Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tịnh Độ


......... .

 

Vượt Luân Hồi Vào Tịnh Ðộ

Thích Phổ Huân

---o0o--- 

Chương I

Quay cuồng trong sinh tử

 

Ngày đó, một ngày xa xưa lắm, những người vô minh say ngủ như chúng ta, trải qua không biết bao nhiêu biên cõi thế giới. Mỗi lần đi vào một cõi, mỗi lần phải tranh đấu sống còn; nhưng nào đâu có chết mà phải tranh đấu, vì ta đã ở ngay trong biển sanh tử! Và mỗi giọt nước của biển là một cõi, nên sự sanh tử chỉ là bọt nước lăn tăn gợn lên gợn xuống; nhưng ta lại cho là thật, chắc vì nơi ấy quá khổ, quá vui!

Trong những chặng đường lặn hụp mang đủ dạng hình tâm thức, ta đã kinh qua bao lần sinh tử và cuối cùng một ngày đã đến với chúng ta!!

 

Không gian, thời gian quay cuồng trong sinh tử. 

...Có kiếp ta là vị vua anh minh hiền đức trị vì đất nước giàu mạnh. Chung quanh còn có những cận thần thông tuệ, trung tín thờ vua, giúp vua giải quyết mọi vấn đề trong, ngoài cung điện một cách trôi chảy. Hạnh phúc hơn, Hoàng hậu phu nhân vừa xinh đẹp nhân đức lại thông minh sáng suốt, là nguồn vui sáng lạn xóa tan nỗi bất bình phiền muộn một khi vua được phu nhân giải bày an ủi.

Hai vị chăn dân hiền đức như vậy, chắc chắn sanh ra quả vị ngọt ngào thơm mát. Thật đúng! Hoàng Thái tử người con cả, kế đến hai cô công chúa, ba vị như ba bông hoa rực rỡ của cung điện vàng.

Cuộc sống an bình thịnh vượng của triều đình lan tỏa khắp thôn làng dân giả, khiến nhà nhà hạnh phúc ái mộ những con người đức cao, giàu phúc đã ban rải cho dân chúng một đời sống an ninh hạnh phúc ấm no.

 

Rồi thời gian trôi qua, vị vua anh minh này già đi; tất cả những vẽ đẹp cùng thời với vua theo đó suy sụp. Ba đóa hoa đẹp của điện vàng cũng không còn như ngày đầu mới nở. Họ đã có gia đình, có con, đã cằn cỗi theo thời gian năm tháng.

 

Trước khi nhắm mắt, vua tuy hài lòng đã để lại mọi thứ cho vương triều đất nước, nhưng sự thương yêu say đắm vẫn không sao khỏi vấn vương. Thế là hai mắt nhắm đi, tưởng đâu rũ bỏ, nào ngờ thần thức nhà vua hãy còn mang theo bao nỗi tiếc thương!.

Do phước báu hãy còn đầy, thần thức lại tái sanh làm vua, nhưng vào quốc vương khác, bởi vì kiếp trước xa nữa, vua dệt nên say đắm ái nghiệp ở đất nước đó nhiều hơn, nên nghiệp lực khiến vua không trở về được nơi triều đình vừa bỏ xác.

Ðây là vấn đề nhân quả tinh tế, phức tạp khó thể nghĩ bàn, chúng ta vì chỉ  hạn cuộc nhìn thấy một đời hiện báo nên có nghi ngờ thắc mắc. Tỉ dụ một người mắc nợ ít, họ sẽ không lo thanh toán trả trước, mà phải giải quyết món nợ nhiều hơn, dù nợ ít mới mượn hay đã mượn lâu.

Vậy chỉ là lần lượt thanh toán; nên khi sanh ở chỗ này chỗ kia khiến tìm cách gắn bó giao lưu, đó là cách giải quyết ân oán day dưa cũ mới.

Nơi tái sanh này cũng ngai vàng điện ngọc, khiến vua chẳng thấy xa lạ gì. Vua này thân cận với triều đình A, tiền kiếp vừa rồi, do tình thâm luyến ái vẫn còn đầy ở đó, và hai bên thường thâm giao qua lại.

Cứ thế thời gian trôi qua, kẻ say ngủ sắm vai vua cũng khá nhiều. Ðây do thiện nghiệp tạo ra trong quá khứ, nên hưởng quả lành mang được thân vua nhiều lần như vậy.

 

Cho đến một kiếp, trong cơn hấp hối, vì quá nặng tình, nặng của; thần hồn (thần thức) nhà vua ra đi mang đầy thương ái nhớ nhung, nhớ người tiếc của! Vua có thể không tham tiếc của cải ở một vài kiếp, nhưng trải nhiều kiếp làm vua, tâm thức càng dệt thêm niềm thương yêu sâu đậm. Và thế cho đến kiếp đây, vua chết đi không còn nhẹ nhàng êm ái nữa.

Cảnh tượng ra đi thật bi thương; vua ghì tay ôm hoàng hậu, hướng mắt về công chúa, cận thần, khiến họ không dằn được xúc động tạo nên âm thanh nức nở nghẹn ngào thảm thiết ...

Thần hồn nhà vua vừa thoát ra thể xác đã quay lại gào to: Không không, trẩm đâu có chết, trẩm còn đây mà! Nhưng cảnh tượng nào đâu thay đổi, họ càng gào khóc to hơn, và xác chết nhà vua phải rung chuyển theo sự lay động ghì kéo khóc than của người thân quyến...

Thân Trung Ấm người chết vì chứng kiến cảnh đau thương như vậy, càng tăng thêm bi lụy, đến nỗi không chịu nhìn lại xác chết kia là vật giả tạm, mà bây giờ thần thức đã thoát ra khỏi nó.

Cho đến khi kim quan nhà vua đặt vào lòng đất, Thân Trung Ấm vẫn chẳng tin mình chỉ là dòng ý thức sống mượn tạm thân ngũ ấm thô kệch này.

Sau khi bị nghiệp lực chi phối, không thể cưỡng lại và hãy còn ít phước báo, lần tái sanh này tuy không được làm vua, vẫn làm được thân quan lớn, quan thừa tướng trung tín của triều đình; triều đình mà kẻ say ngủ say đắm nhất trong quá khứ. Vị quan thần này lại phải đấu tranh bám vào chức vị, hầu được thời gian cơ hội ngắm người, nhìn vật mà quan thần đã sống trong tiền kiếp qua!

Thời gian lại tiếp tục trôi, vị thần già nua bấy giờ chuẩn bị ra đi, bỏ lại tất cả niềm thương tiếc. Trong niềm tiếc thương địa vị tài danh vật chất, lão thần có lần nhen nhúm phóng tâm ước ao mình sẽ được lên ngôi trị vì thiên hạ; nực cười thay, ước mơ đó đã thành tựu từ lâu và không những một lần trị vì thiên hạ, mà đã nhiều lần! Mĩa mai hơn, điện ngọc cung vàng nơi tiền thân làm vua của lão thần, vẫn hiện hữu đó, và nếu lão thần nhận ra điều này, thì sự kinh hồn hoảng sợ của việc tái sanh, sẽ làm lão chết đi không thốt nên lời!

Nghiệp thức say ngủ của kẻ lang thang trong giòng sanh tử, bây giờ tái sanh làm vị quan nhỏ, cai quản một thị trấn cách triều đình hơn 10 dặm. Giờ đây hiếm có cơ hội nhìn ngắm điện vàng, cung phi, mỹ nữ ...Giấc mơ vị quan nhỏ chỉ làm sao, thu đạt được nhiều bạc tiền, lấy lòng triều đình hưởng ân hưởng phước vua ban.

Tái sanh làm quan như vậy nhiều kiếp, rồi có một kiếp vì quá say mê sắc dục, muốn thỏa dục tình, cưỡng ép thường dân, hiếp kẻ thế cô chẳng còn liêm sĩ. Hành động như thế ngày càng làm dân oán hận, cho đến lúc chính người vợ của y phải điều tra sự thật, vì tai tiếng và ghen tức. Biến cố, hậu quả của vị quan tham sắc, lạm quyền đưa đến đổ vỡ tan nát gia đình; để rồi chỉ còn sống trên tước vị bằng màu sắc hào nhoáng chết lạnh, hợp theo tâm hồn cô lạnh của y.

Chuyện lại không đơn giản như vậy, cùng lúc có người trình đến vương triều, tội trạng lạm quyền hà hiếp lương dân - cuối cùng y bị truất phế tước vị, thành kẻ lang thang vô định, rồi chết đi trong oán giận, sân hờn. 

Kiếp này kẻ say ngủ sanh vào gia đình bần cùng nghèo đói, đó là quả báo nghiệp tội phung phí tiền của, cậy quyền ép uổng sát phạt người thế cô. Quả báo làm hắn đau khổ hơn, khi phải sống một nơi không xa nhà vị quan huyện giàu có; để chứng kiến cảnh giàu sang dư tiền lắm của đối lại cảnh khổ, thiếu ăn thiếu mặc mà hắn phải đương đầu. Tình cảnh như thế giết lần tinh thần thể chất của hắn, và rồi chết đi trong mê mờ ngu muội oán giận cuộc đời.

Lần này kẻ say ngủ sắm vai kiếp sống lang thang vất vưởng, làm kẻ ăn mày thường bị người xua đuổi hà hiếp mà chính hắn không hiểu vì sao bất hạnh vậy.

Làm kẻ ăn xin đói khổ, trải qua nhiều kiếp, kẻ say ngủ tự nhận được điều gì oái oăm của kiếp sống! Ðiều đó khiến cho tánh chất hung hăng thô lỗ tự giảm dần; rồi cảm thương cho mình bất hạnh; suy nghĩ vì sao phải đến nỗi này! Ðau xót cảm động thương hại chính mình đến xúc động tột cùng, rồi lâm bệnh chết đi trong cô đơn lạnh lẽo .

Dù thần hồn đã hối lỗi nhận hiểu số phận mình, nhưng nghiệp nhân quá khứ vô tư nào đâu thiên vị. Hắn tái sanh nhiều lần làm kẻ bất tài yếu đuối, sống thiếu thốn lo âu. Nhiều kiếp lại sanh làm thân nữ, phải trả quả báo, bị người hiếp đáp, làm nhục, nhưng không đau đớn bằng kiếp súc sanh, cầm thú bị người đánh đập giết ăn.

Trong kiếp súc sanh, hắn phải đau khổ qua cảnh phân chia lìa đám xa bầy, thường khi trốn lánh, mất ăn bỏ ngủ. Kiếp thú đầu tiên lãnh chịu là kiếp nai, thỏ, loài thú không chỉ làm mồi cho con người, còn là món ngon của thú dữ. Ðó là những hành nghiệp mà kẻ say ngủ tạo nhân khiếp đảm tổn hại đến người và vật. Nhưng cũng có kiếp mang thân thú dữ như: hỗ, báo, sư tử do vì tập khí quá hung hăng dữ tợn của hành nghiệp quá khứ.

Dù thế, song hành với nhân quả báo ứng, kiếp thú dữ như vậy vẫn phải sợ hãi trước đám thợ săn hung tợn, vui đùa với lằn tên mũi đạn xuyên qua máu thịt của bất cứ loài thú nào bị săn đuổi. Ðôi khi thú càng dữ, thợ săn chuyên nghệ càng thích trổ tài lùng bắt. Kẻ say ngủ tưởng rằng với sức mạnh chúa sơn lâm chẳng còn lo sợ, nhưng rồi cũng bị phân thây lột da, cho loài người thưởng thức. Cũng không phải chỉ có loài người làm hại, loài thú dữ vẫn phải đau khổ do thiên họa trời đất, lắm lúc đành phải mang thân đói khát chết đi.

Xuống lên sanh tử không một cõi nào mà kẻ say ngủ không trải qua; mỗi lần trải qua, lại không một đau khổ nào không nếm đủ. Những tưởng, tuyệt đối cõi người toàn sung sướng, nào ngờ lắm khi đau khổ đến tột cùng; do con người là chúng sanh có hiểu biết, có suy nghĩ, phân biệt nhận thức nên đau khổ càng gia tăng. Loài súc sanh ngây dại sống thiếu tiện nghi, nhưng vì không trí thông minh như người, nên không nhận thức, và vậy đau khổ chỉ là thô kệch từ thân xác mà phần tinh thần lại rất ít cảm nhận!

Kẻ say ngủ mãi bị quả báo thiện ác đáp đền tương xứng.

Ðến nay, thế giới văn minh khoa học, dù được tái sanh làm người, nhưng do nghiệp báo hãy còn nên phải làm việc nặng nhọc khổ thân, rồi quả báo hiện đến phải ra đi với nghề đã chọn (sanh nghề tử nghiệp). Nhiều kiếp có khi làm đến giám đốc, hoặc viên chức cao cấp trong chính phủ; chức vụ này nào có xa lạ gì với quan tước triều đình mà hắn đã từng thọ nhận trong quá khứ. Dù được làm Tổng Thống, hay Thủ Tướng lại có khác gì ngôi vua. Nhưng tổng thống, thủ tướng thời nay so ra, sao được sung sướng, uy quyền bằng lãnh chúa ngày xưa!

Do vô minh say đắm cùng tánh chất tham sân khiến hắn không dừng nghiệp ác. Cậy quyền lực địa vị cao, gian xảo đoạt lợi cho mình, thỏa mãn dục vọng hả hê. Cứ thế phải bị quả báo trở lại làm kẻ lang thang vô gia cư, trong một xã hội giàu có dư thừa vật chất.

Ðau khổ đọa đày vạn kiếp mới có một kiếp tĩnh ngộ, tái sanh làm con người mới. Nhưng không được bao lâu lại rơi vào biển tham đắm. Tham đắm nhỏ, dần dần biến thành như quả núi dìm hắn xuống tận địa ngục, rồi trở lên sanh vào loài thú, rồi bỏ kiếp thú, chịu quả báo tật quyền ăn xin cùng khổ ở cõi người, đến khi hết, lại vô minh tạo nên nhân ác khác ... 

Quả báo dội ngược vào thân đã là khổ, nhưng quả báo dày xéo tinh thần còn khủng khiếp hơn! Vì đương sự có giàu nghèo mặc kệ, một khi đối diện thì đau khổ tột cùng. Như là: đau khổ bất lực, vô phương bảo vệ người mình thương quý; vô phương thay thế nỗi đau khổ cho người mình thương!

Thực tế đó, là hình ảnh cha mẹ, chồng vợ con cái trong gia đình phải đối diện cảnh chia ly đột ngột không như ý muốn. Cảnh trạng có thể được xem đau khổ nhất khi mái ấm gia đình bắt đầu gầy dựng, thì phải chịu đựng biến cố người vợ xinh đẹp bất ngờ chết đi (bất đắc kỳ tử); chết đi đang lúc quá trẻ - hình ảnh ngược lại, đau thương cho người chồng gương mẫu chỉ sống được vài năm; và không biết bao nhiêu nước mắt cho những đứa con còn thơ dại lại từ biệt ra đi quá sớm - khủng khiếp hơn có khi cả gia đình ra đi một lượt để lại đương sự nỗi đau nghiến nát tinh thần.

Như vậy, như vậy đó! Toàn là khổ! Có được bao nhiêu vui!

Rồi một thoáng suy tư đau khổ kiếp người, kẻ say ngủ không còn ham muốn gì nữa trên cõi đời này! Vì bao cố gắng dành giựt cho bản thân mình cuối cùng chẳng hưởng được chi, so với công sức lao tâm lao lực từ bao nhiêu năm, và có lẽ từ bao nhiêu kiếp như vậy. Hắn thấm thiết nỗi đau chia ly cách biệt người thương, thì còn ý nghĩa gì mọi tiện nghi vật chất là vật vô tri vô giác.

Sống mà không người thương, không người đồng tình, sống như vậy còn buồn tẻ hơn loài vật, còn có bầy có loại.

Nhưng vật chất cũng là mối suy tư lo lắng giải quyết sự sống, vì dù hắn đã từng được thương yêu, nhưng nỗi ám ảnh đói nghèo đã làm chết hắn bao nhiêu kiếp qua! Ðến đây kẻ say ngủ không còn dám suy nghĩ nữa những oái oăm nghiệt ngã cuộc đời. Lần kiếp này nghiệp thức đưa hắn vào một thế giới (tâm trạng) nửa say nửa tĩnh.

Hắn không tìm được một giải đáp cho cuộc đời, trong khi bao câu hỏi trong đầu cứ tuôn ra. Dù rằng nỗi khổ trong kiếp này không thấm gì cái khổ trong quá khứ. Tất nhiên hắn không thể có Túc Mệnh Thông biết được quá khứ kiếp, nhưng lực cảm thế nào khiến hắn nhìn cái khổ của người chung quanh rồi linh cảm rằng mình từng đau khổ vậy. Hắn thấy cái đau của người mất cha, mất mẹ, mất vợ, mất chồng, mất anh chị em. Cái đau đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng, cái đau anh chị em bất hòa, cái đau cha mẹ không dạy được con mình, cái đau của người con không thể phân trần với cha mẹ, cái đau tình bạn hiểu lầm, cái đau thương hóa thành hận. Cái đau của mọi người phải gánh chịu một phần tử bất chánh trong gia đình, xã hội, cái đau của kẻ bất chánh không có người cảm thông, cái đau của người tù ngục, và cái đau của tất cả mọi người chịu đựng nỗi khổ trần gian này.

Hắn tự không biết nguyên nhân nào lại cảm xúc như vậy, dù hiện thời hắn chưa nhận thức được điều gì là tôn giáo tín ngưỡng. Chỉ một điều mà hắn cho rằng, có lẽ vì quá khổ đau trong quá khứ, nên không thể tiếp tục nữa!

 

Tìm kiếm và định đoạt.

Mọi việc theo nhà Phật đều có nhân duyên; hắn bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu vấn đề tâm linh. Vấn đề làm thế nào có thể giải đáp bao câu hỏi trong đầu hắn; cũng không phải tuyệt đối là tôn giáo, mà có thể bất kỳ việc gì ở thế gian khả dĩ mang lại an tâm cho đời sống hiện tại, và tất nhiên phải siêu việt tư duy của con người trong thế giới hữu hạn bằng ngôn ngữ thế gian. Hắn muốn nói, điều đó phải thỏa mãn cả hai mặt siêu hình và thực tại. Cuối cùng tín ngưỡng mà hắn ngừng lại để bắt đầu tìm học là đạo Phật. Vì hắn thấy rằng, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo, cũng không phải là triết học, cũng không phải là bất cứ tên gì thế gian có thể đặt cho!

Hắn hiểu, tôn giáo tín ngưỡng chỉ để xoa dịu nỗi đau khổ khi con người bất lực không cứu được mình, và nếu con người có thể hiểu rõ con người, hiểu rõ nguồn gốc khổ đau thì con người đã vượt qua tôn giáo.

Nói một cách khách quan hơn, nếu con người là chánh nhân, nạn nhân cần xoa dịu, thì con người cũng là chánh nhân giải quyết những nguyên nhân đã làm con người thành nạn nhân. Cho nên con người không thể cầu cạnh một ai, nếu con người không nhìn thấy được chính con người. Ðiều nữa đấng tối cao hay thần linh cao cả là chỗ quy về, chỗ núp bóng theo ý nghĩa tôn giáo thì quá trừu tượng cao xa, mà xưa nay chưa thấy xuất hiện để mọi người thiết lập được cụ thể mà hành động theo.

Triết học cũng vậy, cũng là sản phẩm của con người, nhưng lại không giải quyết được thực tế hiện hữu sự đau khổ của nhân sinh; có chăng chỉ để làm đẹp cho đời bằng thú vui cao sang chữ nghĩa, hay nếu có cũng chỉ xoa dịu cho những tâm hồn trí thức, trong khi đa số con người trên trái đất là hàng bình dân.             

Trong đạo Phật hắn không thấy như vậy, nghĩa là không có cầu cạnh một đấng thần linh hay đấng tối cao nào như định nghĩa của tôn giáo, và sự tôn kính, lễ lạy hiện bày ở nơi chùa chiền chỉ là việc tri ân, mến đức đối với một người học trò kính một bậc Thầy là đức Phật, đơn giản vậy thôi. Tất nhiên, tiếp theo hiểu rằng, nếu học trò đó tạo lỗi gây ác nghiệp, thì việc lạy lục cúng bái cũng thành vô ích! Trừ khi song hành với việc lễ bái sám hối, học trò nguyện sẽ không làm ác nữa và từ đó sẽ làm việc thiện đây mới ý nghĩa và hoàn toàn có ích.

Nói về triết lý, nếu đạo Phật được xem như một nền triết học, thì nền triết học này phải xuất phát từ trực giác trí tuệ do công phu tu hành, nên kết quả sẽ đưa đến an lạc giải thoát, chứ không là nghiên cứu theo lý trí (giác quan) phân biệt, để kết quả vẫn mãi là kiến thức, và nhất là kiến thức quá xa mờ trừu tượng không thể đưa mọi tầng lớp con người diệt được khổ hưởng được vui. 

Ðó là nhận thức đầu tiên hiểu về đạo Phật, tuy nhiên những vấn đề siêu hình, huyền diệu và nhiệm mầu trong những con người tu sĩ đắc đạo, cũng như nơi thờ phượng tri ân Phật mà hắn chắc chắn rằng phải có. Do vì từ một con người hoàn toàn trong sạch thanh tịnh tâm, tất nhiên sẽ khác hẳn một con người nhiễm ô, bất tịnh. Từ sự khác biệt bên trong giữa Tịnh và Nhiễm, sẽ hiển bày  tạo thành mỗi thế giới khác nhau. Và nếu thế giới bên trong nội tâm đã khác, nên thế giới bên ngoài cũng khác. Cụ thể tỉ dụ, lối sống của mỗi người, mỗi trình độ khác nhau chênh lệch, là do bên trong của họ chẳng đồng. Ðiều này mới thấy lối sống các vị chứng đạo, người thường không thể hiểu được.

Về mặt hình thức lễ nghi cúng kiến của đạo Phật, trông nhìn như tôn giáo mà chẳng phải, đó chỉ là phương tiện tùy duyên tiếp nhận phù hợp với mọi căn cơ. Nhưng điểm chính vẫn lấy nền tảng của từ bi và trí tuệ làm chuẩn, cho nên dù thấy rềnh rang nghi lễ nhưng không xa rời thực tế, là phá vọng hiển chân, là chỉ bày sự vật vô thường, đời sống giả tạm, chúng sanh đau khổ, và giải thoát an vui. Có lẽ rõ ràng hơn, trong nhà Phật hay nói: Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, nghĩa là người hành đạo giải thoát phải biết tùy duyên khi tiếp cận với người và cảnh, nhưng khi tùy duyên như vậy lý tưởng giải thoát, giới học người tu sẽ không bao giờ thay đổi (bất biến).

Ðại khái hiểu được vậy là do hắn học hỏi từ kinh sách Phật, từ những người tu hành nghiêm cẩn nói ra; điều đó làm hắn cảm thông chấp nhận như  một lối sống đáng tín ngưỡng hành theo, mà không phải là tín ngưỡng phản lại chánh tín, chánh tư duy.

Hắn lại thấy, không những đạo Phật đáp lại được hoài nghi thắc mắc của hắn mà còn vô số giải đáp khác mà hắn chưa bao giờ nghĩ ra. Ngoài ra còn nhiều điều lạ, hắn phải đam mê đeo đuổi.   

Ðiểm độc đáo nhất, khi vị giáo chủ là Phật Thích Ca cũng chẳng cần ai đeo đuổi ngợi ca; điều này sẽ không xãy ra ở đạo giáo khác! Vị Giáo chủ Thích Ca chỉ tự cho mình là người chỉ đường hướng đạo! Ðây là điều mà hắn vô cùng kính phục. Hắn thầm suy nghĩ đến một đoạn kinh Phật dạy: "Hãy đến đây: người Kãlãma, không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại (tỉ như nghĩ rằng ta đã nghe điều này từ lâu) không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại như thế (tỉ như nghĩ rằng điều này đã được truyền lại từ bao nhiêu thế hệ). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì có lời đồn đãi như vậy (tỉ như tin lời người khác mà không suy xét). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình đã ức đoán như vậy. Không nên chấp nhận điều gì mình suy diễn như vậy. Không nên chấp nhận điều gì theo bề ngoài. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến mình. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được (tỉ như nghĩ rằng điều này phải được chấp nhận). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều nầy đã được ta kính trọng từ trước (và như vậy lời nói phải được chấp nhận).

Một vị Giáo chủ khai sáng chủ trương đạo mình, lại khước từ những người nhẹ dạ tin theo, khước từ người vị nễ tin theo, khước từ tất cả dù là chân đế (chân lý, pháp giải thoát) nếu người tin theo chân lý mà không tư duy suy xét điều đó đúng hay sai, để thực hành phù hợp lý trí tư duy với chánh pháp, không tổn hại người và chính mình.

Quả thật là lời dạy cụ thể chân như, không một vết chấm dị đoan mê tín.

Và tất nhiên tiếp theo, Ngài dạy phải ứng xử thế nào với thắc mắc nghi ngại để thiết lập niềm tin.

"Tuy nhiên, khi tự các con hiểu rõ rằng - những điều nầy không hợp luân lý; những điều nầy đáng được khiển trách, những điều nầy bị các bực thiện trí thức cấm đoán, nếu thực hiện những điều nầy sẽ bị phá sản và phiền muộn - thì hẳn các con phải từ bỏ, không làm điều ấy.

"Khi các con hiểu rõ rằng - những điều nầy hợp luân lý; những điều nầy không bị khiển trách, những điều nầy được các bực thiện trí thức tán dương, nếu thực hiện những điều nầy sẽ được an vui hạnh phúc - thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy." [1]

Ðiều nữa vị Giáo chủ lại dạy rằng không phải chỉ duy có Ngài là bậc siêu việt, mà ai ai cũng sẽ siêu việt như Ngài nếu hành động theo đúng chân lý. 'Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành' hay "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" (nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).

Ngoài việc hắn khâm phục, kính mộ như vậy, lại có những vấn đề khiến hắn phải suy nghĩ, lo ra. Ðấng Ðại Giác có lần dạy đệ tử Ngài, bằng cách đặt vấn đề dẫn dụ: "lá cây trong tay Như Lai và lá cây trong rừng, số lá nào nhiều hơn?" Tất nhiên câu trả lời - lá cây trong rừng, số nhiều hơn không thể đếm được. Ðấng Ðại Giác liền dạy: Cũng vậy những gì Như Lai chỉ dạy các ông như số lá trong tay Như Lai, và những gì Như Lai hiểu biết ví như lá trong rừng.!

Ðây là vấn đề hắn phải hoang mang! Thế thì làm sao, chừng nào thành Ðấng Toàn Giác? Trong khi chỉ có lá cây trong tay Như Lai mà hàng đệ tử Phật từ xưa đến nay, có ai học hiểu hết đâu? Dù đã có nhiều vị chứng đắc từ thời Phật đến nay, thì bậc cao nhứt chỉ là quả vô sanh (A La Hán)! Vậy lời Phật dạy các người là Phật sẽ thành, thì chừng nào mới thành!!?

Khó hiểu như thế, nhưng hắn vẫn thầm kính phục Ðấng Toàn Giác, vì đã là Ðấng Toàn Giác thì không bao giờ nói sai, dù sai một li hào mảy may cũng không có! Hắn hứa với lòng mong sao tìm được câu trả lời này!

Ðiều nữa làm hắn giựt mình, khi Như Lai cũng đem tỉ dụ so sánh dạy các đệ tử "Ðất trong tay Như Lai so với đất đại địa, bên nào nhiều hơn ?" Cũng vậy, những người sanh được cõi trời và trở lại cõi người ví như đất trong tay Như Lai, và số còn lại rơi vào đường khổ dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) như đất đại địa. Hắn phải toát mồ hôi; nhìn lại mình đang may mắn thọ thân người, và sự may mắn hơn là nghe được ‘bí mật’ này!

Một thoáng hiện qua hắn chợt nghi ngờ lời Phật dạy! Tại sao người trên quả địa cầu tính từ ngày Phật nhập diệt đến nay chỉ có tăng chớ đâu giảm; đến nỗi các nước đông dân phải báo động kế hoạch hóa gia đình, chỉ sanh một đến hai con. Thế, cớ sao Phật dạy, sanh trời, người ít như đất trên tay!

Thắc mắc thoáng qua thì giải đáp chợt xuất hiện; nhìn qua khung cửa sổ trước bàn kinh sách nơi hắn đang ngồi suy tư, một đàn kiến nối nhau bao quanh khung cửa tạo nên một vòng giây màu nâu đỏ, xê dịch chuyển động nhịp nhàng. Lượng kiến quá nhiều khó đếm được bao nhiêu con! Bất giác hắn cười lên. Thôi đúng rồi, Phật dạy quả không sai. Chỉ lấy số kiến đem so với người cũng đã hơn rồi, huống chi còn vô số loài khác. Vì kiến ở đâu không biết, nhưng nếu có vật ngọt mồi ngon vứt bỏ, tức thì chẳng bao lâu kiến xuất hiện. Rồi không phải chỉ có ở khung cửa sổ nhà hắn, mà khắp cả đất nước nơi nào cũng có. Lại nữa, không phải chỉ có quốc gia hắn đang ở, mà các nước Việt Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, Nhật Bản, Nam Dương, Hoa Kỳ, Pháp, Ðức v.v...đều có kiến, hay nói đúng hơn tất cả phần đất trên cõi Ta Bà này hầu như đều có.

Tích chuyện xưa, Ngài Xá Lợi Phất chỉ cho ông Cấp Cô Ðộc xem một đàn kiến, đã chịu nghiệp kiến chết đi sống lại trải mấy thời Phật vẫn còn! [2]

Hắn nhóm người đứng dậy, thầm đọc bài kệ "uống nước", mà hắn đã nghe quý vị tu sĩ thường dạy:

Phật quán nhất bát thủy,

Bát vạn tứ thiên trùng

Nhược bất trì thử chú

Như thực chúng sanh nhục

Án phạ tất ba ra ma ni sa ha

Phật nhìn một bát nước

Tám vạn tư vi trùng

Nếu không trì chú nầy

Như ăn thịt chúng sanh [3]

  

Cả vi trùng nữa! Thật là Phật tế nhị chẳng nói thẳng ra, không khéo mình sẽ sanh vào thế giới vi trùng; và nơi đó số lượng làm sao đếm được! Vì có thấy đâu mà đếm!? Dùng kiếng hiển vi thì chỉ thấy phạm vi quá nhỏ; thế tính được bao nhiêu vi trùng trong một hồ bơi!!!

Ôi! Phật là đấng siêu việt không sai.

Sung sướng thay, may mắn thay làm được kiếp người! Một kiếp chúng sanh quá ít oi như đất trên tay Phật!

Hắn bắt đầu tìm hiểu, thực hành tu học theo từng bước, mong thành đạt con đường mà Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.

Trước hết hắn phải quy y ba ngôi Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, chính thức bước vào ngôi nhà giải thoát.

Nếu không quy y thì chỉ là học hiểu theo tâm niệm của người nghiên cứu, hay ngưỡng mộ tầm thường thôi.

Hắn hiểu, nền tảng quy y Tam Bảo là xây dựng tâm tưởng mình vào một lý tưởng giải thoát, cứu độ chúng sanh. Có quy y thì tất cả hành động thiện sẽ không dính mắc theo kết quả lời lỗ vay mượn; gọi đúng theo nhà Phật chỉ là phước báo hữu lậu. Phước báo đó tất phải vô thường, chưa nói, đôi khi phản lại hành động thiện ban đầu, do vì thọ báo sung sướng người ta hay dễ sanh tâm tham đắm ô trược, để rồi trôi lạc vào vòng đau khổ, lại mãi chạy vòng vòng mà không biết nguyên nhân, chưa Quy Y Tam Bảo. Ðó là hình ảnh chính kẻ say ngủ đã ngụp lặn từ vô thủy đến nay.

Quy y Tam Bảo, mọi hành động tự nó chiêu cảm vào tánh thức giải thoát, kết nạp mình vào dòng ý niệm duyên khởi xây dựng chủng tử thiện pháp, và thanh tịnh được mọi hành động hướng về kết quả siêu việt của chân thiện mà nhà Phật gọi là phước báo vô lậu vậy.

Không nên hiểu một cách hạn cuộc, tầm thường là quy y Tam Bảo thì trở thành con Phật và đệ tử của Thầy A, Thầy B, Chùa C, Chùa D v.v...Như vậy sẽ tạo nên phân biệt cố chấp, vô tình đánh mất tánh chất giải thoát, thanh tịnh của sự quy y, và lý pháp nhiệm mầu siêu xuất của pháp giải thoát - khiến người hiểu Phật pháp nhìn thấy buồn cho, cũng như chính bản thân mình khó uống được hương vị giải thoát của Tam Bảo. Trong khi, nên hiểu, Phật là sự giác ngộ tự tánh của mình, Pháp là dòng sống thánh thiện của chánh lý thiện pháp, và Tăng là thể hiện sự thanh tịnh của con người khi tỉnh ngộ dòng pháp chân lý kia. Nhưng dù nghe quy y đơn giản rõ ràng như vậy, ta vẫn không thể tìm được và tự mình biết được để giữ cho dòng ý thức lưu mãi hiểu biết này, do đó ta phải chính thức cầu xin quy y trên hình thức, qua lời thống thiết tác bạch, được chứng minh bằng lời kinh pháp, cùng với vị Thầy là đại diện pháp thân thanh tịnh chứng minh cho. Nói đúng hơn nếu không có sự xuất hiện của Ðấng toàn giác ta sẽ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử, và hẳn nhiên không bao giờ biết Tam Bảo là gì, nói chi đến quy y! Do đó mà nói làm người là khó, lại nghe được Phật pháp còn khó hơn. Nhưng hiểu thêm ra, được quy y nương tựa Tam Bảo còn khó hơn nữa, bởi vì nhiều người đã nghe Phật pháp mà chưa thể quy y.

Vậy ai cũng nên quy y Tam Bảo, là việc đầu tư kho báu đời này và mai sau.

Sau khi được quy y Tam Bảo, kẻ say ngũ giờ đây phần nào thức tĩnh. Hắn bắt đầu học kinh, ngồi thiền, niệm Phật.

Việc đầu tiên mà hắn phải giải quyết để từng bước, bước vào pháp giải thoát. Ðó là năm giới của người học Phật 

Giới đầu tiên, không sát sanh

Hắn suy tư lại dòng sống ngút ngàn của một chúng sanh trong sanh tử, phải chịu mọi khổ đau phiền não từ thân đến tâm. Dù sanh trong hoàn cảnh nào, dù mang hình thù chi chúng sanh đó cũng phải chịu mọi khổ đau thân tâm như vậy. 

Chúng sanh hình thù càng lớn sự đau khổ càng nhiều, nhưng chúng sanh càng nhỏ ai lại biết cái đau khổ ra sao! Sự đe dọa của ngoại cảnh xúc tác vào thân thì thân nào chẳng đau đớn. Bộ óc nhỏ lớn ra sao cũng không ngoài cảm thọ khổ vui, nên dù lớn dù nhỏ sự cảm thọ khổ vui không khác; nghĩa là con vi trùng vẫn có thế giới của nó và trong thế giới đó nó vẫn đau khổ qua sự tranh dành miếng ăn, tránh né sự đe dọa tánh mạng, không khác gì con voi hay khủng long là loài động vật lớn hơn nó gấp bao triệu lần không tính được!

Như thế người học Phật hiểu rằng, bất cứ loài chúng sanh nào đều có sự xúc tác đến hoàn cảnh sinh tồn, đều đang trôi nổi trong một dòng sống ngút ngàn sinh tử và tất nhiên dòng sống ấy phải là đau khổ.

Do thế người học Phật chắc chắn đã biết, Phật dạy Khổ là chân lý [4].

Nhưng khổ có riêng ai không! Hẳn nhiên không của riêng ai - điều đó chỉ cho tất cả chúng sanh đang lặn hụp vậy.

Ðừng nói là chúng sanh ở cõi Ta Bà này khổ thôi, mà cả cõi trời cũng còn trong vòng khổ.

Vậy ra chúng sanh đang khổ, lẽ nào lại gây thêm khổ, như phải cướp đi sinh mạng chúng sanh.

Chúng ta chưa nói đến khổ về tinh thần, chỉ nói đến cái khổ thể chất mà thôi.

Một số người không học đạo giải thoát, vẫn biết thương người mến vật, huống gì người đang học Phật và đã quy y Tam Bảo! Do đó bằng cách nào phải trải lòng từ bi đến tất cả.

Thật ra phạm nghiệp sát sanh là do ta không đủ trí huệ nhận thấy, nên có sự phân biệt người vật, để rồi xem thường sự sống của chúng, biến thành phẩm vật cung dưỡng cho ta.  

Với cái nhìn của bậc giác ngộ, chắc chắn các Ngài đã nghe và thấy sinh hoạt tất cả các loài chúng sanh. Như các vị Bồ Tát vì lòng từ bi, thị hiện vào loài người mang đủ hình dạng để cảm hóa cứu khổ chúng ta, không lẽ nào các Ngài lại không thị hiện vào loài súc sanh là hạng chúng sanh đang cần giải thoát hơn con người!.

Lòng từ bi cứu khổ của Bồ Tát chắc chắn không thể làm ngơ được. Ðộ bằng cách nào thì chúng ta chẳng rõ.

Loài người so với súc sanh hầu như hoàn toàn sung sướng hơn. Nói rằng hầu như chớ không tuyệt đối, vì vẫn có một ít con vật có đời sống sướng hơn cả một số người. Hình ảnh này hiện đang xảy ra nơi các nước giàu có văn minh.

Loài chó mèo ở đây (Úc Ðại Lợi) có con được may mắn săn sóc không kém một con người là bao; chúng cũng được Bác sĩ chẩn bệnh khi đau ốm, cũng được chọn lựa thực phẩm rẽ tiền hay đắc tiền từ nơi siêu thị, và nhất là loài chó thỉnh thoảng phải dẫn ra ngoài bách bộ để thư thả thần kinh; sợ ở nhà ăn uống ngủ nghỉ dinh dưỡng quá thành bệnh!

Ở nhà, có nhà riêng trong vườn, (doghouse) nhưng một vài chủ quá cưng cho ngủ luôn trong nhà. Khi chúng chết lại được chôn cất đàng hoàng nơi nghĩa trang dành riêng, một cách có hình thức thủ tục; và nghi thức hạ kim quan cũng trang nghiêm giống như người vậy. Người chủ cũng nhỏ lệ tiếc thương dựa đầu vào người bên cạnh ngậm ngùi, thương tiếc!

Hình ảnh như vậy không phải là cách bày vẽ lập dị của những người giàu có đơn độc thiếu tình thương với người mà mượn loài vật làm vui. Ðiều này cũng phần nào đúng, đối với những lão niên ở một mình tìm vật hủ hỉ làm bạn, tuy nhiên tự con vật đó đã thể hiện một sự gần gũi thông minh cảm tính như người.

Chắc chắn người sống ở xứ văn minh không lạ gì các chú chó hướng dẫn người mù đi lại qua đường. Và chuyện chó trung thành với chủ, nghe qua ai lại không cảm động! Rõ ràng loài chó có thế giới riêng của nó, và có thể phần nào ‘hội nhập’ cảm nhận được thế giới loài người. Thế thì các chú chó may mắn được gần gũi và đối xử phần nào giống người vậy, chắc chắn phải có sự liên hệ trong vòng luân hồi nhân quả mà giáo lý nhà Phật đã dạy. 

Người và vật cảm hiểu được nhau, tức có nguyên nhân; minh chứng cụ thể, ta thấy các con vật trong đoàn xiết (circus). Nếu không, làm gì con người có thể thuần hóa được chúng một cách phi thường vậy!.

Bây giờ mới thấy rõ, sáu nẻo luân hồi Trời, Người, A Tu La, Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh là những chặng đường mà một chúng sanh có thể sanh lên sanh xuống. Vậy thì tránh sát sanh hại vật là điều tự nhiên, khi thế giới loại vật ấy, một thời ta cũng từng trải qua; được như thế cũng là cách ngừng lại sự ân oán trả vay, vay trả. 

Giới không được trộm cắp:

Sự sống cần nên hài hòa trung dung, cần nên chia xẻ xây dựng, kiến tạo môi trường sống hòa bình thịnh vượng. Từ xưa đến nay đó là nền tảng; như thế mới mang đến cuộc sống an vui gia đình hạnh phúc.

Một cá nhân nếu giữ được tâm rộng lượng chia xẻ với mọi người, cá nhân đó sẽ được người thương mến, và theo luật nhân quả sẽ chẳng bao giờ thiếu thốn dù sống bất cứ nơi đâu. Xã hội và quốc gia có được nhiều con người như vậy, nhất là được con người đó lãnh đạo chắc chắn quốc gia ấy không thể nào yếu kém được.

Ngược lại là cướp đi sự hài hòa trung dung tức gây mất mát đau khổ cho người khác. Người không học Phật cũng chẳng bao giờ làm điều này huống chi người muốn giải thoát.

Thử nhìn lại con người mình qua nhu cầu thọ hưởng đời sống vật chất đầy đủ; nhưng nếu phương diện nào đó bị khuyết điểm, thường hay tiêu hao, không thể đầy đủ như người khác, thì ta có thể đoán biết rằng trong những đời sống quá khứ ta đã không rộng rãi với ai, hoặc đã phạm giới trộm cắp. Dù rằng ta vẫn được phước báo ấm no như ngày nay, do tạo thiện nghiệp quá khứ, nhưng bên cạnh vẫn phải chịu ảnh hưởng của những tác nghiệp trộm cắp đời trước. Do đó nên cẩn thận, chớ tưởng rằng việc lấy cắp một vật gì, không ai thấy, không tổn thương ai sẽ không có quả báo. 

Giới không được Tà dâm

Người cư sĩ tại gia, chỉ tìm hạnh phúc nơi gia đình chồng vợ của mình, tránh liên hệ gây khổ đau phá vỡ hạnh phúc gia đình mình và người khác. Như vậy hợp cách với tinh thần luân lý, và xã hội đất nước nào cũng vui mừng khi thấy hạnh phúc của mỗi gia đình được tôn trọng. Ðó là kết quả sanh ra những con dân ưu tú thông minh hạnh phúc.

Sự bất chánh giao du với người khác không phải là chồng vợ mình, chẳng những hậu quả phải cư xử lén lút không tự nhiên, mà hậu quả còn ảnh hưởng đến đứa con của hai người. Vì sự ra đời của đứa bé hẳn có liên hệ đến cả hai vợ chồng, nhưng đây lại không phải vợ chồng (chính thức) nên đứa bé sẽ không như ý mơ ước của hai người!  

Giới không nói dối

Nhân cách của một người được điểm lên bằng hành động và lời nói. Cũng thế sự hủy hại thanh danh tư cách của mình cũng từ đây. Lời nói dù ít hay nhiều đều có ảnh hưởng, nhất là cá nhân nào có quyền hạn thì tác dụng lời nói sâu nặng hơn và kết quả sẽ tương ứng.

Phật dạy "nói năng trong chánh pháp, im lặng trong chánh pháp", điều đó cho thấy, lời nói để tạo ra chánh pháp không phải là dễ.

Ðời sống một ngày, bắt đầu từ khi thức giấc cho đến về phòng nghỉ lại, ta đã phát ra rất nhiều âm thanh. Những âm thanh nầy có khi vô tình cũng khi cố ý tạo ra không ít phiền não đau buồn đến người khác. Ngay đến con vật cũng hoảng hồn khiếp vía khi ta la hét đuổi xua chúng! Và chắc chắn rằng không ai lại chịu đựng sống chung với người thường hay thốt ra những lời cay cú, cộc cằn, gay gắt.

Nếu như con vật còn cảm được âm thanh im diệu, êm tai, thì con người làm sao không hạnh phúc khi được sống chung với người khẩu hòa, ái ngữ!

Nói năng trong chánh pháp, căn bản trước tiên là không nói dối, rồi sau đó mới trong sạch được ngữ ngôn của mình, cuối cùng mới phát được lời hay ý đẹp.

Hậu quả và lợi ích không nói dối đã quá rõ ràng mà ai cũng có thể nhận ra. Nhận định thêm về hậu quả, là ngay trong đời này mọi người sẽ xa lánh ta; ta không còn uy tín với ai dù với một đứa bé.

Mất uy tín rồi khó mà lấy lại, đây là niềm đau lớn, lớn hơn cả nạn nhân bị ta nói dối. Nếu ta bỏ xứ đi nơi khác, thì, do thói quen ta dễ tái phạm và đây lại là hậu quả do ta xem thường sự quan trọng của lời nói. Phương cách diệt trừ nói dối, là nhận định được lợi ích của sự thành thật thế thôi!

Không nói dối được người quý mến; lại có người tìm đến xin kết bạn mà chẳng cần tìm bạn, đó là lợi ích nhỏ nhứt và sơ khởi. Không nói dối nên có uy tín, vì có uy tín, đến đâu làm gì cũng được người giúp đỡ, ủng hộ. Không nói dối ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình, nên các con cháu, em út đều noi theo. Và quan trọng hơn hết, đã thực hành phần nào nói năng trong chánh pháp; lợi ích này mới là lợi ích vĩnh hằng cho con đường thoát khổ đời sau. 

Giới không uống rượu

Ðây là giới cuối cùng trong năm giới, và đó là căn bản của người đang quy hướng vào con đường học Phật. Giới đây xem ra thật quan trọng, dù thực tế nhận thấy, hành động uống rượu không gây tổn thương ai; nhưng một khi đã phạm vào giới này đến mức say sưa, thì lý trí, tâm bình tiêu mất, từ đó là tác nhân phá hết bốn giới trên.

Tuy nhiên, người cư sĩ học Phật hiểu vậy, vẫn khó tránh phạm, chỉ vì đang sống trong thế giới văn minh hiện đại ngày nay. Nhưng giáo pháp của Phật là dòng suối, tuôn chảy vào mọi hang cùng ngõ hẽm, nên dù hoàn cảnh nào người học Phật cũng có giải pháp hóa giải tiến tu.

Chúng ta phải hiểu qua tinh thần học đạo Ðại Thừa, phải "Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên". Khi người cư sĩ vì liên hệ với công việc, phải xả giao qua tiếng chào ly rượu, đó chẳng phải kẹt chấp gì; điều quan trọng chỉ cần ghi nhận, định vị được vị trí con người của mình đang là người học Phật, thì hành động xã giao kia sẽ có giới hạn và chấm dứt ngay khi việc đã dừng. Nếu không ý thức được như thế, chỉ còn cách xin thọ nhận bốn giới trên; tuy nhiên chân lý vẫn là chân lý, nghĩa là dù không thọ giới "không uống rượu", tác động của nó vẫn làm hư hại bốn giới trên, lẽ đó tốt hơn nên ý thức về việc uống rượu, cho dù có thọ giới hay không thọ giới.

Giới không uống rượu còn phải hiểu, những gì làm đê mê, kích thích mất đi lý trí, tâm tánh sáng suốt... những thứ như vậy không được dùng.

Khi đã hiểu qua căn bản năm giới, kẻ lang thang say ngủ cảm nhận được tương đối về những gì Phật dạy.

Hắn cố gắng xây dựng cho mình cách sống của người tĩnh thức. Không chỉ đọc sách nghiên cứu Phật pháp như bước đầu, mà thực hành là điều then chốt. Cuộc sống của hắn bây giờ phải gắn liền với Phật pháp, dù phải làm việc chi. Hẳn nhiên công việc sát sanh không thể có được.

Việc thực hành Phật pháp đầu tiên là Thiền, vì Thiền giúp sống trong chánh niệm ở mỗi động tác. Ðây đã mang đến kết quả, mà trước kia chưa tĩnh thức hắn hay miên man nghĩ ngợi đủ thứ trong khi làm việc, do thế công việc không thể đạt đúng chất lượng yêu cầu.

Từ đây sự kiện nào xảy ra hắn thường bình tĩnh, không phải phản ứng tức thời, không lo lắng bồn chồn vội vã. Ngay đây hắn đã thực hành áp dụng giáo lý Nhân duyên; rằng tất cả đều có nguyên nhân và nên dò theo nhân duyên mà xử lý.  Khi xử lý phải sáng suốt nhẹ nhàng theo chánh niệm, tức áp dụng vào việc quán xét vấn đề trong Thiền học. Vì thiền là tư duy, là định tâm không vướng mắc nên xử lý vấn đề cũng cần định tâm, tức cố gắng đứng ngoài vấn đề để quán sát. Ðứng ngoài vấn đề mới thấy vấn đề, nhưng không có nghĩa không hội nhập, mà là hội nhập chẳng kẹt chấp.

Trải qua nhiều năm như vậy, cuộc sống và con người của hắn đã thay đổi phần nào, tuy nhiên hắn vẫn còn băn khoăn. Ðiều lo nghĩ của hắn là hoài bão muốn xây dựng một đời sống toàn thiện, một cuộc sống, có thể mọi người đều thực hành được như hắn! Dù rằng hắn mới đạt được thật sơ cấp của an lạc. Ðây nói lên Bồ Ðề tâm bộc phát thật mạnh trong người hắn.

Hắn nhận thấy, người học Phật cũng đông mà người thể hiện sự an lạc chứng đạo thì quá hiếm - tuy họ không nói ra nhưng người ta có thể thấy được, nhất là hắn đang dò xét để tìm mà cũng chẳng thấy. Hay vì các vị hành đạo, chứng đạo trong âm thầm! Nhưng tu Phật phải cứu độ chúng sanh, cứu chúng sanh phải thể hiện cụ thể, ít ra ở con người đó một vài hành vi liễu đạo giải thoát v.v...Thế là tìm một người còn khó gặp, thì thế giới hắn ước mong toàn người giải thoát làm sao có được!

Hắn không hoài nghi lời Phật dạy "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", nghĩa chính xác là sẽ thành Phật. Nhưng đợi một người thành Phật quá lâu, trong khi thời gian tạo nghiệp ác của nhiều người chưa duyên học Phật càng chất chồng thêm.

Nhìn vào thế giới, con người lại đủ hạng lớp; số người già với trẻ nít tương đối nhiều hơn so với hạng bắt đầu hiểu biết và bậc trung niên. Vậy vấn đề làm sao có phương pháp tu nào để mọi trình độ, tất cả lớn nhỏ đều có thể thực hành! Vấn đề, làm sao tạo được cảnh thuận cho người phát được Bồ Ðề tâm, hay đúng hơn hoàn cảnh, nơi đâu không bị chướng duyên cho việc tu đạo.

Nhìn lại các tông phái tu Phật thịnh hành nhất hiện này là, Thiền tông, Mật tông và Tịnh độ tông -  cho đến nay trong ba tông này vẫn không thấy được nhiều người đắc đạo; đó là ba tông thịnh hành tương đối được hầu hết Phật tử có thể hiểu được và thuận duyên tu theo.

Tuy vậy đặc biệt hơn, là Tông Tịnh độ; kết quả của việc tu theo pháp môn này thật kỳ diệu, người hành pháp môn đó trước khi chết hiện tướng an lạc nhẹ nhàng, có khi còn sanh hiện tượng siêu nhiên không giải thích được. Nhưng siêu nhiên hơn hết là ai tu cũng được, từ tu sĩ cho đến cư sĩ và thực hành được ở bất cứ nơi nào dù sơn dã hay thị thành. Với hai pháp tu Thiền, Mật vẫn là tuyệt diệu pháp môn không khác Tịnh độ, nhưng phổ cập vào nhân gian vào thế giới nhiễm tịnh bất đồng trong thời đại ngày nay, thì không thể nào so sánh và làm được như tông Tịnh Ðộ. Ðơn giản chỉ vì đòi hỏi hành giả tối thiểu một căn cơ từ bậc trung trở lên, và hoàn cảnh phải hoàn toàn thuận duyên cho hành giả. Và tất nhiên hành giả nào thực hiện và chứng đạo được, một trong hai Tông Thiền, Mật ngay xã hội rộn ràng này, đó là điều mừng lớn, không chỉ riêng vị hành giả kia mà chung cả hàng Phật tử mọi tông phái.

Nói riêng Mật tông, có điểm tương đồng như Tịnh độ, vừa tự lực nhiếp Thân, Khẩu, Ý thanh tịnh, vừa nhờ vào thần chú chư Phật gia bị, tuy nhiên vì vừa dùng chú vừa nhiếp ba nghiệp, hành môn này sâu thẩm hơn, có công năng chứng được định giới, ngay trước khi xả bỏ thân, và cũng vì sâu thẩm vậy, cần phải có Thầy hướng dẫn tu nếu là cư sĩ, còn tu sĩ thì phải sống một nơi thích hợp mới dễ hành. Ðiểm tương đồng đó là vừa dụng công tự lực, vừa có tha lực chư Phật gia bị nhiếp thọ cho.

Thiền thật thịnh hành và hầu như căn bản nói về thiền, Phật tử không xa lạ. Ðặc biệt pháp tu đây phần lớn nhờ vào tự lực. Hành giả phải xả bỏ ngã chấp và pháp chấp, rồi thanh lọc thân tâm, nhận ra đâu là vọng đâu là chơn; thấy được tánh chân như, bản lai diện mục của các pháp. Hành giả đi vào được định và an lạc ngay tại đây. Tuy nhiên hành giả phải tiếp tục quán chiếu tự tâm cho đến rỗng rang không còn kẹt chấp bất cứ điều gì, kể cả điều mà hành giả đang quán chiếu. Chừng ấy hành giả sẽ lần lần diệt được hẳn bản ngã đắc quả Tu Ðà Hoàn nhập vào dòng Thánh -  từ đây lại tiếp tục đi lên cho đến diệt hết cả Tư hoặc, vô minh hoặc, trần sa hoặc, Hành giả sẽ đắc quả vô sanh (A La Hán).

Ðại khái như vậy, nếu đi sâu vào chi tiết thế nào của niềm an lạc định tâm, không ai nói được, trừ khi vị đó đạt được kiến thức của Sơ quả Tu Ðà Hoàn (Thánh Tăng), nghĩa là có chứng có thấy mới nói hết được.

Như thế pháp tu Thiền, so ra thật khó hơn Tịnh Ðộ nhiều lắm, vì hầu như tự lực, bắt buộc diệt phá hết kiến hoặc, tư hoặc  [5]- tuy nhiên người tu Thiền cơ bản dù chưa được chứng quả, kể cả Sơ quả, vẫn được phước báo an lạc, định tâm sơ cấp, chừng mất đi hưởng quả lành vào cõi Nhân, Thiên.

Kết lại, vấn đề sáng tỏ, chỉ có Pháp tu Tịnh Ðộ thật dễ dàng cho con người hiện nay, và đó cũng là cánh cửa hoài bão, hé mở cho kẻ say ngủ đang tìm kiếm một pháp môn tu.

Bấy lâu hắn đã nghe qua kinh A Di Ðà;  không những thế, có lần còn đọc kinh này hộ niệm cho người mất. Nay làm hắn phải suy nghĩ về vấn đề lớn lại xuất hiện trong kinh đây.

Hắn suy nghĩ về một thế giới mà Phật dạy toàn vui, không một chút khổ! "Chúng sanh cõi ấy không có những khổ, chỉ hưởng những vui"  !

Tại sao lại có một thế giới lạ lùng như thế!?

Suy ra, việc gì cũng phải đối đãi, nhân duyên mới thành; hễ có vui tức có khổ, nhờ khổ mới nhận ra vui - nếu không khổ ai lại biết vui, cũng như biết vui là vì có khổ!

Nhưng, sự kiện được tả trong kinh là chỉ toàn vui, và cảnh giới lạ lùng nầy, không phải chỉ có trong một quyển kinh A Di Ðà, mà tiếp theo hai bộ nữa, là Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ.

Biết được, xưa nay người tu cầu sanh về Cực Lạc căn cứ vào ba kinh này làm gốc. Nhưng sự thật nữa, là các kinh khác thỉnh thoảng cũng nhắc về vị Giáo Chủ của cõi Cực Lạc, luôn cả tên cõi đó; như kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích...

Hắn thật bối rối! Tự nghĩ làm sao có một thế giới chỉ toàn là vui!

Lại suy nghĩ, đó là lời của Ðấng Toàn Giác nói ra, Hắn giựt mình. Phật là đấng vượt lên tất cả, Ngài không thể nào làm chúng sinh phải nghi ngại vấn đề gì. Nếu vì vấn đề bất lợi nhiều hơn có lợi, chắc chắn Ngài không bao giờ nói. Cả đời sống của Ngài là: nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp. Ngài lại nói đúng thời đúng cơ của một chúng sanh, của một thế giới. Và tuyệt đối một điều, việc làm của bậc Ðại giác chỉ có chư Phật với nhau mới biết, chúng ta không thể suy lường biết được.

Ðến đây, hắn im dịu phần nào những nghi ngại về một thế giới lạ lùng đó. Nhưng vẫn chưa tin tuyệt đối! Hắn nghĩ tiếp, Phật cũng thường dạy, vạn pháp do tâm tạo (Tam giới duy tâm, vạn pháp duy Thức) và truyền thuyết kinh kể lại, các bậc đệ tử chứng đạo của Ngài đã cảm nhận mọi an lạc giải thoát Niết Bàn tại thế, gọi là Hữu Dư Niết Bàn[6] - như vậy thế giới Ta Bà này lúc đó đã có Phật, đã có Bồ Tát Thánh Tăng, nhưng cũng còn nhiều người chưa giác ngộ, còn các ngoại đạo, còn người đau khổ...thì ở thế giới nào đó cũng phải như vậy; nếu khác hơn thì, chỉ số người đau khổ không nhiều bằng đây thôi, có đâu lại toàn vui như gọi là Cực Lạc!

Bất chợt hắn hiểu rằng, Phật xuất hiện ở cõi Ta Bà này là tự thị hiện do lòng từ bi, và đã thị hiện vào, thì đây không phải nơi trụ của Ngài; nên việc khổ ở đây là hẳn nhiên rồi! Bằng chứng đó, là việc tự phát nguyện vào cõi Ta Bà của Phật Thích Ca đã được chư Phật tán thán ca ngợi trong Kinh Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân như sau: -Thiện nam tử! Ngươi đến thế giới Ta bà, nếu thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, phải sinh lòng cúng dường cung kính, nghĩ tưởng khó gặp, bởi cớ sao? - Vì Phật Thích Ca Như Lai đã từng ở trong vô lượng trăm nghìn vạn ức A -tăng-kỳ kiếp, làm những việc khổ hạnh khó làm, phát đại bi nguyện: "Khi tôi được thành Phật, sẽ ở nơi cõi nước tệ ác, núi đồi gò đống, sành sỏi gai gốc, chúng sinh ở trong đó, đủ mọi phiền não, ngũ nghịch, thập ác, tôi sẽ tu hành thành Phật ở nơi đó, để làm những việc lợi ích, đoạn trừ tất cả khổ não cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh được tất cả vui, thành tựu pháp thân, hết không còn sót." [7] 

Riêng cõi Cực Lạc là cõi Phật, là cõi trụ của Ðấng Ðại Giác A Di Ðà, thì làm gì có khổ! Hắn tự reo lên: Ðúng rồi, đúng rồi! Ðây là cõi nhiễm và kia là cõi Tịnh. Ngài A Nan Thánh Tăng há không nói: nơi khổ ác thế gian con xin nguyện vào trước để độ chúng sanh (ngũ trược [8]) ác thế thệ tiên nhập).

Hắn bình tỉnh để lòng lắng xuống, suy nghĩ

Tất cả những cảnh tượng do tâm thức con người tạo ra, hay gọi là chiêu cảm thành. Người mang tâm thức thấp sẽ sống với hoàn cảnh thấp tương hợp, gọi là Y báo. Chẳng hạn chúng ta sống ở cõi Ta Bà nầy, cảnh trí lồi lõm như tâm con người, tức tâm thiện, ác rối ren, tâm lao xao vọng động... do đó hoàn cảnh thuận theo chẳng thể  yên bình.

Ðiều mà con người hoang mang, lo lắng, sợ hãi nhất cho đời sống là chiến tranh, nhưng việc chiến tranh cũng do con người gây ra. Theo lời dạy trong kinh, là lời của bậc chứng ngộ thông suốt các pháp cùng hiện tượng sinh tử chúng sanh, thì trong vũ trụ có hằng hà sa số thế giới, trong đó có vô số thế giới thanh tịnh. Nơi thế giới ấy hoàn toàn là những bậc vô nhiễm, vô phiền não; vì do tâm thức các Ngài như thế (chánh báo), và vậy thế giới các Ngài không có lồi lõm, thô kệch như thế giới chúng ta. Việc này cũng dễ nhận hiểu, vì luật nhân quả duyên sanh, chớ không thể nào tâm mọi người bình yên mà thế giới hỗn loạn chiến tranh được.

Nhìn xem thế giới Ta Bà, ta cũng nên nghi vấn; tại sao vẫn có các vị chứng đạo tại đây mà thế giới không thay đổi ?

Việc đã bàn qua, là do các Ngài từ tâm nguyện đại bi thị hiện độ sanh; vì từ bi thị hiện đi vào nên đây không phải nơi các Ngài chiêu cảm hóa hiện, nói rõ hơn nơi không phải các Ngài an trụ. Tuy nhiên bản thân tâm thức các Ngài không thấy khác ở bất cứ trụ xứ nào. Các Ngài đã vượt qua nhị biên[9] đối đãi, đã xô ngã bức tường Ngã, Pháp vi tế, nên các Ngài vẫn an nhiên tự tại nơi Ta Bà này. Tuy vậy sự an lạc tự tại của các Ngài, chúng ta khó thể nhận ra, vì các Ngài vẫn đóng tuồng đau khổ y như đau khổ của chúng ta, như mang thân bệnh, chịu nóng lạnh v.v...

Các Ngài diễn tuồng như vậy mục đích chỉ độ chúng sanh, tức phải sống như mọi người, chớ không thể biến thân hóa hiện mà độ được.

Thấy rõ cõi Ta Bà gồ ghề thô kệch, nguyên nhân chính là do tâm thức cộng nghiệp của tất cả chúng sanh hiện hữu chiêu cảm thành. Và vì cộng nghiệp chiêu cảm thành, nên một thiểu số không thể chiêu cảm biến đổi được một cộng nghiệp quá lớn.

Nếu một biệt nghiệp nào bằng tâm thức vô nhiễm, vô cấu, vô phân biệt đang đạt thành ở cõi Ta Bà, cá nhân biệt nghiệp đó vẫn an lạc và có thể xem cõi Ta Bà đây như là Tịnh Ðộ không khác, vì Tịnh hay Uế đều do tâm tạo ra. Và tất nhiên chỉ đối với vị đó mà thôi, còn lại chúng sanh khác chưa chứng đạo vẫn phải chịu đau khổ, chịu ảnh hưởng cảnh uế trược lồi lõm của Ta Bà nên không thể nào xem đây là Tịnh Ðộ được.

Tỉ dụ cụ thể, một vị tỉ phú giàu có, tài sản của ông có mặt khắp nước trên thế giới, cho nên ông sẽ đầy đủ khoái lạc dù ông đến ở bất cứ nước nào, và hẳn nhiên nơi ông đến, nơi ông ở, chỉ có mình ông vui sướng, còn lại người khác vẫn cày bừa cật lực mới có ăn.

Thế thì cõi Ta Bà này vẫn là cõi ô trược thật sự, vì một cộng nghiệp chúng sanh chưa chứng đạo đang sống trên đó. Và trong số lượng người sống khổ ở thế giới đây (Ta Bà), nếu một biệt nghiệp nào biết tu niệm, biết thực hành giáo lý giải thoát cá nhân ấy sẽ bắt đầu đi vào an lạc ngay ở cõi này. Rồi đến khi cá nhân ấy chết đi, tức khắc sẽ sanh về một thế giới thanh tịnh, nơi ấy là cộng nghiệp của toàn tâm thức vô nhiễm, và cõi đó chắc chắn không có lồi lõm, gồ ghề, chiến tranh máu đổ như thế giới phiền trược chúng ta. Ðây là luật nhân quả rõ ràng vậy.

Hắn nhẹ nhõm vui mừng hiểu được, và chấp nhận rằng, có một thế giới thanh tịnh đang hiện hữu một nơi nào đó ở vũ trụ bao la nầy. 

Lần mở trang kinh A Di Ðà đọc lại, để lắng nghe Phật dạy Ngài Xá Lợi Phất về sự hiện hữu phương tây có một thế giới tuyệt đẹp.


[1] Trích trong "Ðức Phật và Phật pháp", Tác giả NARADA, dịch giả Phạm Kim Khánh.

 

[2] Kinh Hiền Ngu - Phẩm thứ bốn mươi ba. Thích Trung Quán dịch   

 

[3]  Tỳ Ni nhật dụng thiết yếu - HT Thích Trí Quang dịch .

 

[4] Tứ Diệu Ðế: Bài pháp đầu tiên Phật khai thị, từ đó hình thành Ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Nghĩa của Pháp này: Khổ là chân lý, Tập (nguyên nhân) là chân lý, Diệt (khổ bị diệt hiện Niết Bàn) cảnh Niết Bàn an vui khi diệt trừ được nguyên nhân khổ. Và Ðạo (Bát chánh đạo) là con đường hướng dẫn làm thế nào để diệt khổ.

 

[5]Kiến hoặc, Tư hoặc: là những phiền não trược phiền sinh ra từ thân, tâm; phiền não đó là do vọng tưởng sai lầm đã chấp chặt từ nhiều đời quá khứ và ngay trong đời nay. Kiến hoặc: là những thấy biết sai lầm: như thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ kiến, Tà kiến. Tư hoặc: những phiền não sâu đậm vọng chấp lâu đời: như Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi.

 

[6] Hữu dư Niết Bàn: Hành giả đã đạt được cảnh an lạc giải thoát Niết Bàn tự tâm (bên trong không còn phiền não), nhưng bên ngoài vẫn còn mang xác thân ngũ uẩn. Chừng bỏ xác thân đi, sẽ đạt đến Vô dư Niết Bàn tức thân tâm giải thoát. Các bậcA La Hán thời còn Phật đều được Hữu Dư Niết Bàn.    

 

[7] Kinh Ðại-Phương-Tiện Phật-Báo-Ân. -HT.Thích Quảng Ðộ dịch, Phẩm tự Thứ nhất

thêm về sự chiêu cảm và thành lập một thế giới, bằng sự hiểu biết cố gắng của hắn.

 

[8]   Ngũ trược: Năm thứ ô nhiễm ở thế gian như: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược.

Kiếp trược: Tuổi thọ giảm dần theo kiếp số, và con người phải chịu đựng mọi phiền não trong những kiếp số nầy. Kiếp Tăng, con người thọ đến 8 vạn 4 nghìn tuổi, và đến Kiếp Giảm, xuống đến còn 10 tuổi. Trong thời Giảm, càng thấp con người càng khổ.

Kiến trược: Nhận định thấy biết sai lầm, không phân biệt được chánh pháp tà pháp.

Phiền não trược: Sự ô nhiễm của vọng tâm chất đầy mối Tham, sân, si, mạn, nghi.

Chúng sanh trược: Hoàn cảnh của những chúng sanh phải chịu khi xuất hiện ở cõi ô trược Ta Bà.

Mạng trược: Ô nhiễm trược phiền thân tâm khiến thân mạng giảm lần

 

[9] Nhị biên: hai nhận định về các Pháp Có và Không. Có là do nhân duyên nên hiện hữu. Không, là vì do nhân duyên nên không có tự tính, thành ra là Không.

 

 

---o0o---

Mục Lục

Chương I | Chương II | Chương III

Chương IV | Chương V | Chương VI | Chương VII

Chương VIII | Chương IX | Chương X

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 07-2003

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Mục lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544