Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .


 

KINH TRUNG A HÀM

 

Việt dịch : Hòa-thượng Thích Thanh Từ

--- o0o --- 

TƯỢNG TÍCH

Phật ngự ở thành Xá Vệ, tinh xá Cấp Cô Độc. Ngài Xá Lợi Phất nhóm chúng Tỳ-kheo dạy rằng :

Chư hiền! Bốn Thánh đế so với các pháp lành khác là đệ nhất. Ví như dấu chân voi so với dấu chân các loài thú khác là lớn nhất. 4 Thánh đế : KHỔ TẬP DIỆT ĐẠO.

KHOÅ có 8 : sanh, già, bệnh, chết, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, cầu chi chẳng được, 5 ấm xí thịnh.

5 ấm : sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc do 4 đại mà có. 4 đại là đất, nước, gió, lửa.

ĐẤT. Có đất trong và đất ngoài.

Các vật thuộc chất đặc : tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, bầy nhầy, lá lách, bao tử, phổi, ruột già, ruột non, phân. Như thế những vật chất đặc thuốc về đất, chút đất thọ nhận trong thân, gọi là đất trong.

Đất ngoài rất lớn, rất tịnh mà còn là pháp vô thường, pháp tận, pháp suy, pháp biến dịch huống chi chút đất tạm dừng trong thân, do ái nhận chịu. Thế mà phàm phu ngu si chấp là ta và của ta. Tỳ-kheo học rộng mỗi khi bị ai quở trách, mắng chửi, đánh đập, liền tự nghĩ rằng : “Nỗi khổ này do nhân duyên sanh. Nhân ta có thân lại gặp duyên xúc khổ”. Liền quán xúc vô thường vô ngã khổ và không, quán thọ vô thường vô ngã khổ và không, quán tưởng hành thức vô thường vô ngã khổ và không. Quán như vậy rồi duyên nơi đại giới an trụ, Tỳ-kheo dừng hợp nhất tâm, định không di động.

Thời gian sau, có người đến ngon ngọt, khen ngợi, ca tụng. Tỳ-kheo liền tự nghĩ rằng : “Niềm vui này do nhân duyên sanh, nhân ta có ngã ái lại gặp duyên xúc vui”. Liền quán xúc thọ tưởng hành thức vô thường, vô ngã, khổ và không. Quán như vậy rồi duyên nơi địa giới an trụ, Tỳ-kheo dừng hợp nhất tâm, định không di động.

Thời gian sau, có đứa bé, người lớn, ông già tay đấm, chân đạp, gậy đánh, dao chém. Tỳ-kheo liền tự nghĩ rằng : “Thân tứ đại này là sắc chất thô, từ cha mẹ sanh, ăn uống, y phục, mền mùng, tắm rửa săn sóc, bao nhiêu công lao mà nó vẫn là pháp hư hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì có thân nên phải chịu đấm đá đánh chém”. Do cớ ấy Tỳ-kheo tinh tấn không dám biếng trễ, chánh thân, chánh niệm, không quên không si, an định nhất tâm, cầu thoát ly sanh tử.

Chư hiền, Thế Tôn dạy rằng : Nếu có giặc dùng dao bén cắt thân ông ra từng mảnh. Nếu tâm ông biến đổi, thốt lời hung ác, thế là ông đã suy thoái rồi. Ông nên thương xót những người ngu mê ấy, ông phải cố tâm cùng với lòng từ ở chung, khắp giáp một phương thành tựu viên mãn. Như thế 2 phương, 3 phương, 4 phương, phương trên phương dưới. Khắp tất cả, cùng với lòng từ ở chung, không kết, không oán, không giận, không tranh. Rất rộng lớn, tu vô lượng thiện, khắp đầy tất cả thế gian, thành tựu viên mãn.

Chư hiền! Nếu có Tỳ-kheo ở trong Phật Pháp Tăng mà không trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Tỳ-kheo ấy nên biết hổ thẹn tủi nhục. Ta ở chỗ lợi mà không lợi, ta ở chỗ công đức mà không công đức. Tỳ-kheo nhân giác tỉnh như vậy, biết hổ thẹn tủi nhục mà trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Đó là diệu, là tức, là định. Nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái vô dục, diệt tất cả lậu.

Chư hiền, Tỳ-kheo như thế học về địa đại.

NƯỚC. Có nước trong và nước ngoài.

Mỡ óc, màng óc, nước mắt, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, máu, mủ, mỡ đặc, mỡ lỏng, tủy, đờm, nước nhờn, mật, nước tiểu, nước phân. Như thế những thứ có tánh ướt thuộc về nước, thọ nhận trong thân, gọi là nước trong.

Nước ngoài : sông, biển, ao, hồ v.v… Nước ngoài rất lớn, rất tịnh mà còn là pháp vô thường, pháp tận, pháp suy, pháp biến dịch huống chi chút nước tạm dừng trong thân, do ái nhận chịu. Thế mà phàm phu ngu si chấp là ta và của ta.

Tỳ-kheo học rộng mỗi khi bị ai quở trách, mắng chửi, đánh đập, liền tự nghĩ rằng : “Nỗi khổ này do nhân duyên sanh. Nhân ta có thân lại gặp duyên xúc khổ”. Liền quán xúc, thọ, tưởng, hành, thức vô thường vô ngã khổ và không. Quán như vậy rồi, duyên nơi thủy giới an trụ, Tỳ-kheo dừng hợp nhất tâm, định không di động.

Thời gian sau, có đứa bé, người lớn, ông già tay đấm, chân đạp, gậy đánh, dao chém. Tỳ-kheo liền tự nghĩ rằng : “Thân tứ đại này là sắc chất thô, từ cha mẹ sanh, ăn uống, y phục, mền mùng, tắm rửa săn sóc, bao nhiêu công lao mà nó vẫn là pháp hư hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì có thân nên phải chịu đấm đá đánh chém. Do cớ ấy Tỳ-kheo tinh tấn không dám biếng trễ, chánh thân, chánh niệm, không quên không si, an định nhất tâm, cầu thoát ly sanh tử.

Chư hiền, Thế Tôn dạy rằng : Nếu có giặc dùng dao bén cắt thân ông ra từng mảnh. Nếu tâm ông biến đổi, thốt lời hung ác, thế là ông đã suy thoái rồi. Ông nên thương xót những người ngu mê ấy, ông phải cố tâm cùng với lòng từ ở chung, khắp giáp một phương thành tựu viẽn mãn. Như thế 2 phương, 3 phương, 4 phương, phương trên phương dưới. Khắp tất cả, cùng với lòng từ ở chung, không kết, không oán, không giận, không tranh. Rất rộng lớn, tu vô lượng thiện, khắp đầy tất cả thế gian, thành tựu viên mãn.

Chư hiền! Nếu có Tỳ-kheo ở trong Phật Pháp Tăng mà không trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Tỳ-kheo ấy nên biết hổ thẹn tủi nhục. Ta ở chỗ lợi mà không lợi, ta ở chỗ công đức mà không công đức. Tỳ-kheo nhân giác tỉnh như vậy, biết hổ thẹn tủi nhục mà trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Đó là diệu, là tức, là định. Nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái vô dục, diệt tất cả lậu.

Chư hiền, Tỳ-kheo như thế học về thủy đại.

GIOÙ. Có gió trong và gió ngoài.

Những động lực ở trong thân : hơi lên, hơi xuống, hơi trong bụng, hơi vận hành, hơi ép ngặt, hơi đao, hơi rốn, hơi ra từ chân lông, hơi đi chi tiết, hơi thở ra, hơi thở vào… tất cả những động lực trong thân gọi là gió trong.

Gió ngoài có gió bấc, gió nồm v.v… Mỗi khi gió bão khởi lên thì tốc nhà, ngả cây, lở núi. Xong rồi im bặt không mảy động. Chư hiền gió ngoài rất lớn, rất tịnh mà còn là pháp vô thường, pháp suy, pháp tận, pháp biến dịch huống chi chút gió tạm dừng trong thân, do ái nhận chịu. Thế mà phàm phu ngu si chấp là ta và của ta. Tỳ-kheo học rộng mỗi khi bị ai quở trách, mắng chửi, đánh đập, liền tự nghĩ rằng : “Nỗi khổ này do nhân duyên sanh. Nhân ta có thân lại gặp duyên xúc khổ”. Liền quán xúc, thọ, tưởng, hành, thức vô thường vô ngã khổ và không. Quán rồi, duyên nơi phong giới an trụ, Tỳ-kheo dừng hợp nhất tâm, định không di động.

Thời gian sau, có đứa bé, người lớn, ông già tay đấm, chân đạp, gậy đánh, dao chém. Tỳ-kheo liền tự nghĩ rằng : “Thân tứ đại này là sắc chất thô, từ cha mẹ sanh, ăn uống, y phục, mền mùng, tắm rửa săn sóc, bao nhiêu công lao mà nó vẫn là pháp hư hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì có thân nên phải chịu đấm đá đánh chém. Do cớ ấy Tỳ-kheo tinh tấn không dám biếng trễ, chánh thân, chánh niệm, không quên không si, an định nhất tâm, cầu thoát ly sanh tử”.

Chư hiền, Thế Tôn dạy rằng : Nếu có giặc dùng dao bén cắt thân ông ra từng mảnh. Nếu tâm ông biến đổi, thốt lời hung ác, thế là ông đã suy thoái rồi. Ông nên thương xót những người ngu mê ấy, ông phải cố tâm cùng với lòng từ ở chung, khắp giáp một phương thành tựu viẽn mãn. Như thế 2 phương, 3 phương, 4 phương, phương trên phương dưới. Khắp tất cả, cùng với lòng từ ở chung, không kết, không oán, không giận, không tranh. Rất rộng lớn, tu vô lượng thiện, khắp đầy tất cả thế gian, thành tựu viên mãn.

Chư hiền! Nếu có Tỳ-kheo ở trong Phật Pháp Tăng mà không trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Tỳ-kheo ấy nên biết hổ thẹn tủi nhục. Ta ở chỗ lợi mà không lợi, ta ở chỗ công đức mà không công đức. Tỳ-kheo nhân giác tỉnh như vậy, biết hổ thẹn tủi nhục mà trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Đó là diệu, là tức, là định. Nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái vô dục, diệt tất cả lậu.

Chư hiền, Tỳ-kheo như thế học về phong đại.

LỬA. Có lửa trong và lửa ngoài.

Ấm nóng, phiền muộn, ôn tráng, tiêu hóa thức ăn. Như thế tất cả những thứ có tánh nóng ở trong thân đều thuộc về lửa trong.

Lửa ngoài : lửa mặt trời, lửa bếp, lửa đèn v.v… Lửa ngoài có khi nổi lên dữ dội thiêu đốt cả thôn ấp, rừng núi, đồng hoang… tới mé đường, mé nước mới tắt. Lửa ngoài rất lớn, rất tịnh mà còn là pháp vô thường, pháp suy, pháp tận, pháp biến dịch huống chi chút lửa tạm dừng trong thân, do ái nhận chịu. Thế mà phàm phu ngu si chấp là ta và của ta. Tỳ-kheo học rộng mỗi khi bị ai quở trách, mắng chửi, đánh đập, liền tự nghĩ rằng : “Nỗi khổ này do nhân duyên sanh. Nhân ta có thân lại gặp duyên xúc khổ”. Liền quán xúc, thọ, tưởng, hành, thức vô thường vô ngã khổ và không. Tỳ-kheo quán như vậy rồi, duyên nơi hỏa giới an trụ, dừng hợp nhất tâm, định không di động.

Thời gian sau, có đứa bé, người lớn, ông già tay đấm, chân đạp, gậy đánh, dao chém. Tỳ-kheo liền tự nghĩ rằng : “Thân tứ đại này là sắc chất thô, từ cha mẹ sanh, ăn uống, y phục, mền mùng, tắm rửa săn sóc, bao nhiêu công lao mà nó vẫn là pháp hư hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì có thân nên phải chịu đấm đá đánh chém. Do cớ ấy Tỳ-kheo tinh tấn không dám biếng trễ, chánh thân, chánh niệm, không quên không si, an định nhất tâm, cầu thoát ly sanh tử.

Chư hiền, Thế Tôn dạy rằng : Nếu có giặc dùng dao bén cắt thân ông ra từng mảnh. Nếu tâm ông biến đổi, thốt lời hung ác, thế là ông đã suy thoái rồi. Ông nên thương xót những người ngu mê ấy, ông phải cố tâm cùng với lòng từ ở chung, khắp giáp một phương thành tựu viẽn mãn. Như thế 2 phương, 3 phương, 4 phương, phương trên phương dưới. Khắp tất cả, cùng với lòng từ ở chung, không kết, không oán, không giận, không tranh. Rất rộng lớn, tu vô lượng thiện, khắp đầy tất cả thế gian, thành tựu viên mãn.

Chư hiền! Nếu có Tỳ-kheo ở trong Phật Pháp Tăng mà không trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Tỳ-kheo ấy nên biết hổ thẹn tủi nhục. Ta ở chỗ lợi mà không lợi, ta ở chỗ công đức mà không công đức. Tỳ-kheo nhân giác tỉnh như vậy, biết hổ thẹn tủi nhục mà trụ tâm nơi thiện, thích hợp với xả. Đó là diệu, là tức, là định. Nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái vô dục, diệt tất cả lậu.

Chư hiền, Tỳ-kheo như thế học về hỏa đại.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói xong các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 

NGŨ THỊNH ẤM

Phật ở thành Xá Vệ, tinh xá Cấp Cô Độc. Ngài Xá Lợi Phất dạy chúng Tỳ-kheo :

Chư hiền! Nhân cây gỗ ráp lại, cỏ tranh lợp mái mà trong hư không thành có cái nhà. Nhân da thịt xương gân ràng rịt mà trong hư không thành có cái thân.

Nếu con mắt hư, ngoại cảnh không có ánh sáng thì không có niệm tức nhãn thức không sanh. Nếu con mắt lành, ngoại cảnh có ánh sáng liền có niệm tức nhãn thức đã sanh.

Chư hiền! Trong nhãn căn, ngoài cảnh sắc, nhãn thức biết (kiến phần) ngoại cảnh (tướng phần). Thế là sắc ấm. Nếu có lạc thọ, khổ thọ, si thọ, thế là thọ ấm. Nếu có tưởng yêu, tưởng ghét, tưởng nhớ, tưởng thương, thế là tưởng ấm. Nếu có suy nghĩ hành động, đó là hành ấm. Bởi vì sắc thọ tưởng hành ấm khiến trí bị si mê, phân biệt sai lầm, đó là thức ấm. Như thế gọi là quán ngũ ấm hội họp.

Thế Tôn dạy thấy duyên khởi tức là thấy pháp, thấy pháp tức là thấy duyên khởi. Sắc thịnh ấm từ nhân duyên sanh. Thọ thịnh ấm từ nhân duyên sanh. Tưởng thịnh ấm từ nhân duyên sanh. Hành thịnh ấm từ nhân duyên sanh. Thức thịnh ấm từ nhân duyên sanh.

Quán tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng thế.

Năm ấm từ nhân duyên sanh nên vô thường vô ngã khổ và không. Tỳ-kheo quán ngũ thịnh ấm quá khứ như vậy, quán ngũ thịnh ấm hiện tại như vậy, quán ngũ thịnh ấm vị lai như vậy. Rõ biết rồi chán ngũ ấm. Chán ngũ ấm là hết dục, hết dục là giải thoát. Giải thoát liền biết giải thoát, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau. Thấy biết đúng như thật.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 

ÚC GIÀ TRƯỞNG GIẢ

Phật ngự tại thành Tỳ Xá Ly, rừng Đại Lâm. Khi đó trưởng giả Úc Già cùng đoàn phụ nữ hát múa theo hầu, từ thành Tỳ Xá Ly vào Đại Lâm. Trưởng giả uống rượu say mèm, bỏ đoàn phụ nữ, xăm xăm vào thẳng trong rừng, xa trông thấy Thế Tôn nghi dung đĩnh đạc, quang sáng như núi vàng, tướng tốt oai thần, các căn tịch tĩnh. Ngài ngự giữa chúng Tăng như mặt trăng ngự giữa trời sao.

Úc Già liền tỉnh rượu, tới đỉnh lễ Phật rồi lui ngồi một bên. Phật vì ông giảng về bố thí trì giới, chê dục là tai họa, sanh tử là ô uế, khen vô dục là diệu, đạo phẩm là bạch tịnh. Như vải trắng dễ nhuộm màu sắc, trưởng giả ngay tại chỗ đắc tứ thánh đế, xin tam quy và ngũ giới.

Trở về ông nhóm các phụ nữ lại, tuyên bố rằng : “Từ nay ta tu phạm hạnh. Các ngươi ai muốn ở đây thì cứ ở đây bố thí tu phước. Ai muốn về nhà thì tùy ý. Ai muốn gả chồng thì gả cho”.

Tối đại phu nhân thưa : “Nếu ông tu phạm hạnh thì xin gả tôi cho người kia”. Trưởng giả cho kêu người kia tới, tay trái cầm tay phu nhân, tay phải cầm chén vàng bảo người kia rằng : “Ta nay gả đại phu nhân cho ngươi làm vợ”. Người kia kinh hãi : “Trưởng giả muốn giết tôi sao, muốn giết tôi sao?” Đáp : “Ta không giết ngươi. Ta nay theo Phật tu phạm hạnh nên đem tối đại phu nhân gả cho ngươi”. Gả xong rồi, lòng trưởng giả không hề nuối tiếc.

Sáng hôm sau có một vị Tỳ-kheo tới khất thực. Trưởng giả đỉnh lễ thỉnh ngồi. Tỳ-kheo hỏi : “Ông đã làm gì mà được Thế Tôn tán thán khen ngợi?”

– Tôi không biết do nhân duyên nào mà Thế Tôn nói. Nhưng xin tôn giả nghe :

1)     Tôi đang say mèm mà vừa thấy Phật liền tỉnh rượu.

2)     Tôi vừa nghe pháp có một lần mà đã thủ quả chứng.

3)     Tôi theo Phật tu phạm hạnh, đem tối đại phu nhân gả cho người khác mà lòng không nuối tiếc.

4)     Tôi chưa từng khinh mạn một vị Tỳ-kheo nào dù là thượng trung hay hạ tòa.

5)     Cúng dường chúng Tăng, tôi chưa từng có tâm phân biệt đây là thánh Tăng, đây là phàm Tăng.

6)     Tôi tự có tịnh tín, chánh tín Như Lai chớ không vì a dua người khác, dù người ấy là ông trời.

7)     Phật dạy ngũ cái : tham, sân, thân kiến, giới thủ, nghi, tôi liền dứt sạch, thoát ngay trói buộc, giải thoát sanh tử.

8)     Tôi nay xin thỉnh tôn giả ở lại đây thọ thực.

Trưởng giả cúng dường vị Tỳ-kheo xong, lấy một tòa nhỏ ngồi một bên nghe pháp. Nghe xong hoan hỷ phụng hành.

 

BẢN TẾ

Phật ngự ở nước Xá Vệ, tinh xá Cấp Cô Độc, dạy các Tỳ-kheo :

A/- 1) Vì gần ác tri thức nên nghe pháp ác.

2) Vì nghe pháp ác nên sanh bất tín.

3) Vì sanh bất tín nên không chánh tư duy.

4) Vì không chánh tư duy nên không chánh niệm chánh trí.

5) Vì không chánh niệm chánh trí nên không hộ các căn.

6) Vì không hộ các căn nên đủ 3 ác hạnh.

7) Vì đủ 3 ác hạnh nên đủ ngũ cái.

8) Vì đủ ngũ cái nên đủ vô minh.

9) Vì đủ vô minh nên đủ hữu ái.

10) Vì đủ hữu ái nên lần lượt sanh lão bệnh tử ưu bi khổ não đủ thành.

B/- 1) Vì gần thiện tri thức nên nghe pháp thiện.

2) Vì nghe pháp thiện nên sanh chánh tín.

3) Vì sanh chánh tín nên chánh tư duy.

4) Vì chánh tư duy nên chánh niệm chánh trí.

5) Vì chánh niệm chánh trí nên hộ 6 căn.

6) Vì hộ 6 căn nên đủ 3 diệu hạnh (vô tham, vô sân, vô si).

7) Vì đủ 3 diệu hạnh nên đủ Tứ Niệm Xứ.

8) Vì đủ Tứ Niệm Xứ nên đủ thất giác chi.

9) Vì đủ thất giác chi nên đủ minh giải thoát.

10) Vì đủ minh giải thoát nên Thánh quả lần lượt đủ thành.

Các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 

VƯƠNG NGHÊNH PHẬT

Phật tới ấp Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá. Vua Tân Tỳ Sa La cùng 4 bộ quân binh (tượng, mã, xa, bộ) sắp hàng dài 30 dặm đón Phật. Xa thấy Phật cùng chúng Tăng ngồi dưới gốc cây uy nghiêm đoan chánh. Vua xuống xe, bỏ 5 nghi thức dòng Sát-đế-lợi (kiếm, lọng, thiên quan, phất trần, nạm ngọc, giầy quý), đi chân đất, 3 lần xưng tên, đỉnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi một bên.

Người nước Ma Kiệt Đà xưa nay vẫn tin kính ngài Ca Diếp, thầm nghĩ : “Không biết Samôn Cù Đàm là thầy của Ca Diếp hay Ca Diếp là thầy của Samôn Cù Đàm?”

Ngài Ca Diếp, thừa lệnh Phật bay lên hư không cho lòng người vui vẻ rồi tuyên bố : “Ta xưa mê muội thờ thần lửa để cầu giải thoát, tuy già mà mù lòa tà kiến. Nay nhờ Phật, bậc nhất thiết trí vô thượng, chỉ dạy vô vi trọn thoát khổ. Ta thấy rồi sanh tử hết. Phật là thầy của ta. Ta là đệ tử của Phật”.

Phật vì vua giảng Khổ, Tập, Diệt, Đạo : Này đại vương, sắc sanh diệt nên biết sắc sanh diệt. Thọ sanh diệt nên biết thọ sanh diệt. Tưởng sanh diệt nên biết tưởng sanh diệt. Hành sanh diệt nên biết hành sanh diệt. Thức sanh diệt nên biết thức sanh diệt. Như mưa to bong bóng nổi trên mặt nước.

Đại vương! Người biết sắc như thật không đắm sắc, không nhiễm sắc, không chấp sắc, không trụ sắc, không vui sắc là ta. Như thế không tái thọ sắc sau.

Người biết thọ như thật không đắm thọ, không nhiễm thọ, không chấp thọ, không trụ thọ, không vui thọ là ta. Không tái thọ sau.

Người biết tưởng như thật không đắm tưởng, không nhiễm tưởng, không chấp tưởng, không trụ tưởng, không vui tưởng là ta, liền không tái thọ tưởng sau.

Người biết hành như thật không đắm hành, không nhiễm hành, không chấp hành, không trụ hành, không vui hành là ta, liền không tái thọ hành sau.

Người biết thức như thật không đắm thức, không nhiễm thức, không chấp thức, không trụ thức, không vui thức là ta, liền không tái thọ thức sau.

Xả thân ngũ ấm rồi không thọ thân ngũ ấm sau.

Người nước Ma Kiệt Đà thầm nghĩ : “Ngũ ấm đã vô thường vô ngã, thì ai sống ai thọ khổ vui”.

Phật biết liền giảng : Phàm phu chấp ngã, ngã sở, không biết rằng tướng chúng sanh do nhân duyên hội họp liên tục mà có sanh, đã có sanh thì phải có tử.

Chúng sanh thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, chê bai Thánh Hiền, tà kiến, tà nghiệp, mệnh chung ắt sanh về đường khổ.

Chúng sanh thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không chê bai Thánh Hiền, chánh kiến, chánh nghiệp, lâm chung ắt sanh về đường lành.

Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não.

Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não cùng diệt.

Đại vương! Sắc đã vô thường đã khổ vì biến dịch, có nên nhận là ta và của ta không. Thọ, tưởng, hành, thức đã vô thường, đã khổ vì biến dịch, có nên nhận là ta, là của ta không? Đại vương phải dùng trí tuệ quán biết như thật thế này : Tất cả sắc thọ tưởng hành thức, quá khứ hiện tại vị lai, trong ngoài, tốt xấu, gần xa, đều chẳng phải ta, chẳng phải của ta.

Người học rộng rõ sự thật rồi, chán sắc thọ tưởng hành thức. Đã chán thì vô dục. Vô dục tức giải thoát. Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau, thấy biết như thật.

Vua và quần thần nghe pháp xong xa trần lìa cấu được pháp nhãn tịnh, cùng nhau trọn đời quy y Tam-bảo.

 

TAM THẬP DỤ

Phật cùng chúng Tăng ngự tại thành Vương Xá, rừng Trúc Lâm. Ngày rằm sau thời thuyết giới, Phật hỏi Xá Lợi Phất : “Tăng chúng đã trừ ấm cái, im lặng tĩnh tọa, thật diệu cực diệu! Ai là người có khả năng kính trọng phụng sự chúng Tăng?”

– Bạch Thế Tôn! Chỉ có Thế Tôn mới có khả năng kính trọng phụng sự Pháp và Tăng. Răn cho không phóng dật, dạy bố thí, trì giới và thiền định.

– Thật vậy, Thế Tôn kính trọng phụng sự Pháp và Tăng. Bởi vì :

    1-   Vua quan trang điểm bằng ngọc vàng. Tỳ-kheo tự trang nghiêm bằng giới đức.

    2-   Vua quan có 5 nghi thức (kiếm, lọng, mũ, phất trần, giầy). Tỳ-kheo có 250 giới làm nghi biểu.

    3-   Vua quan có quân canh gác. Tỳ-kheo có pháp hộ 6 căn.

    4-   Vua quan có tướng giữ cửa. Tỳ-kheo có chánh niệm.

    5-   Vua quan có hồ tắm nước trong. Tỳ-kheo có tâm tĩnh lặng.

    6-   Vua quan có người hầu tắm gội. Tỳ-kheo có thiện tri thức.

    7-   Vua quan có trầm hương xoa thân. Tỳ-kheo có 8 vạn oai nghi 4 ngàn tế hạnh.

    8-   Vua quan có y phục gấm vóc. Tỳ-kheo có tàm quý che thân.

    9-   Vua quan ngồi tòa cao sang. Tỳ-kheo ngồi tòa pháp không.

10-   Vua quan có thợ cạo. Tỳ-kheo có chánh tư duy.

11-   Vua quan có món ăn ngon. Tỳ-kheo có pháp hỷ.

12-   Vua quan có cam giá bồ đào. Tỳ-kheo có pháp vị.

13-   Vua quan có các thứ bông hoa. Tỳ-kheo có không, vô tướng, vô nguyện.

14-   Vua quan có lầu gác đẹp. Tỳ-kheo có tứ thiền.

15-   Vua quan có người giữ sách. Tỳ-kheo có trí tuệ.

16-   Vua quan có dân nộp thuế. Tỳ-kheo có Tứ Niệm Xứ.

17-   Vua quan có 4 quân binh. Tỳ-kheo có tứ chánh cần.

18-   Vua quan có 4 thứ xe. Tỳ-kheo có 4 như ý túc.

19-   Vua quan có hình vẽ trang điểm đồ dùng. Tỳ-kheo có chỉ quán.

20-   Vua quan có người đánh xe. Tỳ-kheo có chánh nghiệp.

21-   Vua quan có đại cao tràng. Tỳ-kheo có chánh kiến.

22-   Vua quan có đường xá tốt đẹp. Tỳ-kheo có 8 chánh đạo.

23-   Vua quan có quân chủ binh. Tỳ-kheo có 37 trợ đạo.

24-   Vua quan có chánh điện cao rộng. Tỳ-kheo có 4 vô lượng tâm.

25-   Vua quan từ cao điện thấy khắp thành phố. Tỳ-kheo dùng sức quán chiếu soi tâm viên minh.

26-   Vua quan có tài chánh. Tỳ-kheo có 7 thánh tài.

27-   Vua quan có danh y. Tỳ-kheo có thiểu dục tri túc.

28-   Vua quan có người dọn phòng. Tỳ-kheo có vô ngại định.

29-   Vua quan có châu báu. Tỳ-kheo có bất động tâm giải thoát.

30-   Vua quan thân hằng thơm sạch. Tỳ-kheo thân tâm cực tịnh.

 

TRƯỜNG THỌ VƯƠNG

Phật ngự ở Câu Xá Di vườn Cù Sư La, dạy các Tỳ-kheo : Dùng tranh dứt tranh chẳng thể kết quả. Nhẫn lực dứt tranh, pháp này tôn quý.

Xưa kia vua Trường Thọ cùng vua Phạm Ma Đạt Đa chiến tranh. Vua Trường Thọ đại thắng bắt sống Phạm Ma Đạt Đa, bảo rằng : “Ngươi đã tới thế cùng, ta thả ngươi về, chớ có tái phạm”. Ba phen như thế. Đến lần thứ 4 vua Trường Thọ nghĩ rằng : “Đấu tranh rất ác. Khắc phục người sẽ bị người khắc phục lại. Hại người sẽ bị người khác hại lại. Ta nên tránh sang Ba La Nại”. Trường Thọ cùng vợ sang Ba La Nại, ẩn danh làm nghề hát rong ở ngã tư đường. Phạm chí Quốc sư của vua Phạm Ma Đạt Đa, được nghe những bài hát tuyệt diệu, vui mừng mời cả hai vợ chồng về dinh cấp dưỡng.

Một hôm, bà Trường Thọ thưa với chồng : “Tôi cần được thấy 4 bộ quân bày trận theo nghi vệ nhà vua, tuốt kiếm trần chầm chậm đi qua và được uống nước mài kiếm. Không được như thế tôi chắc chết không nghi”. Hôm ấy, Trường Thọ nét mặt buồn bã, tiếng hát bi thảm. Quốc sư hỏi duyên cớ, biết bà Trường Thọ mang thai quý tử, liền tâu vua Phạm Ma Đạt Đa : “Thiên vương nên biết có đức tinh hiện. Cúi mong Thiên vương nghiêm 4 bộ quân, bày trận thế theo nghi vệ nhà vua, tuốt kiếm trần chầm chậm đi qua, dùng nước mài kiếm tạt khắp chung quanh ở các nẻo đường để ứng điềm lành”.

Nhờ vậy bà Trường Thọ được như sở ước. Bà sanh con trai đặt tên là Trường Sanh, gởi kín cho người khác nuôi. Mật thám báo tin cho vua Phạm Ma Đạt Đa biết Trường Thọ còn sống, hiện đang ở trong nước. Vua sai bắt, chặt làm 7 khúc. Lúc đó Trường Sanh đã lớn, lẫn trong quần chúng, chứng kiến cảnh cha chết thê thảm, ngầm khuyên mọi   người : “Các ông thấy sự tàn ác vô đạo của tên cướp nước giết người này    chưa? Các ông nên lấy lụa thâu liễm 7 khúc tử thi của tiên vương, dùng chất thơm trà tỳ rồi lập miếu thờ”. Mọi người nghe phải, thầm lặng làm theo. Trường Sanh cùng mẹ lẻn trốn đi xa, lập chí học rộng, được gọi là bác sĩ Trường Sanh.

Bác sĩ Trường Sanh trở về Đô Thành, lại làm nghề hát rong như cha. Tiếng hát hay đồn đến tai vua Phạm Ma Đạt Đa. Vua cho gọi tới. Thấy người nghe tiếng, vua rất hoan hỷ, cho ở trong cung, lâu dần tín nhiệm, ủy thác những việc quan trọng. Cho tới kiếm báu của vua cũng trao cho Trường Sanh cầm giữ.

Một hôm, vua và Trường Sanh ngồi chung một xe đi săn. Trường Sanh cố ý đánh xe tách rời quân binh thật xa, vào rừng sâu rồi mời vua xuống xe nằm nghỉ. Không quen xông pha nắng gió nhọc nhằn, vua mỏi mệt gối đầu trên vế Trường Sanh ngủ sau. Trường Sanh kề kiếm vào cổ vua nhưng nhớ lời cha dặn: “Đồng tử nên nhẫn, đồng tử nên nhẫn, chớ có báo thù, phải hành từ bi”. Trường Sanh lại tra kiếm vào vỏ. Khi vua thức giấc, Trường Sanh kể rõ đầu đuôi. Vua nói : “Ngươi đã làm việc rất khó làm, đã ban cho ta mạng sống”.

Hai người chung xe trở về. Vua họp quần thần, ca ngợi tâm quảng đại của Trường Thọ, tôn Trường Sanh lên làm vua nước Câu Sa La, gả công chúa cho rồi trở về bổn quốc. 

– Này các Tỳ-kheo! Các quốc vương lấy việc chinh phục thiên hạ làm sự nghiệp mà còn tự hành nhẫn nhục, ngợi khen nhẫn nhục, tự hành từ bi ngợi khen từ bi, tự hành ân huệ ngợi khen ân huệ.

Có vị Tỳ-kheo bạch Phật : “Nhưng ông kia nói con, con đâu có thể không nói lại được?”

Phật không vui lòng về sự học tập của các Tỳ-kheo ở Câu Xá Di, liền đứng dậy nói bài tụng :

“Hãy xem kẻ thế gian,

Người mất nước diệt vong.

Vẫn hòa giải, chung sống.

Nay Tỳ-kheo tranh chấp.

Chỉ vì một lời nói!

Dùng bao nhiêu ngôn ngữ,

Phá hoại chúng tối tôn!

Phật không thể hòa chế!

Nếu không quán thật nghĩa,

Kết oán bao giờ dứt.

Học không gặp bạn lành,

Nên lui về riêng sống,

Chớ cùng ác chung họp”.

Phật dùng như ý túc thẳng tới thôn Ba La Lâu La. Nơi đây có tôn giả Ba Cữu ở một mình, ngày đêm không ngủ, chuyên cần hành đạo, trí hành thường định, trụ pháp đạo phẩm. Phật vui vẻ vì ông thuyết pháp xong vào rừng ngồi dưới gốc cây nghĩ rằng : “Ta thoát được bọn Tỳ-kheo ở Câu Xá Di”.

Chính khi ấy con voi chúa cũng vừa lìa bầy, khoan khoái nghĩ rằng : “Ta thoát được lũ kia! Voi lớn, voi nhỏ, đi tới đâu dẫm nước đục ngầu, cỏ nát héo xèo. Ta nay thảnh thơi riêng vui với cỏ xanh nước trong”.

 

PHẨM UẾ

Phật ngự ở nước Bà Kỳ Xấu, vườn Lộc Dã. Tôn giả Xá Lợi Phất dạy các Tỳ-kheo :

Này chư hiền! Có 4 hạng người :

1) Nhơ uế mà tự biết.

2) Trong sạch mà tự biết.

Tối thắng

 

1) Nhơ uế mà không tự biết.

2) Trong sạch mà không tự biết.

 hạ tiện

Cũng như chiếc thau đồng :

1) Hoen rỉ bỏ một chỗ.

2) Bóng nhoáng bỏ một chỗ.  

Sẽ là đồ vô dụng

 

1) Hoen rỉ đem lau chùi.

2) Bóng nhoáng thường lau chùi.

Sẽ là vật hữu dụng

Hỏi : Thế nào là nhơ uế?

Đáp : Pháp ác từ dục sanh gọi là nhơ uế.

1- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Ta phạm giới chớ để ai biết”. Lỡ có người biết, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

2- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Ta phạm giới, ai quở trách ta phải ở nơi vắng vẻ”. Nếu có người ở giữa chúng quở trách, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

3- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Ta phạm giới, để người trên ta quở trách, kẻ bằng ta hoặc kém ta không được quở trách”. Nếu kẻ bằng hoặc kém quở trách, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

4- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Để ta đến trước Phật hỏi pháp, sau vì chúng Tăng giảng nói”. Nếu người khác đến trước Phật hỏi pháp, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

5- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Khi nhập nội, để ta đi trước nhất, Tăng chúng thị tòng ta nhập nội”. Nếu người khác đi trước, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

6- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Nhập nội rồi để ta ngồi tòa cao nhất, ăn món bậc nhất”. Nếu người khác được, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

7- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Thọ thực rồi để ta vì cư sĩ nói pháp”. Nếu người khác thuyết pháp, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

8- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Có cư sĩ tới chùa để ta tiếp chuyện”. Nếu người khác tiếp chuyện, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

9- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Khiến ta được vua quan kính trọng”. Nếu người khác được vua quan kính trọng, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

10- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Khiến ta được Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sadi, Sadini kính trọng”. Nếu người khác được Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sadi, Sadini kính trọng, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

11- Có Tỳ-kheo sanh dục tâm như vầy : “Khiến ta được lợi dưỡng ăn uống, y phục”. Nếu người khác được, Tỳ-kheo liền sanh ác tâm.

Trong 11 trường hợp kể trên, cả tâm dục trước và tâm ác sau đều là bất thiện, nhơ uế.

Những Tỳ-kheo như trên không phải Samôn, tưởng mình là Samôn ; không phải trí Samôn, tưởng trí Samôn ; không phải chánh niệm, tưởng chánh niệm ; không phải thanh tịnh, tưởng thanh tịnh. Ví như chiếc thau đồng chạm trổ thật đẹp, đựng toàn phân, đậy nắp thật kỹ. Người không biết tưởng chậu đẹp như thế ắt đựng nhiều món ăn ngon nên thèm muốn. Nếu Tỳ-kheo thân cận với những người không nên thân cận, hằng bị vô lợi, mất an ổn sanh buồn rầu đau khổ.

Tôn giả Mục Kiền Liên xin phép góp lời : “Ông thợ già chỉ những chỗ xấu cho anh học nghề tập đục đẽo, khiến cho chiếc bánh xe tốt đẹp hoàn toàn. Nay trong chúng Tăng có những người lường đảo, dối trá, tật đố, bất tín, lười biếng, không định, không tuệ, si mê, điên cuồng, không hộ 6 căn, không tu hạnh Samôn.

Những người này được nghe tôn giả thuyết pháp như bệnh được thuốc. Tôn giả Xá Lợi Phất thật hay, rất hay, cứu vớt người tu phạm hạnh, khiến lìa chỗ bất thiện, an trụ nơi thiện”.

Chúng Tỳ-kheo nghe xong hoan hỷ phụng hành.


 

PHẨM NHÂN

Kinh Niệm

Tại nước Xá Vệ, tinh xá Cấp Cô Độc. Phật dạy : Xưa kia ta riêng đi đến chỗ vắng vẻ, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Nếu có dục niệm, sân niệm, hại niệm… Ta liền nhận biết tự hại hại tha, cả 2 cùng hại. Ta liền diệt gấp vì ta thấy nhân đây sanh vô lượng ác.

Ví như cuối xuân, đồng đã gieo mạ cấy lúa. Mục đồng mỗi khi thấy trâu vào lúa mạ, vội cầm roi đuổi. Vì mục đồng biết nhân đây sẽ bị chửi mắng đánh đập, trói buộc.

Tỳ-kheo tùy chỗ nghĩ chỗ niệm, trong đó tâm liền vui. Đã niệm dục sân hại thì không thể thoát sanh già bệnh chết, lo buồn than khóc, tất cả các khổ. Ta riêng đến chỗ vắng vẻ, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, vô dục, vô sân, vô hại. Tu tuệ minh sát sẽ được Niết-bàn.

Ta lại khởi nghĩ : Phân biệt nhiều sanh rối rắm nhọc nhằn, khiến hay quên, ta liền dứt bặt. Ở trong nhất ý được định.

Ta hướng pháp thú pháp vì nhân đây sanh vô lượng thiện. Ví như cuối thu lúa đã gặt xong. Mục đồng tha hồ thả trâu ăn cỏ ngoài đồng.

Tùy chỗ nghĩ chỗ niệm tâm liền vui trong ấy. Nhờ tầm và tứ, lìa dục sanh lạc, nhập sơ thiền. Nhất tâm không giác không quán, định sanh hỷ lạc, được đệ nhị thiền. Lìa hỷ chánh niệm, thân cảm giác lạc, được đệ tam thiền. Diệt cả khổ vui, đoạn cả mừng lo, thanh tịnh xả niệm, được đệ tứ thiền.

Tỳ-kheo như thế định tâm thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, thú hướng lậu tận thông. Trí tác chứng liền biết Khổ Tập Diệt Đạo như thật. Cũng biết lậu, lậu tập, lậu diệt, lậu diệt đạo như thật. Thấy biết rõ như thế rồi giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau, thấy biết như thật.

Thí dụ : Một bầy nai dừng ở bên dòng suối lớn trong rừng. Có người ác lấp đường chánh mở lối hiểm, đào hầm sâu, cho người canh giữ. Như thế bầy nai phải chết. Nhưng lại có người vì bầy nai cầu lợi ích, bít lối hiểm dọn đường chánh, đuổi người canh. Nhờ vậy bầy nai giải thoát.

Dòng suối to dụ ngũ dục ái niệm hoan lạc (mắt ái sắc, tai đắm thanh, mũi ham hương, lưỡi thèm vị, thân cầu xúc). Bầy nai dụ Tăng chúng. Người ác là ma Ba Tuần. Mở lối hiểm là khai những niệm dục sân hại. Đường chánh là 8 chánh đạo. Hầm sâu dụ vô minh. Người canh giữ là quyến thuộc ma. Người cứu vớt là Như Lai.

Ta đã làm, các ông phải tự làm đến chỗ vô sự. Dưới gốc cây, trong rừng núi, chỗ yên tịnh vắng vẻ, các ông phải tư duy, ra công tinh tấn, đừng để hối hận về sau. Đây là lời răn dạy của ta.

Các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 

LẠI TRA HÒA LA

Phật ngự tại nước Câu Lâu Xấu, thôn Thâu Lô Tra. Thanh niên Lại Tra Hòa La tới cầu xuất gia. Phật dạy phải về xin phép cha mẹ.

Lại Tra về nhà thưa cha mẹ. Cha mẹ đáp : “Ta có một mình con, yêu thương nhìn không chán mắt. Lỡ con có chết còn không nỡ đem chôn huống chi là sống mà chẳng được thấy con sao? Con nên ở nhà bố thí tu phước. Cảnh giới Thế Tôn rất khó, học đạo rất khó”.

Xin mãi chẳng được, Lại Tra nằm phục xuống đất tuyệt thực. Cha mẹ cậy nhờ bà con tới khuyên giải, Lại Tra cứ lặng thinh. Cha mẹ đành cho đi xuất gia với điều kiện học đạo, rồi phải trở về cho cha mẹ thấy.

Tôn giả Lại Tra Hòa La thọ giới cụ túc rồi tu hành tinh tấn cố đạt bản hoài. Phạm hạnh đã lập, không thọ thân sau, chứng A-la-hán. 10 năm sau, tôn giả xin phép Phật về thăm cha mẹ. Phật biết ngài đã bất thoái nên dạy : “Tùy ý ông đi, gặp người chưa giải thoát khiến giải thoát, gặp người chưa diệt độ khiến diệt độ”.

Tôn giả du hành lần lần đến quê nhà. Sáng hôm sau, tôn giả đắp y mang bát vào thôn Thâu Lô Tra, thứ lớp khất thực đến nhà cha mẹ. Thân phụ đang đứng bên cửa cạo râu, xa thấy Samôn tới, liền lớn tiếng mắng : “Samôn trọc đầu là đồ đen tối, đồ tuyệt dòng giống, phá hoại nhà ta. Ta có một đứa con yêu thương nhìn không chán mắt mà dẫn đi mất. Đi đi, ta không cho ăn”. Vừa hay đứa tớ trong nhà mang tô cơm thiu ra đống rác toan đổ. Tôn giả bước tới bảo : “Nếu cơm thiu đem đổ, xin đổ vào bát cho tôi”. Đứa tớ nghe tiếng nói quen, nhìn kỹ lại, nhận ra Hòa La, vội chạy vào nhà, hô lên : “Cậu Lại Tra Hòa La đã về! Cậu Lại Tra Hòa La đã về!” Ông bố mừng quá, tay còn cầm dao cạo chạy ra, thấy con đang quay mặt vào vách ăn cơm thiu, liền dắt vào nhà, trải tòa cho ngồi rồi hối vợ mau mau sửa soạn thức ăn.

Bà mẹ cúng dường ăn uống xong, đổ một đống bạc ra giữa nhà, đống bạc to đến nỗi người ngồi bên này không trông thấy người ngồi bên kia. Bà nói : “Này con, đây là tiền của mẹ, còn tiền của bố thì vô lượng không đếm xuể. Nay cho con tất cả. Con nên xả giới ở nhà bố thí tu phước. Cảnh giới Thế Tôn rất khó, xuất gia học đạo rất khó”.

– Nay con có lời thành thật xin thưa nếu mẹ cho phép.

– Được, con muốn nói gì mẹ cũng nghe.

– Xin mẹ cho may vài cái bao, chở đống bạc này ra sông, tìm chỗ nào thật sâu đổ xuống. Vì nhân tiền bạc này khiến người sầu khổ khóc than.

Bà mẹ dùng tiền để lay con chẳng được, liền dùng đến tình. Bà gọi mấy cô vợ cũ của Hòa La, bắt trang điểm thật đẹp, mỗi cô ôm một chân nhõng nhẽo. Lại Tra nói : “Các cô nên biết ta tu phạm hạnh, việc làm đã xong”.

Tôn giả vì cha mẹ thuyết pháp, khuyên phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong tụng rằng :

Đem đồ trang sức, trân bảo anh lạc.

Thạch bích cài tóc, cám đại vẽ mày.

Lừa kẻ ngu si, dối sao mắt Thánh.

Dùng các màu sắc, tô thân xú uế.

Y phục rực rỡ, trang điểm vóc huyễn.

Hương hoa phấn sáp, son tô móng tay.

Lừa kẻ ngu si, dối sao mắt Thánh.

Nai đã thoát dây, dại gì trở về,

Để chịu trói buộc, ai ưa gông cùm?

Ngài dùng như ý túc nương hư không đi vào rừng, trải ni sư đàn kết già an tịnh.

 

Vua nghe danh đồn về tôn giả Lại Tra đã nhiều. Nay được biết ngài ở rừng Thâu Lâu Tra, liền tới yết kiến và khuyên : “Lại Tra nên xả giới bỏ đạo. Tôi sẽ xuất nhiều tài vật để bố thí tu phước”. Tôn giả thưa : Đại vương không nên dùng đồ bất tịnh mời tôi. Đại vương nên nói như thế này : “Nước tôi an ổn dễ khất thực. Tôn giả về nước tôi, tôi xin như pháp ủng hộ”.

Vua nói đúng như vậy để mời tôn giả. Lại hỏi : “Người đời thường vì 4 suy mà đi xuất gia là bệnh suy, lão suy, thân suy, tài suy. Nay Lại Tra khỏe mạnh thì không phải bệnh suy lão suy. Gia đình giàu có thì không phải tài suy. Gia tộc đông đảo, cha mẹ song toàn thì đâu phải vì thân suy. Vậy vì lý do gì Lại Tra xuất gia?”

– Đức Thế Tôn dạy tôi 4 việc, tôi nhận hiểu nên chí tín bỏ nhà học đạo :

1-       Đời này không thể gìn giữ nương tựa.

2-       Tất cả đều quy về lão.

3-       Tất cả vô thường quyết phải xả bỏ.

4-       Lòng người không đầy, bị ái lôi cuốn.

Vua nói : “Tôi có con cháu anh em họ hàng, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân, lực sĩ dõng mãnh, quần thần giỏi tính toán, giỏi kế hoạch, giỏi chinh phục, giỏi đàm luận, giỏi trì chú… sao lại bảo đời này không thể nương tựa?”

– Đại vương có bao giờ bệnh không?

– Thưa hiện đang bệnh phong, mỗi khi phát rất đau khổ.

Tôn giả hỏi : “Mỗi khi bệnh phong phát, đại vương có thể bảo con cháu, anh em họ hàng, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân… các ông tạm tới đây thay ta chịu bệnh khổ để ta an vui, được chăng?

– Không được, vì tôi tạo nghiệp nên tôi phải tự chịu quả báo đau khổ.

– Do đó Thế Tôn dạy : Thế gian này không thể nương tựa. Tôi nay lại hỏi, tùy ý đại vương đáp. Sức khỏe và nhan sắc đại vương ngày nay so với hồi 25 tuổi, có như nhau không?

– Hồi 25 tuổi sức khỏe và nhan sắc tôi chẳng ai bì kịp. Đến nay 80 tuổi, thân thể suy yếu, mệnh sống về chiều chẳng được tự tại.

Tôn giả dạy : “Do đó Thế Tôn nói : Thế gian này đều xu hướng lão. Nay tôi lại hỏi đại vương : Nước Câu Lâu thịnh vượng. Khi chết đại vương có thể đem theo kho lãm và hậu cung được không?

– Thưa không được. Chỉ một mình đi, không có bạn bè.

– Do đó Thế Tôn dạy : Thế gian vô thường. Lại nữa, đại vương đã có nước Câu Lâu Xấu thịnh vượng. Nếu có người rất đáng tín nhiệm từ phương đông tới tâu rằng : Cõi nước kia giàu có, nhân dân lực dịch rất nhiều và rất dễ chinh phục, đại vương nghĩ sao?

– Tôi quyết chinh phục nước đó.

– Nếu phương Tây, Nam, Bắc, có người đáng tín nhiệm tới tâu vua rằng : Cõi nước kia giàu có, nhân dân lực dịch rất nhiều và rất dễ chinh phục thì đại vương nghĩ sao?

– Tôi quyết chinh phục tất cả.

– Do đó Thế Tôn dạy :

Lòng người không đầy, bị ái lôi cuốn.

Thế gian có của, không biết bố thí.

Còn mong giàu thêm, tham rít bỏn sẻn.

Vua chúa cai trị, hải hội chưa chán.

Còn đòi hải ngoại.

Dục chưa mãn, mệnh hết,

Hơi thở vừa ngừng tắt,

Rũ tóc vợ con khóc.

Than ôi, khổ không ngằn!

Áo mền đem chôn vùi,

Hoặc nhóm củi thiêu rụi.

Trí tuệ hưởng bình an,

Ngu si ngậm sầu thảm.

Đại vương! Tôi giác tỉnh,

Biết đại Samôn diệu.

Vua nước Câu Lâu Xấu nghe pháp hoan hỷ phụng hành.

 

TOÁN SỐ

Ở nước Xá Vệ, tại Đông Viên nhà Lộc Tử Mẫu. Một buổi, toán số Kiền Liên thong thả đến chỗ Phật, bạch rằng : “Nhà Lộc Tử Mẫu này phải theo thứ lớp xây cất mới thành. Lên thang cũng phải từ nấc thứ nhất đến nấc thứ 2, 3, 4… sau mới lên tới lầu. Luyện tập ngựa cũng từ thắng cương, gắn yên… thứ lớp luyện tập. Chúng tôi học toán số cũng từ số 1, 2, 3… đến 10, 100, 1000… Trong pháp Samôn Cù Đàm có thứ lớp thành không?

– Thứ lớp tiến đến thành tựu là chánh thuyết. Pháp luật của Như Lai cũng từ thứ lớp tiến đến thành tựu.

Nếu có niên thiếu Tỳ-kheo đến học đạo, Như Lai dạy giữ gìn thân, miệng, ý thanh tịnh. Được rồi, Như Lai dạy thêm quán nội thân như thân, quán thọ như thọ, quán tâm như tâm, quán pháp như pháp. Quán nội thân như thân chớ để niệm tương ưng với dục. Quán thọ, tâm, pháp cũng chớ để niệm tương ưng phi pháp.

Tiếp đến Như Lai dạy hộ 6 căn, minh đạt chánh trí. Mắt thấy sắc không thọ tướng. Không đắm sắc vì đây là nguyên nhân của những tức giận tranh tụng. Hộ nhãn căn khiến tâm không sanh tham muốn, lo buồn…, các pháp. Hộ tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.

Như Lai dạy thêm : Tỳ-kheo, ông phải an định tinh thần, tri kiến minh đạt. Ra, chánh biết mình ra. Vào, chánh biết mình vào. Khéo quán, chánh biết, co duỗi cúi ngước, đi đứng ngồi nằm, nói nín đều chánh biết.

Khi Tỳ-kheo đã chánh biết như vậy rồi Như Lai khuyên riêng trụ chỗ xa lìa, ở nơi vắng vẻ, gốc cây, thạch thất, trên núi, ngoài đồng, trong rừng, nghĩa địa, trải ni sư đàn, kết già lưng thẳng, chánh nguyện, phản niệm không hướng ngoại, đoạn trừ tâm tham. Không tranh tụng, thấy tài vật của người không muốn ta được. Như thế dứt sạch sân khuể, thùy miên, trạo hối, nghi ngờ. Vì ngũ cái khiến tâm ô uế tuệ kém yếu. Tỳ-kheo lìa dục, lìa ác, được tứ thiền, thành tựu viên mãn.

Nếu có Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn cựu học phạm hạnh, Như Lai dạy thêm cứu cánh lậu sạch.

Toán số Kiền Liên hỏi : Tất cả đệ tử được Samôn Cù Đàm răn dạy chỉ bảo như thế, đều được trí cứu cánh chứng Niết-bàn chăng?

Phật đáp : Có người được, có người không.

– Có Niết-bàn, có đạo tu chứng Niết-bàn, có Samôn Cù Đàm hiện tại làm đạo sư, nhân duyên gì các Tỳ-kheo đệ tử lại người được người không?

– Ý Kiền Liên nghĩ sao? Có thành Vương Xá, có đường về Vương Xá, có anh Ổi tới xin chỉ đường về Vương Xá. Kiền Liên dạy : Theo hướng đông đến thôn A, tới ấp B gặp suối, qua vườn bông, lần lượt như thế sẽ tới thành Vương Xá. Anh Ổi thọ lời dạy, nhắm hướng đông đi. Không bao lâu bỏ đường cái theo ngõ hẻm, lang thang như vậy rút cục chẳng tới thành.

Lại có anh Soài tới xin chỉ đường, rồi đúng bước từ A đến B, sang suối qua vườn tới Vương Xá. Kiền Liên nghĩ sao, do nhân duyên gì một người tới thành, một người không tới?

– Thưa tôi vô lỗi, tôi đã chỉ dạy đúng như sự thật. Còn người kia tới hay không là do chỗ họ thực hành có đúng hay không.

Thưa Cù Đàm, tôi đã hiểu. Ví như đất tốt có rừng Sa La. Người giữ rừng thông minh chăm chỉ thấy cành cong, lá vàng úa liền chặt sửa. Săn sóc những cây thẳng tốt, vun phân tưới nước cuốc sới nhổ cỏ. Nhờ vậy rừng Sa La được thịnh mậu. Cù Đàm! Có người lừa dối, xảo trá, lười biếng, ác tuệ, điên cuồng, 6 căn loạn động, giới luật bê tha. Những người như vậy không thể cộng trụ. Những người tín tâm, định niệm, cung kính giới luật, chăm tu hạnh Samôn, nên cộng trụ.

Trong các thứ hương trầm, hương Sa La là bậc nhất. Trong các thứ hoa, sen xanh là bậc nhất. Trong đời có các luận sĩ, Cù Đàm là tối thượng, có khả năng điều phục tất cả ngoại đạo dị học. Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận cho con trọn đời làm Ưu-bà-tắc.

 

TU NHÀN ĐỀ

Phật ngự tại tịnh thất của Bà La Bà, xứ Câu Lâu Xấu. Một buổi sáng, Phật đi khất thực xong thẳng vào rừng tĩnh tọa. Ngoại đạo Tu Nhàn Đề tới thăm Bà La Bà, thấy thảo tòa, hỏi biết là Phật ở đó, liền nói : “Ta không muốn thấy mà thấy, ta không muốn nghe mà nghe. Samôn Cù Đàm là hạng bại hoại, không thể dùng”.

Thiên nhĩ Thế Tôn nghe biết. Chiều đến ngài trở về tịnh thất, tới thảo tòa kết già. Tu Nhàn Đề cũng thong thả tới.

Phật hỏi : Này Tu Nhàn Đề, không điều ngự nhãn căn, không nghiêm hộ nhãn căn ắt thọ quả báo khổ. Samôn Cù Đàm khéo tự điều ngự, khéo giữ gìn ắt thọ quả báo vui. Tu Nhàn Đề như thế nói Samôn Cù Đàm là hạng bại hoại, không thể dùng chăng?

– Như thế Cù Đàm.

– Tu Nhàn Đề không điều ngự nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, ắt thọ quả báo khổ. Samôn Cù Đàm khéo tự điều ngự, ắt thọ quả báo vui. Tu Nhàn Đề nhân như thế nói Samôn Cù Đàm là hạng bại hoại, không thể dùng chăng?

– Như thế Cù Đàm.

– Này Tu Nhàn Đề, ta khi còn ở gia đình, được vui ngũ dục dễ dàng không khó. Sau xuất gia tu đạo, ta dứt đắm mến, thoát triền phược, thấy biết như thật. Ta thấy những ai chưa lìa ngũ dục, bị dục ái nuốt sống, lửa dục thiêu đốt mà vẫn thèm khát thì không khen không ưa. Đối với việc ta không ưa không thích cái vui ái dục thấp hèn, ông có nói gì không?

– Không, Cù Đàm!

Phật bảo Tu Nhàn Đề : Con nhà điền chủ giàu có, thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, mệnh chung sanh lên trời. Tu Nhàn Đề nghĩ sao? Cha con vị trời này có hoan hỷ xả cõi trời về thọ ngũ dục nhân gian chăng?

– Không, Cù Đàm! Vì ngũ dục nhân gian thật ô uế bất tịnh, thật đáng chán ghét, thật khổ.

– Như vậy này Tu Nhàn Đề, ta đoạn nhân gian dục, vượt qua thiên dục, dứt sạch đắm trước, thoát triền phược, thấy biết như thật.

Lại nữa này Tu Nhàn Đề, người hủi thân thể lầy lụa, vi trùng rúc rỉa, lấy tay quào lở chóc rồi tới lò lửa hơ. Cho thế là đỡ khổ, là vui. Nào ngờ vết lở cũ càng lớn, vết lở mới càng thêm. Khi được lương y chữa cho thật lành mạnh rồi, dù có bị cường lực bắt ép tới lò lửa, người ấy dù kinh sợ nép tránh mà thân vẫn còn nghe nóng. Tu Nhàn Đề nghĩ sao? Lò lửa hôm nay thêm nóng thêm khổ, đáng sợ hơn lúc trước hay sao? Người này thấy những người hủi khác đang quào lở đến lò lửa hơ, có cam tâm ưa thích ngợi khen không?

– Không, Cù Đàm! Người kia xúc chạm lửa khổ lại cho là vui, vì tâm mê loạn nên tưởng đảo lộn. Tới khi bình phục, thân tâm thư thái, xúc chạm lửa khổ liền biết là khổ. Đâu còn nỡ vui thích ngợi khen bệnh khổ.

– Như thế Tu Nhàn Đề, ta thấy khổ dục biết là khổ dục. Dục ô uế bất tịnh, ý rất chán ghét, không thể ưa xúc chạm khổ. Như Lai, vô sở trước, chánh đẳng chánh giác, nói không bệnh đệ nhất lợi, Niết-bàn đệ nhất vui.

– Tôi cũng từng được nghe các bậc trưởng lão nói : Không bệnh đệ nhất lợi, Niết-bàn đệ nhất vui.

– Thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?

Tu Nhàn Đề hai tay tự chụp vào thân mình nói : Cù Đàm! Đây là không bệnh, đây là Niết-bàn.

Phật dạy : “Người mù từ bé nghe nói sạch không nhớp, liền cầu xin. Kẻ dối trá đưa tấm áo nhơ bẩn bảo rằng : “Ngươi phải hai tay cung kính nhận tấm áo sạch không nhớp này”. Người mù vâng theo, miệng nói : “Sạch không nhớp, sạch không nhớp”. Ông cũng vậy thân là bệnh, là ung nhọt, là tên nhọn, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã mà lại lấy hai tay chụp vào thân nói : “Đây là không bệnh, đây là Niết-bàn”. Thân tứ đại do cha mẹ sanh, ăn uống trưởng thành, vỗ về tắm rửa mà nó vẫn là pháp biến hoại, tiêu diệt, ly tán. Lại nhận là ta, thủ chấp là ta. Duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão tử lo buồn than khóc, như thế sanh đại khổ ấm”.

– Xin Samôn Cù Đàm chỉ cho biết đâu là không bệnh, đâu là Niết-bàn?

– Thánh tuệ nhãn chưa tịnh, ta vì nói không bệnh, Niết-bàn luống công vô ích. Như nói xanh, vàng, đỏ, trắng với người mù nào có ích chi. Chỉ nên cho người ấy thuốc để khỏi mù. Người ấy sẽ tự thấy xanh, vàng, đỏ, trắng. Ta nay vì ông nói diệu dược để khai mở Thánh tuệ nhãn cho ông :

1) Gần thiện tri thức. 2) Cung kính phụng sự. 3) Nghe thiện pháp khéo suy nghĩ. 4) Sống đúng với chánh pháp và tùy pháp. Liền biết khổ, tập, diệt, đạo như thật.

Thế nào là biết khổ như thật? Sanh, lão, bệnh, tử, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, ngũ ấm xí thịnh, cầu chi không được.

Thế nào là biết khổ tập như thật?

Ái này sẽ thủ vị lai hữu. Ái này ưa thích mong cầu các cái hữu kia.

Thế nào là biết khổ diệt như thật?

Nay diệt sạch hết ái, ném bỏ năm dục, dứt bặt không tạo nghiệp ác là không có hữu.

Thế nào là biết đạo như thật?

Bát chánh đạo là : chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Tu Nhàn Đề nghe xong lìa trần cấu, pháp nhãn khai, xin xuất gia, thọ cụ túc giới, chứng A-la-hán.

 

PHỤ LỢI ĐA

Phật ngự ở Na Nan Đại, vườn Ba Hòa. Phụ Lợi Đa áo trắng, khăn trắng, đi giầy, che dù, chậm rải dạo khắp, gặp các Samôn Phạm chí đều nói : “Chư hiền nên biết tôi lìa tục đoạn tục”. Các Phạm chí hòa nhã đáp : “Phải, ông lìa tục đoạn tục”. Ông tới thăm Phật. Phật mời : “Cư sĩ ngồi”.

– Cù Đàm! Tôi lìa tục đoạn tục sao lại gọi tôi là cư sĩ?

– Vì ông hiện tướng cư sĩ.

Ba lần Phật mời, ba lần ông nói như trên. Thế Tôn hỏi ông : Thế nào là lìa tục?

– Tôi đem tất cả tài vật trong nhà bố thí hết. Tôi không làm không cầu, chỉ đủ ăn để sống. Như vậy các việc thế tục, tôi đều bỏ hết.

Phật bảo : “Trong pháp luật của Thánh có 8 cách đoạn tục. Phụ Lợi Đa buông dù, cởi giầy, khoanh tay thỉnh Phật nói. Phật dạy :

1) Đệ tử học rộng của Thánh biết có quả báo đời sau. Nếu giết hại sẽ có các bậc trời và các bậc trí tuệ quở trách, chết đọa ác đạo. Ta nay có thể y nơi lìa giết hại mà đoạn giết hại chăng? Bèn lìa giết hại đoạn giết hại.

2) Lìa trộm cướp đoạn trộm cướp.

3) Lìa tà dâm đoạn tà dâm.

4) Lìa nói càn đoạn nói càn.

5) Lìa tham trước đoạn tham trước.

6) Lìa tật đố xúc não đoạn tật đố xúc não.

7) Lìa giận hại đoạn giận hại.

8) Y nơi không kiêu mạn đoạn kiêu mạn và tăng thượng mạn.

Nhưng 8 pháp vắn tắt này chưa đoạn được hoàn toàn tất cả tục sự.

Phụ Lợi Đa vội lột khăn, khoanh tay thỉnh Phật nói nữa.

– Trước hết hãy nói 8 thí dụ về nguy hiểm của tục sự :

1) Có con chó đói chạy đến hàng thịt vớ được cục xương, gậm bể răng, dập môi vẫn không hết đói. Dục như cục xương, vui ít khổ nhiều, có nhiều tai họa, cần phải xa lìa.

2) Một con quạ vớ được cục thịt, cắp bay đi. Đàn quạ đuổi theo cướp thịt. Dục như cục thịt, vui ít khổ nhiều, có nhiều tai họa, cần phải xa lìa.

3) Người tay cầm đuốc cháy, đi ngược gió, ắt nguy hiểm. Dục như đuốc cháy trong gió ngược, vui ít khổ nhiều, có nhiều tai họa, phải xa lìa.

4) Dục như lửa mạnh trong hầm sâu. Không có ngọn không có khói nhưng ai sa vào sẽ mất mạng.

5) Dục như rắn độc. Ai muốn sống, không muốn chết, phải xa lìa.

6) Nằm mộng thấy thọ đủ 5 dục, tỉnh dậy chẳng có gì. Dục là hư vọng, phải xa lìa.

7) Có người đói khát leo cây cầu trái. Một kẻ khỏe mạnh cầm búa bén chặt gốc cây. Dục lạc như trái cây. Người muốn sống, không muốn chết, phải xa lìa.

8) Có người đi mượn xe cộ sang trọng, châu báu trang sức mỹ diệu, đi vào chợ, được khen là giàu sang. Dục ví như tài vật vay mượn, chẳng thể bền lâu, vui ít khổ nhiều, tai họa lại càng nhiều hơn.

Người có giác có quán, yên tĩnh được nhất tâm, nhập sơ thiền. Người không giác không quán, định sanh hỷ lạc, chứng nhị thiền. Người lìa hỷ, xả cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, chứng tam thiền. Người diệt lạc khổ, diệt ưu hỷ, xả niệm được thanh tịnh, chứng tứ thiền.

Đã được tâm định thanh tịnh như vậy, không nhiệt không phiền mềm mại, thiện trụ tâm bất động, tu học lậu tận trí thông, biết khổ tập diệt đạo như thật. Như thật biết lậu, biết lậu tập, biết lậu diệt, biết lậu diệt đạo. Tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Việc làm đã xong, không thọ thân sau.

Cư sĩ Phụ Lợi Đa pháp nhãn khai thông, xa lìa trần cấu, xin thọ tam quy.

 

TIỄN DỤ

Phật ngự ở nước Xá Vệ, tinh xá Cấp Cô Độc. Tôn giả Mạng Đồng Tử đang tĩnh tọa tư duy nơi thanh vắng. Bỗng tôn giả nảy ra ý nghĩ : Có nhiều vấn đề về vũ trụ nhân sanh mà lâu nay đức Thế Tôn cứ gác qua một bên không chịu nói. Nay ta đến cật vấn, nếu ngài một mực không trả lời, ta sẽ hoàn tục. Ông tới Phật tác bạch. Phật day qua dạy cả đại chúng :

Ví như có người trúng tên độc. Bà con thương xót cấp tốc mời thầy chữa. Nhưng bệnh nhân nói : “Chưa nhổ tên vội. Hãy cho tôi biết người bắn tên gì? Họ gì? Cao hay thấp? Đen hay trắng? Dòng Sát-đế-lợi hay Chiên-đà-la? Khoan nhổ hãy cho tôi biết cung làm bằng gỗ hay bằng sừng? – Khoan, hãy cho tôi biết dây cung làm bằng gân hay bằng gai? – Khoan, người làm cung tên họ là gì? Người phương đông hay phương tây?

Tội nghiệp thay người này tắt thở trước khi được thỏa mãn tánh tò mò.

Này các Tỳ-kheo, những vấn đề kia dù ta nói rộng hay không nói, sự thật là chúng sanh hiện đang sanh già bệnh chết, thống khổ ưu bi. Những vấn đề kia, sở dĩ ta không nói vì đó không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí tuệ giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. Còn điều mà ta nói nhiều, ấy là Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Các ông nên như vậy thọ trì. 

 

 

--- o0o ---

Trình bày:  Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-10-2005

 

Webmaster: quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung:  Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:  
quangduc@quangduc.com