số khoảng tiền ấy qua một bên.

Thủ tục giấy tờ.
Khi nhập hay xuất Nepal đều cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục căn bản về giấy tờ, như điền giấy xuất nhập khẩu, visa. Giấy khai hàng cũng phải được điền để giao cho quan thuế sau khi nhận hành lý xong. Đi qua cửa khẩu các đừơng bộ cũng có cùng một thể thức như vậy.

Đồ điện.
Điện ở Nepal đều dùng 220 Volts. Ngay tại thủ đô Kathmandu điện cũng hay bị cúp nhiều lần trong ngày. Tại các làng phố nhỏ nguồn điện cung cấp càng tệ hơn nữa và dĩ nhiên bị cúp nhiều lần trong ngày là điều khó tránh. Những ngôi làng xa có khi không có cả điện, nên phần đông ai có tiền đều dùng máy phát điện.
Ồ cắm điện thường dùng loại ba chấu tròn kiểu Ấn Độ. Tuy nhiên loại hai chấu tròn thường dùng ở Âu châu vẫn có thể dùng được ở những ổ cắm này.

Giờ làm việc.
Các cơ sở chính phủ bắt đầu làm việc lúc 10.00 đến 17.00 từ chủ nhật đến thứ năm. Thứ sáu từ 10.00 đến 15.00 và thứ bảy là ngày nghỉ chính thức, đóng cửa.
Các ngân hàng thì mở cửa từ chủ nhật đến thứ năm lúc 10.00 đến 14.00. Thứ saú chỉ mở từ 10.00 đến 12.00 và thứ bảy đóng cửa.

Chụp hình.
Du lịch hay đi hành hương ở Nepal không như ở Ấn Độ vì cảnh đẹp thường thấy hơn nhiều. Do đó chụp hình là điều không thể thiếu khi đi thăm viếng xứ sở này. 
Phim ảnh đều có thể dễ dàng mua hầu hết ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên nếu có thời gian mua trước thì vẫn hơn. Việc rữa hình cũng không khó, nhất là tại thủ đô Kathmandu. Tuy nhiên cần phải đi hỏi giá nhiều nơi và trả giá trước khi rửa vì giá cả cũng có nhiều khác biệt tùy theo mỗi tiệm.

Cảnh sát.
Có rất nhiều trạm cảnh sát giao thông và trạm xét hỏi trên các đường xá, trong thủ đô và ở những vùng xa xôi. Bạn có thể bị chận và hỏi giấy tờ, passport hay giấy phép đi núi ở những vùng xa thủ đô, các vùng có nhiều người đi núi. Phần nhiều ít có người cảnh sát biết tiếng Anh thông thạo.

An toàn.
Thông thường có ít nhiều sự rủi ro và nguy hiểm là trong những chuyến đi núi và vượt suối. Những bạo động đáng tiếc của người dân địa phương nhằm tấn công, cướp giựt du khách gần như là rất hiếm có.
Trộm cắp. Khi đi du hành ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc đề phòng cẩn thận các hành lý của mình là điều vẫn hơn. Các nơi mình ở cũng có thể không được an toàn nên cần phải lưu ý. Tốt nhất là các giấy tờ tùy thân như Passport, vé máy bay, tiền bạc phải luôn luôn giữ trong mình. Các hành lý nên mua loại tốt, khó rạch và nếu có khóa khóa lại vẫn là điều tốt mỗi khi đi đâu, nhất là khi ở trong các quán trọ rẻ tiền.

Mua sắm.
Những người tây phương nói rằng: “Nepal là thiên đàng để mua sắm”. Phải và có lẽ điều này không ngoa, nhất là tôi đã có dịp đến và ở đây một thời gian gọi là khá lâu.
Đối với quý thầy và những người phật tử thì Nepal càng đáng gọi là thiên đàng mua sắm hơn, khi chỉ có xứ này bán đầy đủ các tượng Phật và tranh Phật với nét tạc và công phu thật đẹp mà giá cả lại không nơi nào trên thế giới rẻ bằng. 
Phải nói là tất cả các tượng Phật đồng thép vàng, bạc đều được làm ở Nepal và xuất cảng đi khắp nơi trên thế giới, kể cả sang Đài Loan và Hồng Kông. Thế nên quý thầy và người phật tử trước khi đến xứ này thì cũng nên mượn thêm đôi ba ngàn để dằn túi!

Trả gia.ù
Mua sắm ở Nepal, nhất là mua những Phật tượng và Thangka là cả một vấn đề vì đôi khi không biết mua hớ một vài trăm đô là chuyện thường. Còn những đồ vật khác thì người dân ở đây nói thách không bao nhiêu và nếu hớ chỉ vài trăm Rs là tối đa.
Có lẽ các mặt hàng thường được người phật tử Việt Nam ưa chuộng nhất là Phật tượng thép vàng, chạm bạc, Thangka hình Phật, thảm Tây Tạng, kinh sách Phật giáo, các đồ vật kỷ niệm nhỏ như: vật trang sức, áo quần, đồ vật chạm trổ điêu khắc.v.v...

Kinh nghiệm mua đồ nhiều năm của tôi ở Ấn Độ cho thấy rằng, dầu ta rất có ý thích muốn mua một vật nào đó cũng chớ nên mua liền mà phải hỏi giá qua là ít nhất ba tiệm khác với cùng một món hàng ấy. Ngay cả khi muốn mua và hỏi giá món hàng ấy cũng chớ hỏi liền trực tiếp món ấy mà phải loanh quanh các món hàng khác rồi mới đến món ấy, làm bộ như ta chẳng quan tâm là mấy. Khi hỏi giá cũng chớ nói giá ta muốn mua cho họ biết mà chỉ hỏi giá họ rồi bỏ đi sang tiệm khác, chờ đến khi nào tìm được giá thực thụ từ nơi những người bán rồi thì ta mới nói giá của ta. Có như vậy thì giá sẽ rất thấp, đôi khi chỉ bằng một phần ba, phần năm giá họ nói lúc ban đầu.

Phật tượng và Thangka.
Hai loại này sẽ rất được quý thầy và người phật tử chú ý đến. Ở Ấn Độ cũng có hai loại này nhưng phần lớn đều không đẹp lắm và cũng đều nhập từ Nepal.
Ở Nepal phải nói có hàng ngàn tiệm bán các Phật tượng này, đa phần làm bằng đồng có chạm vàng hoặc bạc với muôn kiêu khác nhau. Các tượng đúc này đã có nguồn gốc và truyền thống làm, điêu khắc hoặc chạm trổ từ hàng ngàn năm về trước và nghệ thuật ấy kéo dài mãi đến ngày nay.

Muốn đi thăm để biết về nghệ thuật này ư? Hãy xuống Patan, một thành phố nhỏ cách khoảng nửa giờ xe thì sẽ thấy nơi này có hàng mấy trăm ngôi nhà và tiệm bán Phật tượng này, bên trong chuyên có những người làm và khắc chạm. Tôi cũng đã có đến thăm một vài nơi và quan sát những diễn tiến trong công việc này. Một tượng Phật lớn khoảng từ 14 inches đến 18 inches từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn tất việc thép vàng và kẻ mặt, họ phải mất thời gian một tháng qua nhiều nhân công và diễn tiến công việc khác nhau. Tuy nhiên số tiền bán tượng chỉ độ khoảng từ 200 US$ đến 350 US$. Quả thật công khó mà của chẳng thâu được bao nhiêu. Tội nghiệp!
Giá cả Phật tượng căn bản:
Tượng 6 inches: Rs 2500-3000. Tượng 8 inches: Rs 3600-4000. Tượng 12 inches có chạm bạc nơi y: 230 US$ đến 250 US$. Tượng 18 inches có thép vàng dày nơi mặt và tay: 330 US$ đến 400 US$.

Thangka hình Phật đẹp giá thường vào khoảng Rs 5500 đến Rs 8000 với khổ khá lớn. Nhiều loại khổ rất lớn các chủ tiệm thường nói Rs 35,000 đến rs 45,000, nhưng mua khoảng Rs 20,000 đến 25,000 là vừa. Việc mua giá các Thangka này cần phải từ từ và dọ giá nhiều nơi. Nhất là phải trả giá cho dữ! 
Lưu ý: Bất cứ khi nào mua Phật tượng hoặc Thangka, cần phải nói chủ tiệm lo các thủ tục kiểm chứng từ một cơ quan của chính phủ. Sau khi kiểm chứng xong rằng, những vật tượng bán đây không phải là cổ vật, họ sẽ đóng dấu vào đó. Như vậy khi ra khỏi nước bạn sẽ không bị nhân viên quan thuế làm rắc rối và khó dễ.

Thảm Tây Tạng.
Thảm Tây Tạng hay thảm Nepal đều có những kiểu mẫu và chất lượng hơi na ná. Các loại thảm này đều làm bằng tay và thường có hai loại khác nhau. Loại làm bằng các sợi chất hóa họa và loại làm bằng vegetable. Giá các loại thảm này thường rất mắc ở các nước Aâu Mỹ nên người du khách đến đây thường rất ưa chuộng các loại thảm này. Nó lại cũng có một độ bền rất lâu,  thời gian dùng từ 10 đến 20 năm là thường. Giá một tấm 3 feet nhân 6 feet độ khoảng 100 US$ trở lại.

Áo quần.
Du khách có thể mua các loại áo quần ngoại nhập ở Kathmandu với giá thật thấp so với các nước khác. Một chiếc áo thật ấm tôi mua để mặc trong dịp mùa lạnh ở đây mà chỉ trả dưới 10 US$.

Tiền Típ.
Gần đây tiền típ dường như thấy khá phổ thông ở Nepal đặc biệt là ở các vùng có đông du khách. Thông thường người ta cho Rs từ 10 đến Rs 20. Một số các hóa đơn tính trong những khách sạn lớn thường là đã cộng tiền phục vụ trong đó rồi.
Lưu ý: Các tài xế taxi không trông đợi cho tiền típ, chỉ cần trả số tiền nhảy trên meter là đủ rồi. 

NGHỈ LẠI ĐÊM

Khách sạn ở Nepal so với Ấn Độ có phần rẻ hơn đôi chút, tuy nhiên vào những mùa cao điểm mà du khách đến Nepal là khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 thì tìm khách sạn cũng là một vấn đề. Các khách sạn thì cũng có vô số loại với những tiêu chuẩn và thứ hạng khác nhau. Cả ở Kathmandu và Pokhara đều có nhiều khách sạn với nhiều hạng loại tùy theo túi tiền của mỗi người.

Phần lớn các khách sạn với tiêu chuẩn cao đều có máy lạnh, máy điều hòa. Riêng các khách sạn loại trung và thấp thì  ít có, và nếu có tiếng máy chạy cũng vang lên khá ầm ì khiến ai khó ngủ chắc cũng phải ít nhiều bực mình. Máy lạnh chạy rất là hao điện nên phòng có máy lạnh thường mắc hơn từ xấp rưỡi đến hai lần.

Điều kiện phòng tắm và nhà vệ sinh.
Các khách sạn từ 4 sao trở lên, buồng tắm và nhà vệ sinh rất sạch sẽ. Trong phòng có bồn để tắm và nhà vệ sinh theo kiểu phương tây. Nước nóng có liên tục 24 giờ và đầy đủ các phục vụ khác như khăn, xà phòng, giấy vệ sinh.v.v...
Các khách sạn loại trung thì buồng tắm và nhà vệ sinh nhỏ hơn, nhiều khi không sạch lắm. Loại thấp thì thường bồn cầu được xây theo kiểu Ấn Độ, thiếu giấy vệ sinh (vì người Ấn và người Nepal thường hay dùng nước để rửa sau khi đi vệ sinh xong). Ở loại này thì tình trạng vệ sinh thấp đến mức tối thiểu. Nên nếu chấp nhận ở rẻ tiền thì phải chấp nhận những khó khăn và tình trạng vệ sinh ở mức tối thiểu kia.

Côn trùng.
Các loại côn trùng nhỏ trong các khách sạn là điều gây khó chịu nhất cho người du khách khi mướn phòng. Dù là các khách sạn tiêu chuẩn, đôi khi cũng có muỗi đến viếng như thường. Tuy nhiên vào những mùa lạnh thì tình trạng này đỡ hơn. 
Các khách sạn loại trung thì cũng có một ít các loại này nhưng với những nhà trọ rẻ tiền thì khỏi nói, người ta có thể thấy rất thường các loại bọ như: dán, thằn lằn, ruồi, muỗi, rệp, rận, nhện.v.v...
Những người chủ khách sạn đều thường có các loại thuốc xịt và nếu được sự yêu cầu, họ sẽ đến xịt thuốc và đuổi các loại ấy đi hay có thể đổi phòng khác cho ta.
Các nhà trọ ở những vùng xa xôi núi đồi đôi khi cũng có các loài côn trùng độc bò vào phòng như: rít, bò cạp. Thế nên trước khi đi đâu cần phải đóng kín tất cả các cửa sổ lại thì vẫn hơn.
Đối với muỗi nếu thường thấy lãng vãng trong phòng thì đến lúc ngủ, có thể xin một chiếc máy đuổi muỗi với một mảnh tẩm thuốc nhét vào máy. Một mảnh nhỏ (hình màu xanh) như vậy có thể đuổi muỗi đi xa và kéo dài đến 6 và 8 tiếng. 

Giặt ủi.
Phần lớn các khách sạn đều có dịch vụ giặt ủi, tuy nhiên dịch vụ này ở trong các khách sạn 5 sao thì phải nói là thật mắc (có lẽ đối với tôi). Còn đối với những khách sạn loại trung và rẻ tiền thì thường họ đưa ra ngoài những tiệm bên ngoài để giặt. Nếu bạn muốn rẻ ư? Hãy đem đồ đến thẳng các tiệm ấy và đưa họ giặt.

Tiền khách sạn.
Có rất nhiều giá khác nhau cho các tiêu chuẩn mình chọn, tùy thuộc mình muốn làm một ông Hoàng hay một gã ăn mày. Các khách sạn loại sang trọng 5 sao thì thường có giá từ 100 US$ cho đến 160 US$  một đêm. Khách sạn loại trung từ 40 US$ đến 90 US$ một đêm và các loại thấp từ 5 đến 40 US$ một đêm. Muốn thấp hơn nữa ư? Cũng có thể có những nhà trọ tối thiểu với chỉ một chiếc giường, hoặc nhà ngủ tập thể thì ta có thể kiếm được một chỗ để ngã lưng từ 1 đến 2 US$ một đêm.
Tuy nhiên dầu gì đi nữa khi đi tìm khách sạn và hỏi giá, cần phải đi dạo nhiều nơi như khi đi mua sắm. Hỏi và trả giá theo sự ước lượng của mình. Nên thỏa thuận với nhau về giá phòng đó đã hay chưa cộng thêm tiền thuế.
 

NHÀ HÀNG

  Các món ăn.
Đối với ngườiViệt Nam, phần đông không mấy ai hạp khẩu vị với các món ăn Ấn Độ hay là Nepali thì cũng vậy. Khẩu vị đặc biệt được ưa chuộng là khẩu vị các món ăn của người Hoa. Ngoài ra các món ăn thuộc khẩu vị quốc tế như: món ăn của Ý, Mỹ, Pháp, Đức cũng khá được ưa chuộng.
Ở Nepal đặc biệt về vấn đề ăn uống ở đây khá dễ dàng vì tính cách liên hệ quốc tế và chịu học hỏi của xứ này. Phần lớn các nhà hàng quốc tế đều có mặt ở Nepal với nhiều khẩu vị khác nhau. Từ nhà hàng Thái, Nhật, Đại Hàn cho đến Ý, Pháp, Đức đều có thể tìm thấy ở Kathmandu hay chung quanh vùng Thamel, nơi có đông du khách nước ngoài.
Các nhà hàng lớn và sang trọng vẫn là thường ở trong các khách sạn 5 sao, tuy nhiên giá cả cũng thật là mắc, từ 10 đến 17 US$ cho một phần ăn. Có thể hưởng cùng một bữa ăn ngon như vậy với một nhà hàng thuần túy ở ngoài, ta chỉ trả tối đa là từ 5 đến 7 US$ là cùng. Các tiệm ăn ở khu vực Thamel thì giá cả tương đối bình dân hơn, mặc dù cũng đủ hết các món Tây Tàu. Tuy nhiên giá chỉ từ 2 đến 3 US$ là ta có một bữa ăn ngon lành.

Nước uống.
Không như ở Ấn Độ, Nepal chịu cho nhập tất cả các loại Beer danh tiếng tiếng giới như: Carlsberg, Tuborg, San Miguel về nước mình. Về nước ngọt thì ở đây cũng có đầy đủ các loại nước ngọt ngoại nhập như Coca Cola, Pepsi, Seven Up, và các loại nước cam hộp được nhập từ Singapore hay Hongkong. Tuy nhiên giá khá đắt. Một số các loại nước uống thiên nhiên khác như: nước dừa, nước suối có giá thật rẻ. Lassi, một loại nước uống khá phổ thông (một loại sửa chua đặc, tựa như loại gia-ua lỏng của mình) với người dân Ấn cũng có thể thấy ở Nepal, nhưng họ làm không ngon bằng ở Ấn Độ.

Nước.
Phần lớn nước từ vòi chảy ra chưa được lọc do đó không nên uống những nước này. Tốt nhất vẫn là uống nước đã đun sôi hoặc đã được lọc qua máy. Khi đi hành hương mọi người chỉ nên uống nước suối trong chai và như vậy có sự bảo đảm nhiều hơn. Mặc dầu đôi khi cũng gặp những trường hợp nước suối giả đóng chai!
 

NGOẠN CẢNH QUANH VÙNG

Trong các chuyến đi đoàn, phương tiện di chuyển để thăm viếng quanh vùng vẫn là xe bus có máy lạnh. Thế nên việc di chuyển và viếng thăm các nơi có được sự thoải mái tối đa. Còn đi cá nhân thì việc đi đây đó buộc phải dùng các loại xe công cộng hoặc xe khách tư. Trong thành phố cũng thường có các loại xe nhỏ khác như: xe taxi, taxi xe lam, xe xích lô. Đi các loại xe này thì giá tiền rẻ hơn nhiều. 

Bằng máy bay.
Dù là một quốc gia nhỏ nhưng phương tiện di chuyển trong nước cũng rất đầy đủ với nhiều chuyến bay nội địa. Royal Nepal Airlines, hãng bay chính trong nước năm 97 đã chuyên chở gần 800,000 hành khách. Ngoài ra còn có các hãng tư nhân như: Everest Air, Lumbini Airways, Necon Air và Nepal Airways phục vụ trong các tuyến đường quan trọng. Loại máy bay “Avro” với 44 chỗ ngồi là loại máy bay lớn nhất được phục vụ bởi tất cả các hãng máy bay ở Nepal trong các tuyến nội địa. Những loại máy bay nhỏ hơn như: Dornier 228 chỉ có 18 chỗ ngồi, loại Twin Otter, 17 chỗ ngồi. Với các hãng bay tư cũng có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, và phần lớn người ta ưa chuộng vẫn là hãng bay Necon Air.
Theo luật định chung, thông thường hành khách phải có mặt một giờ trước chuyến bay. Tuy nhiên vẫn có một vài hành khách đến vào lúc máy bay sắp đóng cửa (như tôi chẳng hạn một vài lần).

Bằng trực thăng.
Trực thăng có thể được dùng bay đến nhưng nơi mà máy bay thường không thể bay đến được. Trực thăng có thể bay đến các đỉnh núi cao hoặc vực sâu để cứu người. Và người du khách cũng có thể thuê trực thăng để bay đến một vài nơi nào đó mình muốn để tham quan và ngoạn cảnh. Ở Nepal có nhiều hãng bay trực thăng tư nhân điều hành như: Asian Airlines, Dynasty Aviation, Everest Air, Himalayan helicopters và Nepal Airways. Phần lớn dùng máy bay MI-17 của Liên Sô, và một số dùng máy bay của Mỹ được làm bởi hãng Bell hay hãng Pháp Ecureil. Các chuyến bay thường đi là từ Kathmandu đến Pokhara, hãy họ tổ chức một buổi sáng bay đến núi Everest hay vài vài nơi nào đó. Các chuyến bay này có thể được đặt dễ dàng và nhanh chóng. Giá cả khoảng 1000 US$ cho mỗi người trong một giờ. Có thể liên lạc với các văn phòng du lịch để biết thêm chi tiết về việc thuê trực thăng này.

Đường bộ.
Di chuyển đường bộ trên các chuyến xe bus vẫn là phương tiện thuận lợi và rẻ nhất trong khi du lịch ở xứ này. Ở Kathmandu có trạm xe bus nối liền đến các tỉnh và thành phố quan trọng ở khắp nơi trong nước. Ngoài ra các văn phòng du lịch tư cũng có tổ chức những chuyến xe đi về các khu vực du lịch.
Các xe du lịch của chính phủ thường tổ chức đi đến ba địa điểm du lịch chính yếu là: Pokhara, Chitwan và Nagarkot. Khởi hành đi Pokhara và Chitwan bắt đầu từ 7 giờ sáng. Thông thường nếu chọn đi du lịch đến ba địa điểm trên bằng xe bus thì nên đi xe du lịch của chính phủ vẫn hơn. Điều này cũng giống như Ấn Độ với những tuyến đường đi xa. Vì xe bus chính phủ chỉ bán vé trên số ghế và đúng giờ là khởi hành. Các chuyến xe tư thì cứ nhét người và nhét cho đến khi hết chỗ cục cựa là vậy! Và dĩ nhiên trên các đoạn đường họ cứ luôn luôn dừng lại để đón khách dọc đường.
Trong những mùa cao điểm có đông du khách, tốt nhất là nên đặt vé đi trước đó vài ngày. Qua các văn phòng du lịch, du khách có thể đặt vé nhưng cần phải trả giá.
Chấp nhận đi những chuyến xe bus chính phủ hay tư như vậy là chấp nhận đi theo “bụi” rồi trong nghĩa nào đó. Các chuyến xe này thông thường bị ngồi rất chật, ghế tuy nệm nhưng cứng và đau mông khôn tả. Một số xe có hai bên ngồi là: bên hai bên hai, một số khác bên hai bên ba chỗ ngồi, và thường chỗ ngồi với lưng thẳng đứng. Khi đặt vé nên chọn các xe bus với bên hai bên hai 2X2 chỗ ngồi và chọn những chỗ phía trước vẫn là tốt hơn để tránh bị giồng. Khi đi cũng phải tiên liệu trước về việc bị cưỡng bức nghe nhạc Ấn hoặc Nepali một cách bất đắc dĩ!

Chuyến ngày và chuyến đêm.
Các chuyến xe đường dài (từ 6 tiếng đến 15 tiếng) thường khởi hành vào hai buổi, sáng sớm và tối. Đi ban ngày dĩ nhiên ta có cơ hội ngắm cảnh làng quê nhưng bù lại cũng hơi mệt vì  gặp xe nhiều và họ hay dừng đón khách. Đi ban đêm thì xe ít dừng hơn và hành khách cũng có thể chợp mắt được một ít. Tài xế cũng hay mở nhạc lúc xe chạy ban đêm, có thể cũng để cho tỉnh ngủ. Các đoạn đường trên 15 tiếng xe thường khởi hành vào buổi chiều hoặc gần khuya.

Mướn xe.
Thông thường khi mướn xe là có luôn tài xế. Tại thủ đô việc mướn xe có phần dễ dàng và ta có thể mướn bất cứ loại xe nào; từ xe Maruti của Ấn Độ cho đến các loại xe của Nhật, của Mỹ. Việc mướn các loại xe này để đi giá khá đắt, mặc dù có thể trả giá. Nếu đi vòng vòng trong thành phố, có thể dùng xe taxi hoặc hỏi bao luôn cho nguyên ngày. Trước khi đi cần phải thỏa thuận về thời gian mấy tiếng đi và các địa điểm mà mình muốn đến.
 
 

LIÊN LẠC

  Ngôn ngữ.
Nepali là ngôn ngữ chính ở xứ Nepal, tuy nhiên Hindi cũng được hiểu và dùng khá tương tự. Có tất cả 30 thổ ngữ khác nhau được dùng trong xứ này tuy nhiên Nepali vẫn là chính và Anh ngữ cũng được nhiều người biết đến, nhất là ở thủ đô Kathmandu, Pokhara và Chitwan.

Bưu điện.
Ngành bưu điện làm việc ở Nepal cũng chập chạp không kém Ấn Độ. Thư từ gởi hoặc nhận được từ Châu âu và Mỹ sớm nhất cũng phải hai tuần.
Bưu điện mở cửa từ chủ nhật đến thứ sáu, thứ bảy đóng cửa. Khi mua tem dán vào thơ và bỏ, cũng cần phải xem họ đóng dấu trước khi cất bước ra đi. Như vậy sẽ tránh trường hợp họ bóc tem ra bán và vức thư của chúng ta vào sọt rác. Ở Kathmandu du khách cũng có thể mua tem và gởi qua các văn phòng điện thoại, họ thường cũng có các dịch vụ bán tem và gởi thư.
Về việc gởi bưu phẩm, có thể đến văn phòng Foreign Post Office để gởi. Trước phải mở ra cho nhân viên bưu điện khám nghiệm, sau ấn triện, gói lại, cân ký và điền đơn và gởi. Giá gởi quốc tế dù bằng máy bay hay đường thủy đều tương đối thấp so với các nước Âu Mỹ.

Điện thoại, Fax và E-mail.
Ấn Độ có giá tiền điện thoại đã mắc, sang Nepal càng mắc gần như gấp đôi. Họ lại tính tròn phút chứ không tính giây dù chỉ mới vài giây. Mỗi phút gọi sang Mỹ hoặc Aâu châu giá tiền từ Rs 160-Rs 170. Đó là gọi ở những trạm điện thoại bên ngoài, còn gọi trong các khách sạn 5 sao thì mọi người phải nên coi chừng!
Phần lớn các trạm điện thoại cũng có dịch vụ gọi lại, và như vậy ta chỉ trả từ Rs 5 cho mỗi phút. 
Fax đi các nước khác giá cũng từ Rs 180 trở lại. Điện thư E-mail ở Nepal nay thì cũng đã rẽ so với mấy năm trước đây. Giá mỗi phút là 2 Rúppi hoặc 3 Rúppi..
 

GIẢI TRÍ  

Cine. 
Gần như tất cả các thành phố ở Nepal đều có rạp chiếp bóng. Sở thích này cũng giống sở thích của người dân Ấn vì người ta rất thích xem phim. Phim thông thường là các phim Hindi, bạo động đánh đấm nhau túi bụi, yêu đương ca hát múa vũ và nhảy. Các phim tiếng Anh rất hiếm khi được trình chiếu trên các rạp.

Tivi.
Các khách sạn lớn thường có Tivi Cable với khoảng 22 đài. Trong đó có ba đài phim là: Star movie, HBO và Cinemax. Các đài tin tức gồm có BBC và CNN. Phần còn lại là chương trình thể thao, nhạc và các đài nói tiếng Hindi.

Báo và tạp chí.
Ở Nepal có rất nhiều các loại báo chí ngoại quốc được nhập vào. So với Ấn Độ đây là một điều khá tiến bộ. Riêng tại Nepal có ba tờ báo Anh ngữ chính: The Rising Nepal, The Kathmandu Post và tờ The Everest Herald. Tất cả đều được xuất bản ở Kathmandu và có bày bán tại các tỉnh khác.

Radio.
Các đài Radio là do chính phủ điều hành. Do vì Nepal là vùng đồi núi nên đài khó phát được trọn vẹn đến các vùng xa xôi.
Các đài ngoại quốc như BBC cũng có thể bắt được. Và phần lớn các đài nơi đây đều phát tiếng Hindi hoặc Nepali.

 

NGÀY LỄ  

Ở Nepal đã có thời người ta cho rằng, mỗi một nhà là chùa và mỗi một ngày là ngày lễ. Với khoảng 50 lễ lược trong thời gian 120 ngày thì đủ thấy lễ lượt ở đây quan trọng như thế nào và tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống của người dân là ra sao. Về các thần và linh tượng, họ tin sùng hàng ngàn loại khác nhau. Tuy nhiên vẫn có hai tôn giáo chính mà người dân xứ này hướng về, đó là Ấn giáo và Phật giáo. Cả hai tín đồ của hai đạo này đều tôn thờ và theo một số nghi lễ giống nhau. Những lễ chính ở Nepal sẽ được liệt kê sau đây tùy theo từng tháng một.

Magha (tháng một và tháng hai)
Tháng Nepal bắt đầu với Magha Sankranti, một ngày quan trọng về các nghi thức tẩy tịnh, xóa sạch đi những điều không hay trước đó. Đây là ngày quan trọng ở Devghat, miền bắc của Narayanghat.

Basant Panchami là ngày lễ mùa xuân, cũng là ngày lễ của thiên nữ Saraswati. Ngày này được khai mạc trước nhà vua ở Hanuman Dhoka, và lễ sinh nhật của thiên nữ Saraswati được tổ chức tại đại tháp Swayambhunath bởi những học sinh, học trò và những người thợ dệt.
Đền Pashupatinath hoặc làng Sankhu thường là nơi tổ chức các buổi lễ Maha Snan, một buổi lễ tẩy tịnh dâng lên thần Shiva, lúc đó các chất mật thơm, sửa, gia-ua, bơ được dùng trong các lễ này.

Falgun (tháng hai và ba)
Một trong những buổi lễ lớn và đẹp nhất trong năm là Losar, còn gọi là tết Tây Tạng. Lúc ấy những người Tây Tạng và Sherpa mở tiệc ăn mừng, thưởng thức các điệu nhảy múa truyền thống là Lama dance. Các tháp Bodhanath và Swayambhunath cũng được trang hoàng lộng lẫy lại vào những ngày này.

Shivaratri, ngày đản sinh của thần Shiva, vị thần hủy diệt trong Ấn giáo, và đây là ngày lễ lớn nhất của người Ấn giáo trong năm. Hàng ngàn người, kể cả các đạo sĩ đều đổ về Pashupatinath để tổ chức và ăn mừng buổi lễ. Những đạo sĩ lõa thể ở khắp nơi, kể cả ở Ấn Độ cũng cùng nhau đi làm các lễ trong những ngày này.
Holi là ngày lễ màu ồn náo nhất ở Nepal kể cả Ấn Độ. Vào ngày này người ta thi nhau trét bột màu lên mặt, lên áo lẫn nhau. Một ngày mà mọi người mặc áo cũ và ném màu vào nhau để vui chơi. Cẩn thận vào ngày lễ này và chớ có ra đường!

Chaitra (tháng ba và tháng tư)
Ngày lễ ngựa Ghorajatra được tổ chức ở Tundhikhel tại Kathmandu với những hình ảnh cỡi người và thể thao. Trong cùng buổi tối ấy là lễ Pasa Chare, một buổi lễ của con người quyết tâm chống lại các loài quỷ. Lễ này được tổ chức bằng một buổi diễu hành giữa khuya.

Hai buổi lễ khác được tổ chức cùng lúc vào thời gian khoảng cuối tháng ba. Nghi thức hành lễ và cúng dường đến thiên nữ Durga vào giữa trưa ở Chaitra Dasain. Đúng 6 tháng sau cũng là ngày lễ ấy vào tháng chín, tháng mười.
Lễ Seto Machhendranath hay là Rath có buổi thỉnh ngài Quán âm và lễ được diễu hành từ ngôi chùa thờ ngài ở Asan.

Vào tháng tư, ngôi chùa Junbesi ở Solu tổ chức một lễ lớn trừ Tà. Đây là một buổi lễ lớn của người Sherpa.
Vào ngày rằng trăng tròn, lễ Chaitra Purnima, lễ cúng hoàng hậu Maya được tổ chức linh đình bởi hàng ngàn người hành hương đến Lâm Tỳ Ni.
Một trong những lễ lớn ở Janakpur là Ram Nawami, ngày sinh thần Ram cũng được chức trong tháng tư.

Baisakh (tháng tư và tháng năm)
Baisakh là bắt đầu tết của người Nepal, được tổ chức bằng một tuần dài Bisket Jatra tổ chức ở Bhaktapur.
Hung thần Bhairav và người phối ngẫu Bhadrakali được kéo trên một cỗ xe lớn xuyên qua các đường phố, có nhiều phướng và lọng che bên trên.
Miền tây Bhaktapur tại Thimi, lễ Bal Kumari Jatra được tổ chức vào ban đêm với buổi diễu hành và các ánh đèn pin. Những tín tồ đều tô mặt với nhiều màu son khác nhau.

Lễ Matatirtha Snan, ngày lễ mẹ của người Nepal được tổ chức gần Thankot cho những người mất mẹ trong năm. Những người mẹ còn sống cũng được tán dương và ca tụng.
Ngày Phật đản sinh, Buddha Jayanti được tổ chức với những chuyến hành hương đến những di tích của đức Phật. Hai nơi mà khách hành hương đến đông nhất là Bodhnath và Swayambhunath. Hai nơi này vào ngày ấy cũng được trang hoàng rất rực rỡ.

Jesh (tháng năm và tháng sáu)

Lễ Sithinakha đánh dấu ngày đản sinh của Kumar, vị chiến sĩ con trai xinh đẹp của thần Shiva. Lễ này được tổ chức ở Jaisedewal, hướng nam của Kathmandu quãng trường Durbar.

Lễ Ganga Deshara thu hút hàng ngàn tín đồ Ấn giáo đến công viên quốc gia thiêng liêng Khaptad ở hướng tây Nepal.

Asadh (tháng sáu và tháng bảy)
Tulsi Bijropan là một trong những lễ quan trọng Ekadasis, ngày thứ mười một của mỗi hai tuần trăng. Ngày ấy không được sát sanh một con vật nào.

Srawan (tháng bảy và tháng tám)
Bhoto Jatra là một ngày lễ lớn nhất trong năm ở Patan, mặc dù ngày lễ chính xác tùy thuộc vào các chiêm tinh gia. Vào ngày lễ này, các loại châu bảo quý được làm lễ và trưng bày trước các gia đình hoàng tộc. Đây là đại lễ của Rato Machhendranath, vị hộ thần của thung lũng Patan, hiện thân nơi vùng này hàng tháng trời để giúp đỡ dân làng và làm mưa cho vùng.

Krishna Jajanti là ngày đản sinh của thần Krishna được tổ chức linh đình tại các chùa, đền thờ Krishna. Những người đàn bà mang các ngọn u đến đền thờ cúng dường, cầu nguyện và hát suốt đêm ở đền Krishna Mandir tại Patan.
Lễ Raksha Bandhan hay Janai Purnima nhằm ngày trăng tròn. Ngày ấy những người con trai Bà la môn nối lại các sợi linh chỉ qua vai và cổ tay. Đi đến chùa Kumbeshwar ở Patan. Tại hồ thiêng Gosainkun ở Helambu, hàng ngàn tín đồ xuống tắm nơi hồ này và cúng dường cầu nguyện, tổ chức các tiệc ăn mừng và nhảy múa.
Lễ Naga Panchami, là lễ tôn thờ thần rắn đã từng giúp dân coi ngó mùa màng, động đất và trông giữ các bảo vật. Lễ này được tổ chức ở pashupatinath và ngày ấy các hình rắn được treo trong tất cả nhà.

Cuối mùa hè là buổi lễ hội quan trọng Yartung, được tổ chức bởi những người miền núi với những trò cỡi ngựa tại Muktinath trong vùng Annapurna.

Bhadra (tháng tám và tháng chín)
Các buổi diễu hành của những đứa trẻ mặc y phục thần thánh đi khắp Kathmandu sẽ là ngày lễ Gaijatra. Buổi tối lễ hội sau đó là lúc người ta vui đùa trào phúng với nhau qua các màn y phục tuyệt vời.
Lễ hội đặc biệt nhất trong các lễ hội ở thung lũng Kathmandu này là 8 ngày Indrajatra. Có thể thấy rõ nhất là ở Hanuman Dhoka. Vị thần Ấn giáo Indra được rước với những cuộc diễu hành và điệu nhảy. Cúng kính lễ về hướng Thần nữ sống Kumari, và vị này đi theo buổi diễu hành với trang sức xinh đẹp. Thần Bhairav cũng được vinh danh trong buổi lễ này, nhưng chỉ được biết qua các mặt nạ lớn với nước bia chảy ra từ miệng.
Gokarna Aunshi hoặc ngày cha được tổ chức với nghi thức tắm lễ tại chùa Mahadev ở Gokarna, lễ này cho những người có cha vừa mất năm vừa qua.
Lễ Teej là lễ hội nhiều màu sắc sặc sỡ  nhất của người phụ nữ, được tổ chức bằng ba ngày nhảy múa, ca hát và tắm ở Pashupatinath bởi những phụ nữ với những bộ Sari và trang sức đẹp nhất.

Ashwin (tháng chín và tháng mười)
Lễ Dasain còn gọi là Durga Puja kéo dài đến 10 ngày, là lễ quan trọng nhất trong truyền thống Ấn giáo suốt cả năm và làm rình rang ở toàn cõi Nepal và Ấn Độ. Vào thời gian này các gia đình tụ họp lại để cúng thờ thần nữ Durga. Người ta cúng dường và tế lễ các loài thú vật lên thần nữ này suốt cả tuần lễ.

Lễ Tihar hay còn gọi là Diwali, nghĩa là lễ hội ánh sáng. Đây là một ngày lễ vui nhất và những người trong gia đình vào ngày này tụ tập về với nhau với các quà tặng, tiệc tùng và cúng giỗ. Những em trai đi các nơi để nhận tiền lì xì từ các bà chị. Vào ngày thứ năm, lễ thần tài phát đạt Lakshmi được mời đến nhà bởi những ngọn đèn dầu trên các cửa sổ và cổng chính. (lễ này của người Ấn giáo cũng tựa như ngày tết của mình vậy. LSG).

Mỗi năm lễ múa kịch Mani Rimdu được tổ chức ở tu viện Thyangboche tại Khumbu. Những vị tăng sĩ đóng lại theo truyền tích Sherpa, giả trang những vị hộ thần mang những mặt nạ nhiều màu sắc. Lễ hội Mani Rimdu còn được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng này ở tu viện Solu Chiwong.

Marga (tháng mười một và mười hai)
Lễ Yomari Purnima được tổ chức bởi người Newar với một hội chợ ở Panauti trong tháng mười hai. Một chiếc bánh đặc biệt làm bằng bột gạo được các gia đình làm dâng cúng thần để cầu thần gia hộ che chở.

Poush (tháng mười hai và tháng một)
Ngày sinh nhật của nhà vua được tổ chức vào ngày 28 tháng 12, là một ngày lễ công cộng 

---o0o---

| Thư Mục Tác Giả |


Cập nhật ngày : 01-01-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Thánh Tích PG

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com