Tìm hiểu
đại cương toát yếu
Thắng Pháp
Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasangaha)
GIỚI
THIỆU
Tất cả
giáo điển của Như Lai chỉ có một tâm điểm là làm cho chúng sinh giác ngộ,
chứng đạo đạt đến giải thoát vượt qua sinh tử. Và trong muôn vạn lời dạy
của Ngài hiển minh cao thấp sâu cạn tùy vào nhận thức căn tánh của mỗi
chúng sinh. Điều đó nói lên giáo lý Như Lai là chân lý khế hợp trong mọi
hoàn cảnh không gian thời gian mà đối tượng là con người, con người của
tất cả mọi thời đại từ vô thủy đến nay.
Trên
nguyên lý như vậy, Kinh Phật là lời dạy của Thế Tôn đã được chư Thánh
chúng đệ tử kết tập, rồi lý giải làm sáng tỏ nền giáo điển Như Lai huy
hoàng siêu việt hơn. Việc làm này đã tạo thành những tạng luận vi diệu
giải bày thắng nghĩa giải thoát; những vị luận sư nổi tiếng có công như
vậy, điển hình như Ngài Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước...
Nơi đây
chúng ta chỉ sơ lược đại ý nội dung của tạng thư A Tỳ Đàm của Ngài A Nậu
Lâu Đà (Annuruddha) biên soạn, là vị Tỷ Khưu người Ấn sống thế kỷ VIII
Tây lịch. Tập này toát yếu tóm lược giảng dạy cho các vị Tăng sinh theo
Phật Giáo Nam Phương học tập, trước khi đọc vào 7 bộ luận thư cơ bản như:
1) Pháp Tụ Luận (Dhamma Sanghani), 2) Phân Biệt Luận (Vibhanga), 3) Giới
thuyết Luận (Dhatu Katha), 4) Nhân Thi Thiết Luận (Pudgala Pannati), 5)
Song Đối Luận (Yamaka), 6) Pháp Trí Luận (Patthana), 7) Thuyết sự Luận (Kathavasthu).
Các
Luận thư (Abhidharma) như vậy có thuyết kể rằng chính do Thế Tôn thuyết
giảng cho thân mẫu của Ngài tại cung trời Đao Lợi là từng trời thứ 33
(Heaven of the Thirty- Three). Lại cũng được cho rằng luận này được chư
vị Luận sư uyên bác biên soạn; tất nhiên việc biên soạn này phải căn cứ
theo lời dạy của Thế Tôn, và nhất là phải phát huệ chứng pháp mới biên
soạn được, chứ không thể dùng kiến thức phân biệt thế gian (knowledge)
mà hình thành được bộ Luận Vi Diệu này.
Tuy
nhiên thế nào đi nữa Abhidharma vẫn là giáo điển giải thoát là điều mà
Thế Tôn gọi là phương tiện như chiếc thuyền đưa chúng sanh qua bờ giải
thoát.
ĐỊNH
NGHĨA:
Tiếng phạn
gọi là Abhidhamma, tiếng Pali là Abhidharma. Từ nơi danh từ này tách ra
hai chữ: Abhi là thù thắng, vi diệu, sâu thẩm... và Dhamma là pháp. Pháp
bao gồm muôn sự muôn vật, nhưng ở đây riêng nghĩa là lời dạy của Như
Lai.
Trung Hoa
dịch ra nhiều từ như: Thắng pháp, Vô tỷ pháp, Đại pháp, Đối pháp...
nhưng tất cả cũng chỉ nói lên đây là pháp vi diệu không thể tìm thấy
pháp nào cao hơn hay so sánh bằng; và mục tiêu duy nhất của pháp này là
giúp hành giả đạt được trí tuệ tối thượng.
NỘI DUNG
CỦA VI DIỆU PHÁP
Vi Diệu
Pháp xuất hiện là do có đối tượng người và vật, hay nói đúng hơn là do
chánh báo và y báo của một chúng sanh mang hình ảnh một con người có
tánh giác cao. Hay đúng hơn nữa chính sự nhận định sai lầm của con người
về tâm và cảnh nên Vi Diệu Pháp ra đời, và sự ra đời để đưa con người
nhận chân ra sự thật của thế giới nội tâm và ngoại giới. Và thế giới nội
tâm và ngoại giới cũng phát xuất từ trong tâm của chúng sanh.
Ở đây
Vi Diệu Pháp đã làm một việc phân tích mở bày sự thật về con người, về
đối tượng vạn pháp mà con người kinh nghiệm trải qua. Sự trình bày được
cụ thể hóa bằng hình ảnh nhân quả nghiệp báo qua hành nghiệp và cảnh
giới chúng sanh đang thọ nhận, chứ không phải là những giải bày bằng
ngôn ngữ trừu tượng mơ hồ. Thí dụ do những tâm sở bất thiện nên sanh vào
cảnh giới dục ái, thuần theo hành nghiệp ái dục từ quá khứ mà ra, và
cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh tuyệt đối cũng do từ tâm sở luôn hành
thiện cho đến đạt được tuyệt đối gọi là siêu thế tâm (supra-mundane
consciousness). Cho nên cũng có thể gọi đây là một môn triết lý hiện
tượng học (phenomenology) về tâm và cảnh của chúng sanh; vì đây giải
thích và đưa ra những kinh nghiệm những hành quả xảy ra trước và sau con
người.
Để tìm
hiểu và đi vào phân giải tiến trình pháp học này. Vi Diệu Pháp đã phân
định Tâm con người phát động theo bốn thực tại như sau:
- TÂM
(Consciousness)
- TÂM SỞ
(TÂM PHỤ TÙY) (Cetasika – Mental State)
- SẮC PHÁP
(Matter)
- NIẾT BÀN
(Nibbana)
Bốn
thực tại này là chân lý, chân đế sự thật làm sáng tỏ nguyên nhân của một
chúng sanh hiện hữu, qua hai phần tinh thần và vật chất mà thuật ngữ tâm
lý học nhà Phật gọi là danh, sắc. Danh là tinh thần (thọ, tưởng, hành,
thức), sắc là thể chất cơ bản thân thể con người (đất, nước, gió, lửa).
Chính đây là nguyên lý cơ bản sinh khởi vấn đề của một dòng sống khổ đau
hay hạnh phúc. Và như vậy nếu hiểu rõ nền tảng sinh khởi qua bốn thực
tại này thì cái gọi là một dòng sống sẽ đạt đến một sự tự tại vượt lên,
đó là thực tại thứ tư, là Niết Bàn chấm dứt sự sinh tử luân hồi. Ngược
lại nếu không hiểu, tất nhiên và tuyệt đối tất cả mọi diễn trình hoạt
động của thế gian từ tâm đến thân sẽ không ra khỏi luân hồi, và như vậy
phải chịu theo cái gì là khôå cái gì là hạnh phúc thật tạm bợ của thế
gian. Cho nên bốn sự thật này mà tạng thư gọi là tối hậu không giống và
không theo quy ước đặt định của thế gian tương đối. Như thế không hiểu
Vi Diệu Pháp tức bốn thực tại chân đế này, con người chúng ta trở thành
mê mờ bám víu nô lệ vào tất cả những giả tạm đang hiện ảnh chung quanh
đời sống, và điều đó tạo nên cuộc luân hồi chẳng bao giờ dứt đoạn.
NHẬN ĐỊNH
BỐN THỰC TẠI CHÂN ĐẾ
I. TÂM
(Citta)
Consciousness
Nói về tâm
là nói về sự nhận thức tích lũy từ việc tiếp xúc đối tượng, từ đó sanh
khởi thành nghiệp, kết quả. Trong nghiệp và quả như vậy có thiện, ác, và
không thiện, không ác sanh khởi.
Tuy nhiên
hiểu đúng nghĩa tâm sanh khởi, phải hội đủ 4 nhân sau đây mới có thể đủ
nghĩa gọi là tâm: 1. Nghiệp từ quá khứ, 2. Sở hữu tâm, 3. Cảnh, 4. Vật
1-
Vì do những việc làm những hành động từ quá khứ, cho nên đời nay
mới có phản ứng mới tiếp tục hành động khiến phải tạo ra tâm thiện, tâm
ác.
2-
Không thể đơn độc chỉ có một tâm mà nhận thức được, nghĩa là phải
có những phụ thuộc tâm như hồi tưởng, tầm cầu... vì trong nhận thức hiểu
biết một cái gì phải có những sự liên hệ của tâm nhận xét, hồi tưởng,
mong muốn, ghét, ưa v.v...
3-
Không thể nhận thức, hiểu biết, tìm cầu, hồi tưởng, ghét ưa được
nếu không có gì cả, như vậy thì vô lý vô nghĩa, thế thì bắt buộc phải có
cảnh để làm đối tượng thì tâm mới phát khởi.
4-
Nhưng tâm phải có chỗ nương nhờ gá mượn mới có thể nhận thức thể
hiện hành động cụ thể, vậy cả con người chúng ta là nơi nương nhờ đây,
và sự nhận thức là do nương vào hệ thần kinh bộ não (tâm thức), cũng như
sự thâý, sự nghe gọi là nhãn thức, nhĩ thức vậy.
Tạm hiểu
nguyên lý căn bản sanh tâm như thế, vậy ta hiểu con người chỉ là một
chuỗi nhân duyên vì ngay tâm là chính nhân sự sống của con người cũng
còn lệ thuộc vào điều kiện nhân duyên, thì còn có gì để gọi là thân thể
này, con người này là thật là ngã.
Theo Thắng Pháp Tập Yếu, tất cả các tâm đều thuộc vào bốn cảnh Dục giới,
Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế. Và ở đây tâm chính gọi là tâm vương
được liệt kê phân định như sau:
- Tâm bất
thiện ( Immoral Consciousness )
- Tâm vô
nhân (Moral Resultant Consciousness without Roots)
- Tâm tịnh
quang (“Beautiful” Mental States )
- Sắc giới
tâm (Consciousness pertaining to the Form – Sphere)
- Vô sắc
giới tâm (Consciousness pertaining to the Formless Sphere)
- Siêu
thế tâm (Supramundane consciousness)
Tâm bất
thiện (Akusalacitta) thuộc dục giới, được chia làm 14 tâm: si, vô tàm,
vô quí, trạo cử, tham, tà kiến, kiêu mạn, sân, tật đố, bỏn xẻn, hối quá,
hôn trầm, thùy miên và nghi.
Tâm vô
nhân (Ahetukacitta) được hiểu là hành động không đặt vào tâm hiện tại
không có tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si, như thế không ai xúi bảo
cũng không một động cơ nào. Tâm này phát sinh từ do nhân quả trong quá
khứ. Tâm bất thiện vô nhân có bảy tâm. Tâm thiện vô nhân có tám và ba
tâm hành vô nhân. Tất cả Tâm vô nhân có mười tám. Riêng tâm hành các vị
La Hán đều có tâm này, còn gọi là Duy Tác, có nghĩa hành động mà không
tạo nghiệp.
Tịnh
quang tâm (Sobhanacitta): là tâm hướng đến việc làm thiện tạo thành công
đức quả báo thiện và giải thoát trong tương lai. Có tất cả là 59 tâm nếu
tính giản lược như sau: Dục giới có 24, Sắc có 15, Vô Sắc có 8 và 8 tâm
thuộc Siêu thế giới.
Sắc giới
tâm (rùpàvacaracitta): đây là cảnh giới thiền mà người tu thiền đạt
được. Có 2 loại thiền: Chỉ (Samatha và Quán (Vipassanà). Chỉ là dừng tâm
vọng động sống trong tịch tỉnh, Quán là quán chiếu sự giả tạm vô thường
của sự vật. Vào được cảnh giới này nghĩa là vào được năm tâm cảnh: Sơ
thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Ngũ thiền. Trong trạng thái tâm
từ sơ thiền đến ngũ thiền sự an trú hỷ lạc thay đổi khác nhau - mức độ
lên cao chừng nào thì lạc thọ vi tế chừng ấy. Tuy vậy ở đây vẫn gọi còn
hình sắc dù hình sắc vi tế.
Vô sắc
giới tâm (Arùpàvacaracitta): cảnh giới tâm ở đây cao hơn sắc giới, và
đương nhiên sự hỷ lạc an trụ lại càng vi tế. Nơi đây không có sắc, chỉ
an trụ bằng tư tưởng. Hành giả đạt được cảnh giới này đó là nhờ tiếp tục
thiền định từ cảnh giới sắc lên. Tuần tự chú tâm thiền định đạt được bốn
tâm trong cảnh giới Không vô biên xứ thiện tâm, Thức vô biên xứ thiện
tâm, Vô sở hữu xứ thiện tâm và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm. Ý
nghĩa của bốn vô sắc giới tâm là đạt được từ quán tưởng sự yên tịnh
thênh thang của hư không, cho đến sự nhận định qua thức suy tưởng không
ngằn mé rồi đến không còn vật gì cả và cuối cùng là chẳng xác định được
có tưởng hay không tưởng
Siêu thế
tâm (Lokuttaracitta): là tâm đạt tới Thánh cảnh không còn phải thối tâm
và không trở lại sinh tử như những tâm thiện vừa kể trên. Như vậy có
nghĩa cảnh giới tâm thiện cao nhất như ở Vô Sắc Giới là Phi tưởng phi
phi tưởng xứ vẫn còn phải bị sinh tử khi thọ báo cảnh giới đã mãn. Điều
này nói lên hữu tình ở các cảnh giới sắc giới hay vô sắc giới vẫn còn vô
minh tức chưa liễu sinh tử Niết Bàn. Thế thì tâm siêu thế ở đây cũng
được gọi là tâm Niết Bàn. Tất nhiên còn có nhiều mức độ Niết Bàn trước
khi đạt được Đại Niết Bàn của chư Phật.
Cũng nên
hiểu thêm qua về Quả siêu thế tâm. Có bốn quả như sau: Dự lưu đạo tâm,
Nhứt lai đạo tâm, Bất lai đạo tâm và A La Hán đạo tâm. Hành giả tu chứng
được cảnh giới này là do thắng được phiền não tham, sân, si và quán
tưởng thành tựu về các pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Vị ấy sẽ tuần
tự nhập vào dòng Thánh và quả đầu tiên là quả Thánh Tu Đà Hoàn hay còn
gọi là Dự Lưu; vị này chỉ còn sanh lại bảy đời để trở thành A La Hán.
Quả Thánh thứ hai gọi là Tư Đà Hàm chỉ còn một lần sanh lại đời để trở
thành A La Hán. Quả thứ ba A Na Hàm gọi là bất lai nghĩa là không còn
sanh lại nữa, hoặc sẽ đắc quả A La Hán ngay đời này hoặc sanh lên cõi
trời thanh tịnh để đắc quả A La Hán.
Đó là tóm
lược diệu dụng của Tâm vương là nguyên nhân chính, nhưng kết quả tâm
vương đạt được được cảnh Thánh hay bị rơi vào cảnh khổ lại còn do từ
những tâm sở tức là tâm phụ mà ra.
II. TÂM SỞ
(TÂM PHỤ TÙY) (Cetasika – Mental State)
Còn gọi
tâm phụ tùy. Những tâm này là yếu tố khởi lên và diệt đi cùng lúc với
tâm khi tâm tiếp xúc với đối tượng.
Tâm sở
được chia ra ra theo bốn nhóm: Biến hành tâm sở, Biệt cảnh tâm sở biệt,
Bất thiện tâm sở và Tịnh quang tâm sở.
- Biến
hành tâm sở: là những tâm hiện khởi bất cứ lúc nào và với tất cả tâm;
gồm có: xúc, thọ, tưởng , tư, nhứt tâm, mạng căn, tác ý.
- Biệt
cảnh tâm sở: hiện khởi lên tất cả loại tâm, nhưng không phải hết thảy
tâm; gồm có: tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, hỷ, dục
- Bất
thiện tâm sở: si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham, tà kiến, mạn, sân, tật,
xan, hối, hôn trầm, thụy miên, nghi.
- Tịnh
quang tâm sở (tâm thiện): tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, trung
tánh, tâm sở thư thái, tâm thư thái, tâm sở khinh an, tâm khinh an, tâm
sở nhu nhuyển, tâm nhu nhuyển, tâm sở thích ứng, tâm thích ứng, tâm tâm
sở tinh luyện, tâm tinh luyện, tâm sở chánh trực, tâm chánh trực. (19)
Cùng với 6
tâm có tính tiết chế (virati): Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (tiết
chế tâm sở) Bi, hỷ (vô lượng tâm sở) cộng với 19 vậy Tịnh quang tâm sở
có tất cả là 25 tâm.
Như vậy
trong tâm sở đều có tâm thiện và bất thiện. Do đó học hiểu tâm sở để
nhận ra khi chúng phát khởi trong tâm; và khi nhận ra như vậy ta vừa kềm
chế được, vừa thấy rõ tính chất vô ngã của thân và tâm; để hiểu rằng
không có cái gì gọi là độc tôn độc ngã mà chỉ là những tràng tâm sở khởi
lên rồi biến, rồi khởi...
Tóm lược
có 52 loại tâm sở như vậy; và lại thấy tất nhiên phải có đối tượng để
tâm sở khởi tác tạo nghiệp thiện và bất thiện, đó là phần sắc pháp tiếp
theo.
III. SẮC PHÁP
(Rùpa)- Matter : thực tại tối hậu thứ 3.
Theo Thắng
pháp (Abhidhamma) có 4 nguyên nhân sanh khởi các sắc pháp, đó là:
Nghiệp, tâm, thời tiết và thực phẩm (đồ ăn). Sắc pháp tạo thành từ tâm
khởi tác nơi Dục giới, Sắc giới và sanh khởi trên tự thân người. Theo đó
trong từ sát na tạo dẫn, nối tiếp tâm không dừng (kiết sanh tâm).
Càng lên
cảnh giới cao sắc pháp càng vi tế; như cõi Dục giới có 28 sắc pháp, Sắc
giới còn 23 và Vô sắc giới thì không có sắc pháp nữa, bấy giờ chỉ còn là
tâm vi tế.
Nơi đây
chỉ đưa ra 18 sắc pháp được phân loại theo tự tánh và tự tướng ở cõi dục
như:
4 - Đất,
nước, gió, lửa
Các
loại phụ còn lại được phân định như sau:
5 - Giác
quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
4 - Hình
thái đối tượng: Sắc, thanh, hương, vị. Riêng xúc được cho rằng chỉ là từ
3 nguyên tố đất, gió, lửa tiếp xúc nhau.
- Bản tánh
sắc nam (giống đực)
- Ban tánh
sắc nữ (giống cái)
- Tâm căn
(ý thức căn bản)
- Mạng căn
(năng lực sự sống)
- Dưỡng
chất (chất dinh dưỡng nuôi sống)
Vậy thì
hiểu được sắc pháp và tâm pháp một hành giả dựa theo thực hành tu niệm
sẽ đạt được cảnh giới tối thượng đó là Niết Bàn.
IV. NIẾT BÀN:
Thực tại tối hậu tuyệt đối thứ 4
Có lẽ định
nghĩa đúng nhất là không có định nghĩa nào có thể định nghĩa được. Vì
sao? Vì đó là kinh nghiệm thực chứng, chứ không phải là lý thuyết khái
niệm ngôn từ biện minh. Hơn nữa thế giới chúng ta đang sống là thế giới
dục, thế giới vô thường, khổ, không, vô ngã – thế giới còn đầy tâm sở
thiện, bất thiện, lẫy lừng từng giây phút, vậy làm sao nói được biết
được một thế giới lìa hết thảy tâm sở, kể cả lìa hết những khởi động của
tâm.
Tuy nhiên
dù sự thật như vậy, chúng ta vẫn có thể hiểu được; chỉ hiểu được chứ
chưa thể kinh nghiệm được. Đương nhiên hiểu được là vì căn cứ sự giải
bày phân giải bốn thực tại mà Luận tạng Thắng Pháp đã vạch ra.
Thế thì ta
có thể hiểu Niết Bàn là không còn nữa những tâm sở những duyên trần
trong 3 cảnh Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Và nói như thế, ta hiểu
có hai loại Niết Bàn, một là còn thân (sắc pháp) tại thế, và hai là rốt
ráo vô ngại. Các đệ tử Phật chứng Thánh quả A La Hán tại thế đã được
Niết Bàn thứ nhất này, và khi thân mất đi sẽ hưởng Niết Bàn rốt ráo.
Vậy ngay
đây ta hiểu chỉ đạt được Niết Bàn là bao giờ 3 thực tại là Tâm, Tâm sở,
Sắc pháp không còn vướng bận với hành giả, và như thế thực tại tối hậu
cuối cũng là Niết Bàn cũng không còn bàn đến nữa.
Như vậy
xét ra tất cả chỉ là do ta, và cái ta chỉ là một chuổi nhân duyên, hoặc
ra khỏi luân hồi hoặc dính mắc theo mắc xích mà tự tâm mình dính mắc;
lại việc giải quyết đó là nhìn sâu vào ba thực tại như Tâm, Tâm sở, Sắc
pháp để đạt được thực tại thứ tư là Niết Bàn. Như vậy cái gì còn lệ
thuộc còn điều kiện cái đó không thể gọi Niết Bàn được, điều này Thắng
Pháp đã nói đến lý nhân duyên.
Nhân duyên
Đó là tiến
trình duyên khởi trong thế giới hữu vi, “cái này có nên cái kia có” và
tất nhiên điều kiện hiện hữu sắc pháp tự phát nơi thân và tâm con người,
sẽ không thể ra khỏi vòng nhân duyên đau khổ của một chúng sanh chưa
giải thoát. Điều này là một chuỗi sanh khởi bắt đầu từ vô minh. Từ Vô
Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-sắc. Danh sắc duyên
Lục Nhập. Lục nhập duyên xúc. Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Aùi, Aùi duyên
Thủ. Thủ duyên Hữu. Hữu duyên Sanh. Sanh duyên lão tử sầu bi khổ ưu não.
Như vậy
khi hiểu các duyên dính mắc đó khởi đầu từ vô minh, thì ta cũng tự biết
điều kiện và nguyên nhân nào phải xảy ra như vậy, đó là cách để hiểu và
học Thắng Pháp.
KẾT LUẬN
Sơ lược
phần nào nội dung Thắng Pháp Tập Yếu Luận, ta thấy hoàn toàn cái gọi con
người chỉ là những yếu tố tập hợp, những duyên khởi của hai phần sắc
pháp và tâm pháp làm nên, chứ không phải đơn thuần gọi rằng chỉ có Ta
chỉ có Ngã là độc tôn là quyết định. Và như thế từ đó dẫn đến hiểu biết
nhận thức sai lầm là có một linh hồn bất sanh bất diệt, như người chết
đi thì đầu thai người, thú đầu thai thú.
Với sự
phân tích giải thích từng tâm phụ tùy (tâm sở), thiện, bất thiện, hữu
nhân, vô nhân, tâm siêu thế, và những cảnh giới sắc pháp tương hợp với
nhận thức của từng tâm niệm để rồi cho thấy nhân nghiệp quả báo của con
người là những điều thực tế cụ thể khởi động phát xuất từ tâm - Để rồi
giúp ta không còn thắc mắc nghi ngờ những cảnh tượng, những phiền não
khôå lụy thế giới chúng ta đang sống.
Tóm lại
diễn biến của tâm còn phức tạp hơn những gì Luận Thư giải thích; nhưng
tất cả điều giải thích là để làm sao cho con người biết con người, chính
là sự hiện hữu từ một điểm chính là TÂM khởi động tự làm cho mình sáng
suốt hay vô minh. Và đương nhiên thành phần làm ra con người còn có
những nhân duyên mà tâm chiêu cảm ra để đủ gọi làm con người đau khổ,
vui sướng. Cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng vạn pháp duy tâm tạo.
Tạm kết
nơi đây để suy niệm tư duy việc hiện hữu của từng cá nhân chúng ta và để
thực hiện những gì cần làm, để ít ra thế giới gần nhất của chúng ta là
gia đình huynh đệ phải được hài hòa trước khi phóng cái nhìn xa đến bạn
đồng loại cũng như tương lai kiếp sống tới.
Kính chúc
tất cả sống trong thắng pháp.
Nam Mô Bổn
Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Pháp Bảo
ngày 10/5/2006
Thích Phổ
Huân
Xin tham
khảo thêm các tài liệu dưới đây
-Thắng
Pháp Tập Yếu Luận của HT Thích Minh Châu tập I và II.
- Vi
Diệu Pháp Toát Yếu của Narada Maha Thera – Phạm Kim Khánh dịch
- Vi
Diệu Pháp Nhựt Dụng của Hòa Thượng Janakabhivamsa – Thiện Nhựt dịch
-
Abhidhamma in daily life (Tâm Lý và Triết học Phật Giáo áp dụng trong
đời sống hàng ngày) ĐĐ Thiện Minh dịch
-
Abhidhamma Áp dụng – Như Nhiên dịch
- Vi
Diệu Pháp giảng giải - Tỳ Kheo Giác Chánh.
- Vi
Diệu Pháp nhập môn – Tỳ Kheo Giác Chánh
- Đại
cương về “Thắng Pháp tập yếu luận” - Thích Tâm Thiện
(cùng một tác giả)
----o0o----
Cập nhật: 01-06-2012